Đừng bận tâm tới việc miễn bảo hộ sáng chế vắc-xin
NEW HAVEN (MỸ) - Sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 và số ca tử vong ở Ấn Độ cho thấy đại dịch còn rất lâu mới kết thúc. Mặc dù trong năm qua, các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi đã giữ được số ca tử vong do Covid ở mức thấp, nhưng sớm muộn thì các biến thể mới, dễ lây lan hơn từ Ấn Độ và những nơi khác cũng sẽ tràn sang các quốc gia này - nơi Covid tưởng như đã nằm trong tầm kiểm soát. Trừ phi có phép lạ xảy ra - chẳng hạn như có sự đột biến khiến virus bớt nguy hiểm hơn - thì chỉ có cách tiêm chủng vắc-xin đại trà mới có thể chấm dứt vòng luẩn quẩn khốn khổ này.
Với mục tiêu như vậy, một phong trào toàn cầu đã nổi lên nhằm yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ bỏ các hình thức bảo hộ bằng sáng chế vắc-xin Covid-19 (cũng như bảo hộ các phương pháp điều trị và chẩn đoán). Tuy nhiên, việc bảo hộ bằng sáng chế không phải là nguyên nhân chính trong vấn đề cung cấp vắc-xin. Thậm chí, việc từ bỏ bảo hộ sẽ khiến các cơ sở sản xuất vắc-xin đã và đang hoạt động bị khan hiếm nguyên liệu, thậm chí làm suy giảm việc đầu tư vào ngành dược phẩm để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.
Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ trong ngành dược phẩm có một lịch sử oái ăm, lâu dài, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Khi Hiệp định WTO về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) được ký kết vào năm 1995, hầu hết các nhà kinh tế học, bao gồm những người ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại, đã lên án nó. Họ phản đối một thỏa thuận bắt buộc tất cả các quốc gia thành viên WTO phải công nhận và thực thi các quy định về bằng sáng chế trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến công nghệ, trong đó có ngành dược phẩm. Mặc dù trường hợp bảo hộ bằng sáng chế nói chung có nền tảng vững chắc dựa trên các nguyên tắc kinh tế, nhưng không có lý do thoả đáng nào để làm hài hòa việc bảo hộ bằng sáng chế giữa các quốc gia giàu và nghèo.
Như tôi đã lập luận vào năm 2010, ngành công nghiệp dược phẩm vào thời điểm đó chỉ mất một phần nhỏ lợi nhuận từ các vụ vi phạm bằng sáng chế ở các nước đang phát triển. Tệ hơn, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ có thể khiến các quốc gia này mất hoặc chậm tiếp cận các loại thuốc cấp cứu hay đặc trị, do họ không có khả năng sản xuất hay nhập khẩu các phiên bản thuốc đã được cấp bằng sáng chế.
Trong bối cảnh này, nhu cầu bãi bỏ bằng sáng chế Covid-19 là điều dễ hiểu. Vấn đề cốt lõi hiện nay là có nhiều khác biệt cơ bản, khiến ta phải suy xét vấn đề theo hướng khác. Theo một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới do Ruchir Agarwal và Tristan Reed soạn thảo, “năng lực sản xuất vắc-xin dường như không phải là hạn chế quan trọng” trong mua sắm toàn cầu.
Tính đến nay, hiện có ít nhất 10 loại vắc-xin Covid-19 với hiệu quả trên 50% (đây là ngưỡng do Cục quản lý Dược Liên bang Hoa Kỳ đặt ra vào ngày 30 tháng 6 năm 2020, theo "hướng dẫn cho các ngành công nghiệp"). Tuy các loại vắc-xin có mức hiệu quả khác nhau, song tất cả đều có khả năng bảo vệ người bệnh khỏi phải nhập viện và tử vong. Hơn nữa, 10 công ty sản xuất vắc-xin đặt ra mục tiêu đến năm 2021 có thể sản xuất đủ để tiêm chủng cho 93% dân số thế giới.
Vậy vấn đề ở đây là gì? Theo Agarwal và Reed, các công ty sẽ ngại kích hoạt năng lực sản xuất hiện có nếu không có cam kết mua hàng. Hiện có một khoảng cách lớn giữa số lượng liều có thể được sản xuất và số lượng được đặt hàng và dễ hiểu là khoảng cách này còn chênh lệch ở các quốc gia khác nhau. Các quốc gia có thu nhập cao mua nhiều hơn mức họ cần, dẫn đến tình trạng dư thừa, trong khi các quốc gia thu nhập thấp bị bỏ xa trong cuộc đua này.
