Càng siết quản lý vàng, nền kinh tế càng chịu thiệt
[SGTT.VN 30.10.2012] - Trong tuần qua, ông Lê Minh Hưng, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN), đã đưa ra một số thông tin về các chính sách mà NHNN có thể thực hiện nhằm quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Trong số các chính sách này đáng chú ý nhất là các chính sách kéo dài thời hạn đóng trạng thái vàng, quan điểm của nhà nước về quản lý thị trường vàng, về huy động vàng trong dân, và khả năng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với việc mua bán vàng.
Vàng là hàng hoá hay tiền tệ?
Dường như NHNN đang cố gắng xây dựng chính sách về vàng theo hướng coi vàng chỉ đơn thuần là hàng hoá thay vì là là một loại tiền tệ đặc biệt.
Thứ nhất, NHNN tiếp tục theo đuổi kế hoạch yêu cầu các NHTM đã huy động vàng trước đây phải đóng trạng thái cho dù thời hạn được đẩy lùi đến 30.6.2013.
Mục đích của hành động này là nhằm hướng đến một thị trường vàng tại đó chỉ có quan hệ giao dịch mua và bán vàng chứ không còn có quan hệ tín dụng với vàng. Theo giải thích của ông Lê Minh Hưng thì cách ứng xử với vàng như thế sẽ tương tự như với các ngoại tệ.
Thực tế thì rõ ràng không phải như vậy. Hiện tại mặc dù NHNN đưa ra các chính sách khuyến khích các NHTM mua – bán ngoại tệ và giảm quan hệ tín dụng, nhưng quan hệ tín dụng ngoại tệ vẫn tồn tại. Lãi suất huy động ngoại tệ tuy bị kiểm soát nhưng vẫn luôn duy trì ở mức trần 2%. Trong nhiều thời điểm, các NHTM thậm chí vẫn lách trần để huy động được nhiều ngoại tệ.
Việc tồn tại quan hệ tín dụng với ngoại tệ trên thực tế đơn giản là vì ngoại tệ là tiền tệ chứ không phải là hàng hoá dù NHNN có muốn điều đó hay không. Hay nói cách khác, nếu đối xử với vàng tương tự như các chính sách hiện tại với ngoại tệ thì huy động vàng vẫn nên phải được duy trì, dù lãi suất huy động có thể thấp hơn.
Thứ hai, ý định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với việc sở hữu vàng miếng càng thể hiện rõ nét quan điểm coi vàng như là một loại hàng hoá. Theo NHNN, vàng miếng là loại mặt hàng mà NHNN không khuyến khích người dân cất giữ. Và nếu như coi vàng miếng là hàng hoá thì đương nhiên việc tiêu thụ vàng phải chịu thuế giá trị gia tăng.
Nhưng rõ ràng từ xưa đến nay vàng miếng không phải là thứ đồ trang sức. Trước việc các ngân hàng trung ương trên thế giới luôn có xu hướng lạm phát in tiền, người dân khắp thế giới đều cần tìm tới một công cụ để phòng vệ lại sự mất giá cả các đồng tiền. Đó là lý do cốt yếu khiến người dân phải nắm giữ vàng. Tất nhiên người dân cũng có thể đầu tư vào các tài sản khác có giá trị như bất động sản… để chống lại sự mất giá của đồng tiền. Nhưng các tài sản này thường có giá trị rất lớn, không đồng nhất, khó vận chuyển, thanh khoản kém hơn vàng rất nhiều.
Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới dự trữ vàng không phải để làm cảnh. Họ cũng đều ý thức được rằng tiền giấy của bất kỳ một quốc gia nào, dù là đồng đôla, euro, yen, nhân dân tệ v.v. đều không đáng tin cậy. Đó là lý do mà các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều dự trữ vàng. Do việc coi vàng như là một loại tiền tệ, nên vàng gần như có thể chuyển đổi thành một loại tiền giấy nào đó ngay tức thì với các chi phí chuyển đổi rất thấp.
Vì không có quốc gia nào coi ngoại tệ là thứ hàng hoá xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, nên một khi vàng miếng được đối xử như là tiền tệ thì không có quốc gia nào đánh thuế tiêu thụ đối với vàng miếng. Nếu Việt Nam không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động mua bán các đồng ngoại tệ, thì việc đánh thuế đối với vàng sẽ là phi lý.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Úc v.v. đều chỉ đánh thuế vốn khi đầu tư vào vàng miếng hoặc tín chỉ vàng (capital gains tax). Tức là nếu như một ai đó đầu tư vào vàng miếng hoặc tín chỉ vàng và thu được một khoản lãi nào đó thì anh ta sẽ phải nộp thuế. Việc đầu tư vào vàng trong trường hợp này được xem như tương tự đối với đầu tư trên thị trường ngoại hối hoặc chứng khoán. Nhưng chính phủ chỉ có thể làm được điều này khi quốc gia đó đã xây dựng được một thị trường vàng hiện đại để kiểm soát được trạng thái nắm giữ vàng của một cá nhân nào đó.
Dĩ nhiên, chính phủ có thể đánh thuế đối với vàng trang sức, vì đó thực sự là một loại hàng hoá.
Đi ngược thời đại
Không có được một cái nhìn rõ ràng đối với việc coi vàng miếng là tiền tệ hay hàng hoá, đã khiến cho NHNN lúng túng trong chính sách về vàng trong suốt nhiều năm qua.
Hiện nay các quốc gia trên thế giới đều đang cố gắng xây dựng các thị trường vàng thông thoáng, hấp dẫn để thu hút giới đầu tư, điển hình là Trung Quốc và Singapore. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không những mua vàng mà còn khuyến khích dân chúng mua vàng để phòng vệ rủi ro đối với đồng USD. Trung Quốc còn chủ động xây dựng chuẩn vàng miếng đạt chuẩn thế giới, để tạo điều kiện biến Thượng Hải trở thành một trung tâm giao dịch vàng hàng đầu thế giới.
Singapore cũng đã có những nỗ lực vượt bậc trong thời gian qua để biến nước này thành một trung tâm giao dịch vàng hàng đầu trên thế giới. Quốc gia này gần đây đã miễn bỏ hoàn toàn các loại thuế đầu tư vào vàng.
Trong khi đó, NHNN cứ loay hoay với các biện pháp không khuyến khích người dân sở hữu vàng miếng, thay vì tập trung vào vấn đề cốt lõi là xây dựng một thị trường vàng hiện đại, liên thông với thế giới cho Việt Nam.
Các chính sách hiện tại đã tạo ra những nghịch lý là người dân phải mua vàng với mức giá cao hơn nhiều so với giá trị thực hiện nay trên thế giới. Ngay từ khi NHNN thực hiện chính sách độc quyền với vàng miếng SJC, người dân đã thiệt thòi khi phải chuyển đổi từ vàng miếng của các thương hiệu khác sang vàng SJC. Giá vàng SJC tính tới điểm 28.10.2012 là 46,35 triệu đồng/lượng, cao hơn so với giá vàng thế giới quy đổi và giá vàng của Bảo Tín Minh Châu là 3,3 triệu đồng/lượng. Nếu áp dụng cả chính sách đánh thuế tiêu thụ dặc biệt thì mức chênh so với giá vàng thế giới sẽ còn lên đến bao nhiêu?
Nếu việc chênh lệch lớn giữa giá vàng SJC với vàng thế giới tiếp tục được duy trì thì công việc sắp tới đối với NHNN có lẽ là tìm cách chống làm giả bao bì vàng SJC. Việc này chắc chắn khó khăn và tốn kém hơn nhiều so với việc chống làm giả tiền đồng.
Việc cấm đoán các NHTM không được nhập khẩu vàng đã khiến cho các NHTM kinh doanh vàng miếng trước đây chịu một sức ép lớn trong việc cân đối trạng thái vàng, và cũng đã có ngân hàng công bố khoản thua lỗ. Có thể việc thua lỗ này không thuần tuý là lỗi kinh doanh, mà một phần quan trọng là lỗi chính sách. Sẽ là sai lầm khi cho rằng thua lỗ do kinh doanh tài chính đối với vàng thì chỉ khu vực tài chính phải gánh chịu mà không ảnh hưởng đến ngành công nghiệp vàng trang sức. Thực ra hai khu vực này liên hệ chặt chẽ với nhau đến mức sự thua thiệt của khu vực này sẽ khiến cho khu vực kia không thể duy trì được hoạt động kinh doanh ổn định như trước đây. Với chính sách bế quan toả cảng đối với vàng như vậy thì e rằng ngành công nghiệp kinh doanh vàng của Việt Nam trong thời gian tới có nguy cơ bị xoá sổ trên bản đồ thế giới.
Như vậy, với việc áp đặt những biện pháp quản lý không phù hợp với vàng miếng trong thời gian qua, NHNN đã không những không ổn định được giá vàng như đã hứa mà còn có nguy cơ khiến cho sự phát triển của thị trường tài chính đối với vàng và cả ngành công nghiệp vàng trang sức bị kìm hãm, khó cạnh tranh được với thế giới. Những chính sách theo chiều hướng cấm, siết, hạn chế đối với vàng trong thời gian tới cần được cân nhắc, mổ xẻ một cách kỹ lưỡng.
Nguồn: SGTT.VN 30.10.2012