Chủ nghĩa gia trưởng kỹ trị của Singapore và cách kinh tế học hành vi biện minh cho sự tiếp diễn của mô hình này (Phần 5)

Chủ nghĩa gia trưởng kỹ trị của Singapore và cách kinh tế học hành vi biện minh cho sự tiếp diễn của mô hình này (Phần 5)

Những điểm sai lầm của Chủ nghĩa Gia trưởng kỹ trị

Chúng tôi đưa ra ba phản đối chính đối với chủ nghĩa gia trưởng kỹ trị đặc trưng trong cách thức quản trị của Singapore dưới sự lãnh đạo của Đảng Hành động Nhân dân (PAP). Trước hết, chúng tôi nêu bật các vấn đề lý thuyết ẩn trong phần lõi của kinh tế học hành vi hiện đại. Thứ hai là về những vấn đề nhận thức luận mà những người theo chủ nghĩa gia trưởng kỹ trị gặp phải. Cuối cùng là các vấn đề về lựa chọn công, những yếu tố gây trở ngại cho các đề xuất chính sách mà chính phủ đưa ra.

Những vấn đề lý thuyết của kinh tế học hành vi

Như đã đề cập trước đó, kinh tế học hành vi có những khác biệt nổi bật về phương pháp luận so với các chuẩn mực về tính duy lý của kinh tế học tân cổ điển. Theo nhánh kinh tế học này, con người là những sinh vật có rất nhiều hành vi phi lý tính, thường hành động kém tối ưu hơn nhiều so với mức lý tưởng. Sự kém tối ưu này cần được khắc phục thông qua việc triển khai các chính sách của chính phủ.

Chính từ khởi đầu mang tính phương pháp luận này mà dự án kinh tế học hành vi gặp phải những vấn đề về mặt lý thuyết đáng lưu ý. Mặc dù giả định lý tính của kinh tế học tân cổ điển được cho là bất khả thi, “con người kinh tế” (homo economicus) vẫn được xem là chuẩn mực quy phạm cho lý tính của con người. Điều này được thể hiện trong các bài viết của Thaler và Sunstein:

"Chúng tôi mong muốn thực hiện việc đánh giá lựa chọn nào là 'tốt hơn' một cách khách quan nhất có thể, và chúng tôi rõ ràng luôn không coi sở thích được bộc lộ ra ngoài ngang bằng với lợi ích. Trong một số trường hợp, con người có thể đưa ra những lựa chọn kém tối ưu, nhưng nếu được cung cấp đầy đủ thông tin, có khả năng nhận thức và sức mạnh ý chí vô hạn, họ có thể thay đổi những lựa chọn ban đầu của mình để đạt được kết quả tốt hơn” [in nghiêng được đưa thêm vào để nhấn mạnh] (Taler and Sunstein, 2003a, p. 175).

Camerer và Loewenstein nói rõ hơn về vấn đề này:

“Cốt lõi của kinh tế học hành vi là niềm tin rằng việc nâng cao tính hiện thực trong nền tảng tâm lý trong phân tích kinh tế sẽ cải thiện lĩnh vực này theo các chiều kích như tạo ra các hiểu biết lý thuyết sâu sắc hơn,  giúp dự đoán chính xác hơn các hiện tượng thực địa và đề xuất các chính sách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, niềm tin này không đồng nghĩa với việc bác bỏ toàn bộ cách tiếp cận tân cổ điển, vốn dựa trên việc tối đa hóa lợi ích, mô hình cân bằng và tính toán hiệu quả. Kinh tế học tân cổ điển vẫn hữu ích vì nó cung cấp cho các nhà kinh tế một cơ sở lý thuyết có khả năng áp dụng cho hầu hết các dạng hành vi kinh tế (thậm chí cả hành vi không phải kinh tế), và nó giúp đưa ra những dự đoán hoàn toàn có thể kiểm chứng được” (2004, trang 3).

Các nhà kinh tế học hành vi cho rằng con người không thể nào hành xử như những cỗ máy tính  được cung cấp thông tin toàn diện và đưa ra kết quả nhanh chóng như trong mô tả của các mô hình kinh tế học tân cổ điển1. Tuy nhiên, họ lại lập luận rằng trong một thế giới lý tưởng, con người nên hành xử theo cách đó. Lối suy nghĩ này thực sự gây khó hiểu. Nếu hình ảnh về một con người có lý tính đầy đủ chỉ có trong truyền thuyết, thì việc đánh giá con người thực bằng những tiêu chuẩn không tưởng ấy có nghĩa lý gì? Cách tiếp cận này của kinh tế học hành vi đã thiết lập tiền giả định rằng con người luôn mắc phải các thiên kiến và khiếm khuyết theo nhiều cách khác nhau, từ đó cần phải được “sửa chữa”. Nếu khái niệm về “con người kinh tế” chỉ là một sự miêu tả phi thực tế, thì việc lấy nó làm tiêu chuẩn đánh giá sẽ là một dấu hỏi lớn. Điều này chẳng khác nào khẳng định rằng siêu nhân không tồn tại, nhưng bạn vẫn sẽ bị đánh giá theo tiêu chuẩn của siêu nhân.

Boettke và cộng sự (2013) đã chỉ ra rằng dự án kinh tế học hành vi hiện nay có sự tương đồng rõ rệt với mô hình kinh tế phúc lợi dựa trên “thất bại thị trường” từng thống trị trong thế kỷ 20. Để hiểu đơn giản, mô hình kinh tế phúc lợi tân cổ điển xoay quanh hai định lý chính2. Định lý đầu tiên bắt đầu với một loạt các giả định về thị trường lý tưởng với sự hiện diện của cạnh tranh hoàn hảo và hiệu quả tuyệt đối. Định lý thứ hai cho rằng khi có sự sai lệch so với định lý thứ nhất, tức là khi có thất bại thị trường, chính phủ trên lý thuyết có thể can thiệp thông qua các chính sách  chuyển nhượng toàn bộ trong một lần (lump-sum transfers) để đạt được hiệu quả. Như vậy, khi khẳng định rằng các thị trường trong thực tế luôn không hoàn hảo, hai định lý này đã cung cấp một nền tảng lý luận cho việc chính phủ luôn can thiệp vào thị trường nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh tế (Wagner, 2017, trang 139). Tương tự như các thất bại thị trường của mô hình kinh tế phúc lợi, trong lĩnh vực kinh tế học hành vi, các cá nhân cũng gặp phải tình trạng "thất bại trong việc ra quyết định" khi hành động của họ không đạt đến các tiêu chuẩn lý tính giả định, từ đó dẫn đến nhu cầu điều chỉnh theo kiểu gia trưởng.

Chúng tôi đồng tình với các nhà kinh tế học hành vi rằng khái niệm hẹp về con người kinh tế có nhiều hạn chế về mặt phân tích. Tuy nhiên, vì dự án kinh tế học hành vi vẫn dựa trên các giả định về tính duy lý của kinh tế học tân cổ điển, nên nó vẫn bị ràng buộc trong khuôn khổ của kinh tế học tân cổ điển, vốn dĩ đánh giá thấp bản chất thực sự phức tạp và táo bạo của hành động con người. Luận điểm này đã được các học giả thuộc trường phái "Kinh tế học Áo" phát triển sâu rộng, những người từ lâu đã chỉ ra những sai lầm của kinh tế học tân cổ điển3. Trong một bài luận có ảnh hưởng lớn, Israel Kirzner đã viết:

"Các nhà kinh tế học Áo phản đối mạnh mẽ cách mà lý thuyết tân cổ điển miêu tả một cách máy móc quyết định cá nhân giống như một bài toán tối ưu hóa với những ràng buộc. Cách tiếp cận này lược bỏ mất khả năng tưởng tượng và sự táo bạo, những thành phần đặc trưng cấu thành nên “đặc tính không giới hạn” (open-ended character) của con người… Kiểu ra quyết định này chỉ diễn ra trong bối cảnh các hàm xác suất đã được xác định trước. Trong thế giới tân cổ điển, người ra quyết định hiểu rõ những điều họ chưa biết, do đó không còn gì là sự bất ngờ. Tuy nhiên, đối với các nhà kinh tế học Áo, việc bỏ qua những yếu tố như trí tưởng tượng, sự táo bạo, và tính bất ngờ là làm mất đi toàn bộ phẩm tính tự nhiên trong sự lựa chọn của con người" (Kirzner, 1997, trang 62).

Sự khác biệt chính giữa cá thể luận về phương pháp của kinh tế học trường phái Áo và hệ hình kinh tế học hành vi mới nằm ở chỗ trường phái kinh tế học Áo đi xa hơn trong việc tách rời khỏi các chuẩn tắc về tính duy lý của thế giới tân cổ điển. “Đặc tính không giới hạn” được Kirzner miêu tả là cốt lõi của cá thể luận về phương pháp của kinh tế học trường phái Áo. Từ quan điểm của trường phái Áo, hành động của cá nhân luôn có mục đích và diễn ra trong điều kiện đầy rẫy bất định và nghi ngờ. Con người không phải lúc nào cũng lý tính và tối đa hoá lợi ích, họ cũng mắc phải sai lầm do chịu ảnh hưởng bởi những giới hạn về mặt nhận thức. Họ theo đuổi nhiều giá trị khác nhau, và mỗi quyết định họ đưa ra đều có sự đánh đổi. Việc đánh giá một lựa chọn có "hợp lý" hay không phụ thuộc vào bối cảnh mà lựa chọn đó được đưa ra hoặc các sở thích nội tại của người ra quyết định. Điều quan trọng nhất mà chúng tôi muốn nhấn mạnh trong cuộc thảo luận hiện tại là: tính duy lý của cá nhân không nên được đánh giá dựa trên một tiêu chuẩn lý tưởng mang tính lý thuyết về lý tính4, theo đó những sai lệch so với tiêu chuẩn này sẽ đòi hỏi phải có các biện pháp điều chỉnh của phái gia trưởng theo thuyết hành vi, chẳng hạn như đánh thuế hành vi sai lầm hoặc sử dụng các chính sách cú hích (nudge).

Những phê bình tương tự cũng đã được nhà tâm lý học hành vi nổi tiếng Gerd Gigerenzer đưa ra đối với hệ hình kinh tế học hành vi mới (Gigerenzer & Todd, 1999). Giống như các nhà kinh tế học trường phái Áo, Gigerenzer tập trung vào việc hệ hình này bỏ qua bối cảnh thể chế, nơi quá trình ra quyết định của con người diễn ra. Theo ông, việc không xem xét đến bối cảnh cụ thể khiến cho các phân tích của phái gia trưởng  theo thuyết hành vi gặp nhiều thiếu sót, vì họ không nhìn thấy cách mà các quyết định cá nhân bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố môi trường khác như hạn chế về thời gian, thông tin, và tri thức ẩn tích lũy được từ kinh nghiệm trong quá khứ.

Khi yếu tố môi trường được đưa vào phân tích, những quyết định từng bị coi là "thiên lệch" thực ra lại rất hợp lý và tối ưu. Thay vì được coi là những cơ chế đối phó không đáng tin cậy5, các phương pháp  heuristics (giải quyết vấn đề dựa trên kinh nghiệm) lại được coi những chỉ dẫn cực kỳ hữu ích, giúp con người hoạt động theo các tiêu chuẩn của “duy lý sinh thái” (ecological rationality). Điều này bao gồm “việc phân tích cấu trúc của môi trường, cấu trúc của phương pháp heuristics và mức độ tương thích giữa chúng” (Gigerenzer & Todd, 1999, trang 18). Những phương pháp  heuristics này dựa trên những quy tắc hướng dẫn đơn giản và tuần tự, cho phép người sử dụng chúng điều hướng trong một thế giới đầy bất định và hạn chế về thời gian.

Nhà tâm lý học nổi tiếng Herbert Simon, nổi tiếng với các mô hình về tính duy lý bó buộc, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân tích bối cảnh thể chế trong kinh tế học:

“Nghiên cứu về tính duy lý bó buộc không tập trung vào sự tối ưu hóa trong môi trường tác vụ, mà hướng đến việc tìm hiểu cách con người sử dụng các chiến lược để đối phó với môi trường đó. Đó là nghiên cứu về cách các chiến lược được hình thành thông qua việc xác định không gian vấn đề, đồng thời phân tích tác động của các giới hạn về mặt sinh lý tự nhiên lên khả năng tiếp nhận không gian vấn đề và phát triển các chiến lược. Tại mỗi bước trong quá trình này đều có không gian để tìm được những quy trình này khác, và bất kỳ quy trình nào cũng có thể đáp ứng một cách hợp lý, dù không hoàn hảo, các yêu cầu của môi trường tác vụ. Tuy nhiên, môi trường không thể dự đoán được quy trình nào sẽ chi phối hành vi thích nghi” (Simon, 1989, trang 16).

Điều đặc biệt lạ lùng là những người ủng hộ chính sách cú hích ở Singapore thường trích dẫn lời của Simon (xem Low, 2012, trang 22), dù chính phương pháp luận của mô hình cú hích này lại mắc phải sai lầm nghiêm trọng nếu đứng từ quan điểm của Simon.

Nói cách khác, bối cảnh và môi trường là những yếu tố then chốt khi đánh giá tính duy lý của con người. Nhà kinh tế học hành vi thường bỏ qua bối cảnh sinh thái nơi hành động diễn ra, khiến họ không thể nắm bắt đầy đủ lý do tại sao đối tượng hành xử theo cách nhất định, và do đó, nhận định của họ về sự “phi lý” trong hành động của đối tượng trở nên phiến diện. Hơn nữa, khi hành động của đối tượng được đánh giá dựa trên chính những tiêu chuẩn duy lý tân cổ điển mà các nhà kinh tế hành vi gia trưởng chỉ trích, điều này trở thành một bài tập vô nghĩa dẫn đến kết luận hiển nhiên rằng con người không vận hành như những cỗ máy hoàn hảo. Mario Rizzo đã tóm tắt lại rất tuyệt vời điều này:

“Cả các nhà kinh tế học hành vi và kinh tế học tân cổ điển đều theo đuổi một khái niệm  chặt về tính duy lý, dẫn đến hạn chế rất đáng kể cách tiếp cận của họ. Các nhà kinh tế học tân cổ điển sử dụng khái niệm này vừa để giải thích hành vi thực tế của các tác nhân, vừa làm khung chuẩn mực. Còn các nhà kinh tế học hành vi tuy không tin rằng khái niệm này đủ để giải thích hành vi thực tế, nhưng vẫn họ vẫn cho rằng đó là một khung chuẩn mực tốt. Khái niệm tính duy lý phù hợp để lý giải khả năng đánh giá cần phải “rộng mở” hơn, phản ánh sự phức tạp trong quá trình ra quyết định của con người. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học hành vi thường không nhận ra điều này ở mức độ chuẩn tắc-quy phạm, khiến cho các phê phán của họ về thị trường hoặc các kết quả khác trở nên thiếu sót” (2017b, trang 3).

Sự mơ hồ trong lý thuyết cốt lõi của kinh tế học hành vi là lý do khiến chúng ta nên hoài nghi về mô hình này. Kinh tế học hành vi đã quá vội vàng trong việc chỉ ra những sai lầm trong quá trình ra quyết định của con người, và nhanh chóng đi đến kết luận rằng những sai lầm đó cần được sửa chữa để phù hợp với các tiêu chuẩn của tính duy lý hoàn hảo. Điều quan trọng hơn là kinh tế  học hành vi thiếu phân tích về thể chế, điều này nếu được thực hiện sẽ cho thấy nhiều hành động có vẻ “phi lý” thực ra chỉ là kết quả của hoàn cảnh cụ thể, chứ không phải là vấn đề nghiêm trọng đòi hỏi sự can thiệp của chính phủ.

Những phản bác xuất phát từ vấn đề tri thức

Phản bác kịch liệt thứ hai đối với chủ nghĩa gia trưởng kỹ trị có thể được đặt tên là những "phản bác xuát phát từ vấn đề tri thức” (knowledge problem objections). Cốt lõi của chính sách cú hích là việc sử dụng chính sách của chính phủ để điều chỉnh những thiên kiến nhận thức mà các cá nhân không đủ ý chí và kỷ luật tự giác để tự điều chỉnh. Rizzo và Whitman (2009b) đã lập luận một cách chi tiết rằng những người ủng hộ chủ nghĩa gia trưởng hành vi đã đánh giá thấp khối lượng tri thức cần thiết để thực hiện các chính sách cú hích. Nếu vấn đề này không được giải quyết, các biện pháp cú hích có thể lấn át các hình thức tự điều chỉnh tự nguyện và thậm chí có thể gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích.

Chúng tôi đưa ra hai ý phản đối ở đây. Thứ nhất, trong thực tế, con người  chịu ảnh hưởng đồng thời của nhiều thiên kiến khác nhau. Những thiên kiến này có các ảnh hưởng khác nhau: đối với mỗi người, chúng có thể làm trầm trọng thêm các tác động tiêu cực, tăng cường hiệu qủa các tác động tích cực, hoặc vô hiệu hóa lẫn nhau.

Hãy xem xét một tình huống giả định về một cá nhân tên là Moses, người gặp khó khăn với căn bệnh béo phì vì thiếu tính kỷ luật để (1) duy trì chế độ tập luyện nghiêm ngặt và (2) kiêng các thực phẩm không lành mạnh. Giả sử những người theo chủ nghĩa gia trưởng hành vi quyết định cung cấp thẻ thành viên phòng gym miễn phí để tạo cú hích cho những người như Moses tập thể dục. Việc miễn phí thẻ thành viên sẽ tăng khả năng Moses tập thể dục. Nhưng hãy giả sử rằng sự tự tin mới có được từ việc tuân thủ chế độ tập gym có thể khiến anh ta thích ăn vặt hơn (nếu tôi đã tập luyện, tôi có thể ăn bất cứ thứ gì mình muốn) (nếu tôi tập luyện, tôi có thể ăn bất cứ thứ gì mình thích), từ đó làm mất đi lợi ích sức khỏe mà việc tập thể dục mang lại. Trong trường hợp này, chính sách cú hích có nguy cơ làm cho tình trạng của một cá nhân trở nên tồi tệ hơn so với trước đây, do nó tạo ra sự tác động lẫn nhau giữa các thiên kiến của anh ta.

Trong tình huống giả định vừa rồi, không thể chắc chắn rằng thiên kiến sau của Moses sẽ xuất hiện và dẫn đến việc anh ta tự làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe của mình.  Có khả năng rằng chính sách khuyến khích tập luyện có thể khiến Moses từ bỏ hoàn toàn các thực phẩm không lành mạnh. Nhưng đây là một câu hỏi mang tính thực nghiệm, không thể giải quyết chỉ bằng lý thuyết kinh tế. Điểm đáng chú ý ở đây là để các chính sách cú hích thành công, các nhà hoạch định chính sách phải có khả năng dự đoán chính xác cách một cá nhân sẽ kháng cự, chấp nhận, hoặc chống lại tác động của chính sách cú hích theo nhiều cách khác nhau.

Tuy nhiên, khả năng để các nhà kỹ trị tiếp nhận bài học này để thiết kế các chính sách cú hích tối ưu cho không chỉ một cá nhân như Moses mà còn cho cả một cộng đồng là rất thấp. Làm sao để những nhà kỹ trị có thể hiểu được vô số các khả năng mà các thiên kiến của từng cá nhân tác động lẫn nhau? Xét rằng mỗi người có những xu hướng khác nhau đối với các hành vi “tội lỗi” và biểu hiện các mức độ thiên kiến khác nhau, gánh nặng nhận thức đặt lên vai nhà kỹ trị trở thành một vấn đề vô cùng nan giải, gần như không thể giải quyết được.

Thứ hai, các cá nhân sẽ sử dụng những biện pháp “tự làm giảm thiên kiến” (self-debiasing) để đối phó với những thiên kiến mà họ nhận thức được (Rizzo & Whitman, 2009b, trang 943). Thật ngây thơ khi cho rằng con người chỉ là những con cừu bất lực, hoàn toàn không có khả năng tự bảo vệ mình. Thực tế, chúng ta thường sẵn sàng đặt hạn mức thẻ tín dụng để kiểm soát chi tiêu, cam kết tham gia các khóa tập gym trong vòng một năm nhằm duy trì việc luyện tập, và chủ động tránh những tình huống xã hội có thể dẫn đến việc sử dụng rượu bia hoặc các thực phẩm không lành mạnh.

Vì vậy, các chính sách cú hích cần xem xét đến những cơ chế tự điều chỉnh mà mỗi cá nhân đã áp dụng. Việc bỏ qua thực tế rằng con người đã và đang thực hiện các hình thức tự điều chỉnh có thể khiến nỗ lực giảm thiểu thiên kiến của nhà gia trưởng hành vi đi quá xa, dẫn đến những hệ quả tiêu cực, làm giảm tổng thể phúc lợi. Điều này thậm chí có thể làm suy giảm khả năng tự điều chỉnh của cá nhân, khiến họ tin rằng không cần lo lắng nữa vì đã có chính phủ lo liệu thay.

Việc xem xét những chi tiết như vậy trong thực tế là rất khó khăn, vì hầu hết các chính sách, bao gồm cả chính sách cú hích, đều được xây dựng theo cách tiếp cận từ trên xuống và mang tính thống nhất ("one size fits all".) Điều này khiến chúng không thể đáp ứng được sự khác biệt đáng kể giữa các cá nhân. Vì con người rất đa dạng, việc đánh giá hiệu quả của chính sách đòi hỏi kiến thức sâu rộng về mức độ phân bổ và phạm vi của thiên kiến, cũng như cách mà mỗi cá nhân phản ứng (Rizzo & Whitman, 2009b, trang 905). Vì thế, những người theo chủ nghĩa gia trưởng hành vi thường không đủ khả năng để tạo cú hích khiến mọi người hướng đến các những trạng thái lành mạnh hơn. Chính sách cú hích có thể mang lại lợi ích cho một số người nhưng cũng có thể gây hại cho những người khác. Vì vậy, việc kết quả cuối cùng có thực sự cải thiện phúc lợi hay không là điều không thể chắc chắn và đáng nghi ngờ.

Cuối cùng, vấn đề tri thức cũng chỉ ra rằng các nhà làm chính sách cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các thiên kiến về nhận thức, tâm lý, và trí tuệ. Họ cũng là con người, với những hạn chế và thiên kiến nội tại giống như chính những người tiêu dùng mà họ đang cố gắng định hướng.  Những thiên kiến này bao gồm:

“...(1) Thiên kiến hành động, được định nghĩa là khuynh hướng hành động hoặc phản ứng  thái quá khi đối mặt với rủi ro và sự bất định. (2) Lý lẽ bị ảnh hưởng bởi động cơ, nghĩa là xu hướng đưa ra kết luận phù hợp với mong muốn đến từ những lý do cá nhân khác. (3) Ảo tưởng tập trung, là một thiên kiến xuất hiện khi các chuyên gia xem xét tác động của một yếu tố cụ thể và đánh giá quá cao tầm quan trọng của nó. (4) Cảm xúc chi phối, chỉ ra rằng suy luận của con người phần lớn chịu ảnh hưởng từ cảm xúc. Và (5) ảo tưởng về năng lực, là sự tự tin quá mức đối với kiến thức của bản thân” (Thomas, 2018, trang 20).”

Điều quan trọng cần làm rõ là vấn đề tri thức mà chúng tôi đề cập không phải là điều có thể khắc phục đơn giản bằng cách tuyển dụng, lựa chọn, và đào tạo những cá nhân thông minh vào làm việc trong chính phủ. Chúng tôi thừa nhận rằng các công chức thường được trang bị tốt hơn so với người dân bình thường để quản lý một quốc gia. Hệ thống quản lý công phức tạp, bao gồm các chính sách về học bổng, công cụ đánh giá dựa trên hiệu suất, và sự thu hút chuyên gia từ lĩnh vực tư nhân (Quah, 2010),  chính là lý do cho điều này.

Tuy nhiên, niềm tin rằng có thể giải quyết vấn đề tri thức chỉ bằng cách tuyển dụng những công chức xuất chúng để điều hành nhà nước là một sai lầm nghiêm trọng về bản chất của vấn đề. Hạn chế nhận thức tồn tại ở mọi cá nhân, kể cả những người có học vấn cao. Giới tinh hoa mang theo những thiên kiến riêng, khiến họ cũng mắc phải các sai lầm chuyên môn (Tetlock 2017; Koppl 2018). Vấn đề tri thức không chỉ nằm trong khả năng nhận thức của cá nhân, mà còn xuất phát từ sự phức tạp của nền kinh tế và xã hội, cũng như từ thực tế rằng các cơ quan trung ương không đứng trong bối cảnh nơi kiến thức liên quan của xã hội được phát hiện và truyền tải (Kiesling, 2014). Chính bản chất đa chiều của vấn đề tri thức này cần được xem xét một cách nghiêm túc trong quá trình hoạch định chính sách.

Vấn đề tri thức đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với các nhà hoạch định chính sách ở Singapore, đặc biệt khi họ áp dụng các tri kiến về hành vi vào công việc của mình. Vấn đề này trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh sự đa dạng về kinh tế xã hội của người dân Singapore ngày càng tăng, đi kèm với những nhu cầu, hoàn cảnh và thách thức  đặc thù  mà họ phải đối mặt. Hơn nữa, với vị thế là một quốc gia có độ mở cao, Singapore càng dễ bị tác động bởi những biến động từ bên ngoài. Do đó, việc lựa chọn các chính sách can thiệp để thúc đẩy hành vi đối mặt với vấn đề tri thức rất nghiêm trọng, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải thận trọng, bất kể họ có học vấn, trình độ, và kinh nghiệm đến đâu.

Những phản bác đến từ kinh tế học lựa chọn công

Cuối cùng, chúng ta sẽ xem xét nhóm phản bác thứ ba từ góc nhìn của kinh tế học lựa chọn công. Các lập luận lựa chọn công nhấn mạnh nhiều vấn đề trong nền chính trị dân chủ tự do mà những người theo chủ nghĩa gia trưởng kỹ trị phải đối mặt. Ngay cả khi chấp nhận giả định rằng các nhà quản lý có thể vượt qua các vấn đề tri thức đã được đề cập trước đó, thì hiệu quả của các chính sách cú hích vẫn bị cản trở bởi những vấn đề vốn đã ăn sâu trong quá trình chính trị của nền dân chủ.

Vấn đề nằm ở chỗ hầu hết các nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế học hành vi đơn giản giả định rằng quá trình chính trị diễn ra suôn sẻ. Trong một bài tổng quan tài liệu về lĩnh vực này, Berggren (2012) phát hiện rằng có đến 95,5% nghiên cứu kinh tế học hành vi ủng hộ các hành động chính sách mang tính gia trưởng mà không thực hiện được bất kỳ phân tích nào về khả năng các nhà hoạch định chính sách thành công trong việc thực hiện các đề xuất của họ. Nói cách khác, phần lớn kinh tế học hành vi rơi vào điều mà nhà kinh tế học Harold Demsetz (1969) gọi là sự "ngụy biện niết bàn", trong đó các lựa chọn thay thế lý tưởng (trong trường hợp này là một chính phủ hoàn hảo) được so sánh với hiện trạng chưa hoàn thiện – và điều này thường được dùng để biện minh cho sự can thiệp của nhà nước. Cách tiếp cận này thường nhiệt tình quá mức trong việc chỉ ra các tác nhân nào trong nền kinh tế thị trường dễ mắc sai lầm trong quá trình ra quyết định, trong khi lại có rất ít những xem xét liệu các tác nhân (và các thể chế) trong lĩnh vực chính trị có gặp phải những sai lầm tương tự hay không. Một phân tích kinh tế chính trị công bằng đòi hỏi phải có sự cân bằng, bằng cách sử dụng phương pháp so sánh giữa các thể chế. Các phản đối dựa trên kinh tế học lựa chọn công đặt ra câu hỏi về cách thức thực hiện các chính sách cú hích chính xác là gì, ai sẽ thực hiện chúng, và liệu có khả năng triển khai thành công trong bối cảnh quá trình chính trị dân chủ vốn đầy hỗn loạn. Ở phần tiếp theo, chúng tôi sẽ xem xét ba phản đối chính từ góc nhìn của kinh tế học lựa chọn công.

Phản bác đầu tiên liên quan đến nguy cơ "dốc trượt" mà việc áp dụng các chính sách cú hích có thể gây ra. Rizzo & Whitman (2009a, trang 705) lập luận rằng có nhiều yếu tố khó lường có thể khiến ngay cả những chính sách cú hích được triển khai tương đối tốt cũng tạo ra sự biện minh ngày càng mạnh mẽ cho chủ nghĩa gia trưởng. Người dân có thể phản ứng với các chính sách cú hích bằng cách điều chỉnh hành vi của mình theo cách làm vô hiệu hóa chính sách đó. Điều này vô hình trung tạo thêm động lực cho các nhà hoạch định kiên định hơn với mục tiêu chính sách của mình. Việc can thiệp ngày càng tăng cũng dễ xảy ra hơn khi liên quan đến các lĩnh vực có tính chất phức tạp, khiến cho việc dự đoán các tương tác trở nên khó khăn. Chẳng hạn, một nhà hoạch định chính sách theo chủ nghĩa gia trưởng hành vi quyết định triển khai chương trình tự động tiết kiệm hưu trí nhằm thúc đẩy tiết kiệm cho tương lai, dựa trên thiên kiến duy trì hiện trạng (Thaler & Benartzi, 2004). Tuy nhiên, sự thành công của chính sách này có thể vô tình kích hoạt các thiên kiến khác, như chiết khấu theo đường hyperbol (ưa thích phần thưởng nhỏ ngay lập tức hơn phần thưởng lớn trong tương lai). Điều này có thể dẫn đến việc người lao động chi tiêu số tiền tiết kiệm tăng thêm vào các khoản tiêu dùng “không lành mạnh”, từ đó làm suy yếu mục tiêu ban đầu của chính sách là tăng cường tiết kiệm hưu trí.

Trong tình huống này, khó có khả năng các nhà hoạch định chính sách sẽ ngồi yên và chấp nhận thất bại một cách miễn cưỡng. Thay vào đó, họ sẽ tìm cách điều chỉnh chính sách gốc để đạt được các mục tiêu công ban đầu. Tuy nhiên, đâu là các cơ chế kiểm soát thể chế có thể kiềm chế các nhà hoạch định chính sách khỏi việc mở rộng các chính sách ban đầu? Các nhà kinh tế học hành vi dường như ít chú ý đến những vấn đề “dốc trượt” này. Không khó để hình dung rằng các nhà hoạch định chính sách có thể nhanh chóng sử dụng những biện pháp cưỡng chế trong tương lai, (chẳng hạn như việc áp đặt hạn chế chi tiêu với lương của người lao động). Điều này như ngụ ý rằng chính phủ đang dần từ bỏ cam kết ban đầu về việc không sử dụng biện pháp cưỡng chế.

Thứ hai, các cơ quan điều tiết chính sách cú hích còn phải đối mặt với rủi ro từ các hành vi tìm kiếm đặc lợi của các doanh nghiệp tư nhân. Các nhà sản xuất chất tạo ngọt nhân tạo có thể ủng hộ việc áp dụng thuế đường, trong khi các công ty dịch vụ tài chính sẽ khuyến khích các chương trình tiết kiệm. Tuy nhiên, những bên bị ảnh hưởng trực tiếp sẽ phản đối các sáng kiến lập pháp này. Khi thuế soda được áp dụng ở Philadelphia, các tập đoàn nước giải khát lớn, bị ảnh hưởng tiêu cực về doanh thu, đã chi hàng triệu đô la để ngăn chặn việc ban hành luật (White, 2019). Các nỗ lực tìm kiếm đặc lợi làm tăng khả năng dẫn đến “chủ nghĩa tư bản chính trị,” nơi mà các nhóm chóp bu chính trị và kinh tế duy trì mối quan hệ tương hỗ để củng cố vị thế của họ, gây tổn hại đến chính lợi ích của người dân (Holcombe, 2018). Thật vậy, một nguyên lý quan trọng trong lý thuyết lựa chọn công là không nên giả định rằng các nhà chính trị sẽ hành động như những nhà từ thiện vì lợi ích tốt nhất của cử tri (Buchanan, 1999). Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách và công chức phải đối mặt với nhiều động cơ chính trị bất lợi, như mua chuộc cử tri trong các kỳ bầu cử hoặc thiên hướng tối đa hóa ngân sách để tạo ra những kết quả hấp dẫn về chính trị nhằm thu hút cử tri.

Nhiều người tin rằng các nhà lãnh đạo và công chức ở Singapore miễn nhiễm với các vấn đề tiêu cực đã nêu. Điều này nhờ vào các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt được thiết lập để trừng phạt hành vi tham nhũng. Hệ thống chính trị của Singapore, do Đảng Hành động Nhân dân (PAP) xây dựng, dựa trên việc chọn lọc những người có đạo đức cao và tuân thủ các tiêu chuẩn về lợi ích công cộng. Do đó, có thể nói rằng các hoạt động tham nhũng chính trị trực tiếp và có hệ thống khó có khả năng xảy ra trong bối cảnh Singapore hiện tại. Tuy nhiên, sẽ là hợp lý khi nói rằng mọi tác nhân chính trị, kể cả ở Singapore, đều ít nhiều bị chi phối bởi lợi ích chính trị cá nhân. Thực tế là đã có nhiều hành động của các lãnh đạo chính phủ Singapore bị chỉ trích là xuất phát từ lợi ích bầu cử hẹp hòi, như việc nâng cấp có chọn lọc các khu nhà ở công cộng trong các kỳ bầu cử. Các lãnh đạo của PAP cũng đã tiến hành các cải cách chính trị mới nhằm tăng cường rào cản đối với sự cạnh tranh bầu cử (Tan, 2011a). Dù điều này thường được biện minh là vì lợi ích công cộng, không thể loại trừ khả năng họ đang tìm kiếm lợi thế bầu cử thông qua các biện pháp này. Điều này có nghĩa là các vấn đề động cơ, dù đã được hạn chế tại Singapore, vẫn luôn là mối quan ngại cần được chú ý.

Dựa trên các vấn đề về tri thức và vấn đề tiêu cực đã được nêu, các chính trị gia theo chủ nghĩa gia trưởng hành vi đối mặt với một câu hỏi hóc búa: ai sẽ giám sát những người giám sát? Nếu các nhà lập pháp cũng bị ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân và những hạn chế về tri thức tương tự như những đối tượng mà họ muốn điều chỉnh, thì chúng ta nên đặt câu hỏi liệu có nên giao cho họ trách nhiệm tạo ra các chính sách cú hích hay không. Trong khi Low thừa nhận rằng mô hình kinh tế học hành vi dễ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan đến lựa chọn công, ông cũng cho rằng chính phủ cần "nhận thức được sự dễ bị tổn thương của mình đối với những thiên kiến và chủ động thực hiện các bước để khắc phục chúng" (Low, 2012, trang 11). Tuy nhiên, đây không phải là một tuyên bố mang tính phân tích hay khoa học; nó chỉ đơn thuần gạt bỏ vấn đề về sự phân tích bất đối xứng mà kinh tế học hành vi đang gặp phải. Rốt cuộc, nói rằng chính phủ nên nhận thức được những thiên kiến của mình để khắc phục chúng không khác gì nói rằng những người tiêu dùng thiếu lý trí trong nền kinh tế thị trường cũng nên làm như vậy. Nếu đúng như vậy, thì trách nhiệm gánh vác của chủ nghĩa gia trưởng nhằm thúc đẩy con người trở nên hoàn toàn vô nghĩa.

Chú thích:

(1) Rizzo (2017a) đã chỉ ra lập luận ngụy biện trong quan điểm này; homo economicus được sử dụng như một công cụ phương pháp luận phục vụ phân tích, chứ không phải là mô tả chính xác về bản chất con người.

(2) Để tìm hiểu thêm về mô hình kinh tế phúc lợi, xem Munger (2018).

(3) Các nhà kinh tế học thuộc trường phái Áo từ lâu đã hoài nghi về việc lạm dụng khái niệm “con người kinh tế” trong các mô hình kinh tế tân cổ điển. Như Ludwig von Mises viết, con người kịnh tế “... không phản ánh chân thực hành vi của con người, mà chỉ là một hình ảnh giả định, tưởng tượng. Theo ông, mô hình này miêu tả một thực thể bị chi phối duy nhất bởi động cơ kinh tế, chỉ theo đuổi lợi nhuận vật chất hay tiền tệ lớn nhất có thể. Tuy nhiên, thực thể này chưa bao giờ tồn tại trong thực tế; nó chỉ là bóng ma của một triết lý suy đoán vô căn cứ. Không ai hành động hoàn toàn vì mục tiêu tối đa hóa sự giàu có; thậm chí có nhiều người hoàn toàn không bị chi phối bởi tham vọng tầm thường này. Do đó, Mises kết luận rằng việc nhắc đến một "con người kinh tế" hão huyền như vậy là vô nghĩa khi thảo luận về cuộc sống và lịch sử” (Mises, 1998, trang 62).

(4) Cùng quan điểm đó, Herbert Simon đã nhấn mạnh rằng mô hình tính hợp lý giới hạn cần phản ánh chính xác cách con người thực sự phán đoán và ra quyết định. Theo ông, mô hình này phải dựa trên những hiểu biết thực tế về khả năng của tâm trí con người, thay vì dựa vào những giả định về các năng lực không có thật (Gigerenzer & Todd, 1999, trang 12).

(5) Thuật ngữ “heuristic” mang hai ý nghĩa; trước đây, nó được hiểu là một công cụ nhận thức mà con người sử dụng để khám phá tri thức mới, nhưng ngày nay, nó thường được liên hệ với những hạn chế về nhận thức (Gigerenzer & Todd, 1999, trang 26–28).

Nguồn: Chương 4 tác phẩm Cheang B. Và Choy D. (2021). Liberalism unveiled : forging a new third way in Singapore. World Scientifc Publishing Co. Pte. Ltd.