[Hệ luân lý tự do] Nhiệm vụ của triết học chính trị

[Hệ luân lý tự do] Nhiệm vụ của triết học chính trị

Đây là bài trích đăng từ "Phần I: Dẫn nhập: Luật tự nhiên" trong cuốn The Ethics of Liberty (Luân lý học tự do) của Murray Rothbard.

- Thị trường Tự do Academy 

(Tiếp theo Phần 4: Luật tự nhiên và các quyền tự nhiên)

Cuốn sách này không nhằm mục đích trình bày hay bảo vệ triết học luật tự nhiên, hay xây dựng giá trị đạo đức luật-tự-nhiên cho đạo đức cá nhân của con người. Mục đích của nó là đặt ra giá trị luân lý xã hội tự do, tức là, xây dựng tập hợp con đó của luật tự nhiên thành khái niệm về quyền tự nhiên, và trong lãnh địa phù hợp của “chính trị”, tức là, vũ lực và phi vũ lực như là hình thức của mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau. Nói tóm lại, để thiết lập một thứ triết học chính trị về tự do.

Theo quan điểm của chúng ta thì nhiệm vụ của “khoa học chính trị” hay đúng hơn, của “triết học chính trị” là xây dựng một tòa lâu đài của luật tự nhiên thích hợp cho khoa học chính trị. Thực tế là các khoa học gia chính trị trong thế kỷ này rõ ràng đã phớt lờ nhiệm vụ này. Khoa học chính trị hoặc đã theo đuổi việc “xây dựng mô hình” khoa học và thực chứng, bắt chước trong vô vọng phương pháp luận và nội dung của khoa học vật lý, hoặc lục tìm bằng chứng thực nghiệm thuần túy. Nhà khoa học chính trị đương thời tin rằng anh ta có thể tránh được việc phải có các đánh giá đạo đức, và anh ta có thể xây dựng chính sách công mà không cần phải gắn mình với bất kỳ lập trường đạo đức nào. Nhưng khi bất kỳ đề xuất chính sách nào được đưa ra, thì dù với quy mô và phạm vi hạn chế tới đâu, dù muốn dù không đều cần đến đánh giá đạo đức, bất kể có hợp lý hay không.1 Sự khác biệt giữa khoa học gia chính trị và triết gia chính trị đó là các đánh giá đạo đức “của nhà khoa học” thì mang tính ngầm định, không phải chịu sự soi xét kỹ lưỡng nào, và vì vậy rất có thể không hợp lý. Hơn nữa, việc tránh né các đánh giá đạo đức minh bạch đã dẫn các khoa học gia chính trị tới một đánh giá giá trị ngầm định nhưng có tính ưu trội hơn – đó là sự ưu ái hiện trạng chính trị tình cờ chiếm ưu thế trong bất cứ xã hội hiện tại nào. Ít nhất, việc thiếu đi một giá trị luân lý chính trị có hệ thống đã không cho phép nhà khoa học chính trị của chúng ta thuyết phục bất kỳ ai về giá trị của bất kỳ thay đổi nào từ hiện tại.

Trong khi đó, các triết gia chính trị ngày nay lại tự hạn chế bản thân mình, cũng theo cách thức không phán xét giá trị (Wertfrei), vào những công việc miêu tả và chú giải các bản văn cổ cũng như về quan điểm của người khác - các triết gia chính trị đã quá cố. Khi làm như vậy, họ đang trốn tránh cái nhiệm vụ chính của triết học chính trị, theo lời của Thomas Thorson, là “biện minh mang tính triết học cho những lập trường giá trị có liên quan đến chính trị.”2

Hệ thống luân lý chính trị và xã hội cần phải được xây dựng để bảo vệ chính sách công. Trong các thế kỷ trước thì đây là nhiệm vụ chủ yếu của triết học chính trị. Nhưng trong thời đại ngày nay, lý thuyết chính trị nhân danh “khoa học” giả mạo đã liệng triết học luân lý đạo đức ra lề đường, và bản thân nó đã trở nên cằn cỗi với tư cách là chỉ dẫn cho những công dân có nhu cầu tìm hiểu. Điều tương tự cũng đã diễn ra đối với từng chuyên ngành khoa học xã hội và triết học theo hướng dời bỏ các phương pháp của luật tự nhiên.

Hãy tống khứ tiểu tinh mang tên không phán xét giá trị (Wertfreiheit) ranh mãnh, của duy thực luận, của chủ nghĩa duy khoa học ra vệ đường. Hãy phớt lờ những yêu cầu cấp bách của cái hiện trạng độc đoán, hãy nghĩ ra – dù có thể sáo rỗng và tầm thường đi chăng nữa – một tiêu chuẩn về luật-tự-nhiên và các quyền-tự-nhiên để từ đó những người khôn ngoan và trung thực có thể tu bổ. Đặc biệt, hãy thiết lập một triết học chính trị về tự do và về lãnh địa phù hợp của luật pháp, quyền tài sản, và Nhà nước.

(Xem tiếp Phần 6: Triết học xã hội Crusoe)

Chú thích:

(1) So sánh với W. Zajdlic, “The Limitations of Social Sciences,” Kyklos 9 (1956): trang 68-71.

(2) Vì thế, như Thorson chỉ ra, triết học chính trị là một phân nhánh của triết học luân lý đạo đức, nó trái ngược với “lý thuyết chính trị” cũng như triết học phân tích thực chứng. Xem Thomas Landon Thorson, “Political Values and Analytic Philosophy”, Journal of Politics (November 1961): 712n. Có lẽ Giáo sư Holton đã đúng khi cho rằng “sự thoái trào của triết học chính trị là một phần của một sự thoái trào chung,” không những trong bản thân triết học, mà còn “trong vị trí của tính thuần lý và thế giới ý niệm riêng biệt”. Holton tiếp tục rằng hai thử thách chính đối với triết học chính trị chân chính trong các thập niên qua đến từ thuyết duy sử luận – là học thuyết cho rằng tất cả các ý niệm và chân lý đều có tính tương đối với các hoàn cảnh lịch sử cụ thể – và chủ nghĩa duy khoa học, là sự bắt chước các khoa học vật lý. James Holton, “Is Political Philosophy Dead?” Western Political Quarterly (September 1961): trang 75ff.

Nguồn: Murray N. Rothbard, 1998, The Ethics of Liberty, New York University Press