Lạm phát và chính sách mở rộng tín dụng (Phần 1/3)

Lạm phát và chính sách mở rộng tín dụng (Phần 1/3)

1. Lạm phát

Chính sách lạm phát, thông qua việc tăng khối lượng tiền tệ hay tín dụng, là chính sách hướng đến việc tăng giá cả và tiền lương danh nghĩa hoặc để chống lại việc giảm giá hàng hoá và tiền lương danh nghĩa có được nhờ tăng nguồn cung hàng hóa tiêu dùng.

Để làm rõ ý nghĩa kinh tế quan trọng của chính sách lạm phát, chúng ta phải đề cập đến một quy luật cơ bản của chính sách tiền tệ. Quy luật này như sau: dịch vụ mà tiền cung ứng cho cộng đồng kinh tế độc lập với khối lượng tiền tệ. Giá trị tuyệt đối của lượng tiền trong một hệ thống kinh tế đóng vai trò không quan trọng dù lớn hay nhỏ. Trong dài hạn, sức mua của đơn vị tiền tệ sẽ tự thiết lập tại điểm mà cầu tiền bằng với khối lượng tiền tệ. Chúng ta không nên bị đánh lừa bởi thực tế rằng mỗi cá nhân đều mong muốn có nhiều tiền hơn. Bất cứ ai cũng đều muốn giàu có hơn, có nhiều hàng hóa hơn, và anh ta diễn tả điều đó bằng việc nói rằng anh ta muốn có nhiều tiền hơn. Nhưng khi anh ta nhận được thêm tiền, anh ta sẽ sử dụng để tăng chi tiêu hay để tăng đầu tư; trong dài hạn, anh ta sẽ không gia tăng thêm một chút nào lượng tiền mặt sẵn có của anh ta, cũng không gia tăng chúng một cách đáng kể nếu so với lượng tăng trong nguồn cung hàng hóa và dịch vụ của anh ta. Hơn nữa, sự thỏa mãn anh ta có được từ việc nhận được thêm một khoản tiền sẽ phụ thuộc vào việc anh ta có nhận được phần tiền nhiều hơn và sớm hơn những người khác. Một cư dân sống tại Berlin năm 1914 sẽ rất vui sướng khi nhận được một khoản thừa kế bất ngờ trị giá 1 ngàn mark, nhưng anh ta sẽ chẳng quan tâm đến khoản tiền trị giá 1 tỉ mark vào mùa thu năm 1923.

Nếu như chúng ta bỏ qua chức năng tiền tệ như là một quy chuẩn cho các khoản thanh toán chậm, nghĩa là thực tế có những khoản nợ và những khoản bồi hoàn được biểu thị bằng các khoản tiền cố định có kỳ hạn trong tương lai, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng trong một nền kinh tế đóng tổng lượng tiền lưu hành có là x triệu đơn vị tiền tệ hay 100 x triệu đơn vị tiền tệ thì đó không phải là điều quan trọng. Trong trường hợp sau, giá cả và tiền lương sẽ được biểu thị bằng những khối lượng đơn vị tiền tệ lớn hơn.

Điều mà những người ủng hộ lạm phát mong đợi và những người bảo vệ đồng tiền khỏe mạnh chống lại không phải là kết quả cuối cùng của lạm phát, cụ thể là bản thân sự gia tăng khối lượng tiền tệ, mà là những tác động của quá trình đưa thêm tiền vào hệ thống kinh tế và dần dần làm thay đổi giá cả và tiền lương. Hậu quả xã hội của lạm phát bao gồm hai phần: (1) ý nghĩa của tất cả các khoản thanh toán chậm sẽ bị thay đổi theo chiều hướng có lợi cho người vay nợ và bất lợi với người cho vay, hoặc (2) những thay đổi về giá cả không xảy ra đồng thời hay mở rộng cùng quy mô đối với mọi loại hàng hóa và dịch vụ. Chính vì vậy, chừng nào lạm phát còn chưa phát tác toàn bộ lên giá cả và tiền lương, chừng đó sẽ có những nhóm trong xã hội được lợi và những nhóm khác phải chịu thiệt. Những người hưởng lợi là những người có thể bán hàng hóa hay dịch vụ với mức giá cao hơn trong khi họ vẫn trả mức giá thấp như cũ cho hàng hóa hay dịch vụ mà họ mua. Ngược lại, những người chịu thiệt là những người phải trả mức giá cao hơn trong khi chỉ được trả giá thấp hơn cho sản phẩm và dịch vụ của chính họ. Ví dụ, nếu chính phủ tăng khối lượng tiền để chi trả cho việc mua vũ khí, những nghiệp chủ và nhân công của các ngành công nghiệp đạn dược sẽ là những người đầu tiên nhận được lợi từ lạm phát. Những nhóm khác sẽ chịu tổn hại do tăng giá cho tới khi giá các hàng hóa và dịch vụ của họ cũng tăng lên. Đó chính là khoảng thời gian trễ giữa những thay đổi trong giá cả các hàng hoá và dịch vụ đến từ những hiệu ứng hạn chế nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu do sự suy giảm sức mua của đồng nội tệ.

Do hiệu ứng mà những người cỗ vũ chính sách lạm phát theo đuổi chỉ mang tính tạm thời, họ không bao giờ thấy được lạm phát ở mức nào là đủ. Một khi ngừng gia tăng lượng tiền tệ, những nhóm thu lợi nhờ lạm phát sẽ mất đi vị thế đặc quyền của họ. Họ có thể giữ những khoản lợi thu được trong thời kỳ lạm phát nhưng sẽ không thể gia tăng các khoản lợi này. Sự gia tăng dần dần giá cả hàng hóa mà họ đã mua trước đó với mức giá tương đối thấp sẽ làm giảm vị thế của họ, bởi với tư cách là những người bán họ không kỳ vọng mức giá sẽ tiếp tục tăng thêm. Chính vì vậy, yêu cầu tiếp tục gia tăng lạm phát vẫn tiếp tục kéo dài.

Tuy nhiên, lạm phát không thể tăng mãi. Ngay khi người dân nhận ra rằng chính phủ không có ý định dừng lạm phát, bởi họ vẫn thấy lượng tiền tiếp tục tăng lên, và do đó giá cả bằng tiền tệ của toàn bộ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng vọt không thể kiểm soát được, mọi người sẽ có xu hướng mua nhiều hàng hóa nhất có thể và giữ tiền mặt ở mức tối thiểu. Việc giữ tiền trong điều kiện như vậy không chỉ liên quan tới phí tổn, thường được gọi là lãi suất, mà còn liên quan tới các khoản thua lỗ đáng kể do sức mua của đồng tiền suy giảm. Lợi thế của việc giữ tiền mặt sẽ phải trả giá bằng một sự hy sinh lớn đến mức tất cả mọi người càng ngày càng hạn chế giữ tiền mặt. Trong suốt những thời kỳ lạm phát cao của Thế chiến I, sự khuếch trương lạm phát này dẫn đến hiện tượng “trú ấn vào hàng hóa” (flight to commodities) và giai đoạn “bùng nổ vỡ-rạn” (crack-up boom). Hệ thống tiền tệ tiến đến bờ vực sụp đổ; hoảng loạn xảy ra sau đó; và kết thúc bằng một sự mất giá hoàn toàn của đồng tiền. Hệ thống hàng đổi hàng được sử dụng thay thế, hoặc một loại tiền tệ mới được sử dụng. Ví dụ như Đồng tiền Lục địa (Continental Currency) ra đời năm 1781, đồng Assignats của Pháp năm 1796, và đồng Mark của Đức năm 1923.

Có rất nhiều lập luận ngụy biện được đưa ra để bào chữa cho chính sách lạm phát. Trong đó, lập luận ít nguy hại nhất là việc cho rằng một mức lạm phát vừa phải sẽ không gây ra nhiều thiệt hại. Điều này cần phải được thừa nhận. Một lượng độc tố nhỏ sẽ ít gây nguy hiểm hơn một lượng lớn. Nhưng không thể biện hộ cho việc sử dụng độc tố ngay từ thời điểm ban đầu.

Nhiều người khẳng định rằng việc sử dụng những loại công cụ, vốn không được phép trong những thời điểm bình thường, có thể được biện minh trong những thời điểm khẩn cấp. Nhưng ai là người quyết định mức độ nào là thực sự khẩn cấp để biện hộ cho việc áp dụng những biện pháp nguy hiểm như vậy? Bất kì chính phủ hay đảng phái chính trị đang cầm quyền nào cũng có khuynh hướng xem những khó khăn mà họ phải đối mặt là khá bất thường và kết luận rằng mọi công cụ để chống chọi với chúng là hợp lý. Một người nghiện ma túy tuyên bố rằng kể từ ngày mai anh ta sẽ cai nghiện sẽ chẳng bao giờ thay đổi được hành vi nghiện ngập. Chúng ta sẽ phải thực hiện một chính sách lành mạnh ngay từ hôm nay chứ không phải là ngày mai.

Người ta thường đưa ra nhận định là lạm phát không thể xảy ra một khi công nhân còn thất nghiệp và máy móc còn để không. Đây cũng là một lập luận sai lầm nghiêm trọng. Trong dòng chảy của lạm phát, nếu đầu tiên tiền lương danh nghĩa giữ nguyên không thay đổi và sau đó tiền lương thực tế suy giảm, thì sẽ có nhiều công nhân có việc làm hơn miễn là điều kiện này được bảo toàn. Nhưng điều này không làm thay đổi những tác động khác của lạm phát. Việc các nhà máy bỏ không sẽ khôi phục hoạt động phụ thuộc vào việc liệu rằng giá của những hàng hóa mà chúng sản xuất ra có phải là những mức giá đầu tiên chịu tác động từ việc giá cả leo thang do lạm phát hay không. Nếu như tình huống này không xảy ra, lạm phát sẽ thất bại trong việc đưa các nhà máy đó quay trở lại hoạt động.

Còn có một nhận định tệ hơn nữa. Đó là ngụy biện cho rằng chúng ta không thể nói là có lạm phát khi mà khối lượng tiền tệ gia tăng tương ứng với mức tăng sản lượng đến từ các phương tiện sản xuất và máy móc thiết bị. Mối quan hệ này không tồn tại chừng nào chúng ta còn xem xét những thay đổi trong giá cả và tiền lương gây ra do lạm phát bất kể lượng tiền tăng thêm đang được sử dụng cho mục đích gì. Bất kể chi tiêu cho cái gì, thì việc chi tiêu để xây dựng đường phố, nhà cửa, và nhà máy sẽ luôn mang lại lợi ích cho cộng đồng và người dân sống ở đó nhiều hơn so với việc phá hủy chúng. Nhưng điều này chẳng liên quan gì đến vấn đề lạm phát. Ảnh hưởng của lạm phát tới giá cả và sản xuất khiến mọi người đều cảm nhận được ngay cả khi nó được sử dụng để tài trợ cho các dự án hữu ích.

Lạm phát, hay việc lạm dụng phát hành thêm lượng tiền giấy, và chính sách mở rộng tín dụng, luôn là hành động có chủ đích; chúng không bao giờ giống như những phán xét của Chúa trừng phạt mọi người, ví dụ như một trận động đất. Một nhu cầu dù có lớn và cấp thiết như thế nào, thì việc thỏa mãn nó chỉ có thể đáp ứng được bằng những hàng hóa sẵn có, bằng những hàng hóa được sản xuất ra nhờ hạn chế các khoản tiêu dùng khác. Lạm phát không tạo ra thêm hàng hóa, nó chỉ quyết định mỗi cá nhân trong cộng đồng sẽ phải hy sinh bao nhiêu. Giống như các loại thuế, hay các khoản vay nợ của chính phủ, nó là một phương thức tài trợ vốn, chứ không phải những phương tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu.

Có một nhận định luôn được đưa ra là không thể tránh được lạm phát trong thời kỳ chiến tranh. Đây cũng là một quan niệm sai lầm. Việc gia tăng khối lượng tiền tệ không giúp tạo ra thêm công cụ sử dụng trong chiến tranh dù trực tiếp hay gián tiếp. Thay vì thế chúng ta nên nói là, bởi chính phủ không dám công khai với người dân về chi phí chiến tranh và cũng không dám áp đặt chính sách hạn chế tiêu dùng cho những khoản không thể tránh khỏi, họ sẽ thích sử dụng chính sách lạm phát hơn là hai công cụ tài chính còn lại là thu thuế và vay nợ. Trong bất kỳ trường hợp nào, người dân sẽ phải gánh trả chi phí cho việc trang bị thêm vũ khí và tham gia chiến tranh thông qua việc hạn chế những tiêu dùng khác. Nhưng đó là thủ đoạn mang tính chính trị – dù hoàn toàn phi dân chủ – khi thông báo với người dân rằng việc tăng cường vũ trang và tham gia chiến tranh sẽ tạo ra giai đoạn bùng nổ kinh tế và gia tăng của cải. Trong bất kỳ bối cảnh nào, lạm phát cũng chỉ là một chính sách thiển cận.

Rất nhiều nhóm lợi ích chào đón lạm phát bởi nó sẽ gây tổn thất đối với người cho vay và có lợi cho người vay nợ. Nó được cho là biện pháp giúp người nghèo và chống lại người giàu. Thật đáng ngạc nhiên là những quan niệm truyền thống này vẫn tồn tại kể cả khi điều kiện đã hoàn toàn khác. Trước đây, người giàu là chủ nợ, và người nghèo thường là con nợ. Nhưng trong thời đại có trái phiếu, giấy nợ, tài khoản tiết kiệm ngân hàng, bảo hiểm, và an sinh xã hội, mọi thứ đã khác. Người giàu đã đầu tư của cải của họ vào các cơ sở sản xuất, nhà xưởng, nhà ở, bất động sản, và cổ phiếu, và vì vậy họ thường là người đi vay nợ hơn là người cho vay. Mặt khác, người nghèo – trừ nông dân – thường là chủ nợ hơn là người vay nợ. Khi theo đuổi chính sách chống lại chủ nợ, chính phủ có thể làm tổn thương đến tiết kiệm của dân chúng, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, giới chuyên gia, các quỹ tài sản, và các trường đại học. Tất cả các nhóm được thừa hưởng lợi ích từ chính sách an sinh xã hội sẽ trở thành nạn nhân của chính sách chống lại chủ nợ.

Rõ ràng không cần phải thảo luận về chính sách đối nghịch của chính sách lạm phát, gọi là chính sách giảm phát. Giảm phát không phổ biến bởi lý do nó sẽ làm tăng lợi ích của chủ nợ bằng cách gây ra sự mất mát cho người vay nợ. Chưa từng có một đảng phái chính trị cũng như một chính phủ nào chủ ý tạo ra giảm phát. Sự không phổ biến của giảm phát là bằng chứng chứng minh thực tế rằng những người ủng hộ chính sách lạm phát thường nói xấu về giảm phát với mục đích biện hộ cho những nhu cầu của họ về lạm phát và mở rộng tín dụng.

Nguồn: Ludwig von Mises, Interventionism: An Economic Analysis, Edited by Bettina Bien Greaves, FEE, 1998

Dịch giả:
Nguyễn Đức Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Greaves, Bettina Bien