[Chế độ dân chủ: nhà nước và xã hội] - Chương 6: Chế độ liên bang và những hình thức tổ chức nhà nước khác

[Chế độ dân chủ: nhà nước và xã hội] - Chương 6: Chế độ liên bang và những hình thức tổ chức nhà nước khác

1. Quan hệ giữa các dân tộc và vấn đề tổ chức nhà nước

Trong số 180 quốc gia trên thế giới thật khó mà tìm được vài nước đơn dân tộc, nghĩa là chỉ có đại diện của một sắc dân sinh sống. Cho nên vấn đề tổ chức nhà nước luôn liên quan đến vấn đề quan hệ giữa các dân tộc, mà những quan hệ này lại có thể được giải quyết bằng những biện pháp dân chủ cũng như phi dân chủ.

Trước hết hãy cùng tìm hiểu một vài định nghĩa và khái niệm.

Con người ngay từ khi sinh ra đã là một phần của những tập đòan người khác nhau, dù người đó không gắn bó với những tập đòan đó. Dần dần, thông quan ngôn ngữ, truyền thống, các giá trị văn hóa, tôn giáo, người đó mới cảm thấy những mối liện hệ như thế. Ngòai những mối liên hệ tự nhiên nói trên, còn có những mối liên hệ pháp lí khác, như nơi sinh, quyền công dân..v.v.. Nghĩa là mỗi người đều là thành phần của một dân tộc, một sắc tộc nào đó.

Có nhiều định nghĩa khác nhau về sắc tộc, nhưng người ta thường sử dụng định nghĩa sau đây: Sắc tộc là một cộng đồng người hình thành trong quá trình lịch sử trên một vùng đất nhất định, có một số đặc điểm chung tương đối ổn định về văn hóa, ngôn ngữ, tâm lí cũng như nhận thức về sự thống nhất của mình và một số khác biệt với các sắc tộc khác.

Đặc trưng của sắc tộc là gì?

Trước hết là ngôn ngữ (trên thực tế, các sắc tộc khác nhau thường có ngôn ngữ riêng của mình, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Thí dụ các sắc dân khác nhau có thể sử dụng cùng một ngôn ngữ; người Đức và người Áo..v.v..).

Mặc dù, đúng ra phải xem xét các đặc thù của sắc tộc trong tổng thể các đặc trưng về văn hóa: phương pháp canh tác, phương pháp thích ứng với điều kiện tự nhiên và địa lí, phân tích hình thức trang phục, nhà ở, trang sức, truyền thống, ngày lễ tết, nghi lễ, nghi thức, những quan niệm chủ yếu về giá trị..v.v.. Thường thường, tất cả những đặc trưng nêu trên được hình thành trong quá trình lịch sử trên một vùng đất nhất định, nhưng khi sắc dân nào đó bị phân tán trong nhiều khu vực thì những đặc điểm trên có thể giữ được, cũng như có thể biến đổi cho phù hợp với hòan cảnh. Có một số sắc dân mà đa số đại diện của họ lại sinh sống giữa cộng đồng các sắc tộc khác, người Di Gan là thí dụ điển hình.

Việc hình thành và tồn tại của các sắc tộc trên một vùng lãnh thổ nhất định chính là hình thức xã hội hóa, là sự thích ứng của con người đối với môi trường, nhưng khác với động vật, sự thích ứng này điễn ra không phải bằng con đường sinh lí mà bằng con đường văn hóa, thông qua những phương tiện có thể học được và lưu truyền từ thế hệ nọ sang thế hệ kia.

Sắc tộc không phải là một chủ thể chính trị, nó không tạo cho người ta bất kì đặc quyền đặc lợi nào, cũng không đặt ra bất kì hạn chế nào. Đấy là một kiểu văn hóa, một sản phẩm nhận thức của con người, sản phẩm của cách hành xử của con người.

Xin lưu ý khái niệm thành phần sắc tộc, đây là hiện tượng xã hội phức tạp, hình thành trong quá trình xã hội hóa cá nhân.

Xin các bạn hãy suy nghĩ xem liệu có thể coi thành phần sắc tộc là sự lựa chọn của cá nhân rằng mình vĩnh viễn thuộc về một nền văn hóa này hay văn hóa khác hay không? Đặc thù sắc tộc có thay đổi trong suốt cuộc đời trưởng thành của con người hay không?

Trong những giai đọan lịch sử khác nhau các sắc tộc cũng có những hình thức khác nhau: bộ lạc, bộ tộc.. hình thức tồn tại của sắc tộc hiện nay là dân tộc.

Dân tộc là gì? Khi chúng ta nói rằng một nhóm người nào đó thuộc về dân tộc này hay dân tộc kia là trước hết chúng ta muốn nói rằng họ có chung một ngôn ngữ, chung nền văn hóa, chung truyền thống, quyền lợi và thường thì cùng chung một tôn giáo nữa. Thường thì họ được gắn kết bởi một vùng lãnh thổ chung và các mối liên hệ về kinh tế và xã hội khác nữa.

Nhưng đôi khi cũng xảy ra là một người nhận thức được mình thuộc về một sắc tộc nào đó, biết nói tiếng của sắc tộc đó và tôn trọng truyền thống văn hóa của nó, nhưng vì những lí do khác nhau lại không sống trên vùng đất của tổ tiên. Người Đức sống nhiều thế kỉ trên lãnh thổ Nga, người Nga sống ở nhiều quốc gia trên thế giới, người Do Thái sống khắp thế giới, người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và người Ý sống ở các nước Nam Mĩ, người Mĩ là một cộng đồng văn hóa, tôn giáo và sắc tộc phức tạp - đấy mới chỉ là một vài thí dụ.

Những mối quan hệ sắc tộc phức tạp giữa những người sống trong cùng một vùng lãnh thổ tạo ra nhiều mâu thuẫn, xung đột. Khi dân tộc nhỏ sống cạnh các dân tộc lớn thì thường xảy ra những bất mãn, không phải lúc nào cũng có lí do chính đáng, về việc giải quyết những vấn đề kinh tế, văn hóa cũng như chính trị. Vì vậy, trong thực tiễn chính trị quốc tế, ta có thể thấy một loạt đòi hỏi của các sắc dân thiểu só, từ việc đòi được tự trị về văn hóa đến việc đòi thành lập các nhà nước riêng.

