[Những nền tảng của xã hội tự do] - Chương 7: Xã hội tự phát

[Những nền tảng của xã hội tự do] - Chương 7: Xã hội tự phát

Trật tự không cần mệnh lệnh

Xã hội tự do có thể tự vận hành mà không cần bộ máy nhà nước to lớn. Nghe có vẻ kì quặc, nhưng cuộc sống có rất nhiều ví dụ. Như nhà kinh tế học người Mĩ, Daniel B. Klein, nhận xét, có lẽ bạn nghĩ rằng sân trượt patanh – có cả trăm người hay hơn một trăm, từ trẻ con tới ông bà già, với bánh xe gắn vào giày, nhưng không có mũ bảo hiểm, không có miếng đệm ở đầu gối hay không có bằng về trình độ trượt patanh, tất cả đều lao đi xung quanh cái nền cứng với tốc độ khác nhau – sẽ xảy ra một loạt tai nạn. Nhưng, trên thực tế, người trượt patanh tìm được đường đi xung quanh sân, mà không đâm vào người khác – không cần chính quyền hạn chế tốc độ, không cần bảng chỉ đường hay đèn đỏ, đèn xanh gì hết . Không cần người lập kế hoạch hay cơ quan giám sát để bảo cho họ biết trượt ở đâu và với tốc độ nào. Bằng cách tự mình quan sát, cộng với chút lịch sự với người khác mà ai cũng có, họ có được lợi ích chung là được vui mà vẫn tránh được va chạm.

Thậm chí còn ấn tượng hơn nữa, đấy là ngôn ngữ của loài người có cấu trúc rất chặt chẽ và rất có lợi cho chúng ta, mặc dù nó không được thiết kế một cách có chủ ý bởi bất kì cơ quan chức năng nào. Các quy tắc ngữ pháp làm cho ngôn ngữ hoạt động đã phát triển một cách khá tự nhiên trong suốt nhiều thế kỉ, vì chúng tạo điều kiện cho chúng ta hiểu nhau. Chúng ta tuân theo những quy tắc này, mặc dù đấy là những quy tắc tinh tế và phức tạp, và chúng ta có thể khó mà trình bày được những quy tắc đó. Không có ủy ban nào của chính phủ có thể tạo ra được những quy tắc phức tạp, tinh tế và hiệu quả cao như vậy. Những quy tắc đó chỉ đơn giản là tiến hóa cùng với chúng ta.

Nhiều bộ phận của xã hội loài người cũng hoạt động tương tự. Không có các quan chức chỉ dẫn phải cư xử như thế nào, nhưng chúng ta vẫn hành động một cách trật tự, đúng mực, có thể dự đoán được, chỉ đơn giản bằng cách tuân theo một vài quy tắc cơ bản mà chúng ta đã lớn lên cùng với chúng, như thể đấy là một phần của bản chất của chúng ta. Bằng cách tuân thủ những quy tắc đó, chúng ta tạo ra trật tự xã hội rộng lớn và vô cùng có lợi cho tất cả chúng ta. Ví dụ, các quy tắc đơn giản, tạo điều kiện cho chúng ta trao đổi một cách hòa bình với nhau đã tạo ra nền kinh tế thị trường quốc tế, giúp cả thế giới hợp tác với nhau.

Những xã hội được hướng dẫn bởi các quy tắc

Các quy tắc giao tiếp của xã hội tự do cho người dân nhiều quyền hạn hơn là xã hội bị chính phủ kiểm soát. Các cá nhân tự do có thể làm nhiều việc không bị cấm đoán theo những điều khoản đặc biệt, chứ không chỉ được làm một số ít những điều mà các cơ quan chức năng cho phép bằng những điều khoản đặc biệt. Có nghĩa là các xã hội tự do linh hoạt và dễ thích nghi hơn hẳn, phản ứng một cách dễ dàng trước những hoàn cảnh đang thay đổi chứ không phải đợi lệnh.

Những quy tắc này – ví dụ, các đạo luật về quyền sở hữu và tài sản trong nền kinh tế thị trường – là hiện thân của sự thông thái, trong một thời gian dài đã nói cho người ta biết về những cách làm có lợi và cách làm không có lợi. Các đạo luật này thích nghi với hoàn cảnh và thay đổi khi hoàn cảnh thay đổi, chúng phản ánh những bài học của quá trình thử và sai suốt nhiều năm trời và qua hàng triệu tương tác giữa người với người. Các đạo luật này bao gồm các chuẩn mực hành vi liên quan tới cách cư xử với người khác, các chuẩn mực pháp lí tìm cách thể hiện luật tự nhiên bằng văn bản và thông luật, được xây dựng dựa trên kết quả của rất nhiều vụ án.

Xã hội tự phát, được hướng dẫn bởi các quy tắc không chỉ là xã hội sáng tạo và dễ thích nghi hơn; nó có thể còn phức tạp hơn hẳn xã hội được chỉ đạo từ trung ương. Tương tự như ngôn ngữ, nó có thể phức tạp đến mức không có người nào trong chúng ta có thể mô tả được tất cả các quy tắc của nó – nhưng nó vẫn hoạt động rất tốt. Xã hội dựa vào mệnh lệnh của chính quyền chắc chắn là hạn chế – cả về quy mô và tính chất – bởi những thứ mà một ít người có chức có quyền có thể quan tâm tới. Còn xã hội dựa trên các quy tắc – là kết quả của hàng triệu mối tương tác giữa người với người qua hàng ngàn năm – có trí tuệ sâu sắc và rộng rãi hơn hẳn. Xã hội được chỉ đạo từ trung ương dựa trên sự khôn ngoan có giới hạn của một vài người; xã hội được hướng dẫn bởi quy tắc bao gồm trí tuệ của nhiều người.

