[Nền kinh tế tự do] Chương 6: Luật lệ của thị trường

[Nền kinh tế tự do] Chương 6: Luật lệ của thị trường

TRUNG THỰC LÀ CHÍNH SÁCH TỐT NHẤT

Để có tiền trang trải cho quá trình làm luận án tiến sĩ ở Đại học St Andrew (University of St Andrew), tôi đã phục chế và bán sách cũng như bản đồ cổ về Scotland. Một trong những khách hàng tốt nhất của tôi là ông Wildman, chủ một cửa hàng đồ cổ ở phố Edinburgh’s Hanover. Ông thích những bức tranh phong cảnh khu vực giá rất phải chăng của tôi vì chúng sẽ lôi kéo được người qua đường ghé thăm cửa hàng, và ông hy vọng rằng họ sẽ để ý tới một trong những món đồ gỗ cổ đắt giá của ông.

Một lần tôi mang tới bức tranh vẽ Edinburgh lồng khung khá to, dán trên khung bằng keo, tôi biết rằng bức tranh này phải được vẽ cách đây mấy trăm năm. Nhưng nó sạch và chắc như thể mới được in ngày hôm qua. Ông Wildman dường như nghi ngờ. “Trông tốt đến mức khó tin”, ông nói, tỏ ý không muốn mua. Nhưng tôi thực sự không muốn vác cái bức tranh vừa nặng vừa xấu này về nhà. Tôi không thể chứng minh, nhưng tôi đã thuyết phục được ông rằng đây đúng là đồ cổ và cuối cùng ông đã mua.

Phần lớn các giao dịch trên thương trường là dựa vào lòng tin.

Câu chuyện của chúng tôi cho thấy mức độ chuyên nghiệp của ông Wildman: Ông không muốn bán cho khách hàng đồ giả, ông cũng không muốn những người khác kháo nhau rằng ông bán đồ giả. Nên thái độ lưỡng lự của ông cũng là hoàn toàn tự nhiên, như tất cả mọi người chúng ta. Trước khi chúng ta bỏ tiền ra (lao động hay hàng hóa thì cũng thế) để trao đổi, chúng ta muốn chắc chắn rằng cái chúng ta nhận được chính là cái mà người ta đã hứa với chúng ta. Nếu mua một món đồ cổ, bạn muốn biết nó thực sự là đồ cổ; nếu bạn mua cái TV hay ô tô, bạn muốn người ta bảo đảm rằng nó sẽ chạy ổn định sau khi đưa về nhà.

Nếu phải bỏ ra số tiền lớn thì bạn có thể đòi bảo đảm hay hợp đồng bằng văn bản. Nhưng phần lớn các giao dịch trên thương trường, như vụ giao dịch của tôi và ông Wildman, là dựa vào lòng tin. Ông ta biết tôi vì tôi đã mua bán với ông từ trước. Ông biết rằng tôi hiểu công việc kinh doanh của mình. Và cả hai chúng tôi đều biết rằng nếu tôi bán cho ông đồ giả - hay nếu ông đưa cho tôi tấm séc giả - thì sẽ không còn lòng tin, mà lòng tin chính là điều kiện cho những vụ trao đổi hai bên cùng có lợi của chúng tôi. Đấy là lý do đủ để hai chúng tôi phải trung thực.

TRAO ĐỔI DỰA VÀO LÒNG TIN

Một số người hình dung rằng luật lệ của thị trường là người mua chịu trách nhiệm về sản phẩm mình nhận - người mua phải cảnh giác. Chắc chắn là phải kiểm tra hàng hóa trước khi đưa tiền. Nhưng, không thị trường nào có thể hoạt động được nếu người mua tin rằng lúc nào người bán cũng lừa bịp họ. Họ có thể mất quá nhiều thời gian cho việc kiểm tra hàng hóa, và thường thì không thể nào chắc chắn được món hàng mà người ta bán cho mình sẽ phù hợp với mục đích. Trước khi đập vỡ trứng, bạn không thể nói cái trứng bạn vừa mua có bị ung hay không; rất ít người trong chúng ta biết rõ về ô tô hay TV để dự đoán được là chúng sẽ hoạt động ổn định hay không; rất ít người trong chúng ta biết rõ về y dược để đánh giá được trình độ của bác sĩ. Người mua chịu trách nhiệm về sản phẩm mà mình nhận có thể là lời khuyên hay, nhưng không phải là nền tảng của thị trường thịnh vượng. Thị trường đòi hỏi lòng tin.

