[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] Chương 35: Tư tưởng tiền tệ giai đoạn sau

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] Chương 35: Tư tưởng tiền tệ giai đoạn sau

Hai dự án chủ yếu của Hayek giai đoạn giữa những năm 1970 là hoàn tất tác phẩm Luật, luật pháp và tự do (Law, Legislation and Liberty) bị trì hoãn đã lâu và phát triển các ý tưởng cải cách tiền tệ. Trong bài diễn văn nhận Giải Nobel, ông nhận xét về bản thân và các nhà kinh tế học đồng nghiệp là, bởi tình trạng lạm phát đang diễn ra lúc bấy giờ, với tư cách những người trong “nghề chúng ta đã làm cho mọi thứ rối tung cả lên.”1 Do hiện tượng lạm phát ngày càng tăng tại các nước Phương Tây từ cuối những năm 1960 đến đầu thập niên 1970, Hayek lại tiếp tục tham gia vào cuộc thảo luận bổ sung về tiền tệ mang tính chất kỹ thuật, sau quãng thời gian gián đoạn suýt soát ba mươi năm. Hiện tượng lạm phát đầu thập niên 1970 lại thu hút sự chú ý của ông, cũng giống như lạm phát ở Áo sau Thế chiến I từng khiến ông chú tâm vào các chủ đề tiền tệ.

Hayek vẫn tin chắc vấn đề chủ yếu mà lạm phát gây ra là nó làm méo mó cơ cấu sản xuất của nền kinh tế. Tháng 10 năm 1974, trong một bài bày tỏ ý kiến trên tờ Daily Telegraph ở London ông viết, “tổn hại chính mà lạm phát gây ra… là nó khiến cho toàn bộ cơ cấu của nền kinh tế trở nên méo mó, lệch lạc và sớm hay muộn đặc điểm này sẽ khiến cho thất nghiệp trên diện rộng là không tránh khỏi.”2 Theo quan niệm của Hayek, hàng hoá tư bản công đoạn trước sẽ được sản xuất ra quá nhiều.

Ông phản đối thuyết trọng tiền (monetarism3) của Friedman. Năm 1980, trong bức thư gửi ban biên tập tạp chí Times ở London ông viết, “cái thuật ngữ mới thuyết trọng tiền (monetarism) đơn giản chỉ là cái tên hay ‘lý thuyết định lượng về tiền tệ’ (quantity theory of money) trước đây mà thôi.” Ông nêu tiếp trong bức thư là “vấn đề” với lý thuyết định lượng tiền tệ ở hình hài “thô sơ” của lý thuyết của Friedman là ở chỗ nó “không đưa ra một mức độ thoả đáng nào về cung tiền tệ, và vì thế không chỉ mức cung của tất cả các loại tiền tệ mà còn mức cầu đối với chúng cũng quyết định giá trị của nó [tiền tệ].”4

Trong ấn bản lần thứ hai năm 1978 của tác phẩm Phi quốc gia hoá tiền tệ (Denationalisation of Money), đóng góp to lớn và chưa hoàn chỉnh sau này của ông vào lý thuyết và chính sách tiền tệ, ông đã phê phán thuyết trọng tiền của Friedman. Vấn đề với lý thuyết định lượng tiền tệ là: bằng việc “nhấn mạnh các hiệu ứng phát sinh từ những thay đổi lượng tiền tệ đối với mức giá cả nói chung, nó đã hướng sự chú ý duy nhất đến những hiệu ứng tai hại của lạm phát và giảm phát đối với mối quan hệ giữa người cho vay và người vay, mà bỏ qua những hiệu ứng thậm chí còn quan trọng và tai hại hơn của việc bơm thêm tiền vào và rút bớt tiền ra khỏi lưu thông đối với cơ cấu các mức giá cả tương đối và sự phân bổ sai các nguồn lực theo đó và đặc biệt là sự định hướng đầu tư sai lầm mà việc phân bổ ấy gây ra.”5

Theo Hayek, việc theo đuổi phương thức do Friedman đề xuất về tỷ lệ gia tăng cung tiền tệ cố định “có thể sẽ tạo ra sự hoảng loạn tài chính lớn nhất trong lịch sử.” Phương thức như vậy sẽ dẫn đến sự bất cập về khả năng thanh toán tiền tệ. “Liên quan đến đề xuất của giáo sư Friedman về giới hạn pháp lý đối với tỷ lệ gia tăng lượng tiền trong lưu thông mà nhà phát hành tiền tệ độc quyền được phép, tôi không muốn chứng kiến điều gì sẽ xẩy ra nếu như người ta lại biết được lượng tiền mặt trong lưu thông đang tiến đến giới hạn trần và vì thế nhu cầu về khả năng thanh toán (liquidity) gia tăng sẽ không thể đáp ứng được,” và ông chú thích ở đây, “với tình huống như thế, câu chuyện kinh điển của Walter Bagehot6 hẳn sẽ thích đáng: ‘Trong trạng thái nhạy cảm của thị trường tiền tệ Anh thì việc tiến gần tới giới hạn dự trữ bắt buộc chắc chắn sẽ là động cơ dẫn đến hoảng loạn.’”7

Thêm vào đó, Hayek còn tin là không thể dần dần giảm tốc độ lạm phát. Năm 1980 ông cũng từng nhận xét về phương thức quá “thiếu quyết đoán” hay ôn hoà, theo nhìn nhận của ông, mà tân thủ tướng Margaret Thathcher đang theo đuổi: “hy vọng” của ông “về việc nước Anh đang tự cứu mình đã lung lay đôi chút… Tôi e rằng quý bà Thatcher đang theo đuổi lời khuyên của Milton Friedman. Ông ta là người bạn đáng mến của tôi và chúng tôi đồng thuận về hầu như mọi thứ ngoại trừ chính sách tiền tệ. Ông ta suy luận theo các số liệu thống kê, giá trị gộp và mức giá cả trung bình mà thực sự không nhìn thấy việc lạm phát dẫn đến thất nghiệp là do sự méo mó của cơ cấu các mức giá cả tương đối. Nếu bạn gặp phải thời kỳ lạm phát kéo dài trong đó nhiều nỗ lực định hướng sai đã diễn ra xuất phát từ sự méo mó của cơ cấu các mức giá cả thì tình trạng thất nghiệp trên diện rộng là không tránh khỏi.”8

Hayek cho rằng việc giảm tốc độ lạm phát từ từ là không khả thi về mặt chính trị. Đúng hơn, theo ông nghĩ, lạm phát cần phải được chặn lại dứt điểm, chỉ một lần duy nhất thay vì kéo dài, bởi một khi quá trình ngăn chặn lạm phát bắt đầu, cuộc khủng hoảng ắt sẽ xảy ra do việc giải thể kinh doanh để điều chỉnh cơ cấu sản xuất lệch lạc. Quan niệm theo trường phái Áo của Hayek về chu kỳ kinh doanh đã tác động lớn đến những nhận định của ông về tính khả thi của phương thức nhằm làm giảm lạm phát thành công mà Anh, Mỹ, và nhiều nước khác đang áp dụng từ cuối thập niên 1970 đến đầu những năm 1980, với ảnh hưởng khá đáng kể của Friedman.

Hayek bi quan về cơ hội của Anh trong việc dồn ý chí khắc phục lạm phát vì theo ông điều này phải được thực hiện ngay lập tức. Ông tiên đoán, “nếu việc này không được một chính phủ quyết đoán thực thi thì nó sẽ không được thực hiện trước khi đồng bảng rốt cục hoàn toàn sụp đổ, sau nỗ lực vô vọng nhằm che dấu lạm phát bằng các biện pháp kiểm soát giá cả.”9 Theo Hayek, những chính phủ không muốn kiểm soát lạm phát thông qua các công cụ tiền tệ sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát tiền lương và giá cả, và các biện pháp này, đến lượt chúng, sẽ tàn phá nền kinh tế thị trường tự do bằng siêu lạm phát và cuối cùng là quản lý nhà nước đối với các phương tiện sản xuất kinh tế. Kinh nghiệm của Hayek về siêu lạm phát khi còn là một thanh niên trẻ tuổi ở Áo đã in dấu trong ông.

Giai đoạn đầu thập niên 1970, công chúng nói chung không hiểu được các ý tưởng của Hayek về lý thuyết kinh tế học kỹ thuật. Ông từng một số lần bày tỏ thái độ đại khái là, điều duy nhất còn tồi tệ hơn việc công chúng nói chung không hiểu được lý thuyết định lượng tiền tệ (quantity theory of money) là họ sẽ dựa quá nhiều vào nó. Ông luôn cho rằng dấu hiệu tiêu cực đáng kể nhất của việc tăng cung tiền tệ là ở chỗ nó sẽ làm méo mó cơ cấu sản xuất.

