[FA. Hayek Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 1: Gia đình (Phần 1)

[FA. Hayek Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 1: Gia đình (Phần 1)

 

PHẦN THỨ NHẤT

CHIẾN TRANH

1899 – 1931

Sự chia cắt sâu sắc của cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ nhất.

Tôi lớn lên trong một cuộc chiến, và đó là sự chia cắt sâu sắc

trong dòng hồi ức lịch sử của tôi. Cái thế giới cho tới năm 1914

hay, chính xác hơn, hai hay ba năm sau khi chiến tranh thực sự

diễn ra, là một thế giới hoàn toàn khác với cái thế giới

tồn tại từ bấy đến nay.

CHƯƠNG I. GIA ĐÌNH

Thành Vienna vào thời điểm Friedrich August von Hayek cất tiếng khóc chào đời ngày 5 tháng 8 năm 1899 là một thế giới đầy hỗn âm. Người dân thành phố mang trong mình những quan điểm khác nhau về tương lai của hầu như mọi thứ. Giống như Hitler, Theodor Herzl nhà sáng lập phong trào chính trị phục quốc Do Thái, cũng xuất thân từ Vienna.

Vienna từng là kinh đô của Đế chế La Mã Thần thánh (Holy Roman Empire) một thời gian dài và sau đấy là Đế chế Áo (Austrian Empire). Năm 1867, nó trở thành kinh đô của Đế chế Áo-Hung (Austro-Hungarian Empire). Vienna là trung tâm văn hoá của thế giới Giécmanh. Đây là trung tâm âm nhạc của toàn thế giới – nơi Beethoven, Mozart, Haydn và Schubert đều từng sinh sống và làm việc.

Phụ thân Hayek, August (được dùng làm tên đệm của Hayek), sinh ra ở Vienna năm 1871. August trở thành bác sỹ làm việc cho sở y tế thành phố, nhưng đam mê thật sự của ông lại là thực vật học. Ông đã viết một số chuyên khảo trong lĩnh vực này. August von Hayek cũng là giảng viên thực vật học bán thời gian tại Đại học Vienna (University of Vienna).

Thân mẫu Hayek, Felicitas (nee) von Juraschek, sinh năm 1875. Mẹ bà xuất thân từ một gia đình địa chủ bảo thủ và giàu có. Khi mẹ Felicitas tạ thế một vài năm trước khi Friedrich chào đời, Felicitas được thừa hưởng một gia tài đáng kể chiếm tới phân nửa thu nhập của bà và August những năm đầu hôn nhân của họ. Hayek là con trưởng trong ba người con trai. Heinrich và Eric ra đời sau ông lần lượt một năm rưỡi và năm năm.

Nhân một dịp bàn về cha mình và ảnh hưởng của ông tới sự nghiệp, Hayek nói, “tôi cho rằng nếu không có sự ngưỡng vọng dành cho những công trình trí tuệ thì con đường phát triển của tôi có thể đã thay đổi. Quyết tâm trở thành học giả của tôi chắc chắn đã chịu tác động từ tham vọng trở thành giáo sư đại học không được thoả mãn của cha tôi. Dẫu cha tôi không mấy khi bộc lộ tâm tư, nhưng tôi rất ý thức được rằng trong con người ông tham vọng lớn lao cả cuộc đời là trở thành một giáo sư đại học. Vì vậy, tôi lớn lên với ý tưởng là không gì trong đời cao cả hơn việc trở thành giáo sư đại học, dù còn chưa hình dung rõ ràng về chuyên ngành mà mình muốn theo đuổi.”1

Bên cạnh những đeo đuổi học thuật của cha mình thì hai người ông của Hayek – sống lâu đủ để Hayek biết – cũng đều là học giả. Franz von Juraschek từng là nhà kinh tế học hàng đầu ở Áo và là bạn thân của Eugen von Böhm-Bawerk, một trong ba nhà sáng lập trường phái kinh tế học Áo tiếng tăm (hai người khác là Carl Menger và Friedrich von Wieser, Juraschek cũng biết người thứ ba này). Von Juraschek là nhà thống kê và sau đấy làm việc cho chính phủ Áo. Ông trở nên giàu có nhờ được thừa hưởng từ người vợ đầu của mình (mẹ Felicitas).

Ông nội Hayek, Gustav Edler von Hayek, giảng dạy khoa học tự nhiên tại trường Hoàng gia Realobergymnasium (Cấp 2) ở Vienna suốt ba mươi năm. Ông từng viết những công trình có hệ thống về sinh học, và một số cuốn trở nên tương đối nổi tiếng. Một chuyên khảo của ông ở thư viện Đại học Vienna có tiêu đề (bằng tiếng Đức) Nghiên cứu lòng đại dương trên tàu chiến Anh “Con nhím” 1869 (A Deep Sea Investigation on Board the British Warship “Porcupine” 1869); các công trình khác khác gồm có Trích yếu địa lý thành Vienna (Compendium of the Geography of Vienna) và Sách Atlas quyền năng y dược của thực vật (Atlas of Medical and Pharmaceutical Plant Powers).

