Vài nét về đạo đức học của chủ nghĩa khách quan
Chủ nghĩa Khách quan (Objectivism) do nữ triết gia và là văn sỹ người Mỹ gốc Nga, Ayn Rand (1915-1982), sáng lập. Triết học Rand được xây dựng cơ bản từ hai tiểu thuyết chủ yếu của bà, là "The Fountainhead" (1943) và "Atlas Shrugged" (1957). Thuật ngữ "Chủ nghĩa Khách quan" được đưa ra vào khoảng cuối 1960, đầu 1961. Trong những năm 60, Rand đã viết một loạt các tác phẩm lý luận khác, trực tiếp bàn về quan điểm đạo đức học, về nhận thức luận, về quan điểm chính trị và nghệ thuật.
Lý luận của Chủ nghĩa Khách quan được xây dựng trong một hệ thống gồm bốn phạm vi vấn đề: siêu hình học, nhận thức luận, đạo đức học, và chính trị học.
Về mặt siêu hình học, Chủ nghĩa Khách quan cho rằng thực tại tồn tại như những thực thể hoàn toàn khách quan, bên ngoài ý thức.
Nhiệm vụ của nhận thức là lĩnh hội thực tại đó, không phải là tạo tác nên hay là phát minh ra nó.
Về nhận thức luận, Chủ nghĩa Khách quan khẳng định vai trò của lý tính. Lý tính là công cụ duy nhất của nhận thức và tri thức, là cái dẫn đường duy nhất của hành động, là công cụ cơ bản của sự sống còn của con người.
Đạo đức học của Chủ nghĩa Khách quan khẳng định nguyên tắc tư lợi của mỗi con người, và con người sống là để đấu tranh cho lợi ích cá nhân tự thân.
Về chính trị học, Chủ nghĩa Khách quan ủng hộ đường lối kinh tế tự do tư bản chủ nghĩa, và hơn nữa, là một thể chế kinh tế - chính trị hoàn toàn tuyệt đối tự do kinh doanh.
Sau Rand, đã xuất hiện một lớp các nhà khách quan chủ nghĩa, trong đó người được đánh giá hàng đầu hiện nay là Leonard Peikoff.
Sau vài nét tổng quan, tiếp theo xin được trình bày những nét đặt trưng của học thuyết đạo đức học của Chủ nghĩa Khách quan.
Quan điểm của Chủ nghĩa Khách quan khẳng định rằng tiêu chuẩn thích đáng nhất của đạo đức là sự tồn tại của con người với tư cách cá nhân. Và đó cũng là đòi hỏi từ ngay chính bản chất con người - mà họ cho là bản chất lý tính. Như thế nào là con người tồn tại với tư cách con người? Rand trả lời: "Con người - mỗi con người - là mục đích của chính anh ta, mà không phải là công cụ cho mục đích của người khác. Anh ta phải tồn tại cho lợi ích của chính mình, không hy sinh mình cho người khác. Mà cũng không có sự hy sinh của người khác cho chính mình. Theo đuổi sự tư lợi lý trí và niềm hạnh phúc của bản thân là mục đích đạo đức cao nhất của cuộc đời anh ta"[1].
Kẻ thù bậc nhất của đạo đức học khách quan chủ nghĩa là nhà triết học vĩ đại I. Kant. Những người khách quan chủ nghĩa cho rằng chính vì chủ nghĩa hư vô trong lý luận nhận thức của Kant đã quét sạch nhận thức ra khỏi việc nhận diện thế giới, nên chủ nghĩa hư vô trong đạo đức học của ông đã quét sạch đạo đức - lĩnh vực của những giá trị - ra khỏi bất kỳ một niềm vui sướng nào của cuộc sống. Sự phê phán gay gắt này xuất phát từ chỗ đạo đức học của Kant được xem là một loại chủ nghĩa khắc kỷ gần như triệt để. Ông cho rằng giá trị của đạo đức chỉ là ở chỗ ý thức và thực hiện nghĩa vụ, điều mà ông cho là có tính cách tiên thiên ở con người. Ông đòi hỏi con người phải hy sinh, quên mình, chịu mất mát, kiềm chế bản thân…
Đạo đức học khách quan chủ nghĩa cũng bác bỏ Vị tha luận (Altruism)[2], là quan niệm đạo đức cho rằng cuộc sống là vì người khác, là để phụng sự xã hội. Tập thể luận (Collectivism) cũng cùng số phận như vậy vì nó lấy cái chung, cái xã hội làm mục đích của đạo đức mà quên đi cá nhân. "Chủ nghĩa tập thể-tha nhân" (Altristcollectivism) là khái niệm mà Rand dùng để chỉ một lý luận, một trạng thái của bất kỳ xã hội nào, từ cổ chí kim, lấy sức mạnh của số đông, của tổng thể xã hội để đè bẹp con người, đè bẹp niềm hạnh phúc và quyền mưu cầu hạnh phúc, đè bẹp những thành đạt và thụ hưởng cá nhân; buộc các cá nhân, bằng việc sử dụng sức mạnh bạo lực dưới hình thức này hay hình thức khác, phải hy sinh, chia sẻ, hay chịu sự tước đoạt lợi ích, của cải của mình, cho người khác.
Rand cho rằng gần như toàn bộ các xã hội, cho đến nay, đều là những biến thể khác nhau của chủ nghĩa tập thể-tha nhân này. Nó cũng là toàn bộ lịch sử của đạo đức, nhưng là loại đạo đức với tiêu chuẩn ngầm định rằng cái tốt thì phải là cái tốt cho xã hội, còn cá nhân chỉ là những công cụ biết hy sinh và phụng sự cần mẫn. Một trạng thái lịch sử, xã hội như vậy, theo Rand, thì những nguyên tắc đạo đức chỉ là cái ràng buộc đối với cá nhân mà không ràng buộc đối với xã hội; xã hội mặc nhiên nằm ngoài quy luật đạo đức, nhưng lại là cái xuất phát và là thế lực độc quyền giải thích loại quy luật này. Rand đòi hỏi xã hội cũng phải tuân thủ đạo đức, cũng phải có đạo đức với chính những thành viên của nó, tức những cá nhân.
Với những quan điểm như vậy, những người khách quan chủ nghĩa khẳng định lý luận của mình là chủ nghĩa vị kỷ lý tính.
Đạo đức học của Chủ nghĩa Khách quan bắt đầu với câu hỏi cơ bản là tại sao đạo đức là cần thiết. Peikoff cho rằng câu trả lời là chính ở bản chất của con người như một cơ thể sống. Cơ thể đó phải hoạt động trong tình trạng đối mặt với hai trạng thái đối lập nhau, là sự sống và cái chết. Sự sống là điều kiện, nhưng để duy trì sự sống, con người, như bao động vật khác, phải tiếp nhận nguồn thức ăn. Đối với động vật, trong việc này, chúng gần như được thực hiện tự động trong tự nhiên. Trái lại, con người không biết đến cái "tự động được nuôi sống", mà để tồn tại, họ phải tìm kiếm, phải thực hiện những chọn lựa, phải tuân thủ những quy tắc giá trị và phẩm hạnh. Và mục đích của đạo đức là đề ra những quy tắc như vậy. Rand viết: "Đạo đức, như một thiết yếu siêu vật lý, khách quan của sự tồn tại con người, không phải là ơn huệ của một đấng siêu nhiên, của đồng loại, mà cũng không phải là từ những cái nhất thời, mà là ơn huệ của chính thực tại và bản chất cuộc sống"[3].
Việc liên kết từ cơ sở đầu tiên của mọi tồn tại con người từ một cơ thể của sinh vật đến suy nghĩ, tư duy, rồi đến đạo đức như vậy, Peikoff đã hãnh diện tuyên bố rằng Chủ nghĩa Khách quan là triết học đầu tiên nhận diện được quan hệ giữa đời sống sinh vật của con người và những giá trị đạo đức.
John Galt, nhân vật chính của tiểu thuyết "Atlas Shrugged", nói: "Tư duy là công cụ sống còn cơ bản của một con người. Cuộc sống thì có sẵn cho anh ta, nhưng sống còn trong cuộc sống đó thì không như vậy. Thể xác thì có sẵn cho anh ta, nhưng nhu cầu tối thiểu cho thể xác đó thì không như vậy. Đầu óc để suy nghĩ thì có sẵn cho anh ta, nhưng nội dung của nó thì không sẵn có. Để duy trì sự sống, anh ta phải hoạt động, và trước khi có thể hoạt động, anh ta phải biết bản chất và mục đích của hoạt động đó. Anh ta không thể đào một cái mương hay chế tạo một máy gia tốc mà không biết gì về mục đích của mình và về công cụ nào để thực hiện điều đó. Để duy trì cuộc sống, anh ta phải suy nghĩ"[4].
Cuộc sống con người như một thể toàn vẹn, hàm chứa tư duy tự thân như vậy được gọi là tồn tại lý tính, và tất cả giá trị đạo đức của Chủ nghĩa Khách quan dường như rất đơn giản: "Tất cả những gì thích đáng với đời sống của một tồn tại lý tính, là điều tốt, tất cả những gì mà phá hoại nó, là điều xấu"[5]. Thật ra điều đơn giản này không đơn giản, để là cái tốt với tồn tại lý tính đó thì không một quyền lực nào, không một thiết chế nào được quyền xem con người là công cụ, mà phải để họ tự do theo đuổi lợi ích, mưu cầu hạnh phúc của riêng mình, tự do ngôn luận, tự do sáng tạo, tự do tư duy. Con người có quyền tự do suy nghĩ cũng như có quyền tự do lẩn tránh tri thức của mình, làm biến chất lý trí của mình. Nhưng hành động đó sẽ là một thảm họa vì đã chối từ công cụ của chính mình để nhận thức thực tại.
Peikoff nói rằng con người học hỏi tri thức từ người khác, dựa vào thành quả của những người đi trước, thu được những kỳ tích từ sự cộng tác, nhưng tư duy, lý trí lại là một công việc không phải được thực hiện bởi xã hội, mà là bởi những con người đơn lẻ - sự "đơn lẻ" trong ý nghĩa nguyên thủy, nội tại của từ này. Do đó, bản chất của con người vốn đã đòi hỏi tính tự kỷ rồi. Điều này được thể hiện trên cuộc sống của anh ta ở mọi khía cạnh: một cơ thể sống phải hưởng được những lợi ích của những hoạt động của chính nó. Cuộc sống đòi hỏi nhận được những giá trị chứ không phải những mất mát, những thành quả chứ không phải sự từ bỏ nó, sự tự bảo toàn mình chứ không phải sự tự hy sinh. Một người có thể chọn lấy giá trị của sự hy sinh và theo đuổi nó, nhưng anh ta không thể sống còn hay thành đạt được bằng một cung cách như vậy.
Cùng với khái niệm vị kỷ lý tính, những người khách quan chủ nghĩa cũng nói đến sự tự kỷ đạo đức. Tự kỷ đạo đức không phải là cho phép thực hiện bất kỳ sự ham muốn nào, không phải là bất kỳ một hành động nào đó được dẫn dắt bằng những suy nghĩ bất chợt. Nó, theo họ, là sự rèn luyện tư duy một cách kiên trì trong việc xác định, theo đuổi sự tư lợi lý tính của mình. Đạo lý của tư lợi lý tính không những bác bỏ sự hy sinh của mình cho người khác mà bác bỏ cả đòi hỏi người khác hy sinh cho mình. Nó tán thành những phẩm hạnh của lý trí, sự độc lập, tính chính trực, sự lương thiện, tính công bằng, sự hiệu quả, niềm kêu hãnh. Nó không chủ trương "tồn tại bằng mọi giá", và chỉ có một cái giá trả cho sự sống còn của con người: lý trí.