Ngòai ra, chúng ta cũng thường gặp thuật ngữ “nhân dân”. Thuật ngữ này thường được sử dụng rộng rãi trong nền luật pháp quốc tế kể từ sau Chiến tranh Thế giới I (1914-1918), tức là sau tuyên bố của Tổng thống Mĩ, W. Willson, rằng mục đích của cuộc chiến tranh là giải phóng nhân dân khỏi sự thống trị của các nước đế quốc đang cầm quyền ở châu Âu. Ý ông muốn nói đến các vương triều Habsburg ở đế chế Áo-Hung, Hohenzoller ở Phổ và Romanov ở Nga. W. Willson kêu gọi thành lập những nhà nước độc lập mới và kêu gọi cộng đồng thế giới, mà trước hết là Hội Quốc Liên, tiền thân của Liên Hiệp Quốc, công nhận nền độc lập của những quốc gia này. Năm 1918 các nước như Ba Lan, Lithuania, Estonia, Latvia, Tiệp Khắc, Hungaria, Romania, Nam Tư, Albania đã giành được độc lập. Từ đó đến nay người ta đã nhiều lần định vẽ lại biên giới các quốc gia, nhằm gom các dân tộc có chung ngôn ngữ, chung tôn giáo và lí tưởng chính trị ..v.v.. vào với nhau, nhưng điều đó thường chỉ dẫn đến những mâu thuẫn mới và những cuộc đụng độ võ trang mà thôi.

Chủ nghĩa dân tộc là hệ tư tưởng và chính sách dựa trên tư tưởng về tính ưu việt và tính chất đặc biệt của một dân tộc nào đó.

1. Có một quan điểm như sau: vấn đề dân tộc xuất hiện cùng với chủ nghĩa tư bản. Trước đó, xung đột xã hội đã diễn ra dưới những hình thức khác: xung đột của các phe phái, các vương triều. Chỉ sau khi xuất hiện nhà nước tư bản, những cuộc xung đột mang tính tôn giáo, phe phái, vương triều mới dần dần mang hình thức xung đột dân tộc. Bạn có đồng ý với quan điểm này hay không?

2. Trong sách báo cũng tồn tại quan điểm sau: Chủ nghĩa dân tộc trong thế kỉ XIX là sản phẩm phụ của các cuộc cách mạng tư sản. Trong thế kỉ XX chủ nghĩa dân tộc là bạn đồng minh của chủ nghĩa độc tài và chủ nghĩa tòan trị. Nhận thức dân tộc chủ nghĩa và tòan trị gần gũi với nhau (một chiều, không chấp nhận đa nguyên, không tưởng). Chúng chỉ khác nhau ở một điểm: dân tộc chủ nghĩa dựa vào những nguyên tắc mang tính dân tộc, còn tòan trị thì dựa trên nguyên tắc giai cấp. Bạn có đồng ý với quan điểm đó không? Hãy dựa vào kiến thức lịch sử cận đại để trình bày quan điểm của mình.

Những điều vừa nêu quyết định và làm phát sinh cái gọi là vấn đề dân tộc; mỗi quốc gia, dựa vào các điều kiện lịch sử, trình độ phát triển kinh tế, truyền thống, tôn giáo, lại có những biện pháp giải quyết vấn đề dân tộc theo cách của mình. Nhưng có thể đưa ra một số điều kiện chung (nguyên lí) cho phép tạo được sự hài hòa trong quan hệ giữa các dân tộc. Theo chúng tôi đấy là những điều kiện sau:

1. Có một nhà nước dân chủ pháp quyền.

2. Mong muốn của đại diện của tất cả các dân tộc và bộ tộc nhắm đạt đến sự đồng thuận. Nhà nước dân chủ pháp quyền và ước muốn này thường được thể hiện trong Hiến pháp.

Có thể điều kiện thứ hai đã gợi ra trong tâm trí bạn những tình cảm trái ngược nhau, nhưng xin nhớ rằng mâu thuẫn về kinh tế, chính trị và xung đột giữa các cá nhân cũng có thể được đẩy vào bình diện quan hệ giữa các dân tộc. Muốn chống lại hiện tượng như thế thì phải có một trình độ văn hóa cao, sự tôn trọng đối với người xung quanh, sự kiềm chế và ước muốn giải quyết mâu thuẫn bằng những biện pháp dân chủ.

Sự phức tạp và mâu thuẫn trong việc giải quyết các vấn đề trong quan hệ giữa các dân tộc còn liên quan đến số dân nữa. Một số dân tộc chỉ có mấy trăm người, thí dụ một vài thổ dân ở Brazil, Thái Lan hay Canada, trong khi dân số một dân tộc có thể đạt đến cả tỉ người, thí dụ dân tộc Hán ở Trung Quốc. Một số dân tộc có thể có đủ điều kiện về văn hóa, kinh tế và xã hội để thành lập các nhà nước độc lập, trong khi các phong trào li khai của một số dân tộc lại đi trước quá trình phát triển tự nhiên của họ.

2. Những hình thức tổ chức nhà nước chủ yếu

NHÀ NƯỚC TẬP QUYỀN NHÀ NƯỚC PHÂN QUYỀN
Quyền lực nằm trong tay chính phủ trung ương

NHÀ NƯỚC LIÊN BANG

Quyền lực được phân chia giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương

NHÀ NƯỚC LIÊN HIỆP

Có chính phủ trung ương nhưng quyền lực nằm trong tay các chính phủ thành viên

Có nhiều hình thức tổ chức nhà nước đa sắc tộc cũng như liên minh giữa các nhà nước với nhau. Trong quá khứ, từng tồn tại những đế chế rộng lớn, hình thành bằng việc chiếm đoạt những vùng lãnh thổ có các dân tộc khác đang sinh sống chứ không phải dựa vào sự đồng thuận của các dân tộc bị nô dịch, đấy là đế chế La Mã, Trung Hoa, đế chế của người Inka, đế chế Ottoman. Trong những giai đoạn sau này thì có đế quốc Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Áo-hung, Nga và các nhà nước đế quốc khác. Hiện nay, tất cả những đế quốc đó đều đã tan rã, một loạt nhà nước với đủ thành phần dân tộc xuất hiện. Nhiều nước đứng trước nan đề: Thành lập nhà nước như thế nào để có thể đáp ứng được các vấn đề về quan hệ sắc tộc?

Trong nhiều nước đã có sự phân chia quyền lực về chính trị và hành chính giữa chính quyền trung ương (chính phủ quốc gia) và các cơ quan quản lí địa phương. Các nước này khác nhau ở mức độ tập trung quyền lực về trung ương. Dựa vào mức độ phân chia quyền lực giữ trung ương và địa phương mà người ta chia nhà nước thành: nhà nước tập quyền và nhà nước liên bang.

Nhà nước tập quyền là nhà nước trong đó mọi quyền lực đều tập trung trong tay chính phủ trung ương (chính phủ quốc gia) và chính phủ giao một phần quyền lực, theo luật định, cho các chính quyền địa phương và khu vực. Chính quyền địa phương và khu vực có trách nhiệm báo cáo và phụ thuộc trực tiếp vào chính quyền trung ương. Với cách phân chia quyền lực này, chính quyền trung ương có toàn quyền, nghĩa là có tất cả quyền lực trong các vấn đề đối nội và đối ngoại theo quy định của hiến pháp. Nhưng như thế cũng không có nghĩa là luôn luôn xảy ra lạm dụng quyền lực.

Nhà nước liên bang là nhà nước trong đó quyền lực được phân chia giữa chính quyền trung ương và chính quyền các khu vực, nghĩa là phân chia giữa trung ưng và các bang, các tỉnh và nước cộng hoà, các vùng đất. Quyền hạn của trung ương và địa phương cũng được ghi trong hiến pháp.

Dưới đây chúng ta sẽ xem xét kĩ hơn từng loại nhà nước một.

Nhà nước tập quyền. Đa số các nhà nước trên thế giới hiện nay theo chính thể tập quyền, đấy là các nước như Trung Quốc, Anh, Pháp, Nhật bản, Thuỵ Điển, Izrael, Gióc Đa Ni, U-ru-goay và nhiều nước khác nữa. Nói chung, đây là các nước đơn dân tộc. Các dân tộc khác chỉ chiếm thành phần thiểu số. Trong các nước này, toàn bộ quyền lực đều tập trung trong tay các cơ quan trung ương. Các cơ quan trung ương quy định rõ chức năng và quyền hạn của các chính quyền địa phương.

Các cơ quan trung ương có thể tước bớt quyền lực của các chính quyền địa phương.

Vì sao phải giao quyền lực cho các chính quyền địa phương? Trong nhà nước tập quyền, chính quyền địa phương chỉ là cơ quan quản lí hành chính. Việc giao một phần quyền lực cho các cơ quan địa phương là để đảm bảo việc quản lí một cách có hiệu quả ở cơ sở và khuyến khích sáng kiến của công dân trong việc giải quyết những vấn đề địa phương.

Thí dụ, ở Anh, quốc hội nắm quyền lực tối cao phù hợp với hình thức tập quyền của nước này. Nhưng chính quyền địa phương cũng có thẩm quyền rất lớn trong việc giải quyết những vấn đề như cung cấp điện, nước, khí đốt, giáo dục, y tế, giao thông và nhiều vấn đề khác nữa. Chính quyền trung ương còn có văn phòng đại diện ở Welles (đóng ở Cardiff) và Scodland (đóng ở Edinburg) nữa. Văn phòng tại Edinburg có quyền hạn tương đối độc lập với chính phủ trung ương.

Riêng về Bắc Ireland thì trước năm 1972 các cơ quan quản lí ở đây đã tương đối độc lập và được giao khá nhiều quyền hạn. Nhưng từ khi các cuộc xung đột giữa người Tin lành và người Thiên Chúa giáo làm cho Bắc Ireland gần như không thể kiểm soát nổi đã buộc quốc hội Anh thông qua đạo luật quy định rằng vùng này sẽ được một Bộ trưởng chính phủ trực tiếp quản lí.

Ưu và nhược điểm của nhà nước tập quyền.

Một mặt, trong những điều kiện thuận lợi, thiết chế tập quyền tạo cho người ta tình cảm về sự thống nhất dân tộc, vì tất cả công dân các đều nắm dưới sự quản lí của một chính quyền, mọi người đều có cảm giác như là một phần của một tổng thể duy nhất. Nhà nước tập quyền cũng thường tránh được những tranh chấp về pháp lí và chính trị, và những bất đồng mà nhà nước liên bang dễ mắc phải hơn. Ở đây, chính quyền trung ương tạo ra một hệ thống luật lệ và các văn bản pháp quy thống nhất, cũng như thực hiện một chính sách quản lí thống nhất trên toàn lãnh thổ quốc gia. Một chính sách thống nhất và nhất quán có thể là ưu việt lớn nhất đối với công dân vì đặc thù địa phương trong nội bộ quốc gia không quá khác biệt.

Mặt khác, nhà nước tập quyền lại có một số khó khăn và mâu thuẫn. Trong những nước có diện tích rộng, dân số ở một số vùng có thể nghĩ rằng các quyết định được thông qua ở thủ đô xa xôi không đáp ứng được yêu cầu và kì vọng của họ, thậm chì ở mức độ nào đó còn cản trở các cố gắng của họ nữa.

Hệ thống tập quyền, nói chung, không mềm dẻo trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến các đặc thù về mặt văn hoá, ngôn ngữ, truyền thống dân tộc..v.v..

Tất cả đều chứng tỏ rằng đôi khi thể chế liên bang lại có nhiều thuận lợi hơn.

Nhà nước liên bang. Hệ thống nhà nước liên bang là cố gắng nhằm cân bằng nhu cầu một nhà nước có khả năng điều tiết trên bình diện quốc gia với nhu cầu có một bộ máy quản lí tại chỗ, đủ sức giữ được đặc thù dân tộc và sắc tộc tại địa phương và cho phép thực hiện tối đa hình thức tự quản. Ưu điểm của bộ máy tự quản địa phương, khi được tổ chức hợp lí, là trong một khu vực tương đối nhỏ có thể thường xuyên thực hiện các biện pháp dân chủ trực tiếp trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống của mọi công dân.

Thể chế liên bang thường liên quan đến nhu cầu giải quyết các vấn đề đặc thù, cần phải có các cơ quan quản lí địa phương hoạt động một cách hữu hiệu. Các cơ quan này có thể có cơ quan lãnh đạo mạnh trên bình diện quốc gia, thường gọi là chính phủ liên bang và trên thực tế, có thể là các cơ quan độc lập, đấy là trường hợp các cơ quan trung ương chỉ giữ vai trò điều phối.

Dù việc giải quyết vấn đề quan hệ giữ tập trung và phân quyền có phức tạp đến mức nào thì mục đích chính của liên bang cũng chỉ là dung hoà giữa sự thống nhất và đa dạng mà thôi.

Cần nhấn mạnh rằng trên thế giới chưa có sự thống nhất trong việc giải quyết những vấn đề này. Một số nước cố gắng giữ nguyên sự phân chia về mặt địa lí, trong khi lại tạo mọi điều kiện cho sự phát triển hài hoà quan hệ giữa các dân tộc. Có thể coi Canada và Bỉ là những thí dụ điển hình cho trường hợp này. Nhưng thành phần dân cư, ngôn ngữ và tôn giáo phức tạp trong một số quốc gia khác lại dẫn đến những đòi hỏi về việc phân chia lại gianh giới nhằm thành lập những khu vực đơn dân tộc, đơn văn hoá trong nội bộ quốc gia, thí dụ như ở Nam Tư, đôi khi có thể dẫn tới xung đột võ trang.

Sự khác nhau giữa các thể chế nhà nước được chỉ rõ trong bảng sau:

 

 

Không được lẫn lộn khái niệm “phân chia quyền lực” khi nói về quyền của các cơ qnan trung ương và các cơ quan địa phương trong hệ thống liên bang với việc phân chia quyền lực trong hệ thống chính trị của nhà nước, tức là giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp.

Việc phân chia quyền lực giữ các cơ quan trung ương và địa phương được thực hiện như thế nào?

Việc phân chia chức năng giữa các cấp chính quyền trong hệ thống liên bang cần được quy định trong hiến pháp.

Thể chế liên bang lần đầu tiên được xác định trong hiến pháp Hợp chúng quốc Hoa Kì công bố vào năm 1787, lúc đó mười ba bang độc lập đã liên kết lại để “bảo đảm an ninh trong nước và phòng thủ chung”, hiến pháp Hoa Kì viết như thế. Các bang đã đạt được thoả thuận về việc phân chia quyền lực giữa chính phủ trung ương và chính quyền bang. Cùng với thời gian, chức năng của chính phủ cũng thay đổi và người ta buộc phải xem xét lại vai trò của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Vì vậy, người ta đã đưa ra các tu chính án nhằm mở rộng quyền hạn cho chính phủ trung ương.

Hệ thống liên bang tỏ ra thành công ở một loạt nước, trong đó có Canada, Thuỵ Sĩ, Đức, Bỉ, Ấn Độ, Úc, Brazil.

Nói một cách chính xác, phần lớn hiến pháp liên bang đều xác định không phải hai mà là ba cấp chính quyền.

Cấp thứ nhất là trách nhiệm của chính phủ trung ương. Đấy là những vấn đề về quốc phòng, quan hệ quốc tế, thương mại, tiền tệ, hoạt động của hệ thống ngân hàng và thuế khóa.

Cấp thứ hai là quyền lực được chuyển giao cho các cơ quan địa phương. Nói chung đây là các chức năng mang tính khu vực, bảo vệ sức khoẻ, thuế khoá khu vực..v..v..

Cấp thứ ba là cộng đồng trách nhiệm của chính quyền trung ương và địa phương. Đây thường là những vấn đề liên quan đến việc phát triển nông nghiệp, hải sản, công nghiệp khai khoáng và luyện kim, khoa học và nghệ thuật. Thường xảy ra tranh luận giữa chính quyền trung ương và địa phương, nhất là khi đụng chạm tới những quyền lợi lớn mà một ngành nào đó có thể mang lại, thí dụ như ngành hoá dầu. Đấy là khi cả trung ương lẫn địa phương đều đòi nhận được phần lợi nhuận lớn hơn.

Bên cạnh việc phân chia quyền lực giữa trung ương và địa phương, còn có những vấn đề phức tạp liên quan đến chức năng và nhiệm vụ mà hiến pháp chưa quy định. Không có một bản liệt kê nào có thể bao gồm hết được các chức năng của một nhà nước. Ngoài ra, trên thực tế cũng không thể nào lường hết được các phương án phát triển của các khu vực, cũng như các mâu thuẫn có thể xảy ra trong những hoàn cảnh khác nhau.

Vì vậy người ta mới đưa ra khái niệm “quyền lực dư”. Ở Thuỵ Sĩ, hiến pháp chuyển quyền lực dư cho chính quyền địa phương (gọi là các Canton): “Các canton có quyền tự chủ ở mức độ chưa bị giới hạn bởi hiến pháp liên bang và có thể hành xử tất cả các quyền mà chính phủ liên bang chưa chuyển giao”. Ở Brazil thì ngược lại, quyền lực dư thuộc về chính phủ liên bang.

Trên thế giới còn có những bản hiến pháp kết hợp giữa hệ thống tập quyền và liên bang. Thí dụ, hiến pháp Ấn Độ giao cho Tổng thống, sau khi được quốc hội chuẩn thuận, quyền giải tán chính phủ các tỉnh và giao những tỉnh đó cho trung ương quản lí cho đến khi tổ chức được các cuộc bầu cửa mới, nếu Tổng thống cho rằng hiến pháp của các tỉnh đó đã bị vi phạm một cách nghiêm trọng. Chính phủ Ấn Độ đã áp dụng biện pháp này vài lần.

Giải quyết vấn đề dân tộc ở Liên Xô là công việc cự kì khó khăn. Trước cách mạng, nước Nga là một đế chế có nhiều đặc điểm khác với các cường quốc đế quốc khác: có chung đường biên giới với các thuộc địa, mà nhiều nước thuộc địa lại có nền kinh tế và mức sống cao hơn chính quốc. Ngay sau Cách mạng Tháng mười, ở nước Nga người ta đã thực hiện nhiều biện pháp nghiêm túc trong việc giải quyết vấn đề dân tộc, thí dụ theo yêu cầu của nhân dân, các Phần Lan, Lithuania, Litva và Estonia đã được độc lập. Đầu những năm 1920 đã hình thành được cơ chế quản lí năng động các vấn đề phát triển dân tộc trong nội bộ Liên Xô.

Nhưng sự phát triển sau đó của nhà nước Liên Xô đa sắc tộc đã diễn ra trong khuôn khổ của hệ thống toàn trị đang định hình, với tất cả những mâu thuẫn nội tại của hệ thống này. Nhân dân Nga trở thành đối tượng chủ yếu của hệ thống quan liêu đảng trị. Và mặc dù tên gọi của nhà nước thể hiện một thiết chế liên bang với 15 nước cộng hoà và 20 nước cộng hoà và 8 tỉnh tự trị, mỗi khu vực như thế lại có cơ quan hành chính riêng của mình, nhưng trên thực tế, đây chỉ là các cơ quan đại diện của chính quyền trung ương. Các cơ quan quản lí địa phương và khu vực chỉ là người thực thi chính sách đã được các cơ quan trung ương của Đảng cộng sản Liên Xô soạn thảo. Điều đó đã được ghi trong điều 6 của hiến pháp Liên Xô, khẳng định rằng Đảng cộng sản Liên Xô là lực lượng lãnh đạo xã hội. Mức độ tập quyền cao, thiếu vắng tính đa nguyên là những hạn chế nghiêm trọng đối với việc thể hiện quyền lợi của các dân tộc thiểu số. Vì vậy, những bước tiến tới công khai hoá đầu tiên đã dẫn đến việc xuất hiện các phong trào dân tộc, những phong trào này lại thường chuyển hoá vào lĩnh vực khó khăn và mâu thuẫn trong tiến trình phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội giữa các dân tộc. Có rất nhiều lí do, cả lãnh thổ, chính trị và văn hoá, cho sự xuất hiện những phong trào như thế. Giữa Armenia và Azhezbaigian là vấn đề lãnh thổ vùng Nagornưi Karabach; ở Moldova là vấn đề thay chữ cái Slavơ bằng chữ cái La Tinh, ở vùng Baltic là cuộc đấu tranh đòi huỷ bỏ hiệp ước Molotov-Ribentrov, một hiệp ước đã buộc các nước Baltic, vốn là các nước độc lập trở thành thành viên của Liên Xô…v..v.. Nguyên nhân thật sự của các vụ xung đột chính là sự xâm phạm quyền tự trị của các khu vực, thiếu tôn trọng nền văn hoá dân tộc và khủng hoảng kinh tế, cuối cùng đã làm cho Liên Xô tan rã.

