Liệu chủ nghĩa tư bản có một nền tảng đạo đức?

Liệu chủ nghĩa tư bản có một nền tảng đạo đức?

Bản cáo trạng đương đại về chủ nghĩa tư bản thường có hai dạng thức cơ bản. Thứ nhất, đó là bản cáo trạng kinh tế. Những người tấn công chủ nghĩa tư bản dựa trên quan điểm này cho rằng chủ nghĩa tư bản không khả thi bởi vì nó ẩn chứa trong lòng những mâu thuẫn không thể vượt qua, dẫn đến tình trạng liên tục khủng hoảng, hoặc có những vấn đề chỉ có thể được giải quyết tạm thời bằng các biện pháp tức thời. Thứ hai, đó là bản cáo trạng đạo đức. Theo cách nhìn này, chủ nghĩa tư bản là sự bóc lột giữa người với người, là động cơ lợi nhuận và quy luật tiền bạc ngự trị trên tất cả, và là sự bất công tàn nhẫn không thể tránh khỏi, diễn ra khắp mọi nơi.

Niềm tin vào chủ nghĩa tư bản tạo ra một nền tảng kinh tế tốt nhất nhằm hỗ trợ đạo đức phát triển thực sự đã hiện diện từ lâu trong đời sống của người Mỹ. Tuy nhiên, ngày nay niềm tin này đang bị các chính trị gia, nhà báo, giáo sư đại học, và các nhà thần học nhạo báng. Các giáo sĩ ngày đêm phẫn nộ chống lại “tệ nạn” và “bất công” của thị trường cạnh tranh. Chủ nghĩa tư bản “thực chất là vô đạo đức” – chúng ta vẫn thường được nghe thế. “Linh hồn thì chết, chỉ có cái bụng là sống khỏe”, đấy là lời nhận xét của Thomas Carlyle về hệ thống thị trường, và tất cả những kẻ khinh miệt nền văn minh thương mại đều nồng nhiệt tán thành lời nhận xét này.

Người ta nói với chúng ta rằng cơ chế thị trường thúc đẩy lối sống thiên về vật chất. Emerson đã từng cay đắng nói “các đồ vật được chất lên yên cương và cưỡi lên nhân loại.” Hình thức tổ chức kinh tế kiểu tư bản chủ nghĩa được cho là đang làm mất tính người.  Owen Chadwick đã tóm tắt xuất sắc quan điểm của Karl Marx về vấn đề này cho chúng ta: “Cấu trúc xã hội hình thành từ lao động của con người. Trong xã hội tư bản, người công nhân tạo ra hàng hóa, nhằm phục vụ cho không chỉ nhu cầu của con người mà còn cả của thị trường. Sau đó, thay vì kiểm soát hàng hóa, con người lại bị chúng kiểm soát; vì thế, người lao động sản xuất càng nhiều, khoảng cách giàu nghèo càng rộng. Cơ chế tệ hại này có thể được gọi là “sự tha hoá” lao động của con người. Lao động của con người là ‘tự nhiên’, là một phần cấu thành sự sống. Do đó, sự tha hoá lao động khiến con người tha hoá khỏi tự nhiên, khỏi đồng nghiệp, và thậm chí khỏi chính bản thân anh ta. Đời sống kinh tế vô nghĩa lý đã làm cho tất cả các mối quan hệ trở thành méo mó. Đàn ông và phụ nữ trở thành đồ vật và cũng đối xử với nhau hệt như đồ vật.”1

Thái độ thù địch đối với chủ nghĩa tư bản

Nhiều nhà thần học có thái độ đặc biệt gay gắt đối với chủ nghĩa tư bản. Michael Novak chỉ ra một ví dụ không hiếm gặp: “Jurgen Moltmann miêu tả chủ nghĩa tư bản như thể một cái gì đó ngoài vòng pháp luật, phá hoại cộng đồng chân chính, quy giản tất cả các mối quan hệ thành những quan hệ tiền bạc vô cảm, xúi giục sự thù địch như bầy sói giữa người với người và mù quáng khi theo đuổi tăng trưởng chỉ vì tăng trưởng và làm việc chỉ vì làm việc”.2

Viết trong cuốn The Christian Century (Thế kỷ Công giáo) năm 1976, Bruce Douglas thừa nhận hầu hết bình luận về kinh tế và chính trị của các nhà thần học mang hơi hướng chủ nghĩa xã hội. Sau đó, ông tiếp tục nhấn mạnh rằng những người bảo vệ chủ nghĩa tư bản đang tham gia vào cái chẳng khác gì một lời biện hộ cho sự bất công, ích kỷ và những hình thức tội lỗi khác; và chúng ta cần phải hiểu rằng, chủ nghĩa xã hội về cơ bản gắn với công lý, vì vậy là một sự đối lập hoàn toàn.

Những lời cáo buộc đó có ý nghĩa gì? Phải chăng chủ nghĩa tư bản “mang đến thế giới tự do cho những kẻ có tội”, đồng thời không ngừng làm cho con người bị tha hoá khỏi đồng loại và chính bản thân mình, thậm chí khiến con người ta không còn nhân tính? Phải chăng nó cởi trói cho tính ích kỷ, tham lam vô tội vạ, và sau đó lại ngợi ca đó là đức hạnh? Phải chăng nó lãng quên, mà đúng ra là phá hoại, những đòi hỏi công lý trong mối quan hệ của con người? Phải chăng nó, tóm lại, không thể được biện minh về mặt đạo đức, và do đó, mang đầy tội lỗi như là cái gì đó bị cáo buộc có tính vô đạo đức về bản chất?

Chúng tôi tin rằng những cáo buộc này hoàn toàn là ngụy biện. Không chỉ vậy, chúng tôi còn vững tin rằng nền kinh tế thị trường hoàn toàn gắn liền với giáo lý của Ki tô - Do Thái giáo. Những bức tranh biếm họa của kẻ thù hay sự lung lạc tư tưởng của các tín đồ không thể thay đổi được thực tế này.

Một hệ thống các mối quan hệ

Các nhà phê bình hoàn toàn đúng khi yêu cầu hệ thống kinh tế của chúng ta cần dựa trên nền tảng đạo đức vững chắc. Nếu có thể chỉ ra được rằng hệ thống kinh tế của chúng ta không có điều đó, thì chúng ta nên từ bỏ nó ngay lập tức và tìm cách thiết lập một trật tự tốt hơn. Tuy nhiên, ngay từ đầu, chúng ta cần làm rõ một số điểm quan trọng. Arthur Shenfield kêu gọi chú ý đến một trong những điều hệ trọng nhất, đó là, “Hệ thống kinh tế được gọi là chủ nghĩa tư bản là một hệ thống các mối quan hệ. Nó là một tập hợp các thị trường, và thị trường, theo định nghĩa, là một hệ thống các mối quan hệ, chứ không phải những cá nhân có mục đích. Từ đó suy ra rằng, chúng ta chỉ có thể tiến hành kiểm tra đức hạnh của chủ nghĩa tư bản bằng cách xem xét hành vi của các cá nhân hoạt động trong đó, chứ không phải xem xét một hệ thống tự thân nó có đạo đức hay vô đạo đức.”

Luận điểm của Shenfield là: vì chủ nghĩa tư bản là “một hệ thống các mối quan hệ nên nó không thể có đạo đức hay vô đạo đức theo nghĩa giống như một cộng đồng người có mục đích có thể có…” Tuy vậy, ông phủ nhận một hệ thống như vậy là trung lập về mặt đức hạnh. “Nếu các đặc tính cơ bản của nó, sau khi cân nhắc bù trừ, mà tích cực nuôi dưỡng hay thúc đẩy cá nhân có hành vi đạo đức hay vô đạo đức, thì đó là một hệ thống có đạo đức hoặc vô đạo đức xét trên khía cạnh ảnh hưởng của nó.”3

Hơn nữa, chúng ta phải phủ nhận xu hướng sai lầm của các nhà phê bình khi gán chữ “tư bản chủ nghĩa” cho những hiện tượng kinh tế, hành vi con người, tệ nạn xã hội hoặc tội ác chính trị mà lịch sự đã chứng kiến trước khi hệ thống tư bản chủ nghĩa ra đời. Và một lần nữa, kẻ thù của chủ nghĩa tư bản có thiên hướng đồng nhất nền kinh tế thị trường với xã hội nói chung. Đối với họ, chủ nghĩa tư bản hình thành và thâm nhập vào toàn bộ xã hội, và vì thế, phá hoại và làm đồi bại các mối quan hệ giữa người với người, chứ không phải là chỉ bó hẹp trong phạm vi các mối quan hệ thuần tuý có mục đích kinh tế. Nhưng sự thật là, thị trường cạnh tranh chỉ là một phần hoặc một khía cạnh của bất cứ xã hội nào.

John Davenport chính xác khi nhận xét: “Thị trường không có mục đích tự thân; nó là phương tiện để đạt được các mục đích cao hơn.” Thị trường chỉ là một cấu phần trong một xã hội luôn thăng tiến và mở rộng xa hơn. Nhưng thị trường là phương thức lưu lại sở thích của người tiêu dùng và phân bổ nguồn lực, là một hệ thống thông tin truyền tải kiến thức một cách tự nhiên, thông qua các tín hiệu được gửi đi qua giá cả.

Phân bổ nguồn lực khan hiếm

Tất cả hàng hóa kinh tế, theo định nghĩa, đều khan hiếm, trong khi ham muốn của con người đối với chúng gần như là vô hạn. Vì vậy, một hệ thống kinh tế có tính khả thi quan tâm đến việc phân bổ nguồn lực khan hiếm – chẳng hạn, lao động, tài nguyên, hoặc vốn – theo nhu cầu của con người. Chủ nghĩa xã hội giao cho một nhà nước, được giả định là toàn năng, nhiệm vụ quyết định mọi người cần gì, và sau đó thực hiện việc triển khai một kế hoạch tổng thể để sản xuất hàng hoá nào, với số lượng bao nhiêu. Trái lại, trong nền kinh tế thị trường, người tiêu dùng trả cho cái họ muốn thông qua cơ chế giá cả.

Việc xã hội sử dụng hệ thống nào để tổ chức đời sống kinh tế của nó không quan trọng, miễn là các quyết định chung phải được thực thi. Ví dụ, mọi nền kinh tế phải quyết định sản xuất cái gì, và những thành quả của sản xuất được phân phối như thế nào. Tất cả các hệ thống kinh tế đều kết nối con người và nguyên liệu để đưa ra những quyết định đó theo một số cách nào đó. Hệ thống kinh tế thị trường thực hiện các quyết định này và đạt được sự kết nối này thông qua hệ thống thể chế tư hữu và giao dịch tự nguyện.

Từ thời đại của Adam Smith, những người ủng hộ thị trường tự do đã lập luận rằng các quá trình thị trường có xu hướng mạnh mẽ trong việc cân bằng lợi ích công cộng và lợi nhuận tư nhân. Tiếp nối quan điểm của Bernard Mandeville trong Fable of the Bees (Ngụ ngôn về loài ong), Smith cho rằng những tính xấu xa của cá nhân – chẳng hạn, lòng tham – có thể chuyển đổi được thành lợi ích công cộng.

Sự hài hòa lợi ích

Trong thị trường tự do, tồn tại sự hài hòa lợi ích giữa khu vực công và khu vực tư. Phải chăng điều này hàm ý rằng, theo một số cách nào đó, thị trường tự do nuôi dưỡng hoặc hỗ trợ hành vi bất công thay vì hành vi đúng đắn? Không phải thế. Nền kinh tế thị trường tự do là hình thái tổ chức hoạt động kinh tế năng suất nhất chỉ bởi nó phù hợp nhất với các nguyên tắc đạo đức vĩnh cữu. Nền kinh tế của bất kỳ xã hội nào đều gắn kết sâu sắc với những nguyên lý đạo đức và các giá trị dựa trên những nguyên lý đó, đấy là những thứ mà xã hội cam kết và trung thành. Hoặc, như Paul Johnson nói, “Ý thức đạo đức của xã hội có mối quan hệ trực tiếp với hiệu năng của nền kinh tế.”4

Hãy suy nghĩ về lời chứng thực của Wilhelm Roepke, một trong những nhà kinh tế học xuất sắc nhất thế kỷ XX. Ông đã viết: “Một trong những sai lầm nguy hiểm nhất của thời đại chúng ta là tin rằng tự do kinh tế và xã hội dựa trên tự do kinh tế hầu như không tương thích với các chuẩn mực đạo đức của quan điểm Ki-tô giáo nghiêm ngặt.” Theo quan điểm của Roepke, “sự thật hoàn toàn trái ngược với niềm tin phổ biến này: những lập luận có sức mạnh nhất để bảo vệ tự do kinh tế và kinh tế thị trường chính xác thuộc về khía cạnh đạo đức. Chính tự do kinh tế và kinh tế thị trường mới là những thứ mà chuẩn mực đạo đức Ki-tô giáo yêu cầu chứ không phải hệ thống kinh tế đối lập. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải tuyên bố rằng, tự do kinh tế và kinh tế thị trường tương tự đòi hỏi các chuẩn mực đạo đức. Tức cái này là điều kiện tồn tại cho cái kia.”

Roepke hiểu rằng “sự phân biệt giữa tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa được dựa trên sự khác biệt căn bản về quan niệm về cuộc sống và ý nghĩa của cuộc sống. Cách chúng ta phán xét vị trí của con người trong vũ trụ rốt cuộc sẽ quyết định việc chúng ta tin tưởng những giá trị cao nhất của chúng ta sẽ được hiện thực hoá tại các cá nhân hay tại cộng đồng, và việc chúng ta lựa chọn loại trước hay loại sau sẽ là khởi nguồn cho quan điểm chính trị của chúng ta. Một lần nữa, chúng ta nhận thấy tuyên bố nổi tiếng của Đức Hồng Y Manning là đúng đắn: ‘Mọi sự khác biệt của con người rốt cuộc đều là những thứ thuộc về tôn giáo.’” Kết luận: “Chúng ta nên đứng về phía nền kinh tế tự do ngay cả khi điều đó đòi hỏi phải hy sinh vật chất, và ngay cả khi chủ nghĩa xã hội hứa hẹn mang đến sự gia tăng của cải vật chất. Đó là sự may mắn không phải bỗng dưng mà chúng ta có; điều ngược lại mới là đúng.”5

Đơn vị gia đình

Trong khi vẫn ghi nhớ rằng nền kinh tế thị trường chỉ là một phần hoặc một lát cắt của xã hội, chúng ta vẫn thấy rằng chủ nghĩa tư bản không đơn thuần chỉ là một hệ thống kinh tế của những mối quan hệ tự nguyện. Cụ thể, nó là một hệ thống kinh tế dựa trên quyền tư hữu về tài sản, và là một thị trường hàng hóa, dịch vụ tự do, tương thích với bảng thứ hai của giáo luật luân lý (the second table of the moral law).

Điều răn thứ 5 trong Mười Điều Răn, “Hãy tôn kính cha mẹ,” ám chỉ rằng gia đình, chứ không phải nhà nước, là đơn vị kinh tế xã hội cơ bản của xã hội, và phải là cái vững mạnh nhất. Rushdoony đã lưu ý “xuyên suốt lịch sử, cơ quan phúc lợi xã hội cơ bản là gia đình. Gia đình, bằng việc chu cấp cho các thành viên khi đau ốm hoặc thiếu thốn, bằng việc giáo dục trẻ em, chăm sóc cha mẹ, và đương đầu với những tình huống khẩn cấp và thiên tai, đã và đang làm được nhiều hơn những gì nhà nước đã và có thể làm.”6 Một xã hội được xem như là có mức độ tự do kinh tế đáng kể luôn là một xã hội có những đơn vị gia đình vững mạnh, có thể tự lo liệu cho chính mình. Với chủ nghĩa xã hội thì ngược lại: mục tiêu cơ bản mà nó muốn hướng đến là phá hủy nền tảng gia đình vì lợi ích của tập thể lớn.

Điều răn thứ 6, “Không được sát sinh”, theo John Chamberlain, “đơn giản là mặt kia của quyền sống bất khả xâm phạm mà Locke và Jefferson đưa ra”7. John Calvin đã lý giải điều răn này như say: “điều răn này tựu trung có ý nghĩa như sau: chúng ta không nên vô cớ có hành động bạo lực với bất cứ ai.” Vì lẽ đó, “không được sát sinh” là sự biểu đạt chung cho việc nghiêm cấm gây thương tích, đe dọa bạo lực, và thực hiện bất kỳ ép buộc bất công nào từ phía cá nhân, nhóm, hoặc nhà nước, tóm lại là nghiêm cấm những hành động ngăn cản quyền tự do hợp pháp của con người.

Tự do kinh tế chỉ hình thành và phát triển mạnh ở những quốc gia hoặc cộng đồng nơi mà đa số coi sự tôn trọng cuộc sống của mọi người là giá trị tối cao, nơi mà sự an toàn cá nhân của hàng xóm và gia đình mỗi người thường được coi là thiêng liêng bất khả xâm phạm, và nơi khuyến khích những người nhân từ, làm một mình hay thông qua các hiệp hội thiện nguyện, hỗ trợ người nghèo và thiếu thốn. Điều này khác hoàn toàn với xã hội chỉ huy của chủ nghĩa xã hội, nơi mà những người trung thành với chế độ xã hội đó không chỉ thường xuyên nhận được mệnh lệnh mà còn tích cực thúc đẩy bạo lực, khủng bố, và tàn phá tầng lớp trung lưu. Trong những xã hội như vậy (bao gồm cả trường hợp nhà nước phúc lợi) “từ bi” được thể chế hóa, và trở thành độc quyền của nhà nước.

Điều răn thứ 7, “Không được ngoại tình”, dạy chúng ta, giống như điều răn thứ 9, rằng giao ước phải được tôn trọng và khinh bỉ trò hai mặt. Gary North viết “mối quan hệ lịch sử giữa tư tưởng kinh thánh về thỏa thuận ràng buộc (binding covenant) và tư tưởng phương Tây về hợp đồng ràng buộc (binding contract) là tương đối rõ ràng.8” Ý tưởng ký kết hợp đồng vì những lợi ích chung ngầm giả định có sự liêm chính và tin cậy ở mức độ cao giữa tất cả các bên tham gia giao dịch.

Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, nhà nước gia trưởng tìm cách dùng quyền kiểm soát và mệnh lệnh toàn năng của mình để thay thế vị trí thiêng liêng của các giao ước. Bằng biện pháp này, nhà nước đã đè nén cơ hội phát triển đạo đức và gia tăng niềm tin giữa những người tự do. Trên khía cạnh này, dễ dàng minh họa đạo đức xã hội chủ nghĩa qua thái độ của các quốc gia khối xã hội chủ nghĩa đương thời đối với việc thực hiện hiệp ước. Liên bang Xô Viết là ví dụ vi phạm mọi hiệp ước mà nước này từng kí kết. Không có một nền tảng đạo đức vững bền thì chẳng còn gì trong hệ thống đạo đức chủ nghĩa xã hội để lên án những hành động như vậy.

Sở hữu tư nhân

Quyền sở hữu tư nhân dựa trên điều răn thứ 8, “Không được ăn cắp.” Theo Giáo lý ngắn gọn hơn của Westminster, điều răn này yêu cầu “mua sắm hợp pháp và thúc đẩy hơn nữa sự giàu có và tài sản bên ngoài của chính chúng ta và những người khác.” Điều răn nghiêm cấm “làm bất cứ cái gì hoặc có thể cản trở một cách bất công sự giàu có và tài sản bên ngoài của chính ta hay người xung quanh ta.” Điều răn thứ 8 “hàm ý rằng Kinh thánh ủng hộ sở hữu tư nhân – vì nếu một vật lúc đầu không được sở hữu bởi ai đó, nó khó có thể bị ai đó đánh cắp.”9

Harold Lindsell, trong quá trình giải thích sự hận thù của các trí thức theo trường phái xã hội chủ nghĩa đối với sở hữu tư nhân, đã vạch trần thói đạo đức giả thường thấy của họ. Ông nhận xét rằng “các ý tưởng cũng là tài sản. Các giáo sư viết sách để trình bày ý tưởng của mình luôn tìm kiếm sự bảo hộ bản quyền tác giả để bảo vệ ngôn từ của họ trước nạn đạo văn. Tư bản luận của Các-Mác đã được bảo vệ nhờ luật bản quyền! Sự thật đơn giản là chủ nghĩa xã hội liên tục vi phạm tiền đề cơ bản của họ về sở hữu tư nhân trong các lĩnh vực như lĩnh vực bản quyền để kiếm lợi từ những người lao động của họ!”10

Điều răn thứ 9 cấm nói dối. Toàn bộ ý tưởng về thị trường tự do ngụ ý rằng các bên tham gia trao đổi tự nguyện sẽ không lừa dối lẫn nhau. Học thuyết về sự hài hoà lợi ích trong tình trạng tự do, để trở thành hiện thực, phụ thuộc nhiều vào sự tuân thủ gần như tự nguyện Điều răn này. Nói dối là điều không thể tránh khỏi trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Chẳng hạn, những người xã hội chủ nghĩa luôn phải lên án lợi nhuận và động cơ lợi nhuận. Nhưng sự thật là, các quốc gia xã hội chủ nghĩa cũng có đầu óc theo đuổi lợi nhuận như các quốc gia tư bản. Sự khác nhau là: ở các nước tư bản, cá nhân gặt hái lợi nhuận và tự mình quyết định sử dụng chúng như thế nào; còn ở các nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước thu lợi nhuận và quyết định sẽ phải làm gì với chúng. Dối trá, ngay cả về những điều cơ bản nhất, là đặc trưng của chủ nghĩa xã hội.

Điều răn thứ 10, “Không được thèm muốn,” “có nghĩa là ngay cả ngắm nghía việc chiếm đoạt hàng hóa của người khác cũng là tội lỗi – đó là điều mà những người xã hội chủ nghĩa, dù có theo Ki-tô giáo hay không, chưa bao giờ lấp liếm thành công.”11 Sự thèm muốn là gốc rễ của mọi tội ác xã hội.

Thói ghen tị tàn phá

Thói ghen tị, một khía cạnh trung tâm của lòng tham, liên quan đến không chỉ mong muốn chiếm hữu tài sản của người khác, mà còn – và có lẽ đáng tởm hơn – khao khát muốn chứng kiến sự giàu có hoặc địa vị của người khác bị giảm xuống mức của chính mình. “Ghen tị là thứ không thể tránh khỏi, không đội trời chung và không thế hòa giải được, là thứ bị kích động từ những khác biệt nhỏ nhất, là thứ độc lập với mức độ bất bình đẳng, là thứ xuất hiện với hình hài tồi tệ nhất trong quan hệ xã hội hoặc trong những quan hệ gần gũi, là thứ tạo ra động lực cho tất cả các cuộc cách mạng xã hội, nhưng lại là thứ không thể tự sản sinh ra bất kỳ cương lĩnh cách mạng thống nhất nào.”12

Rushdoony chỉ ra rằng điều răn thứ 10 “nghiêm cấm việc chiếm đoạt tài sản của hàng xóm láng giềng bằng các hình thức gian lận hoặc lừa dối. Vì thế, điều răn thứ 10 không chỉ tổng kết các điều răn từ 6 đến 9, mà còn bổ sung thêm một quan điểm. Các điều răn khác rõ ràng liên quan đến những hành vi phi pháp rõ ràng, nghĩa là, có thể thấy ngay là vi phạm luật lệ. Điều răn thứ 10 có thể được phân nhỏ trong các luật lệ này.” Luật cấm trục lợi bất chính “được Chúa Trời ban xuống, không chỉ hướng tới cá nhân, mà còn xuống nhà nước và các tổ chức. Nhà nước có thể phạm tội và thường xuyên phạm tội như bất kỳ cá nhân nào, và nhà nước thường sử dụng những phương tiện pháp lý để lừa gạt những người khác, nhằm chiếm đoạt tài sản của họ.”14 Chủ nghĩa xã hội, thông qua việc sử dụng lực lượng cảnh sát quốc gia nhằm mục đích tước đoạt tài sản của nhà sản xuất để chuyển giao cho những người không sản xuất, là một hình thức thể chế hóa sự ghen tỵ.

Chúa Giê-Su đã tóm tắt Bảng 2 của giới luật như thế này: “Ngươi phải yêu hàng xóm láng giềng như chính mình.”  Shenfield nhận thấy rằng chúng ta thường hiểu đây là yêu cầu phải yêu người xung quanh ta “theo nghĩa chữa chạy cho người ốm đau, cứu giúp người nghèo, xoa dịu nỗi đau khổ của con người, và những việc tương tự như vậy.” Tiếp đó, ông suy luận, bất kể tình yêu mang ý nghĩa gì khác, “Nó phải có nghĩa là một người cầu chúc cho hàng xóm của mình cũng có được những thứ mà chính bản thân anh ta thấy có giá trị nhất …” Cuối cùng, ông phân tích, “điều mà chúng ta muốn có trên hết thảy, và vì vậy cũng là điều mong muốn cho những người xung quanh mình, chính là tự do theo đuổi mục đích của riêng mình.”15

Do vậy, kết luận của chúng tôi là: việc cho rằng chủ nghĩa tư bản mang bản chất vô đạo đức không chỉ sai, mà điều ngược lại mới là đúng. Chỉ có chế độ tư bản chủ nghĩa luôn bị chỉ trích, dưới mọi hình thái tổ chức các hoạt động kinh tế đương đại, là được thành lập dựa trên và phù hợp với một nền tảng đạo đức vững bền.

Chú thích:

(1) Owen Chadwick, The Secularization of the European Mind in the Nineteenth Century (Cambridge University Press, 1975), tr. 64

(2) Michael Novak, The Spirit of Democratic Capitalism (New York: Simon & Schuster, 1982), tr. 262.

(3) Arthur Shenfield, Imprimis, "Capitalism Under the Tests of Ethics," quyển 10, số 12, tháng 12, 1981, các trang 1, 2, 5.

(4)  Paul Johnson, Enemies of Society (New York: Atheneum, 1977), tr. 191.

(5) Những trích đoạn về phát biểu của Roepke có thể tìm thấy trong "The Moral Necessity of Economic Freedom," Intercollegiate Studies Institute, Inc., ISI Brief Essay Series, No. 1. Trích dẫn lại với sự đồng ý của Christian Economics.

(6)  R. J. Rushdoony, The Institutes of Biblical Law (Nutley, N.J.: The Craig Press, 1973), tr. 81.

(7)  John Chamberlain, The Roots of Capitalism (Princeton, N.J.: D. Van Nostrand Company, Inc., 1965), tr. 46.

(8)  Gary North, Chalcedon Report, "The Yoke of Co-operative Service," số 123, tháng 11, 1975.

(9) Chamberlain, như trên, tr. 46.

(10) Harold Lindsell, Free Enterprise (Wheaton, Illinois: Tyndale House Publishers, Inc., 1982), pp. 52-53.

(11) Chamberlain, như trên, tr. 46.

(12) Helmut Schoeck, Envy (New York: Harcourt, Brace & World, Inc., 1970), tr. 247.

(13) Rushdoony, như trên, pp. 634-5.

(14) Rushdoony, như trên, pp. 634-5.

(15) Shenfield, như trên, p. 6.

Nguồn: Trích chương 12 cuốn Nền tảng đạo đức của kinh tế thị trường, “Mark W. Hendrickson (chủ biên), The Morality of Capitalism, The Freeman”, 8/1983

Dịch giả:
Trần Thị Ngọc Bích
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Hendrickson, Mark W.