Do đó, các cơ quan chính phủ thường mắc sai lầm khi nghĩ rằng họ có thể thiết kế được xã hội hay nền kinh tế tốt hơn và hợp lí hơn những quy tắc tầm thường của các mối tương tác xã hội và kinh tế. Bằng cách vứt bỏ và xuyên tạc trí tuệ chứa đựng trong hệ thống dựa trên quy tắc phức tạp này, chắc chắn là họ sẽ làm cho mọi việc tồi tệ thêm.

Kiến thức phân tán và quyền lực

Sự khôn ngoan sẵn có của xã hội tự phát, được hướng dẫn bởi các quy tắc, không nằm ở trung tâm nào. Sự khôn ngoan đó là của hàng triệu người, họ thể hiện sự khôn ngoan khi giải quyết những vấn đề của đời sống hằng ngày của mình. Vì quyền lực được phân tán, những con người đó có thể tự làm các thí nghiệm quy mô nhỏ ngay trong đời sống của mình. Họ có thể chấp nhận rủi ro và cơ hội, không đe dọa bất cứ người nào, ngoài chính bản thân mình. Nhưng, nếu những rủi ro này được thanh toán hết, thì mọi người đều có thể áp dụng thành công của thí nghiệm và được lợi. Kết quả như thế thúc đẩy các cuộc thử nghiệm và thích ứng với những hoàn cảnh đang thay đổi; nó cung cấp cho xã hội tự phát nhiều cơ hội thành công hơn trong cái thế giới luôn luôn thay đổi này. Ngược lại, các cơ quan của chính phủ quyết định cho tất cả mọi người, và do đó, đặt cuộc sống và tài sản của tất cả mọi người trước các rủi ro. Vì vậy, họ phải hành động thận trọng hơn so với các cá nhân tự do – hoặc có thể gây ra nhiều sai lầm. Và kết quả là, các xã hội không tự do thích nghi chậm hơn và ít thành công hơn.

Dĩ nhiên là, xã hội và nền kinh tế tự phát không bao giờ có thể trở thành hoàn hảo. Đấy là sản phẩm của hành vi của con người (nhưng không phải là thiết kế của con người) và con người không bao giờ hoàn hảo. Ví dụ, chúng ta không thể dự đoán được tương lai, vì vậy chúng ta mắc sai lầm khi tìm cách thích nghi với nó. Và thông tin mà mỗi người chúng ta có chắc chắn chỉ là một phần của toàn bộ thông tin và có tính địa phương. Nhưng, trong thế giới của các mối tương tác giữa những con người tự do, một phần thông tin và thông tin có tính địa phương thúc đẩy mạnh mẽ xã hội và nền kinh tế thông minh và có khả năng thích nghi.

Trong xã hội tự do, người dân phải tìm được cho mình biện pháp tốt nhất để thích ứng với những người khác – đến lượt mình, những người này cũng tìm cách thích ứng với hành động của tất cả những người khác. Nó cũng chẳng khác gì nhà ga đường sắt đông người trong giờ cao điểm, khi tất cả mọi người đều tìm cách đi đến một trong nhiều lối ra hay đến một trong nhiều lối vào và tìm cách lên được chính đoàn tàu của mình. Họ phải tránh những người khác, tất cả những người kia cũng làm như thế, họ phải thay đổi hướng đi nếu có ai đó bước vào hướng mà họ định đi. Dường như là hỗn loạn, nhưng, trên thực tế, tất cả mọi người đều đến đích mà không hề có xung đột. Nếu một cơ quan nào đó phải bảo mỗi người trong số hàng trăm hoặc hàng ngàn người ở nhà ga đó phải đi theo hướng nào và khi nào thì đi, thì phải mất nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày thì từng người mới tới được chỗ cần phải tới. Vấn đề quá phức tạp, trung ương không thể nào giải quyết được. Nhưng xã hội tự phát giải quyết nó một cách dễ dàng và ngay lập tức.

Lòng khoan dung

Ý nghĩa của lòng khoan dung

Bằng cách đó, mỗi người dân trong xã hội tự do phải thích ứng với hành động của những người khác. Vì vậy, quan trọng là mọi người thể hiện lòng khoan dung đối với những người khác – kể cả với những người có những hành động và cách sống khác với họ hoặc thậm chí là làm cho họ cảm thấy kinh tởm nữa.

Trong xã hội tự do, chúng ta không thể ngăn cản người khác làm một cái gì đó chỉ vì chúng ta không thích. Chúng ta chỉ có thể can thiệp khi hành động của họ đang gây hại hoặc có khả năng gây hại cho người khác. John Stuart Mill đã chỉ rõ rằng điều này có nghĩa là gây hại về mặt thể xác. Nếu “hại” bao gồm cả những thứ như kinh tởm, phẫn nộ về đạo đức hay bối rối, thì hầu như tất cả các hành động đều có thể bị cấm và sẽ chẳng còn tí tự do nào. Dù sao mặc lòng, sự phẫn nộ về đạo đức của những người muốn cấm hành vi sẽ tương đương với sự phẫn nộ về đạo đức của những người bực bội vì quyền tự do làm điều đó của họ đã bị hạn chế. Dù cho số lượng người hay tình cảm của mỗi bên có thế nào thì vẫn là không có biện pháp khách quan nào có thể giải quyết được cuộc tranh luận này. Và, vì xã hội tự do không cho phép giải quyết tranh chấp bằng bạo lực, mỗi bên chỉ đơn giản là phải khoan dung đối với ý kiến, hành vi và lối sống của người khác.

Nhưng đấy không phải là thái độ bàng quan về đạo đức. Cha mẹ mà không khuyên răn con khi chúng có những hành vi xấu không phải là đang hành động một cách khoan dung mà là không dạy đạo đức cho con. Nếu những người lớn có những hành vi mà chúng ta coi là kinh tởm, chúng ta hoàn toàn có quyền nói ra và tìm cách thuyết phục họ hành động khác đi – mặc dù không được ép buộc họ.

