Lý thuyết của John Locke về nhà nước đạo đức (Phần 2)

Lý thuyết của John Locke về nhà nước đạo đức (Phần 2)

Sức mạnh và đạo đức

Tuy nhiên các vấn đề mà nguyên tắc cai trị đa số của Locke nêu lên được thừa nhận là che mờ nền tảng thực sự của lý thuyết chính trị của ông. Cấu trúc toàn bộ của nó đặt trên tiền đề nền tảng là có một luật đạo đức mà cả cá nhân và chính quyền phải phục tùng và không ai phải phục tùng ý chí “tùy tiện, không chắc chắn, không rõ ràng” của người khác. Do đó, trong nhiều trường hợp, bất chấp nhiều sự tương đồng, lý thuyết về nghĩa vụ chính trị của Locke thực sự đối lập hoàn toàn với lý thuyết của Hobbes. Theo Hobbes, luật pháp – được ban hành bởi quyền lực tối cao – là nền tảng, và là nền tảng duy nhất, của đạo đức; nhưng theo Locke đạo đức – như có sẵn trong Luật tự nhiên – là nền tảng của luật lệ mà công dân có nghĩa vụ phải tuân theo. Nếu đa số đồng ý rằng một luật dân sự xung đột với luật đạo đức, thì theo lý thuyết của Locke, các công dân không có nghĩa vụ phải tuân theo. 

Vì các động cơ đạo đức tiếp tục đóng một vai trò nổi bật trong chính trị, cũng như trong các lĩnh vực khác của con người, và lý thuyết chính trị của Locke, dù sự những khó khăn và những mâu thuẫn của nó, xứng đáng như là một sự biện minh cho chính quyền hơn nhiều so với lý thuyết của Hobbes. Vì ngay cả trong các thể chế như thể chế của Anh, nơi mà Quốc hội về lý thuyết có quyền tuyệt đối tối cao, các hành động của nó, được phán quyết bởi một tiêu chuẩn đạo đức từ các thành viên của nó, và từ công chúng, và không quốc hội nào tìm cách vi phạm tiêu chuẩn đó, như đàn áp các quyền tự do cơ bản, có khả năng tồn tại. Quộc hội sử dụng quyền lực chỉ trong các giới hạn của một tập hợp tiêu chuẩn đạo đức mà có thể thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác nhưng được chấp nhận như một tiêu chuẩn đạo đức độc lập sự lập pháp phải phục tùng.

Điểm yếu trong lý thuyết của Locke không nằm ở tầm quan trọng mà ông gán cho một tiêu chuẩn đạo đức độc lập nhưng trong sự thất bại của ông để cho thấy làm thế nào tiêu chuẩn đó được xác định và định nghĩa. Như đã thấy ở trên, ông đề cập đến nó như là Luật tự nhiên và “ý chí của Thượng đế”, và xem nó là một nguyên tắc tiên nghiệm hiển nhiên. Thực vậy, nếu nó là một nguyên tắc tiên nghiệm nó sẽ là hiển nhiên đối với mọi người, và Locke có thể được biện minh đối với giải thích phần nào giáo điều của ông về bản chất của nó. Nhưng ngày nay có quá nhiều khái niệm khác nhau về bản chất của các quyền tự nhiên nên rất khó để chấp nhận giả định của Locke là bản chất của chúng là tiên nghiệm và hiển nhiên. Dừng như để phù hợp hơn với thực tế là thừa nhận bản chất tương đối của các tiêu chuẩn đạo đức của các cộng đồng khác nhau, và định nghĩa chúng dựa vào những gì mà đa số tin chúng là. 

Ít nhất, dạng phân tích này có thuận lợi khi việc cung cấp một mối liên hệ giữa luật đạo đức và nguyên tắc cai trị đa số, mà theo lý thuyết của Locke, rõ ràng là mâu thuẫn. Vì theo lý thuyết của ông, không có sự đảm bảo rằng đa số sẽ không lạm dụng quyền tối cao của nó và vi phạm các quyền tự nhiên của các công dân. Mặt khác, nếu luật đạo đức được định nghĩa như là những gì đa số tin, thì dạng xung đột này không còn, và dân chủ được định nghĩa như là dạng xã hội trong đó đa số thừa nhận cá nhân có các quyền bất khả xâm phạm. Dĩ nhiên một phân tích như vậy làm cho nó không thể bị chỉ trích, trên bất cứ nền tảng đạo đức nào, một xã hội trong đó đa số không thừa nhận các quyền như vậy. 

Quyền cách mạng

Dù luật tự nhiên là một nguyên tắc tuyệt đối hay tương đối, quan điểm cho rằng cách mạng có thể được biện minh khi luật đó bị vi phạm bởi chính quyền là rất chính xác cả như một sự giải thích về nguyên nhân cũng như một sự biện minh cho hành động cách mạng. Bao lâu một chính quyền hoạt động trong các giới hạn được định nghĩa bởi tiêu chuẩn đạo đức phổ biến bởi cộng đồng thì thẩm quyền đạo đức của nó được thừa nhận, và nghĩa vụ tuân theo nó được chấp nhận bởi đa số người dân. Những người bác bỏ tiêu chuẩn đạo đức phổ biến này của cộng đồng có thể tuân theo chính quyền từ một động cơ khác, như để tránh bị trừng phạt hay để duy trì sự thống nhất của quốc gia; nhưng họ tạo thành lực lượng cách mạng tiềm năng, và nếu quan điểm của họ được chia sẻ một thiểu số lớn, sự xung đột dân sự rất có khả năng xảy ra. Ví dụ, rõ ràng là sự bất đồng đối với một vấn đề đạo đức nền tảng giữa chính quyền và một thiểu số lớn các công dân dẫn tới các hành động cách mạng của những người đòi quyền bầu cử cho phụ nữ trong những năm 1913 và 1914, và dẫn tới nội chiến ở miền nam Ai-len trước khi Nhà nước Ai-len tự do ra đời. Và thực tế là những người có quan điểm khác với chính quyền đối với vấn đề đạo đức kiểu này là lượng cách mạng tiềm năng là niềm tin để biện minh cho sự cần thiết phải giam giữ mà không xét xử một số công dân, những người tin là chiến tranh với Đức là không thể biện minh về mặt đạo đức, trong chiến tranh thế giới thứ Hai.

Phát biểu của Locke về nguyên tắc biện minh cho cách mạng như sau: 

“Nhân dân giữ lại quyền lực tối cao để loại bỏ hoặc thay thế cơ quan lập pháp, khi họ thấy rằng cơ quan lập pháp hành động trái với sự ủy nhiệm mà họ đặt vào nó”. 

Locke nói thêm là, “sự ủy nhiệm” là để “đạt được một mục đích”, và “bất cứ khi nào mục đích đó bị lờ đi hoặc bị chống lại, sự ủy nhiệm nhất thiết bị tước bỏ, và quyền lực chuyển giao về tay của những người đã trao nó, những người có thể đặt nó vào một nơi mới mà họ nghĩ sẽ tốt nhất cho sự an toàn và anh ninh của họ”. Locke miêu tả mục đích của chính quyền như sau:

“Do đó, mục đích chủ yếu và vĩ đại của con người khi liên kết thành một công quốc, và đặt họ bên dưới một chính quyền, là bảo vệ tài sản của họ.”

Và ông giải thích rằng với “tài sản” ông muốn nói đến “cuộc sống, sự tự do, và tài sản”. 

Tóm lại, Locke nghĩ rằng mục đích chính của chính quyền là duy trì cuộc sống, sự tự do, và tài sản của cá nhân, và khi nó không thể, theo quan điểm của đa số, hoàn thành sự ủy nhiệm này nó phải bị loại bỏ và thay thế. 

Đánh giá về lý thuyết của John Locke

Lý thuyết của Locke, giống như lý thuyết của Hobbes, thường bị phê phán là máy móc và quá đơn giản khi giải thích về nguồn gốc của nhà nước dựa vào sự duy lý và sự lựa chọn tính toán của các cá nhân. Họ cho rằng ông không đánh giá đúng vai trò của các nhân tố phi lý, như những biểu hiện khác nhau của “bản năng bầy đàn”, khi tạo ra và duy trì các xã hội chính trị, và lý thuyết của ông, trong chừng mực mà nó yêu sách là một sự giải thích về mặt lịch sử về nguồn gốc của những xã hội như vậy, là hoàn toàn sai lầm. Phải được thừa nhận rằng Locke tin rằng lý thuyết của ông có cơ sở về mặt lịch sử. Tuy nhiên, ngay cả khi yêu sách này phải bị bác bỏ - và các bằng chứng của lịch sử, nhân loại học, và tâm lý học, hầu như cho thấy nó sai lầm – lý thuyết của ông, giống như lý thuyết của Hobbes, có thể được xem như một nỗ lực để biện minh cho xã hội chính trị thay vì để giải thích nguồn gốc lịch sử của nó. Và điều này là một khía cạnh quan trọng hơn của nó như là một lý thuyết triết học. 

