[Hệ luân lý tự do] Độc quyền đất đai trong quá khứ và hiện tại

[Hệ luân lý tự do] Độc quyền đất đai trong quá khứ và hiện tại

Vì lẽ đó, có hai hình thức sở hữu tài sản không hợp lệ:1 “chế độ phong kiến”, trong đó những người sở hữu đất liên tục xâm phạm lên những người tá điền trực tiếp tham gia cải tạo đất đai; và hình thức chiếm đoạt đất, trong đó có những kẻ tùy tiện tuyên bố quyền sở hữu đất chưa khai phá nhằm đẩy những người đầu tiên cải tạo mảnh đất ra khỏi chính mảnh đất đó. Ta có thể gọi tên hai hình thức xâm phạm này là “độc quyền đất đai” (land monopoly) – không phải theo nghĩa một người hay một nhóm người sở hữu toàn bộ đất đai trong xã hội, mà trong cả hai trường hợp, theo nghĩa quyền sở hữu đất được đòi hỏi là những đặc quyền đặc lợi đầy độc đoán, vốn mâu thuẫn với quy tắc tự do cá nhân về trạng thái vô chủ của đất đai trừ khi đó là những người cải tạo thực sự, những người thừa kế của họ, hay những người được sang nhượng từ họ.2

Trong thế giới hiện đại, độc quyền đất đai vốn dĩ phổ biến hơn nhiều mức độ mà đa số người dân vẫn tin, đặc biệt là với nhiều người Mỹ. Ở những quốc gia kém phát triển, đặc biệt là ở Á Châu, Trung Đông, hay khu vực Mỹ La-tinh, sở hữu đất đai phong kiến là một vấn đề nhức nhối về mặt xã hội và kinh tế; ở một số nơi, những người thuộc tầng lớp nông dân vẫn bị đối xử như thân trâu ngựa [quasi-serf]. Thực chất, trong các quốc gia trên thế giới, Hoa Kỳ là một trong số ít nước gần như thoát khỏi chế độ phong kiến, vì tình cờ có một tiến trình phát triển lịch sử đầy may mắn.3 Thật khó khăn cho người Mỹ để suy nghĩ thấu đáo vấn đề này khi họ gần như đã thoát khỏi chế độ phong kiến. Cụ thể, nhận xét này đúng cho những kinh tế gia laissez-faire người Mỹ, những người có xu hướng đưa ra những khuyến nghị của mình cho các quốc gia tụt hậu trong khuôn khổ sách vở về đức hạnh của thị trường tự do. Nhưng những bài thuyết giáo này tất sẽ bị bỏ ngoài tai, vì rằng “thị trường tự do” của những người thuộc phái bảo thủ Mỹ rõ ràng không hoàn thành được việc đặt dấu chấm hết cho chế độ phong kiến, độc quyền đất đai, cũng như việc chuyển nhượng quyền sở hữu những mảnh đất này, mà không bồi hoàn gì cho tầng lớp nông dân. Song, khi mà nông nghiệp luôn luôn là một ngành sản xuất chủ đạo ở những nước kém phát triển, thì một thị trường tự do đích thực, một xã hội tự do cá nhân đích thực xiển dương công lí và các quyền tài sản, tất cả chỉ có thể được thiết lập ở đó bằng cách đặt dấu chấm hết cho các tuyên bố quyền tài sản phong kiến bất chính. Nhưng những kinh tế gia theo chủ thuyết công lợi, vốn thiếu đi nền tảng về một lí thuyết đạo đức cho quyền tài sản, chỉ có thể quay về chống đỡ cho bất cứ trạng thái hiện tồn [status quo] nào – đen đủi là, ở trường hợp này, lại là hiện trạng của chế độ phong kiến chà đạp lên công lí và bất cứ thị trường tự do cho đất đai hay nông sản đúng nghĩa nào. Việc phớt lờ đi vấn đề đất đai này hàm nghĩa rằng người Mỹ và công dân của các nước kém phát triển đang đối thoại với nhau bằng hai thứ ngôn ngữ khác biệt, và không ai có thể hiểu được quan điểm của người kia.