Lòng tin hình thành khi bạn biết người giao dịch là ai và thường xuyên giao dịch với họ. Tôi tin người bán tạp hóa trong khu phố không bán cho tôi trứng ung vì hầu như ngày nào tôi cũng ghé cửa hàng: Họ biết tôi và họ muốn tôi quay trở lại. Nhưng làm sao bạn có thể tin người mà bạn không biết hoặc người mà bạn hiếm khi giao dịch? Tôi không thường xuyên mua ô tô hay TV mới; tôi không biết các nhân viên bán hàng ở đấy và có khả năng họ cũng không hy vọng tôi sẽ quay lại. Làm sao tôi có thể chắc chắn rằng họ không lừa tôi?

Báu vật quý giá nhất mà thời gian có thể cung cấp cho ta là uy tín không một tì vết…

William Shakespeare, Richard II

Thực ra, rất dễ. Thị trường có nhiều cách để đánh giá độ tin cậy ngay cả khi chúng ta không biết nhau. Uy tín là một [thước đo]. Người bán tạp hóa trong khu phố với hàng hóa bao giờ cũng tươi, còn người bán ô tô thì luôn luôn sẵn sàng sửa chữa hỏng hóc, ông bác sĩ cẩn thận và dễ thương, sẽ tạo được thanh danh tốt. Khách hàng tiềm năng chỉ cần hỏi những người xung quanh là biết ai bán hàng có uy tín và ai không.

NHÃN HÀNG THỂ HIỆN MỨC ĐỘ TIN CẬY

Uy tín do truyền miệng có thể có tác dụng trong khu vực, tức là nơi chỉ có một ít nhà cung cấp và khách hàng mua bán trực tiếp với họ. Nhưng còn trong nền kinh tế rộng hơn, nền kinh tế thế giới, nơi có rất nhiều lựa chọn và những người cung cấp có thể ở phía bên kia quả địa cầu thì sao?

Trên thực tế, ngay cả ở đây (chẳng cần đến pháp luật) thị trường vẫn tìm được các giải pháp.

Một trong những giải pháp là thương hiệu - tên hay biểu tượng phân biệt sản phẩm của nhà cung cấp này với sản phẩm của những nhà cung cấp khác và đối thủ không thể sử dụng một cách hợp pháp.

Thương hiệu nói cho khách hàng biết họ có thể kỳ vọng điều gì. Khi ra nước ngoài, bạn có thể tới khách sạn Ritz và biết chắc rằng bạn sẽ được ăn ngon, phục vụ tuyệt vời và tiện nghi - với giá cả phải chăng. Tới McDonald và bạn biết rằng giá sẽ rẻ và phục vụ đồ ăn nhanh. Còn tới những khách sạn mà bạn chưa từng nghe nói thì bạn không biết sẽ được ăn món gì.

Thương hiệu làm bạn yên tâm về chất lượng hàng hóa mà họ bán. Việc bảo đảm như thế hấp dẫn khách hàng, làm cho những thương hiệu mạnh trở thành tài sản rất có giá trị đối với người sản xuất. Khi bán hãng Rolls-Royce vào cuối những năm 1990, BMW được trả tới 40 triệu bảng Anh - số tiền này không phải là giá trị các nhà máy sản xuất ô tô, mà là giá trị của tên tuổi, biểu tượng, thiết kế bộ tản nhiệt và biểu tượng may mắn của nó (gọi là Spirit of Ecstasy).

Thương hiệu nói cho khách hàng biết

họ có thể kỳ vọng điều gì.

Do sự thiếu hiểu biết của mình hoặc do sự lạm dụng của người khác mà thương hiệu của bạn bị giảm giá trị thì sẽ làm giảm lòng tin của khách hàng và có thể là tai họa trí mạng đối với doanh nghiệp. Đấy là lý do vì sao các công ty có thể làm mọi thứ nhằm bảo vệ các thương hiệu mạnh. Coca-Cola có rất nhiều luật sư nhằm bảo vệ thương hiệu “Coke”. Ở New Zealand, một hãng nhỏ do gia đình quản lý tên là Harrods bị khu mua sắm cùng tên ở London đưa ra tòa. McDonald’s kiện một quán café trùng tên ở Scotland.

LÂU DÀI, VỮNG CHẮC VÀ ỦNG HỘ

Có thể thuyết phục khách hàng rằng bạn là người đáng tin bằng cách chỉ ra rằng bạn đã kinh doanh trong thời gian dài. Công ty bán hàng kém chất lượng sẽ nhanh chóng đánh mất khách hàng và bị loại khỏi thị trường, nhưng việc bạn đã kinh doanh một thời gian dài sẽ nói lên rằng khách hàng của bạn thường quay trở lại. Khi Harrods tuyên bố công ty của họ được thành lập vào năm 1834 hay Bloomingdales tuyên bố được thành lập vào năm 1872, họ đồng thời cũng tuyên bố rằng khách hàng tin họ và tiếp tục quay lại với họ.

Và, vì sao những công ty phụ thuộc nhiều vào niềm tin của khách hàng - các ngân hàng, các hãng luật và kế toán - thường xây những tòa nhà-văn phòng rất to? Vì những tòa nhà đó nói lên rằng họ rất vững chắc. Chỉ có những người có ý định ở lại trong thời gian dài mới đầu tư lớn đến như thế, những khoản đầu tư này nói với khách hàng rằng công ty tin tưởng sẽ cung cấp dịch vụ tốt trong thời gian dài. Và những chứng chỉ ấn tượng treo trên tường của những văn phòng này cho người ta thấy trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân viên, cho khách hàng thấy bằng chứng về sự cống hiến và năng lực của họ.

Quảng cáo là một cách nữa. Hiện nay, quảng cáo phải trung thực, vì vậy thông tin quảng cáo nói với khách hàng sự thực căn bản nhất về sản phẩm - rằng nó giặt trắng hơn, lưu hương lâu hơn, hoặc rẻ hơn sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Sự ủng hộ của người nổi tiếng cho thấy một người có tiếng tăm đã tin vào sản phẩm đến mức đặt cược cả danh tiếng - cũng là thương hiệu của họ - vào độ tin cậy của nó.

CHÚNG TA TIN CHÚA - NGƯỜI KHÁC TRẢ TIỀN MẶT

Các báo cáo trên báo chí hoặc bài báo trên các tạp chí dành cho người tiêu dùng còn cung cấp cho các khách hàng tiềm năng thông tin về độ tin cậy của công ty và sản phẩm của nó. Thực vậy, các tạp chí dành cho người tiêu dùng tạo ra giá trị của riêng mình bằng cách xếp hạng các doanh nghiệp. Các chuyên gia phân tích và các công ty nghiên cứu bán kết quả tìm kiếm cho khách hàng và các nhà đầu tư - một lĩnh vực đang phát triển trong nền kinh tế toàn cầu hóa, nơi người ta có thể ở cách rất xa những công ty mà họ mua sản phẩm hay những công ty mà họ bỏ tiền đầu tư vào.

Các công ty bán hàng cũng sử dụng các hãng xếp hạng mức độ khả tín để đánh giá xem khách hàng có đáng tin trong việc thanh toán hàng hóa và dịch vụ mà họ đã đặt hàng hay không. Uy tín của khách hàng, sự vững chắc của người bánthông tin về thương mại từ những người bán khác có thể giúp người bán hình thành đánh giá.

Tiền trao cháo múc

Nhưng nếu bạn muốn chắc chắn sẽ nhận được tiền thì tốt nhất là yêu cầu, như các nhà buôn ở Bristol, Anh quốc: tiền trao cháo múc.

THIẾT LẬP VÀ THỰC THI LUẬT LỆ

Như vậy là, lòng tin là yếu tố quan trọng nhất của thị trường. Thị trường không phải là trận chiến một mất một còn. Chúng ta là những sinh vật xã hội, còn thị trường là các dàn xếp xã hội. Thị trường chỉ hoạt động nếu chúng ta tôn trọng một số tiêu chuẩn và luật lệ trong cách cư xử với nhau. Muốn hưởng thành quả từ tình bạn, bạn phải cư xử với bạn bè một cách ngay thẳng và trung thực. Muốn hưởng thành quả của thị trường, bạn phải đối xử với khách hàng và người cung cấp một cách ngay thẳng và trung thực như thế.

Sức ép xã hội - nguy cơ mất uy tín, ví dụ thế - thường là đủ để bảo đảm rằng người ta sẽ tuân thủ luật lệ. Nhưng không phải lúc nào cũng thế: Nếu người ta không thanh toán đơn hàng, không sửa chữa hỏng hóc hoặc không thực hiện hợp đồng thì cần phải áp dụng những biện pháp nghiêm khắc hơn. Lúc đó chúng ta sẽ phải cầu viện tới sức mạnh của nhà nước, với lực lượng công an, tòa án và những chế tài được quy định.

Thị trường trong nước dựa trên những giá trị chung được mọi người

 chia sẻ và sự tin cậy ở mức độ tối thiểu. Nhưng trên

 thị trường toàn cầu, người ta chưa có sự tin cậy như thế.

Cựu Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, năm 1999

Nhà nước là người thực thi tối thượng các luật lệ hành xử của thị trường. Nhưng nhà nước cũng ban hành một số luật lệ. Nhà nước biến một số tiêu chuẩn hành xử thành luật, tức là chính thức hóa những luật lệ bất thành văn. Và đôi khi nhà nước cũng ban hành những luật lệ mới.

Thường thường, mục đích là làm cho thị trường hoạt động hiệu quả hơn - lấy ví dụ như quy định về chống độc quyền hay chuẩn hóa đơn vị đo lường. Một số nhà lập pháp còn đòi hỏi hàng hóa phải an toàn và phù hợp với mục đích; giúp cho khách hàng đỡ được phần nào gánh nặng là lúc nào cũng phải cảnh giác và củng cố được lòng tin giữa người mua và người bán. Việc kiểm soát theo quy định những dịch vụ phức tạp - hoạt động ngân hàng, bảo hiểm và hưu trí - có thể củng cố được lòng tin của khách hàng và do đó, giúp cho các thị trường này phát triển.

Đôi khi, mục đích có thể là cấm đoán hay điều tiết một số lĩnh vực buôn bán được cho là có hại hay vô đạo đức - ví dụ, cờ bạc, ma túy hoặc tự bán mình làm nô lệ.

 

NHỮNG LUẬT LỆ BẤT THÀNH VĂN

Như vậy, nhà nước đã trở thành người ban hành cũng như người thực thi pháp luật. Tuy nhiên, nhiều giao dịch vẫn dựa trên sự tin cậy và hiểu biết giữa người với người, chứ không dựa trên hợp đồng và luật pháp thành văn. Đấy là lý do tôi có thể thuê một người vá quần cho tôi, mặc dù tôi không biết người đó và không nói được tiếng của họ. Đấy là lý do tôi có thể đi taxi hoặc đặt bánh pizza mà không cần ký hợp đồng để bảo đảm với người lái xe hay anh đầu bếp rằng tôi sẽ trả tiền. Mặc dù là những người xa lạ, chúng ta không cần thảo luận về cách thanh toán hay ký hợp đồng - tất cả chúng ta đều biết có thể chờ đợi điều gì từ người kia.

Chúng ta làm một cách dễ dàng vì nó hiệu quả.

Làm việc trên cơ sở niềm tin dễ dàng hơn hẳn, vì thế nên điều đó trở thành một phần của nền văn hóa của chúng ta. Tất nhiên là khi các nền văn hóa xung đột thì sẽ có vấn đề; người Mỹ hút thuốc lá cảm thấy bối rối khi các tiệm rượu ở Anh đòi tiền diêm. Còn tôi thì không biết chắc có phải trả tiền nước, bánh mì và những thứ khác mà khách sạn ở Mỹ mời tôi hay không. Nhưng, nói chung, chúng ta làm một cách dễ dàng vì nó hiệu quả.

Với những sinh vật xã hội chúng ta, hợp tác là hiện tượng tự nhiên. Ý tưởng thị trường là cuộc chiến một mất một còn thật sai lầm. Đấy không phải là nhân văn; đấy thậm chí không phải là duy lý. Thị trường không phải là một loạt những giao dịch một lần, giữa những người hoàn toàn xa lạ, để bạn có thể lừa dối mà không bị trừng phạt. Cách kiếm tiền tốt nhất là quản lý doanh nghiệp sao cho chiếm được lòng tin của khách hàng, để họ tiếp tục quay trở lại, và việc buôn bán của bạn sẽ được đảm bảo và ổn định. Bạn sẽ cải thiện được điều kiện sống của mình bằng cách thường xuyên hợp tác với người khác, chứ không phải bằng cách cướp bóc họ.

SỨC LỰC CON NGƯỜI CŨNG LÀ TÀI SẢN

Thị trường là nơi trao đổi tài sản. Bạn đổi cái mà bạn có, tức là đổi một phần tài sản của bạn, lấy một phần tài của người khác mà bạn thích hơn.

Đấy không phải lúc nào cũng là tài sản vật chất, như món đồ cổ, chiếc ô tô hay TV. Sức lao động của chúng ta cũng là một loại tài sản. Những khoản đầu tư chủ yếu của tôi vào việc kinh doanh đồ cổ không phải là những vật liệu tôi sử dụng mà là thời gian và kỹ năng tìm kiếm, làm vệ sinh, khôi phục và bán lại tranh. Tôi sẽ không làm những việc đó nếu không nghĩ rằng tôi sẽ được lợi khi đút vào túi mình tấm séc của ông Wildman sau khi hoàn tất giao dịch.

Sức lực con người cũng là một loại tài sản

 được thường xuyên trao đổi.

Thực tế, sức lực của con người cũng là một loại tài sản được thường xuyên trao đổi. Đa số chúng ta là người lao động: Chúng ta bán thời gian và tay nghề để lấy tiền. Kể cả khi chúng ta thực sự mưu sinh bằng cách bán tài sản - ví dụ, các món đồ cổ - thì nói chung, đấy vẫn là thời gian và tay nghề của chúng ta, thành phần có giá trị nhất trong những tài sản đó. Ông Wildman bán đồ cổ, nhưng phần lớn giá cả của những món đồ cổ này là để bù đắp cho thì giờ, sự hiểu biết, đánh giá và nhiều năm kinh nghiệm của ông trong lĩnh vực kinh doanh này.

Đấy là lý do vì sao pháp luật bảo vệ tài sản trí tuệ cũng như tài sản vật chất của người dân. Tâm sức bỏ ra, sự tài tình hay đơn giản chỉ là may mắn khi viết được bản nhạc được nhiều người ưa chuộng hay soạn ra một quy trình công nghệ mới được bảo vệ bằng bản quyền và bằng sáng chế, cũng được bảo vệ hệt như ngôi nhà hay tờ vé số trúng thưởng của bạn được bảo vệ.

AN TOÀN TÀI SẢN CÓ Ý NGHĨA SỐNG CÒN ĐỐI VỚI THỊ TRƯỜNG

Nếu tham gia một vụ trao đổi, bạn sẽ không chỉ muốn chắc chắn nhận được đúng tài sản đã nhắm tới - ví dụ, món đồ cổ thực - mà còn muốn chắc chắn sẽ được thưởng thức nó. Nếu bạn nghĩ rằng tài sản của bạn sẽ bị đánh cắp thì bạn sẽ không hoài công trao đổi.

Đấy là lý do vì sao nhiều nước nghèo vẫn mãi nghèo đói. Tại sao ta phải bỏ công tạo dựng tư bản, như nông trại, những ngôi nhà cao tầng hay thiết bị sản xuất, nếu những thứ này sẽ bị quốc hữu hóa, bị quân thù lục soát, hay bị những tên giang hồ và những chính trị gia tham nhũng cướp bóc? Và nếu người ta quyết định không bỏ công sức ra nữa thì đất nước sẽ bị thiệt hại - không có việc làm và không có sản phẩm.

Đấy là lý do vì sao nhiều nước nghèo vẫn mãi nghèo đói.

Sở hữu tập thể khá hơn một chút. Các nông trang tập thể ở Trung Quốc có năng suất rất thấp vì chẳng ai muốn làm việc vất vả, khi kết quả sẽ được chia đều cho tất cả, người cố gắng làm việc cũng bằng người không. Tốt nhất là làm vừa thôi và để người khác cố gắng. Khi luật lệ thay đổi và mỗi gia đình phải tự chịu trách nhiệm về mảnh đất của mình, mọi thứ lập tức được cải thiện - nhanh chóng và đầy kịch tính.

Đấy là bi kịch của tài sản công cộng - không ai cảm thấy cần phải quan tâm tới tài sản khi mà họ chỉ nhận được một phần rất nhỏ lợi ích từ tài sản đó. Đấy là lý do vì sao nông trang tập thể không hiệu quả, vì sao người ta thường khai thác quá nhiều cá trong khu vực đánh bắt công cộng, và vì sao cầu thang chung trong tập thể thường nhem nhuốc và nhếch nhác.

