P/v ông Nguyễn Đức Thành: Nếu ai "khư khư rằng Uber, Grab là kẻ xấu trong xã hội thì chính họ sớm muộn sẽ bị coi là phản diện"
Thời gian gần đây, "cuộc chiến taxi công nghệ" Grab, Uber và taxi truyền thống đang "nóng" trên thị trường vận tải. Đặc biệt là khi các hãng taxi truyền thống "cầu cứu" Thủ tướng, các Sở GTVT đề nghị "siết" loại hình vận tải này.
Nhằm có một cái nhìn "rõ nét" hơn về "cuộc tranh luận" giữa Grab, Uber và taxi truyền thống, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).
- PV: Thời gian gần đây, "taxi công nghệ" Grab, Uber phát triển mạnh ở Việt Nam. Loại hình vận tải sử dụng công nghệ mới này có lợi ích như thế nào thưa ông?
- TS Nguyễn Đức Thành: Các loại hình vận chuyển theo công nghệ mới, như kiểu Uber và Grab theo giới chuyên môn là xe “hợp đồng điện tử” (HĐĐT). Có thể nói, loại hình này là một ứng dụng đặc trưng của thời đại công nghệ 4.0.
Nói riêng về xe HĐĐT - đó là hệ thống cho phép định vị những xe đang đợi khách ở nơi gần nhất, và cả khách lẫn tài xế đều có thể lựa chọn nhau.
Điều này giúp giảm chi phí giao dịch, thời gian lưu thông trên đường của phương tiện, tăng hiệu quả cho cả lái xe và hành khách, đồng thời giúp cải thiện môi trường.
Dựa trên nền tảng thanh toán điện tử, hệ thống cũng giúp việc thanh toán chính xác và không cần tiền mặt, giúp giảm những bất tiện ở taxi truyền thống như phía khách hàng không phải lo tài xế thiếu tiền lẻ trả lại, hay những sự phiền hà khác do việc dùng tiền mặt gây nên.
Nhưng trên hết, xe HĐĐT chính là một giải pháp về giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường cho các đô thị lớn. Nhờ có sự tiện dụng và chi phí thấp của xe HĐĐT, nhiều người trong thành phố đã không còn muốn sở hữu xe riêng, hoặc nếu có thì cũng rất ít khi sử dụng trong nội thành.
Một ví dụ nữa đó là dịch vụ đi xe chung của các hãng này (GrabShare và UberPool). Đây là một lợi thế ưu việt của xe HĐĐT mà taxi truyền thống không thể có được. Lợi ích cho hành khách (chia sẻ tiền cước) và môi trường (ít xe lưu thông hơn) là rõ ràng.
Tính năng ưu việt của xe HĐĐT là nó tận dụng được tối đa nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội, từ những sinh viên lái xe ôm Grab vài giờ mỗi ngày để cải thiện cuộc sống và trang trải học phí, tới những người lái Uber chỉ lúc rảnh rỗi để có thêm thu nhập cho gia đình...
- Thời gian gần đây, có hãng taxi truyền thống gửi kiến nghị lên Thủ tướng cho rằng "taxi công nghệ" đang phá vỡ kinh doanh vận tải. Theo ông, các nội dung này có cơ sở hay không?
- Sự xuất hiện của các công nghệ mới như Uber, Grab đúng là đang làm thay đổi diện mạo của ngành kinh doanh vận tải, không phải chỉ ở Việt Nam mà là toàn cầu.
Nói là “phá vỡ” thị trường này thì vừa là đúng vừa là không đúng. Với tư cách là một bước tiến vượt bậc về công nghệ trong kinh doanh vận tải, thì đúng là phải có một sự tan vỡ của thị trường truyền thống, để từ đó thoát thai ra một thị trường mới mà chắc chắn nhân loại sẽ đi theo hướng đó.
Như vậy, nhận định của các công ty taxi truyền thống có một sự tan vỡ là chính xác, từ góc nhìn của họ.
Trái lại, từ góc nhìn của người tiêu dùng, của xã hội, và thậm chí cả những người tài xế trong khu vực truyền thống, thì đây không phải là một sự tan vỡ nào cả, mà đơn thuần là một cơ hội mới, mang tới những điều kiện mới, bổ sung thêm cho loại hình taxi truyền thống.