Khoan dung cũng không phải là thuyết tương đối về đạo đức – tức là ý tưởng cho rằng tất cả các loại đạo đức đều có giá trị như nhau vì người ta bất đồng với nhau về đạo đức và không có biện pháp khách quan để có thể lựa chọn. Chúng ta hoàn toàn có quyền tin rằng quy tắc đạo đức hay tôn giáo của chúng ta tốt hơn so với quy tắc của những người khác – nhưng không phải là để ép buộc ý tưởng của chúng ta cho bất cứ ai khác.

Khoan dung, khác biệt và lựa chọn

Khoan dung người khác có thể trở thành khó khăn khi dân cư đang ngày càng trở khác biệt. Du lịch quốc tế trở nên dễ dàng hơn, rào cản người nhập cư không còn và nền kinh tế toàn cầu hoá của chúng ta chỉ là một số lí do vì sao dân cư của nhiều nước trở nên đa dạng hơn hẳn so với cách đây vài chục năm.

Một số người khẳng định rằng nhiều lựa chọn hơn sẽ làm cho các nhóm sắc tộc, văn hóa, dân tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo trở nên thậm chí tách biệt hơn, nhen nhóm thêm căng thẳng, gặm nhấm dần lòng khoan dung. Ví dụ, các bậc phụ huynh có thể muốn con cái của họ lớn lên cùng với những đứa trẻ khác trong cùng sắc tộc, và nếu họ có thể lựa chọn trường học cho con mình thì có thể có nhiều khả năng là trẻ em sẽ bị tách biệt hơn là nếu phải theo học ở những trường mà các cơ quan của chính phủ chỉ định.

Trên thực tế, các trường có thể sẽ có ít học sinh từ những nhóm sắc tộc, văn hóa, dân tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo khác nhau hơn khi chính phủ chỉ định trường học, vì trẻ em thường được đưa tới các trường học gần nhất. Và vì người dân của cùng một nhóm sắc tộc thường sống cạnh nhau, thành phần học sinh sẽ thể hiện sự mất cân đối đó. Nhưng nếu cha mẹ có thể lựa chọn trường học thì họ có thể chọn các trường ở gần đó hoặc những trường chọn học sinh theo một số đặc điểm khác mà họ đánh giá cao hơn sắc tộc, ví dụ, trí thông minh, khả năng âm nhạc hay ngôn ngữ.

Các sắc tộc sống tách biệt là hoàn toàn tự nhiên, và người ta thường chọn bạn bè và đồng nghiệp từ cùng một nhóm người. Nhưng có sự khác biệt giữa việc lựa chọn như thế và thái độ bất dung những cộng đồng khác. Những căng thẳng sắc tộc tồi tệ nhất thường xảy ra ở những nơi mà một số nhóm từ chối các quyền và lợi thế của các nhóm khác – nói cách khác, khi các nguyên tắc cơ bản của xã hội tự do bị vi phạm.

Mối đe dọa của trào lưu chính thống đối với lòng khoan dung

Mối đe dọa lớn nhất đối với lòng khoan dung là trào lưu chính thống về đạo đức, tư tưởng hay tôn giáo. Nhiều người có quan điểm tôn giáo mạnh mẽ nói rằng, có thể coi đồng tính luyến ái hay quan hệ tình dục trước hôn nhân là ghê tởm, đáng xấu hổ, kinh tởm hoặc vô đạo đức. Họ cũng có thể coi những thứ như báng bổ thánh thần, làm ra hình ảnh của thánh thần, phủ nhận các tài liệu của tôn giáo, bác bỏ các quy tắc đạo đức của tôn giáo hay tham gia tôn giáo khác là tội lỗi không thể tha thứ. Họ sẽ coi đó là lí do đủ đưa những hành vi đó ra ngoài vòng pháp luật và bị trừng phạt.

Nhưng dù hành động của một người có tạo ra sự phẫn nộ và kinh tởm đến mức nào và những hành động đó có thể bị coi là tội lỗi – trên cơ sở tôn giáo – đến mức nào, thì trong xã hội tự do, không ai có quyền cấm đoán, trừ phi những hành động đó làm tổn thương hay đe dọa làm tổn thương người khác. Xin nhắc lại, điều này không ngăn cản các thành viên của các tôn giáo phê phán những hành động đó và tranh luận với họ, hoặc khai trừ những người làm như thế ra khỏi cộng đồng tôn giáo – với điều kiện là những việc này không trở thành mối đe dọa hay gây ra tổn hại thực sự. Nhưng nó cũng không cho phép bất cứ người nào, kể cả chính phủ, hạn chế, kiểm duyệt, bắt giữ, bỏ tù, tra tấn, đánh bị thương, bắt lưu đày hay tử hình bất kì người nào hoặc nhóm nào vì những quan điểm và hành động như thế.

Các bản kinh văn nền tảng của nhiều tôn giáo trên thế giới đều hàm chứa lòng khoan dung các tôn giáo khác, mặc dù trong một số trường hợp, các chức sắc tôn giáo vì mục đích riêng của mình, đã giải thích khác đi. Các cường quốc nước ngoài chiếm đóng lãnh thổ cũng thường chiếm luôn tôn giáo của vùng đó, và biến các quy tắc đạo đức và luật pháp thành những quy tắc biện hộ và phục vụ cho chính quyền của mình. Một số chính phủ toàn trị thậm chí còn tìm cách cấm tiệt tôn giáo, coi tôn giáo như là đối thủ của hệ tư tưởng và quyền lực của mình. Nhưng trong xã hội tự do, dù các trào lưu chính thống có là tôn giáo hay ý thức hệ cũng không phải là điều quan trọng. Nó vẫn không có quyền ép buộc những người mà hành động, đạo đức, tôn giáo hay ý thức hệ khác với các trào lưu đó.

Phải đạo về chính trị (Political correctness)

Mối đe dọa tinh vi hơn đối với lòng khoan dung: Phải đạo về chính trị. Đây là nơi mà áp lực xã hội và chính trị buộc các cá nhân chấp nhận thái độ và ý kiến của tầng lớp tinh hoa đang giữ thế thượng phong. Thường thì, những người không đồng ý với quan điểm đang giữ thế thượng phong bị chế giễu, bị coi là thần kinh hay xấu xa, mục đích là bôi nhọ ý kiến của họ, coi đấy cũng là thần kinh hay xấu xa. Nó làm cho người ta bỏ qua những ý kiến như thế, chứ không đem chúng ra thảo luận. Nó cũng cho thấy quan điểm của tầng lớp tinh hoa vững chắc hơn là chúng thật sự xứng đáng như thế.

Quá trình này dựa trên hình thức ép buộc tinh tế, trong đó, những người có ý kiến khác biệt bị bôi nhọ đến mức cảm thấy khó sống theo cách của mình. Ví dụ, các nhà nghiên cứu nghi ngờ bằng chứng về việc biến đổi khí hậu là do con người gây ra có thể bị cho thôi việc hoặc khó thăng tiến trong các trường đại học. Trong xã hội tự do, đương nhiên là người sử dụng lao động không bị buộc phải thuê những người mà họ không ưa; các phương tiện truyền thông cũng không buộc phải nói về những lí thuyết còn nhiều tranh cãi. Nhưng ở những nơi mà cơ sở giáo dục hoặc các phương tiện truyền thông là những cơ sở độc quyền hoặc gần như độc quyền nằm dưới sự quản lí của nhà nước thì việc loại bỏ những người có quan điểm được ít người chia sẻ có thể trở thành cưỡng bức thực sự.

Khoan dung và tìm kiếm sự thật

Khoan dung trong xã hội tự do đi xa hơn lòng khoan tôn giáo hay khác biệt về ý thức hệ. Ví dụ, khoan dung bao gồm tự do thể hiện – bằng lời nói, bài viết, phát sóng hoặc bất kì phương tiện nào khác – do đó, hàm ý không có kiểm duyệt.

Một số người có thể coi thế giới không có kiểm duyệt là cực kì đáng lo. Nhiều người có thể bị sốc nặng bởi những từ ngữ, hình ảnh, luận cứ và những ý tưởng có thể được đưa ra trong thế giới tự do. Nhưng trong xã hội tự do, chúng ta không có quyền ngăn cản tự do ngôn luận và chặn đứng ý kiến của người dân, ngay cả khi gần như tất cả chúng ta đều không đồng ý với những gì đang được phát ngôn, vì thấy nó có tính xúc phạm hoặc tin rằng đấy là vô đạo đức.

Tất nhiên, có trường hợp phải hạn chế tự do ngôn luận, nếu điều được nói ra gây nguy hiểm cho người khác – ví dụ, kêu “Cháy!” trong nhà hát. Chúng ta sẽ trừng trị một cách hợp pháp những người vì thiếu thận trọng mà có thể gây thương tích cho người khác, tương tự như hoàn cảnh vừa nói. Tương tự, chúng ta bảo vệ trẻ em, không để chúng nghe thấy những ngôn từ và trông thấy những hình ảnh mà chúng ta tin rằng có thể làm chúng hư hỏng. Chúng ta có thể không cho phép quảng cáo ma túy, ví dụ, trên bảng quảng cáo ở gần trường học. Và có những trường hợp nhất định phải cung cấp thông tin cho người dân – ví dụ, phân loại phim – để họ không thấy những cảnh làm họ lo lắng.

Nhưng, đây khác hẳn với kiểm duyệt công khai – tức là, ngăn cản những từ ngữ, hình ảnh, lập luận và tư tưởng đặc biệt nào đó, hoàn toàn không cho chúng xuất hiện. Trong xã hội tự do thật sự, không thể có chuyện kiểm duyệt như vậy, vì xã hội tự do dựa trên sự cởi mở và lựa chọn. Nếu người dân muốn lựa chọn một cách duy lí và thử nghiệm những ý tưởng mới có thể cải thiện tương lai của tất cả mọi người thì người ta phải biết những ý kiến đã có sẵn. Kiểm duyệt cấm cửa những ý kiến và lựa chọn và do đó, chặn đứng con đường tiến bộ của chúng ta.

Chúng ta cũng không thể tin tưởng các nhân viên kiểm duyệt. Sự thật và quyền lực là hai thứ khác nhau. Những người có chức có quyền có thể có lí do – ví dụ, bám víu quyền lực – trong việc cấm đoán những tư tưởng nhất định nào đó. Nhưng, ngay cả khi các nhân viên kiểm duyệt chỉ muốn làm lợi cho nhân dân thì họ cũng có thể sai. Họ không có độc quyền về trí tuệ, họ không có kiến thức đặc biệt về cái gì đúng và cái gì không. Chỉ có tranh luận, luận cứ và kinh nghiệm mới quyết định được mà thôi. Các nhân viên kiểm duyệt có thể đè nén sự thật, đơn giản chỉ vì nhầm lẫn. Họ không bao giờ có thể biết được rằng họ đang bóp nghẹt những tư tưởng mà rồi đây sẽ tỏ ra là đúng. Một số tư tưởng có thể, nói chung, là sai, nhưng vẫn chứa một phần sự thật, mà luận cứ có thể bổ khuyết. Nhưng chân lí nằm trong một số tư tưởng khác, có thể chỉ hiển lộ sau một thời gian dài.

Biện pháp để đảm bảo rằng chúng ta không bóp nghẹt chân lí và những tư tưởng hữu ích là để cho tất cả các tư tưởng được nói ra, tin tưởng rằng, thông qua tranh luận cái hay, cái dở của những tư tưởng này sẽ bộc lộ hết. Có nghĩa là cho phép mọi người nêu ra ý kiến của mình, thậm chí ngay cả về những vấn đề mà đa số cho là chắc chắn. Sự thật chỉ có thể được củng cố thông qua tranh luận. Đó là vì lí do vì sao từ năm 1587 đến năm 1983, Giáo hội Công giáo La Mã bổ nhiệm “người biện hộ của quỷ sứ” để đưa ra ý kiến phản bác những người được đề cử phong thánh. Nghi ngờ niềm tin của chúng ta là việc làm hữu ích. Nếu chúng ta tin rằng quan điểm của người khác là sai thì những quan điểm đó phải được trình bày và bác bỏ, chứ không được bịt miệng người ta.

Từ Socrates trở đi, lịch sử đầy những ví dụ về những người bị bức hại vì quan điểm của mình. Việc đàn áp như vậy thường làm người ta sợ hãi và ngậm miệng, thậm chí tư tưởng của họ sau đó được chứng minh là đúng. Lo sợ trước cơn thịnh nộ của Giáo hội Công giáo La Mã, mãi cho đến trước ngày qua đời vào năm 1543, Nicolaus Copernicus mới công bố lí thuyết mang tính cách mạng của mình, nói rằng các hành tinh quay xung quanh mặt trời. Môn đồ của Copernicus, Galileo Galilei, đã bị Tòa Dị Giáo đem ra xét xử và quản thúc tại gia cho đến chết. Sự đe dọa như vậy đã kìm hãm sự thật, kìm hãm tranh luận và làm chậm tiến bộ. Nó gây ra cho xã hội cũng như những người dị giáo bị áp bức bao nhiêu thiệt hại.

Nếu chúng ta chỉ đơn giản là chấp nhận những tư tưởng đang giữ thế thượng phong và không cho bàn cãi, thì những tư tưởng này cũng sẽ được xây dựng trên nền tảng rất yếu. Đấy là chấp nhận mà không có phê phán. Những tư tưởng đó sẽ trở thành những câu chữ nhạt nhẽo, chứ không phải là sự thật có giá trị. Và khi những tư tưởng mới xuyên thủng được đàn áp thì có nhiều khả năng đấy sẽ là những cuộc chuyển hóa dữ dội và gây ra đổ vỡ.

Ta có thể lấy làm lo khi có người nói những điều mà chúng ta, về cơ bản, là không tán thành, có người thể hiện những tư tưởng mà chúng ta cho là hoàn toàn sai, làm những việc mà chúng ta coi là kinh tởm, hay thậm chí là khinh bỉ niềm tin về đạo đức và tôn giáo của chúng ta. Nhưng lòng khoan dung của chúng ta trước những hiện tượng như thế chứng tỏ cam kết của chúng ta với quyền tự do, với niềm tin của chúng ta rằng chúng ta sẽ có nhiều tiến bộ và khám phá ra những chân lí mới nhanh hơn, bằng cách cho phép thảo luận những tư tưởng khác nhau chứ không phải là đàn áp chúng.

Cấm đoán

Chúng ta sẽ tức giận nếu nhiều thứ chúng ta được tận hưởng trong cuộc sống hằng ngày bị cấm đoán. Thật đáng tiếc là, nhiều thứ vẫn đã và đang bị cấm đoán như thế .

Quy tắc không gây hại nói rằng chúng ta không có quyền ngăn chặn hành động trừ phi chúng làm hại hoặc có nguy cơ làm hại người khác. Nhưng, nhiều hoạt động bị cấm với lí do chúng làm hại những người thực hiện những hành động ấy. Đây là lập luận chống lưng cho việc cấm ma túy, cấm hút thuốc lá, cấm uống rượu và nhiều thứ khác. Vấn đề là biện hộ cho việc bảo vệ người dân, không để họ làm hại chính mình sẽ tạo điều kiện cho việc cấm đoán bất cứ hành động nào. Quá dễ để khẳng định rằng những đồ uống có đường, thức ăn nhiều chất béo, chơi những môn thể thao nguy hiểm, hoạt động mại dâm hay đồng tính luyến ái, theo tôn giáo khác biệt hoặc chất vấn chính quyền là tự làm hại mình hay bị rủi ro. Nếu nhiều người cùng khẳng định chính những điều này và một khi nguyên tắc không gây hại không còn thì chẳng bao lâu sau tự do cũng bị đàn áp.

Trên thức tế, cấm đoán thường gây ra những kết quả tai hại. Khi hướng nhu cầu về một số thứ nhất định vào vòng bí mật, thì khó giám sát và kiểm soát những thứ đó hơn và bọn tội phạm có thể nhảy vào làm người cung cấp những thứ đó. Ví dụ, mafia gây ra nhiều thiệt hại cho nước Mĩ, quyền lực của mafia ở nước này đã gia tăng trong những năm cấm rượu cách đây một thế kỉ, lúc đó buôn bán rượu là tội hình sự. Việc tiếp tục đặt cờ bạc và mại dâm ra ngoài vòng pháp luật ở hầu hết các bang của Mĩ chính là khuyến khích những thành phần tội phạm, những kẻ đang lấy làm hạnh phúc khi cung cấp các dịch vụ đáp ứng những nhu cầu đó.

Cấm đoán còn làm cho người ta khó hiểu những ảnh hưởng mà hành vi của họ gây ra. Một số người vẫn có nhu cầu về ma túy, nhưng nếu ma túy là bất hợp pháp thì khó có thông tin đầy đủ về mức độ nguy hiểm của chúng. Người sử dụng cũng khó kiểm tra chất lượng của món hàng mà họ đang mua. Người nghiện ma túy cũng khó tìm được sự giúp đỡ về y tế hoặc xã hội, vì làm như vậy thì phải thừa nhận tội lỗi của mình. Và người ta dễ bị những rủi ro khác, ví dụ, nguy cơ bị AIDS do sử dụng kim tiêm chưa được sát trùng, vì ma túy bị đưa ra ngoài vòng pháp luật cho nên không thể tìm được chúng trong môi trường an toàn. Kết quả là nhiều, nếu không nói là tuyệt đại đa số tác hại mà ma túy gây ra là do chúng bị coi là bất hợp pháp .

Cấm đoán cũng như khép vào tội hình sự những người mà nếu làm khác đi thì họ là những người trung thực, tức là những người cho rằng họ không làm hại ai khi sử dụng các loại thuốc an thần hay đánh bạc, hoặc uống rượu ở nhà với bạn bè. Tất cả những việc này đều hoàn toàn không làm hại bất kì người nào khác. Và, trong khi coi thường pháp luật với tội lỗi không đáng kể, họ có thể có nguy cơ mắc những tội nghiêm trọng hơn và có thể có hại đối với người khác.

Hỏi: Chúng ta phải bảo vệ người dân khỏi chính họ ư?

Trả lời: Không. Bạn có muốn người ta “bảo vệ” khỏi chính mình không? Hay bạn nghĩ rằng bạn phải tự quyết định cách sống của chính mình? Cho chính phủ quyết định cái gì là tốt và cái gì là xấu đối với chúng ta là việc làm thiếu hiệu quả: Chúng ta là những người nhận thức tốt hơn hẳn các quan chức ở xa trong việc đánh giá rủi ro mà chúng ta chấp nhận. Và nó là việc làm nguy hiểm: Chính phủ có thể bắt đầu bằng cách cấm những thứ mà tất cả mọi người cùng cho là có hại, nhưng khi nguyên tắc này được thừa nhận thì họ có thể cấm tất cả mọi thứ.

Có cần ngăn chặn, không cho chúng ta hít cocaine, hút thuốc lá, uống rượu, ăn thức ăn nhiều chất béo hoặc uống nước có nhiều đường hay không? Có nên dùng luật pháp để buộc chúng ta tập thể dục, đi nhà thờ và từ bỏ những môn thể thao nguy hiểm hay không? Có nên cấm chúng ta đọc những cuốn sách “nguy hiểm” hay chỉ trích nhà cầm quyền của chúng ta hay không? Trong xã hội tự do, câu trả lời là không. Nếu người nào đó xúc phạm đạo đức của chúng ta hay làm một cái gì đó nguy hiểm cho chúng ta thì chúng ta phải nói với họ như vậy. Nhưng khi họ làm những việc không gây hại cho bất kì người nào khác thì chúng ta không có quyền ngăn chặn họ.

Cấm gần như không bao giờ có tác dụng. Những biện pháp cấm rượu ở Mĩ chỉ đưa việc tiêu thụ rượu vào vòng bí mật, tức là làm cho nó trở thành không kiểm soát được. Những đạo luật phòng chống ma túy nghiêm khắc và hình phạt nặng nề đối với việc kinh doanh ma túy trên thế giới đã không ngăn cản được việc buôn bán ma túy, với giá trị ước tính trị lên đến hàng trăm tỉ USD. Tìm cách loại bỏ những hành vi đã trở thành phổ biến là việc làm vô ích.

Và nó là mối đe dọa đối với tự do, vì cần phải có cơ quan giám sát và bộ máy thực thi to lớn thì mới tạo ra được ảnh hưởng nào đó. Đấy đơn giản chỉ là chuyển nguồn lực thực thi pháp luật, không để các nguồn lực này tiến hành công việc điều tra và truy tố những tội phạm thực sự có hại mà thôi. Nó còn mở ra cơ hội tham nhũng cho cảnh sát và tòa án; mặc dù đánh bạc hay hút chích ma túy không làm hại hoặc gây ra rất ít tác hại đối với những người khác, trong khi hình phạt có thể khá nặng, tạo điều kiện cho các quan chức nhận những khoản hối lộ lớn từ những người dính líu vào việc buôn bán ma túy hay đánh bạc.

Hành vi ở nơi công cộng và trong chỗ riêng tư

Các quy tắc của xã hội tự do điều chỉnh hành vi ở nơi công cộng – cách cá nhân cư xử với những người khác. Nhưng hành vi trong chốn riêng tư – chỉ ảnh hưởng đến chính cá nhân đó – là thuộc lĩnh vực riêng tư. Nó chỉ trở thành vấn đề pháp lí nếu gây hại cho người khác.

Tuy nhiên, trong xã hội tự do, cần phải rất thận trọng trong việc xác định tổn hại thực tế hay nguy cơ gây ra tổn hại có phải là thực sự hay không. Có được phép bán các chất độc hay không? Vì với chất độc không gây hại cho con người, cấm bán có thể gây ra nhiều tác hại hơn là cho phép bán. Có thể cần ghi tên người bán và người mua chất độc, sao cho những người mang các chất độc đó biết rằng họ có khả năng bị phát hiện; nhưng chỉ thế thôi .

Có cần quy định chống say rượu ở nơi công cộng hay không? Hay quy định cấm nhà thổ hay sòng bạc? Có, nếu những cơ sở này là nguyên nhân gây ra bạo lực, đó là lí do vì sao nhiều nước quyết định cấp phép cho những cơ sở như thế. Nhưng nói chung, những hoạt động này chỉ ảnh hưởng đến những người liên quan mà thôi. Những người khác có thể chỉ nghĩ tới những việc đó đã thấy ghê tởm rồi, nhưng nếu chúng ta cho phép cấm những hoạt động mà không dựa trên cơ sở những tổn hại khách quan mà chúng gây ra cho người khác, thì các nhà đạo đức học sẽ chẳng cho phép bất kì hoạt động nào hết.

Người ta có được phép kinh doanh vào những ngày lễ hay không? Hay có được phép đa thê, đa phu hay không? Đó là việc riêng của họ, không phải việc của chúng ta; nó không làm hại bất kì ai khác. Pháp luật của xã hội tự do là để bảo vệ và mở rộng các quyền tự do cá nhân, chứ không để áp đặt đạo đức của một số người lên một số người khác.