Tồn tại lý tính không chỉ có nghĩa là tự do theo đuổi mục đích, mưu cầu hạnh phúc, mà bản thân mỗi con người phải nhận thức được sự tự do lý trí của mình, phải thể hiện sự tự do lý trí đó. Từ chỗ khẳng định bản chất suy nghĩ con người vốn là tự kỷ, Peikoff cho rằng việc đối diện với thực tại của con người không phải là để "đóng đinh chính mình lên thập giá tư duy người khác", mà là để hiểu, để liên kết, để nhận thức thực tại đó, những quan điểm tư duy đó. Rõ ràng hơn, điều này có nghĩa là: "Một người không thể tư duy được nếu anh ta đặt một cái gì đó - bất cứ cái gì - lên trên việc nhận thức về thực tại. Anh ta không thể theo đuổi chứng lý vững chắc hay những kết luận dứt khoát của mình khi mà xem sự bằng lòng với người khác là mệnh lệnh đạo đức, xem sự tự hạ mình là đức hạnh cao nhất, xem hy sinh là nghĩa vụ chính yếu. Anh ta không thể sử dụng trí não của mình khi mà chấp nhận bao bọc lên trên nó là một quyền lực tối cao, có nghĩa là khi chấp nhận đồng loại xung quanh như là những chủ nhân và là người đặt ra những giới hạn đối với trí não của mình"[6].
Lợi ích, niềm hạnh phúc là mục đích của con người - con người cá nhân, nhưng là cái phải tự nỗ lực tìm kiếm, phấn đấu để đạt được nó, chứ không phải tự dưng được hưởng. Trong khi phê phán cương lĩnh 1960 của đảng Dân chủ Mỹ về việc bảo đảm các quyền con người cho công dân, Rand đã nói rõ:
"Hãy quan sát, trong phạm vi vấn đề này, sự thông thái của các nhà lập quốc. Họ đã nói về quyền mưu cầu hạnh phúc, không phải là quyền tự dưng có được hạnh phúc. Nó có nghĩa là một người có quyền làm gì mà anh ta cho rằng cần thiết để đạt được niềm hạnh phúc của mình, nó không có nghĩa là người ta phải làm cho anh ta hạnh phúc.
"Quyền sống có nghĩa là một người có quyền để nuôi sống mình bằng công việc của chính anh ta (theo bất kỳ một trình độ kinh tế nào, với một trình độ năng lực mà anh ta đạt được), nó không có nghĩa là người khác phải cung cấp cho anh ta những thứ cần thiết cho cuộc sống.
"Quyền sở hữu có nghĩa là một người có quyền làm những công việc kinh doanh để kiếm ra tài sản sở hữu, sử dụng và định đoạt sở hữu, nó không có nghĩa là người khác phải cung cấp cho anh ta những vật sở hữu này."[7]
"Giao dịch tự nguyện", "thương mại công bằng", "kinh doanh" là những từ ngữ mà Rand nói riêng và những người khách quan chủ nghĩa nói chung, rất hay sử dụng để nói lên tính năng động cao ở mỗi cá nhân nhằm thỏa mãn cuộc sống hạnh phúc của mình.
Những gì mà Rand phê phán ở trên là điều mà những người Dân chủ khi đó gọi là "lương tâm quốc gia". Nó bao gồm những xác quyết của nhà nước về sự bảo đảm cho công dân của mình quyền có công ăn việc làm và thu nhập thỏa đáng, quyền của người nông dân có được lợi nhuận từ sản phẩm của mình, quyền của mọi doanh gia không bị chèn ép bởi sự cạnh tranh độc quyền, quyền được chăm sóc y tế, quyền được bảo vệ trước nguy cơ của tuổi già, ốm đau, tai nạn, thất nghiệp, quyền có được một nền giáo dục tốt. Vấn đề theo Rand là ở câu hỏi ai phải trả phí tổn để bảo đảm cho những quyền đó mà không xâm phạm đến công sức, lợi ích, của cải của những công dân này để chi trả cho nhu cầu của những công dân khác. Mọi con người phải tự mưu cầu lấy hạnh phúc cho cá nhân mình, nhà nước không thể dùng sức mạnh quyền lực mà xâm phạm kết quả của sự mưu cầu hạnh phúc của người này để dành cho hạnh phúc tự dưng mà có của người khác.
Do đề cao sự mưu cầu hạnh phúc của con người, cho con người là giá trị cao nhất, Rand và những người khách quan chủ nghĩa đã và đang chống lại cả Môi trường luận (Environmentalism), vì cho rằng đó chính là một thái độ phản cách mạng công nghiệp, rằng nó ngăn chặn nỗ lực của con người đi đến một đời sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Rand bác bỏ quan niệm về việc cần phải bảo vệ môi trường tự nhiên. Bà cho rằng với công lao của Aristotle, Galileo, Pasteur, Edison, và biết bao con người khác đã "tử vì đạo" để có được cuộc cách mạng công nghiệp và xã hội công nghiệp ngày nay cho các nước Phương Tây, môi trường đã không còn là môi trường tự nhiên nữa rồi! Rand bức xúc: "Một người nông dân Châu Á lao động cả ngày ngoài đồng bằng những công cụ thô sơ của cả ngàn năm trước, những người thổ dân Nam Mỹ phải ăn sống những con cá piranha trong những khu rừng nhiệt đới, một người Châu Phi bị muỗi xê-xê đốt phải, một người Ả rập với hàm răng xanh lè vì cặn bám - những con người đang sống với chính 'môi trường tự nhiên' của họ, nhưng chắc là họ không thể nào đánh giá cao vẻ đẹp của nó. Hãy cố mà nói với một người mẹ Trung Hoa đi, người mà có đứa con bị chết vì dịch tả, rằng 'một ai đó sẽ có thể làm được mọi thứ mà mình có thể không?' Tất nhiên là không. Hãy cố mà nói với một người vợ Nga đi, người mà phải lê bước hàng dặm đường trên đôi chân của mình trong thời tiết dưới 0oC để đứng hàng giờ đồng hồ trong một hàng dài trước cửa hàng nhà nước, trông chờ vào một khẩu phần thực phẩm, rằng nước Mỹ đang bị làm dơ bẩn bằng những trung tâm mua bán, những con đường siêu tốc và những xe hơi gia đình."[8]
Qua những gì đã trình bày trên đây, Cá nhân luận[9] (Individualism) biểu hiện dưới hình thức Vị kỷ luận[10] (Egoism), là điều đầu tiên mà ta có thể kết luận ngay về đạo đức học của Chủ nghĩa Khách quan.
Nhưng cũng nên thấy rằng không phải "vị kỷ" là đồng nhất hoàn toàn với tồi tệ, xấu xa. Quả thật, nếu khách quan mà suy xét, ta sẽ thấy có một độ xác đáng nhất định khi nhận ra rằng từ ngàn đời nay với những giá trị truyền thống chỉ theo quan niệm cái tốt thì phải là cái tốt cho xã hội, cho người khác, nên khái niệm vị kỷ đã mặc nhiên được gán cho một ý nghĩa không tốt, với những "giá trị" ngược lại. Chỉ mới nghe đến khái niệm đó người tiếp cận đã được ám thị ngay một đánh giá tiêu cực. Có lẽ, nếu công bằng khoa học hơn, quan niệm về khái niệm vị kỷ một cách trung tính hơn, để sau đó nhận định về một loại vị kỷ nào đó (hoặc vị tha, hay bất kỳ một "vị" nào khác) là tích cực hoặc tiêu cực, tích cực ở đâu và tiêu cực ở đâu, thì mọi chủ nghĩa vị kỷ từ cổ đại đến nay đều không phải mặc nhiên là không có giá trị về mặt đạo đức, đạo đức học.
Có thể nói học thuyết của Rand là một biểu hiện tôn vinh, và trong chừng mực nào đó, mang ý nghĩa giải phóng, đối với tư duy con người, đối với con người - dù là con người cá nhân. Bà kiên quyết chống lại mọi áp lực lịch sử, áp lực xã hội, áp lực đạo đức luôn luôn đè nặng lên con người với tư cách là "đạo đức", loại đạo đức một chiều nhưng mặc định là loại đạo đức có đạo đức, loại đạo đức vẹn toàn, đầy đủ. Chính là bà muốn cởi trói cho con người thoát khỏi tình trạng nô lệ về tư tưởng như vậy trong vấn đề đạo đức.
Rand nhìn mọi vấn đề bằng con mắt tôn vinh đó. Chẳng hạn, sự kiện phi thuyền Apollo 11 đưa con người đầu tiên lên mặt trăng, ngày 16/07/1969, Rand coi là biểu tượng cho sự vĩ đại của con người, và nhấn mạnh đến khía cạnh đạo đức-nhận thức của nó. Rand viết: "Cái mà chúng ta thấy ở đây, trong bản chất trần trụi của nó, không phải như một tác phẩm nghệ thuật, mà là đúng với thực tại, là sự vĩ đại trừu tượng của con người được cụ thể hóa. Biểu trưng cơ bản mà thành tựu của Apollo 11 đem lại không phải là ở chính trị, mà là ở triết học, đặt biệt là ở tính nhận thức luận-đạo đức của nó."[11]
Rand cổ vũ nồng nhiệt cho sự phấn đấu đi tới một cuộc sống ngày càng hoàn thiện hơn, tiện nghi hơn, hạnh phúc hơn. Hình mẫu con người đạo đức của Rand - những anh hùng, theo cách gọi của bà - dù xuất phát từ những tình trạng có vẻ tệ hại nhất, nhưng không phải là những con người cam chịu số phận, mà là những con người quyết đoán mạnh mẽ, dám đương đầu với tất cả để vươn tới hạnh phúc của mình. Và cũng không phải là hạnh phúc bất chấp tất cả, mà là một hạnh phúc được mưu cầu trên cơ sở không được xâm phạm đến quyền tương ứng như vậy của người khác, không được đòi hỏi bất kỳ một sự hy sinh nào cho mình.
Branden, một nhà tâm lý học, người từng có thời gian cộng tác mật thiết với Rand vào đầu những năm 60, dù phê phán Rand hết lời trên cả bình diện tâm lý học lẫn những vấn đề thuộc quan hệ cá nhân, nhưng trước thực tế những ảnh hưởng của triết học Rand đối với nhiều lớp thanh niên Mỹ, đã thừa nhận mặt tích cực to lớn của khía cạnh đạo đức - tâm lý của Chủ nghĩa Khách quan như sau: "Nó nói rằng vấn đề chính yếu của bạn là bạn đã không học hỏi để hiểu được bản chất quyền năng của chính bạn, và vì thế, không hiểu được khả năng của chính mình. Nó nói rằng tư duy của bạn là có hiệu quả, rằng bạn có đủ khả năng để thông hiểu, rằng những thành tựu là có thể đạt được, rằng hạnh phúc là có thể có được. Nó nói với bạn về cuộc sống không phải như là cái đáng sợ, là thất bại, là không thể, mà là những thành đạt và địa vị. (…) Con người là đấu tranh, con người là đau khổ, nhưng con người cũng chiến thắng - giành lấy những thành công và có được niềm hạnh phúc. (…) Vì thế, các tác phẩm của bà đã đem đến một thông điệp đầy sức mạnh, một sự xác quyết đầy uy lực về những khả năng của tồn tại con người. Nó thể hiện sự tuyên dương không chỉ về tiềm năng của con người, mà còn là về những khả năng thực tại của cuộc sống trên trái đất này"[12].
Có phải là với lý luận đạo đức cá nhân luận Rand đã bác bỏ sạch trơn người khác? Đọc những dòng bức xúc của Rand về nỗi cơ cực, cuộc sống không tiện nghi của những con người sống ngoài thế giới Phương Tây công nghiệp, ta có thể thấy phần nào cái tâm của bà. Và hơn nữa, dù vị kỷ nhưng Rand không hề chủ trương đem người khác ra làm công cụ, làm vật hy sinh cho mình, cũng là điều có thể cho ta thấy thêm về điều đó.
Dù có những giá trị đạo đức học, đạo đức, đạo đức-tâm lý nhất định như vậy, triết học của Chủ nghĩa Khách quan vẫn đương nhiên có những hạn chế, thậm chí sai lầm, rất sai lầm mà không thể nào khắc phục được ngoài việc thay đổi quan điểm về chính điều đó.
Đạo đức học khách quan chủ nghĩa đã không (và không muốn) phát triển lý luận đủ xa đến mức công khai và có ý thức khẳng định trong lý luận của mình điều mà Adam Smith trước đó đã đạt tới trong lý luận kinh tế. Ông cho rằng mọi người trong xã hội chỉ là theo đuổi và phục vụ cho lợi ích kinh tế của riêng mình, nhưng thông qua đó họ - từng con người đó - tạo nên lợi ích cho toàn xã hội, là phụng sự cho lợi ích kinh tế của tất cả mọi người.
Tính xã hội trong khi mưu cầu hạnh phúc, trong sự thành đạt cá nhân của Chủ nghĩa Khách quan xem ra là rất mờ nhạt. Rand đầy phấn chấn trước sự kiện Apollo 11, nói về sự vĩ đại của con người, nhưng bà có nhận thức được hay không rằng để một người đặt chân lên được mặt trăng nào phải là kết quả hành động, nào phải là thành tựu, là niềm hạnh phúc của con người cá nhân, mà là của con người cộng đồng; rằng thành tựu, niềm hạnh phúc đó nếu bằng con số cộng giản đơn từ những cá nhân thì sẽ không thể nào tạo nên một sức mạnh tổng lực, một thành quả tổng hợp như vậy! Peikoff có nói đến sự học hỏi, tiếp thu, sự cộng tác của cá nhân trong quan hệ với người khác, nhưng rồi cũng lờ đi một sự tổng hòa xã hội. Quan hệ con người - xã hội như một quan hệ hệ thống - cấu trúc, mà trong đó các cá nhân như những hệ thống con độc lập, có những đặc điểm riêng, nhưng đồng thời cũng là những hệ thống con phụ thuộc và kết hợp lẫn nhau, đồng thời kết hợp với hệ thống mẹ. Chính sự phụ thuộc, sự kết hợp này mới tạo nên những đặc điểm, những sức mạnh, những thành tựu mà từng hệ thống con riêng lẽ - từng cá nhân - không thể nào, tuyệt đối không thể nào có thể có được, đạt được.
Trong khi nói về kết quả mà con người có được từ sự cộng tác, từ những người đi trước, nhưng những người khách quan chủ nghĩa lại bác bỏ mọi phúc lợi xã hội, mọi chăm lo của xã hội lên con người (thông qua thiết chế nhà nước), và do đó đương nhiên lên chính từng con người-cá nhân, thì quả việc nhận lấy sự phê phán là thích đáng. Vì những chủ trương như vậy, Rand đã bị chính không ít người Mỹ, theo lời Branden, nặng lời là "chó ăn thịt chó", và Chủ nghĩa Khách quan đã chịu những tấn công dữ dội từ phía những học phái lý luận, triết học khác.
Rồi ngay cả việc những người khách quan chủ nghĩa, cho đến hiện nay, trước những hậu quả to lớn quá sức hiển nhiên xuất phát từ sự tàn phá môi trường, mà vẫn "kiên trì" quan điểm chống lại Môi trường luận, là điều không thể nào chấp nhận được.
Những sai lầm đó xuất phát từ tinh thần lý tính cực đoan của họ. Họ chỉ tuyệt đối đứng trên quan điểm cho rằng mọi cá nhân phải có quyền mưu cầu hạnh phúc, cả xã hội, cả tự nhiên phải phục vụ cho điều đó, không một ai có quyền áp đặt bất kỳ một điều gì tác hại đến sự tự phấn đấu mà có của cá nhân, tác hại đến việc mưu cầu cuộc sống tiện nghi. Chỉ có vậy, cộng với vài lời suy diễn logic ngữ nghĩa, mà họ đã xem việc bác bỏ phúc lợi xã hội, bác bỏ việc bảo vệ môi trường như là những chân lí hiển nhiên.
Họ nói đến vị kỷ lý tính, vị kỷ đạo đức, không phải vị kỷ với bất cứ giá nào, họ cũng nói đến những giá trị đạo đức khác. Nhưng rồi cuối cùng vẫn quay về với giá trị lý trí, mà theo họ, lý trí lại vốn là vị kỷ. Vì thế vị kỷ cũng lại quay về vị kỷ mà không hề phát triển lý luận về những giá trị đạo đức khác trong tương quan với hạnh phúc, năng động, lý tính cá nhân, cũng như không hề phát triển tương quan cá nhân - xã hội như trên đã đề cập.
Có thể nói chủ nghĩa vị kỷ của Triết học Khách quan phần nào đó đi tiếp truyền thống của các quan niệm vị kỷ cổ đại và Khai sáng. Nhưng sự khác biệt là ở chỗ họ không chủ trương Khoái lạc luận (Hedonism) như Aristippe (435-360 TCN), không xem hạnh phúc là điểm xuất phát của vấn đề như Épicure (341-270 TCN), không chủ trương kết hợp lợi ích cá nhân - lợi ích xã hội như Helvétius (1715-1771), mà chủ trương một chủ nghĩa vị kỷ lý tính, năng động. Nó khởi điểm từ lý trí như công cụ cơ bản của sự sống còn của con người, từ sự liên kết từ nhu cầu tối thiểu nhất của tồn tại theo đúng nghĩa đen, tồn tại sinh học, lên đến cái được cho là cao cấp nhất của con người: lý trí. Nó đòi hỏi mỗi cá nhân phải dấn mình một cách tích cực vào công cuộc mưu cầu lợi ích, hạnh phúc. Dù không vạch ra quan hệ cá nhân - xã hội, nhưng ít ra nó cũng không cho phép một cá nhân này quyền xâm hại đến một cá nhân khác. Nó phản đối bất kỳ một hình thức nào biến con người thành công cụ. Nó tôn vinh sự năng động, tiềm năng, khả năng to lớn của cá nhân con người. Nhưng, cũng chính vì những điều này, bằng sự tư biện "lý tính", sự vị kỷ lý tính, vị kỷ năng động đó đã trượt một bước về phía vị kỷ cực đoan, điều mà không thể nào không phê phán mạnh mẽ.
Chú thích:
(1) AynRand, "Introducing Objectivism" (1962), nguồn: www.aynrand.org
(2) "Vị tha" ở đây không có nghĩa là "lòng vị tha", mà là nghĩa "vì/hướng về tha nhân", vì/hướng về người khác với mình (cũng như "vị kỷ" là "vì/hướng bản thân").
(3) Nguồn: www.aynrand.org
(4) Nguồn: www.aynrand.org
(5) Dẫn theo Leonard Peikoff, "The Philosophy of Objectivism: Abrief Summary", nguồn: www.aynrand.org
- L. Peikoff, "The Philosophy of Objectivism: Abrief Summary".
- A. Rand, "Man's Rights", Pamphlet "Man's Rights and The Nature of Government", The Ayn Rand Institute, 2000.
- A. Rand, "The Left: Old and New", Pamphlet "Environmentalism: the Anti-Industrial Revolution", The Ayn Rand Institute, 2000.
(9) Việc kết luận quan điểm của Rand là cá nhân luận vô chính phủ như nhận định của Alain Laurent trong "Lịch sử cá nhân luận" (Phan Ngọc dịch, Nxb Thế giới mới, HN, 1999, tr. 145-151), là chưa chính xác, chính Rand là người cũng chống lại quan niệm vô chính phủ. Cũng xin nói thêm, bản tiếng Việt của chuyên khảo này đã lầm khi gọi Rand là một nam triết gia.
(10) Ở đây tôi không dùng những từ như "ích kỷ", "tư tưởng ích kỷ" vì muốn trung tính hóa từ ngữ khi mà những từ như vừa nêu thường đã hàm chứa sẵn một thái độ phê phán nơi người đọc.
(11) A. Rand, Expercted from "Apollo 11" (1969), Website www.aynrand.org
(12) Nathaniel Branden, "The Benefits and Hazards of the Philosophy of Ayn Rand" (1984), nguồn www.nathanielbranden.net/ayn/ayn03.html"
Nguồn: Lê Tuấn Huy. Vài nét về đạo đức học của chủ nghĩa khách quan.
Linh khác: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=1220&rb=0301