Nợ xấu: không dễ giải quyết
SGTT.VN (07.2012) Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, quyền chánh thanh tra, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của toàn bộ hệ thống tín dụng Việt Nam đến 31.3.2012 là hơn 202.000 tỉ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng đến 30.6.2012 chỉ khoảng 0,76% so với cuối năm trước. Tín dụng tăng trưởng chậm là một nguyên nhân quan trọng khiến cho tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm chỉ đạt 4,38%. Trong bối cảnh dư địa cho chính sách tiền tệ và tài khóa hạn hẹp, thì nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong sáu tháng cuối năm của Chính phủ thực sự là một nan đề.
Dư địa chính sách tiền tệ nới lỏng đã hết
Trước bối cảnh chỉ số giá cả (CPI) giảm mạnh, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhanh chóng hạ trần các mức lãi suất chính sách cũng như hạ trần lãi suất huy động từ mức 14% về mức 9%/năm. Tuần vừa qua, NHNN còn yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) phải hạ lãi suất cho vay xuống mức dưới 15%/năm. Đây là những động thái mạnh tay của NHNN để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với mức chi phí thấp hơn nhằm phục hồi sản xuất.
Tuy nhiên ngay cả khi CPI tiếp tục ở mức thấp, thì khả năng hạ tiếp các lãi suất chính sách thêm nữa là điều rất khó khăn. Nếu lãi suất huy động tiếp tục hạ, tỷ giá có thể sẽ diễn biến bất lợi, kéo theo là lạm phát. Việt Nam đã phải gánh chịu những tác động đến hai chỉ số vĩ mô này khi thực hiện chính sách kích cầu và chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2009. Lãi suất danh nghĩa huy động VND thấp sẽ khiến cho đồng USD trở nên hấp dẫn hơn. Với mức lãi suất huy động USD hiện ở mức 2% và kỳ vọng lạm phát ở mức 6 – 7% thì rõ ràng mức lãi suất huy động VND phải ở mức ít nhất là 9% thì mới hấp dẫn được người gửi tiền.
Tín dụng không tăng trưởng được dù lãi suất hạ có nguyên nhân chính từ việc nợ xấu tăng cao và sự kém hấp thụ vốn của cả nền kinh tế.
Theo khảo sát của viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, 46% doanh nghiệp được hỏi không có nhu cầu vay vì hàng tồn kho nhiều, đang thu hẹp hoạt động sản xuất. Trong số 54% doanh nghiệp còn lại, một phần muốn vay nhưng không vay được do có nợ quá hạn nhóm 3, 4, một số khác không có nợ quá hạn nhưng tình hình tài chính không đảm bảo hoặc không có phương án kinh doanh.
Chính sách tài khoá có thể gây rủi ro cho cả nền kinh tế
Khi chính sách tiền tệ không thực sự đem lại hiệu quả mong đợi thì chính sách tài khoá có thể được áp dụng. Năm 2012, kế hoạch đầu tư phát triển là 180.000 tỉ đồng, nửa cuối năm còn lại phải giải ngân 98.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu chính phủ là 45.000 tỉ đồng, từ nay cũng phải giải ngân gần 22.000 tỉ đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ không thể tiến hành ồ ạt và với quy mô đã được tính toán không khác nhiều so với các năm trước, nên tác động lên nền kinh tế cũng sẽ không thực sự mạnh.
Chính phủ không thể mạnh tay giải ngân và tăng đầu tư công do tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam cuối 2011 đã ở mức cao 57,3%, cách không xa ngưỡng an toàn 60% mà nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế khuyến cáo cho Chính phủ Việt Nam. Trong khi đó, chi phí cho việc phát hành trái phiếu quốc tế để tài trợ rất lớn. Trong lần phát hành trái phiếu quốc tế gần nhất của Chính phủ trị giá 1 tỉ USD, lãi suất danh nghĩa là 6,75%/năm. Còn lãi suất phát hành của Vietinbank cũng lên tới 8%/năm. Hiện nay, bài học khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn chưa có lời giải là một minh chứng cho những bất ổn của việc mạnh tay chi tiêu công. Nợ công tăng cao, lợi tức trái phiếu leo thang sẽ khiến Chính phủ mất khả năng chi trả. Thêm vào đó, xếp hạng tín nhiệm quốc gia có thể bị hạ khiến việc huy động vốn quốc tế càng thêm khó khăn.
Mua nợ xấu: bước khởi đầu để tái cơ cấu nền kinh tế
Đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu đang là một trong những vấn đề quan trọng nhất phải thực hiện lúc này. Tuy nhiên, cách thức xử lý nợ xấu thế nào vẫn đang là một trong những vấn đề được bàn thảo.
Tăng tỷ lệ trích lập dự phòng, giảm chi phí của NHTM để bù đắp cho các tổn thất về nợ xấu là một trong những giải pháp quan trọng. Nhiều NHTM nếu trích dự phòng đúng sẽ có lợi nhuận âm, vốn chủ sở hữu sẽ chỉ ở mức rất thấp. Điều này sẽ buộc các NHTM phải tăng vốn qua việc phát hành trái phiếu, phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu hay phát hành riêng lẻ. Trong khi thị trường tài chính trong nước chưa có sự cải thiện, các ngân hàng khó có thể phát hành tăng vốn thành công nếu không thực sự là ngân hàng tốt. Còn nếu tìm kiếm nguồn vốn từ nước ngoài qua phát hành trái phiếu, chi phí sẽ cao hơn nhiều so với mức Vietinbank đã phát hành thành công. Tìm kiếm các cổ đông chiến lược nước ngoài cũng đang là bài toán nan giải khi mà nhà đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu giảm dần các khoản đầu tư gián tiếp tại Việt Nam.
Một giải pháp khác cũng được đưa ra là chứng khoán hoá các khoản nợ xấu của các NHTM. Đây là giải pháp mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng nhưng chủ yếu là các nước có thị trường tài chính phát triển. Tại Việt Nam, thị trường tài chính chưa có tính thanh khoản cao, nguồn lực trong nước còn yếu thì khả năng để chứng khoán hoá các khoản nợ này sẽ khó khả thi.
Giải pháp khả thi nhất lúc này chính là giải pháp mua bán nợ qua việc thành lập công ty mua bán nợ để mua lại nợ xấu của cả hệ thống NHTM mà NHNN đề xuất. Chỉ có một cơ quan có thẩm quyền đặc biệt giải quyết nợ xấu quốc gia mới có thể giải quyết nhanh được vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay và đẩy được luồng tín dụng sạch ra nền kinh tế.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trong ngắn hạn nhằm chuyển các khoản nợ xấu đang nằm rải rác ở các tổ chức tín dụng tập trung tại một chỗ để có thể giúp cho quá trình xử lý nợ xấu được nhanh hơn. Để tăng trưởng kinh tế có thể phục hồi trở lại thì mấu chốt vẫn là tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nếu nền kinh tế vẫn vận hành không hiệu quả thì một thời gian sau, nợ xấu sẽ tiếp tục quay trở lại các ngân hàng.
Cho nên việc hình thành công ty mua bán nợ xấu quốc gia và quá trình mua bán nợ xấu này chỉ là bước khởi đầu rất quan trọng của quá trình tái cơ cấu. Nếu tái cơ cấu chậm chạp hoặc không thành công thì nợ xấu tại công ty mua bán nợ xấu quốc gia sẽ không thể xử lý và sẽ chuyển thành nợ công. Ngưỡng an toàn nợ công khi đó sẽ bị phá vỡ, đe doạ sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Nguồn: SGTT.VN 17.07.2012