[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương VIII: Không Phải Trên Lãnh Địa Của Chúng Ta - Các Rào Cản Phát Triển (Phần 4)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương VIII: Không Phải Trên Lãnh Địa Của Chúng Ta - Các Rào Cản Phát Triển (Phần 4)

DÒNG DÕI CỦA SAMAALE

Các thể chế chính trị chuyên chế trên khắp thế giới đã cản trở công nghiệp hóa một cách gián tiếp thông qua phương thức tổ chức nền kinh tế, hoặc một cách trực tiếp như ta đã thấy ở Áo-Hung và Nga. Nhưng chủ nghĩa chuyên chế không phải là rào cản duy nhất đối với sự vươn lên của các thể chế kinh tế dung hợp. Vào buổi bình minh của thế kỷ 19, nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Phi, không có nổi một nhà nước có khả năng cung cấp ngay cả một mức độ luật pháp và trật tự tối thiểu, vốn là điều kiện tiên quyết để có một nền kinh tế hiện đại. Các nước khác không có được một Peter Đại đế, người bắt đầu quá trình tập trung hóa chính trị rồi hun đúc nên một chính thể chuyên chế ở nước Nga, và càng không có được các vị vua dòng họ Tudor ở Anh, những người tập trung hóa nhà nước mà không phá hủy hoàn toàn - hay nói chính xác hơn là không thể phá hủy hoàn toàn - Quốc hội và các ràng buộc khác đối với quyền lực của họ. Không có một mức độ tập trung hóa chính trị nào đó thì cho dù giới quyền thế của các chính thể châu Phi này có mong muốn thực hiện công nghiệp hóa với cánh tay rộng mở thì họ cũng không thể làm được gì.

Somalia, đất nước nằm ở đầu mũi của châu Phi, minh họa cho ảnh hưởng tàn phá của tình trạng thiếu tập trung hóa chính trị. Theo lịch sử, người dân Somalia chủ yếu được tổ chức thành sáu bộ tộc. Bốn bộ tộc lớn nhất, Dir, Darod, Isaq và Hawiye, đều có cùng tổ tiên là một nhân vật huyền thoại tên Samaale. Các bộ tộc này có nguồn gốc ở phía bắc Somalia và dần dần mở rộng về phía nam và phía đông, và thậm chí đến ngày nay vẫn còn là những người dân du mục hoang sơ với những đàn dê, cừu và lạc đà. Ở phía nam, hai bộ tộc còn lại là Digil và Rahanweyn, có cuộc sống nông nghiệp định cư. Lãnh thổ của các bộ tộc này được mô tả trên bản đồ 12 (chương 6).

Người Somalia đồng cảm trước tiên với bộ tộc của họ, nhưng các bộ tộc này rất lớn và bao gồm nhiều nhóm nhỏ. Trước tiên là các thị tộc xuất thân từ một trong các bộ tộc lớn. Quan trọng hơn là việc tập hợp thành nhiều nhóm trong nội bộ từng thị tộc, được gọi là các nhóm diya, có nghĩa là “nợ máu”; nhóm diya bao gồm những người có quan hệ huyết thống gần gũi, những người gieo và trả nợ máu, nghĩa là đền bù cho việc giết hại một trong những thành viên thị tộc. Các thị tộc Somali và các nhóm diya có lịch sử xung đột triền miên về việc sử dụng nguồn lực khan hiếm, nhất là nguồn nước và đất đai chăn thả gia súc. Họ cũng thường xuyên cướp bóc gia súc của các thị tộc láng giềng và của các nhóm diya. Mặc dù mỗi thị tộc đều có lãnh đạo gọi là tộc trưởng (sultan) và có các bậc trưởng lão, nhưng những người này không có quyền lực thực tế. Quyền lực chính trị bị phân tán rộng rãi, mọi nam giới trưởng thành đều có tiếng nói về những quyết định ảnh hưởng đến thị tộc hay nhóm. Điều này xảy ra thông qua một hội đồng phi chính thức bao gồm tất cả các nam giới trưởng thành. Không có văn bản luật pháp, không có cảnh sát và không có hệ thống luật pháp, ngoại trừ luật Sharia được sử dụng như một khuôn khổ để đưa vào các luật lệ phi chính thức. Đối với một nhóm diya, các luật lệ phi chính thức sẽ được mã hóa thành một tập hợp các nghĩa vụ, quyền và nhiệm vụ mà nhóm này yêu cầu các nhóm khác phải tuân theo khi tương tác với nhóm, được gọi là heer. Khi thực dân bắt đầu cai trị đất nước, các luật heer bắt đầu được viết thành văn bản. Ví dụ như dòng họ Hassan Uggas tạo thành một nhóm diya gồm khoảng 1.500 người và là một tiểu thị tộc thuộc bộ tộc Dir ở Somaliland thuộc thực dân Anh. Ngày 8/3/1950, luật heer của họ được ủy viên hội đồng quận của Anh viết lại với những câu đầu tiên như sau:

1. Khi một người thuộc dòng họ Hassan Ugaas bị giết hại bởi một nhóm bên ngoài, thân nhân hàng thứ nhất của người này sẽ lấy 20 con lạc đà nợ máu (trong tổng số nợ máu 100 con lạc đà) và 80 con lạc đà còn lại sẽ được chia sẻ giữa tất cả những người thuộc dòng họ Hassan Ugaas.

2. Nếu một người thuộc dòng họ Hassan Ugaas bị thương bởi một người bên ngoài và tình trạng thương tích này được đánh giá tương đương với 33 và 1/3 con lạc đà, thì phải đền bù cho người bị thương 10 con lạc đà và phần còn lại sẽ đền bù cho nhóm jiffo (một nhóm nhỏ trực thuộc nhóm diya).

3. Hành động giết người giữa các thành viên dòng họ Hassan Ugaas phải đền bù theo tỷ lệ 33 và 1/3 con lạc đà, chỉ phải trả cho thân nhân hàng thứ nhất của người bị giết. Nếu thủ phạm không thể trả toàn bộ hay một phần, hắn sẽ được họ hàng giúp đỡ.

Việc luật heer ưu tiên chú trọng vào hiện tượng giết hại và bị thương phản ánh tình trạng chiến tranh liên miên giữa các nhóm diya và các thị tộc. Trọng tâm của luật là nợ máu và mối hận thù truyền kiếp. Tội ác chống lại một người nào đó sẽ trở thành tội ác chống lại toàn bộ nhóm diya, và đòi hỏi phải có sự đền bù tập thể, phải trả nợ máu. Nếu không trả nợ máu, nhóm diya của người phạm tội sẽ đứng trước sự báo thù của nạn nhân. Khi phương tiện giao thông hiện đại xuất hiện ở Somalia, nợ máu được áp dụng cho những người bị chết hay bị thương trong các tai nạn xe máy. Luật heer của dòng họ Hassan Ugaas không chỉ áp dụng cho việc giết hại; điều 6 của luật là: “Nếu một người thuộc dòng họ Hassan Ugaas sỉ nhục một người khác trong hội đồng Hassan Ugaas, người đó phải trả 150 shilling cho bên bị xúc phạm”.

Vào đầu năm 1955, các đàn gia súc của hai thị tộc Habar Tol Ja’lo và Habar Yuunis được chăn thả gần nhau trong vùng Domberelly. Một người của thị tộc Yuunis bị thương sau khi tranh chấp với một người trong thị tộc Tol Ja’lo trong việc chăn thả lạc đà. Thị tộc Yuunis ngay lập tức trả đũa, tấn công thị tộc Tol Ja’lo và giết chết một người. Theo luật trả nợ máu, cái chết này buộc người Yuunis phải đền bù cho thị tộc Tol Ja’lo, và việc đền bù được chấp nhận. Nợ máu phải được đích thân trao trả bằng lạc đà như thường lệ. Trong buổi lễ trao trả nợ máu, một người Tol Ja’lo giết chết một thành viên thị tộc Yuunis, vì tưởng nhầm người này là thành viên trong nhóm diya của kẻ giết người. Điều này dẫn đến một cuộc chiến toàn lực, và trong vòng 48 tiếng sau đó, đã có 13 người Yuunis và 26 người Tol Ja’lo bị giết. Cuộc chiến tiếp tục thêm một năm nữa trước khi các bậc trưởng lão từ hai thị tộc được chính quyền thuộc địa Anh triệu tập, cố gắng làm trung gian cho một thỏa thuận (trao đổi nợ máu) làm hài lòng cả hai bên và được thanh toán trong vòng ba năm.

Việc trả nợ máu diễn ra trong bóng dáng của mối đe dọa vũ lực và hận thù truyền kiếp, và thậm chí sau khi trả nợ, xung đột cũng không nhất thiết sẽ chấm dứt. Thông thường, xung đột chỉ lắng xuống rồi lại bùng lên.

Vì thế, quyền lực chính trị phân tán rộng trong xã hội Somalia, gần như đa nguyên. Nhưng không có thẩm quyền của một nhà nước tập quyền để thực thi trật tự, ấy là còn chưa nói đến các quyền sở hữu, thì sự phân tán quyền lực này không dẫn đến các thể chế dung hợp. Không ai tôn trọng thẩm quyền của người khác, và không ai có thể áp đặt trật tự, kể cả chính quyền thuộc địa Anh khi được thiết lập ở đó. Tình trạng thiếu tập trung hóa chính trị làm cho Somalia không thể hưởng lợi từ cuộc Cách mạng công nghiệp. Trong một môi trường như vậy, quả thật người ta không thể hình dung nổi việc đầu tư hay áp dụng công nghệ mới xuất phát từ Anh, hay xây dựng các loại tổ chức cần thiết để làm điều đó.

Nền chính trị phức tạp của Somalia đã có những hệ lụy thậm chí còn tinh tế hơn đối với tiến bộ kinh tế. Trên đây, chúng tôi đã đề cập đến một vài vấn đề rắc rối về công nghệ trong lịch sử châu Phi. Trước khi sự cai trị thuộc địa bành trướng vào cuối thế kỷ 19, các xã hội châu Phi không sử dụng bánh xe trong giao thông hay cày bừa trong nông nghiệp và ít xã hội có chữ viết. Nhưng Ethiopia thì có, như ta đã thấy. Người Somalia cũng có chữ viết, nhưng không như người Ethiopia, họ không sử dụng nó. Chúng ta đã thấy những ví dụ về điều này trong lịch sử châu Phi. Các xã hội châu Phi không sử dụng bánh xe hay cày bừa, nhưng họ chắc chắn biết về các công cụ này. Như ta đã thấy trong trường hợp Vương quốc Kongo, điều này cơ bản là do các thể chế kinh tế không mang lại động cơ khuyến khích dân chúng sử dụng các công nghệ này. Những vấn đề tương tự có phát sinh với việc sử dụng chữ viết hay không?

Chúng ta có thể cảm nhận điều này phần nào qua Vương quốc Taqali tọa lạc về phía tây bắc Somalia ở vùng đồi Nuba thuộc nam Sudan. Vương quốc Taqali hình thành vào cuối thế kỷ thứ 8 bởi một nhóm chiến binh dưới sự lãnh đạo của một người tên là Isma’il, và duy trì nền độc lập cho đến khi bị sáp nhập vào Đế quốc Anh vào năm 1884. Các vị vua Taqali và dân chúng được tiếp cận hệ thống chữ viết Ảrập, nhưng họ không sử dụng nó - ngoại trừ nhà vua, để giao tiếp với các chính thể khác và phục vụ quan hệ ngoại giao. Thoạt nhìn qua, điều này tưởng chừng như rất khó hiểu. Cách giải thích truyền thống về nguồn gốc chữ viết ở Mesopotamia là nó được phát triển bởi các nhà nước để ghi chép thông tin, kiểm soát dân chúng và đánh thuế. Tại sao nhà nước Taqali không quan tâm đến điều này?

