[Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập] Chương 1: Kiến thức về chế độ dân chủ

[Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập] Chương 1: Kiến thức về chế độ dân chủ

Cuốn sách này nói về chuyện gì 

Cuốn sách này giới thiệu một cách trực tiếp và dễ hiểu về chế độ dân chủ: chế độ này là gì và nó hoạt động như thế nào, những điểm mạnh và điểm yếu, những lợi ích và hạn chế của nó. Mục đích chính của cuốn sách là làm cho bất kỳ người nào cũng có thể hiểu được chế đô dân chủ, ngay cả khi họ chưa bao giờ trải nghiệm nó. Nhưng nhiều người nghĩ rằng họ hiểu chế độ dân chủ cũng sẽ được lợi, vì họ cũng thường bỏ qua những đặc điểm quan trọng nhất của nó.

Kiến thức về chế độ dân chủ là quan trọng: xét cho cùng, hai phần ba dân số thế giới, tức là hơn một trăm quốc gia, sống dưới các chính phủ tự gọi mình là dân chủ. Và vì rất ít chính phủ thực sự vận hành theo lý tưởng dân chủ hoặc tôn trọng các nguyên tắc và thiết chế chính của nó, cho nên kiến thức rõ ràng về chế độ dân chủ thậm chí còn quan trọng hơn. Đặc biệt, chúng ta cần nhận thức được rằng, chế độ dân chủ có thể dễ dàng bị xóa sổ hoặc bị lạm dụng nếu dân chúng không hiểu đúng về nó.

Để đạt được những mục tiêu này, cuốn sách đưa ra định nghĩa về chế độ dân chủ, giải thích mục đích của nó và chỉ ra sự khác biệt giữa dân chủ chân chính và nhiều phiên bản giả mạo trong giai đoạn hiện nay. Nó trình bày sơ lược lịch sử của chế độ dân chủ, bản chất đang thay đổi của tư tưởng và những biện pháp khác nhau nhằm giành được dân chú. Tác phẩm này trình bày một cách ngắn gọn những lợi ích của chế độ dân chủ và những huyền thoại làm cho chúng ta không nhận thức được những hạn chế của nó. Cuối cùng, cuốn sách đưa ra câu hỏi vì sao hiện nay mọi người đều cảm thấy vỡ mộng với chế độ chính trị dân chủ – và những việc có thể làm nhằm sửa chữa nó.

Vấn đề “dân chủ”

Vấn đề lớn nhất đối với những người đang cố gắng tìm hiểu chế độ dân chủ là ý nghĩa của từ này đã có nhiều thay đổi. Cái mà hiện nay chúng ta gọi là “dân chủ” không phải là cái mà người Hy Lạp cổ đại (những người được cho là đã phát minh ra tư tưởng này) đã nghĩ tới. Đối với họ “dân chủ” có nghĩa là hệ thống chính phủ, trong đó, các công dân sẽ tập hợp thành các hội đồng công khai để ban hành luật pháp, quyết định các chính sách quan trọng (chẳng hạn như có nên tham chiến hay không) và bổ nhiệm các quan chức. Tuy nhiên, đối với chúng ta, “dân chủ” có nghĩa là hệ thống chính quyền, trong đó, dân chúng bỏ phiếu, cứ vài năm một lần, để bầu ra những người đại diện (chẳng hạn như tổng thống, hạ nghị sĩ hoặc thượng nghị sĩ), sau đó những người sẽ ban hành luật pháp, chính sách và bổ nhiệm công khai.

Nhưng ngay cả sử dụng từ này theo lối hiện đại như thế cũng có thể bao hàm nhiều nghĩa khác nhau. Từ “dân chủ” có thể nói về các hệ thống, trong đó, các cuộc bầu cử diễn ra một cách tự do và công bằng, bỏ phiếu kín và có nhiều ứng cử viên để cho cử tri lựa chọn, và có các giới hạn về quyền lực của những người đại diện và quan chức, với hệ thống tòa án độc lập nhằm đảm bảo rằng những người đại diện và quan chức hành động theo pháp luật và trong những giới hạn của pháp luật. Mặt khác, “dân chủ” lại thường được sử dụng nhằm mô tả các hệ thống, trong đó, một số đặc điẻm có thể chưa thể là lý tưởng hay thậm chí là chưa có. Ở nhiều nước tự gọi mình là “dân chủ”, lá phiếu không thực sự được giữ bí mật, các quan chức bầu cử hành động không trung thực, cử tri và ứng cử viên bị đe dọa, các phương tiện truyền thông kiểm soát cuộc tranh luận công khai và những người đại diện được bầu không trong sạch.

Trong một số trường hợp, dân chủ chỉ là món đồ trang sức của chế độ (chẳng hạn như có các cuộc bầu cử, quốc hội và tòa án), nhưng chỉ một đảng được quyền giới thiệu ứng cử viên. Các nhà hoạch định chính sách và thẩm phán không bao giờ đặt câu hỏi về thẩm quyền của nhà cầm quyền, còn các quan chức thì có quyền lực gần như vô hạn đối với đời sống và hành vi của công dân. Ví dụ như Bắc Triều Tiên, với tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt gần 100% và tỷ lệ trúng cử của các ứng cử viên thuộc Mặt trận Dân chủ vì Thống nhất Tổ quốc cũng đạt gần 100% (đây là hồi chuông cảnh báo rõ ràng).

Định ra giới hạn cho chế độ dân chủ

Một quan niệm sai lầm phổ biến về chế dộ dân chủ là nó trao cho đa số quyền được làm những gì họ muốn. Nhưng chỉ cần suy nghĩ một chút là thấy quan niệm như thế là sai. Ví dụ, làm sao mà cuộc bầu thành công lại có thể trao cho đảng giành được đa số phiếu bầu quyền tịch thu nhà cửa, cơ sở kinh doanh và tài sản của đảng giành được ít phiếu hơn? Hay bỏ tù hoặc trục xuất, tra tấn hoặc thậm chí tàn sát họ? Con người có những giá trị cao hơn quy tắc đa số – chẳng hạn như tính bất khả xâm của mạng sống con người, quyền tự do và tài sản của con người. Sự kiện là đa số quyết định vi phạm những giá trị đó không làm cho hành động của họ trở nên đúng đắn về mặt đạo đức hay chính trị.

Khoảng 2.400 năm trước, các nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại như Plato và học trò của ông là Aristotle đã hiểu được sự kiện này. Thật vậy, họ coi chế độ dân chủ là hình thức chính phủ rất nguy hiểm, mà không chỉ vì những người cầm quyền là các nhà quý tộc giàu có. Chế độ dân chủ có thể dễ dàng trở thành quyền lực của đám đông, dưới chính quyền như thế tính mạng và tài sản của bất kỳ người nào cũng không thể an toàn. Aristotle (350 BC) viết trong tác phẩm Politics: “Nơi nào mà công lý không có toàn quyền, người dân trở thành vua” và “đặt mục tiêu là quyền lực tối cao và trở thành như ông chủ”.

Hai ngàn năm sau, 55 điền chủ, chủ nô và những người xuất chúng khác trong quá trình soạn thảo Hiến pháp của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cũng có thể hiện những lo lắng tương tự. Họ đã tạo ra, không phải chế độ dân chủ kiểu Hy Lạp, trong đó mọi việc đểu sẽ do người dân quyết định, mà còn tạo ra nước cộng hòa dân chủ, trong đó người dân sẽ bầu ra những người đại diện để thay mặt họ ban hành quyết định. Họ đã cẩn thận thiết kế quy trình ban hành quyết định nhằm hạn chế quyền lực của những người nắm quyền, đặc biệt là nhằm bảo vệ các cá nhân và các nhóm thiểu số – mặc dù thật đáng xấu hổ là họ đã không khuếch trương những biện pháp bảo vệ này tới một phần tư dân số là nô lệ hoặc người Mỹ bản địa.

Nhu cầu về các thiết chế dân chủ nhằm phục vụ các giá trị của chúng ta chứ không phải là điều khiển đời sống của chúng chính là lý do vì sao hình thức dân chủ đích thực nhất (theo nghĩa hiện đại của từ này), và là hình thức bao gồm được tinh thần thực sự của tư tưởng dân chủ, lại được gọi là chế độ dân chủ tự do. Những người ủng hộ chế độ dân chủ tư do tin rằng mục đích cốt lõi của dân chủ không phải là hạn chế hay kiểm soát mà là giải phóng con người. Đối với những người theo phái tự do kiểu này (theo nghĩa được dùng ở châu Âu), chính phủ được xây dựng nên không phải để buộc các cá nhân làm bất cứ cái gì mà đa số quyết định là “đúng”, mà để giữ cho mọi người càng tự do thì càng tốt và giảm đến mức tối đa việc sử dụng vũ lực và cưỡng chế - dù là người dân hay nhà nước sử dụng thì cũng thế (Butler 2015a).

Nhưng hòa bình và tự do đòi hỏi rằng quyền lực của đa số phải được hạn chế. Ví dụ, trong chế độ dân chủ tự do thực sự những người theo phái tự do, thậm chí không phải là đa số áp đảo - chẳng hạn như 1000 người - có thể làm những gì họ muốn: đa số phải luôn luôn tôn trọng và đề cao các quyền và quyền tự do cơ bản của tất cả mọi người trong từng cá nhân. Những quyền và quyền tự do đó được ưu tiên hơn quan điểm của đa số, vì chính phủ tồn tại là để bảo vệ những quyền này.

Những người theo phái tự do không hoàn toàn đồng ý với nhau về quyền của các cá nhân thực sự là gì và những quyền này xuất phát từ đâu. Tuy nhiên, trong các chế độ dân chủ tự do, các quyền cá nhân dường như rộng lớn hơn và được bảo vệ dường như tốt hơn là trong các chế độ khác. Nhà kinh tế chính trị người Mỹ, Jayme Lemke (2016), khẳng định rằng đấy có thể là do sự cạnh tranh giữa các hệ thống chính trị khác nhau, làm cho người ta di cư đến những khu vực pháp lý tự do hơn, tức là những khu vực tôn trọng cá tính của các công dân của mình hơn là những nơi khác.

Sức hấp dẫn của dân chủ

Những người ủng hộ chế độ dân chủ khẳng định rằng, không nên ban hành luật pháp theo ý thích bất chợt của một vài người ưu tú (chẳng hạn như nhà vua hay nhà độc tài) hoặc nhóm người (chẳng hạn như gia đình đang nắm quyền hay tầng lớp quý tộc). Thay vào đó, công chúng nói chung nên quyết định xem họ tuân theo bộ luật nào – hay ít nhất, họ nên chọn người ban hành luật pháp. Những người ủng hộ chế độ dân chủ nhấn mạnh rằng, những lựa chọn này nên được thực hiện trên cơ sở bình đẳng về chính trị, trong đó lá phiếu của mọi người đều được coi là bằng nhau. Lý tưởng nhất là càng nhiều công dân được quyền bầu cử thì càng tốt. Mọi người đều phải được tự do suy nghĩ và lên tiếng về các vấn đề quan trọng. Lý tưởng nhất là cử tri phải có đầy đủ thông tin, có năng lực và lý trí về công việc quản trị của mình. Và cần có những thiết chế ổn định, đáng tin cậy và trung thực để biến một cách trung thực các quyết định của công chúng thành chính sách.

Những lý tưởng dân chủ này dường như có sức lôi cuốn rất mạnh mẽ. Nói cho cùng, người nào không muốn đóng góp ý kiến về biện pháp cai trị chính mình, chứ không muốn để người khác thay mặt mình quyết định nọi chuyện? Ai muốn bị sức mạnh vũ phu của những kẻ độc tài chà đạp? Người nào không muốn ý kiến của mình được tính đến và được tính một cách công bằng?

Thật vậy, những lý tưởng dân chủ này có sức hấp dẫn rộng rãi đến mức, thật không may là, hầu hết tất cả các chính phủ trên thế giới đều tuyên bố là đánh giá cao, dù họ có thật sự đánh giao cao hay không. Được gọi là “chế độ dân chủ” là dấu hiệu của thái độ tôn trọng và chấp thuận. Như tiểu thuyết gia và nhà phê bình văn học người Anh thế kỷ XX, George Orwell, (1946) nhận xét: “Hầu như mọi người đều cảm thấy rằng khi chúng ta gọi một nước nào đó là dân chủ thì có nghĩa là chúng ta đang ca ngợi nước đó; do đó, những người bảo vệ các chế độ đều tuyên bố rằng đó là chế độ dân chủ”.

Kết quả là ý nghĩa của từ “dân chủ” đã không còn. Đa số các chính đảng đều coi chiến thắng trong các cuộc bầu cử “dân chủ” là người ta đã trao cho họ toàn quyền bức hại người khác, bòn rút công quỹ vì lợi ích riêng, và trao các công việc và hợp đồng của chính phủ cho những người thân cận với họ. Các nhà độc tài bỏ tù các đối thủ chính trị và tổ chức các cuộc bầu cử giả tạo mang lại cho họ 100% phiếu bầu và sau đó tuyên bố là mình được “bầu lên theo lối dân chủ”. Ở nhiều nơi, chỉ cần chỉ trích các nhà lãnh đạo chính phủ và chính sách của họ là bạn có thể bị bắt vì tội phản quốc. Những lạm dụng như thế là xúc phạm đến chính ý tưởng về dân chủ.

Tìm hiểu thêm nhiều vấn đề

Bên cạnh việc người ta cố tình bóp méo ý nghĩa một cách có chủ ý và giễu cợt, còn có hiện tượng hiểu lầm thực sự và khá phổ biến về dân chủ thực sự là gì và chế độ này hoạt động như thế nào. Ví dụ, nhiều người ở châu Á bác bỏ chế độ dân chủ vì nó tạo ra xung đột, thái độ do dự và tầm nhìn nhiệm kỳ ngắn hạn. Họ lờ đi sức mạnh, tính đại chúng và khả năng phục hồi của nó. Ngược lại, nhiều người phương Tây tin rằng dân chủ là chìa khóa duy nhất dẫn đến thịnh vượng, tự do, bình đẳng và hòa bình. Quan niệm của họ về dân chủ có màu sắc tươi sáng đến mức họ không nhìn thấy những vấn đề và hạn chế của nó.

Thật vậy, ca ngợi thái quá chế độ dân chủ có lẽ là đe dọa lớn nhất đối với nó. Những người cổ vũ nhiệt tình thường cho rằng, dân chủ là hệ thống chính phủ tốt nhất, vì nó dựa trên sự chấp thuận của đa số. Nhưng nếu biểu quyết theo đa số thực sự là biện pháp tốt nhất trong quá trình ban hành quyết định, thì tại sao chúng ta không sử dụng nó để ban hành tất cả các quyết định? Luận cứ thuyết phục nhiều người nói rằng, chúng ta phải làm như thế; nhưng kết quả đáng buồn là những quyết định từng được trao cho mỗi người – họ sống như thế nào, ăn gì hoặc uống gì, thậm chí họ có thể nói gì trước đám đông – đang ngày càng phải tuân theo ý kiến của đa số.

Những người theo phái tự do cho rằng đấy là nhiệm vụ mà người ta khoác lên chế độ dân chủ, trong khi nó không được thiết kế để làm như thế. Họ nói, chế độ dân chủ không bao giờ có ý định làm nhiều hơn là ban hành một vài quyết định tập thể mà người ta không thể ban hành một cách riêng lẻ – chẳng hạn như phòng thủ chung. Chế độ dân chủ được phát triển nhằm bảo vệ các quyền của cá nhân, chứ không phải tước đoạt chúng theo ý thích nhất thời của đa số. Mục đích của nó là mở rộng, chứ không phải thu hẹp các quyền tự do của dân chúng. Chế độ dân chủ được tạo ra nhằm làm giảm chứ không phải hợp pháp hóa những biện pháp áp bức lên người dân.

Cần phải làm rõ

Trong khi tôn thờ những lợi ích của chế độ dân chủ, người ta rất dễ không nhìn thấy những giới hạn của nó. Ban hành quyết định theo ý kiến của đa số không phải là giải pháp cho mọi vấn đề. Nó chỉ đơn giản là phương pháp hợp lý để ban hành các quyết định (tương đối không nhiều) chỉ có thể được ban hành theo lối tập thể. Những người theo phái tự do khẳng định rằng, dân chủ không phải là phương tiện nhằm phá hoại hoặc thay thế những quyết định (rất nhiều) mà các cá nhân có thể tự mình ban hành, và chế độ này chỉ hoạt động hiệu quả khi quyền tự do như thế được mọi người tôn trọng.

Ngoài ra, giữa lý tưởng dân chủ và thực tế đầy khiếm khuyết của tiến trình chính trị còn có một khoảng cách rất lớn. Khi việc ban hành quyết định theo ý kiến của đa số bị bành trướng quá mức, thì chính trị - vốn là thành tố không thể tránh khỏi của tiến trình ban hành quyết định tập thể - sẽ len lỏi vào mọi khía cạnh của đời sống, cả lớn lẫn nhỏ, làm ô uế chính tư tưởng về dân chủ. Lúc đó, nguy hiểm sẽ là người ta sẽ có thái độ thù địch với “dân chủ”, họ sẽ chỉ nghĩ rằng đấy là sức mạnh của các lợi ích chính trị - và chúng ta sẽ từ bỏ chính cái hệ thống có thể bảo vệ chúng ta, không để những lợi ích đó đe dọa chúngta.

Đây là lý do vì sao hiểu rõ dân chủ là gì và không là gì là cực kỳ quan trọng. Chúng ta cần có khả năng xác định hệ thống chính trị nào trong số những hệ thống tự xưng là “dân chủ” thực sự tuân theo các lý tưởng và nguyên tắc của chế độ dân chủ. Nhằm tìm hiểu mục đích cốt lõi của chế độ dân chủ và nhận ra những hạn chế của nó. Để biết chế độ dân chủ quyết định vấn đề nào thì phù hợp còn vấn đề nào thì không phù hợp. Để khám phá cái gì thúc đẩy chính phủ dân chủ và cái gì làm cho nó thành bại hoại. Để chấp nhận rằng có những giá trị cao hơn mà chúng ta phải bảo vệ, thậm chí bảo vệ để không cho ý kiến của đa số áp đảo can thiệp vào. Để nhận ra rằng chế độ dân chủ phải được giữ trong những giới hạn của nó. Để hiểu rõ giá trị là chế độ dân chủ được xây dựng trên nền tảng đạo đức, văn hóa và thiết chế cần phải được duy trì và khó mô phỏng. Và để nhận thức được rằng phải có nhiều nỗ lực thì mới hiểu, vận hành và bảo tồn được chế độ dân chủ.

Nguồn: Eamonn Butler, Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập, Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên gốc: Eamonn Butler (2020), Introduction to Democracy, London Publishing Partnership.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường