[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương I: Rất gần nhau mà rất khác nhau (Phần cuối)
TRỞ THÀNH TỈ PHÚ
Tác động lâu dài của cách tổ chức xã hội thuộc địa và di sản thể chế của các xã hội này tạo nên sự khác biệt hiện nay giữa Hoa Kỳ và Mexico, và vì thế cũng định hình sự khác biệt giữa hai phần của Nogales. Sự tương phản giữa cách thức Bill Gates và Carlos Slim trở thành hai người giàu nhất thế giới - Waren Buffett cũng là một đối thủ - giúp minh họa những áp lực đã phát huy tác dụng. Sự vươn lên của Gates và Microsoft thì ai cũng biết, nhưng cương vị một người giàu nhất thế giới của Gates và nhà sáng lập một trong những công ty đổi mới công nghệ nhất đã không ngăn được Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành vụ kiện dân sự chống lại công ty Microsoft vào ngày 8/5/1998, cho rằng Microsoft đã lạm dụng thế lực độc quyền. Vấn đề bất hòa cụ thể là cách thức Microsoft ràng buộc trình duyệt web Internet Explorer của họ với hệ điều hành Windows. Chính phủ theo dõi Gates một thời gian, và ngay từ đầu năm 1991, Ủy ban thương mại liên bang đã bắt đầu tìm hiểu liệu Microsoft có đang lạm dụng thế lực độc quyền về hệ điều hành máy tính hay không. Tháng 11/2001, Microsoft đạt được một thỏa thuận với Bộ Tư pháp. Hoạt động của công ty đã được khống chế, cho dù án phạt thấp hơn so với đòi hỏi của nhiều người.
Ở Mexico, Carlos Slim không kiếm tiền bằng phát minh đổi mới. Thoạt đầu ông đạt thành tích nổi trội trong các doanh vụ thị trường cổ phiếu, trong việc mua rồi tân trang lại những doanh nghiệp không có lời. Doanh vụ táo bạo chính của ông là thôn tính Telmex, công ty độc quyền viễn thông Mexico được tổng thống Carlos Salinas tư nhân hóa vào năm 1990. Chính phủ tuyên bố dự định bán 51% cổ phiếu kiểm soát (20,4% tổng số cổ phiếu) của công ty vào tháng 9/1989 và nhận hồ sơ dự thầu vào tháng 11/1990. Cho dù Slim không bỏ giá thầu cao nhất, một tập đoàn do ông lãnh đạo Grupo Carso đã trúng thầu. Thay vì trả tiền cổ phiếu ngay lập tức, Slim xoay sở trì hoãn việc thanh toán, dùng chính cổ tức của Telmex để trả tiền mua cổ phiếu. Doanh nghiệp một thời là độc quyền nhà nước giờ trở thành độc quyền của Slim, và nó mang lại lợi nhuận khổng lồ.
Những thể chế kinh tế làm cho Carlos Slim trở nên giàu có như hiện nay vô cùng khác biệt so với các thể chế ở Hoa Kỳ. Nếu bạn là một nghiệp chủ Mexico, các hàng rào cản trở việc thành lập doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng ở mỗi giai đoạn trong sự nghiệp của bạn. Những rào cản này bao gồm giấy phép tốn kém mà bạn phải kiếm được, những tệ nạn quan liêu mà bạn phải vượt qua, các chính khách và những doanh nghiệp đang hoạt động sẽ ngáng đường bạn, và nỗi khó khăn khi đi tìm nguồn tài trợ từ một khu vực tài chính thường móc ngoặc với các doanh nghiệp mà bạn đang phải cạnh tranh. Những rào cản này hoặc là không thể vượt qua, ngăn bạn bước vào những hoạt động làm ăn béo bở, hoặc sẽ là người bạn vĩ đại nhất của bạn, giúp bạn giữ khoảng cách an toàn với các đối thủ cạnh tranh khác. Lẽ dĩ nhiên, điểm khác biệt giữa hai tình huống là ở chỗ bạn quen biết những ai và có thể ảnh hưởng đến những người nào, cũng như có thể hối lộ cho ai. Carlos Slim, một người tài năng và tham vọng xuất thân từ thành phần di dân Libăng tương đối khiêm tốn, đã trở thành bậc thầy trong việc tìm kiếm những hợp đồng độc quyền; ông xoay sở để độc quyền hóa thị trường viễn thông béo bở ở Mexico, rồi mở rộng tầm ảnh hưởng đến phần còn lại của châu Mỹ La-tinh.
Cũng có những người từng phản đối công ty độc quyền Telmex của Slim, nhưng họ không thành công. Năm 1996, Avantel, nhà cung ứng dịch vụ điện thoại đường dài, kiến nghị lên Ủy ban Cạnh tranh Mexico yêu cầu kiểm tra xem Telmex có một vị thế chi phối trên thị trường viễn thông hay không. Năm 1997, ủy ban tuyên bố rằng Telmex có thế lực độc quyền đáng kể về dịch vụ điện thoại địa phương, các cuộc gọi đường dài quốc gia, và các cuộc gọi đường dài quốc tế, cùng những dịch vụ khác. Nhưng nỗ lực của các cơ quan điều tiết ở Mexico không đi đến đâu. Một lý do là vì Slim và Telmex có thể sử dụng cái gọi là recurso de amparo, hiểu sát nghĩa là “chống án để bảo vệ”. Amparo thực chất là một kiến nghị, lập luận rằng một luật cụ thể nào đó không áp dụng cho bạn. Ý tưởng về amparo có từ hiến pháp Mexico năm 1857 và thoạt đầu là nhằm bảo vệ tự do và các quyền cá nhân. Tuy nhiên, trong tay của Telmex và các doanh nghiệp độc quyền khác, quy định này trở thành một công cụ ghê gớm để củng cố thế lực độc quyền. Thay vì bảo vệ quyền lợi của dân chúng, amparo mang lại một lỗ hổng trong sự bình đẳng trước pháp luật.
Slim kiếm tiền từ nền kinh tế Mexico phần lớn nhờ vào các mối quan hệ chính trị của ông. Khi mạo hiểm tiến vào Hoa Kỳ, Slim đã không thành công. Năm 1999, tập đoàn Grupo Carso của ông mua lại doanh nghiệp bán lẻ máy tính CompUSA. Trước lúc đó CompUSA đã nhượng quyền cho công ty Dịch vụ COC để bán hàng hóa của họ ở Mexico. Slim ngay lập tức vi phạm hợp đồng này bằng dự định thiết lập chuỗi cửa hàng riêng để không phải cạnh tranh với COC. Nhưng COC kiện CompUSA ra tòa án Dallas. Không có quy định amparo ở Dallas nên Slim thua kiện và bị phạt 454 triệu USD. Luật sư của COC, Mark Werener sau đó nhận xét rằng “thông điệp của phán quyết này là, trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, các doanh nghiệp phải tôn trọng luật pháp Hoa Kỳ nếu họ muốn đến đây”. Khi Slim phải phụ thuộc vào các thể chế của Hoa Kỳ, chiến thuật kiếm tiền thông thường của ông không còn tác dụng nữa.
HƯỚNG TỚI MỘT LÝ THUYẾT VỀ CÁCH BIỆT GIÀU NGHÈO TRÊN THẾ GIỚI
Chúng ta sống trong một thế giới bất bình đẳng. Sự khác biệt giữa các nước cũng tương tự như sự khác biệt giữa hai phần của Nogales, chỉ khác là trên quy mô rộng lớn hơn. Ở những nước giàu, dân chúng giàu có hơn, sống lâu hơn và có học vấn cao hơn. Họ cũng được tiếp cận với nhiều thú vui và chọn lựa trong cuộc sống hơn, từ các kỳ nghỉ cho đến con đường sự nghiệp, mà người dân những nước nghèo chỉ có thể mơ ước. Dân chúng ở những nước giàu cũng được lái xe trên những con đường không có ổ gà, và họ có nhà vệ sinh, điện và nước máy trong nhà. Chính phủ nước họ thông thường cũng không tùy tiện bắt bớ hay xâm hại họ; trái lại, chính phủ cung ứng các dịch vụ như giáo dục, y tế, đường sá, luật pháp và an ninh trật tự. Một điều cũng đáng kể nữa là: dân chúng được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử và có tiếng nói trong đường lối chính trị của đất nước.
Những điểm khác biệt to lớn về cách biệt giàu nghèo trên thế giới thật là hiển nhiên đối với mọi người, ngay cả đối với những người ở các nước nghèo cho dù nhiều người không được tiếp cận với truyền hình hay internet. Chính nhận thức và thực tế khác biệt này đã thôi thúc nhiều người vượt sông Rio Grande hay Địa Trung Hải một cách bất hợp pháp để có cơ hội trải nghiệm mức sống và vận hội ở các nước giàu. Tình trạng cách biệt giàu nghèo này không chỉ gây ra hệ lụy đối với cuộc sống của dân chúng ở các nước nghèo, mà còn dẫn đến bất bình và oán hận, với những hệ lụy chính trị to lớn ở Hoa Kỳ và những nơi khác. Tìm hiểu lý do tại sao sự khác biệt này tồn tại và nguyên nhân của chúng là trọng tâm của quyển sách này. Phát triển nhận thức này không chỉ là mục đích, mà còn là bước đi đầu tiên để xây dựng những ý tưởng tốt đẹp hơn về cách thức cải thiện cuộc sống của hàng tỷ người vẫn còn sống trong đói nghèo.
Tình trạng cách biệt giàu nghèo ở hai bên bờ rào Nogales chỉ là bề nổi của tảng băng. Cũng như ở những nơi khác ở miền bắc Mexico được hưởng lợi từ hoạt động thương mại với Hoa Kỳ, cho dù không phải toàn bộ hoạt động đó đều là hợp pháp, người dân Nogales vẫn thịnh vượng hơn so những người Mexico khác vốn có thu nhập hộ gia đình bình quân hàng năm chỉ vào khoảng 5.000 USD. Sự thịnh vượng tương đối này của Nogales bang Sonora hình thành từ các nhà máy công nghiệp chế tạo maquiladora trong các khu công nghiệp; trong đó khu công nghiệp đầu tiên được Richard Campbell, Jr., một nhà sản xuất rổ từ California, xây dựng. Doanh nghiệp thuê đất đầu tiên trong khu công nghiệp này là Coin-Art, một công ty sản xuất dụng cụ âm nhạc thuộc sở hữu của Richard Bosse, người sở hữu công ty sáo và kèn saxophone Artley ở Nogales bang Arizona. Tiếp bước Coin-Art là Memorez (hệ thống dây máy tính); Avent (y phục bệnh viện); Grant (kính mát); Chamberlain (nhà sản xuất thiết bị mở cửa ga-ra cho Sears); và Samsonite (va-li). Đáng lưu ý, tất cả đều là các doanh nhân và doanh nghiệp gốc Hoa Kỳ, sử dụng vốn và bí quyết công nghệ của Mỹ. Do đó, sự thịnh vượng hơn của Nogales bang Sonora so với phần còn lại của Mexico là xuất phát từ bên ngoài.
Sự khác biệt giữa Mỹ và Mexico không đáng kể so với sự khác biệt giữa Mỹ với các nước khác trên thế giới. Một người Mỹ bình quân giàu gấp bảy lần so với một người Mexico trung bình và gấp 10 lần so với người Peru hay Trung Mỹ. Một người Mỹ trung bình cũng thịnh vượng gấp 20 lần so với một người dân hạ Sahara châu Phi, và gần 40 lần so với những người sống ở những nước châu Phi nghèo nhất như Mali, Ethiopia và Sierra Leone. Và không chỉ Mỹ, có một nhóm nước giàu tuy không đông nhưng hiện đang ngày một nhiều hơn - chủ yếu ở châu Âu và Bắc Mỹ, cùng với Úc, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan - nơi dân chúng tận hưởng cuộc sống rất khác với cuộc sống ở phần còn lại của quả địa cầu.
