Thị trường và đạo đức

Thị trường và đạo đức

 
 
 
 
 
 
 
 
 

Hầu hết chúng ta đều đồng ý rằng chủ nghĩa tư bản tốt hơn các hệ thống kinh tế khác, chẳng hạn chủ nghĩa xã hội, về khả năng cung ứng hàng hóa và dịch vụ. Dù vậy, quyền tư hữu và nền kinh tế thị trường vẫn bị nhiều người chỉ trích. Họ cho rằng nên đưa thêm nhiều yếu tố xã hội chủ nghĩa hoặc chí ít là trao thêm nhiều quyền lực chỉ huy nền kinh tế cho chính phủ. Họ biện luận rằng mặc dù chủ nghĩa tư bản tạo ra nhiều hàng hóa theo nghĩa vật chất thuần túy, nhưng đức hạnh lại không song hành với quá trình này. Nghĩa là, chủ nghĩa tư bản không đáp ứng được những tiêu chuẩn cơ bản về công lý (justice).

Bài viết này phản bác lại quan niệm trên thông qua việc xem xét một số lĩnh vực mà tại đó các khía cạnh đạo đức phát triển song hành với thị trường. Lập luận này không có nghĩa là một xã hội dựa trên nền kinh tế thị trường tự do đồng nhất với một xã hội đạo đức; mọi người có thể hành xử một cách có đạo đức hay không có đạo đức trong một xã hội dựa trên thị trường tự do, giống như cách họ hành xử trong xã hội dựa trên các hệ thống khác. Tuy vậy, chủ nghĩa tư bản vẫn có một số ưu điểm đạo đức mà các hệ thống kinh tế khác không có.

Mặc dù nền kinh tế thị trường vẫn thường được xem như một phương thức quản lý đối chọi với phương thức quản lý tập trung hay mô hình sở hữu nhà nước về phương tiện sản xuất, nó không phải là một chế độ cứng nhắc như chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản. Cái chúng ta vẫn gọi là chủ nghĩa tư bản hay một xã hội dựa trên thị trường tự do là một xã hội dựa trên các quyền tư hữu. Cá nhân có thể sở hữu, mua và bán tài sản của họ (gồm cả sức lao động của họ) miễn là họ không có hành vi lừa đảo. Và họ được tự do và toàn quyền sử dụng quyền tư hữu đó, miễn là các hành động của họ không gây hại cho người khác. Cá nhân có thể trao đổi hay chuyển nhượng tài sản của họ với người khác, nhờ đó thị trường được hình thành. Không có người nào điều khiển quá trình mua bán trên thị trường. Để vận hành, nó chỉ cần một cơ chế rõ ràng, đảm bảo các quyền tư hữu cho mọi người.

Chủ nghĩa tư bản mang trong mình khả năng đáp ứng quyền tự do chọn lựa, khuyến khích sự hợp tác, đề cao tính trách nhiệm, nâng cao mức sống cho hầu hết mọi người trong xã hội, và kiểm soát, hạn chế việc lạm dụng quyền lực.

Tự do lựa chọn

Hệ thống kinh tế thị trường hầu như không áp đặt một lối sống lý tưởng nào. Các chế độ xã hội khác có thể áp đặt hay cấm đoán các hình thức hợp tác xã, hình thức cộng đồng, hay tổ chức gia đình trong sản xuất kinh tế. Nhưng trong nền kinh tế dựa trên tư hữu, rất nhiều dạng thức tổ chức có thể cùng tồn tại song hành. Nếu ai đó thích hình thức hợp tác xã, họ có thể áp dụng; nhưng điều này không ngăn cản việc sử dụng các dạng thức tổ chức sản xuất khác. Và, nếu ai đó muốn phớt lờ thị trường hoặc muốn tạo dựng các thể chế khác thì anh ta cứ việc làm thế.

Lịch sử chỉ ra rằng tồn tại một số nhóm người lựa chọn phần lớn hoạt động kinh tế của họ nằm ngoài thị trường. Một nhóm như thế là cộng đồng người Hutterite sống ở phía Bắc vùng đồng bằng rộng lớn miền Tây nước Mỹ và Canada. Điều đáng lưu ý là có tới hơn 200 cụm người Hutterite sống bằng nghề nông. Họ đã thành công trong việc duy trì và mở rộng cộng đồng của mình. Nhưng họ lại hoàn toàn xa lạ với hình thức kinh tế tư bản. Tất cả tài sản, ngoại trừ những đồ vật cá nhân cơ bản, trên vùng đất của người Hutterite đều là của chung. Tất cả thu nhập được chia đều cho mọi người và mọi lao động đều không hưởng lương.

Người Hutterite đã thiết lập các cụm dân cư của mình mà không cần bất kỳ sự chấp thuận trước đó của bất cứ người nào trong xã hội. Chẳng cần ủy ban, chẳng cần cơ quan chính phủ, hay những công dân ưu tú nào phải ngồi lại với nhau để quyết định cấp phép cho cách sống của người Hutterite. Quyền tự do lựa chọn chính là một điểm độc đáo nhất của xã hội dựa trên nền kinh tế thị trường tự do.

Trái lại, trong một xã hội có nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, mọi người không được phép tự do tiến hành các giao dịch trên thị trường. Trao đổi tự nguyện bị khống chế vào các mục tiêu mà nhà nước cho là cần thiết. Và không nghi ngờ gì, nhà nước sẽ khống chế hoạt động của các cộng đồng như cộng đồng người Hutterite nếu như nhà cầm quyền không thích kiểu sống của cộng đồng người Hutterite.

Hợp tác đối nghịch với xung đột

Hệ thống tư hữu, thị trường tự do thường được gắn thêm nhãn cạnh tranh. Tuy thế, một trong những ưu điểm chính của nền kinh tế thị trường là khuyến khích sự hợp tác thay vì thuần túy cạnh tranh. Cạnh tranh dĩ nhiên tồn tại trong nền kinh tế thị trường, nhưng cạnh tranh là hiện tượng phổ biến ở bất kỳ xã hội nào có sự khan hiếm.

Trên thương trường, những kẻ cạnh tranh thành công phải hợp tác hay thỏa mãn được nhu cầu của khách hàng của họ. Trong hệ thống đảm bảo quyền tư hữu, các cá nhân phải đưa ra các đề nghị, thỏa thuận làm ăn hấp dẫn hơn đối thủ thì mới thành công. Họ không thể bắt ép người ta phải mua sản phẩm hay dịch vụ của họ. Họ phải tập trung trí tuệ và công sức để tìm cách thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Và ai là người làm tốt nhất sẽ là người thành công. Những người tham gia nền kinh tế thị trường – người bán và người mua – liên tục tìm kiếm những lĩnh vực mà họ có thể cùng song hành với nhau thay vì mất thời gian vào những lĩnh vực chỉ có bất đồng.

Trái lại, trong hệ thống kinh tế tập thể, phần thưởng thường là kết quả của đấu đá. Trong cái hệ thống đó, những kẻ có địa vị chính trị cao thường ít có động lực tìm kiếm những lĩnh vực đòi sự đồng thuận. Nói chung, họ dễ đạt được thành công hơn bằng cách hạ thấp uy tín đối thủ để củng cố địa vị của mình. Họ chỉ tìm kiếm sự đồng thuận khi các đối thủ mạnh hơn họ.

Sự chia rẽ gây ra bởi quyết định tập thể có thể thấy rõ qua minh họa về các cuộc tranh luận gay gắt xoay quanh việc giảng dạy nguồn gốc loài người. Hội đồng trường – vốn phải đưa ra các quyết định tập thể – phải quyết định xem dạy học sinh rằng loài người do Chúa trời tạo ra hay là do quá trình tiến hóa. Đây là các quyết định gây tranh cãi. Những người không đồng ý với quyết định của hội đồng trường bắt đầu viết bài lên các tờ báo, vận động hành lang, thuê luật sư, … nói chung là trở nên rất bức xúc. Đây là điều không thể tránh khỏi khi phải đưa ra các quyết định tập thể về các vấn đề nhạy cảm, vì các quyết định tập thể, gồm cả quyết định đưa ra bởi đa số, luôn đối nghịch với mong muốn của nhóm thiểu số. Trong trường hợp này, những người ra quyết định bị kẹt trong tình huống bất phân thắng bại. Nếu hội đồng cho phép dạy thuyết Chúa sáng thế, những người ủng hộ thuyết tiến hóa sẽ nổi giận. Nếu hội đồng quyết định dạy thuyết tiến hóa thì những người ủng hộ thuyết Chúa sáng thế sẽ cảm thấy bị xúc phạm.

Bây giờ chúng ta xem xét quyết định trở thành người ăn chay hay người ăn mặn. Trong vấn đề này, một số người cảm thấy còn nặng nề hơn trường hợp tranh luận về nguồn gốc loài người. Tuy nhiên, khả năng gây tranh cãi của vấn đề này là rất ít. Chế độ ăn uống không cần tập thể quyết định. Vì vậy mọi người có thể sống với nhau thoải mái hơn. Một người tin việc tránh ăn mặn là khỏe hơn và hợp đạo lý hơn cứ tiếp tục ăn chay mà không cần phản đối người ăn mặn. Họ có thể tìm những nhà cung cấp và siêu thị bán đồ ăn chay để thỏa mãn mong muốn của họ. Bạn có thể thấy người ăn chay và người ăn mặn mua hàng cùng một cửa hàng, đẩy xe hàng bên nhau mà không thấy sự xung đột nào. Mọi người có được cuộc sống yên vui chính là vì không có quyết định áp đặt của tập thể lên họ.

Hệ thống kinh tế thị trường tạo ra một xã hội hài hòa. Đây là một điều rất lý thú đối với những người quan tâm tới các vấn đề đạo đức. Trong hệ thống đảm bảo quyền tư hữu và thị trường tự do, những người dù khác nhau về văn hóa, giá trị, và thế giới quan vẫn có thể sống cùng nhau mà không có nhiều hiềm thù. Trật tự thị trường chỉ cần sự đồng thuận tối thiểu về các mục tiêu cá nhân hay đích cuối cùng cho toàn xã hội.

Trái lại, các thể chế quyền lực khác lại định hướng quá mức tới các mục tiêu được quyết định bởi chính quyền trung ương. Sự tồn tại của những thế chế như vậy đòi hỏi một sự đồng thuận sâu rộng về cái gì là “tốt” cho xã hội. Do hệ thống kế hoạch hóa tập trung không dựa trên việc trao đổi tự nguyện trong công việc, nó buộc phải chỉ đạo các cá nhân lao động để đạt được các mục tiêu chung; và các mục tiêu chung này thường không nhất thiết cũng là mục tiêu mà công nhân và người tiêu dùng mong muốn. Chẳng hạn như việc chọn nghề ở Liên Xô. Người dân có rất ít tự do trong lựa chọn nghề nghiệp và một khi đã được giao cho làm một việc rồi thì rất khó chuyển sang làm việc khác.

Một lý do nữa giải thích vì sao xã hội dựa trên nền tảng hệ thống đảm bảo quyền tư hữu lại có được sự hài hòa là: hệ thống này bắt buộc mọi người phải có trách nhiệm với việc mình làm. Trong chế độ tư hữu, một người gây thương tật cho người khác hoặc gây hại tới tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm với những việc mình gây hại, và tòa án sẽ giám sát việc thực thi trách nhiệm đó. Quan niệm “phải trả giá cho thiệt hại mà mình gây ra” có tác dụng răn đe mọi người, làm cho mọi người thấy rằng phải sống cẩn thận và có trách nhiệm hơn. Khi mỗi người có ý thức trách nhiệm với hành động của mình, tự do cá nhân có thể được bảo đảm.

Trái lại, hệ thống kế hoạch hóa tập trung không hề đề cao trách nhiệm cá nhân. Mặc dù trên lý thuyết chính phủ chịu trách nhiệm đảm bảo các quyền cho dân chúng, nhưng các quyền trong hệ thống đó rất mập mờ, không rõ ràng. Chính phủ đó thực chất chỉ đáp ứng nguyện vọng, quyền lợi và đòi hỏi của thiểu số những người nắm quyền lực, và rất ít quan tâm đến quyền lợi và mong muốn của đa số không có quyền lực. Ngay cả trong các thể chế dân chủ, nếu chính phủ nắm quyền ban phát đặc ân, những nhóm nắm trong tay nhiều quyền lực sẽ cố gắng lợi dụng điều đó để hưởng lợi. Thứ mà những nhóm này lấy đi có thể rất rất có giá trị đối với những người đã bị tước đoạt.

Thế giới quan tổng-bằng-không và thế giới quan tổng-dương

Rất nhiều các lý lẽ phản đối quyền tư hữu đều dựa trên luận điểm phân phối thu nhập. Những người có thiện ý thường nghĩ rằng thật là bất công khi có một số kẻ sống xa hoa trong khi những người còn lại sống trong bần hàn. Tôi cũng đồng tình với luận điểm cho rằng những người giàu cần có trách nhiệm đạo đức trong việc chia sẻ của cải của họ với những người nghèo khổ. Nhưng điều đó không có nghĩa là nhà nước nên đứng ra thực hiện việc phân phối của cải đó.

Khá nhiều người phản đối tình trạng chênh lệch giàu nghèo bắt nguồn từ một hiểu lầm cơ bản về nguồn gốc của tài sản. Họ tin rằng những người có được cuộc sống xa hoa là vì có những người khác sống trong sự nghèo khổ. Về cơ bản điều này không đúng.

Thế giới chúng ta sống không phải là thế giới tổng-bằng-không. Nghĩa là, của cải trên thế giới không bị giới hạn đến mức phải lên kế hoạch phân chia nó cho tất cả, với một số người có nhiều hơn và một số có ít hơn. Chúng ta có thể có tài sản bằng cách lấy của người khác. Nhưng chúng ta có thể tạo ra của cải bằng cách làm việc tích cực thật sự. Khi đó, của cải sẽ là phần gia tăng đóng góp vào sự thịnh vượng của xã hội. Từ sau cuộc Cách mạng công nghiệp, tỉ lệ của cải trên đầu người đã gia tăng đáng kể. Điều đó chứng tỏ rằng của cải tăng lên chủ yếu là nhờ lao động chứ không phải lấy của người khác.

Trong một hệ thống, nơi các quyền tư hữu được xác định và bảo vệ, chỉ có một loại giao dịch duy nhất mà mọi người tham gia là các giao dịch tổng-dương hay các giao dịch tạo ra của cải vì tất cả các bên tham gia giao dịch đều tin rằng họ sẽ trở nên giàu có hơn. Trong một xã hội mà mọi người được đảm bảo quyền tư hữu, họ sẽ tiến hành việc trao đổi chỉ dưới hình thức tự nguyện, và họ sẽ chỉ làm thế khi họ thấy điều đó sẽ cải thiện đời sống của họ. Các bên đối tác cũng vậy, họ chỉ tham gia giao dịch khi họ tin rằng họ sẽ có lợi từ việc trao đổi.

Một thế giới tổng-bằng-không, nơi một người giàu có chỉ duy nhất bằng cách làm giảm tài sản của những người còn lại, chỉ xảy ra khi các quyền sở hữu không được đảm bảo. Trong thế giới như thế, tồn tại những kẻ – hoặc bằng cách cướp bóc hoặc bằng cách sử dụng quyền lực của chính phủ – có được tài sản bất chấp sự cho phép của người chủ tài sản.

Một vài người phê phán rằng rất nhiều giao dịch trên thị trường không phải là hoàn toàn tự nguyện, rằng có nhiều người bị hoàn cảnh thúc ép phải tham gia vào những giao dịch mà họ không hề muốn. Chẳng hạn, họ lập luận rằng người chủ bóc lột những người làm thuê bằng cách trả lương cho họ thấp nhất có thể. Tuy nhiên, ở một xã hội mà mọi người được làm việc tự nguyện, không có cưỡng ép, thì việc họ chấp thuận những việc làm như vậy có nghĩa là không có mức lương nào tốt hơn. Thậm chí không hề quá lời rằng người chủ đang mở ra cơ hội cho những người không may. Ví dụ, nếu luật quy định rằng tiền lương tối thiểu là 4 USD, thì người chủ sẽ không thể thuê người để làm những công việc chỉ đáng giá 2 USD. Đương nhiên là những người chỉ làm được việc đáng giá 2 USD sẽ mất đi cơ hội kiếm tiền từ sức lao động của chính mình.

Cách thức duy nhất chính phủ có thể trợ giúp những người kém may mắn kia là chia cho họ tài sản được lấy từ người khác; điều này trái ngược với cách làm của khu vực tư nhân là dựa trên sự đóng góp tự nguyện của các cá nhân. Ở trên ta đã công nhận việc của cải thường được tạo ra bởi những người hữu sản, chứ không phải lấy từ người khác, nên việc chính phủ phân phối lại của cải sẽ làm suy giảm nền tảng đạo đức xã hội. Một người nỗ lực sáng tạo tạo ra thêm của cải mà không làm giảm sự phồn thịnh của người khác thì xứng đáng được hưởng trọn thành quả của mình.

Hơn nữa, trong hệ thống tư hữu dựa vào cơ chế thị trường, lượng tài sản mà bạn tích lũy thêm phản ánh một cách tương đối lượng của cải bạn đã cung ứng cho người khác. Trong nền kinh tế thị trường, cách duy nhất để trở nên giàu có là phải làm hài lòng khách hàng. Và cách để trở nên cực kỳ giàu có là phải làm hài lòng số đông khách hàng. Henry Ford đã thành công trong việc cung cấp cho số đông loại xe ô tô thỏa mãn nhu cầu đi lại của họ với mức giá khá rẻ. Và ông ta đã trở nên giàu sụ. Trái lại, Henry Royce lại chọn chỉ phục vụ những người thu nhập cao với dòng sản phẩm ô tô đắt tiền. Và tài sản của ông ta đã bị suy giảm. Việc trừng phạt những người như Henry Ford bằng cách tước đoạt phần lớn tài sản của họ thật sự là một hành động bất công.

Thật đáng tiếc là thế giới quan sai lầm tổng-bằng-không vẫn khá phổ biến. Nhiều người thảo luận về sự nghèo khó của Thế giới Thứ ba tin rằng chỉ cần các nước giàu có không giàu như vậy thì những nước nghèo sẽ trở nên giàu hơn. Mặc dù đúng là có thể một số tài sản của một số người được lấy từ người khác, nhưng đây không phải là hiện tượng phổ biến. Và nếu như điều này thực sự xảy ra, giải pháp tốt nhất là chuyển đến một đất nước có chế độ bảo vệ quyền tư hữu.

Mỉa mai thay, cách nhìn thế giới tổng-bằng-không làm cho tình trạng thêm tồi tệ. Những người có cách nhìn đó thường ủng hộ chính sách sử dụng biện pháp chính trị để tái phân phối quyền sở hữu trên quy mô rộng. Chính sách tái phân phối như thế khuyến khích, hay chính xác hơn là buộc, mọi người tham gia vào cuộc tranh giành. Chúng ta đều biết chiến tranh luôn luôn tốn công sức và tiền bạc cho dù nó xảy ra trên chiến trường hay trong hành lang Quốc hội. Khi chính phủ có thể cung ứng các ưu đãi thì sẽ có rất nhiều người dân tìm cách tranh giành những đặc ân đó, đồng thời những người khác lại cố hết sức vận động để giữ những thứ họ đang có. Kết quả là, của cải còn lại sau quá trình tái phân phối sẽ ít hơn so với trước khi tái phân phối.

Quyền lực

Những bi kịch lớn nhất trong lịch sử loài người đều xảy ra khi một vài người có quyền lực quá lớn so với người khác. Quyền lực này đôi khi là quyền lực kinh tế và đôi khi là quyền lực chính trị. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, quyền lực hạn chế quyền tự do lựa chọn của người khác là nguyên nhân của sự bất hạnh, đau đớn không gì diễn tả nổi. Vậy thì kiểu thể chế nào phân chia quyền lực tốt nhất và ngăn chặn những kẻ nắm quyền lạm dụng quyền lực của họ đối với cuộc sống của những người còn lại?

Câu hỏi trên cần phải được trả lời trong bối cảnh thế giới hiện thực này vận hành như thế nào. Bất kể một thể chế được hình thành ra sao thì luôn có một số người nắm giữ quyền lực nhiều hơn những người còn lại. Vấn đề thực sự ở đây không phải là tạo ra một thứ luật lệ có khả năng ngăn cản tuyệt đối một người kiểm soát một ai đó khác mà thay vào đó là tạo ra một thể chế hạn chế tốt nhất sự tập trung và lạm dụng quyền lực.

Lịch sử có đầy những thí dụ về sự lạm dụng quyền lực trong tay nhà nước. Bởi vậy ta nên nghi ngờ các thể chế dựa vào việc tập trung quyền lực lớn trong tay nhà nước, ngay cả khi mục tiêu mà nó tuyên bố là để hiệu chỉnh các bất công trong nền kinh tế tư nhân. Những xã hội không có quyền tư hữu thường tập trung rất nhiều quyền lực trong tay một số ít người. Và theo truyền thống, quyền lực đó thường bị lạm dụng một cách tồi tệ.

Một thể chế đáng được ủng hộ là một thể chế tại đó nhà nước có luật lệ rõ ràng nhằm ngăn chặn các cá nhân làm hại người khác, nhưng đồng thời nhà nước đó cũng phải bị giới hạn để không làm hại các cá nhân. Một xã hội với chính phủ có trách nhiệm trong việc xác lập và bảo vệ quyền tư hữu, đồng thời các chức năng của chính phủ bị giới hạn bởi hiến pháp là một kết hợp tốt. Một hệ thống như thế sẽ phân tán quyền lực và kiềm chế các cá nhân, không để họ làm hại những người khác.

Kết luận

Còn nhiều điều nữa để nói về tư hữu và hệ thống kinh tế thị trường. Một hệ thống được xem là có đạo đức hơn nếu như nó làm cho mọi người có trách nhiệm với hành động của mình và khuyến khích mọi người giúp đỡ người khác chứ không làm hại người khác.

Thế nhưng điều này không có nghĩa là hệ thống kinh tế thị trường có thể thay thế được cho một xã hội nơi mọi người sống trên nền tảng lương tâm, đạo đức. Đạo đức cá nhân tất nhiên sẽ làm cho chủ nghĩa tư bản tốt hơn như điều nó vẫn làm với bất kỳ hệ thống tổ chức xã hội nào khác. Sự trung thực, lòng trắc ẩn và sự đồng cảm làm cho thế giới này tốt đẹp hơn, bất kể chúng ta sống trong chính thể nào. Chủ nghĩa tư bản không hề phá hủy hay xóa bỏ những giá trị này. Khi xem xét các hệ thống kinh tế khác nhau trong khuôn khổ đạo đức và luân lý, thì hệ thống dựa trên thị trường và quyền tư hữu là hệ thống cho chúng ta nhiều lý do đáng mong muốn hơn. Thị trường và đạo đức có thể bổ trợ lẫn nhau để duy trì một xã hội có công lý.

Nguồn: Trích chương 7 cuốn Nền tảng đạo đức của kinh tế thị trường, "Mark W. Hendrickson (chủ biên), The Morality of Capitalism, The Freeman", 2/1989

 

 
 
Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Hendrickson, Mark W.