Tuy nhiên, trong xã hội tự do, người dân được quyền lập ra những quy định riêng của mình đối với tài sản của mình, với điều kiện là những quy tắc đó không vi phạm luật không gây hại. Ở nhiều nước, một số khu vực công cộng (các trung tâm mua sắm) thuộc quyền sở hữu tư nhân chứ không nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền. Vì vậy, năm 2005, trung tâm mua sắm Bluewater nằm ở Đông Nam nước Anh đã cấm chửi thề, cấm hút thuốc lá, cấm phát các tờ rơi và mặc quần áo trùm mặt (đội mũ trùm kín đầu). Ở Bournville, miền Trung nước Anh – thị trấn do nhà sản xuất choclate, George Cadbury, thiết lập nên và hiện do tập đoàn tư nhân quản lí, vẫn trung thành với các nguyên tắc của mình – cấm bán rượu công khai. Vì Bluewater và Bournville là tài sản tư nhân, họ hoàn toàn có quyền làm việc đó.

Lòng vị tha

Nhiều người bối rối trước tư tưởng cho rằng xã hội tự do và nền kinh tế tự do hoạt động trên cơ sở tư lợi của những người có tham gia. Họ thích thế giới được thúc đẩy bởi lòng vị tha – sự quan tâm một cách vô vị lợi đối với quyền lợi và hạnh phúc của tha nhân. Nhưng xã hội như thế lại sinh ta nhiều vấn đề hơn là những vấn đề mà nó có thể giải quyết .

Không có cẩm nang hướng dẫn về cách giúp đỡ những người khác

Để bắt đầu, xin hỏi: Làm sao có thể biết được những người khác quan tâm tới cái gì? Chúng ta không thể tiếp cận trực tiếp với tâm trí và những thứ mà người khác coi là có giá trị. Nếu chúng ta tìm cách làm những điều mà người khác quan tâm, chắc chắn là chúng ta sẽ phạm những sai lầm lớn. Những người từng nhận những món quà sinh nhật hoàn toàn không phù hợp đều biết, ngay cả gia đình và bạn bè cũng có thể hiểu sai thị hiếu của mình đến mức nào. Văn hóa trao tặng dường như là cơ sở thiếu hiệu quả, không thể dùng để quản lí toàn bộ xã hội.

Khó có thể chê bai những thứ mà người khác cho chúng ta. Chúng ta nhận quà với thái độ dường như là biết ơn, ngay cả khi chúng ta ghét những món quà đó. Điều này có nghĩa là, người dân trong xã hội vị tha không bao giờ hiểu được chính xác người khác thực sự muốn gì. Trái ngược hoàn toàn với nền kinh tế được xây dựng trên cơ sở tư lợi, tức nền kinh tế mà nếu khách hàng không nhận được đúng món hàng họ muốn thì họ sẽ nói như vậy, và có nhiều khả năng là họ sẽ tìm nhà cung cấp khác. Tư lợi hướng các nhà cung cấp vào sản phẩm mà nhiều người cần, với giả rẻ nhất có thể.

Lòng vị tha tạo ra xung đột

Nếu giao dịch là động cơ trong việc tìm cách giúp đỡ người khác một cách có chủ ý thì quan hệ giữa người mua và người bán sẽ có nhiều căng thẳng hơn là trong thế giới tư lợi hiện nay. Người mua sẽ đòi nâng giá lên để người bán có lời. Người bán sẽ hạ giá để người mua được lợi nhất. Ngược lại hoàn toàn với những hiện tượng đang diễn ra trong ngày hôm nay.

Trong nền kinh tế thị trường, những người có tính tư lợi luôn luôn mâu thuẫn với nhau về quyền lợi, nhưng họ có thể giải quyết mâu thẫn bằng thương lượng. Nếu động cơ là làm lợi cho người khác thì có thể sẽ không thể nào giải quyết được xung đột. Mỗi người vị tha sẽ khăng khăng làm lợi cho người khác. Vì không có người nào muốn được lợi từ vụ trao đổi, cho nên nhu cầu của mỗi người sẽ không giúp họ đạt được thỏa thuận.

Tư lợi và chi phí-lợi ích

Tư lợi buộc người cung cấp – và cả khách hàng – bảo đảm rằng lợi ích của giao dịch phải lớn hơn chi phí bỏ ra. Người cung cấp có lòng vị tha, tức là người làm việc mà không cần tưởng thưởng sẽ đưa ra thông điệp làm cho tất cả mọi người nhầm lẫn – thông điệp này nói rằng chi phí cho thời gian, kiến thức và tay nghề của họ là bằng không. Khách hàng coi thông điệp này là mệnh giá và chẳng bao lâu sau nhà cung cấp sẽ chết chìm trong biển nhu cầu do khách hàng gửi tới. Các nhà cung cấp không thể nào từ chối cung cấp dịch vụ, thậm chí nếu lợi ích thu được là nhỏ hoặc chẳng đáng là bao so với chi phí.

Ví dụ, trước mặt người thợ sửa giày sẽ là một hàng dài vô tận những người với món đồ cần sửa. Trên thị trường kinh tế tư lợi, người thợ sửa giày sẽ nói thẳng với khách hàng rằng món đồ của họ không đáng sửa chữa; hoặc họ sẽ nói giá cao đến mức khách hàng quyết định không sửa nữa. Thị trường kìm hãm nhu cầu và hướng nỗ lực vào những món hàng thực sự có giá trị.

Trong thế giới vị tha, người ta sẽ giúp hàng xóm làm tất cả mọi việc – ví dụ, xây dựng nhà cửa. Nhưng trong điều kiện thực tế và sau khi tiến hành phân tích chi phí-hiệu quả, người hàng xóm có thể thấy rằng tìm và thuê người xây dựng chuyên nghiệp thì có lợi hơn là nhờ các bạn bè không có tay nghề. Thiệt hại thực ra còn lớn hơn vì những người hàng xóm kia có thể sử dụng tài năng của mình để làm những công việc khác thì hiệu quả hơn. Thị trường khuyến khích người ta dùng thời gian và tay nghề của mình vào nơi có giá trị nhất.