Lý do khiến Nogales bang Arizona giàu hơn nhiều so với Nogales bang Sonora thật đơn giản; đó là do những thể chế rất khác nhau ở hai bên biên giới tạo ra những động cơ khuyến khích hết sức khác nhau cho người dân ở hai vùng. Hoa Kỳ cũng giàu hơn nhiều so với Mexico hay Peru do cách thức các thể chế kinh tế và chính trị đã định hình các động cơ khuyến khích đối với doanh nghiệp, cá nhân và các chính khách. Mỗi xã hội vận hành với một tập hợp các quy luật kinh tế và chính trị được tạo ra và thực thi bởi cả nhà nước và dân chúng. Các thể chế kinh tế sẽ định hình nên các động cơ kinh tế: động cơ khiến người ta muốn học tập, tiết kiệm và đầu tư, phát minh và áp dụng công nghệ mới… Chính quá trình chính trị sẽ định hình nên những thể chế kinh tế mà người dân đang sống trong đó, và chính các thể chế chính trị sẽ định hình nên cách thức vận hành quá trình này. Ví dụ, chính các thể chế chính trị của đất nước sẽ quyết định khả năng của dân chúng trong việc kiểm soát các chính khách và ảnh hưởng tới hành vi của họ. Điều này, đến lượt mình, sẽ quyết định liệu các chính khách có phải là đại diện của nhân dân, dù không hoàn hảo, hay là họ có thể lạm dụng quyền lực được ủy thác cho họ, hay quyền lực mà họ đã chiếm đoạt để tích lũy của cải riêng và theo đuổi chương trình hành động riêng, tác hại đến lợi ích của nhân dân. Các thể chế chính trị không chỉ bao gồm hiến pháp và nền dân chủ. Thể chế chính trị còn bao gồm sức mạnh và năng lực của nhà nước để điều tiết và quản trị xã hội. Cũng cần phải xem xét khái quát hơn những yếu tố xác định xem quyền lực chính trị được phân phối như thế nào trong xã hội, nhất là khả năng của các nhóm khác nhau cùng hành động một cách tập thể để theo đuổi mục tiêu của họ hay ngăn chặn những người khác theo đuổi mục tiêu của họ.
Vì các thể chế ảnh hưởng đến hành vi và động cơ khuyến khích trong đời sống thực tế nên chúng sẽ hun đúc nên thành công hay thất bại của các quốc gia. Nhân tài là quan trọng ở mọi cấp độ xã hội, nhưng cho dù như thế, cũng cần phải có một khung thể chế giúp chuyển hóa nhân tài thành một lực lượng tích cực. Bill Gates, cũng như những nhân vật huyền thoại khác trong ngành công nghệ thông tin (như Paul Allen, Steve Ballmer, Steve Jobs, Larry Page, Sergey Brin và Jeff Bezos) có tài năng và hoài bão phi thường. Nhưng suy cho cùng Gates đã đáp ứng với các động cơ khuyến khích. Hệ thống giáo dục ở Hoa Kỳ giúp Gates và những người như ông tiếp thu một tập hợp kỹ năng độc đáo bổ trợ cho tài năng của họ. Các thể chế kinh tế ở Hoa Kỳ giúp họ thành lập doanh nghiệp một cách dễ dàng, không phải đứng trước những rào cản không thể vượt qua. Các thể chế này cũng làm cho việc tài trợ cho các dự án của họ trở nên khả thi. Thị trường lao động Hoa Kỳ giúp họ tuyển dụng nhân sự phù hợp, và môi trường thị trường tương đối cạnh tranh giúp họ mở rộng công ty và tiếp thị sản phẩm. Các nghiệp chủ này tin chắc ngay từ đầu rằng các dự án mơ ước của họ có thể thực hiện được: họ tin tưởng vào các thể chế và tinh thần thượng tôn pháp luật mà các thể chế này đã tạo ra và họ không lo lắng gì về việc bảo đảm an toàn quyền sở hữu tài sản của họ. Cuối cùng, các thể chế chính trị giúp bảo đảm tính ổn định và liên tục. Trước hết, các thể chế chính trị giúp bảo đảm rằng sẽ không có nguy cơ một nhà độc tài nào đó sẽ lên cầm quyền và thay đổi luật chơi, tước đoạt của cải của họ, tống giam họ, hay đe dọa mạng sống và phương kế mưu sinh của họ. Các thể chế chính trị cũng bảo đảm rằng không có thế lực cụ thể nào trong xã hội có thể bẻ cong chính phủ theo một chiều hướng thảm họa về mặt kinh tế, vì quyền lực chính trị thì có giới hạn và được phân phối đủ rộng để có thể tạo ra một tập hợp thể chế kinh tế giúp hình thành các động cơ khuyến khích sự phồn vinh.
Quyển sách này sẽ cho thấy rằng, trong khi các thể chế kinh tế là quan trọng để xác định liệu đất nước sẽ nghèo hay giàu, chính chính trị và các thể chế chính trị sẽ cho ta biết đất nước có những thể chế kinh tế nào. Suy cho cùng, các thể chế kinh tế tốt đẹp của Hoa Kỳ đã hình thành từ những thể chế chính trị đã xuất hiện dần dần sau năm 1619. Lý thuyết về cách biệt giàu nghèo trên thế giới của chúng tôi sẽ cho thấy cách thức tương tác giữa các thể chế chính trị và các thể chế kinh tế trong quá trình dẫn đến đói nghèo hay thịnh vượng ra sao, và cho thấy các vùng khác nhau trên thế giới đi đến những tập hợp thể chế khác nhau như thế nào. Việc nhìn lại lịch sử châu Mỹ vừa rồi đã bắt đầu cho ta chút nhận thức về những áp lực định hình các thể chế chính trị và kinh tế. Diễn biến thể chế khác nhau ngày nay có gốc rễ sâu xa từ quá khứ, vì một khi xã hội đã tổ chức theo một đường lối nhất định, điều này sẽ có xu hướng tồn tại dai dẳng. Chúng ta sẽ thấy rằng thực tế này hình thành từ cách thức tương tác giữa các thể chế chính trị và kinh tế.
Sự tồn tại dai dẳng và các áp lực tạo ra sự tồn tại đó cũng giúp giải thích lý do khiến người ta khó lòng xóa bỏ tình trạng cách biệt giàu nghèo trên thế giới và làm cho những nước nghèo trở nên thịnh vượng. Cho dù các thể chế là yếu tố then chốt cho sự khác biệt giữa hai miền Nogales cũng như giữa Mexico và Hoa Kỳ, điều đó không có nghĩa là sẽ có sự đồng thuận ở Mexico để thay đổi thể chế. Không nhất thiết rằng xã hội sẽ xây dựng hay áp dụng những thể chế tốt nhất cho tăng trưởng kinh tế và phúc lợi nhân dân, bởi vì những thể chế khác thậm chí có thể tốt hơn cho những người kiểm soát chính trị và kiểm soát các thể chế chính trị. Giới quyền thế và những người còn lại trong xã hội thường bất đồng về những tập hợp thể chế nào nên được giữ nguyên và những thể chế nào nên thay đổi. Carlos Slim chắc sẽ không vui khi thấy các mối quan hệ chính trị của ông biến mất và các rào cản thành lập doanh nghiệp giúp bảo vệ hoạt động kinh doanh của ông sụp đổ - bất kể việc thành lập các doanh nghiệp mới sẽ làm cho hàng triệu người Mexico trở nên giàu có. Vì không có sự đồng thuận như thế, cho nên việc xã hội sẽ có những luật lệ như thế nào sẽ được xác định thông qua chính trị: ai có quyền lực và quyền lực này được thực hiện như thế nào. Carlos Slim có quyền lực để đạt được những gì ông muốn. Quyền lực của Bill Gates bị hạn chế hơn nhiều. Đó là lý do khiến lý thuyết của chúng tôi không chỉ nói về kinh tế mà còn về chính trị. Đó là lý thuyết về ảnh hưởng của thể chế đối với thành công và thất bại của các quốc gia - vì thế đó là kinh tế học về đói nghèo và thịnh vượng; đó là lý thuyết về cách thức các thể chế được quyết định như thế nào và thay đổi ra sao theo thời gian, và vì sao vẫn không thể bị thay đổi ngay cả khi các thể chế ấy dẫn đến đói nghèo và bất hạnh cho hàng triệu người - và vì thế lý thuyết của chúng tôi là chính trị học về đói nghèo và thịnh vượng.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)