Liên bang Nga là một nhà nước với cấu trúc đặc thù. Theo hiến pháp, liên bang Nga có 89 chủ thể, trong đó có 21 nước cộng hoà, 6 vùng, 49 tỉnh và 2 thành phố (Moskva và Saint-Peterburg) trực thuộc trung ương, 1 tỉnh và 10 khu vực tự trị (điều 65 Hiến pháp liên bang Nga). Có 140 dân tộc sống trên lãnh thổ Cộng hoà Liên bang Nga.

Các chủ thể thuộc Liên bang khác nhau ở diện tích lãnh thổ, số dân và mật độ dân cư cũng như thành phần dân tộc. Tỉnh Kaliningrad và nước cộng hoà Ađưgea có diện tích nhỏ nhất, lớn nhất là nước cộng hoà Sakha (Iakutia), có diện tích gần bằng Ấn Độ, khu vực Krasnodarskii Kray và nước cộng hoà Komi là những khu vực có diện tích lớn nhất.

Hai thành phố Moskva (hơn 9 triệu người), Saint-Peterburg (hơn 5 triệu người), tỉnh Moskva (gần 7 triệu người) và khu vực Krasnodarskii Cray (hơn 5 triệu người) là những chủ thể có đông dân nhất.

Về nguyên tắc, cả hai cấp chính quyền cùng phải nỗ lực để có thể giữ được sự cân bằng cần thiết cho sự tồn tại liên bang. Trong nhiều nhà nước liên bang, các tu chính hiến pháp thường nhận được sự đồng thuận của cả các cơ quan lập pháp trung ương lẫn các cơ quan lập pháp khu vực. Thí dụ, ở Mĩ, tu chính hiến pháp phải được cả hai viện, tức là thượng viện và hạ viện và ba phần tư (38 trên 50) cơ quan lập pháp bang chuẩn thuận thì mới có hiệu lực. Cần phải có các thủ tục thông qua tu chính phức tạp như vậy là vì: một mặt, cần phải thích nghi với những điều kiện thay đổi đang diễn ra hàng ngày, và mặt khác, cần phải có một hiến pháp ổn định, không dễ dàng thay đổi theo ý thích bất chợt của ai đó. Để so sánh, xin ghi nhận sự kiện là chỉ trong 2 năm (1991-1993) quốc hội Nga đã thông qua 300 tu chính bản hiến pháp thứ tư của đất nước.

Trong thể chế liên bang, nhằm bảo vệ quyền lợi của các sắc tộc, các nhóm tôn giáo, các nhóm ngôn ngữ và vùng lãnh thổ, cơ quan quyền lực thường có cấu trúc phức tạp. Bất kì thay đổi nào cũng phải được cân nhắc một cách thấu đáo, hơn nữa, chính phủ liên bang thường hành động theo nguyên tắc đa số. Ngay điều này đã chứa đựng mâu thuẫn, vì nguyên tắc đa số bảo đảm cho hoạt động của chính phủ nhưng không phải lúc nào cũng bảo đảm quyền lợi và sự độc lập của các nhóm thiểu số.

Làm thế nào để chính phủ trung ương có thể nghe thấy tiếng nói của các khu vực?

Phần lớn các nước theo thể chế liên bang đều có quốc hội gồm hai viện, trong đó mỗi khu vực, không phụ thuộc vào số dân, đều có số lượng đại biểu ngang nhau tại thượng viện. Thí dụ như ở Mĩ, các bang lớn đến đâu cũng chỉ được bầu số lượng đại biểu ngang với bang Delaware, chỉ có tổng cộng 650 ngàn dân. Mới nhìn thì có vẻ như đây là việc làm thiếu dân chủ, nhưng trên thực tế, chính nguyên tắc này góp phần bảo đảm quyền lợi cho những khu vực (bang) có ít dân cư vì số lượng hạ nghị sĩ được bầu theo tỉ lệ dân số các khu vực cho nên quyền lợi của các khu vực ít người có thể bị hạ viện lờ đi. Đấy là cách để tạo ra sự cân bằng quyền lợi và chính nhờ thế mà hệ thống liên bang mới hoạt động hữu hiệu được. Đôi khi chính nguyên tắc này lại đóng vai trò là tác nhân quyết định trong việc giữ gìn sự thống nhất và tòan vẹn của quốc gia. Thí dụ rõ nhất cho trường hợp này là nước Bỉ. Năm 1993, do yêu cầu của các tỉnh đòi tự trị, trong đó có vùng Flanders, nước này tổ chức xem xét lại hiến pháp nhằm chuyển từ thể chế tập quyền sang thể chế liên bang.

Dĩ nhiên là, trong các nước liên bang sẽ thường xuyên xuất hiện mâu thuẫn giữa địa phương và chính quyền trung ương về vấn đề quyền và lợi ích. Để giải quyết những xung đột như thế cần phải có một trọng tài không thiên vị. Trong các nước dân chủ, tòa án hiến pháp, cơ quan có quyền quyết định văn bản pháp quy có hợp hiến hay không, thường đóng vai trò trọng tài như thế.

Trong những trường hợp cấp bách, các quan tòa thường bảo vệ sáng kiến của chính quyền trung ương. Ở Úc và Mĩ thường xảy ra những trường hợp như thế và chính vì vậy mà chức năng của các cơ quan trung ương mới ngày càng gia tăng. Canada thì lại khác. Ở đây, nhờ các quyết định của tòan án hiến pháp mà các tỉnh đòi quyền tự trị đã được quyền thu thuế và theo hiến pháp thì còn có cả quyền kiểm sóat các khu mỏ nữa. Nhờ thế mà khả năng tài chính của một số tỉnh đã tăng lên một cách rõ rệt. Cuộc đấu tranh đòi quyền tự trị nhiều hơn của người dân nói tiếng Pháp ở tỉnh Quebec đã làm cho xu hướng li khai ngày càng mạnh hơn.

Theo hiến pháp Cộng hòa Liên bang Nga, mỗi chủ thể được cử hai đại biểu (điều 95 hiến pháp), một của cơ quan dân cử và một của cơ quan hành chính tham gia Hội đồng Liên bang (thượng viện). Như vậy là, đại biểu Hội đồng Liên bang được cử chứ không phải được bầu.

Các thành phần (bang, tỉnh và nước cộng hòa) có thể đơn phương ra khỏi liên bang được hay không?

Nói chung, hiến pháp liên bang thường không có điều khỏan nói về việc các chủ thể đơn phương rút ra khỏi thành phần nhà nước liên bang. Hơn thế nữa, đã từng xảy ra những vụ đụng độ vũ trang chống lại các vùng li khai nhằm tái lập sự tòan vẹn của nhà nước liên bang. Thí dụ, những vụ xung đột diễn ra gần đây ở Nigeria hay Zaire. Pakistan cũng định sử dụng vũ lực khi Bangladesh quyết định tách ra khỏi nước này. Ấn Độ lúc đó đã không cho quân đội Pakistan di chuyển trên vùng lãnh thổ của mình và nhờ thế mà Bangladesh mới giành được độc lập. Nghĩa là một số chính phủ đã dùng vũ lực nhằm ngăn chặn việc li khai của những vùng khác nhau.

Lại có những trường hợp khi các vùng khác nhau của một nhà nước đi đến thỏa thuận và chia tách thành những nước độc lập một cách hòa bình. Đấy là trường hợp của Tiệp Khắc, năm 1993.

Ở Liên Xô, hiến pháp quy định rằng các nước cộng hòa có quyền tách ra khỏi liên bang, nhưng thủ tục chia tách thì lại chưa được sọan thảo. Từ khi diễn ra quá trình cải tổ và công khai, các xu hướng li tâm họat động ngày càng tích cực. Trung ương đã có nhiều cố gắng nhằm giữ liên bang, trong đó có việc trao thêm quyền cho các khu vực tự trị. Quan điểm về việc chuyển Liên Xô thành nhà nước liên bang thực sự, trong đó có việc thành lập Hội đồng Liên bang, chịu trách nhiệm về đối ngọai, quốc phòng, an ninh và quân đội; quốc hội gồm hai viện với đại diện của mỗi nước cộng hòa; Ủy ban kinh tế liên quốc gia, chịu trách nhiệm về kinh tế và cải cách. Nhưng quan điểm này không trở thành hiện thực vì phần lớn các nước cộng hòa tham gia liên bang đã tự tuyên bố độc lập. Ngày 1 tháng 12 năm 1991 đa số dân Ukraine tham gia trưng cầu dân ý đã biểu quyết ủng hộ nền độc lập. Ngày 8 tháng 12 cùng năm, Nga, Ukraine và Bạch Nga tuyên bố thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Các nước này chiếm 73% dân số và sản xuất đến 80% sản phẩm công nghiệp của Liên Xô cũ. Hiện nay, ngòai ba hội viên sáng lập nói trên, SNG còn bao gồm các nước cộng hòa sau: Azerbaijan, Armenia, Kazakhstan, Kirgizia, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. SNG đang phải giải quyết những nhiệm vụ cực kì quan trọng, đấy là xác định lĩnh vực hợp tác trong chính sách kinh tế, chính sách xã hội và chính sách quốc phòng. Đã thành lập hội đồng liên nghị viện và các cơ quan khác nhằm phối hợp hành động trong việc rỡ bỏ nền kinh tế chỉ huy của Liên Xô cũ, khắc phục những mâu giữa các sắc tộc (dân tộc) và những nhiệm vụ khác. Hình thức liên bang lỏng lẻo hiện nay có trở thành nhà nước liên bang thực sự hay sẽ tan rã? Chỉ có thời gian mới trả lời được mà thôi.

Chúng ta sẽ cùng xem xét một thí dụ nữa. Đấy là nước Canada. Hiện ít nhất có hai quan điểm về tình hình Canada. Một số người cho rằng hai dân tộc, người Anh và người Pháp, đã kí thỏa thuận thành lập nước cộng hòa này, vì thế hai cộng đồng phải có quyền ngang nhau cả về ngôn ngữ lẫn văn hóa. Một số người khác thì cho rằng bốn tỉnh của Canada đã kí thỏa thuận hợp tác và chuyển giao cho chính phủ trung ương một số quyền nhất định. Như các bạn đã thấy, cả hai quan điểm đều bác bỏ vai trò đế quốc của nước Anh, nước Anh cũng đã chuyển dần quyền lực cho vùng lãnh thổ đang phát triển này. Từ ngày thành lập Canada, dân nói tiếng Pháp vẫn tỏ ra bất mãn vì họ cho rằng người nói tiếng Anh luôn chiếm đa số trong các cơ quan liên bang và đối xử với họ như với dân thiểu số, chứ không phải như những người cộng sự bình đẳng. Vì vậy, những người chủ trương li khai ở Quebec, vùng có đa số người nói tiếng Pháp của Canada, khẳng định rằng muốn có độc lập về chính trị và văn hóa thì phải tách Quebec ra và thành lập một nhà nước độc lập của riêng mình.

Đã có những cố gắng nhằm đưa ra các tu chính hiến pháp Canada nhằm tạo cho Quebec một vị thế riêng, nhưng từ năm 1981 đến nay không có tu chính nào nhận được sự ủng hộ cần thiết trong các cơ quan lập pháp. Hiện nay, lãnh đạo của các chính đảng ở Quebec đang chuẩn bị cho việc đơn phương cải tổ cơ cấu hiến pháp nhằm giành được nhiều quyền tự trị hơn. Quebec có thể cố gắng rút ra khỏi thành phần liên bang. Nhưng lịch sử Canada chứng tỏ rằng nhân dân nước này luôn luôn tìm được cách thỏa hiệp và như vậy có thể giữ được liên bang.

Ưu và khuyết điểm của thể chế liên bang. Những người ủng hộ thể chế liên bang cho rằng liên bang có thể bảo vệ nhân dân khỏi sự độc đóan của chính phủ trung ương và khuyến khích sự liên kết của các nhóm chính trị và khuyến khích các vùng lãnh thổ phối hợp các nguồn lực nhằm đạt được sự phát triển năng động nhất của tòan thể xã hội nói chung; thể chế liên bang dung hòa những đòi hỏi của các nhóm dân cư khác nhau - đấy có thể là các nhóm dân cư khác nhau về ngôn ngữ, dân tộc hoặc lãnh thổ - trong việc kiểm sóat và quản lí khu vực nằm trong thành phần liên bang. Những người bảo vệ thể chế liên bang cho rằng hệ thống này củng cố sự đa dạng về mặt xã hội và sự tự trị của các nhóm thiểu số.

Những người phê phán chế độ liên bang thì cho rằng cơ chế ra quyết định của nó quá cồng kềnh. Họ cho rằng hệ thống liên bang phân chia quyền lực theo nguyên tắc địa lí (trung ương và địa phương), trong khi các mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội lại xuất phát từ nguyên nhân dân tộc, tôn giáo, xã hội và văn hóa chứ không phải khu vực địa lí.

Nhưng xin độc giả nhớ rằng thể chế liên bang không thể giải quyết được các vấn đề về sắc tộc, dân tộc, tôn giáo, văn hóa hay xã hội mà chỉ tạo ra cơ sở pháp lí để giải quyết những vấn đề đó mà thôi. Lịch sử Hợp chúng quốc Hoa Kì có thể là một minh chứng cho điều đó.

Nước Mĩ là thí dụ điển hình về một đất nước, một mặt, đã diễn ra một cách dễ dàng quá trình đồng hóa và liên kết người dân các nước châu Âu đến định cư ở đây. Mặt khác, người thổ dân da đỏ và người da đen đã bị phân biệt đối xử một cách tàn tệ trong một thời gian dài. Mãi đến giữa thế kỉ XX mới có những cố gắng nghiêm túc nhằm lọai bỏ sự phân biệt đối xử với người da đen và da màu khác. Trong các trường công lập đã có lệnh cấm chia trẻ em thành các lớp da trắng và da màu. Những điều luật tương tự liên quan đến nhà thờ và các địa điểm công cộng khác cũng đã được ban hành. Người da đen và da màu khác cũng được tạo điều kiện tương tự như người da trắng trong việc học tập và rèn luyện tay nghề. Người da màu cũng được nhận vào các chức vụ quan trọng và được tạo điều kiện thăng tiến. Năm 1984, J. Jackson, một người da đen đầu tiên trở thành ứng cử viên tổng thống Mĩ. Tất cả những biện pháp đó đã góp phần làm giảm chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử, nhưng vẫn chưa hòan tòan triệt tiêu được vấn đề. Quá trình tự động hóa và vi tính hóa sản xuất kéo theo nạn thất nghiệp hàng lọat, mà nạn nhân trước hết là những người da màu. Giá cả nhà ở leo thang cũng ảnh hưởng trước hết đến tầng lớp này. Như vậy nghĩa là, vấn đề phân biệt đối xử đối với các sắc dân thiểu số vẫn còn và đòi hỏi sự quan tâm thường xuyên của chính quyền mới ở Mĩ.

Ấn Độ cũng là một thí dụ về áp dụng những biện pháp dân chủ trong việc giải quyết các vấn đề kì thị vốn tồn tại từ lâu. Phần lớn dân chúng nước này đều theo một tôn giáo nào đó. Nhiều tôn giáo song song tồn tại trong một quốc gia luôn luôn tạo ra những mâu thuẫn nghiêm trọng. Vì vậy, tổng thống đầu tiên, ông Jawaharlal Nehru, đã kiên quyết bảo vệ ý tưởng rằng Ấn Độ phải là nhà nước thế tục, phải tách tôn giáo ra khỏi nhà nước, vì nếu không thì những người không theo Ấn giáo sẽ bị coi là thành phần thiểu số về mặt tôn giáo. Chính sách này đã bị những người theo Ấn giáo, vốn chiếm đa số, phản đối kịch liệt, nhưng nhà nhà nước vẫn tách ra khỏi tôn giáo, nghĩa là nhà nước không can thiệp vào tin ngưỡng của người dân. Chính phủ dân chủ đầu tiên của Ấn Độ còn phải giải quyết một vấn quan trọng nữa, đấy là vấn đề kì thị đẳng cấp. Các đẳng cấp ở Ấn Độ từ lâu đã chia dân chúng thành những nhóm khép kín cả về tôn giáo, kinh tế lẫn xã hội. Chính phủ đã thực hiện chính sách trợ giúp về kinh tế cho các đẳng cấp thấp, giúp đỡ họ trong việc học tập, tạo công ăn việc làm cho họ. Đương nhiên là, các đẳng cấp cao hơn đã tìm mọi cách nhằm chống lại chính sách như thế. Ngòai ra, vì vấn đề đẳng cấp liên quan trực tiếp đến vấn đề tôn giáo mà nhà nước lại là nhà nước thế tục cho nên các biện pháp của chính phủ cũng thường bị người ta coi là vi hiến vì chính phủ không có quyền can thiệp vào các vấn đề tôn giáo. Mặc dù vậy và cho dù Ấn Độ còn lâu mới giải quyết được vấn đề kì thị, nhưng đất nước này vẫn kiên trì đi theo con đường đã chọn và kinh nghiệm của Ấn Độ đã được nhiều nước nghiên cứu và áp dụng.

Những thí dụ vừa nêu chứng tỏ rằng việc giải quyết các vấn đề sắc tộc, tôn giáo và văn hóa đòi hỏi một cách tiếp cận tổng hợp, bao gồm cả tác động của nhà nước theo rất nhiều hướng khác nhau. Thứ nhất, cấm ngặt mọi hình thức kì thị (về màu da, về chúng tộc, về tôn giáo, về ngôn ngữ, về nơi sinh). Nhưng ngay cả khi những điều cấm đóan đó đã được ghi vào hiến pháp thì cũng chưa chắc dân chúng đã tôn trọng quyền lợi của các nhóm thiểu số. Vì vậy, bước thứ hai là ban hành các đạo luật chống kì thị và tạo ra cơ chế để những đạo luật đó có thể được thực thi, tức là thành lập các cơ quan kiểm soát. Các phương tiện truyền thông đại chúng cũng phải họat đông theo hướng này. Hệ thống giáo dục cũng có vai trò vô cùng quan trọng, trong lĩnh vực này, phải tạo ra những điều kiện ngang nhau cho các nhóm thiểu số, cả về mặt dân tộc, tôn giáo lẫn thiểu số về văn hóa.

Đây là những thành tố quan trọng nhất của chế độ dân chủ vì lịch sử lòai người đầy dẫy những hình thức phân biệt đối xử khác nhau, kể cả hình thức dã man nhất như diệt chủng, khi cả một dân tộc bị săn đuổi, thậm chí giết hại hòan tòan. Diệt chủng không chỉ là hiện tượng đã thuộc về quá khứ. Người bản xứ đại tại tỉnh Newfoundland ở Canada và bang Tasmania ở Úc đã bị tiêu diệt hòan tòan trong thế kỉ XIX. Trong thế kỉ XX, các dân tộc như Armenia, Di Gan và Do Thái cũng từng là nạn nhân của nạn diệt chủng. Ở Nga, dưới thời Stalin, các sắc dân như người Chechen, người Inghush, người Tartar vùng Creamé, người Đức, cũng là nạn nhân của các vụ diệt chủng.

Trong điều kiện hiện đại, thường diễn ra một hiện tượng diệt chủng nữa, gọi là “diệt chủng về mặt văn hóa”. Đấy là khi người ta cố tình thi hành chính sách nhằm xóa nhòa sự khác biệt về dân tộc và văn hóa, cấm đóan việc học ngôn ngữ dân tộc, đàn áp giới trí thức dân tộc, phá hủy những biểu tượng văn hóa. Mục đích là nhằm đồng hóa các sắc dân thiểu số và thủ tiêu nhận thức về mặt dân tộc. Các chính sách như thế không thể gọi là dân chủ được.

Ngòai ra, ngay cả những nước tự gọi mình là dân chủ cũng xảy ra hiện tượng gọi là “thanh lọc sắc tộc”. Đây là chính sách nhằm tạo ra những điều kiện buộc các dân tộc thiểu số hay các nhóm tôn giáo thiểu số phải rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn của mình. Các nước vùng Baltic, cũng như Kazakhstan và Tajikistan và một số khu vực khác thuộc Liên Xô cũ đang thi hành chính sách như thế đối với người gốc Nga và một vài dân tộc khác.

Như thế nghĩa là, chỉ có cách tiếp cận tổng hợp mới có thể giúp lọai trừ được các xung đột sắc tộc, tôn giáo và những xung đột khác. Có những thí dụ, tuy chưa nhiều, các trường hợp khi mà các vấn đề như thế được giải quyết một cách cơ bản bằng con đường dân chủ. Điển hình là Thụy Sĩ, cách đây vài thế kỉ nước này đã quyết định chấm dứt những hiềm khích do khác biệt về ngôn ngữ và tôn giáo gây ra. Kết quả là ở Thụy Sĩ, Thiên chúa giáo, Do Thái giáo, giáo phái Luther, Kenvin và các tôn giáo khác đã trở thành những tôn giáo bình đẳng. Mâu thuẫn về ngôn ngữ được giải quyết như sau: Hai phần ba dân chúng Thụy Sĩ nói tiếng Đức, 20% nói tiếng Pháp, 5% nói tiếng Ý và 0.5% sử dụng ngôn ngữ gọi là Retroroman (hậu duệ của tiếng La Tinh cổ). Cả bốn ngôn ngữ đều được coi là ngôn ngữ quốc gia, và ba ngôn ngữ, trừ Retroroman, được coi là ngôn ngữ chính thức. Phần lớn dân chúng đều cố gắng học các ngôn ngữ chính thức và bằng cách đó đã lọai bỏ được hàng rào ngôn ngữ. Thụy Sĩ tự gọi là liên minh mặc dù mối liên hệ chặt chẻ giữa chính phủ trung ương và cơ quan quản lí các Canton chứng tỏ rằng đây là một nhà nước liên bang, một nhà nước luôn tạo điều kiện cho sự phát triển thịnh vương của tất cả các dân tộc sống trên đất nước này.

Vấn đề Hợp chúng quốc châu Âu cũng được thảo luận thường xuyên trong hơn 100 năm qua. Chuyện đó có thể xảy ra hay không? Liệu châu lục, mà sự cạnh tranh nội bộ đã dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới, có thể liên kết các quốc gia của nó lại hay không?

Hiện nay, quan hệ liên minh giữa 12 nước thuộc Cộng đồng châu Âu đang được theo dõi sít sao. Cộng đồng này xuất hiện vào năm 1957, khi Bỉ, Cộng hòa liên bang Đức, Pháp, Ý, Luxemburg và Hà Lan kí kết thành lập “thị trường chung” và sẽ có những biện pháp chung trong việc giải quyết các vấn đề về thương mại, phát triển nông nghiệp và một số vấn đề khác. Việc này đã làm cho quá trình phát triển của các nước nói trên ngày càng năng động hơn, kéo theo sự quan tâm của Anh, Đan Mạch và Ireland, các nước này trở thành thành viên của Cộng đồng vào năm 1973; tiếp theo là Hi Lạp (1981), Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha (1986). Các thành viên Cộng đồng châu Âu cùng hợp tác giải quyết một số vấn đề chính trị và thường xuyên tổ chức các hội nghị tham vấn về chính sách đối ngọai. Các nhà lãnh đạo cộng đồng đã thành lập được nhiều ủy ban công tác họat động thường xuyên, đã tiến hành bầu cử nghị việc châu Âu; các nước thành viên, trừ Anh, đã thành lập được đồng tiền chung.

Thời gian gần đây, Cộng đồng châu Âu còn cố gắng mở rộng quan hệ kinh tế, thành lập hệ thống ngân hàng thống nhất và một thị trường lao động quốc tế nữa. Đã có thỏa thuận rằng liên minh kinh tế của châu Âu phải được bổ xung bằng một cơ cấu chính trị chung nhất định. Nhưng các thành viên khác nhau của Cộng đồng vẫn còn chia rẽ về vấn đề là Cộng đồng sẽ trở một nhà nước liên bang với một bộ máy quản lí chính sách kinh tế và quốc phòng tập trung hay chỉ nên là liên hiệp các quốc gia độc lập, chỉ thống nhất với nhau về các mục tiêu kinh tế mà thôi. Đức và Pháp ủng hộ một liên bang chặt chẽ, trong khi Anh ủng hộ thể chế với các mối liên kết lỏng lẻo.

Ngòai ra, người Anh còn chống lại đề nghị của Pháp về việc thành lập một hệ thống tập trung họat động theo nguyên tắc đa số. Hiện nay, Ủy hội châu Âu – cơ quan chấp hành của Cộng đồng - hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, trong đó mỗi thành viên đều có quyền phủ quyết. Tương lai của Cộng đồng các nước châu Âu sẽ như thế nào? Chỉ thời gian mới trả lời được mà thôi.

Tổng kết lại, cần phải nhấn mạnh rằng sự phát triển của xã hội lòai người chắc chắn sẽ còn chứng kiến cả các lực hướng tâm lẫn lực li tâm. Và sự tiến bộ sẽ phụ thuộc vào việc xu hướng nào sẽ trở thành chủ đạo ở những khu vực khác nhau và trong những giai đọan khác nhau. Nhưng rõ ràng là, sự phát triển và thành tựu của các nền văn hóa dân tộc sẽ thúc đẩy việc liên kết về kinh tế, khoa học, xã hội và chính trị giữa các quốc gia với nhau. Chỉ có như thế thì sự đa dạng về dân tộc, tôn giáo và văn hóa mới trở thành phúc chứ không phải là họa đối với nhân lọai nói chung và mỗi dân tộc nói riêng.

Nguồn bản dịch: https://phamnguyentruong.blogspot.com/2016/01/che-o-dan-chu-nha-nuoc-va-xa-hoi-ki-6.html