Người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn khi muốn di chuyển. Người tài xế có nhiều cơ hội việc làm hơn. Và xã hội được hưởng lợi nhiều hơn.
- Gần đây, có nhiều thông tin về việc Grab trốn thuế, thất thu thuế... Tổng cục Thuế cũng đã chỉ đạo thanh tra thuế của các đơn vị taxi. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Về mặt kỹ thuật, chính các hãng như Uber, Grab là dễ dàng minh bạch nhất trong vấn đề tài chính, do bản chất công nghệ của họ minh bạch cho từng chuyến đi. Nếu họ trốn thuế được, thì đó là trách nhiệm cơ quan thuế của chúng ta.
Một số người thường nhấn mạnh đến yếu tố nguồn thu ngân sách, rằng thuế thu được từ Uber hay Grab ít hơn so với taxi truyền thống. Đây là điều chúng ta cần phải thận trọng, vì khi so sánh, chúng ta cần so sánh quy mô tương đương về số xe vận hành.
Thêm vào đó, nếu số thuế thu được có nhỏ hơn, nhưng lợi ích cho người tiêu dùng lại lớn hơn rất nhiều, chưa kể phần tiết kiệm từ chi phí bảo vệ môi trường. Từ góc độ người quản lý, cần cân nhắc tổng thể chứ không thể chỉ dựa vào một tiêu chí thu ngân sách mà thôi.
- Chúng ta không phủ nhận những lợi ích mà Grab, Uber đang mang lại. Tuy nhiên, chúng ta nên quản lý như thế nào?
- Để có một thái độ quản lý phù hợp với thời đại, tôi cho rằng, trước hết, các nhà quản lý cần thừa nhận những tính năng ưu việt của xe HĐĐT, xuất phát từ lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích công cộng, và lợi ích môi trường. Trên cơ sở đó, cần hướng thị trường phát triển theo hướng đó.
Chúng ta cũng nên hỗ trợ các công ty taxi truyền thống, nội địa, phát triển các công nghệ tương tự để bảo vệ vị trí và thương hiệu của mình. Không nên tư duy theo chiều ngược lại, tức là bắt xe HĐĐT phải chịu điều tiết hay quản lý theo kiểu taxi truyền thống.
Số xe HĐĐT tăng lên có thể đồng nghĩa với số xe taxi truyền thống giảm xuống. Nhưng đó chỉ là một sự sắp xếp lại của thị trường theo hướng có lợi hơn cho xã hội. Người lái taxi truyền thống không trở nên thất nghiệp như nhiều người lo ngại, vì anh ta có thể chuyển sang lái xe HĐĐT.
Việc quản lý xe HĐĐT là cần thiết, sao cho đúng luật pháp, đạo lý và công bằng giữa các loại hình kinh doanh.
- Cách đây không lâu, xổ số truyền thống cũng có nhiều động thái phản đối, kiến nghị về hoạt động của Vietlott. Taxi truyền thống cũng đang có nhiều động thái tương tự. Vậy đây có phải là thử thách dành cho taxi truyền thống hay không thưa ông?
- Tôi không có một chút băn khoăn gì khi nói đây chính xác là thách thức sống còn đối với taxi truyền thống.
Nếu taxi truyền thống cứ khư khư quan điểm rằng "Uber, Grab là kẻ xấu, là nhân vật phản diện trong xã hội" thì chính họ sớm muộn sẽ bị coi là phản diện. Bởi vì đơn giản rằng Uber, Grab chính là mô hình được xã hội lựa chọn cho tương lai.
Taxi truyền thống có thể kêu cứu chính phủ, vận động chính sách các lãnh đạo địa phương, để loại bỏ Uber, Grab khỏi đời sống xã hội. Họ có thể thành công, như ở một số nơi trên thế giới đã làm. Nhưng rồi chính họ sẽ bị xã hội phản đối và loại bỏ.
Xin cám ơn ông!
Nguồn: D.L, Nếu ai 'khư khư rằng Uber, Grab là kẻ xấu trong xã hội thì chính họ sớm muộn sẽ bị coi là phản diện', Đời sống & Pháp lý, 4/7/2017