Chính sách tự do lựa chọn trường là hướng đi khả dĩ nhất

Chính sách tự do lựa chọn trường là hướng đi khả dĩ nhất

Tags: Giáo dục

Sau nhiều năm đấu tranh đòi thay đổi trong hệ thống giáo dục Mỹ, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đang trở thành chất xúc tác nhằm cải thiện hệ thống này. Sự phân hóa trong nền giáo dục Mỹ - đặc biệt là ở các lớp trong hệ thống K-12 (từ tiểu học đến trung học) - hiện đang thể hiện rất rõ ràng và người nào cũng có thể thấy. Chênh lệch về chất lượng và khả năng tiếp cận giáo dục là nguyên nhân chính dẫn đến bất bình đẳng về kinh tế, xã hội và chủng tộc - hiện đang gây ra rất nhiều bất ổn xã hội, từ Austin, Oakland đến Portland và Seattle. Dù đến từ các khu vực nội thành nghèo khó hay các vùng ngoại ô, những người Mỹ ít học nhất là nhóm người bị đại dịch và ảnh hưởng về kinh tế của nó tác động nặng nề nhất.

May là, nhà kinh tế học Thomas Sowell (đồng nghiệp của tôi ở Viện Hoover) đã đưa ra một giải pháp. Trong cuốn sách mới của mình, Charter Schools and Their Enemies [Trường đặc cách và kẻ thù của họ], ông chỉ ra rằng các trường với nhiều quyền tự chủ và linh hoạt hơn so với các trường công truyền thống đang thu hẹp khoảng cách giáo dục, cung cấp sự lựa chọn, cơ hội và cạnh tranh mà xã hội đang rất cần.

Sowell đã phân tích kỹ lưỡng các dữ liệu được thu thập từ trước khi đại dịch xảy ra và kết quả cho thấy học sinh trong các trường đặc cách do nhà nước tài trợ nhưng do tư nhân quản lý, ví dụ, Học viện Thành Công (Success Academy) ở New York, đạt điểm cao hơn so với học sinh ở các trường công truyền thống trong các bài kiểm tra thành tích đã được chuẩn hóa. Cuốn sách cung cấp rất nhiều bằng chứng thuyết phục, tất cả đều được giải thích và trình bày rõ ràng trong hơn 90 trang bảng biểu.

Sowell theo dõi nhiều yếu tố, trong đó có cả vị trí trường học: kết quả cùng một bài kiểm tra của học sinh tại các trường đặc cách tốt hơn hẳn so với học sinh các trường công lập truyền thống trong cùng tòa nhà. Ông cũng bổ sung số liệu bằng minh chứng đơn giản, ví dụ như danh sách dài các học sinh chờ để được vào các trường đặc cách tốt hơn. Nhưng nếu các trường đặc cách hoạt động tốt như vậy, thì chúng ta giải thích thế nào về những kẻ thù được đề cập trong tiêu đề cuốn sách? Những người phê phán trường đặc cách đưa ra nhiều lý do, nhưng lý do chính, Sowell than thở, là các trường công lập đơn giản là không muốn cạnh tranh.

Rốt cuộc, cuộc khủng hoảng COVID-19 có thay đổi được mọi thứ không? Đã có những dấu hiệu tích cực cho thấy là có thể. Tháng trước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ, Betsy DeVos đã công bố một quỹ học bổng mới trong 5 năm, trị giá 85 triệu đô la, nhằm giúp các học sinh từ các gia đình có thu nhập thấp hơn ở Washington, DC, được học tại các trường học mà họ lựa chọn. Đây là một phần trong Chương trình Học bổng Cơ hội của Bộ, là sáng kiến ​​chọn trường duy nhất được liên bang tài trợ ở Mỹ. Thu nhập trung bình hàng năm của các gia đình trong chương trình là dưới 27.000 USD, và hơn 90% học sinh trong đó là người Mỹ gốc Phi hoặc gốc Tây Ban Nha/Mỹ Latinh.

Một dấu hiệu đầy hứa hẹn khác, mới đây Thượng nghị sĩ Tim Scott, bang South Carolina và Lamar Alexander, bang Tennessee, đã đưa ra một dự luật hướng một số quỹ cứu trợ giáo dục trong Đạo luật Hỗ trợ, Cứu trợ và An ninh Kinh tế (CARES) của Mỹ năm nay cho các chương trình lựa chọn trường học. Số tiền đó sẽ tạo điều kiện cho các gia đình có thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi đại dịch có thể gửi con cái của họ đến các trường học khác mà họ muốn. Ngoài ra, dự luật sẽ hướng 10% quỹ giáo dục của Đạo luật CARES vào học bổng để trả học phí cho các trường tư hoặc bồi hoàn cho chi phí học tại nhà.

Nhưng đáng nói nhất là thực tế nhiều gia đình và cá nhân đang tự đưa ra hướng giải quyết của riêng mình. Hãy xem sự bùng nổ của “nhóm học tập (learning pod) trong đại dịch”, trong đó các bậc cha mẹ tập hợp lại để tìm giáo viên và thành lập một lớp học cho trẻ em trong cùng một khu vực. Nhóm học tập là giải pháp tự phát của người dân khi trường học ở nhiều học khu ở California và những nơi khác phải đóng cửa. Khi trường học bị đóng cửa, ngay lập tức cha mẹ sẽ tìm kiếm các giải pháp thay thế, đặc biệt khi họ lo ngại về khả năng học từ xa của con mình.

Tất nhiên cũng có những người phản đối các nhóm học tập này, họ cho rằng phương pháp này không công bằng, có hại đối với các trường học truyền thống hoặc chỉ dành cho những người có đủ khả năng thuê giáo viên. Nhưng tất cả chỉ càng làm tăng thêm lý do để tạo ra các trường chất lượng cao, hiệu quả và được nhiều người tiếp cận hơn. Bác bỏ các ý tưởng mới không phải là câu trả lời.

Giáo dục trong thời đại dịch đang đặt nhiều gánh nặng cho nhà nước. Trong tháng 6/2020, như một phần của ngân sách mới của tiểu bang, các nhà lập pháp California đã thông qua Dự luật 98 của Thượng viện, trong đó giới hạn khoản tài trợ cho mỗi học sinh tiểu bang ở các trường đặc cách và trường công bằng mức tài trợ năm ngoái. Mục đích là hạn chế việc ghi danh vào các trường đặc cách vào thời điểm mà nhu cầu về các lựa chọn thay thế cho các trường công lập truyền thống đang tăng cao. Tuy nhiên, khi các trường công lập đóng cửa và chuyển sang dạy học từ xa, học sinh thuộc các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn sẽ là nạn nhân thiệt thòi nhất.

Ở California, đã có ít nhất 13.000 học sinh đang chờ đăng ký vào các trường đặc cách. Tuy nhiên, theo Dự luật 98, Thượng nghị sĩ bang Melissa Melendez cho rằng, “Thật không công bằng với cha mẹ và học sinh khi học sinh phải học ở một trường học có chất lượng thấp và không thể thay đổi được”.

Trong cuốn sách của mình, Sowell chỉ ra rằng, “Những người muốn một có nền giáo dục chất lượng sẵn sàng phục vụ cho các khu dân cư thiểu số có thu nhập thấp phải luôn tự vấn rằng, khi đề xuất các chính sách và thực tiễn khác nhau: 'Nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc giáo dục trẻ em? '”

Nếu tất cả chúng ta đều tập trung vào câu hỏi đó, thì tác động lâu dài của đại dịch đối với giáo dục có thể mang lại nhiều lợi ích.

 

*John B. Taylor, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ (2001-05), Giáo sư Kinh tế tại Đại học Stanford và là thành viên cấp cao tại Học viện Hoover. Ông là tác giả cuốn Global Financial Worriors [Những chiến binh tài chính toàn cầu] và là đồng tác giả (cùng với George P. Shultz) của Choose Economic Freedom [Lựa chọn tự do kinh tế].

Nguồn: John B. Taylor, School Choice Is the Only Option, Project Syndicate, 3/8/2020