[Nền kinh tế tự do] Chương 5: Cạnh tranh là động lực
GIỮ TRONG GIA ĐÌNH
Nói đến xóa bỏ cạnh tranh thì mafia mạnh hơn hẳn giới luật sư và bác sĩ. Mafia thực sự xóa bỏ cạnh tranh. Tôi nói thực sự. Ở Sicily, quê hương tinh thần của mafia, 80% các doanh nghiệp phải đóng tiền bảo kê và nhiều doanh nghiệp lớn ở Italy cũng phải làm như thế, chưa nói tới hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ. Đấy là lý do vì sao mafia trở thành ngành kinh doanh lớn nhất của đất nước này - chiếm khoảng 7% nền kinh tế Italy.
Mafia cũng bùng nổ trong những khu vực khác trên thế giới, và không chỉ giới hạn trong lĩnh vực ma túy, cờ bạc và mại dâm. Hiện nay, tội phạm có tổ chức tham gia vào hầu hết các ngành, từ dệt may đến du lịch, từ bất động sản tới tài chính, từ công nghiệp dịch vụ tới công trình công cộng và xây dựng. Phí bảo kê cũng không chỉ là tiền mặt. Tinh vi hơn rất nhiều. Họ có thể đến khách sạn của bạn và đề nghị bạn sử dụng dịch vụ giặt là của họ và sử dụng bánh từ lò nướng bánh mì của họ. Chắc chắn giá sẽ đắt hơn hẳn, nhưng đổi lại, bạn được đảm bảo sẽ không xảy ra những sự cố khó chịu có thể làm mất khách.
NIỀM VUI CỦA TRAO ĐỔI TỰ NGUYỆN
Giao dịch dựa vào cưỡng bức không phải là giao dịch thị trường. Đấy chỉ là ép buộc. Thị trường là trao đổi tự nguyện, cả hai bên đều tự do rút lui, không trao đổi nữa - mà không sợ bị đe dọa trả thù. Khi bút được đặt vào tay bạn và nòng súng chĩa thẳng vào thái dương bạn thì đấy là đề xuất mà bạn không thể từ chối, nhưng không phải là đề xuất mà bạn tự nguyện chấp nhận.
Niềm vui của trao đổi tự nguyện là cả hai bên đều được lợi, chứ không chỉ những người có súng. Người ta chấp nhận trao đổi tự nguyện là vì họ nhận được một lợi ích nào đó chứ không phải vì họ bị buộc phải trao đổi.
Niềm vui của trao đổi tự nguyện là cả hai bên đều được lợi.
Xin nhắc lại: Mỗi cuộc trao đổi tự nguyện, mỗi vụ mua bán trên thương trường đều có lợi cho cả hai bên, nếu không người ta sẽ không trao đổi. Trong mỗi giao dịch trên thương trường, cả hai bên đều nhận được một số lợi ích cá nhân và lan truyền lợi ích tới những người khác. Và, với hàng triệu người tham gia hàng triệu giao dịch mỗi ngày, những lợi ích này lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi đáng ngạc nhiên tới mức nào.
Khi đi học tôi gặp rắc rối với bài toán sau. Mười người ngồi xung quanh một cái bàn ăn, nhưng họ không thích những người ngồi bên cạnh. Cho nên họ đổi chỗ. Nhưng họ cũng không thích cách sắp xếp mới. Mỗi lần di chuyển mất đúng một phút. Mất bao nhiêu thời gian để thử tất cả các phương án sắp xếp?
Câu trả lời là 7 năm. Điều này cho thấy khi người ta làm việc cùng nhau thì các phương án nhiều đến mức nào. Và, khi có hàng triệu người trên thế giới, tất cả đều trao đổi với nhau mỗi ngày và trong không biết bao nhiêu là phương án hoán vị, thì lợi ích của trao đổi tự nguyện có thể lan tỏa khắp thế giới nhanh tới đâu.
CẠNH TRANH LAN TỎA LỢI ÍCH
Trao đổi càng tự do thì lợi ích của trao đổi càng lan tỏa nhanh và rộng. Người ta thích tham gia trao đổi tự nguyện hơn là bị gí súng vào thái dương. Người ta thường tích cực tìm kiếm những khách hàng tiềm năng chứ không thích tìm những kẻ tống tiền.
Người ta còn sẵn sàng trao đổi hơn nếu họ được lựa chọn địa điểm trao đổi, thời gian trao đổi, người cùng trao đổi và giá cả trao đổi vì lúc đó xác suất tìm được thứ họ muốn sẽ cao hơn. Thị trường càng rộng - khách hàng và người cung cấp càng nhiều - thì giữa những người tham gia thương trường sẽ càng có nhiều phương án hoán vị hơn, sẽ diễn ra nhiều trao đổi hơn và lợi ích sẽ lan tỏa trên diện rộng hơn.
Muốn thu được nhiều lợi ích trên thương trường thì người dân phải được tự do bán hay không bán - theo lựa chọn của mình. Họ phải được tự do hỏi giá của một nhà cung cấp này và chuyển sang nhà cung cấp khác nếu giá cả hợp lý hơn. Họ cần được quyền lựa chọn nhà cung cấp. Họ cần cạnh tranh.
Người bán cũng thế. Họ cần được quyền không chấp nhận giá mà người mua đưa ra, với hy vọng rằng sẽ sớm có những khách hàng khác. Cần cạnh tranh từ cả hai phía.
Và cạnh tranh giữa những người mua cũng quyết liệt chẳng kém gì giữa những người bán. Những nhà sản xuất xe hơi phải cạnh tranh với nhau trong việc mua thép, cạnh tranh với các kỹ sư, những người cũng muốn mua thép để xây cầu, hay thậm chí là cạnh tranh với những người làm dao kéo. Kết quả phụ thuộc vào việc nhu cầu nào trong những nhu cầu đang cạnh tranh với nhau khẩn thiết hơn: Có khả năng là các kỹ sư không có lựa chọn nào khác ngoài thép; trong khi những người làm dao kéo có thể chuyển sang kim loại khác, nếu giá thép quá cao.
Cạnh tranh là kẻ thù chính của lãng phí và lười biếng.
Khi cạnh tranh giữ thế thượng phong, giá cả sẽ phản ánh chính xác hơn đánh giá của dân chúng về những món hàng hóa khác nhau. Khách hàng không bị buộc phải trả nhiều hơn số tiền mà họ nghĩ là món hàng đó xứng đáng chỉ vì không còn nguồn cung cấp nào khác. Người bán cũng không bị buộc phải nhận ít hơn số tiền mà họ cho là tương đương với món hàng của họ. Cạnh tranh đưa giá cả về gần hơn với đánh giá thực tế của người dân. Và điều đó có nghĩa là các nguồn lực được đưa một cách chính xác hơn đến nơi chúng được người ta đánh giá cao nhất.
Nó còn có nghĩa là các nguồn lực này sẽ tới đúng địa chỉ một cách nhanh chóng hơn. Cạnh tranh làm cho người ta xử lý tín hiệu giá cả một cách quyết liệt hơn. Đứng trước cạnh tranh, bạn không thể đợi trong khi trong khi những người nhanh nhẹn hơn đưa đúng món hàng tới đúng địa điểm, rồi giành được khách hàng và lợi nhuận của bạn. Trên thị trường cạnh tranh, bạn cũng không thể quản lý doanh nghiệp một cách không hiệu quả, chi phí cao mà vẫn đứng vững trong thời gian dài. Cạnh tranh là kẻ chù chính của lãng phí và lười biếng.
CẠNH TRANH VỀ CHẤT LƯỢNG
Cạnh tranh không chỉ về giá cả mà còn về chất lượng. Bạn có thể đòi cùng một giá như những người khác, nhưng nếu hàng hóa hay dịch vụ của bạn có chất lượng tốt hơn, giao dịch với bạn sẽ lợi hơn và bạn sẽ giành được khách hàng, họ sẽ giao dịch với bạn chứ không giao dịch với đối thủ của bạn.
Đấy được gọi là cạnh tranh phi giá cả, đặc biệt quan trọng trên các thị trường, nơi mà giá cả đã được ấn định, ví dụ, khi các quy định của chính quyền ấn định công ty dịch vụ công, công ty điện thoại, taxi hay máy bay có thể đòi giá là bao nhiêu. Những người cung cấp có thể cạnh tranh bằng cách cung ứng dịch vụ nhanh hơn, thông minh hơn, tiện ích hơn, nhiều lựa chọn hơn hoặc cạnh tranh nhờ những đặc điểm khác.
Trên thực tế, hình thức cạnh tranh này thường xảy ra hơn chúng ta nghĩ. Đối diện với Phòng cảnh sát ở London là khu chợ, trong đó có hai người bán hoa quả. (Để làm hài lòng khách hàng, họ bán hoa quả tính bằng pound và ounce, ngay trước mặt tổng hành dinh của cảnh sát, mặc dù luật pháp bắt buộc phải dùng đơn vị là kilogram. Cạnh tranh không phải là tuyệt vời ư?). Giá cả bao giờ cũng gần như nhau, vì nếu một người đòi cao hơn thì khách hàng sẽ đi sang hàng khác ngay lập tức. Cho nên khi tôi mua ở đây, cạnh tranh diễn ra trên cơ sở chất lượng - hoa quả của người nào hôm đó chín hơn và tươi hơn. Mà không chỉ chất lượng: Tôi thích hàng của một người vì tôi thấy người này vui tính hơn và thân thiện hơn. Tôi dựa vào chất lượng dịch vụ.
PHƯƠNG ÁN LỰA CHỌN (KHÔNG CÓ LỰA CHỌN) CỦA HOBSON Thomas Hobson (1544-1630) từng kinh doanh ở Cambridge, Anh quốc, bằng cách cho sinh viên và công nhân viên trường đại học thuê ngựa. Để đảm bảo không có con ngựa nào phải làm việc quá sức, ông tạo ra hệ thống quay vòng rất nghiêm ngặt. Ông bảo khách hàng chỉ được sử dụng ngựa theo thứ tự quay vòng, nếu không thì thôi - chính sách này được gọi là “phương án lựa chọn của Hobson”. |
Vì lo sợ khách hàng sẽ đi chỗ khác, những người bán hàng phải luôn luôn hành động, và thúc đẩy họ cung cấp cho người mua chất lượng mà họ yêu cầu và với mức giá mà họ sẵn sàng trả. Điều này lại làm cho những người cung cấp phải chú ý tới khả năng sinh lời, kiểm soát gắt gao chi phí và bảo đảm chất lượng tốt hơn. Và thúc đẩy họ đòi hỏi những người cung cấp cho họ cũng phải làm như thế, những người này phải đảm bảo rằng họ sẽ cung cấp hàng hóa với chất lượng cao, giá thành hạ. Bằng cách đó, cạnh tranh làm cho toàn bộ nền kinh tế tập trung vào việc cung cấp cho người tiêu dùng giá trị đích thực.
TẠI SAO GIÁ CẢ KHÔNG GIỐNG NHAU
Như vậy là, cạnh tranh tạo áp lực lên những người buôn bán, tương tự như người bán hoa quả ở London, buộc họ phải tìm cách làm cho hàng hóa của mình có chất lượng và giá cả ngang bằng với những người khác. Thế thì vì sao, trong thế giới thực, bạn có thể thấy những món hàng hóa giống hệt nhau. nhưng có giá khác nhau?
Một trong những nguyên nhân là giá vận chuyển. Cam ở Scotland đắt hơn ở Đảo Síp vì phải vận chuyển xa hơn và cước vận tải không phải là rẻ (Các quán café ở Đảo Síp thường mời bạn, miễn phí, ly cam vắt rất ngon: đơn giản vì phần lớn số tiền mà người Scotland phải trả [để mua cam] là phí vận chuyển và phân phối).
Tiện lợi cũng là nguyên nhân quan trọng. Những cửa hàng trong khu vực nội thành mở cửa 24 giờ mỗi ngày có giá cao hơn các siêu thị ở ngoại thành. Nhưng nếu bạn chỉ muốn mua một chai sữa và không muốn đi quá xa hay bạn cần một vỉ aspirin mà đêm đã khuya thì bạn sẽ sẵn sàng mua ở những cửa hàng này.
Tiện lợi cũng là nguyên nhân quan trọng
Tiền công lao động cũng không giống nhau. Nhân viên các cửa hàng làm việc ngoài giờ hành chính trong những cửa hàng ở nội thành được trả lương cao hơn những người làm việc theo ca. Một số người được trả lương cao vì tài nghệ (cầu thủ bóng đá) hay là những người có độ tin cậy cao (luật sư), nhưng số lượng tất nhiên không nhiều; đấy là lý do vì sao các trận bóng đá hay các phiên tòa đều là những sự kiện không hề rẻ. Một số nghề khác (ví dụ, phi công) đòi hỏi phải được huấn luyện trong thời gian dài và tốn kém, tất cả rồi sẽ được tính vào lương mà những người thuê họ sẽ phải trả. Những người khác (ví dụ, công nhân trên các công trình khai thác dầu khí) đòi lương cao để bù đắp những rủi ro và nguy hiểm mà họ phải đối mặt.
SỰ KHÔNG HOÀN HẢO CỦA THÔNG TIN VÀ GIÁ CẢ
Nhưng nguyên nhân chính làm cho giá cả thay đổi là thông tin - đúng hơn là thiếu thông tin. Thị trường năng động, liên tục dịch chuyển. Khi các điều kiện của thị trường thay đổi nhanh, không phải lúc nào chúng ta cũng biết chính xác điều gì đang diễn ra.
Ngày nào người mua cũng đi từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác để xem giá cả và chất lượng hàng hóa mà họ cung cấp. Ngày nào cũng có một số người cung cấp đưa ra những sản phẩm rẻ hơn hoặc tốt hơn, buộc những người cạnh tranh với họ phải hạ giá hay cải thiện chất lượng hàng hóa của mình nhằm giữ chân khách hàng. Phát minh khoa học, thay đổi thời tiết, thời trang, tai nạn, sức khỏe kém, thậm chí là đám tang của những người nổi tiếng, tất cả đều thúc giục khách hàng yêu cầu những sản phẩm mới và loại bỏ những sản phẩm cũ. Khan hiếm luôn luôn xảy ra, khi thì ở chỗ này, khi thì ở chỗ khác.
Khan hiếm luôn luôn xảy ra, khi thì ở chỗ này, khi thì ở chỗ khác.
Mặc dù vậy, đôi khi giá cả thay đổi chậm. Có thể do người bán hoa tươi nghĩ rằng số người mua hoa tăng đột biến chỉ là hiện tượng nhất thời và không phản ứng ngay lập tức bằng cách tăng giá; mà cũng có thể họ nghĩ rằng tăng giá quá cao sẽ phá hỏng mối quan hệ với những khách hàng sẵn có. Và, thậm chí ngay cả nếu giá cả tăng vì khan hiếm thì nhiều người cung cấp tiềm năng cũng có thể không nhận ra hay không hành động. Ví dụ, họ có thể ở quá xa, không hiểu được tình hình trong khu vực, hoặc họ có thể không đủ sức cạnh tranh nên không phản ứng; hoặc phải cần nhiều thời gian chuẩn bị và cung cấp những thứ khan hiếm.
NHỮNG NGƯỜI ĐẦU CƠ MANG LẠI LỢI ÍCH NHƯ THẾ NÀO
Trong mớ hỗn độn của thị trường, một số hàng hóa khan hiếm có thể vẫn được giữ ở giá thấp, và một số hàng hóa khan hiếm có thể có giá cao. Thực vậy, cùng một món hàng hóa, nhưng ở chỗ này có thể khan hiếm, nhưng ở chỗ khác lại dư thừa. Tình trạng này không thể kéo dài, cũng như một nửa căn phòng không thể nóng lâu trong khi nửa kia lạnh.
Đương nhiên, khác biệt về giá cả được xóa bỏ càng nhanh thì càng tốt. Chúng ta muốn đưa các nguồn tài nguyên của con người tới những điểm khan hiếm thực sự một cách nhanh chóng và hiệu quả, chứ không bị lãng phí cho những nhu cầu không cấp bách. Chính những người hướng đạo siêu đẳng của thị trường đã và đang giúp làm điều đó - đấy là những người đầu cơ.
Một số người cho rằng người đầu cơ không tạo ra của cải –
nhưng người ta không bỏ tiền ra để không được gì.
Người đầu cơ mua khi họ nghĩ rằng những người khác chưa nhận ra rằng một món hàng nào đó đang khan hiếm (hay sẽ trở thành khan hiếm). Họ dự đoán là giá cả sẽ tăng và họ sẽ có lời; họ có thể bán món hàng đã mua với giá cao hơn. Hoặc nếu họ nghĩ rằng sẽ có dư thừa và giá cả sẽ giảm nhưng mọi người chưa biết, họ có thể đồng ý cung cấp món hàng hóa nào đó trong tương lai, với giá hiện nay. Và, đôi khi, nếu họ phát hiện được rằng giá món hàng nào đó ở khu vực này đắt, còn khu vực khác rẻ, họ có thể mua ở nơi rẻ và đem đến nơi đắt bán và thu được tiền lời ngay lập tức. Đấy gọi là đi buôn.
Một số người nghĩ rằng vì những người đầu cơ chỉ lợi dụng sự thăng giáng của giá cả và không làm ra bất cứ món hàng hóa vật chất nào, cho nên họ là những người không tạo ra của cải. Nhưng người ta không bỏ tiền ra để không được gì. Những người đầu cơ chấp nhận rủi ro trước sự thăng giáng của giá cả trong tương lai, dự đoán của họ về sự thăng giáng của giá cả trong tương lai tốt hơn những người khác. Nếu không, họ sẽ mất tiền. Các nhà buôn cũng phải hành động để có thông tin tốt hơn những người khác về giá cả và phải hành động nhanh chóng để giành lợi thế trước khi tin tức lan truyền rộng rãi.
Dù thế nào, hành động của họ buộc giá cả phải phản ứng và nhanh chóng đưa nguồn lực tới những nơi chúng được đánh giá cao nhất. Không đáng vui mừng sao?
TẠI SAO THỊ TRƯỜNG CẦN CÁC DOANH NHÂN
Một nhóm người nữa cũng bị đánh giá thấp - các doanh nhân. Họ xóa bỏ những thiếu hụt trên thị trường, không phải bằng cách lợi dụng sự khác biệt của giá cả, mà bằng cách làm ra những món hàng hay dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Khi thị trường xuống hay lên, đảo lộn hay chệch hướng, họ đều phải tỉnh táo để xem có thể xuất hiện những cơ hội nào. Nhưng tài nghệ của họ là đoán trước được sản phẩm tốt hơn hay rẻ hơn hoặc sản phẩm hoàn toàn mới sẽ có sức hấp dẫn người tiêu dùng hơn.
Những người nghiệp dư chú tâm vào tiền thưởng,
những người chuyên nghiệp chú tâm vào rủi ro.
Chuyên gia về bán hàng trên mạng, Harald Anderson
Các doanh nhân cũng phải chấp nhận rủi ro trước dự đoán của họ về tương lai. Họ đầu tư thời gian, tiền của và sức lực để tạo ra sản phẩm mới và đưa hàng hóa ra thị trường. Và quan trọng là, họ phải dự đoán được giá cả của sản phẩm của mình. Họ không thể tìm trên đồ thị số lượng một sản phẩm mới có thể bán được ở mỗi mức giá cụ thể. Họ phải tìm cho ra bằng cách đặt giá rồi quan sát xem chuyện gì sẽ xảy ra. Nếu đúng, họ có thể kiếm được của cải; nếu sai, họ có thể sạt nghiệp.
THỊ TRƯỜNG LÀ BÀ CHỦ KHẮC NGHIỆT Năm 1957, Ford tung ta tin đồn rằng họ sắp đưa ra một kiểu ô tô hoàn toàn mới. Nhưng loại xe Ford Edsel, ra đời năm 1958, không tương xứng với những lời quảng cáo. Kiểu xe này vay mượn quá nhiều đặc điểm của những loại đang có, còn những đặc điểm mới thì lại đắt hơn so với giá mà phần lớn người dân sẵn sàng trả. Trong khi đó, nước Mỹ đang lâm vào tình trạng suy thoái, người mua tìm kiếm những loại xe rẻ tiền hơn, ít tốn nhiên liệu hơn. Mẫu xe Edsel bị vứt bỏ - đây là một trong những thất bại ấn tượng nhất của ngành công nghiệp ô tô. Trong khi đó, ở Anh, nhãn thuốc lá Strand tung ra chiến dịch quảng cáo với khẩu hiệu Có Strand, bạn không bao giờ cô đơn. Với hình ảnh diễn viên Terence Brooks đang châm thuốc trên một con phố vắng vẻ, tối tăm ở London. Đoạn phim quảng cáo, trên nền nhạc buồn sâu thẳm, đã giành được giải thưởng. Nhưng không làm tăng được lượng thuốc lá bán ra: Mua Strand chứng tỏ bạn là người không có bạn bè. Chẳng bao lâu, loại thuốc lá này đã bị ngừng sản xuất. |
Trên thực tế, tất cả chúng ta đều là doanh nhân. Có thể chúng ta không phát minh ra sản phẩm mang tính cách mạng nào, hay không xây dựng trung tâm mua sắm nào, nhưng là người lao động, chúng ta xem xét thị trường lao động và cố gắng tìm ra những khu vực được trả lương cao nhất, dù có phải mất thời gian và tiền của đào tạo lại. Hoặc chúng ta có thể lập ra một doanh nghiệp nhỏ hay bán hàng trên mạng, và tìm cách lôi kéo khách hàng bằng cách kết hợp dịch vụ với giá cả.
Đấy là quá trình thử - sai diễn ra liên tục, trong khi cố gắng tìm cho ra nơi mà những nỗ lực của chúng ta mang lại hiệu quả cao nhất, trong thế giới liên tục thay đổi này. Cạnh tranh từ những người khác làm cho quá trình này càng cấp bách hơn.
PHÁ HỦY SÁNG TẠO
Nhà kinh tế học Joseph Schumpeter gọi quá trình này là phá hủy sáng tạo. Đúng là cạnh tranh buộc một số người phải từ bỏ kế hoạch của mình và tìm đường lối kinh doanh khác. Nhưng đây không phải là phá hủy như trong chiến tranh. Không có ai bị giết. Thậm chí mục đích của nó không phải là làm cho những người khác bị thương, mục đích chỉ là đẩy họ khỏi thương trường, bằng thông tin chính xác hơn hoặc bằng những sản phẩm và dịch vụ hấp dẫn hơn.
Đây chắc chắn là sáng tạo rồi. Việc tìm kiếm sản phẩm hay quy trình sản xuất rẻ hơn và tốt hơn sẽ khuyến khích sáng tạo. Nó thúc đẩy người ta chấp nhận rủi ro trong quá trình nhận dạng và đáp ứng các nhu cầu của xã hội. Và liên tục cải thiện những hàng hóa và dịch vụ mà chúng ta sử dụng, những sản phẩm phức tạp như ô tô hay máy bay không thể nào có được nếu không có quá trình cải tiến và hoàn thiện trong một thời gian dài, mà động lực là cạnh tranh.
Đôi khi chỉ cần có mùi cạnh tranh là đủ
Cạnh tranh đến mức nào thì mới có được kết quả có tính sáng tạo? Đôi khi chỉ cần có mùi cạnh tranh là đủ. Hiện nay công ty của bạn đang thống lĩnh thị trường, nhưng rất có khả năng là những người khác đã thu thập được đủ vốn liếng và kinh nghiệm để đẩy bạn khỏi thương trường, bạn đã không tận dụng được vị trí của mình một cách sáng suốt, vì lợi nhuận quá cao của bạn lôi kéo đối thủ. Thị trường cạnh tranh làm cho những người cung cấp luôn luôn thính nhạy, ngay cả khi địa vị thống lĩnh của họ là không thể tranh cãi.
Trong cái chợ trên đường phố London của tôi, chỉ cần hai người bán hoa quả là đủ. Họ chào hàng chất lượng cao hơn, nhiều lựa chọn hơn và giá thấp hơn những người bán hoa quả ở phố bên vì người này không có đối thủ trực tiếp. Đúng là những khách hàng của người bán hoa quả ở phố bên có thể đi vài bước chân là được tận hưởng những lợi ích của cạnh tranh. Nhưng nhiều người không làm thế. Ai nói rằng thị trường là hoàn hảo?
SỰ VÔ NGHĨA HOÀN HẢO
Điều này khác xa với lý tưởng trong sách giáo khoa, với giá cả thống nhất, sản phẩm giống hệt nhau và thông tin hoàn hảo. Sự thật là giá cả có vấn đề, thông tin lúc có lúc không, phải kiếm lợi nhuận - động lực của thị trường - từ những cơ hội vụt qua. Trên thương trường, không có cân bằng, cũng chẳng có ổn định. Giữ cân bằng hay ổn định cũng chẳng khác gì tìm cách san bằng những đụn cát sa mạc khi gió đang cuồn cuộn thổi.
Một số người cho rằng cạnh tranh là lãng phí vì có thể có những quy trình sản xuất giống hệt nhau. Nhưng không có sự thúc đẩy của cạnh tranh, những nhà cung cấp độc quyền không bị áp lực phải giảm đến mức tối đa chi phí và giá bán hoặc gia tăng đến mức tối đa các phương án lựa chọn và chất lượng. Sẽ không có lý do gì để họ phải lưu tâm tìm hiểu xem người tiêu dùng thực sự muốn gì hoặc chấp nhận rủi ro trong việc cung cấp những sản phẩm mà người tiêu dùng cần. Sáng kiến và cải tiến cũng sẽ không còn.
Cạnh tranh không phải là lãng phí –
cạnh tranh là cực kỳ cần thiết.
Sở dĩ nhiều người cho rằng có thể loại bỏ cạnh tranh là vì các cuốn sách giáo khoa đã lờ đi tất cả những sự kiện quan trọng trên thương trường. Khái niệm “cạnh tranh hoàn hảo” trong sách giáo khoa phủ nhận tất cả những gì làm cho cạnh tranh có sức sống: Việc các nhà sản xuất là những người khác nhau và ai cũng muốn sản phẩm của mình khác sản phẩm của người kia; hay việc người tiêu dùng có những đánh giá khác nhau và sự khác biệt về thời gian, địa điểm và thông tin tạo ra những thăng giáng của giá cả, đấy chính là động lực hành động của con người và thúc đẩy tiến bộ.
Cạnh tranh không phải là lãng phí - cạnh tranh là cực kỳ cần thiết.
Nguồn: Nền kinh tế tự do, Eamonn Butler. Nhà xuất bản tri thức, 2023