Thế giới Giécmanh vào thời điểm chuyển giao thế kỷ 20 khác biệt với thế giới hiện nay trên nhiều phương diện khác nhau. Dẫn chứng về những đổi thay công nghệ diễn ra suốt cuộc đời mình, Hayek mô tả một cảnh tượng trong thời trai trẻ của ông, trước kỷ nguyên ô tô, khi ông chứng kiến con ngựa của người lính cứu hoả “đứng trong chuồng sẵn sàng chờ đóng yên cương với mọi thứ khác đã được treo quanh xe; vì thế chỉ cần đòi hỏi hai hay ba cái bấm nút và con ngựa kia không còn phải ra ngoài nữa.”

Sự khác biệt của thế giới Giécmanh vào thời điểm chuyển giao thế kỷ 20 so với cái thế giới vừa mới bước sang thế kỷ 21 này vượt lên trên tính chất công nghệ. Thế giới Giécmanh của năm 1899 hoàn toàn mang tính thiên kiến và chủ nghĩa bài Do Thái thì tràn lan, đặc biệt là ở Vienna. Hayek không chia sẻ quan điểm bài Do Thái của nhiều, có lẽ là phần lớn, những người theo Cơ đốc giáo cùng thời với ông.

Thành Vienna trước Thế chiến I là nơi vừa được ca tụng vừa bị lên án. Với một số người thì đây là thiên đường trí tuệ lấp lánh, nơi có một số những bộ óc vĩ đại nhất từng sống. Với số khác, nó là thành phố giả tạo, nơi sự hời hợt lấn át thực chất. Các sử gia của Vienna là Allan Janik và Stephen Toulmin, tiếp theo tác gia Robert Musil, đã gọi xã hội Áo là “Kakania,” cái tên mang “hai lớp ý nghĩa khác nhau. Bề ngoài thì nó là một từ đồng âm với những chữ cái K.K hay K.u.K tượng trưng cho ‘Đế chế - Hoàng gia’ hay ‘Đế chế và Hoàng gia.’ Nhưng với bất kỳ ai thân quen với ngôn ngữ bảo mẫu Đức thì cũng biết nó còn có nghĩa thứ hai là ‘chất bài tiết.’”3

Chính Musil viết: “Tóm lại, biết bao điều khác thường có thể được nói về cái Kakania đã biến mất kia! Trên giấy tờ, nó tự gọi mình là Triều đình Áo-Hung; nhưng qua lời nói thì nó lại được nhắc tới với danh nghĩa nước ‘Áo’ – nghĩa là, người ta biết đến cái chính thể này dưới cái tên mà, với tư cách một nhà nước, nó từng long trọng tuyên thệ từ bỏ. Dù theo hiến pháp thì nó mang tính tự do, nhưng hệ thống chính phủ vẫn chịu ảnh hưởng của giới tăng lữ. Trước pháp luật mọi công dân đều bình đẳng, nhưng cố nhiên không phải mọi người đều là công dân. Một nghị viện sử dụng cái quyền tự do của mình năng nổ tới mức thường xuyên bị đóng cửa; tuy thế lại có một đạo luật quyền lực khẩn cấp theo đó người ta có thể không cần tới nghị viện và cứ mỗi khi mọi người đang chuẩn bị hoan hỉ với chế độ chuyên chế thì Hoàng đế lại ra dụ rằng phải quay về với chính phủ nghị viện thêm lần nữa.”4

Hilde Spiel, tác gia xuất thân từ Vienna, gọi quãng thời gian giữa năm 1898 và Thế chiến I là những năm “kỳ diệu” ở Vienna, khi “một mùa vàng tài năng như bỗng nở rộ – đặc biệt ở lĩnh vực văn chương và triết học.” Sau thời điểm người Áo bị đánh bại trong cuộc chiến tranh Áo-Phổ năm 1866 là những thập niên tương đối vắng bóng chiến tranh và đổ máu. Thời gian này thành Vienna phồn thịnh và tầng lớp trung lưu mở rộng.

Vienna là một trong những thành phố lớn nhất thế giới vào năm 1900. Lịch sử của nó có hai thời kỳ riêng biệt đôi khi được gọi là các kỷ nguyên vàng. Đầu tiên là kỷ nguyên vàng âm nhạc vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Thứ hai là những thập niên trước và sau Thế chiến I.

Friedrich – hay “Fritz,” như mẹ ông và phần lớn bạn bè gọi ông suốt cuộc đời (ông không thích cách gọi này) – đã bộc lộ thiên hướng trí tuệ và học thuật khó tin ngay từ lúc còn rất trẻ. Trong những ghi chép tự truyện chưa công bố, Hayek kể lại là ông đã đọc trôi chảy và thường xuyên trước khi tới trường.

Hayek từng sống qua bốn căn hộ khi lớn lên nhờ việc cha ông phục vụ cho những cộng đồng dân cư khác nhau với vai trò quan chức y tế của sở y tế thành phố. Qua những ghi chép tự truyện chưa công bố, ông hồi tưởng về sự ngăn cách trong phạm vi gia đình giữa ông và các em ông. Tuy chỉ ít hơn ông vài ba tuổi, nhưng ông tin rằng, chẳng hiểu sao, chúng như thuộc một thế hệ khác với mình. Hayek ưa kết giao với những người trưởng thành hơn.

Sau khi nhận Giải Nobel Kinh tế năm 1974, ông viết một tiểu luận bán tự truyện nhan đề “Hai loại trí tuệ” (Two Types of Mind), trong đó ông nhận xét rằng bằng “ngôn ngữ riêng” của mình ông mô tả “loại trí tuệ chuẩn mực và được thừa nhận mà các nhà khoa học có là loại trí tuệ ghi nhớ. Đó là loại trí tuệ có thể lưu lại những điều cụ thể mà một người đọc được hay nghe thấy, thường là những từ ngữ đặc thù thể hiện một ý tưởng. Đây là loại trí tuệ “uyên bác.” Tương phản với loại trí tuệ trên, Hayek là “một ví dụ hơi mang tính thái cực của loại trí tuệ khác với lệ thường hơn.” Đó là loại “trí tuệ gỡ rối,” “những khó khăn thường gặp” của loại trí tuệ này, “mà trong một số trường hợp hiếm hoi có thể được tưởng thưởng bằng một sự thấu đạt tri thức, xuất phát từ thực tế là chúng không thể tự làm sáng tỏ chúng bằng việc vận dụng những công thức ngôn từ hay luận cứ đã được thiết lập, vốn dẫn những người khác đến với kết quả một cách trôi chảy và nhanh chóng. Những người có trí tuệ làm việc theo cách này dường như trông cậy ở mức độ nhất định vào quá trình tư duy không lời. Đối với họ việc ‘nhìn thấy’ được những mối liên hệ một cách rõ nét không có nghĩa là họ biết cách diễn tả chúng bằng lời.”6

Chủ đề tri thức “hiện” đối lập với “ẩn” – hay sự khác nhau giữa “biết gì” và “biết làm thế nào,” hay giữa tri thức biểu đạt bằng lời và tri thức trực giác – là nội dung được ông phát triển sau này. Nó đóng vai trò then chốt trong quan niệm của ông về trật tự tự phát (spontaneous order). Loại trí tuệ “uyên bác” chứa đựng tri thức biểu đạt bằng lời; loại trí tuệ “gỡ rối” chứa đựng tri thức trực giác. Tri thức không phải, hay có thể ngay từ đầu không phải, có tính biểu đạt ngôn từ. Việc giả định rằng mọi tri thức sớm hay muộn đều có thể được diễn tả bằng lời là sai lầm. Tri thức vẫn có thể tồn tại cho dù ngôn từ diễn tả nó chưa được khám phá. Một trong những sai lầm của chủ nghĩa xã hội cổ điển là dựa quá nhiều vào tri thức biểu đạt bằng ngôn từ.

Có thể liên tưởng ở chừng mực nào đấy quan niệm của Hayek về bản thân khi ông miêu tả thầy giáo von Wieser của mình ở Đại học Vienna như là người có “loại trí tuệ gỡ rối trên nhiều khía cạnh,” và nhắc lại miêu tả của Joseph Schumpetervề Wieser. “Đồng nghiệp khi bước vào thế giới tri thức của Wieser ngay lập tức thấy mình đang ở trong một bầu không khí mới. Điều này giống như thể một người bước vào ngôi nhà mà ở đó không có chỗ nào giống với những ngôi nhà trong thời đại chúng ta, lối bài trí và nội thất của nó thì lạ lẫm và không thể hiểu ngay được. Hiếm có một tác gia nào đó lại ít chịu ảnh hưởng từ các tác gia khác như Wieser, về cơ bản là không một ai ngoại trừ Menger và với ông này cũng chỉ là một gợi ý – hệ quả là trong một thời gian dài nhiều nhà kinh tế học đồng nghiệp không biết phải làm gì với công trình của Wieser. Trong cái cơ cấu khái niệm của Wieser, mọi thứ đều thuộc sở hữu trí tuệ của ông, thậm chí cả ở chỗ những gì ông nói đã từng được người khác nói tới.”7

Hayek từng mô tả tính chất của nền văn hoá Giécmanh mà ông được nuôi dưỡng trong đó. Trong tác phẩm Con đường tới nô lệ (The Road to Serfdom) (mặc dù ông chỉ ra sự khác biệt giữa người Đức và người Áo), ông viết, “ít ai phủ nhận rằng người Đức nhìn chung là cần cù và kỷ luật, thấu đáo và giàu nghị lực đến độ vô cảm, đầy lương tâm trách nhiệm và chuyên tâm trong bất kỳ công việc nào mà họ đảm nhận; họ mang trong mình ý thức rõ rệt về trật tự, nghĩa vụ và sự tuân thủ nghiêm ngặt trước quyền uy; họ thường thể hiện sự sẵn sàng hi sinh cá nhân và lòng quả cảm trước nguy hiểm thân thể. Tuy thế, dường như họ lại thiếu những phẩm chất nhỏ bé nhưng rất quan trọng, thúc đẩy quan hệ giữa người với người trong xã hội tự do: lòng tốt bụng và cảm quan hài hước, tính khiêm tốn, và sự tôn trọng tính chất riêng tư cùng với sự tin tưởng vào dụng ý tốt bụng của láng giềng.”8

Ông viết những dòng bình luận này về người anh em họ xa của mình, triết gia Ludwig Wittgenstein, qua đó làm sáng tỏ hơn về cái xã hội mà ông lớn lên và trưởng thành. “Điều gây ấn tượng nhất với tôi,” Hayek thuật lại, “là lòng đam mê triệt để tính chân thật trong mọi thứ (sau này tôi được biết đây là một thứ thời thượng đặc trưng trong giới trí thức trẻ của Vienna thuộc thế hệ ngay trước mình). Tính chân thật ấy gần như trở thành một thứ thời trang trong nhóm trí thức tiếp giao nằm giữa những bộ phận của cái giới trí thức mà tôi đã tiến rất gần đến chỗ gia nhập. Tính chân thật này không chỉ dừng lại qua lời ăn tiếng nói. Người ta còn phải ‘sống’ với sự thật và không tha thứ cho bất kỳ sự vờ vĩnh nào dù là của chính mình hay của người khác. Điều này đôi khi khiến người ta thô lỗ ra mặt, và chắc chắn, thái độ khó chịu. Mọi quy ước xã hội đều được mổ xẻ và mọi nghi thức quen thuộc đều được phơi bày như là trò bịp bợm.”9

Trên phương diện cá nhân cũng như chính trị, Hayek là một nhà cá nhân chủ nghĩa triệt để. Trong một bài thuyết trình năm 1945, ông phát biểu, “xét ý nghĩa duy lý của thuật ngữ, về thái độ nhất quyết của người Đức đối với sự phát triển những cá tính ‘độc đáo’ – mà trên mọi phương diện là kết quả của sự lựa chọn có ý thức của cá nhân, thì truyền thống trí tuệ Đức thực sự ưu ái một thứ ‘chủ nghĩa cá nhân’ ít được biết tới ở nơi khác. Tôi nhớ rất rõ mình từng sửng sốt và bị sốc như thế nào khi còn là một sinh viên trẻ tuổi, trong lần đầu tiên giao tiếp với người Anh và người Mỹ cùng thời, tôi đã khám phá ra là họ có khuynh hướng thích ứng đại chúng ở mọi hoàn cảnh thay vì, như tôi cho là tự nhiên, kiêu hãnh với tính khác biệt và độc đáo trên phần lớn các mặt.”10

Chú thích:

(1)Theodor Herzl (1860-1904): Người Hungary gốc Do Thái, nhà sáng lập phong trào phục quốc Do Thái. (N.D.

(2)(Natural Value) (1889) và Kinh tế học xã hội (Social Economics) (1914). (N.D.)

(3)Joseph Aloise Schumpeter (1883-1950): Nhà kinh tế học, sinh ra ở Trest (bấy giờ thuộc Đế chế Áo-Hung, nay thuộc Cộng hoà Séc), giáo sư kinh tế tại Đại học Graz (1911-1918), Đại học Bonn (1925-1932), Harvard (1932-1950). Giai đoạn 1919-1920 là bộ trưởng tài chính của Áo, 1920-1924 là chủ tịch ngân hàng tư nhân Biederman Bank. (N.D.)

(4)Wittgenstein, Ludwig Josef Johann (1889-1951): Triết gia người Anh gốc Áo, một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20, đặc biệt với đóng góp của ông vào trào lưu mang tên triết luận phân tích và ngôn ngữ (analytic and linguistic philosophy). (N.D.)

Hiệu đính:
Lê Anh Hùng
Biên tập:
Đinh Tuấn Minh

Bài viết liên quan

Tác giả liên quan