![[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương IV: Logic hành động của con người](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k25001.1_(1).jpg)
[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương IV: Logic hành động của con người
Bằng trực giác ta cũng biết rằng con người hành động một cách có ý thức, Mises nói; và hành động cũng chỉ đơn giản là theo đuổi tình huống mà ta cho là tốt hơn mà thôi. Từ khái niệm trực quan về sự ưa thích như thế, chúng ta có thể nhận ra ngay rằng người ta hành động là nhằm tối đa hóa sự thỏa mãn và tối thiểu hóa sự bất mãn của họ. Từ đây mới xuất hiện ý tưởng về lợi ích cận biên và trao đổi: người ta sẽ từ bỏ những thứ mang lại cho họ ít thỏa mãn để nhận về những thứ làm cho họ thỏa mãn hơn. Chúng ta không cần quan sát hay làm thí nghiệm mới biết điều đó: tất cả đều phát sinh một cách logic từ bản thân khái niệm hành động.1 Vấn đề không phải ở chỗ giá trị mà con người cụ thể đó coi trọng là gì: dù họ có thích hay cần gì đi nữa thì logic hành động vẫn là trước hết họ sẽ thỏa mãn những nhu cầu khẩn thiết nhất.
Lí lẽ tương tự giúp chúng ta phác họa bức tranh về những khái niệm như mục đích và phương tiện hay lời và lỗ.2
Mục đích, Mises nói, là kết quả mà hành động tìm kiếm; còn phương tiện là cái phục vụ cho mục đích vừa nói. Nhưng dĩ nhiên là nguồn lực thì có hạn - sự thật hiển nhiên này cũng có nguồn gốc từ khái niệm hành vi vì người ta sẽ hoàn toàn chẳng cần hành động nếu họ có đầy đủ mọi thứ họ muốn. Cho nên chúng ta phải lựa chọn và phải hi sinh một số thứ để đạt được một số thứ khác. Giá trị của cái chúng ta phải hi sinh được gọi là giá cả. Giá trị của mục đích mà chúng ta giành được gọi là lợi ích. Sai lệch giữa giá cả và lợi ích được gọi là lời (còn gặp phải tình huống xấu thì đấy là lỗ).
Nhưng tất cả các khái niệm kinh tế này - giá cả, lợi ích, lời và lỗ - đều là những khái niệm hoàn toàn mang tính cá nhân. Đấy chỉ là những đánh giá cảm tính của chúng ta về giá trị. Đấy không phải là những giá trị khách quan - có thể quan sát và đo lường được như những hiện tượng mà các nhà khoa học tự nhiên vẫn xử lí - mà là những giá trị chủ quan - những thứ chỉ xảy ra trong đầu óc những người có liên quan. Tương tự những tình cảm khác như buồn bực, ghen tức hay tình yêu, chúng không phải là đối tượng cho các tính toán toán học.
Nguồn gốc của việc trao đổi và giá cả
Giá trị, giá cả, lợi ích, lời và lỗ là những giá trị mang tính cá nhân rất cao, chính vì thế mà chúng ta mới buôn bán và trao đổi với nhau. Nếu giá trị là một thuộc tính có tính khách quan tương tự kích thước và trọng lượng thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ trao đổi với nhau bất cứ thứ gì. Không ai lại đi đổi một món hàng lấy món hàng có giá trị thấp hơn. Nhưng chúng ta vẫn trao đổi vì chúng ta đánh giá những món hàng đó một cách khác nhau. Trẻ con đổi những món đồ chơi mà chúng đã chán lấy món mà chúng thích. Ông chủ lò bánh bán bánh mì để mua thịt của anh hàng thịt. Trao đổi không tạo ra bất kì món đồ chơi hay cái bánh mì hoặc miếng thịt mới nào - nhưng mọi người đều cảm thấy hài lòng. Thực vậy, họ sẽ chẳng bỏ công trao đổi nếu họ không cảm thấy hài lòng.
Dĩ nhiên là không bao giờ chúng ta có thể biết hoặc đo lường được lợi ích về mặt tâm lí mà mỗi bên nhận được sau mỗi lần trao đổi như thế. Nhưng ít nhất chúng ta cũng có thể thấy và đo lường được khối lượng của một món hàng mà người ta sẵn sàng từ bỏ để đổi lấy món hàng khác - ví dụ như số tiền mà người chủ lò bánh mì đòi trong quá trình trao đổi cái bánh mì. Và chúng ta gọi tỉ lệ trao đổi là giá cả. Trong nền kinh tế sơ khai, hàng đổi hàng, giá của một cái bánh mì có thể là một lượng thịt hay số hàng hóa khác nào đó. Nhưng trong nền kinh tế thị trường hiện đại, chúng ta sử dụng tiền làm phương tiện trao đổi, giá cả được thể hiện bằng dollar Mỹ, bảng Anh hay một đồng tiền địa phương nào đó.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng giá cả, mặc dù có thể dễ dàng quan sát được, trên thực tế không phải là thước đo giá trị của đồ vật. Giá thị trường của bánh mì, của thịt hay bất kì món hàng nào khác chỉ đơn giản là tỉ lệ trao đổi, mà tỉ lệ này lại là kết quả hoạt động của rất nhiều người đang buôn bán những món hàng này trên thị trường. Mà buôn bán có thể thực hiện được là vì người ta đánh giá những món hàng này một cách khác nhau. Mỗi vụ trao đổi chỉ có một giá, nhưng lại có hai cách đánh giá khác nhau và trái chiều nhau.3
Những nền tảng sai lầm trong sách giáo khoa kinh tế học dòng chính
Lí lẽ đơn giản này, theo Mises, đã cho thấy sự ngớ ngẩn của các mô hình trong kinh tế học dòng chính rồi. Dĩ nhiên là trường hợp “cạnh tranh hoàn hảo" trong sách giáo khoa chỉ nhằm đơn giản hóa thế giới hiện thực mà thôi. Nhưng mô hình, trong đó người mua và người bán đều như nhau, cả người mua lẫn người bán đều chẳng có ảnh hưởng gì tới giá cả hàng hóa được mua bán thì không còn là sự đơn giản hóa thế giới hiện thực nữa mà là sự từ bỏ hoàn toàn thế giới hiện thực. Thị trường hoạt động được chỉ bởi vì người ta không giống nhau và giá cả chỉ xuất hiện vì người ta trao đổi trên cơ sở đánh giá của họ về những món hàng mang ra trao đổi là khác nhau.
Giá cả cũng không phải là cái “có sẵn” như các mô hình vẫn nói. Không có gì liên quan đến giá cả là có sẵn hoặc thậm chí đứng yên vì nó là kết quả của những vụ mua đi bán lại bất tận giữa những người khác nhau và cũng luôn thay đổi, mỗi người lại phải đứng trước những lựa chọn khác nhau và chính những lựa chọn cũng thường xuyên thay đổi. Khái niệm “giá cân bằng" trong sách giáo khoa, tức là giá cả mà cung và cầu cân bằng là một khái niệm vô nghĩa. Và những cố gắng nhằm xây dựng mô hình “cân bằng tổng quát”, tại đó tất cả các thị trường đều nằm ở trạng thái cân bằng còn là một điều ngớ ngẩn hơn nữa. Những mô hình đó đã loại bỏ tất cả những tác nhân làm cho thị trường hoạt động.
Mises không phải là người đầu tiên nêu ra tất cả những chuyện như thế: các nhà kinh tế học Trường phái Áo tiền bối đã phát triển ý tưởng cho rằng xét đoán về giá trị của các cá nhân là cốt lõi của mọi sự kiện kinh tế và mở đường cho việc phân tích lợi ích cận biên cũng như phê phán các lí thuyết của môn kinh tế học dòng chính. Tuy nhiên, Mises đã có những đóng góp quan trọng, đấy là đối chiếu và thu thập những ý kiến khác nhau và thường là còn rời rạc thành một cách tiếp cận toàn diện đối với kinh tế học, như là một môn khoa học suy luận diễn dịch chứ không phải là môn khoa học thực nghiệm; đây là cách tiếp cận mà ông, không nghi ngờ gì nữa, là người bảo vệ kiên cường nhất.
Chú thích:
(1) Dù thế F. A. Hayek, một môn đệ của ông trong Trường phái Áo, người được giải Nobel về kinh tế, "miễn cưỡng chấp nhận" quan điểm cho rằng khoa học kinh tế có thể được suy ra từ những chân lí hiển nhiên bởi vì quan điểm này vô hình chung đã phủ nhận những sự kiện bất ngờ và không coi trọng đúng mức tầm quan trọng của những quan sát trên thực tế, "mặc dù tôi đồng ý với ông rằng phần lớn môn khoa học này được viết ra thành lời văn từ những suy luận logic khởi đầu từ những sự thực này". Xem "Coping with ignorance", trong E. Butler (ed.), Knowledge, Evolution and Society, Adam Smith Institure, 1983.
(2) Muốn tìm hiểu thêm lí lẽ được trình bày trong chương này, xin đọc thêm Human Action
(3) Ý nói người bán đòi giá cao, người mua lại trả giá thấp - ND
Nguồn: Eamonn Butler (2014). Lược khảo Ludwig von Mises. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: Ludwig Von Mises―A Primer (2014). (lưu ý: bản đăng trên thitruongtudo.vn đã được Đinh Tuấn Minh hiệu đính).