Lãi suất tăng nhưng chưa đến mức phải chạy đua
SGTT.VN 18/06/2022 - Trong tuần qua, sau khi quyết định áp trần lãi suất huy động 9% cho các kỳ hạn dưới 12 tháng và cho phép thả nổi lãi suất với các kỳ hạn dài hơn có hiệu lực, thì nhiều ngân hàng đã nâng mạnh các mức lãi suất huy động dài hạn lên 10 – 11%, thậm chí có ngân hàng đưa ra mức lãi suất từ 12 – 14%. Cùng với đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã tăng trở lại và gần bằng với mức lãi suất huy động. Liệu đây có phải là cuộc đua lãi suất mới?
Nguồn: Báo cáo tài chính quý 1 của các ngân hàng thương mại.
Lãi suất kỳ hạn dài bật tăng mang tính kỹ thuật
So với những lần áp trần lãi suất trước đây, trần lãi suất lần này giảm nhanh hơn và dồn dập hơn, và đặc biệt, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bỏ áp trần với các kỳ hạn dài trên một năm. Một mặt các ngân hàng thương mại (NHTM) tuân thủ quy định của NHNN về mức trần mới cho các kỳ hạn dưới một năm, nhưng mặt khác họ lại nâng mức lãi suất huy động kỳ hạn một năm trở lên thêm từ 1 – 2% so với các mức lãi suất dưới một năm. Các NHTM nhỏ, chẳng hạn ngân hàng Phương Tây, mức nâng này duy trì ở mức khá cao, từ 3 – 4% so với mức lãi suất trần.
Thông thường, khi các NHTM có nhu cầu huy động nhiều ở kỳ hạn nào sẽ tăng lãi suất tại các kỳ hạn đó. Trong bối cảnh NHNN áp trần lãi suất như hiện nay, để có thể cạnh tranh thu hút lãi suất, các NHTM sẵn sàng chấp nhận huy động vốn ở các kỳ hạn dài khi trần lãi suất các kỳ hạn này không bị khống chế. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, trong cơ cấu nguồn vốn nợ của các NHTM, kỳ hạn trên một năm chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ dưới 10%. Trong khi đó, người dân và các doanh nghiệp có nguồn tiền nhàn rỗi thường không mặn mà với kỳ hạn dài. Do vậy, việc cạnh tranh huy động thu hút nguồn vốn cho các kỳ hạn trên một năm trở lên sẽ không tạo ra cuộc đua lãi suất giữa các NHTM.
Thay vào đó, một giả thiết khác có thể đưa ra là các NHTM nâng lãi suất kỳ hạn dài lên để đảm bảo duy trì hợp lý mức lãi suất cho vay ra. Điều này là do nhiều NHTM ký các hợp đồng cho vay với khách hàng, lãi suất cho vay được xác định bằng lãi suất huy động 12 tháng cộng biên độ lãi suất nhất định. Đến kỳ điều chỉnh lãi suất (thường từ ba tháng), nếu lãi suất kỳ hạn 12 tháng không tăng lên, nhiều NHTM sẽ có thể rơi vào tình trạng thua lỗ do trong khi nguồn huy động của các NHTM trong thời trước có chi phí huy động cao (từ 11 – 12% trở lên). Do vậy, có thể là trong ba tháng sắp tới, khi chi phí huy động vốn chỉ còn 9% như hiện nay thì lãi suất cho vay mới có thể giảm mạnh về mức 12 – 15%, kéo theo lãi suất huy động các kỳ hạn dài cũng giảm theo và ổn định.
Lãi suất liên ngân tăng do nhu cầu tín dụng tăng trở lại
Khó khăn trong việc cho vay ra trong những tháng qua đã khiến cho nguồn vốn kinh doanh liên ngân hàng của các NHTM dồi dào. Dù các NHTM đã liên tục mua trái phiếu kho bạc và tín phiếu NHNN, nguồn tiền đọng lại tại các ngân hàng vẫn lớn khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh, chỉ còn dao động từ 2 – 5% đối với kỳ hạn qua đêm tới một tháng. Mức lãi suất này cách biệt khá lớn so với lãi suất huy động khiến nhiều ngân hàng có nguy cơ bị thua lỗ.
Bắt đầu từ tháng 6, tín dụng đã có dấu hiệu tăng mạnh trở lại. Theo báo cáo của NHNN chi nhánh TP.HCM thì tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đến 30.6 đã tăng 1,96% so với cuối năm ngoái, tức tăng tới gần 2% so với tháng trước. Đây là mức tăng khá mạnh so với mức tăng 0,74% và 0,66% trong tháng 4 và 5. Tín dụng tăng trở lại có nghĩa là các NHTM phải rút bớt nguồn vốn kinh doanh liên ngân hàng để cho vay khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng trở lại.
Tuy nhiên, thanh khoản của hệ thống NHTM vẫn đảm bảo. Điều này một phần nhờ lượng tín phiếu có kỳ hạn 1 – 2 tháng mà các NHTM mua trước kia bắt đầu đáo hạn. Cùng với đó, tín dụng cho nền kinh tế tuy có sự cải thiện nhưng chưa thể gia tăng nhanh được do các vấn đề về nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Tín dụng khó có thể tăng mạnh do nợ xấu
Quyết tâm của Chính phủ và Quốc hội trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP đã khá rõ. Mục tiêu GDP trong năm 2012 vẫn được duy trì ở mức 6%/năm. Con số này có lẽ chỉ có tính biểu tượng cho việc thay đổi trọng tâm chính sách từ kiềm chế lạm phát sang hỗ trợ tăng trưởng bởi để đạt được mục tiêu này thì trong hai quý cuối năm, GDP của Việt Nam sẽ phải đạt mức tăng trưởng từ 7,4 – 7,5%. Ngay cả khi Việt Nam đẩy mạnh kích cầu trong năm 2009 và khi nền kinh tế thế giới hồi phục trở lại nhờ các gói kích cầu khổng lồ của các quốc gia thì tốc độ tăng trưởng bình quân hai quý cuối cũng chỉ đạt được khoảng 6,5%.
Trở ngại lớn nhất cho việc tăng trưởng kinh tế là nợ xấu ngăn cản tăng trưởng tín dụng. Với mức nợ xấu 10% toàn hệ thống thì việc cố gắng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng 2% một tháng từ nay tới cuối năm như phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Việc xử lý nợ xấu càng chậm trễ bao nhiêu thì các NHTM sẽ khó có thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ra bấy nhiêu. Một khi nợ xấu còn nhiều thì tiền vẫn tiếp tục còn ứ đọng lại tại các ngân hàng. Hay nói cách khác, thanh khoản của hệ thống sẽ vẫn chưa chịu nhiều áp lực và lãi suất liên ngân hàng sẽ vẫn tiếp tục ổn định trong thời gian tới.
Nguồn: SGTT.VN 18/06/2022