[Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển] - Chương 4: Xây dựng hệ thống quyền tài sản rõ ràng, hoàn chỉnh, và được bảo vệ chắc chắn đối với tài sản công (Phần 4.1)
DẪN NHẬP
Đã từ lâu, hệ thống quyền tài sản rõ ràng và được bảo vệ chắc chắn luôn được các nhà kinh tế ủng hộ thị trường tự do như Adam Smith, von Mises, Murray Rothbard, hay F.A. Hayek cũng như các nhà kinh tế học thể chế mới như Ronald Coase, Douglass North, Armen Achian, v.v. xem như là một trong những điều kiện tiên quyết để nền kinh tế thị trường vận hành, và vì thế, là điều kiện cần để duy trì sự phát triển bền vững cho một quốc gia. Trong cuốn Vì sao các quốc gia thất bại? Acemoglu và Robinson (2012) đã đưa ra một loạt bằng chứng thuyết phục từ lịch sử phát triển của các quốc gia từ thời cổ đại cho đến nay ở khắp các châu lục rằng quốc gia nào tạo dựng và bảo vệ được hệ thống quyền tài sản rõ ràng và đầy đủ cho người dân sẽ trở nên giàu có và thịnh vượng. Nếu không bảo vệ được hệ thống này thì một quốc gia, dù đang rất thịnh vượng, cũng sẽ bị suy tàn. Các nghiên cứu định lượng gần đây giữa các chỉ số đo lường chất lượng và tính hiệu quả của hệ thống quyền tài sản với tăng trưởng kinh tế ở nhiều cấp độ khác nhau (vĩ mô và vi mô) cũng khẳng định mối quan hệ thuận chiều giữa hai chỉ số này (Knack và Keefer, 1995; Hall và Jones, 1999; Keefer. và Knack, 2002; Kerekes và Williamson, 2008; Locke, 2013). Nguyên lý kinh tế đằng sau mối quan hệ này được các nhà kinh tế kể trên nêu ra về cơ bản là, mặc dù việc thiết lập và duy trì một hệ thống quyền tài sản rõ ràng cho một quốc gia là tốn kém nhưng một khi tạo dựng được, hệ thống này sẽ giúp các cá nhân có nhiều động lực sản xuất kinh doanh và trao đổi hàng hóa hơn, sẵn sàng đầu tư dài hạn hơn; không những thế, hệ thống này còn giúp cho chi phí giao dịch giữa các chủ thể kinh tế giảm đi, tính toán kinh tế sẽ chuẩn xác hơn, và xung đột trong xã hội được giải quyết tốt hơn.
Trong quãng thời gian Việt Nam theo đuổi mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung (1954-1975 ở miền Bắc và 1975-1986 trên cả nước) do ảnh hưởng của tư duy kinh tế tập thể, hệ thống xác lập và bảo vệ quyền tài sản, cả công lẫn tư, đã bị suy yếu nghiêm trọng. Nhân danh các mục tiêu quốc gia và xã hội, tài sản của bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào cũng có thể bị Nhà nước trưng thu hoặc điều động trong một thời hạn hoặc vô thời hạn. Quá trình cải cách thể chế kinh tế thị trường 30 năm qua đã dần dần đảo ngược quá trình này. Pháp luật về chế độ sở hữu của Việt Nam đã đi được một bước tiến dài, từ chỗ chỉ thừa nhận sở hữu tập thể và sở hữu toàn dân, tới chỗ thừa nhận sự đa dạng hóa của các hình thức sở hữu và thiết lập hệ thống các quy định nhằm xác lập cũng như chuyển giao quyền sở hữu tài sản (Đậu Anh Tuấn và cộng sự, 2015). Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều loại tài sản chưa có quyền tài sản rõ ràng, đặc biệt là các nhóm tài sản liên quan đến đất đai, tài nguyên, công trình công cộng, cũng như các tài sản do hệ thống cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty và DNNN khai thác, quản lý, sử dụng. Đây là những tài sản công có nguồn gốc "sở hữu toàn dân", giá trị lớn và ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống kinh tế và xã hội. Nếu hệ thống quyền tài sản công này không rõ ràng, thiếu hoàn chỉnh, và không được bảo vệ chắc chắn thì không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, cản trở khu vực tư nhân phát triển, gây méo mó thị trường.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, hoạt động quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội bởi phạm vi ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài về lợi ích của chúng đối với rất nhiều người nhưng lại thiếu minh bạch. Điển hình là việc thay thế cây xanh đô thị tại Hà Nội trong năm 2015, hoạt động khai thác tài nguyên như bô-xít Tây Nguyên hay dầu khí, hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước đầu tư vào DNNN, hoạt động chuyển nhượng, mua bán quyền sử dụng đất, giao, cho thuê, thu hồi đất đai, v.v. Khi xảy ra các vụ việc liên quan đến tài sản công, cách thức xử lý của các cơ quan có thẩm quyền thường không rốt ráo, không truy cứu được người thực sự phải chịu trách nhiệm, và do vậy, không làm thỏa mãn được công luận. Nguyên nhân tựu chung lại thường rơi vào hai nhóm: (i) chưa rõ trách nhiệm của các chủ thể thực thi quyền tài sản công, gồm người định đoạt tài sản, người chiếm hữu hay quản lý tài sản và người sử dụng tài sản; và (ii) nội dung các quyền tài sản công chưa đầy đủ và thiếu minh định.
Mục đích của chương này nhằm nghiên cứu về các nguyên tắc và thông lệ tốt trên thế giới trong việc tạo lập một hệ thống quyền tài sản công rõ ràng và hoàn chỉnh. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ xem xét đánh giá thực trạng của hệ thống này tại Việt Nam và rút ra những hàm ý chính sách đổi mới phù hợp với tiến trình cải cách kinh tế thị trường.
Nguồn: Đinh Tuấn Minh và Phạm Thế Anh (chủ biên) (2017). Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển . NXB Tri Thức. (Báo cáo được thực hiện bởi các nhóm nghiên cứu: CIEM, VIE, VEPR, VCCI).