Cụ thể, những người Mỹ thuộc phái bảo thủ thuyết giáo cho các nước tụt hậu về lợi ích và vai trò của các khoản đầu tư tư nhân nước ngoài đến từ các nước tân tiến, cũng như việc tạo môi trường thuận lợi cho các khoản đầu tư này, giảm thiểu nhũng nhiễu từ chính quyền. Điều này hoàn toàn chính xác, nhưng nó lại không thực tế với những người dân ở các nước kém phát triển, vì những người phái bảo thủ mãi không phân biệt được đâu là các khoản đầu tư nước ngoài chính đáng, xuất phát từ thị trường tự do và đâu là khoản đầu tư dựa trên nhượng quyền độc quyền đất đai cũng như quyền khai thác những mảnh đất khổng lồ từ các nhà nước kém phát triển. Trong phạm vi mà đầu tư nước ngoài dựa trên độc quyền đất đai và cưỡng ép tầng lớp nông dân, những nhà tư bản ngoại quốc không khác gì các địa chủ phong kiến, thế nên họ phải bị đối xử giống như các địa chủ phong kiến.

Những sự thật này được một trí thức cánh tả lỗi lạc người Mexico, Carlos Fuentes, truyền tải đầy cảm động như một thông điệp cho nhân dân Hoa Kỳ:

“Các ông có bốn thế kỷ phát triển đồng đều trên nền kết cấu tư bản chủ nghĩa. Chúng tôi có bốn thế kỷ chậm phát triển bên trong kết cấu của chế độ phong kiến… Khởi nguyên của các ông là cuộc cách mạng tư bản chủ nghĩa… Các ông bắt đầu từ con số không, từ một xã hội chưa được khai phá, nhưng lại hoàn toàn sánh ngang được với thời đại, mà không có bất cứ tàn dư phong kiến nào. Trái lại, chúng tôi lại kiến dựng như là phần kéo dài của một trật tự phong kiến thời Trung Cổ đang trên bờ sụp đổ; chúng tôi thừa hưởng các công trình lỗi thời đó, mang hết các khuyết tật của chúng, và cải biến chúng thành những thiết chế mà đã nằm ngoài rìa cuộc cách mạng của thế giới hiện đại… Chúng tôi đi từ… chế độ nô lệ lên… chế độ latifundio [chế độ cho phép những mảnh đất rộng mênh mông nằm dưới sự kiểm soát độc nhất của một lãnh chúa], phủ nhận các quyền chính trị, kinh tế hay văn hóa của quần chúng nhân dân, trở thành một sở thuế vụ cô lập với các ý tưởng hiện đại… Các ông phải hiểu rằng bi kịch của các quốc gia Mỹ La-tinh bắt nguồn từ sự tồn tại dai dẳng của các cấu trúc phong kiến qua những bốn thế kỷ đầy khổ đau và đình trệ, trong khi đó các ông nằm ở trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp và thực hành một nền dân chủ tự do.”4

Chúng ta không cần phải tìm kiếm đâu xa những ví dụ về việc xâm chiếm đất cũng như độc quyền đất trong thế giới hiện đại; vì quả thực chúng nhiều không đếm xuể. Ta có thể tham dẫn một thí dụ mà có vẻ không khác lắm với vị hoàng đế Ruritania giả định của chúng ta: “Nhà Vua [The Shah] sở hữu hơn một nửa tổng số đất trồng trọt ở Iran, vốn là đất được cha của ông ta tiếp quản. Ông ta sở hữu gần 10.000 làng mạc. Đến nay, nhà cải cách vĩ đại này đã bán đi những hai trong số làng mà mình có.”5 Một ví dụ điển hình cho sự kết hợp giữa đầu tư nước ngoài và xâm phạm đất đai là trường hợp công ty khai mỏ Bắc Mĩ nằm ở Peru, Cerro de Pasco Corporation. Bằng cách mua lại một cách hợp pháp vùng đất từ một Tu viện từ nửa thế kỷ trước, từ năm 1959 Cerro de Pasco bắt đầu xâm lấn và chiếm hữu những vùng đất của các thổ dân da đỏ láng giềng. Những người da đỏ ở Rancas, nếu từ chối rời khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình, sẽ bị thảm sát bởi những người tá điền khác do chính công ty thuê mướn; những người da đỏ ở Yerus Yacan đã nỗ lực khởi kiện hành động của công ty ra tòa án, trong khi đó người của công ty thì thiêu rụi đồng cỏ và phá hủy nhà lều của những người nông dân. Khi những thổ dân da đỏ chiếm lại được đất đai thông qua đấu tranh bất bạo động thì chính quyền Peru lại tuân lệnh Cerro de Pasco và những tay điền chủ latifundia địa phương, cử quân đội tới để xua đuổi, hành hung và thậm chí tàn sát những người thổ dân da đỏ tay không tấc sắt.6

Thế thì đâu là quan điểm của điểm của chúng ta về các khoản đầu tư vào những vùng đất chứa dầu thô, một trong những dạng thức phổ biến nhất của đầu tư nước ngoài trên thế giới hiện nay? Đa số các phân tích đều phạm phải một sai lầm chủ đạo, đó là hoặc chỉ tán thành trên nguyên tắc hoặc phê phán trên nguyên tắc, trong khi đó lời giải đáp thì lại phụ thuộc vào quyền tài sản được thiết lập trong từng trường hợp cụ thể. Thí dụ, một công ty khai thác dầu, dù là công ty nội địa hay quốc tế, tuyên bố quyền sở hữu đối với mảnh đất chứa dầu mà họ phát hiện ra và tiến hành khai thác, thì đây chính là tài sản tư mà họ “đặt dấu chân” một cách chính đáng, và thật bất công nếu những chính quyền ở các quốc gia kém phát triển đánh thuế và điều tiết công ty này. Ở đâu mà chính quyền khăng khăng khẳng định quyền sở hữu vùng đất, và chỉ cấp quyền thuê đất khai thác dầu cho công ty, (ta sẽ thấy dưới đây những tranh luận sâu xa hơn về vai trò của chính quyền), thì tuyên bố sở hữu của chính quyền là bất chính và không có căn cứ, và với vai trò là “người đặt dấu chân”, công ty kia là chủ sở hữu chính đáng chứ không đơn thuần là người đi thuê mảnh đất để khai thác dầu.

Mặt khác, có những trường hợp mà công ty dầu thô, trước khi bắt tay vào khai thác, lại mượn tay chính quyền ở các quốc gia kém phát triển để nhượng quyền cho mình độc quyền toàn bộ dầu thô trong một vùng đất mênh mông, và từ đó cùng thỏa thuận để bóp chết tất cả các nhà sản xuất cạnh tranh mà có thể thăm dò ra dầu và khai thác trên vùng đất đó. Với trường hợp này, cũng như trường hợp ở trên khi mà Crusoe tùy tiện sử dụng vũ lực để tống cổ Friday ra, công ty dầu thô nhắc đến ở trên đang sử dụng quyền lực chính quyền một cách bất chính để trở thành nhà độc quyền cho cả đất-lẫn-dầu. Theo lẽ thường, bất cứ công ty nào nhảy vào vùng đất để phát hiện và khai thác dầu thì nghiễm nhiên trở thành chủ sở hữu chính đáng của vùng đất “được đặt dấu chân” đó. Hơn nữa [a fortiori], dĩ nhiên, người chủ mỏ mà sử dụng nhà nước để đuổi cổ những người tá điền ra khỏi đất khỏi đất của họ bằng vũ lực – thí dụ, điều này đã được thực hiện bởi Creole Oil Co. ở Venezuela – thì đây là hành động bắt tay với chính quyền phục vụ cho sự xâm phạm của chủ mỏ lên quyền tài sản của những người tá điền.

