[Hệ luân lý tự do] Tự vệ
Nếu tất cả mọi người đều có quyền tuyệt đối đối với tài sản chính đáng của mình, thì suy ra rằng anh ta cũng có quyền để giữ tài sản đó – để bảo vệ nó bằng vũ lực chống lại những hành vi xâm phạm hung bạo. Những người theo chủ thuyết hòa bình tuyệt đối cũng khẳng định niềm tin của họ về quyền tài sản – như ông Robert LeFevre – nhưng lại không thể tránh được việc vướng vào một mâu thuẫn nội tại: vì nếu một người sở hữu tài sản song lại bị phủ nhận quyền để bảo vệ nó khi bị tấn công, thì rõ ràng là anh ta đã bị tước mất một chiều cạnh cực kỳ quan trọng của quyền tài sản. Nói rằng một người có quyền tuyệt đối đối với một tài sản nào đó mà lại thiếu đi quyền để bảo vệ nó trước sự tấn công hay xâm phạm thì cũng hệt như nói rằng anh ta không có trọn vẹn quyền đối với tài sản đó.
Hơn nữa, nếu tất cả mọi người đều có quyền bảo vệ bản thân và tài sản trước sự tấn công, thì để làm như thế, anh ta phải có quyền thuê mướn hay đón nhận sự giúp đỡ từ những người khác: việc anh ta thuê mướn hay chấp nhận sự bảo vệ từ những người khác cũng giống như việc anh ta thuê mướn hay chấp nhận sự giúp đỡ tự nguyện từ những người dọn vườn cho anh ta vậy.
Thế thì phạm vi cho quyền tự vệ thân thể và tài sản rộng đến mức nào? Câu trả lời cơ bản là: đến phạm vi mà anh ta bắt đầu xâm phạm lên quyền tài sản của một người khác. Trong trường hợp này, vì “sự tự vệ” của anh ta cấu thành tội xâm phạm lên tài sản chính đáng của một người nào đó khác, người mà cũng có quyền bảo vệ mình một cách chính đáng trước sự xâm phạm này.
Ta suy ra rằng sử dụng vũ lực để phòng vệ chỉ có thể được dùng để chống lại sự xâm phạm hoặc mối đe dọa xâm phạm trực tiếp đối với tài sản của một người – và một người không được dùng vũ lực để chống lại bất cứ “mối nguy” phi bạo lực nào có thể xảy đến với thu nhập hay giá trị tài sản của anh ta. Do đó, giả sử rằng, dù vì bất cứ lí do nào, A, B, C, D, v.v. quyết định tẩy chay không mua hàng hóa từ cơ sở sản xuất hay cửa hàng của Smith. Họ đứng biểu tình, phân phát tờ rơi, và diễn thuyết – tất cả đều được thực hiện phi bạo lực – kêu gọi mọi người hãy tẩy chay Smith. Smith có thể hụt đi một số thu nhập đáng kể, và rất có thể những người kêu gọi tẩy chay làm việc này vì những nguyên cớ rất vụn vặt và thậm chí xấu xa; nhưng thực tế thì tổ chức tẩy chay như thế vẫn hoàn toàn nằm trong phạm vi quyền của họ; và nếu Smith cố sử dụng vũ lực để giải tán các hoạt động tẩy chay đó thì anh ta sẽ là một kẻ xâm phạm lên tài sản của những người kia.
Do đó, sử dụng vũ lực để phòng vệ phải bị giới hạn trong phạm vi chống lại các hành vi xâm phạm lên thân thể và tài sản. Nhưng loại hành vi xâm phạm như thế cũng cần bao gồm cả hai loại hành vi có nguy cơ dẫn đến hành vi xâm phạm vật lý thực sự: hăm dọa (intimidation), tức một hành vi đe dọa vũ lực trực tiếp; và lừa gạt (fraud), tức liên quan đến việc chiếm đoạt tài sản của ai đó khi không được sự đồng thuận của người đó, và do đó cấu thành hành vi “trộm cắp ẩn tàng” (implicit theft).
Như vậy, giả sử khi đang đi trên đường, bỗng ai đó tiến đến gần bạn, móc ra một khẩu súng và đòi bạn đưa ví cho hắn ta. Có thể hắn ta chưa đụng chạm đến thân thể bạn trong lúc này, nhưng hắn vừa móc tiền từ túi bạn bằng cách đe dọa trực tiếp và công khai, rằng nếu bạn không tuân lệnh hắn bạn sẽ bị bắn; trong trường hợp này, hành vi này không khác gì hành vi xâm phạm.
Tuy thế, cần phải nhấn mạnh một chi tiết quan trọng là: hành vi hăm dọa xâm phạm phải rõ ràng, tức thì, và trực tiếp; tóm lại, nó báo hiệu sự khởi đầu cho một hành động công khai. Còn bất cứ tiêu chí gián tiếp hay xa xôi nào – bất cứ “rủi ro” hay “mối nguy” nào – đơn giản chỉ là lời bạo biện cho hành vi xâm phạm bởi “người được giả định là phòng vệ” lên cái được cáo buộc là “mối đe dọa”. Thí dụ, một trong những lí lẽ chủ đạo cho việc cấm rượu trong những năm 1920 là: hành vi uống nhiều rượu làm gia tăng khả năng mọi người (không chỉ rõ là ai) thực hiện các hành vi phạm pháp; do đó, lệnh cấm được ban hành như là một đạo luật “bảo vệ” thân thể và tài sản. Tất nhiên, trên thực tế, đây là một sự chà đạp thô bạo lên các quyền về thân thể và tài sản, lên quyền mua bán và sử dụng đồ uống có cồn. Tương tự, cũng có thể viện ra lý do: (a) việc sử dụng không đầy đủ các loại vitamin làm con người ta trở nên dễ cáu kỉnh, (b) do vậy, việc sử dụng không đầy đủ này này có khả năng sẽ đẩy tội phạm tăng cao, và do đó (c) tất cả mọi người hằng ngày buộc phải sử dụng một lượng vitamin thích hợp. Một khi mà ta viện ra các “nguy cơ” mơ hồ và xa xăm đe dọa đến thân thể con người và tài sản – tức là chúng không rõ ràng và trực tiếp – thì đều có thể bạo biện cho đủ thứ hành động bạo ngược. Cách duy nhất để ngăn ngừa thứ hành động chuyên quyền như thế là giữ vững các tiêu chí: rõ ràng, ngay tức thì, và trực tiếp trong việc xác định đâu là những hành vi thực sự xâm phạm. Bởi sự tồn tại của các hành động mờ và không rõ ràng là không tránh được, chúng ta cần phải tìm mọi cách để buộc người viện cớ tự vệ phải chỉ ra mình có nguy cơ bị xâm phạm trực tiếp và tức thì, và bằng cách này, chúng ta tạo điều kiện cho mọi người làm bất cứ gì mà họ có thể làm. Nói tóm lại, người sử dụng vũ lực để phòng vệ có nghĩa vụ phải chứng minh là anh ta đã thực sự bắt đầu bị xâm phạm.
Lừa gạt hay hành vi trộm cắp ẩn tàng nảy sinh từ quyền tự do hợp đồng, thứ mà lại phái sinh từ các quyền tài sản tư. Vì thế, hãy giả định rằng Smith và Jones đồng thuận trao đổi tài sản dựa trên hợp đồng: Smith sẽ trả 1.000 USD để lấy chiếc xe hơi của Jones. Nếu Smith chiếm đoạt chiếc xe và từ chối trả 1.000 USD cho Jones, thì trên thực tế Smith đã ăn cắp 1.000 USD; Smith là kẻ xâm phạm 1.000 USD mà vốn dĩ đã thuộc về Jones. Do đó, việc phá vỡ hợp đồng theo cách này không khác gì ăn cướp, và vì thế không khác gì hành động chiếm đoạt tài sản của người khác, và “hung hãn” không kém gì trộm cướp mà không cầm vũ khí.
Làm giả (adulteration) để lừa gạt cũng là hành vi trộm cắp ẩn tàng. Nếu Smith trả 1.000 USD nhưng nhận lại từ Jones không phải là mẫu xe được giao kèo từ trước mà là một chiếc cũ và kém hơn, thì điều này cũng là hành vi trộm cắp ẩn tàng: tương tự trường hợp trước, tài sản của một người bị người khác lấy đi theo hợp đồng, nhưng lại không nhận lại được tài sản của người kia như đã thỏa thuận.1
Nhưng chúng ta không nên rơi vào bẫy quan điểm theo đó tất cả hợp đồng, bất kể tính chất của chúng, phải được thực thi (tức là, có thể sử dụng vũ lực ở một mức độ thích hợp để thực thi hợp đồng). Lí do duy nhất khiến cho các hợp đồng đề cập ở trên phải được thực thi là việc phá vỡ những hợp đồng đó liên quan đến hành vi trộm cắp ẩn tàng tài sản. Những hợp đồng không dẫn đến trộm cắp ẩn tàng không bị ràng buộc phải thực thi trong một xã hội tự do cá nhân.2 Thí dụ, giả sử rằng A và B cam kết, tức làm “hợp đồng” với nhau, sẽ kết hôn sau sáu tháng nữa; hoặc A hứa hẹn rằng, trong thời gian sáu tháng, A sẽ gửi B một khoản tiền. Nếu A phá vỡ cam kết này, thì về phương diện đạo đức A có thể đáng trách, nhưng anh ta chưa thực hiện hành vi trộm cắp ẩn tàng bất cứ tài sản gì của ai cả, và do đó hợp đồng này không thể bị ràng buộc. Để buộc A thực thi hợp đồng bằng vũ lực cũng hệt như tội xâm phạm lên quyền của A, như Smith quyết định sử dụng vũ lực với những người tẩy chay cửa hàng của anh ta. Do đó, nếu chỉ đơn giản là một lời hứa thì đó không phải là một hợp đồng đúng nghĩa, tức có tính ràng buộc và phải thực thi, vì khi phá vỡ nó không dẫn tới việc xâm phạm lên tài sản của người khác hay cấu thành hành vi trộm cắp ẩn tàng.
Hợp đồng vay nợ có đầy đủ đặc điểm của hợp đồng có tính ràng buộc, không phải vì nó dính dáng tới lời hứa nào, mà vì nếu nợ không được trả, tài sản của người cho vay bị chiếm đoạt mà không có sự đồng thuận của anh ta – nói cách khác, bị ăn cướp. Vì thế, nếu năm nay Brown cho Green vay 1.000 USD và vào năm sau anh ta phải trả [cả vốn lẫn lãi] là 1.100 USD, và Green không trả 1.100 USD, kết luận đúng đắn ở đây là Green đã chiếm đoạt 1.100 USD thuộc quyền sở hữu của Brown, thứ mà Green đã từ chối trả - mà thực chất là cướp luôn. Cách xử lý từ góc độ pháp lý đối với một khoản nợ - khẳng định rằng người cho vay sở hữu tài sản trong khoản nợ đó – phải được áp dụng cho tất cả các hợp đồng vay nợ.
Vì vậy, chức năng của luật pháp – đúng ra là những quy tắc và công cụ để bảo vệ con người và tài sản bằng vũ lực – không phải là sử dụng vũ lực hợp pháp để làm cho con người trở nên đức hạnh. Nhiệm vụ chính đáng của luật pháp cũng không phải là làm cho con người trở nên đáng tin hay khiến họ giữ lời hứa hẹn của mình. Nhiệm vụ của vũ lực hợp pháp chính là để bảo vệ con người và tài sản của họ trước sự tấn công bằng bạo lực, trước sự quấy nhiễu và chiếm đoạt tài sản mà thiếu đi sự đồng thuận từ họ. Vượt quá giới hạn này – thí dụ, nói rằng đã hứa thì phải giữ lời – thì chỉ là tôn sùng “hợp đồng” một cách vô căn cứ trong khi bỏ quên lý do tại sao một số hợp đồng lại có tính ràng buộc, đó là nhằm bảo vệ quyền tài sản chính đáng.
Như vậy, phòng vệ bằng vũ lực phải được giới hạn trong phạm vi chống lại hành vi xâm phạm bằng bạo lực – hoặc chúng có thật hoặc ẩn tàng, hoặc dưới hình thức đe dọa trực tiếp và công khai. Nhưng căn cứ vào nguyên lí này, quyền sử dụng vũ lực để phòng vệ có thể đi xa đến mức nào? Thứ nhất, việc bắn một người đang đi trên phố, chỉ vì trông anh hung tợn và bạn nghĩ đấy là chỉ báo cho việc bạn sẽ bị xâm phạm, là hành vi phạm tội đầy ác ý. Bạn có thể nói tiêu chí đe dọa trực tiếp và công khai là “rõ ràng và ngay tức thì” – nhưng đây không phải là tiêu chí hạn chế tự do ngôn luận (việc coi tự do ngôn luận là tập con của các quyền sở hữu thân thể là không thể chấp nhận được), mà chỉ áp dụng cho quyền sử dụng vũ lực chống lại kẻ xâm phạm mà ta cho là sắp tấn công.3
Thứ nhì, ta có thể hỏi: liệu có thể đồng thuận với quan điểm của một số người theo chủ nghĩa tự do cá nhân cho rằng một chủ cửa hàng có quyền đánh chết một thằng bé chỉ vì nó thó trộm một cái kẹo cao su? Ta có thể diễn đạt lập trường, mà có thể gọi là “thuyết tối đa” (maximalist), như nhau: khi đã ăn trộm cái kẹo cao su, thằng nhóc đã tự đặt nó ra ngoài vòng luật pháp. Bằng hành động của mình nó đã cho thấy rằng nó không tin vào hoặc không tôn trọng cái lí thuyết đúng đắn về quyền tài sản. Do đó, nó đã đánh mất tất cả quyền của mình, và người chủ cửa hàng, trong phạm vi quyền của mình, có thể trả đũa bằng cách giết chết thằng bé.4
Tôi cho rằng quan điểm này chứa đựng một sự bất cân xứng kỳ cục. Bằng cách chỉ tập trung vào quyền của người chủ cửa hàng đối với cái kẹo của ông ta, quan điểm này đã hoàn toàn lờ đi một quyền tài sản cực kỳ giá trị khác: quyền sở hữu thân thể của tất cả mọi người – bao gồm cả cậu bé kia. Dựa trên cơ sở nào để cho rằng một sự xâm phạm nhỏ xíu lên tài sản của người khác phải trả giá bằng toàn bộ thân thể mình? Tôi đề xuất một nguyên tắc cơ bản khác liên quan đến tội phạm: kẻ phạm tội, hay kẻ xâm phạm, mất đi quyền của mình chỉ ở mức độ mà anh ta đã xâm phạm lên người khác. Nếu một người tước đoạt một phần nào đó quyền sở hữu thân thể hay quyền sở hữu tài sản hữu hình của một người khác, thì anh ta cũng chỉ đánh mất quyền của mình ở mức độ đó mà thôi.5 Lí thuyết về trừng phạt tương xứng ngay lập tức được khởi sinh từ nguyên lí này – mà có thể được gói gọn trong một điều luật cổ tuyệt vời: “hình phạt xứng với tội”6.
Ta đi đến kết luận rằng việc người chủ cửa hàng bắn cậu bé phạm tội kia đã vượt quá phần mất quyền tương xứng, khiến kẻ phạm tội bị thương hay bị chết; hành động đi quá giới hạn này tự cấu thành hành vi xâm phạm lên quyền sở hữu thân thể của cậu bé trộm kẹo. Thực chất, người chủ cửa hàng đã phạm tội còn nghiêm trọng hơn cậu bé, vì ông ta đã làm thương hay giết chết nạn nhân – một sự xâm phạm lên quyền của người khác còn kinh khủng hơn hành vi trộm cắp ở cửa hàng.
Ta có thể tiếp tục hỏi, việc “kích động nổi loạn” có chính đáng không? Giả sử rằng Green xúi giục một đám đông: “Tiến lên! Đốt! Cướp! Giết!” và đám du thủ du thực thực hiện đúng như thế, nhưng Green, ngoài việc hô hào, lại không tham gia vào những hành động này. Vì tất cả mọi người đều tự do để thực hiện hay không thực hiện bất cứ chuỗi hành động nào mà anh ta muốn, ta không thể nói rằng bằng cách nào đó Green đóng vai trò quyết định trong việc những tay du thủ du thực thực hiện hành vi phạm tội của chúng. Ta không thể đổ hết trách nhiệm cho hành vi phạm tội của đám người kia lên anh ta chỉ vì lời kích động của mình. Do đó, “kích động nổi loạn” chỉ thuần túy là việc thực thi quyền tự do ngôn luận của mình và do vậy không thể bị coi là phạm tội. Nhưng nếu Green tham gia vào việc lên kế hoạch hay bày mưu tính kế với băng nhóm đó để thực hiện hành vi phạm tội, và sau đó Green xúi giục chúng thực hiện, thì rõ ràng là anh ta cũng phạm tội như những kẻ khác – có thể còn ở mức độ nặng hơn nếu anh ta là kẻ cầm đầu băng đảng tội phạm. Sự phân biệt này không dễ rạch ròi nhưng trên thực tế lại rõ ràng – có một sự khác biệt rõ ràng giữa kẻ cầm đầu băng đảng tội phạm và một kẻ to mồm la hét trong cuộc nổi loạn; kẻ đứng sau không thể đơn giản chỉ bị buộc tội “kích động”, và điều đó hoàn toàn đúng đắn.
Từ thảo luận về phòng vệ ở trên, phải nói thêm cho rõ là tất cả mọi người đều có quyền tuyệt đối sở hữu vũ khí – dù là để tự vệ hay là do những lí do hợp lẽ khác. Tội phạm không đến từ việc trang bị vũ khí, mà từ việc sử dụng chúng cho những hành vi đe dọa hay xâm phạm thực sự. Nhân tiện nói thêm, thật kì lạ là luật pháp lại cấm mang vũ khí giấu kín trong người, trong khi đúng ra vũ khí để lộ ra ngoài mới có thể được sử dụng cho việc đe dọa.
Bất cứ tội phạm nào, bất cứ sự xâm phạm lên quyền nào, từ việc phá vỡ hợp đồng cho đến giết người, luôn luôn có hai bên (hay nhóm các bên) tham gia: phía nạn nhân (hay bên nguyên can) và phía bị cáo buộc phạm tội (bên bị can). Mục đích của bất cứ thủ tục pháp lí nào là để tìm ra, với nỗ lực cao nhất, kẻ phạm tội là ai hoặc không ai cả trong bất cứ vụ án cụ thể nào. Nhìn chung, các quy định pháp lý này là những phương cách được chấp nhận rộng rãi nhất nhằm tìm ra ai là kẻ phạm tội. Nhưng những người theo chủ thuyết tự do cá nhân cảnh báo một điều tối quan trọng đối với những thủ tục này: không được sử dụng vũ lực với những người không phạm tội. Vì việc sử dụng bất cứ thứ vũ lực nào với những người không phạm tội đều là xâm phạm lên quyền của những người vô tội, và do đó bản thân nó là hành vi phạm tội và không thể chấp nhận được. Lấy thí dụ, việc cảnh sát đánh đập và hành hạ những người bị tình nghi – hoặc chí ít là nghe lén điện thoại của họ. Những người lên án các hành vi này luôn luôn bị những người bảo thủ kết tội là “dung túng cho bọn tội phạm”. Nhưng toàn bộ vấn đề ở đây là ta không biết những người này phạm tội hay không, và chừng nào chưa bị kết án, họ phải được đối xử như những người vô tội và hưởng đầy đủ các quyền của người vô tội: nói theo một thành ngữ nổi tiếng, “người ta vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội.” (Ngoại lệ duy nhất là khi một nạn nhân sử dụng quyền tự vệ chống lại những kẻ xâm phạm mà anh ta biết là đang xâm phạm vào nơi ở của anh ta). Khi đó “dung túng cho bọn tội phạm” thực chất lại là bảo đảm rằng cảnh sát không phạm tội xâm phạm lên các quyền đối với thân thể của những người có thể là vô tội nhưng lại đang bị nghi ngờ là có tội. Ở trường hợp này, so với những người bảo thủ, những “người dung túng” và những người kìm hãm cảnh sát hóa ra lại là những người bảo vệ đích thực các quyền tài sản.
Có lẽ chúng ta nên làm rõ thêm một khía cạnh quan trọng của thảo luận này: cảnh sát có thể sử dụng các biện pháp cưỡng chế nếu thỏa mãn điều kiện kẻ tình nghi sau đó bị tuyên là có tội và bản thân cảnh sát sẽ bị coi là phạm tội nếu kẻ tình nghi sau đó được chứng minh là vô tội. Vì trong trường hợp này, quy tắc không sử dụng vũ lực lên những người vô tội vẫn được áp dụng. Thí dụ, giả sử rằng cảnh sát đánh đập và tra tấn một một người bị tình nghi là kẻ giết người (mà không phải để ép cung, vì hẳn nhiên bất cứ lời thú tội nào từ việc ép cung đều được xem là không có giá trị). Nếu kẻ tình nghi sau đó bị tuyên án là có tội, thì những người cảnh sát chẳng làm gì sai, vì rằng họ chỉ đáp trả tên sát nhân một phần những gì hắn đáng phải nhận; quyền của hắn đã bị tước đi còn nhiều hơn thế. Nhưng nếu kẻ tình nghi được chứng minh là vô tội, thì điều đó hàm nghĩa rằng những cảnh sát đã đánh đập và hành hạ một người vô tội, và họ phải được đưa ra trước vành móng ngựa cho tội hành hung độc ác của mình. Tóm lại, trong tất cả mọi trường hợp, cảnh sát phải được đối xử như bất cứ ai khác; trong thế giới tự do cá nhân, tất cả mọi người đều hưởng tự do như nhau, có quyền như nhau trước pháp luật tự do cá nhân. Không thể có bất cứ quyền đặc miễn nào hay sự cho phép đặc biệt nào để thực hiện hành vi phạm tội. Điều này hàm nghĩa rằng, trong một xã hội tự do cá nhân, cảnh sát phải chịu rủi ro như bất kỳ ai khác; nếu họ thực hiện một hành vi xâm phạm lên một ai khác, thì điều đó là tốt nếu kẻ đó quả thực đáng bị đối xử như thế, nhược bằng những người cảnh sát lại trở thành những kẻ phạm tội.
Hệ quả là, cảnh sát không bao giờ được phép thực hiện hành vi xâm phạm mà tồi tệ hơn, hay đi xa hơn tội danh đang được điều tra. Do đó, cảnh sát không bao giờ được phép đánh đập hay hành hung ai đó chỉ vì những trò trộm vặt của họ, vì hành vi đánh đập một người là xâm phạm lên quyền sở hữu thân thể của người đó, còn tồi tệ hơn cả hành vi ăn cắp, thậm chí khi người kia quả thực là kẻ trộm.
Phải nói rõ rằng không ai, trong khi sử dụng quyền tự vệ của mình, được phép cưỡng ép người khác phải bảo vệ mình. Vì hành động này khiến cho bản thân người đang phòng vệ trở thành người xâm phạm lên quyền của người khác. Do đó, nếu A có hành vi xâm phạm lên B, thì B không thể bắt ép C cùng tham gia bảo vệ anh ta, vì khi đó B cũng hệt như một tên tội phạm xâm phạm lên C. Hàm ý trực tiếp của điều này là loại trừ nghĩa vụ quân sự, vì rằng việc cưỡng bách nhập ngũ có nghĩa là nô dịch hóa một người và cưỡng ép anh ta chiến đấu nhân danh một người khác. Nó cũng bác bỏ một phần thâm căn cố đế của hệ thống tư pháp, đó là làm chứng bắt buộc. Không ai được có cái quyền ép buộc ai đó khác phải phát biểu về bất kỳ chủ đề nào. Chúng ta không lạ gì quy định cấm cưỡng ép ai đó tự nhận tội, nhưng quy định cấm này phải được mở rộng để bảo vệ cả quyền không buộc tội bất cứ ai khác, thực chất là quyền được giữ im lặng. Tự do ngôn luận là vô nghĩa nếu nó không bao hàm quyền được tự do để giữ im lặng.
Nếu hành động dùng vũ lực chống lại những người không phạm tội là không thể chấp nhận được, thì hệ thống bồi thẩm đoàn phi tự nguyện hiện hành cũng phải được dỡ bỏ. Bồi thẩm đoàn phi tự nguyện, cũng như nghĩa vụ quân sự, là một dạng nô lệ hóa. Đúng là vì trở thành bồi thẩm viên là một công việc cực kỳ quan trọng, thành ra công việc đó phải không được đảm nhiệm bởi những cái đầu phẫn uất do bị nô lệ hóa. Và sao có thể chấp nhận được một xã hội tự coi là “tự do cá nhân” lại được đặt nền móng trên một hệ thống bồi thẩm đoàn bị nô lệ hóa? Ở hệ thống hiện hành, các tòa án nô lệ hóa các bồi thẩm viên bởi vì các bồi thẩm viên được trả tiền công thường nhật thấp hơn nhiều mức thị trường, và điều này tất yếu dẫn tới phải cưỡng bức các bồi thẩm viên để lấp đầy lượng cung lao động bị thiếu hụt. Vấn đề này không khác gì chế độ quân dịch, ở đó quân đội trả cho binh lính mức lương thua xa mức thị trường, thành ra không thể có đủ số lượng quân nhân ở cái mức tiền công bèo bọt đó, và cuối cùng đề ra nghĩa vụ quân sự để lấp cho đầy chỗ trống. Các tòa án hãy trả đúng mức tiền công thị trường cho các bồi thẩm viên và sẽ lập tức có đủ lượng cung cần thiết.
Nếu loại bỏ các biện pháp bắt buộc áp dụng đối với các bồi thẩm viên hay nhân chứng, thì một trật tự pháp luật tự do cá nhân cũng sẽ phải loại bỏ toàn bộ cái khái niệm về quyền lực ra trát hầu tòa. Tất nhiên, nhân chứng có thể được yêu cầu trình diện. Nhưng việc làm tự nguyện này phải được áp dụng cho cả các bị can nữa, vì họ vẫn chưa bị kết án là có tội. Trong một xã hội tự do cá nhân, phía nguyên can sẽ thông báo cho phía bị can rằng phía bị can đang bị truy tố với một tội danh đi kèm, và rằng phiên xét xử bị can sẽ được thực hiện. Phía bị can đơn giản là sẽ được mời trình diện, dù rằng anh ta không bị ép buộc phải làm thế. Nếu anh ta lựa chọn không tự biện hộ cho mình, thì phiên xét xử sẽ diễn ra mà không có bị can [in absentia], tất nhiên điều đó có nghĩa rằng cơ hội của phía bị can sẽ bị thu hẹp. Biện pháp cưỡng chế chỉ có thể được sử dụng cho phía bị can sau khi họ bị kết tội. Tương tự, không thể giam giữ bị can trước khi họ bị kết tội, trừ khi, tương tự như trường hợp cảnh sát sử dụng vũ lực, những người thực hiện việc giam giữ người sẵn sàng chịu tội bắt cóc nếu phía bị can hóa ra lại vô tội.7
Chú thích:
(1) Về việc triển khai các nguyên lí tự do cá nhân áp dụng cho luật đối với hành vi làm giả có thể tìm thấy ở Wordsworth Donisthorpe, Law In A Free State (London: Macmillan, 1895), pp. 132-58.
(2) Về một trình bày sâu xa hơn cho luận điểm này, xem chương “Các quyền tài sản và Lí thuyết về hợp đồng”, pp. 133-48 dưới đây.
(3) Tiêu chí này gợi lại học thuyết của các nhà kinh viện về tác động phụ (double effect). Xem G.E.M. Anscombe, “The Two Kinds of Error in Action,” Journal of Philosophy 60 (1963): 393-401; Philippa R. Foot, Virtues and Vices (Berkeley: University of California Press, 1978), pp. 19-25.
(4) Xa hơn, theo thuyết tối đa, những người theo chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa can thiệp và chủ nghĩa công lợi, từ bản chất quan điểm của họ, có bổn phận phải hành quyết. Tôi hàm ơn Tiến sĩ David Gordon cho điểm này.
(5) Nhà tự do cá nhân vĩ đại Auberon Herbert, trong Auberon Herbert và J.H. Levy, Taxation and Anarchism (London: Personal Rights Association, 1912), p. 38, đã đặt vấn đề theo cách sau:
Liệu tôi có đúng không khi cho rằng một người phải bị tước đi các quyền của mình (ở mức độ tương xứng với sự xâm phạm mà anh ta gây ra) cho việc tấn công quyền của những người khác? … Rất khó để có thể diễn đạt bằng các quy định cụ thể mức độ xâm phạm cũng như sự giam giữ sau đó; nhưng mọi luật pháp dựa trên lẽ công bằng đều cố gắng để làm điều này. Hình phạt cho một người có thể theo cách này nếu anh ta gây ra vết thương khiến tôi phải liệt giường cả ngày, theo cách khác nếu anh ta lấy mạng của tôi… Nhìn tổng quan thì nền tảng của nó [luật pháp] phải là quan niệm (mà tôi cho là đúng) theo đó hình phạt hay sự bồi thường – cho các vấn đề dân sự lẫn hình sự - phải được đo đếm bằng mức độ xâm phạm; nói cách khác, tức là, kẻ thực hiện hành vi xâm phạm đánh mất đi tự do của mình bằng với mức mà hắn đã tước đi của người khác.
(6) Về một trình bày cho lí thuyết về hình phạt, xem chương “Hình phạt và tính cân xứng”, ở pp. 85-96 bên dưới.
(7) Việc cấm cưỡng chế người chưa bị kết tội này cũng loại trừ các tai họa hai năm rõ mười của chế độ bảo lãnh; trong chế độ này, thẩm phán tùy nghi đặt ra một mức bảo lãnh, và bất kể với mức nào đi nữa thì các bị can nghèo khổ rõ ràng sẽ bị phân biệt đối xử.
Nguồn: Murray N. Rothbard, 1998, The Ethics of Liberty, New York University Press