Nhờ chủ nghĩa tư bản, châu Phi đã giàu có hơn
[FEE, 26/07/2016] Như kinh nghiệm ở các khu vực khác đã cho thấy, phát triển thiết chế thường đi sau cải cách kinh tế. Trong trung và dài hạn, tầng lớp trung lưu châu Phi tăng lên có thể làm cho nhân dân châu Phi thức tỉnh và quyết đoán hơn về chính trị - và cuối cùng là dân chủ hóa của châu lục này.
Phía Nam sa mạc Sahara có 46 nước, với diện tích 9,4 triệu dặm vuông. Cứ bảy người trên trái đất thì có một người sống ở châu Phi, và tỷ lệ chắc chắn sẽ gia tăng do sinh suất của châu Phi vẫn cao hơn những châu lục khác.
Nếu xu hướng này cứ tiếp tục, đến năm 2050, Nigeria sẽ đông dân hơn Hoa Kỳ. Do đó, những điều đang xảy ra ở châu Phi có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với người dân trên lục địa này, mà còn quan trọng đối với tất cả chúng ta.
Lục địa đầy hi vọng
Châu Phi có thể lục địa nghèo nhất thế giới, nhưng đây không còn là “lục địa tuyệt vọng”, như tạp chí Economist mô tả vào năm 2000 nữa. Kể từ đầu thiên niên kỷ mới, thu nhập bình quân đầu người ở châu Phi, được điều chỉnh theo lạm phát và sức mua tương đương, đã tăng hơn 50%, và tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 5% một năm.
Của cải tăng lên đã cải thiện được những chỉ số quan trọng nhất về phúc lợi của con người. Năm 1999, 58% người dân châu Phi sống dưới mức 1,90 USD một ngày. Năm 2011, chỉ còn 44% người dân châu Phi phải sống với mức thu nhập đó - trong khi dân số châu Phi đã tăng từ 650 triệu lên 1 tỷ người. Nếu xu hướng này tiếp tục, đến năm 2030, tỷ lệ người thuộc diện cực nghèo của châu Phi sẽ giảm xuống còn 24%.
Nếu năm 2000 tuổi thọ trung bình ở châu Phi là 54 năm, thì năm 2015 đã tăng lên thành 62. Cũng trong thời gian này, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm từ 80 trường hợp trên 1.000 xuống còn 49 trường hợp trên 1.000. Phát hiện, điều trị và tỷ lệ sống của những người bị bệnh HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao cũng đã được cải thiện. Khẩu phần của mỗi người là trên 2.500 calo một ngày (trong khi Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) khuyến cáo cần 2.000 calo một ngày) và bên ngoài các khu vực chiến tranh đã không còn nạn đói đã nữa. Số người vào học cấp một, cấp hai và cấp ba chưa bao giờ cao đến như thế.
Của cải của các nước châu Phi
Giá một số mặt hàng tăng lên góp phần thúc đẩy tăng trưởng của châu Phi, nhưng phần lớn là do – như công trình nghiên cứu của McKinsey, năm 2010, đã chỉ ra - cải cách kinh tế. Muốn đánh giá vai trò quan trọng của các cuộc cải cách, cần phải nhớ rằng, trong phần lớn giai đoạn lịch sử hậu thuộc địa của châu lục này, tất cả chính phủ ở châu Phi đều áp đặt quyền kiểm soát tập trung lên nền kinh tế của họ. Chính sách thường được áp dụng là chính sách tiền tệ lạm phát; kiểm soát giá cả, tiền lương, và tỷ giá hối đoái; giữ giá nông sản thấp một cách giả tạo và bần cùng hóa nông dân; giữ các doanh nghiệp nhà nước và các công ty độc quyền.
Châu Phi bắt đầu thay đổi sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Chủ nghĩa xã hội bị mất phần lớn sức hấp dẫn của nó, Liên Xô, nước cung cấp tiền và bảo vệ nhiều chế độ độc tài châu Phi đã tan rã hoàn toàn. Từ năm 1990 đến 2013, mức độ tự do kinh tế - do Viện Fraser Canada đánh giá - đã tăng từ 4,75 lên 6,23 (điểm cao nhất là 10). Tự do thương mại còn gia tăng hơn nữa, từ 4,03 lên 6,39. Ấn tượng nhất là, châu Phi đã có nhiều tiến bộ trong chính sách tiền tệ, hay đã tiếp cận theo hướng xây dựng đồng tiền lành mạnh, từ năm 1975 đến năm 2013, tiêu chí này tăng từ 4,9 lên 7,27.
Châu Phi cũng có những bước tiến tương tự về chính sách kinh tế vi mô. Như báo cáo Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới cho thấy, môi trường pháp lý của châu Phi đã được cải thiện khá nhiều. Ví dụ, khởi nghiệp đã trở nên dễ dàng hơn, điểm số của châu Phi tăng từ 45 (tối đa 100 điểm) năm 2004 lên 72 vào năm 2015. Việc cấp phép xây dựng, giải quyết tình trạng phá sản, thực thi hợp đồng, đăng ký tài sản, tín dụng, tiếp cận với nguồn điện, nộp thuế đều, đã cải thiện rất nhiều.
Vẫn là những chính phủ tham nhũng, độc tài và độc đoán
Đáng tiếc là, các thiết chế của châu Phi vẫn chưa được cải thiện đáng kể về mặt chất lượng. Theo báo cáo Tự do trên thế giới năm 2016 của Freedom, ở phía Nam sa mạc Sahara chỉ có sáu quốc gia tự do: Benin, Botswana, Ghana, Namibia, Senegal và Nam Phi. Trong khi nhiều nước đã thông qua hiến pháp “dân chủ”, trong đó có giới hạn nhiệm kỳ cầm quyền, và những biện pháp ngăn chặn của nhánh lập pháp và thiết chế khác đối với nhánh hành pháp, các nhà cai trị ở châu Phi đã tìm được những biện pháp né tránh những quy định này nhằm duy trì và lạm dụng quyền hành.
Theo Ngân hàng Thế giới, trong giới quan chức, tham nhũng vẫn tiếp tục hoành hành và trong ngành tư pháp, nạn tham nhũng còn nghiêm trọng hơn. Hậu quả là, nói chung, những chỉ số về chế độ pháp quyền ở các nước châu Phi vẫn không thay đổi. Nhưng, nếu không có tòa án hiệu quả và vô tư, tiềm năng kinh tế của châu Phi sẽ mãi mãi vẫn chỉ là tiềm năng mà thôi
Thách thức và cơ hội
Tuy nhiên, như kinh nghiệm ở các khu vực khác đã cho thấy, phát triển thiết chế thường đi sau cải cách kinh tế. Trong trung và dài hạn, tầng lớp trung lưu châu Phi tăng lên có thể làm cho nhân dân châu Phi thức tỉnh và quyết đoán hơn về chính trị - và cuối cùng là dân chủ hóa của châu lục này.
Thiên niên kỷ mới là khởi đầu tốt cho châu Phi, nhưng châu lục này vẫn còn lâu mới có thể coi là thịnh vượng, chứ chưa nói tới dân chủ. Muốn cho kinh tế phát triển, người châu Phi cần phải tiếp tục những cuộc cải cách - không bao giờ được quên rằng kinh tế thế giới luôn luôn thay đổi và cạnh tranh toàn cầu vẫn tiếp tục gia tăng. Đấy vừa là thách thức vừa là như cơ hội của châu Phi.
_________
Marian L. Tupy là tổng biên tập trang HumanProgress.org và phân tích viên cao cấp tại Center for Global Liberty and Prosperity (Trung tâm vì tự do và thịnh vượng toàn cầu).
Nguồn bản gốc: https://fee.org/articles/africa-is-getting-richer-thanks-to-capitalism/
Nguồn bản dịch: https://phamnguyentruong.blogspot.com/2016/08/nho-chu-nghia-tu-ban-chau-phi-giau-co.html