Sử gia Janet Ewald đã tìm hiểu những vấn đề này vào cuối thập niên 1970 khi bà cố gắng xây dựng lại lịch sử nhà nước Taqali. Một phần câu chuyện là, người dân phản đối sử dụng chữ viết vì họ sợ rằng nó sẽ được sử dụng để kiểm soát nguồn lực quý giá như đất đai thông qua việc cho phép quyền xác lập sở hữu nhà nước. Họ cũng sợ rằng chữ viết sẽ dẫn đến việc đánh thuế một cách hệ thống hơn. Vương triều mà Isma’il sáng lập đã không kết tụ thành một nhà nước quyền lực. Ngay cả khi có mong muốn như thế, nhà nước cũng không đủ mạnh để áp đặt nguyện vọng của mình lên sự chống đối của dân chúng. Nhưng còn có những yếu tố khác tinh tế hơn đã phát huy tác dụng. Các nhóm quyền thế cũng chống đối sự tập trung hóa chính trị, họ thích giao tiếp với dân chúng bằng lời nói hơn là chữ viết, vì điều này cho phép họ đạt được sự tùy tiện tối đa. Luật pháp hay mệnh lệnh bằng văn bản thì không thể thu hồi hay bác bỏ và khó thay đổi; chúng ấn định những tiêu chuẩn mà giới quyền thế cai trị có thể muốn đảo ngược. Vì thế, cả người bị trị và kẻ cai trị ở Taqali đều không xem việc du nhập chữ viết là có lợi cho họ. Người bị trị sợ rằng kẻ cai trị sẽ lợi dụng nó, trong khi chính kẻ cai trị cũng xem việc không có chữ viết là giúp ích cho việc cầm quyền tương đối bấp bênh của mình. Chính nền chính trị của Taqali đã ngăn chặn việc du nhập chữ viết. Mặc dù ở Somalia gần như không có một giới quyền thế rõ rệt như ở Vương quốc Taqali, nhưng xem ra khá hợp lý khi cho rằng những áp lực tương tự đã ngăn cản việc sử dụng chữ viết và áp dụng các công nghệ cơ bản khác.

Trường hợp Somalia cho thấy hậu quả của tình trạng thiếu tập trung chính trị đối với tăng trưởng kinh tế. Tư liệu lịch sử không ghi nhận ví dụ về những nỗ lực tập trung hóa chính trị ở Somalia. Tuy nhiên, điều này là rất khó vì những lý do rất rõ ràng. Tập trung hóa chính trị có nghĩa là một vài thị tộc sẽ phụ thuộc vào những thị tộc khác. Nhưng họ không chấp nhận sự phụ thuộc này và sự nhượng bộ quyền lực mà điều này sẽ gây ra; sự cân bằng quyền lực quân đội trong xã hội làm cho họ khó tạo ra các thể chế tập trung. Trên thực tế, rất có thể một nhóm hay một thị tộc nào đó ra sức tập trung quyền lực sẽ không chỉ đứng trước sự phản đối quyết liệt mà còn mất đi quyền lực và các đặc quyền hiện hữu của họ. Hậu quả của tình trạng thiếu tập trung chính trị này và thiếu các quyền sở hữu bảo đảm cơ bản nhất là xã hội Somalia không bao giờ tạo ra động cơ khuyến khích đầu tư vào các công nghệ giúp nâng cao năng suất. Khi quá trình công nghiệp hóa diễn ra ở các vùng khác trên thế giới vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, người Somalia vẫn hận thù lẫn nhau và lo cho sinh mạng của họ, và tình trạng lạc hậu kinh tế ngày càng thâm căn cố đế.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh