Sự mòn mỏi của nhà nước phúc lợi Hòa Kỳ (Phần 3/3)
(Tiếp theo Phần 2)
Sự xung đột giữa lao động và phúc lợi
Rebecca sống với người cha bị khuyết tật của mình trong một khách sạn đổ nát phía ngoài Macon, Georgia. Cô và tôi ngồi ở vệ đường, phía bên ngoài khách sạn, vào một ngày tháng 8 năm 2013, sau khi đã dành cả ngày thăm các nhà thờ và bếp ăn từ thiện, nơi mọi người đến để lấy thực phẩm cho tặng, vốn là một phần trong nghiên cứu của tôi cho một cuốn sách về phúc lợi.
Với giọng kìm nén, hai tay cô siết chặt vạt áo, Rebecca nói, "Tôi ghét việc tồn tại dựa vào phúc lợi. Tôi ghét nó. Tôi ghét việc không được quyền kiểm soát mình. Tôi lớn lên, luôn tin vào giấc mơ Mỹ. Nếu tôi làm việc chăm chỉ, tôi sẽ có căn nhà với hàng rào cọc trắng, xe hơi, bọn trẻ, tiền trong ngân hàng. Những giấc mơ đó giờ đã xa rồi. Bố tôi bị tàn tật, mẹ tôi bỏ đi, và chúng tôi mất tất cả. Bố tôi không thể làm được gì nhiều. Tôi cần phải ở đây vì ông. Ông có phúc lợi xã hội bảo đảm dành cho người khuyết tật. Tôi nhận làm vài công việc lặt vặt ở Craigslist, nhưng chúng tôi thực sự chỉ đang tồn tại. Không sống mà chỉ đang tồn tại."
"Giấc mơ Mỹ" và "Chỉ đang tồn tại" là những cụm từ mà tôi nghe hết lần này đến lần khác ở mọi miền đất nước. Người Mỹ vẫn tin rằng nếu họ làm việc chăm chỉ, họ sẽ đạt được ước mơ. Đối với nhiều người, giấc mơ đó là sở hữu một căn nhà và một chiếc xe hơi, một gia đình và một công việc để có thể có tiền chi trả được các hóa đơn. Nhưng khi lệ thuộc vào phúc lợi, ước mơ sẽ dần biến mất. Hệ thống này tạo ra một hình thức phúc lợi trì trệ với những người hưởng lợi không ngừng tập trung vào việc duy trì lợi ích của họ và một phần của điều đó là sống trong nỗi lo sợ sẽ kiếm được quá nhiều tiền trong công việc thường ngày.
Như Tiffany, một người mẹ đơn thân trẻ tuổi ở Everett, Washington, nói với tôi khi chúng tôi ngồi trên băng ghế bên ngoài siêu thị Safeway: "Giấc mơ ư? Tôi không có giấc mơ nào cả. Tôi đã từng. Từng có viễn cảnh đó trong đầu mình, hàng rào cọc trắng, những bộ trang phục, công việc văn phòng, những đứa trẻ... Không, không phải lúc này. Tôi vẫn còn quanh quẩn nơi đây là vì tôi có một đứa con trai. Tôi không có chút hy vọng nào cả. Đúng vậy, tôi có trợ cấp nhà ở, y tế, tem phiếu thực phẩm, và nó chỉ đủ để xoay xở cho cuộc sống, tồn tại qua ngày mà không phải trở thành kẻ vô gia cư và nghèo túng kiệt quệ. Chỉ vừa đủ thôi. 'Đây, cầm lấy cái này mà sống. Còn bây giờ thì biến đi, đừng làm phiền chúng tôi nữa’, đó là thông điệp mà tôi nhận được từ các chương trình phúc lợi. Nó sẽ không giúp tôi thoát khỏi nghèo khổ; Nó kìm giữ tôi sống trong nghèo khổ."
Những người sống dựa vào phúc lợi đành phải chấp nhận thương thỏa với bộ máy quan liêu cồng kềnh một khoản chi phí để nhận được trợ giúp. Tôi chưa gặp ai trên đường mà không có những câu chuyện để kể về các văn phòng phúc lợi đang làm sai chức năng đến mức nào, và thương thỏa với họ khó khăn ra sao. Thế nhưng, với một số người, thái độ đối xử mà họ nhận được rõ ràng là làm nhục, và thậm chí hoàn toàn không phải kiểu sỉ nhục thông thường, khiến bạn cảm thấy như thể bạn đã mất quyền kiểm soát cuộc sống của mình.
Tanya, một bà mẹ đơn thân với bốn đứa con sống trong một khu vực có thu nhập thấp ở ngoại ô Atlanta, đã chia sẻ câu chuyện này: "Hôm trước, tôi đến văn phòng của nhân viên công tác xã hội để đăng ký các dịch vụ cho đứa con tôi mới sinh ra. Người phụ nữ ấy vốn là nhân viên công tác xã hội của tôi kể từ khi tôi bắt đầu sống nhờ vào trợ cấp. Cô ấy đã biết tôi rất lâu rồi. Và cứ vài tháng một cô ấy lại gặp tôi để làm giấy tờ."
Chúng tôi ngồi ăn trưa và đứa con mới chào đời của cô ấy, Jerome, nằm trên chiếc ghế dài ở giữa. Chúng tôi đến văn phòng phúc lợi vào lúc cô ấy được nghỉ giải lao ở lớp đào tạo kĩ năng công việc. Tanya vươn tay xuống xoa bụng Jerome. "Người phụ nữ ấy, cô Johnson, nói với tôi rằng cô ta không thể đăng ký cho Jerome cho đến khi tôi kiểm tra ADN để chứng minh nó là con tôi. 'Gì cơ’ tôi nói. 'Cô đã nhìn thấy tôi ở nơi này suốt thời kỳ mang thai, một tuần trước khi tôi sinh con, tôi vẫn ở đây, nhớ chứ? Sao có thể có chuyện đây không phải là con tôi? 'Đó không phải vấn đề', cô ta nói. 'Chị muốn phúc lợi cho đứa trẻ, chị phải chứng minh nó là con của mình'. Vì vậy, hai mẹ con tôi phải đi lên thị trấn để đến phòng thí nghiệm lấy máu; Jerome đã khóc nhiều giờ đồng hồ; Và tôi cảm thấy mình như một tội nhân."
Người làm hồ sơ phúc lợi này đang thực thi một điều luật nói rằng tất cả trẻ sơ sinh phải được xét nghiệm ADN để chứng minh tư cách làm mẹ, và có thể là tư cách làm cha nếu xét đến quan hệ cha con. Đôi khi, có thể xảy ra gian lận, sử dụng những đứa trẻ đi mượn để lừa dối hệ thống phúc lợi, nhưng cách giải quyết đánh đồng theo kiểu “một cỡ vừa cho tất cả”, mà bất kỳ chương trình liên bang nào cũng duy trì, có thể là một sự hạ nhục khi giải quyết cho những người mà bạn biết họ với tư cách cá nhân.
Lao động và hạnh phúc
Chịu trách nhiệm về chính mình mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Hơn nữa, làm việc hiệu quả là điều cần thiết cho hạnh phúc của con người. Lao động làm cho cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa, không chỉ bởi vì chúng ta mang về nhà một khoản tiền lương, mà còn vì chúng ta được chịu trách nhiệm về bản thân và được trải nghiệm những niềm vui mà công việc - thậm chí cả công việc khó khăn - mang lại. Các nghiên cứu tại Trung tâm Đạo đức học và Ứng dụng Santa Clara (2012)21 và Trường đại học Công vụ bang Arizona (2011)22 đã đưa ra các kết luận chắc chắn và tương tự, có liên quan đến sự phụ thuộc vào phúc lợi, lao động và hạnh phúc dựa trên những phát hiện của họ về những gì đã xảy ra với Hạnh phúc chủ quan (Subjective Well Being - SWB) của những người mẹ đơn thân sau những chương trình cải cách phúc lợi năm 1996.
Những cải cách có ảnh hưởng sâu rộng, mà bạn có lẽ vẫn nhớ, đã được thiết lập bởi tổng thống Clinton và Quốc hội, và có nhiệm vụ là "chấm dứt chế độ phúc lợi mà chúng ta đã biết". Trước đó, chương trình Viện trợ cho các gia đình có trẻ em phụ thuộc (AFDC) đã làm cho rất nhiều bà mẹ đơn thân (và cả những người khác) ngày càng dễ trượt vào cuộc sống dựa vào phúc lợi và không hề làm việc gì cả, và những cải cách đã giải quyết vấn đề đó. Chương trình Trợ giúp tạm thời cho gia đình nghèo (TANF) ra đời thay thế cho AFDC, yêu cầu tất cả mọi người nhận hỗ trợ bằng tiền mặt để làm việc hoặc được đào tạo cho công việc; Trợ cấp của chương trình này được giới hạn trong vòng năm năm và kết quả là hàng triệu phụ nữ chuyển sang làm việc và thoát khỏi đói nghèo.
So sánh dữ liệu những năm trước và sau các cải cách "trợ cấp lao động" như vậy, cả hai nghiên cứu đều cho thấy những bà mẹ đơn thân, sau khi họ gia nhập lực lượng lao động, báo cáo mức độ hạnh phúc chủ quan cao hơn. Nghiên cứu của Chris Herbst tại bang Arizona kết luận rằng những cải cách này đã có những tác động hầu như là tích cực: "Những phụ nữ này đã trải nghiệm sự gia tăng cảm giác hài lòng về cuộc sống, lạc quan hơn về tương lai và hài lòng hơn về tài chính"23 Herbst cũng cung cấp bằng chứng gián tiếp cho rằng "việc đi làm của các bà mẹ sau chương trình Cải cách phúc lợi có thể giải thích một cách hợp lý việc đạt được hạnh phúc chủ quan". Tương tự như vậy, báo cáo của John Ifcher trong nghiên cứu của Đại học Santa Clara kết luận rằng kết quả trên "cho thấy gói chính sách thay đổi chế độ phúc lợi và thuế [đòi hỏi phải làm việc] đã làm gia tăng hạnh phúc". Ngay cả những công việc tương đối tầm thường, dường như, cũng làm cho những bà mẹ độc thân này hạnh phúc hơn.
Hai nghiên cứu này đã được thực hiện một cách nghiêm túc và đề cập đến những thành viên đáng chú ý nhất trong xã hội của chúng ta - các bà mẹ đơn thân trong chương trình Trợ giúp tạm thời cho các gia đình nghèo (TANF). Theo định nghĩa, những phụ nữ này cần sự giúp đỡ về tài chính để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của cuộc sống cho bản thân và con cái họ. Nếu họ sống vui vẻ hơn khi đưa nhu cầu lao động vào cuộc sống của mình, thì có vẻ như nhiều người Mỹ phụ thuộc về kinh tế khác cũng sẽ vui vẻ hơn khi lao động.
"Tôi không biết đó có phải là hạnh phúc không.” Cora, một giáo viên và thành viên bộ tộc, mà tôi đã gặp ở Lãnh địa thổ dân da đỏ Pine Ridge ở bang Nam Dakota nói: "Tôi chỉ biết rằng có gì đó xảy đến với con người khi họ có được một công việc. Họ ngồi thẳng hơn. Cằm nâng lên. Họ mang dáng bộ tự hào. Họ chào hỏi tôi trong siêu thị. Tôi biết tất cả mọi người trong lãnh địa này, và tôi có thể chỉ ra lúc nào họ đang làm việc, bởi vì khi ấy họ sẽ chào tôi tại cửa hàng, và khoe khoang những điều họ đang làm cho cuộc sống của họ."
Khi các chính phủ chịu trách nhiệm về phúc lợi của chúng ta, họ kìm hãm sự tự do hành động của chúng ta và tạo ra hàng loạt những hậu quả tiêu cực. Để cho chính phủ kiểm soát cuộc sống của chúng ta là công thức dẫn đến một loạt các vấn đề, bao gồm mất tự trọng, mất thể diện và phẩm giá, mất mục tiêu và trọng tâm, và mất đi hy vọng. Khi cuộc sống của chúng ta bị chi phối bởi một thực thể bên ngoài hơn là bởi ý chí của chúng ta, kết quả có thể rất kinh khủng. Và rõ ràng những người phụ thuộc nhiều nhất vào nhà nước để nuôi sống chính mình sẽ phải chịu đựng hầu hết những vấn đề nói trên.
Nhiều người đã quên mất rằng từ rất lâu trước Cuộc chiến chống đói nghèo của những năm 1960, trở lại những năm 1930, để đối phó với cuộc Đại suy thoái, Tổng thống Roosevelt đã phát động một chương trình việc làm và phúc lợi khổng lồ, đưa những người thất nghiệp và nghèo túng vào các chương trình tạo việc làm, mang đến trợ cấp và viện trợ lương thực. Trong bài diễn văn nhậm chức lần thứ hai của mình, ông đã nói về những kết quả đầy bất ngờ của các chương trình đó. Hiện nay, với việc nhà nước phúc lợi ngày càng mở rộng và đang ảnh hưởng đến nhiều người Mỹ mỗi năm, những lời nói của ông đáng để cho chúng ta suy ngẫm:
Một tỷ lệ lớn những người thất nghiệp nói trên và người phụ thuộc của họ đã bị ép buộc đưa vào danh sách cứu trợ.... Chúng ta đối mặt với một vấn đề mang tính chất kinh tế và cả con người.... Những bài học của lịch sử... chỉ ra một cách chắc chắn rằng sự phụ thuộc liên tục vào cứu trợ gây ra sự tan rã về đạo đức và tinh thần, và về cơ bản là hủy hoại cấu trúc quốc gia. Cứu trợ theo cách này chẳng khác gì phân phát một liều thuốc ngủ, hủy diệt tinh vi tinh thần con người.... Chính phủ liên bang phải bỏ và sẽ bỏ hoạt động cứu trợ này.... Chúng ta phải bảo vệ không chỉ cơ thể của những người thất nghiệp khỏi đói nghèo mà còn cả lòng tự trọng, sự tự tin, can đảm và quyết tâm của họ.24
Vậy điều gì làm nên điều đó? Lao động giải quyết được vấn đề. Một thành viên của bộ tộc miền Nam Ute nhớ lại khi đánh mất công việc của mình. "Chúng tôi đã sống nhờ trợ cấp một vài tháng, nhưng tôi đã nói với vợ tôi: hoặc chúng ta tìm được việc làm ở đây, trong đặc khu này hoặc chúng ta rời đi. Và chúng tôi rời khỏi, di chuyển đến nơi khác, nhận việc làm, và sau đó bắt đầu công việc kinh doanh riêng của mình. Tôi cảm thấy mình sẽ đánh mất đi sự kiêu hãnh và tôi không muốn trở thành con người như vậy. Là một người lao động, tôi có thể nhìn lại cuộc đời mình và tự hào về cuộc sống mà tôi đã xây dựng cho vợ và cả gia đình mình".
Việc trở thành người mà người khác cần đến sẽ mang lại cho chúng ta một tầm quan trọng. Cha mẹ của những đứa trẻ luôn luôn là người cần đến, chắc chắn rồi, và chúng ta có thể phải đối mặt với những yêu cầu bắt buộc để đáp ứng nhu cầu của các thành viên khác trong gia đình hoặc bạn bè. Nhưng lao động cũng có nghĩa là chúng ta được cần đến. Tiền lương là bằng chứng cho điều đó. Một người mẹ ở Decatur nói theo một cách khác. "Tôi nhớ rõ khoản lương đầu tiên ấy khi tôi quay trở lại làm việc, như thể nó chỉ mới diễn ra ngày hôm qua thôi. 177 đô la. Không nhiều, phải không? Nhưng nó thực sự là của tôi, mang về nhà cho bọn trẻ xem và điều đó khiến tôi cảm thấy tâm trạng thật sự tốt lên. Những đứa con tôi, chúng cần rất nhiều thứ - tã, đồ chơi, giày dép, quần áo. Và chúng cần tôi cung cấp cho chúng, điều đó mang lại cho tôi niềm tự hào lớn lao để làm việc kiếm tiền thay vì để tụi trẻ nhìn thấy mẹ mình lĩnh tiền từ tấm séc của hệ thống phúc lợi."
"Tôi muốn có khả năng tìm đủ việc làm để tự trả mọi khoản tiền. Đàn ông gì mà không làm được điều đó?" Ken ở Atlanta cho hay. "Trả tiền thuê nhà, thanh toán các hóa đơn, và mua thức ăn. Nhưng tôi không thể tìm được một công việc toàn thời gian, vì vậy tôi vẫn bị mắc kẹt vào tem phiếu thực phẩm. Mỗi khi tôi vào văn phòng phúc lợi, tôi bị các bà cô già ở đó đối xử như rác rưởi, và tôi không thể nói lại họ điều gì. Tôi thực sự mong chờ tới ngày tôi có thể trả tất cả các hóa đơn bằng tiền của chính mình."
Khi tôi gặp Rosie ở thành phố New York, cô ấy nói với tôi: "Tôi phải làm việc nếu không tôi sẽ phát điên." Vô gia cư và sống ngoài đường phố ở Brooklyn, cô vẫn tiếp tục kết hợp nhiều công việc cùng lúc, trốn tránh luật lệ. "Chỉ cần có thể giữ cho mình luôn bận rộn, thì tôi vẫn sẽ hạnh phúc," cô nói.
Và Terry, hiện đang sống trong khu lều của người vô gia cư ở Seattle, đã thổ lộ như sau: "Khi tôi còn có công việc, rõ ràng là tôi đánh giá thấp tất cả những kẻ dựa vào phúc lợi với tem phiếu thực phẩm và những bộ quần áo thừa mặc lại. Và rồi, tôi trở thành kiểu người đó, đứng xếp hàng đợi thanh toán với tem phiếu thực phẩm. Tôi là người vô gia cư. Là người nhận lại những chiếc tất đã bỏ đi từ những phụ nữ ở nhà thờ. Lòng tự trọng ư? Không còn nữa. Tôi muốn làm việc, bất kỳ công việc nào, hơn là sống theo cách mà tôi đang sống ngay lúc này. Tôi biết tôi sẽ không bao giờ là một kỹ thuật viên y khoa nữa, nhưng tôi sẽ rất vui được làm việc tại McDonalds. Hạnh phúc chính là được làm việc."
Như Warren Buffet đã mở đầu một bài xã luận gần đây trên Nhật báo phố Wall, "Giấc mơ Mỹ hứa hẹn rằng sự kết hợp của giáo dục, lao động chăm chỉ và hành vi tốt có thể đưa bất kỳ công dân nào từ những khởi đầu khiêm tốn đến với thành công chí ít là ở mức vừa phải. Và đối với nhiều người, lời hứa đó đã được thực hiện." Nhưng, ông nói tiếp,"Trong những thập kỷ gần đây, ở đất nước chúng ta, thuỷ triều dâng lên không nâng được những con thuyền của người nghèo." Tuy có ghi nhận rằng điều này có nguyên nhân một phần là từ sự chuyển đổi của chúng ta sang một nền kinh tế tri thức, nhưng ông cũng lập luận, và tôi tán thành, rằng Tín thuế lợi tức thu nhập (Earned Income Tax Credit) (một dạng tín thuế cho người nghèo về cơ bản sẽ đặt mức lương của người lao động ở một mức thu nhập nhất định thông qua việc miễn giảm thuế nếu thu nhập của họ giảm xuống dưới mức cho trước) nên được mở rộng để từ đó, như ông nói, "Nước Mỹ sẽ mang lại một cuộc sống đàng hoàng cho bất cứ ai sẵn sàng làm việc."25 Tôi tán thành quan điểm đó; Lao động không bao giờ là một rủi ro, mà luôn luôn là một phần thưởng, và bất cứ ai đang suy tính chọn lựa giữa tham gia phúc lợi hay làm việc (hoặc làm việc bán thời gian) cần phải có động lực khuyến khích để lựa chọn làm việc.
Phúc lợi không kết thúc đói nghèo. Lao động mới làm được điều đó. Và đi kèm với lao động là bản sắc, niềm hãnh diện, lòng tự trọng, sự tự chủ, và đúng vậy, cả hạnh phúc nữa. Như tôi đã học được từ nhiều người Mỹ mà tôi từng phỏng vấn, những cảm giác phù du về sự bảo đảm và an toàn có được bằng cách đặt cuộc sống và số phận của chúng ta vào tay chính phủ sẽ bị lu mờ so với cảm giác tự do và quyền lực kiểm soát chính mình, thứ chúng ta được trải nghiệm khi chịu hoàn toàn trách nhiệm về cuộc sống của mình. Như những người Mỹ đó đã dạy tôi, giải pháp thay thế - đánh mất đi sự tự chủ và chịu trách nhiệm, đi kèm với sự giám sát và kiểm soát của chính phủ - cuối cùng sẽ huỷ hoại tinh thần của con người.
Nguồn: Tom G. Palmer, Self-Control or State Control? You Decide, Atlas Network 2016
Chú thích:
(21) John Ifcher, “The Happiness of Single ftothers after Welfare Reform,” Tfte B. E. Journal of Economic Analysis & Policy, Vol. 11 Issue 1 (2011): 1–29.
(22) Chris Herbst, “Welfare Reform and the Subjective Well-being of Single ftothers,” Journal of Population Economics, Vol. 26 Issue 1 (2013): 203–238.
(23) Ibid.
(24) Franklin D. Roosevelt, “Annual ftessage to Congress,” Tfte American Presidency Project (1935), accessed here: http://www.presidency.ucsb.edu/ws/?pid=14890.
(25) Warren Buffet, “Better Than Raising the ftinimum Wage,” Tfte Wall Street Journal, last modified ftay 21, 2015, http://www.wsj.com/articles/ better-than-raising-the-minimum-wage-1432249927.