Nhập siêu: đâu là nguyên nhân đáng ngại?

Nhập siêu: đâu là nguyên nhân đáng ngại?

[SGTT, 09/02/2010] Nhập siêu của Việt Nam tháng 01/2010 là 1,3 tỷ USD. Đây là một mức nhập siêu cao, tương đương 26,5% kim ngạch suất khẩu hàng hóa, lớn hơn hạn mức 20% mà chính phủ đề ra. Nhưng đây không phải là hiện tượng đột biến. Việt Nam đã liên tục nhập siêu từ đầu thập niên 1990 tới nay và giá trị nhập siêu của Việt Nam đã tăng lên rất nhanh sau sau khi gia nhập WTO năm 2006 (xem Hình 1).

Nhập siêu lớn và liên tục như vậy tất nhiên là một điều không tốt cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Đâu là nguyên nhân gây ra hiện tượng này? Và đâu là nguyên nhân đáng ngại?

Hình 1: Cân cân thương mại của Việt Nam theo các khu vực kinh tế, 1995-2008 (triệu USD)

Nguồn: Tổng cục thống kê, 2009.

Nhập siêu do mở cửa nền kinh tế

Về mặt lý thuyết, khi các nền kinh tế được tự do thông thương với nhau, các doanh nghiệp của nền kinh tế này có thể mua được các yếu tố đầu vào với chi phí thấp hơn từ một số nền kinh tế khác so với trước khi thông thương. Đồng thời các doanh nghiệp của nền kinh tế này cũng có thể bán được sản phẩm sang một số nền kinh tế khác (không nhất thiết là các nền kinh tế mà nó nhập khẩu) với mức giá  đủ để thu được một mức lợi nhuận chấp nhận được.

Kể từ năm 1995 trở lại đây, đặc biệt là sau khi gia nhập WTO, Việt Nam chủ yếu nhập siêu từ các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc, nhưng lại xuất siêu sang Mỹ và Châu Âu (Hình 1). Việt Nam nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng tư liệu sản xuất (máy móc thiết bị và nguyên, nhiên vật liệu), khoảng trên dưới 90% tổng giá trị nhập khẩu, trong khi xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô, sản phẩm nông nghiệp, và hàng dệt may. Các số liệu thống kê những năm gần đây đều cho thấy, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và ASEAN các mặt hàng chính như giấy, clinker, sắt thép, phân bón, và gỗ (>80% tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng này),  hàng may mặc (> 70%), và máy móc thiết bị ((khoảng 40%).

Nhập siêu hàng tư liệu sản xuất từ các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc  không phải là một lựa chọn tồi của các doanh nghiệp Việt Nam. Với các hàng hóa nguyên vật liệu, do tính chuẩn hóa của chúng, nhập khẩu từ các nước trong khu vực giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận chuyển. Với các mặt hàng máy móc thiết bị, do trình độ tay nghề của nhân công Việt Nam còn kém, cộng với yêu cầu về chất lượng sản phẩm của thị trường trong nước chưa cao, việc lựa chọn các công nghệ lạc hậu hơn, thậm chí đã sử dụng, với chi phí thấp hơn rất nhiều so với công nghệ tiên tiến ở các nước Âu-Mỹ, sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tạo ra được sản phẩm với giá thành thấp. Đây rõ ràng là một lợi thế địa lý của Việt Nam so với các nước khác, như ở châu Phi hoặc Đông Âu, vốn nằm cách xa các nước công nghiệp mới thuộc ASEAN và Đông Á. Với giá thành thấp, hàng hóa chế biến của Việt Nam có thể xuất khẩu và cạnh tranh được với các hàng hóa ở các nước trên khắp các châu lục ở thị trường các nước phát triển như châu Âu và Mỹ. Hình 1 cho thấy xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ và châu Âu đã tăng liên tục trong những năm gần đây.

Nhập siêu hàng tư liệu sản xuất với giá thành thấp từ các nước trong khu vực là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài (FDI). Một mặt, khu vực FDI có thể nhập khẩu trực tiếp các mặt hàng với giá cả phải chăng từ trong khu vực. Điều này thể hiện qua việc nhập khẩu từ khu vực FDI chiếm tới  36% năm 2009. Mặt khác, nhờ hàng tư liệu sản xuất có giá thành rẻ, các doanh nghiệp trong nước có thể cung cấp được cho các doanh nghiệp FDI các chi phí đầu vào như điện, xi măng, sắt thép, các mặt hàng tiêu dùng v.v. với mức giá thấp hơn so với các nơi khác trên thế giới. Hình 2 cho thấy mối tương quan giữa FDI (đăng ký và thực hiện) vào Việt Nam và nhập siêu từ riêng Trung Quốc và Trung Quốc + ASEAN.

Hình 2: Diến biến Nhập siêu từ Trung Quốc và ASEAN và đầu tư nước ngoài của Việt Nam, 1995-2008 (triệu USD)

Chú thích: (*) Bao gồm cả vốn tăng thêm của các dự án đã được cấp giấy phép từ các năm trước.

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Tổng cục thống kê, 2009.

Tất nhiên, Việt Nam cũng có thể giảm được mức độ nhập siêu từ các nước trong khu vực nếu như các doanh nghiệp Việt Nam chịu khó tiếp cận các thị trường này hơn nữa. Trong khi hàng hóa của Việt Nam có thể cạnh tranh được với hàng hóa của các nước trong khu vực trên thị trường Mỹ và châu Âu thì lại kém cạnh tranh với hàng hóa của chính các nước này ngay trên thị trường khu vực và thậm chí tại Việt Nam. Mặc dù giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN tăng khá nhanh nhưng tỷ trọng xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang ASEAN (trừ gạo) vẫn ở mức dưới 20% tổng giá trị xuất khẩu của các mặt hàng này. Thị trường khu vực hiển nhiên dễ tính hơn so với thị trường của các nước đã phát triển. Chi phí vận chuyển, giao dịch rõ ràng rẻ hơn. Trên một số phương diện khác, thị hiếu của người dân các nước này cũng khá gần với thị hiếu của người Việt Nam. Nếu trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam nhận ra điều này và điều chỉnh các chiến lược xuất khẩu sang khu vực ASEAN và Trung Quốc, chúng ta hy vọng tình hình nhập siêu từ khu vực ASEAN và Trung Quốc sẽ giảm bớt.

Như vậy, nhập siêu từ một khu vực kinh tế cụ thể nào đó do mở cửa kinh tế với thế giới bên ngoài không phải là một điều xấu. Nó là một hiện tượng bình thường của nền kinh tế thị trường và về cơ bản giúp cho nền kinh tế phát triển tốt hơn. Nó là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất của mình theo chuẩn mực quốc tế.

Nhập siêu do chính sách tỷ giá

Việc cán cân thương mại của Việt Nam bị thâm hụt ngày càng lớn sau khi gia nhập WTO, đe dọa mất cân đối cán cân thanh toán tổng thể, xuất phát từ những nguyên nhân khác, trong đó quan trọng nhất là nguyên nhân tỷ giá.

Trong cơ chế tỷ giá thả nổi, một mặt tỷ giá phụ thuộc vào cán cân thương mại trước đó (và các dòng ngoại tệ khác như vốn đầu tư nước ngoài, các khoản vay và viện trợ nước ngoài, kiều hối, du lịch, các khoản đầu tư/chuyển ra nước ngoài, và sự thay đổi quĩ dự trữ ngoại hối quốc gia) nhưng mặt khác bản thân tỷ giá lại là yếu tố điều chỉnh cán cân thương mại trong tương lai trở về trạng thái cân bằng trong mối quan hệ tổng thể với các dòng vốn khác. Giả sử ở một thời điểm nào đó, nhu cầu nhập khẩu tăng cao khiến nhu cầu ngoại tệ trong nước tăng lên tương ứng. Nếu tỷ giá được thả nổi, giá ngoại tệ sẽ tăng một cách tương đối so với giá bản tệ. Sự tăng giá ngoại tệ khiến cho nhập khẩu trở nên đắt đỏ, đồng thời xuất khẩu lại được lợi. Nhờ cơ chế này khiến cho nhu cầu nhập khẩu giảm, xuất khẩu được lợi dẫn đến cung ngoại tệ sẽ tăng. Kết quả là không những nhập siêu giảm mà giá ngoại tệ cũng giảm trở lại. Cả cán cân thương mại và tỷ giá trở về trạng thái cân bằng.

Lấy Thái Lan làm ví dụ (Hình 3). Đầu năm 2005, nền kinh tế Thái Lan nhập siêu lớn. Nhờ cơ chế tỷ giá thả nổi nên đồng Baht tự động bị mất giá, giúp cho nhập siêu giảm. Nhìn trên đồ thị ta có thể thấy gần như bất cứ khi nào xu hướng nhập siêu tăng thì đồng Baht sẽ có xu hướng mất giá và ngược lại. Xét trong một giai đoạn dài, chẳng hạn năm 2006- 2007, khi Thái Lan có xu hướng xuất siêu lớn, giá trị đồng Baht đã tăng rất nhanh. Ngược lại năm 2008, khi nền kinh tế Thái Lan có xu hướng nhập siêu, đồng Baht mất giá trở lại. Chính nhờ cơ chế tỷ giá thả nổi như vậy nên cán cân thương mại hàng tháng của Thái Lan luôn dao động trong trạng thái khá cân bằng trong biên độ +/- 2 tỷ USD.  

Hình 3: Biến động tỷ giá và cán cân thương mại của Thái Lan, T1/2005  - T12/2009

Nguồn: Ngân hàng Thái Lan ((http://www.bot.or.th/)

Cơ chế tỷ giá của Việt Nam rất tiếc đã không đảm nhiệm được chức năng điều hòa cán cân thương mại. Do tỷ giá chính thức về cơ bản là tỷ giá cố định nên bất kể trong hầu hết quãng thời gian các năm 2006, 2007 và 2009 tốc độ nhập siêu ngay càng tăng mạnh nhưng tỷ giá thì hầu như không thay đổi; ngược lại, trong giai đoạn nửa cuối 2008, bất chấp tốc độ nhập siêu giảm dần, VND lại vẫn mất giá rất nhanh (Hình 4). Có thể nói, tỷ giá chính thức mà chính phủ áp đặt cho nền kinh tế là một thứ tỷ giá hoàn toàn thụ động. Nó làm cho các chủ thể kinh tế “tê liệt cảm giác” về giá trị tương đối của hàng hóa trong nước và ngoài nước cũng như giá trị tương đối của ngoại tệ và bản tệ. Nó chính là thủ phạm chính gây ra tình trạng nhập siêu ngày càng nghiêm trọng của Việt Nam.

Hình 4: Biến động tỷ giá và cán cân thương mại Việt Nam, T1/2006 – T12/2009

Nguồn: 

  • tỷ giá VND/USD là tỷ giá trung bình tháng do các ngân hàng thương mại niêm yết (www.finance.yahoo.com)
  • Cán cân thương mại là số liệu ước tính lấy từ bản tin hàng tháng của Tổng cục thống kê.

Kết luận

Trong một nền kinh tế mở, nhập siêu từ một khu vực kinh tế nào đó là chuyện bình thường; ngay cả nhập siêu tổng thể cũng chưa hẳn là điều đáng ngại. Sự tập trung của dư luận vào những con số nhập siêu cũng như đối tác nhập siêu có thể hiến khiến cho giới làm chính sách hướng vào những chính sách sai lầm như xây dựng thêm các hàng rào bảo hộ thương mại thay vì tập trung vào giải quyết nguyên nhân đích thực. Ở Việt Nam, cơ chế tỷ giá cứng nhắc, thay đổi giật cục, khiến cho các chủ thể kinh tế mất khả năng cảm giác về giá trị tương đối của hàng hóa trong nước và ngoài nước. Nó là tác nhân chính gây ra hiện tượng nhập siêu dai dẳng và ngày một lớn như hiện nay.

Nguồn: SGTT, 09/02/2010.

Link khác: https://vietstock.vn/2010/02/nhap-sieu-dau-la-nguyen-nhan-chinh-768-144503.htm