Hỏi: Có cần kiểm soát giá cả để người nghèo cũng có thể mua được đồ dùng?

Trả lời: Không. Giá cả là tín hiệu về sự khan hiếm. Giá cả cho chúng ta biết nơi thừa và nơi thiếu. Giá cả cho người sản xuất biết rằng cần nhiều sản phẩm hơn và nói với người tiêu dùng rằng họ nên giảm bớt hay tìm món hàng thay thế. Kiểm soát giá cả ngăn chặn những tín hiệu như thế, do đó, cầu lớn hơn cung và xuất hiện thiếu hụt. Kết quả là các sản phẩm khan hiếm phải được phân phối theo tem phiếu, việc làm thậm chí còn kém hiệu quả hơn nữa.

Ví dụ, kiểm soát tiền thuê nhà, nhằm làm cho nhà ở có giá cả phải chăng. Nhưng kiểm soát giá cả lại thực sự làm cho tình hình nhà ở tồi tệ thêm hoặc thiếu nhà ở nghiêm trọng, vì các chủ sở hữu quyết định rằng tiền thuê mà họ nhận được quá bèo và rút tài sản của mình ra khỏi thị trường cho thuê. Nếu một số người không đủ khả năng chi trả cho các nhu yếu phẩm thì giải pháp tốt nhất là không can thiệp vào cơ chế thị trường mà cho họ tiền – thông qua các tổ chức từ thiện tư nhân hoặc chương trình bảo đảm thu nhập tối thiểu do nhà nước tài trợ. Và họ có thể mua những nhu yếu phẩm trên cùng thị trường cạnh tranh và hiệu quả như tất cả những người khác.

Đạo đức của thị trường

Thực tế là, nền kinh tế thị trường tự do dựa trên tư lợi không làm cho nó trở thành vô đạo đức. Trên thị trường, người có thể chỉ có thể thịnh vượng bằng cách hợp tác với những người khác, nhằm cách cung cấp những món hàng hóa mà những người kia muốn. Hành vi phản xã hội bị trừng phạt: Vì sao người ta phải giao dịch với một kẻ yếm thế thô lỗ, trong khi có rất nhiều người dễ chịu hơn sẵn sàng giao dịch với mình?

Ngoài ra, còn có những quy tắc để đảm bảo rằng thị trường hoạt động một cách trôi chảy mà không cần cưỡng ép. Nhưng những quy định chính thức không thể giải quyết được tất cả mọi trường hợp. Thị trường chắc chắn phải dựa vào lòng tin, và thị trường tưởng thưởng cho những người được tiếng là trung thực và đáng tin. Mặc dù động lực là lợi ích cá nhân, nhưng thị trường thúc đẩy nền đạo đức mà các bên đều có lợi.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Nhiều người muốn các doanh nghiệp hoạt động một cách đạo đức hơn, và nêu cao hơn nữa “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”. Nhiều doanh nghiệp quốc tế lớn hiện nay công bố bản báo cáo thường niên giải thích những việc họ đang làm như những người công dân tốt.

Nhưng, chỉ có cá nhân mới có thể là người có trách nhiệm hay thiếu trách nhiệm, có đạo đức hay không có đạo đức. Nhóm không có đạo đức riêng. Đất nước, thị trấn, chủng tộc, bộ lạc, câu lạc bộ hay công ti không thể có đạo đức hay không có đạo đức – chỉ các cá nhân thành viên trong các tổ chức đó mới có đạo đức hay không có đạo đức. Chắc chắn là, chúng ta muốn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng nền văn hóa có tính đạo đức trong các tổ chức của họ. Nhưng đạo đức và trách nhiệm được phản ánh trong hành động – còn các hành động thì lại do các cá nhân, chứ không phải nhóm thực hiện.

Cuộc vận động yêu cầu các công ti phải có trách nhiệm xã hội thực ra là nỗ lực nhằm chuyển các chi phí của các chương trình dân sự và phúc lợi sang các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tìm cách thể hiện trách nhiệm của mình bằng những khoản tài trợ cho các trường học ở địa phương, các nhóm cộng đồng v.v. Đây có thể là ý tưởng kinh doanh tốt: Nói cho cùng, họ phải tuyển người từ các trường học ở địa phương và mối quan hệ tích cực với những trường đó làm cho công tác tuyển dụng trở nên dễ dàng hơn. Nhưng việc này để ban giám đốc và cổ đông tự quyết định, không nên nhân danh đạo đức mà bắt họ phải làm.

Nếu doanh nghiệp có tinh thần cạnh tranh phù hợp thì họ sẽ không bỏ tiền hỗ trợ các dự án ở địa phương, nếu các dự án đó không phục vụ cho triển vọng thương mại của doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp có tiền dành cho các dự án như thế thì đấy là tín hiệu cho thấy thị trường không hoạt động (ví dụ, các quy định của chính phủ là để bảo vệ các công ti không bị các công ti khác cạnh tranh). Trên thị trường cạnh tranh thực sự, các công ti này sẽ bị thua những công ti bỏ qua những dự án có tính phô trương ở địa phương và thu được lợi nhuận.

Các doanh nhân cũng không phải là những người có thể đảm bảo rằng khoản tiền mà họ dành cho các dự án của cộng đồng, trên thực tế, được chi đúng nơi, đúng chỗ. Nên khuyên họ tập trung vào vai trò cốt lõi của mình là tìm kiếm lợi nhuận bằng cách cung cấp các món hàng hóa và dịch vụ mà người dân thực sự mong muốn – đến lượt nó, điều này sẽ tạo ra của cải, làm cho người ta có thể thể hiện được lòng nhân ái.

Nguồn bản dịch: https://vanviet.info/tu-lieu/nhung-nen-tang-cua-x-hoi-tu-do-7/

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường