Năm 2012, xăng, điện…liệu hết “lùm xùm”?

Năm 2012, xăng, điện…liệu hết “lùm xùm”?

[Toquoc -11.01.2012] – Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho rằng, năm 2012, không chỉ riêng xăng, điện…mà đối với tất cả các ngành độc quyền, nếu vẫn còn tình trạng “một ông một chợ” thì cũng vẫn sẽ còn sự thiếu đồng thuận của dư luận. 

Tổ Quốc có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (ĐH Quốc gia Hà Nội) về dư luận đối với những ngành độc quyền trong năm 2012.

P/V: Thưa ông, xăng, điện là một trong hàng loạt các vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong năm 2011 vừa qua. Ông nghĩ thế nào về việc dư luận đã không đứng về phía những ngành này?

Ông Nguyễn Đức Thành: Thực ra các vấn đề về hoạt động của ngành xăng, điện… không chỉ của riêng năm 2011 mới có. Đối với các ngành độc quyền, “một ông một chợ” thì các hành vi của họ phần lớn đều không thoả mãn dư luận.

Trong số các thị trường độc quyền mà nhà nước đang nắm giữ, hiện dư luận mới chỉ quan tâm đến một số ngành như: điện, xăng dầu, nhưng có thể sau này sẽ tiếp tục là nước, than… bởi đây là những ngành liên quan đến đời sống dân sinh.

Bản chất là ở chỗ, đối với các ngành độc quyền, hiện chúng ta chưa có chính sách, đường lối rõ ràng, một phần nào đó còn chưa ngã ngũ, bối rối… khiến cho Chính phủ phải “đau đầu” về việc phải xây dựng một cấu trúc đặc thù cho thị trường.

Do vậy, đây không chỉ là vấn đề của năm 2011 mà đã xảy ra từ rất lâu rồi. Mặc dù vậy, sự việc này chỉ bùng lên vào năm 2011 bởi theo tôi là vì liên quan đến nhiệm kỳ của Chính phủ mới, trong đó có các Bộ trưởng mới. Cũng chính vì mới nhận công tác nên có thể họ đã có những quan điểm khác nhau ở cấp bộ và chưa kịp thống nhất ở trong Chính phủ nên đã gây ra những xáo trộn đó…Từ đó bộc lộ cho thấy bản thân sự điều hành những ngành này đã có sự lúng túng, chưa minh bạch khiến báo chí, người dân có cơ hội hiểu thêm về nội ngành.

Tôi cho rằng, sự “lùm xùm” trong năm 2011 về các vấn đề xăng, điện…dường như là một sự ngẫu nhiên của một quá trình tất yếu mà thông qua đó, chúng ta đã thấy rõ nhiều bất cập trong công tác điều hành.

P/V: Nói như vậy có nghĩa là các ngành độc quyền đều có hiệu quả hoạt động không tốt và cơ chế quản lý không minh bạch, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Thành: Cấu trúc của các ngành này và sự không minh bạch thường có mối quan hệ biện chứng với nhau.

Chẳng hạn, ngành điện thường có chi phí rất lớn nên người ta đặt câu hỏi về việc sử dụng chi phí của ngành. Tuy nhiên, bởi cấu trúc của ngành là độc quyền, đặc lợi nên cho phép ngành điện tự dung túng cho chính mình.

Trong khi những ngành khác với cấu trúc khác, có hệ thống cổ đông, có cạnh tranh…thì tự nhiên tính giải trình, minh bạch sẽ cao để còn tồn tại được trong xã hội. Tuy nhiên, với ngành điện thì vẫn lỗ triền miên, lỗ nặng và đe dọa sự tồn vong của ngành. Và cũng vì thế mà ngành điện ôm một khối nợ khổng lồ, trong khi ở thời kỳ thịnh vượng thì lại đầu tư ra ngoài ngành vô trách nhiệm, thiếu sáng suốt và trách nhiệm giải trình quá thấp.

Điều đó cho thấy, cấu trúc các ngành độc quyền nói chung và của ngành điện nói riêng đã không cho phép việc hoạt động của các ngành này có hiệu quả.

P/V: Vẫn biết là để thay đổi thì cần phải tái cơ cấu, phải chuyển đổi các ngành độc quyền này theo hướng cạnh tranh theo kinh tế thị trường. Tuy vậy, nhiều quan điểm cho rằng, việc này chưa thể thực hiện ngay trong giai đoạn này. Vậy theo ông, trước mắt, các nhà quản lý cần phải làm gì để giảm “bức xúc” cho người dân?

Ông Nguyễn Đức Thành: Giải pháp nếu có thì phải ở phía trên cấp bộ. Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng chuyên trách có thể  yêu cầu các bộ hợp tác, giải trình minh bạch.

Chẳng hạn, cùng một mặt hàng nhưng các bộ lại có trách nhiệm, vai trò khác nhau , lối điều hành cũ, chồng chéo….và không ăn khớp do một phần có lợi ích nhóm trong đó. Các bộ quản lý giờ vẫn còn nhùng nhằng về trách nhiệm thì quả thật đòi hỏi tính minh bạch là rất khó…Chẳng hạn như định mức hoa hồng cho đại lý xăng dầu vừa qua. Có thể nói, ngay từ trên nóc đã có sự không thống nhất thì cứ thế dột xuống.

Do vậy, để giải quyết được vấn đề này đòi hỏi phải có quyết tâm rất lớn và phải có quyết tâm chính trị rất cao.

Còn nếu chúng ta muốn bắt đầu cải cách lại cơ cấu ngành thì không bao giờ là sớm. Tuy nhiên, để bắt đầu thì trước tiên cần phải có một tầm nhìn, một sự bắt đầu từ tư duy và cũng cần phải xây dựng một đề án hay một kế hoạch chiến lược đàng hoàng, cụ thể.

Mặc dù vậy, đối với Việt Nam, chúng ta chưa đủ kinh nghiệm để thực hiện theo cơ cấu này.

P/V: Dù chưa thể thay đổi cấu trúc hoạt động của các ngành độc quyền trong ngày một, ngày hai nhưng dù ở hoàn cảnh nào thì lợi ích của người dân cũng phải đặt lên hàng đầu, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Thành: Rõ ràng là như vậy. Nếu cấu trúc thị trường này gần với cơ chế thị trường, tức là có tính cạnh tranh, minh bạch…thì tự nhiên người tiêu dùng sẽ được lợi. Lợi ích lớn nhất của nền kinh tế thị trường là làm cho người tiêu dùng được lợi và người sản xuất thì liên tục nâng cao hiệu quả sản xuất của mình.

Do vậy, chừng nào chúng ta còn đi ngược lại xu hướng trên thì vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn.

P/V: Như vậy có nghĩa là trong năm 2012, những vấn đề về xăng, điện…sẽ còn tiếp tục khiến dư luận phải quan tâm, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Thành: Theo tôi, đối với các ngành độc quyền thì năm tới vẫn chưa có gì thay đổi đáng kể. Câu chuyện xăng, điện…vẫn là vấn đề khiến người dân phải quan tâm. Bên cạnh đó, người dân chắc chắn sẽ phải đối diện với việc tăng giá từ các mặt hàng này.

Mọi việc chỉ có thể thay đổi trừ khi có sự thay đổi về tư duy, sự cầu thị của các nhà quản lý nhằm tạo ra một bước khởi đầu, từ đó tạo hình ảnh về một sự trưởng thành mới và các nhà quản lý sẽ hành động theo tư duy ấy.

P/V: Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Nguồn: toquoc.vn, 11/01/2012Link khác: http://vepr.org.vn/533/news-detail/433920/cap-nhat-tin-kinh-te-chinh-sach/nam-2012-xang-dien-lieu-het-lum-xum-.html