Được hiểu như vậy, lý thuyết của Locke, giống như đa số các lý thuyết chính trị, về cơ bản là một nỗ lực để biện minh, trên nền tảng đạo đức, cho một khái niệm nào đó về mục đích của chính quyền. Ông cho rằng mục đích chính của nó là bảo vệ tài sản của người dân, tức là cuộc sống, sự tự do, và sở hữu của họ. Chính quyền được ủy nhiệm với trách nhiệm đó, và có thể bị loại bỏ và thay thế hợp pháp nếu nó không hoàn thành nghĩa vụ đó. Do đó, trong quan điểm của Locke, cá nhân, chứ không phải nhà nước, là đối tượng của giá trị tối cao, và nhà nước là cơ chế được thiết lập để thúc đẩy lợi ích, sự thịnh vượng của cá nhân. 

Sự trình bày của Locke về lý thuyết của ông không làm cho việc phân biệt giữa điều mà ông dự định trở thành một phân tích thực tế với điều mà ông dự định trở thành một sự trình bày về một lý tưởng đạo đức dễ dàng; và có thể là ông không luôn luôn phân biệt điều này rõ ràng. Cũng rõ ràng không kém là liệu ông tin rằng phân tích thực tế của ông là đúng cho bất cứ nhà nước nào, hay chỉ đúng cho nước Anh thời ông và các nhà nước được tổ chức tương tự. Nhưng rõ ràng là, phần tinh hoa của nó là luận điểm đạo đức cho rằng mục đích chính của chính quyền là bảo vệ cuộc sống, sự tự do, và tài sản – tóm lại, là các quyền tự nhiên của người dân – và một chính quyền mà không cố gắng thúc đẩy mục đích này bị tước bỏ mọi yêu sách đối với thẩm quyền đạo đức. 

Ảnh hưởng của lý thuyết của Locke là vĩ đại bởi vì nó làm sáng tỏ những niềm tin ngấm ngầm về các quyền của chính quyền và người dân vốn phổ biến ở thế giới nói tiếng Anh từ cách mạng năm 1688. Ảnh hưởng của nó đối với Mỹ thậm chí còn lớn hơn đối với Anh, vì, thứ nhất, nó được viện dẫn rộng rãi như là sự biện minh cho cách mạng Mỹ, và thứ hai, nguyên tắc về một luật tự nhiên mà các chính quyền phải phục tùng được chứa đựng trong các điều khoản của Hiến pháp Mỹ. Về mặt lý thuyết, Hiến pháp bất thành văn của Anh là gần với nguyên tắc quyền tối cao không giới hạn của Hobbes hơn, nhưng trong thực tế Quốc hội Anh tuân thủ vô số các thỏa ước bất thành văn mà trong thực tế có sức mạnh của luật đạo đức, và quốc hội được xem xét bởi cộng đồng chủ yếu như phục tùng các tiêu chuẩn đạo đức không kém hơn các công dân. 

Do đó, đóng góp của Locke cho lý thuyết chính trị có thể được miêu tả ngắn gọn như là đóng góp vào việc xác định các trách nhiệm đạo đức của chính quyền. Ông cố gắng làm sống lại niềm tin về một luật đạo đức độc lập vốn được chấp nhận phổ biến trong suốt thời trung cổ; và khi làm như vậy ông xác định một nguyên tắc mà được chấp nhận bởi tất cả các nền dân chủ hiện đại, và hiện đang được mở rộng trong lĩnh vực quốc tế trong Hiến chương về các quyền con người của Liên hợp quốc. Đó chính là nguyên tắc công bằng của Plato trong một dạng thức mới – nguyên tắc tìm kiếm cách để bảo vệ cá nhân chống lại sự chuyên chế của cộng đồng; để đảm bảo rằng kẻ yếu không bị khai thác bởi kẻ mạnh; và để nhấn mạnh rằng chức năng thích hợp của chính quyền là sự thừa nhận một khuôn mẫu đạo đức trong các vấn đề của con người và không đơn giản chỉ là sự tổ chức quyền lực. 

Nguồn: A.R.M. Murray. An Introduction to Political Philosophy (bản dịch của Minh Anh, nhóm Tinh Thần Khai Minh). Routledge. 2010. 

Dịch giả:
Minh Anh