Ông ít có tác động thực tiễn đến các cuộc thảo luận giai đoạn cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970 – chí ít là như ông dự định. Đặc biệt, sau khi nhận Giải Nobel, ông lại trở thành một biểu tượng nổi bật, được hình dung là người phản đối Keynes, lạm phát, và vai trò thái quá của chính phủ. Chi tiết chính xác của các luận điểm có lẽ ít quan trọng hơn trong ý thức công chúng so với cái quan niệm chung ấy về ông. Các ý tưởng tiền tệ của ông ít có ảnh hưởng trong giới hàn lâm.

Ông bày tỏ những suy nghĩ bi quan về nhiều chủ đề theo suốt sự nghiệp của mình. Trong tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty), ông lo ngại “các trại tập trung” cho người già có thể bắt nguồn từ các chương trình an sinh xã hội vốn phát triển như đã được tiên liệu trong những hoàn cảnh lạm phát; ông cũng bày tỏ ở đây mối lo ngại về “việc chẳng còn bao lâu nữa, chính quyền, bằng việc pha thêm một lượng thuốc thích hợp vào hệ thống cung cấp nước của chúng ta… sẽ có khả năng khiến cho tâm trí toàn bộ dân chúng trở nên phấn chấn hay suy sụp, được khích lệ hay bị tê liệt….” Ông chỉ cho độc giả đến các tác phẩm Thế giới vĩ đại mới (Brave New World) của Aldous Huxley10Walden Two của B. F. Skinner11, để tìm hiểu thêm những mô tả “không hề quá bi quan” về tương lai có thể xảy ra.12

Năm 1978, Hayek bày tỏ quan điểm là suốt những thập niên sau Thế chiến II, các nền kinh tế Phương Tây đã không vận hành tốt như ở bất cứ thời điểm nào trong lịch sử:

Hỏi: …Tôi cho rằng ngài hẳn sẽ phải nói là các nền kinh tế của thế giới, theo một chuẩn mực khách quan nào đó, suốt ba mươi năm qua cũng đã vận hành tốt như bất cứ thời gian nào trước đấy.

Đáp: Ồ, tôi lại nghi ngờ về điều ấy…13

Hayek luôn dự liệu rằng tiếp theo giai đoạn lạm phát quá mức, như nhìn nhận của ông, từ những năm 1950 đến những năm 1970, sẽ là sự sụp đổ kinh tế với quy mô có thể sánh với, nếu không nói là vượt quá, cuộc đại suy thoái (Great Depression). Ông nhận xét trong một bài thuyết trình năm 1975, “sự kết thúc không tránh khỏi giờ đây đã cận kề nếu không nói là nó đã đến.”14 Năm 1983 ông lại phát biểu, “sự ngờ nghệch của các chính khách có thể rất dễ dẫn đến kết cục tương tự như ở giai đoạn 1930-1931.”15 Ông đưa ra nhiều phán đoán tương tự suốt giai đoạn kể từ sau Thế chiến II.

Hayek coi những sự kiện diễn ra trong các thập niên kể từ khi ông tiến hành nghiên cứu lý thuyết tiền tệ vào cuối những năm 1920 và những năm 1930 là sự khẳng định công trình của mình. Năm 1978, khi được phỏng vấn, “Những biến cố kinh tế kể từ khi ngài viết lý thuyết chu kỳ kinh doanh có xu hướng củng cố hay làm suy yếu các ý tưởng của ngài về lý thuyết chu kỳ kinh doanh của trường phái Áo?” ông đã trả lời, “Nhìn chung là củng cố.”16 Ông vẫn không thay đổi các quan điểm kinh tế học từ đầu những năm 1930 một chút nào đáng kể. Năm 1981, khi đưa ra đánh giá thực chất của mình về tình hình kinh tế Anh vào thời điểm ấy, ông nói, “thất nghiệp là hiệu ứng tất yếu của việc chấm dứt lạm phát đột ngột. Tôi sẽ đánh đổi bất kỳ mức độ thất nghiệp nào cần thiết cho mục đích ấy, bởi đó là cách thức duy nhất để đưa nước Anh trở lại với trật tự và chuẩn mực do nó tự duy trì, từ đó nó có thể bắt đầu quá trình tăng trưởng mới trong tương lai… Những điều kiện khiến cho thất nghiệp không tránh khỏi đã được hình thành từ giai đoạn lạm phát trước… Tôi vẫn thường lấy làm tiếc là đã không có nhiều hiện tượng phá sản trong quá khứ; nền kinh tế Anh bây giờ hẳn sẽ ở địa vị tốt hơn nếu như có nhiều hơn số hãng bị loại bỏ và không được duy trì sự tồn tại theo cách nhân tạo.”17 Cơ cấu méo mó của nền sản xuất ở Anh đòi hỏi hiện tượng thất nghiệp và phá sản diễn ra sau khi cắt giảm lạm phát. Năm 1981, ông cũng nói là Anh có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực nếu như thủ tướng Margaret Thatcher thất bại: “Vấn đề chủ yếu là việc phải thanh toán cho hàng nhập khẩu. Nước Anh nhập khẩu những khối lượng nguyên liệu thô khổng lồ và mặc dù nó sản xuất ra lượng lương thực nhiều hơn so với trước cuộc chiến tranh vừa qua, nó vẫn chưa hề tự túc được. Đầu tiên vấn đề sẽ thể hiện qua tình trạng khan hiếm và sự phân phối hạn mức. Nó có thể xuất hiện trong vòng mười năm tới.”18

Một cuộc hội nghị đặc biệt của Hội Mont Pelerin nhằm tôn vinh Hayek được tổ chức vào năm 1975. Ông không đến dự vì lý do khiêm tốn. Hội trường đã tán thưởng nhiệt liệt khi bức thông điệp do ông gửi tới đọc lên cho biết là ông đã hoàn thành tập thứ hai tác phẩm Luật, luật pháp và tự do (Law, Legislation and Liberty). Năm 1975, ông cũng xuất hiện trên chương trình phỏng vấn thời sự “Gặp gỡ Báo chí” (Meet the Press) của Mỹ.

Thời gian này, không lâu sau khi ông nhận Giải Nobel, một nhà báo đã mô tả ông và vợ:

Những ngày này ông dành các buổi sáng cho việc viết lách và đọc tài liệu quan trọng. Ông đang chuẩn bị các bài luận về luật, luật pháp và tự do. Sau đấy ông đi tản bộ, thường là tới vùng hồ yên ả nằm dưới dãy Alps của Áo. Ông rất thích đọc Trollope19 để giải trí, chủ yếu là nằm trên giường. Rồi đến nhạc từ máy quay đĩa, mặc dù vợ ông là người yêu nhạc hơn. Nhạc sĩ yêu thích của ông: Beethoven và Mozart. Còn Wagner? “Không thật thường xuyên. Quá chói tai. Một ít bản nhạc của ông ta là nghe được.”

Khi ông đang được chụp ảnh trong nhà thì bà Hayek tản bộ trở về. Ông rời chúng tôi và hai người ra ngoài nói tiếng Đức. Ông quay lại giải thích là bà Hayek sẽ đi với chúng tôi để chụp một số bức hình của ông với điều kiện bà sẽ không xuất hiện trên các bức ảnh. Đồng ý. Rồi bà xuất hiện – một mệnh phụ xinh đẹp và trẻ hơn Hayek hai tuổi.

Bà chia sẻ sở thích của chồng về cách biểu đạt chính xác. Bà nói, khi được hỏi về sở thích âm nhạc của mình, “Tôi yêu dòng nhạc cổ điển vĩ đại, từ Mozart cho tới Brahms.” Mahler thì sao? “Không, ông ta không thuộc dòng nhạc đó. Ông ta kế thừa Brahms.” Thế còn Schubert? “Tất nhiên. Ông ta đứng giữa Mozart và Brahms. Vì thế tôi thích ông ta, như tôi đã giải thích.”20

Năm 1977, khi rời Salzburg và trở lại Freiburg, Hayek và Helene chuyển đến cùng căn hộ mà họ từng sống ở Freiburg những năm 1960. Điều này rất quan trọng đối với bà, và gần như là một điều kiện đặt ra cho ban lãnh đạo nhà trường để ông quay lại.

Đóng góp xuất sắc sau này của Hayek vào lý thuyết và chính sách tiền tệ là đề xuất về cạnh tranh, ý tưởng mà lần đầu tiên ông đi sâu tìm tòi qua bài diễn thuyết năm 1975, “Sự lựa chọn tiền tệ: Một cách chấm dứt lạm phát” (Choice in Currency: A Way to Stop Inflation). Ngoại trừ hai thế kỷ áp dụng kim bản vị, Hayek cảm thấy là “trên thực tế tất cả các chính phủ đã sử dụng quyền phát hành tiền độc nhất của nó để lường gạt và cưỡng đoạt nhân dân… Điều rất nguy hiểm và phải được loại trừ không phải là quyền phát hành tiền của các chính phủ mà là quyền độc nhất để làm công việc ấy và quyền lực của chúng trong việc ép buộc mọi người phải sử dụng và chấp nhận nó ở một mức giá cụ thể.”21

Ý tưởng của ông về cạnh tranh các loại tiền tệ quốc gia là hết sức thông minh. Ông viết, “Đề xuất cụ thể cho tương lai gần là các quốc gia thuộc khối Thị trường chung (Common Market), nhất là với các quốc gia trung lập ở Châu Âu (và có thể sau đấy là các quốc gia ở Bắc Mỹ), tự ràng buộc nhau bằng một hiệp ước chính thức, quy định không tạo bất kỳ trở ngại nào cho hoạt động giao dịch tự do bằng tiền tệ của nhau trên toàn lãnh thổ của chúng hay việc thực hành quyền tự do tương tự trong hoạt động ngân hàng của bất cứ tổ chức nào được thành lập hợp pháp tại bất kỳ lãnh thổ nào của chúng.”22 Điều này sẽ đòi hỏi việc xoá bỏ các biện pháp kiểm soát tỷ giá và bất kỳ hình thức điều tiết nào đối với sự chuyển động tiền tệ giữa các quốc gia, và việc tạo ra quyền tự do sử dụng bất cứ loại tiền nào tại bất cứ đâu.

Sự “khái quát hoá nguyên lý cơ bản” mà đề xuất ngắn hạn của Hayek dựa vào là: Nếu “chúng ta muốn xem xét việc bãi bỏ tình trạng sử dụng độc quyền trong từng lãnh thổ quốc gia đối với một loại tiền tệ duy nhất do chính phủ phát hành, và thừa nhận các loại tiền tệ do các chính phủ khác phát hành một cách bình đẳng, thì một vấn đề nảy sinh tức thời là liệu có phải việc loại trừ hoàn toàn độc quyền cung cấp tiền của chính phủ và cho phép doanh nghiệp tư nhân được cung cấp cho công chúng những phương tiện trao đổi khác mà họ ưa thích sẽ không đáng mong muốn như thế hay không. Không có sự cần thiết hay thậm chí lợi thế nào trong đặc quyền cung cấp tiền của chính phủ, thứ đặc quyền hiện vẫn không bị nghi ngờ gì và đang được thừa nhận rộng khắp.”23

Giai đoạn sau này, Hayek từng một số lần phát biểu là ông đã có một “khám phá” và hai “phát minh” – khám phá là về sự phân hữu tri thức, còn các phát minh là những ý tưởng cải cách chính phủ đại diện và những đề xuất cải cách tiền tệ. Tư tưởng cải cách tiền tệ của ông đã đi trước thời đại. Arthur Seldon từng trích dẫn về một “nhân vật uy nghi trong hệ thống ngân hàng Anh” khi ông gọi hệ thống ấy có thể là cho “tương lai gần.”24

Đề xuất cải cách tiền tệ ban đầu của Hayek – chỉ đơn giản là cho phép một thị trường cạnh tranh các loại tiền tệ quốc gia (như bước chuẩn bị tiến tới cho phép các loại tiền tệ tư nhân) – đã được chính phủ Thatcher nắm lấy trong các cuộc thảo luận tiền tệ ở Châu Âu. Nigel Lawson, bộ trưởng tài chính của Thatcher, còn nhớ năm 1989 ông và Thatcher đã quyết định, trong các cuộc luận đàm về tiền tệ của Châu Âu sắp tới, “hình thức liên minh tiền tệ thay thế mà chúng ta sẽ đề xuất cần dựa trên ý tưởng của Hayek về cạnh tranh các loại tiền tệ… Việc tạo ra tiền sẽ vẫn nằm trong tay các ngân hàng trung ương… Với tính chất có thể hoán đổi nhau hoàn toàn và không có cản trở pháp lý nào, các loại tiền tốt sẽ dần dần đe dọa và đẩy các loại tiền xấu ra ngoài, bằng sự lật ngược tài tình quy luật Gresham (Gresham’s law25), cho đến khi rốt cục Châu Âu có thể thấy là về mặt lý thuyết nó chỉ còn một loại tiền duy nhất, được tự do lựa chọn.”26

Thatcher viết trong hồi ký của mình, “chúng tôi phải nhất trí về đường lối mà Nigel sẽ thực hiện tại cuộc họp sắp tới của các Bộ trưởng Tài chính Cộng đồng Châu Âu về EMU [European Monetary Union – Liên minh Tiền tệ Châu Âu]. Nigel nghĩ ra một phương pháp tiếp cận thông minh, trên cơ sở ý tưởng của Hayek về cạnh tranh tiền tệ, trong đó thị trường chứ không phải chính phủ sẽ tạo đà cho liên minh tiền tệ. (Đáng tiếc, đề xuất này trên thực tế đã không đi thật xa, phần nhiều bởi vì nó không nằm trong mô hình toàn quyền, tập trung hoá mà các đối tác Cộng đồng Châu Âu của chúng tôi ưa thích.)”27

Hayek đã không thể phát triển những tư tưởng sau này của mình, mà vẫn còn ở dạng sơ khai, về lý thuyết và thực hành tiền tệ, kêu gọi cho các loại tiền tệ cạnh tranh và do tư nhân phát hành. Ông nhanh chóng bắt tay vào một công trình mà ông nghĩ sẽ là sự đúc kết cuộc đời và tư tưởng của mình – Sự tự phụ chết người (The Fatal Conceit).

Chú thích:

(1) NS, 23.

(2) Sđd, 192.

(3) Monetarism: Lý thuyết cho rằng những biến động kinh tế trong phạm vi một hệ thống, chẳng hạn như tỷ lệ lạm phát thay đổi, hầu hết thường là do sự tăng giảm cung tiền tệ. (N.D.)

(4) Friedrich Hayek, “Monetarism and hyper-inflation,” Times (5/3/2000).

(5) DN, 80.

(6) Walter Bagehot (1826-1877): Nhà kinh tế học, nhà khoa học xã hội và nhà báo người Anh, tác giả cuốn The English Constitution (1867), phân tích quyền lực so sánh của các nhánh thuộc chính phủ Anh. (N.D.)

(7) Hayek, “Monetarism and hyper-inflation”; DN, 81.

(8) Ian Bradly, Times London (21/11/1980).

(9) Hayek, “Monetarism and hyper-inflation.”

(10) Aldous Leonard Huxley (1894-1963): Nhà văn Anh; Brave New World (1932), tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, vẽ nên bức tranh ảm đạm của xã hội không tưởng được tổ chức khoa học. (N.D.)

(11) Burrhus Frederick Skinner (1904-1990): Nhà tâm lý học người Mỹ. Là một nhà tâm lý học hành vi (behaviorist) hàng đầu, ông có ảnh hưởng đến các lĩnh vực tâm lý học và giáo dục với các lý thuyết của mình về hành vi tác nhân kích thích - phản ứng (stimulus-response behavior). Hai tác phẩm chính của ông là Walden Two (1961) và Beyond Freedom and Dignity (1971). (N.D.)

(12) CL 297; 216, 490.

(13) Friedrich Hayek, A Conversation with Friedrich A. von Hayek: Science and Socialism (Washington, D.C.: American Enterprise Institute, 1978), 16.

(14) NS, 197.

(15) Encounter, 57.

(16) UCLA, 183-184.

(17) Listener, 331.

(18) Now! (31/1/1981), 41.

(19) Anthony Trollope (1815-1882): Nhà văn Anh, nổi tiếng với loạt tiểu thuyết dựa trên bối cảnh quận Barsetshire tưởng tượng, trong đó có Barchester Tower (1857) và The Last Chronicle of Barset (1867). (N.D.)

(20) Frank Johnson, “The Facts of Hayek,” Daily Telegraph Magazine (26/9/1975), 32.

(21) NS, 224.

(22) DM, 23.

(23) Sđd, 26.

(24) Sđd, 12.

(25) Lý thuyết cho rằng nếu hai loại tiền trong lưu thông có cùng giá trị mệnh giá nhưng lại có giá trị thực chất khác nhau thì loại tiền với giá trị thực chất cao hơn sẽ được tích luỹ và cuối cùng bị loại tiền với giá trị thực chất thấp hơn đẩy ra khỏi lưu thông. Đặt theo tên của Sir Thomas Gresham (1519-1579), nhà tài chính Anh, người lập nên thị trường tiền tệ đầu tiên ở London năm 1566. (N.D.)

(26) Nigel Lawson, The View from No. 11 (New York: Doubleday, 1993), 939.

(27) Margaret Thatcher, The Downing Street Years (London: Harper Collins, 1995), 715-716.

Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần VI, Chương 35, Nhà xuất bản Tri Thức 2007

 

Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh

Tác giả liên quan