[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 11:  Nhà nước lỗi thời (hết chương 11)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 11: Nhà nước lỗi thời (hết chương 11)

Những khu dân cư do tư nhân quản lý

Trái với lời khuyên của Robert Reich, 4 triệu người Mỹ đã quyết định sống trong 30.000 khu dân cư do tư nhân quản lý. 24 triệu người khác sống trong những khu chung cư, trong những tòa nhà hoặc căn hộ, thực chất là những cộng đồng kín cổng cao tường. Tại sao người ta lại quyết định sống trong những khu dân cư do tư nhân quản lý? Thứ nhất, để tự bảo vệ mình, tránh nạn tội phạm và các dịch vụ công cộng ở nhiều thành phố lớn đã xấu đi trông thấy. Một giáo sư đại học than vãn: “Thời Trung cổ mới... phong cảnh của thời Trung cổ với các thị trấn có tường và cổng nằm rải rác khắp nơi”. Trong thời Trung cổ người ta xây dựng những bức tường xung quanh các thành phố để bảo vệ, không cho bọn cướp xâm nhập, hiện nay nhiều người Mỹ cũng đang làm như thế.

Những khu dân cư do tư nhân quản lý là phản ứng mang tính hòa bình, nhưng toàn diện trước sự thất bại của chính phủ lớn. Tương tự như chính quyền liên bang, hiện nay các chính quyền địa phương thu thuế nhiều chưa từng thấy, nhưng dịch vụ mà họ cung cấp thì ngày càng xấu đi. Không chỉ cảnh sát dường như không đủ sức chống lại bọn tội phạm gia đang ngày càng gia tăng, mà các trường học cũng ngày càng kém đi, rác thải không được thu gom, ổ gà không được lấp, ở đâu cũng thấy ăn mày. Khu dân cư do tư nhân quản lý bảo đảm an toàn về mặt thể xác cho cho những người sống trong đó, không cho những người không có hộ khẩu cũng không phải là khách đi vào.

Nhưng còn lý do bao trùm hơn, thúc đẩy người ta vào sống trong những khu dân cư do tư nhân quản lý. Đấy là, chính quyền địa phương không thể nào đáp ứng được nhu cầu và sở thích của tất cả các công dân. Mỗi người có những đòi hỏi khác nhau về mật độ dân số, kiểu nhà ở, sự hiện diện của trẻ em..v.v... Những quy định có thể đáp ứng sở thích của một số người có thể là vi hiến hay xúc phạm tinh thần yêu chuộng tự do của những người khác.

Khu vực dân cư do tư nhân quản lý có thể giải quyết một số vấn đề trong lĩnh vực hàng hóa công cộng. Trong những khu dân cư lớn hơn, nhà ở, đường phố, hệ thống cống rãnh, công viên đều là của tư nhân. Sau khi mua nhà hoặc chung cư trong khu vực, hàng tháng người dân phải đóng một khoản phí cho việc bảo vệ, duy tu và quản lý. Nhiều khu vực có cả cổng lẫn bảo vệ.

Nhiều khu dân cư có những quy định có thể làm một số người bực mình, phẫn nộ, thậm chí là vi hiến nếu đấy là những quy định do chính phủ ban hành, ví dụ, quy định về màu sắc ngôi nhà, chiều cao khóm cây trồng trong vườn, đậu xe trên đường, thậm chí là cả sở hữu súng. Người ta quyết định sống trong những khu dân cư như thế một phần là do họ cho rằng những quy định – thậm chí những quy định nghiêm ngặt – là có thể chấp nhận được.

Trên tờ tạp chí Public Finance Quarterly, xuất bản năm 1989, hai nhà kinh tế học Donald J. Boudreaux và Randall G. Holcombe lý giải vì sao ngày càng có nhiều người thích sống trong những khu dân cư do tư nhân quản lý và gọi đấy là các chính phủ khế ước. Những quy định do một nhà đầu tư duy nhất viết, sau đó chính người này đề xuất với người mua cả gói – tài sản và những quy định cho những người sống trong khu vực – làm giảm chi phí cho quá trình thiết lập quy tắc và tạo điều kiện cho người lựa chọn nơi sinh sống trên cơ sở những quy định mà nhà đầu tư đưa ra. Mong muốn kiếm tiền là một động lực mạnh mẽ để các nhà đầu tư soạn thảo những quy định tốt.

Boudreaux và Holcombe viết: “Việc thành lập chính phủ khế ước dường như là cái gì đó rất gần với khế ước xã hội trong thế giới thực mà ta có thể thấy, vì nó được tạo ra đằng sau một cái gì đó tương tự như một tấm màn che [của sự vô minh] và bởi vì mọi người nhất trí chấp nhận quyền tài phán của chính phủ khế ước”.

Fred Foldvary chỉ ra rằng hầu hết “hàng hóa công cộng” đều tồn tại trong một không gian cụ thể nào đó, do đó hàng hoá có thể được cung cấp cho riêng người thuê hoặc mua quyền tiếp xúc với không gian đó. Điều đó tạo điều kiện cho các doanh nhân giải quyết vấn đề những người tìm cách “ăn không” hàng hóa công cộng mà không chịu trả tiền. Các doanh nhân cố gắng làm cho không gian của họ trở thành hấp dẫn đối với khách hàng bằng cách cung cấp một sự kết hợp tốt nhất có thể những đặc điểm của khu vực, mà đặc điểm mỗi khu vực mỗi khác. Foldvary chỉ ra rằng, những khu dân cư do tư nhân quản lý, các trung tâm mua sắm, các khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí và khách sạn đều là những khu vực của tư nhân, do các doanh nhân lập ra. Doanh nhân tích cực tìm kiếm và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của người tiêu dùng hơn là chính phủ. Và nhiều doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh với nhau để giành thị phần có thể cung cấp nhiều lựa chọn hơn là chính phủ có thể làm.

Sự đa dạng của khu dân cư do tư nhân quản lý – trong đó có khu chung cư và những tòa nhà nhiều tầng – có thể nói là vô cùng đa dạng. Giá cả và tiện nghi cũng vô cùng khác nhau. Một số khu có những quy định như cấm trẻ em, cấm nuôi súc vật, cấm sở hữu súng, cấm những gam màu sắc sặc sỡ, cấm cho thuê lại hoặc bất cứ thứ gì khác có thể được coi là làm giảm sự hưởng thụ không gian của người dân sống trong đó. Phong trào gọi là “cohousing” (tạm dịch: sống chung) đang gia tăng là phản ứng trước việc nhiều người thấy cần tình cảm gần gũi hơn của cộng đồng, họ sống xung quanh một ngôi nhà chung dùng cho những buổi ăn uống và vui chơi của cả nhóm. Một số người tạo ra khu vực cohousing trên cơ sở niềm tin tôn giáo mà họ cùng chia sẻ.

Khu dân cư do tư nhân quản lý là thành phần quan trọng của xã hội dân sự. Những khu vực như thế tạo điều kiện cho nhiều người tìm được những cách sống (làm việc, mua sắm hoặc giải trí) mà họ muốn. Nó phản ánh nhận thức rằng xã hội tự do không phải là một cộng đồng lớn mà là cộng đồng của những cộng đồng.

Luật pháp và công lý

Những người theo phái tự do cá nhân tin rằng chính phủ chỉ có một chức năng là bảo vệ các quyền của chúng ta. Để làm việc đó, chính phủ phải thuê cảnh sát để bảo vệ chúng ta khỏi những hành động bạo ngược của những người láng giềng và lập ra toà án để giải quyết các tranh chấp pháp lý. Nhưng, có lẽ do bị phân tâm bởi tất cả những nhiệm vụ bổ sung, mà họ tự rước vào mình, cho nên chính phủ không thực hiện được chức năng cơ bản này một cách suôn sẻ và dân chúng buộc phải tìm trên thị trường những giải pháp thay thế.

Tòa án bị quá tải và giải quyết ở tòa vừa tốn kém vừa bực mình, ngày càng có nhiều người tìm đến trọng tài tư nhân để nhờ giải quyết các tranh chấp. Quyết định của trọng tài có tính ràng buộc về mặt pháp lý và, khi cần thiết, có thể nhờ các tòa án của nhà nước thi hành, mặc dù mục đích của trọng tài tư nhân là tránh tốn kém và sự chậm trễ của tòa án. Làn sóng tiếp theo trong việc giải quyết tranh chấp ngoài tòa án (ADR) có thể là hòa giải - một cách giải quyết không có tính ràng buộc, không có tính chính thức - trong đó phía trung gian giúp các bên tranh chấp giải quyết với nhau. Nhiều người thích hòa giải, vì nó giúp người ta tránh được thái độ thù địch và thù hận kéo dài đối với phía bên kia khi mang vụ việc ra tòa án hay trọng tài có tính ràng buộc. Vì hầu hết các tranh chấp là giữa những người sẽ còn phải tiếp tục làm việc với nhau - các thành viên gia đình, hàng xóm, các doanh nghiệp sẽ còn có những mối quan hệ với nhau – cố gắng giải quyết vấn đề mà không để bên thứ ba áp đặt giải pháp là tốt nhất.

Mỗi năm tòa án liên bang nhận được khoảng 200.000 vụ việc, trong khi Hiệp hội Trọng tài Mỹ (AAA), một hiệp hội tư nhân, phi lợi nhuận làm trọng tài và hòa giải cho khoảng 60.000 vụ việc. Năm 1995, công ty JAMS/Endispute, một công ty kinh doanh, giải quyết khoảng 20.000 vụ, tăng gấp đôi so với trước đó ba năm. Những công ty như AAA, JAMS/Endispute, và các công ty trọng tài khác có mạng lưới “những người trung gian” rộng khắp – đấy là bên thứ ba, không thiên vị, sẵn giải quyết tranh chấp của khách hàng. Tất cả những người làm việc cho JAMS/Endispute đều là luật sư, nhiều người là các thẩm phán đã về hưu; trong khi AAA có cả luật sư lẫn các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh. Các hãng trọng tài tư nhân khẳng định rằng, so với các tòa án của chính phủ, giải quyết tranh chấp ngoài tòa án (ADR) giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc, giúp các bên tranh chấp kiểm soát quá trình phân xử và giữ gìn được các mối quan hệ, linh hoạt về thủ tục và bí mật, thảo luận trong phòng kín, bởi vì thảo thuận của trọng tài và hòa giải là những thỏa thuận không được kháng cáo, trừ những trường hợp bất thường. Nhiều hợp đồng kinh doanh cũng ghi rõ rằng, các tranh chấp phát sinh sẽ được giải quyết bởi một đại diện của một công ty ADR nào đó. Trọng tài ra quyết định dựa trên các điều khoản của hợp đồng và thông luật, mà khởi thủy, bản thân thông luật cũng là thiết chế tư nhân và hiện vẫn là quá trình lập pháp theo từng vụ việc, chứ không phải là sắc lệnh của cơ quan lập pháp.

Trong khi đó, lo ngại về tội phạm làm cho người Mỹ ngày càng sử dụng nhiều cảnh sát tư nhân hơn. Có khoảng 550.000 nhân viên làm việc trong lực lượng cảnh sát bang và địa phương; nhưng lại có đến khoảng 1,5 triệu cảnh sát tư nhân. Nhiều người là do các doanh nghiệp thuê bảo vệ tài sản, hàng hóa của công ty..v.v... Những người khác làm việc cho các công ty bảo vệ, như công ty Brink, ký hợp đồng dịch vụ bảo vệ cho các ngân hàng, doanh nghiệp, công ty phát triển nhà ở và các nhà tổ chức sự kiện. Nếu chính phủ làm tốt hơn công tác ngăn ngừa và trừng phạt tội phạm thì sẽ cần ít cảnh sát tư nhân, nhưng bảo vệ tư nhân còn làm những việc mà chính phủ không thể làm được, ví dụ như bảo vệ nhà máy, văn phòng, khu vực dân cư suốt 24 giờ mỗi ngày.

Ở một số vùng, doanh nghiệp và người dân còn trả tiền cho cảnh sát theo kiểu quan hệ đối tác công-tư. Những người buôn bán và dân chúng trong khu phố Koreatown-West Adams ở Los Angeles, nơi phần lớn cư dân đều là người Hàn quốc, đã quyên góp được khoảng 400.000 USD và mua một tòa nhà làm trạm cảnh sát khu vực. Một số người phàn nàn rằng người đóng thuế không phải trả thêm tiền để có được những dịch vụ cơ bản, một số người khác thì nói rằng không phải khu vực nào cũng đủ sức trả tiền cho dịch vụ của cảnh sát. Nhưng ít nhất, đối với những thành phố lớn như Los Angeles, những nỗ lực của tư nhân như thế đã giúp người ta không tìm cách tăng thuế với hy vọng rằng khu phố của họ được bảo vệ an toàn hơn.

Bảo hiểm và tương lai

Người ta thường nghĩ rằng bảo hiểm là một dịch vụ có giá trị mà chính phủ phải cung cấp. Nhiều chương trình trong số những chương trình lớn nhất của liên bang là nhằm bảo hiểm cho người Mỹ trước những rủi ro về kinh tế và những rủi ro khác: an sinh xã hội, bảo hiểm y tế (Medicare) và trợ giúp y tế (Medicaid), bảo hiểm tiền gửi, bảo hiểm lũ lụt và nhiều thứ khác. Luận cứ thường thấy là chia sẻ rủi ro; mất mát có thể là thảm họa đối với một cá nhân, nhưng chia cho nhiều người thì thiệt hại có thể chấp nhận được. Ký hợp đồng bảo hiểm là chúng ta đổ tiền vào bảo hiểm nhằm chống sự kiện thảm khốc với xác suất xảy ra là rất nhỏ.

Luận cứ cho rằng bảo hiểm của chính phủ ưu việt hơn các công ty bảo hiểm tư nhân mang tính cạnh tranh là chính phủ có thể chia sẻ rủi ro cho nhiều người hơn. Nhưng, như Giáo sư George L. Priest của Trường luật Yake (Yale Law School) chỉ ra rằng, bảo hiểm của chính phủ đã gây ra nhiều kết quả không hay. Một mặt, thiết lập quỹ bảo hiểm lớn hơn mức cần thiết là không có lợi về kinh tế và mặt khác, những công ty độc quyền lớn chắc chắn là có nhiều nhược điểm. Phí bảo hiểm do chính phủ quy định thường không phù hợp với rủi ro, vì vậy, bảo hiểm thường là quá đắt đối với những người không thích rủi ro và quá rẻ đối với những người hoạt động trong những lĩnh vực có nguy cơ cao. Chính phủ lại thường làm trầm trọng thêm vấn đề “rủi ro đạo đức” tức là khuyến khích những người đã có bảo hiểm làm những việc có nhiều rủi ro hơn. Các công ty bảo hiểm tìm cách kiểm soát hiện tượng này bằng số tiền ấn định từ trước (deductible[42]) và đồng thanh toán (copayment[43]), tức là người được bảo hiểm phải thanh toán khoản nằm ngoài hợp đồng bảo hiểm, cũng như không đưa một số hoạt động vào hợp đồng bảo hiểm (như tự sát hoặc hành vi có rủi ro cao hơn so với dự kiến). Vì những lý do kinh tế và chính trị, chính phủ thường không sử dụng những công cụ đó, và như vậy là khuyến khích người ta làm những việc có nhiều rủi ro hơn.

Giáo sư Priest đưa ra một số dẫn chứng cụ thể: Công ty bảo hiểm tiết kiệm và tiền vay tăng mức độ rủi ro của các khoản đầu tư; các công ty tiết kiệm và cho vay có thể được lợi từ những dự án có mức độ rủi ro cao, nhưng người đóng thuế sẽ bù đắp những tổn thất, tội gì không cho những dự án có mức độ rủi ro cao vay? Bảo hiểm thất nghiệp của chính phủ tăng cả mức độ lẫn thời gian thất nghiệp; người ta sẽ tìm được việc làm mới sớm hơn nếu không có bảo hiểm thất nghiệp, hoặc nếu khoản tiền bảo hiểm phụ thuộc vào số tiền mà họ đã sử dụng, tương tự như bảo hiểm xe hơi. Priest viết: “Dĩ nhiên là tôi sẽ không khẳng định rằng, bảo hiểm của chính phủ làm gia tăng tần suất thiên tai. Nhưng, tôi không hề nghi ngờ gì rằng, những khoản bảo hiểm của chính phủ đã làm cho thiệt hại do thiên tai gây ra tăng lên”. Ví dụ, bảo hiểm lũ lụt của chính phủ thấp hơn giá thị trường khuyến khích người ta xây dựng thêm nhà cửa ở những vùng đồng bằng dễ bị lũ lụt và trên những hòn đảo được bảo vệ kém ở bờ Đông  .

Mong muốn giảm bớt rủi ro là mong muốn tự nhiện, và thị trường giúp người ta đạt được mục đích đó. Nhưng, khi người ta tìm cách làm giảm rủi ro qua những chương trình bảo hiểm của chính phủ thì sẽ dẫn tới kết quả là nguồn lực được đưa vào những hoạt động có nhiều rủi ro hơn và do đó, gia tăng rủi ro và tổn thất của toàn xã hội.

Tuy nhiên, thị trường cung cấp nhiều cơ hội để cho người lựa chọn mức độ rủi ro mà họ cảm thấy yên tâm. Có nhiều loại bảo hiểm. Những khoản đầu tư khác nhau - cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương trợ, chứng chỉ tiền gửi – tạo điều kiện cho người ta tìm được mối tương quan giữa rủi ro và số tiền được nhận theo cách mà người ta muốn, nông dân có thể cắt giảm rủi ro bằng cách bán “lúa non” theo giá cố định. Làm như thế là họ tự bảo vệ trong trường hợp rớt giá, nhưng họ lại đánh mất cơ hội thu lời lớn khi giá cả lên. Thị trường hàng hóa tạo điều kiện cho nông dân, cũng như những người khác cơ hội tự bảo hiểm trước những thay đổi của giá cả.

Nhiều người không hiểu nguyên tắc hoạt động của thị trường hàng hóa và thị trường tương lai[44], thậm chí không hiểu cả thị trường chứng khoán; trong tiểu thuyết nhan đề The Bonfire of the Vanities (Ngọn lửa phù hoa) của Tom Wolfe, một người kinh doanh trái phiếu tên là Sherman McCoy nghĩ mình là chủ nhân ông của vũ trụ, mà không thể giải thích cho cô con gái giá trị của những việc anh ta đã làm. Các chính trị gia và các nhà văn nổi tiếng thường lên án những “doanh nhân trên giấy” hay những “người đổi tiền”, nhưng những thị trường bí ẩn này không chỉ đưa vốn vào những dự án, nơi chúng sẽ không chỉ phục vụ một cách tốt nhất nhu cầu của người tiêu dung, mà còn giúp đỡ hàng triệu người Mỹ quản lý rủi ro của họ.

Một bước ngoặt mới đối với nông dân là cơ hội ký kết hợp đồng với những công ty chế biến thực phẩm trước khi trồng một loại cây lương thực cụ thể nào đó. Hơn 90% rau xanh hiện nay được trồng theo hợp đồng, những loại cây trồng khác có ít hợp đồng hơn. Các hợp đồng làm cho nông dân không còn được độc lập như trước đây, nhưng họ cũng gặp ít rủi ro, nhiều người thích như thế.

Trong khi đó, những thị trường hàng hóa lớn như Chicago Board of Trade, Chicago Mercantile Exchange và New York Mercantile Exchange (Nymex) đang tìm kiếm những phương thức đầu tư mới để cung cấp cho khách hàng. Gần đây, Chicago Mercantile Exchange bắt đầu cung cấp giá sữa tương lai – tạo điều kiện cho nông dân ấn định giá sữa hoặc đặt cược vào sự thay đổi giá cả - người ta cho rằng sau khi bãi bỏ điều tiết, giá sữa có thể giảm, nhưng biên độ dao động sẽ cao hơn. Nymex thiết lập thị trường trong tương lai cho lĩnh vực cung cấp điện, thị trường này sẽ mang lại nhiều lợi ích khi giá điện không còn bị điều tiết nữa.

Chicago Board of Trade là một trong những tay chơi đang tìm kiếm những cách thức mới nhằm bảo vệ các công ty bảo hiểm - và mở rộng ra, là bảo vệ tất cả những người mua bảo hiểm hoặc đầu tư vào các công ty bảo hiểm - trước những đe dọa của những vụ siêu thảm họa. Theo tờ New York Times: “Hai trong số những thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất trong lịch sử Mỹ đã xảy ra” trong vài năm qua: Bão Andrew, năm 1992, các công ty bảo hiểm ở Nam Florida phải chi tới 16 tỷ USD, và trận động đất ở Los Angeles năm 1994, phải chi 11 tỷ USD. (Xin lưu ý rằng đây là những thảm họa “tàn phá nhất” từ trước đến nay là vì chưa bao giờ người Mỹ có nhiều tài sản đến như thế, vì vậy, thiết hại về mặt tài chính cũng lớn hơn). Các công ty bảo hiểm sợ một thảm họa với thiệt hại lên đến 50 tỷ USD, có thể làm cho các công ty bảo hiểm phá sản và thậm chí cũng là quá đắt đối với các công ty tái bảo hiểm, tức là những công ty bán hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo vệ công ty bảo hiểm trước những tổn thất lớn. Họ đang tìm kiếm những cách thức trong việc chia sẻ rủi ro, trong đó có thị trường thảm họa trong tương lai ở Chicago Board of Trade, các công ty bảo hiểm có thể sử dụng những công cụ như thế nhằm tự bảo vệ mình trước khả năng thua lỗ lớn. Các nhà đầu tư sẽ làm ra tiền bằng cách đánh cược rằng sẽ không có thảm họa như thế.

Những công ty tái bảo hiểm còn chào hàng trái phiếu có tên là Act of God (hành động của Chúa) với lãi suất rất cao, nhưng công ty sẽ ngừng mua lại trái phiếu nếu xảy ra thảm họa. Thị trường thảm họa tương lai và trái phiếu Act of God sẽ giúp bảo đảm cho việc thanh toán bảo hiểm và giá cả hợp lý. Xuất hiện câu hỏi: Nếu thị trường có thể giải quyết một cách thỏa đáng ngay cả những thảm họa tài chính với thiệt hại hàng tỷ USD thì tại sao chính phủ phải can thiệp vào hệ thống kinh tế?

Bỏ qua nhà nước

Cuộc thí nghiệm với nhà nước lớn trong thế kỷ XX đã thất bại. Ngày càng có nhiều người cho rằng các công ty thương mại, các hội ái hữu, các tổ chức từ thiện giải quyết các vấn đề tốt hơn là chính phủ. Thị trường vốn tư nhân có thể cung cấp bảo hiểm đáng tin cậy và quyền lợi cho người về hưu tốt hơn là hệ thống an sinh xã hội của chính phủ. Một trong những dự án xây dựng lớn nhất thế giới, đường hầm dưới biển Manche (English Channel) trị giá 12 tỷ USD, là do tập đoàn tư nhân thiết kế, tài trợ, xây dựng, sở hữu và quản lý. Một công ty tên là Human Capital Resource (Nguồn nhân lực) - phương án thay thế cho những khoản vay của sinh viên – dự định bán các chứng chỉ đầu tư cho sinh viên đại học với lãi suất cao hơn cho các nhà đầu tư, nhưng những người tốt nghiệp đại học thì phải trả ít hơn là vay của nhà nước, và không lấy từ tiền thuế của người dân.

Những khu vực dân cư tư nhân, quản trị dựa trên sự đồng thuận, có thể đáp ứng những nhu cầu và sở thích của 250 triệu người Mỹ - vốn rất khác nhau - tốt hơn là chính quyền địa phương. Trường tư thục cung cấp nền giáo dục tốt hơn, với chi phí thấp hơn so với trường công lập và trong vài năm nữa, công nghệ thông tin và các công ty kinh doanh sẽ làm được cuộc cách mạng trong lĩnh vực học tập. Các tổ chức từ thiện tư nhân sẽ đưa người dân ra khỏi hệ thống phúc lợi của nhà nước, chứ không dụ họ dính mắc vào đó.

Chúng ta có thể không cần chính phủ mà vẫn có được tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ mà mình cần trong một ngày không xa. Nhưng trong thời gian đó, các chính quyền địa phương-bang-liên bang với ngân quỹ 2,5 ngàn tỷ USD sẽ không tự động buông vũ khí và từ bỏ quyền lực. Ngành bưu điện Hoa Kỳ khư khư nắm giữ độc quyền. Các hội đồng nhà trường và công đoàn giáo viên tuyên bố rằng họ sẽ không để trẻ em “thoát khỏi” những ngôi trường của họ và họ đã chi hàng triệu USD nhằm ngăn chặn kế hoạch cho phép học sinh lựa chọn trường học. Những người hưởng lợi từ hệ thống hiện hữu sẽ không tự nguyện cắt giảm quy mô chính phủ ngay cả khi tất cả các khách hàng rời bỏ nó. Trong khi số học sinh nhập học ở District of Columbia giảm 33.000 - khoảng 25% - thì hệ thống lại tăng thêm 516 nhân viên quản lý. 800.000 nhân viên bưu điện sẽ không chấp nhận bị sa thải, nếu chúng ta đều liên lạc với nhau bằng thư điện tử.

Chúng ta không thể chỉ khoanh tay ngồi đợi cho đến khi “các lực lượng xã hội” hay công nghệ tự động thay thế cho chính phủ cồng kềnh. Để thay đổi, người dân sẽ phải đòi bằng được quyền chọn trường học cho con em mình, phải đòi quyền cạnh tranh với ngành bưu điện, đòi được đầu tư vào quỹ hưu trí tư nhân. Và người nộp thuế sẽ đòi chính phủ chấm dứt những dịch vụ không còn người sử dụng nữa.

(Hết chương 11)

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường

Tác phẩm liên quan