P/v ông Nguyễn Đức Thành: Tăng năng suất lao động phải ở cấp quốc gia
Trao đổi với DĐDN, TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, chỉ bằng cách nâng cao năng suất, Việt Nam mới có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, cơ cấu lại các ngành công nghiệp và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
- Số liệu điều tra năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam vừa được VEPR đưa ra cho thấy NSLĐ ngành bất động sản của Việt Nam đứng thứ 4 Châu Á. Đây là tín hiệu mừng cho sự tăng trưởng NSLĐ Việt Nam, thưa ông?
- Trong những năm gần đây, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao do có xuất phát nền thấp. Đột phá lớn nhất ghi nhận trong các ngành bất động sản và dịch vụ văn phòng; Khai mỏ và khai khoáng; Dịch vụ cộng đồng xã hội, cá nhân. Tuy nhiên, đây là những ngành còn sơ khai tại Việt Nam hoặc có tính độc quyền, thâm dụng vốn cao nên có NSLĐ tăng trưởng cao hơn các nước.
Điều đáng nói, nếu so sánh với một số nước Đông Bắc Á và ASEAN, NSLĐ của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Cụ thể, năm 2017, NSLĐ của Việt Nam bằng hơn 50% nhóm nước thu nhập trung bình thấp và bằng 18,3% nhóm các nước thu nhập trung bình cao. So với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Campuchia thì NSLĐ của Việt Nam thấp nhất.
Thậm chí, NSLĐ của Việt Nam xếp sau Campuchia ở 3 ngành là công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; vận tải kho bãi và truyền thông. Trong khi đó đây là những nhóm ngành cơ bản, trọng tâm nếu chúng ta muốn bắt kịp cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hệ quả, NSLĐ thấp dễ đặt Việt Nam trước nguy cơ mắc bẫy “thu nhập trung bình”, đây cũng là nguyên nhân làm giảm sút tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Đây là thời điểm Việt Nam cần xây dựng quyết tâm và thực sự ý thức về việc cải thiện NSLĐ ở cấp độ quốc gia, tạo đột phá cho tăng trưởng NSLĐ. Chỉ bằng cách nâng cao năng suất, Việt Nam mới có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, cơ cấu lại các ngành công nghiệp và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
- Vậy, làm sao tạo đột phá cho tăng trưởng NSLĐ Việt Nam, thưa ông?
- Trước tiên, chúng ta cần thay đổi từ tư duy tới hành động, xây dựng phong trào về NSLĐ Việt Nam, nếu không sẽ bị tụt hậu mãi mãi. Cụ thể, Việt Nam cần phải xây dựng phong trào tăng năng suất giống như Nhật Bản đã từng làm sau thế chiến thứ 2 cũng như Singapore đã làm đầu thập niên 1960. Việc thay đổi ở đây đòi hỏi thay đổi căn bản về mặt tư duy về cách tổ chức cuộc sống, tổ chức sinh hoạt và các yếu tố khác có liên quan.
Hiện chúng ta đã có một số cơ quan có thể coi là quản lý vấn đề về năng suất nhưng còn khá manh mún, không tạo ra được định hướng chính sách hay triết lý về tăng năng suất.
Do đó, tôi cho rằng đã đến lúc Chính phủ cần hình thành một tổ chức, ủy ban, cơ quan thống nhất vấn đề năng suất của Việt Nam, xác định đó là vấn đề sống còn của nền kinh tế.
Cách làm không chỉ ở cấp địa phương hay cấp doanh nghiệp mà phải là cấp quốc gia, thay đổi từ khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp, khu vực hộ gia đình.
Trong đó, cải cách khu vực nhà nước bao gồm khu vực hành chính và DNNN. Chính khu vực hành chính nhà nước phải thay đổi từ cách điều hành, hoạt động của bộ máy, cách ra chính sách, cách giải quyết các vấn đề.
Đối với khu vực doanh nghiệp gồm DNNN, tư nhân và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cần hướng cải thiện năng suất lao động ở khu vực kinh tế tư nhân. Nếu cải thiện được năng suất lao động tại khu vực này sẽ tạo nên sự đột phá cho nền kinh tế của Việt Nam. Việc phụ thuộc tăng năng suất vào FDI sẽ là thiếu bền vững khi có khủng hoảng.
Cùng với đó, cải thiện NSLĐ khu vực hộ gia đình, bắt nguồn từ thay đổi cách sinh hoạt và tư duy người dân. Chỉ có cách đó mới có thể thay đổi thực chất NSLĐ.
- Hướng đi nào cho tăng NSLĐ đặc biệt khu vực tư nhân mà ông vừa nhắc đến?
- Cải thiện được NSLĐ khu vực tư nhân sẽ tạo đột phá cho tăng NSLĐ nền kinh tế, bởi các doanh nghiệp này hiện nay, dù năng suất lao động thấp nhưng sử dụng số lượng lao động lớn nhất.
Để làm được điều này cần thay đổi từ địa phương. Hiện chúng ta đang nỗ lực tăng năng suất tại các địa phương theo cách, các bộ ngành địa phương, cơ quan quản lý xác định tăng cường phát triển ngành gì, khu vực nào, nuôi con gì... Tuy nhiên, người làm chính sách lại không nắm được thông tin, tín hiệu thị trường. Do đó, các địa phương cần lấy ý kiến chuyên gia trong từng lĩnh vực, đặc biệt để các doanh nghiệp tăng cường định hướng cho sản xuất.
Cùng với đó, Nhà nước hỗ trợ mở rộng thị trường quốc tế nhanh hơn nữa cho các ngành có NSLĐ cao, điều này làm giảm tác động của hiệu ứng tương tác.
Trên thế giới, có Trung Quốc là nước đạt được điều này, hiệu ứng tương tác không âm khi lao động chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp do nước này mở rộng thị trường cho sản phẩm giá trị cao khiến NSLĐ ngành nhận lao động không giảm.
Đây là hàm ý rất quan trọng trong phát triển với Việt Nam. Hiệu ứng tương tác là điểm cần đột phá tạo sức bật cho tăng NSLĐ. Cùng với đó, hiệu ứng nội ngành dần vượt qua hiệu ứng chuyển dịch để dẫn dắt NSLĐ là xu hướng tích cực cần duy trì.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Tăng năng suất lao động phải ở cấp quốc gia, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), 25/10/2018