QUYỀN SỞ HỮU ĐƯỢC QUYẾT ĐỊNH BỞI LUẬT PHÁP VÀ TỤC LỆ

Muốn thị trường hoạt động hiệu quả, chúng ta phải có những quyền sở hữu nào?

Thứ nhất, chúng ta phải có quyền nắm giữ tài sản: Khi bạn mua ngôi nhà, có một số giấy tờ khẳng định quyền sở hữu của bạn. Thứ hai, bạn phải có khả năng ngăn cản bất kỳ ai có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình: Khi bạn sở hữu ngôi nhà, bạn có quyền ngăn chặn một cách hợp pháp những người khác bước vào vườn hay hái hoa. Thứ ba, bạn phải có khả năng hưởng thụ những thứ mà tài sản của bạn tạo ra: Ví dụ, thu nhập từ việc cho thuê ngôi nhà hay quả từ cây táo trong vườn. Thứ tư, bạn phải có khả năng từ bỏ tài sản của mình: Nói cách khác, bạn có thể bán hoặc chuyển tất cả những quyền này cho người khác.

Luật tục xã hội có thể đặt ra giới hạn

về cách thức sử dụng tài sản.

Nhưng luật pháp và luật tục xã hội có thể đặt ra giới hạn về cách thức sử dụng tài sản. Quyền sở hữu ngôi nhà không cho phép bạn ngăn cản máy bay bay trên bầu trời, luật pháp có thể đặt ra giá trần cho tiền thuê nhà, ở một số nước luật pháp có thể không cho bạn bán nhà cho người nước ngoài; và thậm chí nếu pháp luật cho phép để rác trên bãi cỏ trước nhà thì phản ứng của hàng xóm có thể thuyết phục bạn không làm như thế.

Tất nhiên là, những điều này đều có lý do chính đáng: Máy bay sẽ không thể bay nếu các hãng hàng không phải xin phép từng người để bay qua vườn nhà họ. Nhưng, nói chung, quyền sở hữu càng không được tôn trọng thì thị trường càng hoạt động kém hiệu quả - người có nhà sẽ không cho thuê nếu luật quy định giá trần quá thấp.

LỰA CHỌN LUẬT PHÁP QUYẾT ĐỊNH KẾT QUẢ

Diễn biến trên thương trường phụ thuộc vào cách thức hình thành những quy định của luật sở hữu và trao đổi. Khi bạn bè của những người ban hành luật pháp được ban cho độc quyền về muối thì tất cả chúng ta sẽ phải mua muối với giá cao hơn. Những quy định về taxi (tương tự như ở London, phải là xe màu đen và lái xe phải rành rẽ đường phố) bảo đảm được chất lượng cao hơn nhưng cũng đắt hơn và không phong phú bằng những thành phố không có quy định. Khi luật lệ thay đổi quá nhanh - ví dụ, khi chính phủ nới lỏng luật lệ trong lĩnh vực hàng không hay viễn thông - thị trường có thể bị rối loạn trong một thời gian, trước khi thiết lập được trật tự mới.

Điều luật khác làm thay đổi thị trường - hy vọng là theo hướng tốt lên - là luật trách nhiệm hữu hạn. Đấy là khi chủ sở hữu doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm trên số tài sản mà người đó đầu tư vào doanh nghiệp. Điều đó đặt những người cung cấp trước rủi ro: Nếu doanh nghiệp phá sản, họ có thể không nhận được tiền. Nhưng nó miễn cho doanh nhân rủi ro lớn hơn nhiều, người ta sẽ không phải bán nhà và tài sản khác để trả cho các chủ nợ. Với những bảo đảm như thế, điều luật này khuyến khích dân chúng chấp nhận rủi ro trong kinh doanh, mà không phải e sợ rằng sai lầm có thể làm cho họ tán gia bại sản mãi mãi - kết quả là tất cả mọi người đều được lợi.

THIẾT KẾ SÀN ĐẤU GIÁ

Những hình thức đấu giá khác nhau cho thấy những luật lệ khác nhau ảnh hưởng tới kết quả của thị trường khác nhau như thế nào. Đấu giá có lợi khi ta chưa biết chắc chắn người mua đánh giá món hàng như thế nào: Không phải cho những vật dụng hàng ngày như cái bánh mì hay miếng pho mát, với giá cả đã được thiết lập mà cho những bức tranh quý hiếm, chiếc ô tô cũ hay một nông trại, nơi mà mức độ quan tâm của người mua có thể dao động nhiều hơn hẳn.

Trong hệ thống trả giá công khai của sàn đấu giá Anh quốc (Đấu giá kiểu Anh - ND), giá cả được nâng lên cho đến khi chỉ còn một người trả giá. Cách làm như thế cung cấp thông tin hữu ích cho người mua, tạo điều kiện cho họ thấy những người khác đánh giá món hàng đó như thế nào. Ở sàn đấu giá Hà Lan (Đấu giá kiểu Hà Lan - ND), người ta làm ngược lại, giả cả hạ xuống cho đến khi có một người chấp nhận giá này. Nhưng cách làm này không cho người mua cơ hội biết những người khác có quan tâm hay không - cho đến khi quá muộn.

Lại có sàn đầu giá với phong bì dán kín (Đấu giá kín theo giá thứ nhất - ND), những người đấu giá nộp phong bì dán kín, những người khác không thể biết cho đến khi phiên đấu giá kết thúc và tất cả các phong bì đều được mở. Nhưng đấu giá kín kiểu này làm người mua bối rối, họ không thể biết liệu những người khác có quan tâm hay không và họ có trả giá quá cao hay quá thấp hay không.

Vì lý do đó mà một số sàn đấu giá kín theo giá thứ hai. Giá cũng được đưa vào phong bì dán kín, nhưng người mua chỉ phải trả số tiền bằng với giá của người đứng thứ hai mà thôi. Cách làm này làm cho người ta tự tin hơn rằng họ không phải trả giá quá cao so với đánh giá của những người khác.

 

ĐẤU GIÁ 3G

Vào năm 2000 không ai biết giấy phép kinh doanh thông tin di động 3G sẽ đáng giá bao nhiêu, vì đây là công nghệ mới. Trên sàn đấu giá kín này, người ta có thể phải bỏ giá một cách thận trọng vì không biết những người khác nghĩ rằng mỗi giấy phép đáng giá bao nhiêu. Thay vào đó, cơ cấu bán hàng được thiết kế một cách khéo léo và mang về cho chính phủ Anh khoảng 30 tỷ bảng, gấp mười lần dự kiến ban đầu.

Có năm giấy phép kinh doanh, trong khi chỉ có bốn công ty vận hành hệ thống thông tin viễn thông di động, cho nên những nhà cung cấp mới bước vào thị trường, gia tăng cạnh tranh về quyền kinh doanh. Năm giấy phép sẽ không cho ai độc quyền, nhưng sẽ giới hạn cạnh tranh đến mức những người bỏ giá biết rằng họ có thể thu lời đáng kể, và một lần nữa làm gia tăng giá trị của giấy phép.

Đấu giá diễn ra hết vòng này đến vòng khác (gần một trăm vòng): Sau mỗi vòng những người tham gia đều có thể thấy đối thủ của mình nghĩ mỗi giấy phép đáng giá bao nhiêu và dự đoán kế hoạch của họ, tạo điều kiện cho mỗi người tự tin hơn trong việc nâng giá trong vòng đấu giá tiếp theo.

Bằng cách thiết kế luật đấu giá khôn khéo, người bán có thể tạo cho người mua thái độ tự tin - và cảm giác cạnh tranh đủ mạnh - để bán được món hàng với giá tốt nhất. Luật lệ của thị trường là quan trọng.

THỊ TRƯỜNG KHÔNG PHẢI HIỆN TƯỢNG NGẪU NHIÊN

Như vậy là thị trường chỉ tồn tại trong khuôn khổ luật lệ - luật pháp thành văn và quy tắc xã hội - thiết lập bản chất của quyền sở hữu và quản lý cách thức trao đổi tài sản. Cách sắp xếp các bộ luật này có thể đưa đến những kết quả với khác biệt đáng kể; nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm ra được một tập hợp các điều luật tốt nhất, vì có thể có các vấn đề nan giải.

Ví dụ, nếu khói từ nhà máy của bạn bay sang trang trại của tôi ở gần đó thì quyền sở hữu của tôi có bị xâm phạm hay không? Hoặc khói bay vào nhà hàng của tôi? Người câu cá có quyền ngăn không cho xuồng máy chạy qua vì làm cá sợ hay xuồng máy được ưu tiên? Nhưng đây là những vấn đề sẽ được thảo luận trong chương sau.

Nguồn: Nền kinh tế tự do,  Eamonn Butler. Nhà xuất bản tri thức, 2023

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường