[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 26 - Ảnh hưởng (Phần 3)
Khi hoàn thành tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do, Hayek thực sự không biết dự án lớn tiếp theo của mình sẽ là gì. James Buchanan còn nhớ Hayek “đến Charlottesville1 tháng Giêng năm 1961, trong chuyến viếng thăm kéo dài một học kỳ. Ông vừa xuất bản cuốn Hiến pháp về quyền tự do, và tỏ ra quan tâm đến việc sử dụng các bài thuyết trình tại Đại học Virginia làm kế hoạch cho việc quay lại lý thuyết kinh tế và đặc biệt là trở lại với đóng góp lớn ban đầu của mình về sử dụng tri thức trong xã hội… Ông công bố loạt bài dưới tiêu đề chung ‘Cách nhìn mới về Lý thuyết Kinh tế’ (A New Look at Economic Theory), trong đó ông trình bày bốn bài thuyết trình về (1) ‘Đối tượng của Lý thuyết Kinh tế’ (The Object of Economic Theory), (2) ‘Bài toán Giải tích Kinh tế’ (The Economic Calculus), (3) ‘Kinh tế học và Công nghệ’ (Economics and Technology) và (4) ‘Chức năng Thông tin của Thị trường’ (The Communication Function of the Market). … Các bài thuyết trình này đã thất bại, chí ít là theo những chuẩn mực của chính giáo sư Hayek. Tất nhiên, những ai lắng nghe chúng đã được tưởng thưởng bằng việc xem xét kỹ phân tích trước đó về tri thức trong mối quan hệ với sự tương tác kinh tế. Nhưng Hayek không thể đi xa hơn những gì mà ông từng phát triển hai mươi năm trước; không một ý tưởng mới nào xuất hiện khi ông xem xét lại các quá trình tư tưởng thời kỳ đầu.”
Tư tưởng Hayek thay đổi theo diễn tiến của sự nghiệp chủ yếu trong những lĩnh vực mà ông nhấn mạnh chứ không phải những quan điểm cốt lõi của ông. Trên thực tế, sau giai đoạn cưỡi ngựa xem hoa với chủ nghĩa xã hội hồi còn trẻ, ông hiếm khi thay đổi quan điểm của mình, dù chúng đã phát triển. Trong một bài luận về Keynes sau này, ông viết về “nhà khoa học vĩ đại, người mà tri thức mỗi ngày một tăng lên theo một con đường duy nhất” – có lẽ là kinh nghiệm của Hayek về quá trình phát triển trí tuệ của chính mình.
Hayek bắt đầu phải chịu đựng sự suy sụp nghiêm trọng từ khoảng thời gian ông đến thăm Charlottesville năm 1961, về sau được chẩn đoán một phần là sự phản ứng trước cơn đau tim nhẹ mà lúc ấy đã không phát hiện ra. Sự suy nhược của ông bắt đầu diễn ra theo từng cơn trong các năm tiếp theo và rõ rệt hơn cả từ khoảng năm 1969, khi ông lại chịu một cơn đau tim khác, khá quan trọng hơn (và cũng không phát hiện ra vào lúc đó), cho tới năm 1974, một thời gian ngắn trước khi ông nhận được thông báo trao giải Nobel Kinh tế.
Ông chấp nhận một vị trí tại Đại học Freiburg, Tây Đức, vào mùa thu năm 1962. Một bữa tiệc bất ngờ để ghi nhận công lao đã được dành cho ông và Helene tại Câu lạc bộ Quadrangle ngày 24 tháng 5 do Hội Cá nhân Chủ nghĩa Liên Đại học (ISI) tổ chức. Một số sinh viên dùng mẹo để đánh lừa ông đến dự, họ đã khiến ông tin là chỉ dùng bữa chiều với họ mà thôi. Bạn cũ của ông là Fritz Muchlup đến từ Đại học Princeton đóng vai trò người dẫn chương trình.
Friedman phát biểu thừa nhận công lao đóng góp của Hayek. Ông nhận xét, Hayek đã “thành công trong việc cùng lúc đặt dấu ấn của mình lên hai thế giới” – thế giới tri thức khoa học và thế giới công luận. “Nỗ lực của ông nhằm tác động đến quan điểm là một cái gì đó rất hiếm hoi, kết hợp với công trình học thuật thấu đáo, sâu sắc, và uyên thâm có thể tác động đến tiến trình khoa học. Ít ai từng có được vai trò ảnh hưởng như Hayek trong địa hạt tư tưởng trên bình diện toàn thế giới Phương Tây và không chỉ ở Mỹ.”
George Stigler cũng tôn vinh Hayek. Ông nói Hayek là “một trong số ít ba hoặc bốn nhà kinh tế học chuyên nghiệp có ảnh hưởng nổi bật đến tiến trình thời đại thế kỷ 20,” nhưng lại tỏ ra tiếc nuối sâu sắc là Hayek đã không chú tâm nhiều hơn đến lịch sử tư tưởng kinh tế. Stigler kết thúc nhận xét của mình, “Thưa bà Hayek, tôi muốn từ nay mỗi ngày bà hãy nói chuyện với chồng và tìm hiểu xem ông đã đạt được tiến bộ nào trong cái lĩnh vực mà tôi cho là một trong những lĩnh vực lý thú và hấp dẫn nhất, đó là quá trình tiến hoá các công trình của các học giả.”
Ludwig von Mises, bấy giờ đang ở Đại học New York, gửi bài phát biểu sau và được đọc trước bàn tiệc. Ông viết, “Chúng ta sẽ không hoàn toàn mất Hayek.” “Từ nay ông sẽ dạy tại một trường đại học ở Đức, nhưng chúng ta tin chắc rằng thỉnh thoảng ông sẽ quay lại để thuyết trình và tham gia hội nghị ở đất nước này. Và chúng ta tin chắc trong những chuyến thăm viếng này, ông sẽ có rất nhiều điều hơn nữa để nói. Từ sự trông mong này, chúng ta có thể coi đây là một dấu hiệu tốt lành khi thành phố nơi diễn ra hoạt động sắp tới của ông có tên là Freiburg. ‘Frei’ – nghĩa là tự do.”
Trong lời nhận xét không chuẩn bị trước, ông phát biểu rằng mười hai năm qua – hay thực sự là mười bảy năm vì hầu như hàng năm ông đều đến thăm Chicago – có ý nghĩa quan trọng to lớn đối với mình. Cơ hội được làm những gì mà ông lựa chọn, và theo đuổi những mối quan tâm mà ông ưa thích, là rất có giá trị. Ông có thể vượt qua kinh tế học kỹ thuật để đến với các chủ đề xã hội rộng lớn hơn, mà trong đó kinh tế học là một bộ phận. Ông vừa âu lo vừa hy vọng về các xu hướng tương lai của tư tưởng và thực tiễn chính trị và kinh tế. Tiếp theo, ông nói về lời đề tặng trong tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do, “dành cho nền văn minh vô danh đang phát triển ở Mỹ” – “nước Mỹ, hơn bất cứ nơi nào khác, sẽ là nơi quyết định các quan niệm đạo đức trong một trăm năm tới.”Chú thích:
(1) Thành phố nằm ở trung tâm bang Virginia, nơi có Đại học Virginia (thành lập năm 1819). (N.D.)