[Nền luân lý tự do] Triết học xã hội Crusoe

[Nền luân lý tự do] Triết học xã hội Crusoe

Đây là bài trích đăng từ "Phần II: Một lý thuyết về tự do" trong cuốn The Ethics of Liberty (Luân lý học tự do) của Murray Rothbard.

- Thị trường Tự do Academy 

(Tiếp theo Phần 5: Nhiệm vụ của triết học chính trị)

Một trong những kiến dựng thường bị nhạo báng nhất của lí thuyết Kinh tế học Cổ điển là “Kinh tế học Crusoe” – khung phân tích về một người bị cô lập phải đối mặt với tự nhiên. Song, thứ mô hình có vẻ “phi thực tế” này, như tôi đã cố gắng giải thích ở những chỗ khác, có những ứng dụng cực kì quan trọng và thậm chí là thiết yếu1. Nó đáp ứng mục đích tạo dựng tình huống cách li một con người chống chọi lại tự nhiên, do đó giúp chúng ta phân tích mạch lạc vấn đề bằng cách tách [hành vi của anh ta] ra khỏi các mối quan hệ liên cá nhân ngay từ xuất phát điểm. Sau đó, khung phân tích con người/tự nhiên này có thể được mở rộng và áp dụng rộng khắp cho “thế giới thực”. Sau khi phân tích về trạng thái cô lập tuyệt đối của Robinson, thì việc đưa vào “Friday” hay một hoặc nhiều người khác là nhằm mục đích cho thấy bằng cách nào sự xuất hiện của những người khác tác động đến vấn đề đang thảo luận. Những kết luận này khi đó cũng có thể được mang đi áp dụng cho thế giới đương đại. Theo đó, việc trừu tượng hóa phân tích sự tương tác trên hòn đảo giữa một vài người với nhau cho phép nhận thức rõ ràng về những chân lí cơ bản của các mối quan hệ liên cá nhân, những chân lí vẫn sẽ cứ còn mập mờ nếu chúng ta cứ một mực quan sát thế giới đương đại một cách tổng thể và đồng nhất.

Nếu Kinh tế học Crusoe có thể và quả thực xây dựng được một nền móng thiết yếu cho toàn thể hệ thống lý luận của Kinh tế học và pha-xô học (praxeology) – khung phân tích mang tính hình thức và khái quát về hành động con người, thì một cách tiếp cận tương tự cho triết học xã hội cũng phải có khả năng làm được điều như thế, tức thiết lập một khung phân tích về những chân lí nền tảng về bản tính con người trong mối quan hệ (vis-à-vis) với bản tính của thế giới nơi anh ta sinh ra, cũng như thế giới của những người khác. Cụ thể, nó có thể hỗ trợ tuyệt vời cho việc giải quyết những vấn đề của triết học chính trị như bản tính (tự nhiên) và vai trò của tự do, tài sản và bạo lực2.

Hãy xem xét Crusoe, người sống trên hòn đảo của mình, và để đơn giản hóa vấn đề, hãy giả định anh ta bị mất trí nhớ về quá khứ. Đâu là những sự thực không thể tránh được mà Crusoe phải đối mặt? Thứ nhất, anh ta nhận biết được bản thân mình, tức nhận biết được sự thực căn bản: ý thức và thân thể của riêng mình. Thứ nhì, anh ta nhận biết được thế giới tự nhiên xung quanh mình, môi trường sống và tài nguyên mà tạo hóa ban tặng mà giới kinh tế gia đã gói gọn trong thuật ngữ “đất đai”3. Crusoe cũng nhận ra rằng, khác với các loài động vật khác, anh ta không sở đắc bất cứ hiểu biết bẩm sinh nào để chỉ đường dẫn lối cho anh ta thỏa mãn các nhu cầu và ước muốn riêng. Thực chất, anh ta bắt đầu cuộc sống trên thế giới này hoàn toàn vô minh và phải tự học lấy mọi kiến thức. Anh ta sẽ nhận ra rằng bản thân mong muốn đạt được vô số mục đích và mục tiêu, mà trong đó nhiều thứ phải đạt được để sinh tồn: lương thực, chốn trú ẩn, y phục, v.v. Sau khi thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu, anh ta nhắm đến những nhu cầu “cao cấp” hơn. Để thỏa mãn bất cứ một hay tất cả các nhu cầu này, những nhu cầu được Crusoe lần lượt đánh giá dựa trên tầm quan trọng của chúng với bản thân, anh ta phải học bằng cách nào để đạt được chúng; nói tóm lại, anh ta phải có được “tri thức kỹ thuật” (technological knowledge) hay “bí quyết” (recipes).

Rồi Crusoe có đủ thứ nhu cầu phải cố gắng để thỏa mãn, đủ thứ mục tiêu phải nỗ lực để đạt được. Một vài mục tiêu này có thể đạt được với nỗ lực tối thiểu; nếu như cấu trúc của hòn đảo cho phép, Crusoe có thể nhặt được một vài trái quả ở các bụi rậm chung quanh. Trong những trường hợp này, anh ta “tiêu dùng” một hàng hóa hay dịch vụ rất nhanh và gần như là tức thời. Nhưng với hầu hết các nhu cầu, Crusoe nhận ra rằng thế giới tự nhiên xung quanh mình không thể đáp ứng chúng ngay lập tức và tức thời; tóm lại, Crusoe đang không ở trong Vườn Địa Đàng. Để đạt được những mục tiêu đó, càng nhanh và càng năng suất càng tốt, anh ta phải lấy tài nguyên mà tạo hóa ban tặng và cải tạo chúng thành những vật thể, thù hình, và nơi chốn hữu ích nhất cho bản thân – nhờ đó mà nhu cầu mới có thể được thỏa mãn.

Nói tóm lại, Crusoe phải (a) lựa chọn các mục tiêu; (b) học làm thế nào để đạt được chúng bằng cách sử dụng các tài nguyên mà tạo hóa ban tặng; và (c) sử dụng công lao động của mình để cải tạo các nguồn lực này thành những thù hình và nơi chốn hữu ích, tức là thành “tư liệu sản xuất” và cuối cùng thành “hàng hóa tiêu dùng” mà có thể tiêu dùng trực tiếp được. Do đó, từ những nguyên liệu thô được tự nhiên ban tặng, Crusoe có thể làm cho bản thân một cái rìu (tư liệu sản xuất) dùng để đốn cây nhằm dựng lên một cái chòi (hàng hóa tiêu dùng). Hoặc Crusoe có thể đan lấy một cái lưới (tư liệu sản xuất) để đi ra bắt cá (hàng hóa tiêu dùng). Trong mỗi trường hợp, anh ta áp dụng các tri thức kỹ thuật học được để sử dụng công lao động nhằm cải tạo đất đai thành tư liệu sản xuất và cuối cùng thành hàng hóa tiêu dùng. Quá trình cải tạo tài nguyên đất đai cấu thành quá trình sản xuất của Crusoe. Nói tóm lại, Crusoe phải sản xuất trước khi tiêu dùng, mà nhờ đó mới có thể tiêu dùng được. Và bằng quá trình sản xuất và cải tạo này, con người kiến tạo và biến đổi môi trường tạo hóa ban tặng thành các mục tiêu riêng, thay vì như động vật, đơn giản là bị môi trường sống định đoạt.

Và như thế, vì thiếu đi những hiểu biết bẩm sinh, theo bản năng và có được một cách vô ý thức cho các mục đích đáng muốn, tức thiếu đi các phương tiện để đạt được chúng, con người tự phải học lấy các hiểu biết đó, và để làm được điều đó con người phải sử dụng năng lực đánh giá, trừu tượng hóa, và tư duy: nói tóm lại, là lí tính. Lí tính là một khí cụ của con người để hiểu biết cũng như để sinh tồn; việc sử dụng và khai triển trí tuệ của mình, tức sự thu nạp kiến thức về cái gì là tốt nhất cho bản thân và bằng cách nào để đạt được chúng, là phương kế độc nhất của con người cho sinh tồn và thành công. Và đây chính là bản tính độc nhất của con người; như Aristotle đã chỉ ra, con người là loài vật có lí tính, hoặc chính xác hơn, là sinh vật có lí tính. Bằng lí tính của mình, con người cá thể quan sát cả các sự thực và cách thức vận hành của thế giới ngoại tại, cũng như các sự thực về ý thức của mình, bao hàm cả cảm xúc: tóm lại, con người sử dụng cả phép nội quan lẫn phép ngoại quan.

Như ta đã nói, Crusoe nhận biết được các mục tiêu của mình cũng như bằng cách nào để đạt được chúng. Nhưng cụ thể là quyền năng hiểu biết, hay lí tính, của anh ta làm gì trong quá trình thu nạp kiến thức như vậy? Nó nhận biết được cách thức mọi thứ vận động trên thế giới, tức là bản tính của các thực thể và lớp thực thể đặc trưng và riêng biệt hiện tồn; tóm lại, Crusoe biết được quy luật tự nhiên mà mọi thứ vận động trên thế giới. Gã biết được rằng bắn một mũi tên từ cung tên có thể giết chết một con hươu, và rằng có thể bắt được biết bao nhiêu là cá với một cái lưới. Xa hơn, Crusoe nhận biết được bản tính của chính mình, về loại các sự kiện và hành động khiến anh ta hạnh phúc hay bất hạnh; tóm lại, gã nhận biết được các mục tiêu phải đạt được cũng như những thứ cần phải tránh né.

Quá trình này, cái phương cách cần thiết cho sự sinh tồn và thịnh vượng của con người trên trái đất, thường bị nhạo báng là không chính đáng hay quá “duy vật”. Nhưng cần nói rõ là bất cứ hành động nào thích hợp với bản tính con người đều là sự dung hợp của “tinh thần” và vật chất; tâm trí con người, bằng cách áp dụng những ý niệm mà nó học được, hướng năng lực của con người vào việc cải tạo vật chất theo những cách thức để duy trì và nâng cao nhu cầu cũng như sự sống. Đằng sau bất cứ hàng hóa “được sản xuất” nào, đằng sau bất cứ sự cải tạo tài nguyên thiên nhiên nào của con người, cũng là một ý tưởng để định hướng nỗ lực, là biểu trưng của tinh thần con người.

Một con người sống riêng rẽ, khi nội quan tìm hiểu sự thực về ý thức của chính mình, đồng thời cũng khám phá ra sự thực tạo hóa ban cho, có ngay từ ban đầu, về tự do của bản thân: tự do để lựa chọn, tự do để sử dụng hay không sử dụng lí trí cho bất cứ đối tượng cho trước nào. Nói tóm lại là sự thực tự nhiên về “tự do ý chí”. Anh ta cũng sẽ khám phá ra một sự thực tự nhiên khác rằng tinh thần anh ta điều khiển thân thể và hành động của mình: đó chính là quyền sở hữu tự nhiên đối với chính bản thân mình.

Như thế, Crusoe sở hữu thân thể của chính mình; tinh thần của anh ta hoàn toàn tự do để chấp nhận bất cứ mục tiêu nào mà nó muốn, và để sử dụng lí tính nhằm khám phá ra mục tiêu nào nên được lựa chọn, và để học được bí quyết sử dụng các phương tiện có trong tay nhằm đạt được chúng. Thực vậy, chính cái thực tế rằng con người không có được thứ tri thức bẩm sinh cần cho sự sinh tồn và sinh trưởng hay thứ tri thức không được quyết định bởi các sự kiện ngoại tại, và chính cái thực tế rằng anh ta phải sử dụng trí óc của mình để học lấy loại tri thức đó, chứng minh rằng anh ta được tạo hóa trao cho quyền tự do để áp dụng hay không áp dụng thứ lí tính đó – tức là anh ta được tự do về ý chí4. Hẳn là, cái thực tế rằng con người không giống cỏ cây hay sỏi đá, hay thậm chí động vật chẳng có gì là khác thường [outré] hay huyền bí cả, và đó chính là điểm khác biệt cốt yếu giữa chúng và con người. Những sự thực quan trọng và độc đáo về con người và phương thức để con người sinh tồn – như ý thức, ý chí tự do và quyền tự do lựa chọn, quan năng lí tính, nhu cầu mang tính tất yếu về nhận biết các quy luật tự nhiên về thế giới ngoại tại và về chính bản thân, quyền sở hữu riêng, nhu cầu để “sản xuất” bằng cách cải tạo vật chất được tạo hóa ban tặng thành các dạng thức có thể tiêu dùng – tất cả hội tụ trong cái gọi là bản tính con người, và cách con người sinh tồn và phồn thịnh. Bây giờ giả sử rằng Crusoe phải đối mặt với lựa chọn hái quả hay nấm để làm thức ăn, anh ta lựa chọn nấm, bởi nó có vị dễ chịu chẳng hạn, và đột nhiên một cư dân bị đắm tàu tiến tới Crusoe, hét toáng lên “Đừng ăn! Đó là nấm có độc!”. Chẳng có gì là khó hiểu nếu như sau đó Crusoe chuyển sang hái quả. Vậy điều gì đã xảy ra? Cả hai người đều đã hành động dựa trên một giả định mạnh đến nỗi không cần phải nói ra một cách tường minh, rằng độc là có hại, có hại cho sức khỏe và thậm chí cho sự sinh tồn của cơ thể con người – tóm lại, có hại cho việc duy trì sự sống cũng như chất lượng sống của con người. Với sự đồng thuận ngầm ẩn này về giá trị của cuộc sống và sức khỏe cho mỗi người, và về những tai họa của đau đớn và chết chóc, cả hai người rõ ràng đều cùng tiến đến cơ sở của một luân lí dựa trên thực tại và trên những quy luật tự nhiên về cơ thể con người.

Nếu Crusoe ăn phải nấm mà không biết được tác hại của chúng, thì đó là một quyết định sai lầm – một sai lầm có khả năng gây chết người bởi thực tế rằng con người không phải được sinh ra để luôn đưa ra các quyết định đúng đắn. Nghĩa là, anh ta không phải thuộc loại toàn trí toàn thức và có khả năng mắc sai lầm. Nhưng giả như Crusoe biết rõ là nấm có độc mà vẫn cứ ăn vào – đơn thuần để “cho vui” hay là vì nhu cầu cần tiêu dùng ngay lập tức – thì một cách khách quan, quyết định của anh ta là phi đạo đức (immoral) với chủ tâm chống lại tính mệnh và sức khỏe của mình. Người ta có thể đặt ra câu hỏi tại sao sự sống phải nên là giá trị khách quan tối thượng, tại sao con người phải nên chọn lựa sự sống (thời gian sống cũng như chất lượng sống)5. Để giải đáp thắc mắc này, ta cần lưu ý rằng một định đề được nâng lên thành một tiên đề khi người bác bỏ nó bị chứng minh là đã sử dụng chính định đề này xuyên suốt tiến trình phủ chứng6. Bất cứ ai tham gia vào bất cứ cuộc tranh luận nào, bao gồm tranh luận về các giá trị, thì với tư cách là người đang tham gia, anh ta đang sống và đang xác nhận việc lựa chọn sự sống. Nếu như anh ta thực sự chống lại sự sống, anh ta sẽ chẳng còn việc gì phải thảo luận nữa, và thực chất anh ta chẳng còn việc gì để tiếp tục sống trên cõi đời này nữa. Thế nên, những người được cho là chống lại sự sống thực chất đang khẳng định giá trị của sự sống trong lí lẽ của mình, và vì thế việc duy trì và nuôi dưỡng sự sống của con người là một tiên đề không thể chối cãi được.

Chúng ta đã thấy rằng, như bất kỳ ai khác, Crusoe có một ý chí tự do, có quyền tự do lựa chọn đường hướng cho cuộc sống cũng như hành động. Những người chỉ trích thì công kích rằng thứ tự do này là viển vông vì con người luôn luôn bị ràng buộc bởi các quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, đây là một cách hiểu sai lệch, là một trong biết bao nhiêu ví dụ cho sự mập mờ giữa một bên là tự do và một bên là quyền năng (power). Con người được tự do để chấp nhận các giá trị và lựa chọn cách hành động; nhưng điều này hoàn toàn không hàm ý rằng con người có thể vi phạm các quy luật tự nhiên mà không bị trừng phạt – rằng con người có thể với một cú vọt mà băng qua đại dương. Nói ngắn gọn, khi nói rằng “con người đâu có “tự do” để băng qua đại dương”, ta không hàm ý rằng anh ta thiếu đi tự do mà thực ra là thiếu đi quyền năng để vượt đại dương, căn cứ vào những quy luật của tự nhiên và của vạn vật. Crusoe được tự do để tiếp nhận các ý niệm, để lựa chọn mục tiêu, điều này là bất khả xâm phạm và bất khả tước đoạt; mặt khác, con người không hề toàn năng cũng như không toàn thức, luôn biết rằng quyền năng của mình luôn bị giới hạn trong tất cả mọi thứ bản thân muốn làm. Nói tóm lại, quyền năng thì nhất thiết bị ràng buộc bởi các quy luật tự nhiên, nhưng ý chí tự do thì không hề. Nói cách khác, rõ là lố bịch khi định nghĩa “tự do” của một thực thể như là quyền năng để làm những thứ mà vốn dĩ bất khả với bản tính vốn có của nó!7

Nếu ý chí tự do của con người để tiếp nhận các ý tưởng và giá trị là bất khả tước đoạt, thì tự do hành động – tức tự do để hiện thực hóa những ý tưởng này – lại không có được diễm phúc như thế. Ở đây chúng ta đang không nói về giới hạn đối với quyền năng con người vốn dĩ gắn với các quy luật tự nhiên của con người và của những thực thể khác. Chúng ta đang bàn về sự can thiệp vào phạm vi hành động của con người bởi những người khác – nhưng ở điểm này chúng ta đang đi xa hơn một chút thảo luận của chúng ta về Robinson Crusoe. Bây giờ chúng ta đã đủ cơ sở để mà nói rằng, Crusoe hoàn toàn tự do theo nghĩa tự do xã hội – tự do như là sự thoát khỏi sự quấy nhiễu từ người khác, tuy vậy với một thế giới với nhiều hơn một người đòi hỏi phải có sự khảo cứu kĩ lưỡng hơn.

Vì cuốn sách này quan tâm đến triết học xã hội và chính trị hơn là triết học thuần túy, chúng ta sẽ quan tâm đến thuật ngữ “tự do” theo nghĩa xã hội và liên cá nhân hơn là theo nghĩa tự do ý chí.8

Bây giờ hãy quay lại phân tích của chúng ta về việc Crusoe chuyển hoá có chủ tâm các dữ liệu sẵn có trong tự nhiên qua việc hiểu biết các quy luật tự nhiên. Crusoe tìm thấy những vùng đất chưa khai phá và chưa được sử dụng trên hòn đảo; tóm lại, đất đai chưa được sử dụng và kiểm soát bởi bất cứ ai, vì thế nên chúng vô chủ. Bằng cách kiếm tìm tài nguyên đất đai và học bằng cách nào để sử dụng chúng, và cụ thể, bằng cách cải tạo chúng thành những thù hình hữu ích hơn, Crusoe đã “hòa công lao động với đất đai”, như cách diễn đạt đáng nhớ của John locke. Bằng cách đó, bằng cách đặt tính cách và năng lượng của mình vào đất đai, một cách tự nhiên, Crusoe đã chuyển đổi đất đai và thành quả từ chúng thành tài sản của anh ta. Do đó, người đàn ông sống một mình đã sở hữu thứ anh ta sử dụngcải tạo, và vì thế trong trường hợp này sẽ không nảy sinh vấn đề gì liên quan đến câu chuyện cái gì phải là tài sản của A chứ không phải tài sản của B. Tài sản của bất cứ ai bản thân nó [ipso facto] chính là cái anh ta sản xuất ra, tức là thứ anh ta nỗ lực cải tạo để đưa vào sử dụng. Tài sản như đất đai hay tư liệu sản xuất tiếp tục trôi xuống qua nhiều giai đoạn sản xuất khác nhau, cho đến khi Crusoe sở hữu hàng hóa tiêu dùng mà anh ta sản xuất, và cho đến khi chúng hoàn toàn biến mất qua việc tiêu dùng.

Chừng nào một cá nhân vẫn còn sống một mình, thì sẽ không có vấn đề gì về việc tài sản của anh ta – tức quyền sở hữu – được mở rộng tới mức nào; là sinh vật có lí tính với ý chí tự do, tài sản của cá nhân bao gồm toàn bộ thân thể, và mở rộng tới cả những hàng hóa vật chất mà anh ta cải tạo bằng lao động. Giả sử rằng Crusoe không sống trên một hòn đảo nhỏ, mà là một lục địa mới toanh chưa được khai phá, và đứng trên bờ biển, anh ta đòi “quyền sở hữu” cả lục địa mới toanh với tư cách là người đi tiên phong trong việc khám phá ra nó. Đòi hỏi này hoàn toàn rỗng tuếch và phét lác, chừng nào mà không có một ai khác trên hòn đảo đó. Sự thực tự nhiên là tài sản thực sự của Crusoe – sự kiểm soát thực sự của anh ta lên các hàng hóa hữu hình – chỉ mở rộng tới nơi mà lao động của anh ta đưa chúng vào quá trình sản xuất. Quyền sở hữu thực sự không thể được khuếch đại quá tầm với của anh ta. Tương tự, nếu Crusoe bô bô rằng anh ta không “thực sự” sở hữu một vài hay tất cả những thứ anh ta sản xuất, vì thực chất việc sử dụng và do đó quyền sở hữu vốn dĩ đã là của anh ta rồi, thì điều đó hoàn toàn rỗng tuếch và vô nghĩa. Crusoe, theo lẽ tự nhiên, sử hữu không gì hơn ngoài bản thân anh ta và sự mở rộng bản thân tới thế giới vật chất, hơn không không kém.

(Xem tiếp Phần 7: Các mối quan hệ liên cá nhân: trao đổi tự nguyện)

Chú thích:

(1) Xem Murray N. Rothbard, Man, Economy, and State (Princeton, N.J.: D. Van Nostrand, 1962), tập 1, các chương 1 và 2.

(2) Những kiến dựng của thế kỷ XVII và XVIII như “tình trạng tự nhiên” (the state of nature) hay “khế ước xã hội” (the social contract) đã không hoàn toàn thành công trong việc dựng lên một phân tích logic như thế. Những nỗ lực này quan trọng hơn rất nhiều bất cứ khẳng định lịch sử nào được đưa ra trong diễn tiến phát triển những khái niệm này.

(3) Khái niệm kinh tế “đất đai” này, bao gồm tất cả các tài nguyên thiên nhiên có sẵn, không nhất thiết hàm ý “đất đai” theo nghĩa đại chúng vì nó có thể bao gồm các phần của vùng biển, chẳng hạn, các vùng nước đánh bắt cá, và không bao gồm những cải tạo do con người thực hiện trên trái đất.

(4) Xem Murray N. Rothbard, Individualism and the Philosophy of the Social Sciences (San Francisco: Cato Institute, 1979), các trang 5-10. Trước hết, một người không thể duy trì được niềm tin nhất quán theo đó anh ta vừa đánh giá vừa đồng thời tin rằng anh ta bị chi phối bởi một ngoại tác khiến anh ta làm thế. Nếu điều đó đúng, thì liệu đánh giá mà anh ta vừa đưa ra có đáng tin? Lý lẽ này được Immanuel Kant đưa ra trong Groundwork of the Metaphysics of Morals, dịch bởi H. J. Paton (New York: Harper and Row, 1964), các trang 115f.

(5) Về quan điểm giá trị của sự sống không phụ thuộc vào việc liệu cuộc sống đó có hạnh phúc hay không, xem Philippa R. Foot, Virtues and Vices (Berkeley: University of California Press, 1978), trang 41.

(6) Ở một chỗ khác, tôi đã viết rằng “Nếu một người không thể khẳng định một định đề mà không nhắc đến phản chứng của nó, thì anh ta không những không thể tự thoát khỏi sự tự mâu thuẫn, mà còn “thừa nhận luôn phản chứng của tiên đề”. Rothbard, Individualism, trang 8. Xem cả R.P. Phillips, Modern Thomistic Philosophy (Westminster, Md.: Newman Bookshop, 1934-35), tập 2, các trang 36-37.

(7) Xem Rothbard, Individualism, trang 8, và F.A. Hayek, The Road to Serfdom (Chicago: University of Chicago Press, 1944), trang 26.

(8) Có lẽ một ưu điểm [về mặt ngữ nghĩa] của thuật ngữ “[quyền] tự do” (liberty) hơn từ đồng nghĩa của nó là “sự tự do” (freedom) là “quyền tự do” chỉ được dùng theo nghĩa xã hội mà không phải theo nghĩa tự do ý chí của triết học thuần túy, và “quyền tự do” khiến ta ít mù mờ về mặt ngữ nghĩa hơn khi đặt cạnh “quyền lực” (power). Nếu muốn một phân tích xuất sắc về tự do ý chí, xem J. R. Lucas, The Freedom of the Will (Oxford: Clarendon Press, 1970).

Nguồn: Murray N. Rothbard, 1998, The Ethics of Liberty, New York University Press