Ta có thể thấy những chương trình “cải cách điền địa” hiện thời ở các quốc gia đang phát triển là một sự ngụy biện rẻ tiền. (Những chương trình này thường bao gồm việc chuyển giao một phần nhỏ những vùng đất kém phì nhiêu từ tay các điền chủ cho các tá điền, nhưng kèm theo đó là việc bồi hoàn toàn phần cho những người điền chủ, và thường là những người tá điền phải trả tiền bồi hoàn thông qua trợ cấp từ nhà nước.) Nếu quyền sở hữu của điền chủ là chính đáng thì bất cứ cải cách điền địa nào được áp dụng đều là hành động tịch thu bất chính, xâm phạm tài sản của điền chủ; nhưng mặt khác, nếu quyền sở hữu của điền chủ là bất chính, thì việc cải cách là nửa vời, không chạm tới được căn nguyên của vấn đề. Bời vì, giải pháp thỏa đáng duy nhất là ngay lập tức vô hiệu quyền tài sản và sau đó trao nó cho các tá điền, và hẳn nhiên là không có bồi hoàn nào cho kẻ xâm phạm đã chiếm hữu quyền kiểm soát mảnh đất một cách sai trái. Vì thế, vấn đề đất đai ở những nước kém phát triển chỉ có thể được giải quyết bằng cách áp dụng các quy tắc công lí mà ta đã vạch ra; và việc áp dụng đòi hỏi phải có các truy vấn thực nghiệm chi tiết và với quy mô lớn cho quyền sở hữu đất.

Trong những năm gần đây, thứ học thuyết cho rằng chế độ phong kiến, thay vì áp bức và bóc lột, lại là một vệ sĩ của tự do đã trở nên phổ biến hơn với những người bảo thủ Mỹ. Đúng là như những người bảo thủ chỉ ra, chế độ phong kiến không phải là một chế độ xấu xa như “chế độ chuyên chế phương Đông”, nhưng nói thế thì không khác gì nói rằng bỏ tù là hình phạt không xấu xa như hành hình. Sự khác biệt giữa chế độ phong kiến và chế độ chuyên chế phương Đông không nằm ở đặc tính mà nằm ở mức độ; ở trường hợp trước, quyền lực độc đoán đối với đất đai và người dân trên vùng đất đó được phân chia về mặt địa lý thành các khu vực; ở trường hợp sau, đất đai lại được tập trung về tay độc nhất một lãnh chúa toàn quyền, với tay chân là đám quan liêu, kiểm soát toàn bộ diện tích đất của cả quốc gia. Hai bộ máy quyền lực và đàn áp này mang đặc tính như nhau; kẻ bạo chúa phương Đông là một lãnh chúa phong kiến thu hết quyền lực chinh phạt về tay mình. Mỗi hệ thống là một biến thể của cái kia, và không có cái nào, theo bất kỳ nghĩa nào, thể hiện tư tưởng tự do cá nhân. Không có lí do gì để cho rằng xã hội phải lựa chọn một trong hai – rằng chỉ có chúng mới là những lựa chọn khả dĩ.

Tư duy lịch sử về toàn thể vấn đề này đã bị rẽ theo hướng cực kỳ sai lầm bởi những sử gia người Đức theo chủ nghĩa nhà nước ở cuối thế kỷ XIX: chẳng hạn như Schmoller, Bucher, Ehrenberg, và Sombart.7 Những sử gia này mặc nhiên cho rằng có sự phân đôi rõ rệt và xung đột mang tính bản chất giữa một bên là chế độ phong kiến và một bên là nền quân chủ chuyên chế, hay một nhà nước mạnh. Họ mặc nhiên cho rằng sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đòi hỏi phải có nền quân chủ chuyên chế và nhà nước mạnh để rũ bỏ những rào cản do chế độ phong kiến cát cứ địa phương dựng lên. Quan điểm phân đôi giữa một bên là chủ nghĩa tư bản cộng với nhà nước trung ương mạnh và bên kia là chế độ phong kiến của những sử gia này đã được chia sẻ bởi những người theo chủ nghĩa Marxist, những người không hề có sự phân biệt cụ thể nào giữa “tư sản” dựa vào nhà nước và tư sản dựa trên thị trường tự do. Giờ đây, một số người thuộc phe bảo thủ hiện đại tiếp nhận phép phân đôi cũ kỹ này và đội nó lên đầu. Chế độ phong kiến và nhà nước trung ương mạnh vẫn được xem là những thái cực đối lập nhau hoàn toàn, ngoại trừ việc chế độ phong kiến, theo cách nhìn này, được cho là tốt hơn.

Sai lầm ở đây nằm ở bản thân sự phân đôi giữa hai khái niệm. Thực tế, một nhà nước mạnh và chế độ phong kiến không phải là hai khái niệm đối chọi nhau; cái trước là sự phát triển hợp logic của cái sau, với một nhà quân chủ chuyên chế thống trị như một siêu lãnh chúa phong kiến. Khi nó nở rộ ở Tây Âu, nhà nước mạnh đã không phá bỏ những rào cản thương mại của chế độ phong kiến; trái lại, nó còn đặt thêm nhiều rào cản khác cũng như sưu cao thuế nặng lên cấu trúc phong kiến đã có. Cuộc cách mạng Pháp, nhằm chống lại cái vốn là hiện thân sinh động của nhà nước mạnh ở châu Âu, đã hướng tới việc phá bỏ cả chế độ phong kiến cùng với các rào cản thương mại ở địa phương, lẫn các rào cản và sưu cao thuế nặng đặt ra bởi chính quyền trung ương.8 Sự phân đôi đích thực là giữa tự do ở một bên và bên kia là những tay bạo chúa phong kiến lẫn nền quân chủ chuyên chế. Hơn nữa, thị trường tự do và chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ nhất và sớm nhất ở những quốc gia, nơi mà quyền lực của chính quyền trung ương yếu hơn cả: các thị quốc Ý Đại Lợi, cũng như Hà Lan hay Anh Quốc ở thế kỷ XVII.9

Việc các quốc gia Bắc Mỹ tương đối tránh được tai họa của đất đai phong kiến cũng như độc quyền đất đai không phải là không có thử thách. Rất nhiều thuộc địa Anh Quốc đã cố gắng thiết lập luật pháp phong kiến, đặc biệt là ở những nơi mà các thuộc địa đã được cấp đặc quyền cho các công ty hay là các doanh nghiệp một chủ, như ở New York, Maryland hay ở Bắc và Nam Carolina. Các nỗ lực này đã thất bại vì rằng đất ở Tân Thế Giới là một khu vực rộng lớn và chưa được khai phá, do đó rất nhiều kẻ được trao quyền độc quyền đất đai theo chế độ phong kiến cho những vùng đất, mà rất nhiều trong số đó cực kỳ rộng lớn, chỉ có thể thu được lợi nhuận từ chúng bằng cách đưa các khai phu đến Tân Thế Giới để an cư lạc nghiệp trên những mảnh đất này. Không như ở Cựu Thế Giới, ở đây từ ngày trước vốn không có những người định cư trên các vùng đất chật hẹp để mà có thể dễ dàng bóc lột được. Thay vào đó, những tay điền chủ, vốn buộc phải khuyến khích các khai phu đến định cư và nóng lòng thu lợi, luôn luôn chia nhỏ và bán đi đất đai của mình cho những người định cư. Tất nhiên, không may là, do đã có các tuyên bố sở hữu tùy tiện và việc chính quyền cấp đất, quyền sở hữu đất đã bị độc quyền trước khi định cư. Kết quả là những khai phu bị buộc phải trả một cái giá cho mảnh đất mà đáng ra phải là miễn phí. Nhưng một khi vùng đất đã được mua bởi các khai phu thì sự bất công không còn nữa, và quyền sở hữu đất về với chủ sở hữu đích thực của nó: những khai phu. Bằng cách này, lượng cung dồi dào của đất chưa được khai hoang, cùng với sự nóng lòng muốn thu lợi của những điền chủ, đã đưa tới một cái kết đẹp để phá bỏ chế độ phong kiến và độc quyền đất đai, và kiến tạo nên một hệ thống đất đai thực sự tự do ở khu vực Bắc Mỹ. Một vài nhà toàn quyền thuộc địa cố gắng tiếp tục thu tô cố định [quitrent] từ những khai phu – vết tích cuối cùng của sự bóc lột phong kiến – nhưng các khai phu đồng loạt từ chối trả hoặc coi đất là của chính họ. Ở mọi tình huống, các tay toàn quyền thuộc địa đều từ bỏ việc tiếp tục thu tô cố định, kể cả trước khi Hoàng Gia Anh tước đi đặc quyền đó.10 Chỉ có một trường hợp thứ yếu mà việc chiếm hữu đất đai phong kiến vẫn tiếp diễn ở các thuộc địa Anh Quốc (ngoại trừ trường hợp chế độ nô lệ và nhiều đồn điền lớn ở miền Nam): tại các hạt Hudson Valley ở New York, ở đó các vùng đất lớn được cấp quyền độc quyền lại được đem cho thuê thay vì được bán cho các khai phu. Kết quả là những người nông dân (còn được gọi là các “tá điền”) liên tục kháng cự và thậm chí còn nổ ra các cuộc xung đột dữ dội. Các cuộc chiến tranh “Chống Tô” nổ ra như là đỉnh điểm của các làn sóng kháng cự này, khi mà đòi hỏi nộp tô cố định cuối cùng cũng được chấm dứt bởi cơ quan lập pháp của bang, và tàn tích cuối cùng của chế độ phong kiến ở bên ngoài miền Nam cuối cùng cũng biến mất.

Tất nhiên, nằm bên ngoài bức tranh đồng quê thơ mộng này là sự mở rộng của chế độ nô lệ ở các bang miền Nam. Chỉ bằng cách áp bức lao động nô lệ thì hệ thống đại đồn điền trồng các loại nông sản chủ chốt ở miền Nam mới phất lên được. Nếu không có chế độ sở hữu và cưỡng bức lao động những người khác thì hệ thống đại đồn điền trồng các loại nông sản – và có lẽ cũng với hầu hết thuốc lá cũng như bông sau này - đã không nở rộ khắp nơi ở miền Nam.

Chúng ta đã chỉ ra trên kia rằng chỉ có một giải pháp phù hợp với luân thường đạo lý cho vấn đề nô lệ: bãi nô ngay lập tức và vô điều kiện mà không có bất kỳ bồi hoàn gì cho các chủ nô. Thực chất, bất cứ bồi hoàn nào đều phải theo hướng ngược lại – hoàn trả những người nô lệ bị áp bức cho cuộc đời bị nô lệ hóa của họ. Một khoản hoàn trả như thế không thể không bao gồm cấp đất canh tác, không phải cho những người chủ nô mà gần như chắc chắn là không có quyền sở hữu chính đáng cho bất cứ tài sản nào, mà là cho bản thân những người lệ, những người mà đã hòa lao động của mình với đất đai để phát triển đồn điền, theo nguyên lí “dấu chân” của chúng ta. Nói tóm lại, ít nhất, công lí nền tảng của chủ thuyết tự do cá nhân đòi hỏi không chỉ phải giải phóng nô lệ ngay lập tức, mà còn phải trả lại cho những người nô lệ vùng đất canh tác mà ở đó họ đã hy sinh mồ hôi nước mắt để làm lụng; ngoài ra, không có bất cứ bồi hoàn nào cho chủ nô. Đội quân miền Bắc thắng trận cũng lặp lại cùng một sai lầm – dù “sai lầm” là một từ quá khoan dung cho hành động duy trì bản chất của một hệ thống xã hội bất công và áp bức – giống như Sa Hoàng Alexander khi ông ta phóng thích những người nông nô năm 1861: thân thể của những người bị áp bức đúng là đã được giải phóng nhưng những tài sản mà rõ ràng họ xứng đáng được hưởng lại thuộc về kẻ trước đó đã áp bức họ. Do đó, với quyền lực kinh tế vẫn còn trong tay mình, những tay bạo chúa ngày trước sẽ sớm nhận ra mình một lần nữa trở thành chủ nhân của những người bây giờ đã trở thành những tá điền hay nông dân tự do. Những người nông nô và nô lệ đã nếm mùi của tự do, nhưng họ lại bị tước đoạt tàn nhẫn thành quả của chính mình.11

Chú thích:

(1) Tất nhiên, thêm vào đó là quyền sở hữu của chính quyền mà ta sẽ thấy dưới đây.

(2) Như tôi đã chỉ ra trong Man, Economy, and State (Princeton, N.J.: D. Van Nostrand, 1962), chap. 10, “độc quyền” được định nghĩa một cách đúng đắn là việc nhận được một đặc quyền độc nhất đối với một tài sản mà vượt quá quy tắc tự do cá nhân về các quyền tài sản.

(3) Ngoại lệ may mắn này không xảy ra với các vùng đất ở Mexico vốn bị những người da trắng miền Bắc nước Mỹ (Yankee) xâm chiếm, tước đoạt và tái phân phối từ tay những người chủ sở hữu ban đầu của chúng – có thể thấy từ phong trào gần đây của những người Mỹ gốc Mexico, lãnh đạo bởi Reies Lopez Tijerina, khi họ đòi trả lại cho những người thừa kế của các nạn nhân những mảnh đất vốn bị cướp đi bởi những kẻ chinh phạt người Mỹ. Về hành vi cướp đất từ tay của những người Mĩ gốc Mexico, xem Clark S. Knowlton, “Land-Grant Problems Among the State's Spanish-Americans,” New Mexico Business (June 1967): 1-13. Xem cả Clyde Eastman, Garrey Carruthers, and James A. Liefer, “Contrasting Attitudes Toward Land in New Mexico,” New Mexico Business (March 1971): 3-20. Về phong trào Tijerina, xem Richard Gardner, Grito!: Reies Tuerina and the New Mexico Land Grant War of 1967 (New York: Harper and Row, 1971).

(4) Carlos Fuentes, “The Argument of Latin America: Words for the North Americans,” trong Whither Latin America? (New York: Monthly Review Press, 1963), pp. 10-12.

(5) Michael Parrish, "Iran: The Portrait of a U.S. Ally," The Minority of One (December 1962): 12.

(6) Sebastian Salazar Bondy, “Andes and Sierra Maestra,” trong Whither Latin America? p. 116, nói rằng:

Hết lần này đến lần khác, tờ Lima đăng tải những mẩu chuyện về việc một cộng đồng nào đó đã “xâm phạm” tài sản của các tay điền chủ latifundia hay các chủ mỏ. Các độc giả hiểu biết đều biết rõ điều gì đang xảy ra. Vốn phẫn nộ do bị xua đuổi khỏi nơi chôn rau cắt rốn, lại thiếu đi công lí từ pháp luật, những người thổ dân da đỏ quyết định dùng sức lực tay chân của mình để giành lại cái vốn thuộc về họ.

(7) Trớ trêu là, dấu mốc trong những năm cuối đời của Sombart lại là sự công kích của ông đối với ý niệm về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Thí dụ, hãy xem Werner Sombart, A New Social Philosophy (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1937); xem cả Werner Sombart, Vom Menschen (Berlin, 1938).

(8) Về tài sản tư và chế độ phong kiến trong Cách mạng Pháp, xem Gottfried Dietze, In Defense of Property (Chicago: Regnery, 1963), pp. 140-41.

(9) Về trường hợp ít ai để ý của Hà Lan, xem Jelle C. Riemersma, “Economic Enterprise and Political Powers After the Reformation,” Economic Development and Cultural Change (July 1955): 297-308.

(10) Về khoảng thời gian mà Mỹ đã trải qua, xem Murray N. Rothbard, Conceived in Liberty (New York: Arlington House, 1975), vol. 1.

(11) Những năm gần đây đã chứng kiến một làn sóng cổ vũ bãi nô đến từ các sử gia như Staughton Lynd, James McPherson, và Willie Lee Rose; họ đã công nhận tầm quan trọng cốt tủy của yêu sách “bốn mươi mẫu và một con la” của các nhà bãi nô, nhằm trả lại các đồn điền cũ về tay các nô lệ. Xem James M. McPherson, The Struggle for Equality: Abolitionists and the Negro in the Civil War and Reconstruction (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1964); và Willie Lee Rose, Rehearsal for Reconstruction: The Port Royal Experiment (Indianapolis, Ind.: Bobbs-Merrill, 1964). Xem cả Claude F. Oubre, Forty Acres and a Mule: The Freedmen's Bureau and Black Land Ownership (Baton Rouge: Louisiana StateUniversity Press, 1978).

Nguồn: Murray N. Rothbard, 1998, The Ethics of Liberty, New York University Press