[Hệ luân lý tự do] Luật tự nhiên và các quyền tự nhiên
Đây là bài trích đăng từ "Phần I: Dẫn nhập: Luật tự nhiên" trong cuốn The Ethics of Liberty (Luân lý học tự do) của Murray Rothbard.
- Thị trường Tự do Academy
(Tiếp theo Phần 3: Sự khác nhau giữa luật tự nhiên và luật thực định)
Như đã chỉ ra, thất bại to lớn của lý thuyết luật tự nhiên – từ Plato, Aristotle cho tới các học giả theo học thuyết Thomas rồi tới Leo Strauss và những môn đồ của ông ngày nay – là vì nó có thiên hướng nghiêng mạnh về chủ nghĩa nhà nước thay vì hướng về tự do cá nhân. Lý thuyết luật-tự-nhiên “cổ điển” này đã đặt cái thiện và hành động đức hạnh vào vòng tay Nhà nước nơi cá nhân lệ thuộc hoàn toàn vào nó. Do đó, từ câu châm ngôn chí lý của Aristotle, ấy là con người là một “sinh vật xã hội,” tức là bản tính con người phù hợp với hợp tác xã hội, các nhà kinh điển lại nhảy sang đồng nhất “xã hội” với “Nhà nước,” và vì lẽ ấy coi Nhà nước là trọng điểm của hành động đức hạnh.1 Những người thuộc Bình Đẳng Linh Tú phái (Levellers) và đặc biệt là John Locke ở nước Anh thế kỷ XVII đã biến luật tự nhiên cổ điển thành một lý thuyết dựa vào chủ nghĩa cá nhân phương pháp luận và nhờ đó dựa trên chủ nghĩa cá nhân chính trị. Sự nhấn mạnh của Locke lên cá nhân như là một đơn vị hành động, là thực thể biết nghĩ, biết cảm, biết lựa chọn, và biết hành động, đã sinh ra khái niệm luật tự nhiên trong chính trị như là sự hình thành các quyền tự nhiên của mỗi cá nhân của ông. Chính truyền thống cá nhân luận của Locke đã ảnh hưởng sâu sắc tới cách mạng Mỹ và truyền thống tư tưởng chính trị tự do cá nhân thịnh hành trong quốc gia mới này. Cũng cần nói thêm rằng nội dung của tác phẩm này sẽ được xây dựng dựa trên truyền thống của chủ nghĩa tự do cá nhân quyền-tự-nhiên này.
Tác phẩm “Khảo luận thứ hai về Chính quyền” lừng danh của Locke chắc chắn là một công trình công phu có hệ thống đầu tiên về lý thuyết về quyền-tự-nhiên, cá nhân luận, cá nhân tự do chủ nghĩa. Thực thế, điểm tương đồng giữa quan điểm của Locke và lý thuyết trình bày chi tiết dưới đây sẽ trở nên hiển nhiên từ những đoạn sau:
Mỗi người đều có một tài sản riêng đối với cá nhân mình. Không ai có bất cứ quyền gì với nó ngoài hắn. Ta có thể nói rằng lao động của cơ thể hắn và sản phẩm của đôi tay hắn thực sự là của hắn. Vậy bất cứ thứ gì mà hắn lấy từ trạng thái mà tự nhiên đã phú bẩm và để đó, rồi trộn lẫn lao động của bản thân, và đưa vào đó cái gì đó của riêng hắn, và biến nó thành tài sản của hắn. Hắn đã lấy đi cái trạng thái nguyên thủy mà tự nhiên đã tạo tác ra khỏi vật đó, nhờ sự lao động này mà nó được nhận thêm một tính chất khiến cho cái tính chung bị loại bỏ. Bởi lao động này là tài sản hiển nhiên của người lao động, không ai ngoài hắn có thể có quyền đối với cái mà hắn đã ghép [lao động của mình] vào…
Hắn, nhờ nhặt nhạnh những quả sồi hay quả táo trong rừng sâu mà sống, chắc chắn đã giữ chúng làm riêng. Không ai có thể chối cãi rằng những thực phẩm này là của hắn. Vậy cho hỏi chúng bắt đầu thuộc về hắn từ khi nào?... Và rõ ràng, nếu việc hái lượm đầu tiên này không biến chúng thành của riêng hắn, thì chẳng gì khác có thể. Lao động đã tách biệt chúng với tài sản chung. Nó đã thêm vào một tính chất gì đó nhiều hơn tính chất mà tự nhiên, người mẹ của muôn loài, đã thêm vào và biến chúng trở thành tài sản của hắn. Và sẽ có ai đó nói rằng hắn chẳng có quyền gì với những quả táo, quả sồi đã lượm được, bởi vì hắn không nhận được sự cho phép của nhân loại để giữ cho riêng mình không?... Nếu cần phải có sự cho phép ấy, thì con người đã bỏ mạng vì đói rồi, kể cả khi Thiên Chúa đã ban tặng cho con người sự dư dật. Chúng ta thấy nơi tài sản chung (commons), vốn duy trì bằng giao kèo, rằng chính việc lấy một phần cái chung và loại bỏ cái trạng thái mà Tự nhiên đặt vào nó đã tạo ra tài sản có sở hữu; không có nó thì tài sản chung chỉ là thứ vô dụng.2
Đừng nên ngạc nhiên khi thấy lý thuyết quyền-tự-nhiên của Locke, như các sử gia về tư tưởng chính trị đã trình bày, lại chứa đựng mâu thuẫn và thiếu nhất quán. Sau tất cả, quan điểm những người tiên phong trong bất cứ lãnh vực nào cũng phải có những chỗ không nhất quán và còn khiếm khuyết, chờ đợi những người đi sau hiệu chỉnh. Những bất đồng với Locke trong tác phẩm này chỉ gây ngạc nhiên cho những kẻ ngập chìm trong trào lưu hiện đại đầy tai hại đã hủy hoại triết học chính trị kiến tạo để theo đuổi thú vui sưu tập các văn bản cổ. Trên thực tế, lý thuyết quyền-tự-nhiên tự do cá nhân chủ nghĩa tiếp tục được mở rộng và trau chuốt sau Locke, chạm tới đỉnh cao trong những công trình của Herbert Spencer và Lysander Spooner.3
Rất nhiều lý thuyết gia quyền tự nhiên hậu-Bình Đẳng Linh Tú phái và hậu-Locke đã bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng những quyền này xuất phát từ bản tính của con người và của thế giới xung quanh anh ta. Hãy xem vài ví dụ nổi bật: lý thuyết gia người Mỹ gốc Đức Francis Lieber ở thế kỷ XIX, trong khảo luận ban đầu đậm chất tự do cá nhân chủ nghĩa của mình, đã ghi rằng: “Luật của tự nhiên hay luật tự nhiên… là luật, là tập hợp các quyền, mà ta rút ra từ bản tính thiết yếu của con người.” Và mục sư lỗi lạc theo Duy Nhất Thần phái William Ellery Channing ở thế kỷ XIX nói rằng: “Mọi người đều có cùng một bản tính duy lý, cùng một sức mạnh lương tâm, và cùng được tạo tác để hướng về sự cải thiện vô tận những khả năng tuyệt vời này và hướng đến hạnh phúc đạt được nhờ sử dụng chúng một cách đúng đắn.” Và Theodore Woolsey, một trong những lý thuyết gia quyền tự nhiên bài bản cuối cùng ở nước Mỹ thế kỷ XIX phát biểu: quyền tự nhiên là những quyền “[có được] nhờ suy luận công bằng từ các đặc tính tôn giáo, xã hội, đạo đức, vật lý hiện thời của con người, và anh ta phải được trao quyền… để thỏa mãn các mục đích mà bản tính của mình mách bảo.”4
Nếu luật tự nhiên về bản chất là một lý thuyết mang tính cách mạng, thì tất nhiên quyền-tự-nhiên cá nhân chủ nghĩa cũng thế. Như lý thuyết gia quyền-tự-nhiên người Mỹ thế kỷ XIX Elisha P. Hurlbut đã nói:
Các đạo luật chỉ là những tuyên bố về các quyền hợp tự nhiên và những sự trái tự nhiên, và… bất cứ cái gì trung dung đối với các luật của tự nhiên thì pháp luật của con người cần phải bỏ qua… và mỗi khi nguyên lý giản đơn này bị xâm phạm thì sự chuyên quyền sai trái xuất hiện.5
Ví dụ xuất sắc về việc vận dụng luật tự nhiên tất nhiên là cuộc Cách mạng Mỹ, vốn dựa vào sự phát triển triệt để lý thuyết của Locke trong suốt thế kỷ XVIII.6 Những lời kinh điển trong Tuyên ngôn Độc lập, như chính Jefferson đã tuyên bố rõ ràng, vốn không có gì mới mẻ. Chúng đơn giản là tinh túy từ quan điểm của người Mỹ thời ấy được khắc lên thành kí tự:
Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng, mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng họ được Tạo Hóa ban cho những quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền Sống, quyền Tự do và mưu cầu Hạnh phúc [bộ ba phổ biến hơn vào ngày đó là “quyền Sống, quyền Tự do, và quyền Sở hữu”]. Rằng để bảo vệ các quyền đó, Chính phủ được lập ra trong Dân, họ có được quyền lực chính đáng là nhờ sự đồng thuận của nhân dân. Nếu có bất kỳ Chính quyền nào phá vỡ những mục đích này, thì nhân dân có Quyền thay thế hoặc loại bỏ nó.
Đặc biệt nổi bật là bài tụng ca rực lửa của Lloyd Garrison, một người theo chủ nghĩa bãi nô, đã vận dụng lý thuyết quyền tự nhiên theo cách thức mang tính cách mạng khi bàn về vấn đề nô lệ:
Quyền tận hưởng tự do là quyền bất khả sang nhượng… Mỗi người có quyền với cơ thể của riêng mình để tạo ra lao động của riêng mình và để bảo vệ luật pháp… Rằng mọi luật lệ thừa nhận quyền chiếm hữu nô lệ có hiệu lực hiện tại, trước Thiên Chúa, hoàn toàn vô giá trị và vô hiệu và phải bãi bỏ ngay.7
Trong tác phẩm này chúng ta sẽ liên tục đề cập đến “các quyền” này, đặc biệt là các quyền của cá nhân đối với tài sản cơ thể cũng như các khách thể vật chất. Nhưng làm thế nào để định nghĩa “các quyền” này? Giáo sư Sadowsky đã định nghĩa “Quyền” là gì một cách thuyết phục và sâu sắc:
Khi nói một người có quyền làm những việc nhất định thì chúng ta chỉ ngụ ý điều này thôi: đó là nếu một người khác, đơn độc hay có đồng đảng, ngăn cản anh ta thực hiện [quyền làm những cái anh muốn] bằng vũ lực hay đe dọa, thì đó là một hành vi trái luân thường đạo lý. Chúng ta không hàm ý rằng bất cứ sự sử dụng quyền tài sản nào trong những giới hạn đặt ra như thế thì nhất thiết đó là cách sử dụng có đạo đức. 8
Định nghĩa của Sadowsky làm nổi bật sự khác biệt quan trọng mà chúng ta sẽ dùng trong suốt tác phẩm này giữa quyền con người và tính hợp đạo đức hay trái đạo đức của việc thực hiện các quyền đó của anh ta. Chúng ta sẽ tranh luận cá nhân có quyền làm bất cứ thứ gì mà mình muốn với bản thân mình; và khi thực hành quyền đó, anh ta có quyền không bị quấy rầy hay chịu vũ lực. Nhưng đâu là cách thực hiện quyền hợp đạo đức hay trái đạo đức lại thuộc phạm trù đạo đức cá nhân chứ không thuộc triết học chính trị - vốn chỉ chú ý tới vấn đề quyền, và tới việc sử dụng thích đáng hay không thích đáng vũ lực trong mối quan hệ con người. Cũng không nên đề cao quá mức tầm quan trọng của sự phân biệt then chốt này. Hay, như Elisha Hurlbut đã phát biểu chính xác: “Việc thực hiện một quan năng [bởi một cá nhân] đơn thuần chỉ là là cách sử dụng nó. Cách thức thực hiện là một chuyện; điều đó liên quan đến vấn đề đạo đức. Quyền thực hiện lại là một chuyện khác”.9
(Xem tiếp Phần 5: Nhiệm vụ của triết học chính trị)
Chú thích:
(1) Muốn biết phê phán đối với nhầm lẫn điển hình này của lý thuyết gia theo học thuyết Thomas hiện đại, xem Murray N. Rothbard, Power and Market, 2nd ed. (Kansas City: Sheed Andrews and McMeel, 1977), trang 237-38. Có thể xem trong Natural Rights and History của Leo Strauss để biết ông đã bảo vệ luật tự nhiên cổ điển và sự công kích lý thuyết quyền-tự-nhiên cá nhân chủ nghĩa như thế nào (Chicago: University of Chicago Press, 1953).
(2) John Locke, An Essay Concerning the True Origin, Extent, and End of Civil Government, chương V, trang 27-28, trong Two Treatises of Government, P. Laslett, ed. (Cambridge: Cambridge University Press, 1960), trang 305-7.
(3) Các học giả đương đại, từ những người theo Marx đến những người theo Strauss, coi Thomas Hobbes chứ không phải Locke là cha đẻ của lý thuyết quyền tự nhiên cá nhân luận có hệ thống. Muốn biết về sự phủ nhận quan điểm này và sự bảo vệ quan điểm của Hobbes như một người theo chủ nghĩa nhà nước và toàn trị, xem Williamson M. Evers, “Hobbes and Liberalism,” The Libertarian Forum (May 1975): 4-6. Xem cả Evers, “Social Contract: A Critique,” The Journal of Libertarian Studies 1 (Summer 1977): 187-88. Muốn biết về nhấn mạnh của một lý thuyết gia chính trị Đức phò-học thuyết Hobbes lên tuyệt đối thuyết của Hobbes, xem Carl Schmitt, Der Leviathan in der Staatslehre Thomas Hobbes (Hamburg, 1938). Schmitt từng là một nhà lý luận phò Phát Xít trong một khoảng thời gian.
(4) Francis Lieber, Manual of Political Ethics (1838); Theodore Woolsey, Political Science (1877); được trích trong Benjamin F. Wright, Jr., American Interpretations of Natural Law (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1931), trang 26lff., 255ff., 276ff. William Ellery Channing, Works (Boston: American Unitarian Association, 1895), trang 693.
(5) Elisha P. Hurlbut, Essays on Human Rights and Their Political Guarantees (1845), được trích trong Wright, American Interpretations, trang. 257ff.
(6) Xem Bernard Bailyn, The ideological Origins of the American Revolution (Cambridge, Mass.: Belknap Press of Harvard University Press, 1967).
(7) William Lloyd Garrison, “Declaration of Sentiments of the American Anti-Slavery Convention” (December 1833), được trích trong W. and J. Pease, eds., The Antislavery Argument (Indianapolis: Bobbs-Merrill, 1965).
(8) William Lloyd Garrison, “Declaration of Sentiments of the American Anti-Slavery Convention” (December 1833), được trích trong W. and J. Pease, eds., The Antislavery Argument (Indianapolis: Bobbs-Merrill, 1965)
(9) Hurlbut, được trích trong Wright, American Interpretations, trang. 257ff.
Nguồn: Murray N. Rothbard, 1998, The Ethics of Liberty, New York University Press