Trong hoàn cảnh đó, việc nới lỏng bảo hộ sáng chế vắc-xin sẽ không có tác động gì đáng kể đến việc đẩy nhanh việc tiêm chủng ở các nước có thu nhập thấp hơn. Một chiến lược hiệu quả hơn nhiều là giúp các nước có thu nhập thấp mua vắc-xin, đồng thời chuyển số liều dư thừa từ các nước giàu đến những nơi cần vắc-xin nhất.
Nhìn chung, chiến lược này đã và đang được thực hiện nhờ nguồn lực của sáng kiến Cam kết Thị trường phát triển COVAX (COVAX AMC), cùng với các khoản vay ưu đãi của các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới và các sáng kiến khu vực như sáng kiến của Liên minh châu Phi. Đáng chú ý, Agarwal và Reed cho thấy nguồn lực của COVAX AMC và sáng kiến của Liên minh châu Phi đã đảm bảo rằng hầu hết các quốc gia châu Phi đã đặt hàng đủ vắc-xin cho ít nhất 50% dân số.
Tuy nhiên, vẫn còn ba thách thức quan trọng. Thứ nhất, việc thu hẹp khoảng cách 350 triệu liều vắc-xin mua trước cần thêm 4 tỷ đô-la - tuy là một chi phí nhỏ khi so với lợi ích tiềm năng của việc đạt được miễn dịch toàn cầu. Việc cung cấp nguồn hỗ trợ tài chính, dù là qua hỗ trợ bổ sung cho nguồn lực của COVAX AMC hay bằng cách gửi vắc-xin thừa đến các nước đang phát triển phải diễn ra càng sớm càng tốt. Điều này sẽ không quá khó khăn hay tốn kém với các nước có thu nhập cao.
Hai là, Ngân hàng Thế giới cần nới lỏng các điều kiện để mở rộng các khoản vay để mua trước vắc-xin. Hiện tại, các khoản vay này chỉ được cấp để mua các loại vắc-xin được phê duyệt bởi ba cơ quan quản lý (stringent regulatory authorities - SRAs) ở ba khu vực khác nhau. Trong số các khu vực này có Nhật Bản và một số quốc gia phương Tây, những quốc gia này đương nhiên ưu tiên phê duyệt vắc-xin dành cho dân của họ. Các quốc gia này ít có động lực để phê duyệt sử dụng khẩn cấp các loại vắc-xin có hiệu quả cao trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, chẳng hạn như Bharat Biotech’s Covaxin (Ấn Độ), Gamaleya’s Sputnik V (Nga) và Sinovac Biotech’s CoronaVac (Trung Quốc). Việc mở rộng danh sách các cơ quan quản lý quốc gia được phân loại như là SRA sẽ có tác động tích cực đáng kể đến việc tăng cường cho vay vốn để mua vắc-xin.
Cuối cùng, các nhà sản xuất vắc-xin hiện nay sẽ không thể đạt được mục tiêu sản xuất nếu chủ nghĩa dân tộc vắc-xin dẫn đến việc hạn chế xuất khẩu đối với các nguyên liệu đầu vào và các nguyên liệu thô quan trọng. Những hành vi mang tính dân tộc chủ nghĩa như vậy đã từng xảy ra với các trang thiết bị bảo hộ cá nhân, nhưng các hạn chế xuất khẩu đó chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Hi vọng rằng câu chuyện vắc-xin cũng tương tự như vậy. Để tránh hiện tượng dân tộc chủ nghĩa với vắc-xin, trong những tháng tới, việc hợp tác và điều phối quốc tế sẽ đóng vai trò quan trọng.
Có nhiều cách để các nền kinh tế tiên tiến hỗ trợ các nước nghèo hơn trong việc tiêm chủng, song việc nới lỏng bảo hộ sáng chế vắc-xin không phải là giải pháp đúng. Ngược lại, cần tập trung vào việc cung cấp thêm nguồn vốn, nới lỏng điều kiện cho vay đối với việc đặt hàng trước vắc-xin, cũng như phân bổ thặng dư từ các nước thu nhập cao đến phần còn lại của thế giới.
*Pinelopi Koujianou Goldberg là cựu kinh tế trưởng của Nhóm Ngân hàng Thế giới, tổng biên tập của American Economic Review, và là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Yale.
Nguồn: Pinelopi Koujianou Goldberg, Forget the Vaccine Patent Waiver, Project Syndicate, 13/5/2021