[Nhật Bản duy tân 30 năm] - Công Phu Giáo Hóa (Phần 3)
ĐẠI KHÁI VIỆC GIÁO DỤC TRONG ĐỜI MINH TRỊ
Trên đây đã có đoạn nói sơ về sự nghiệp giáo dục của Nhật Bản cựu thời cùng là chỉ tỏ ra mấy cái đặc sắc về văn hóa trước đời Minh Trị duy tân. Đoạn này nói về sự nghiệp giáo dục của chính đời Minh Trị, cố nhiên cũng chỉ nói lược những điều cốt yếu mà thôi.
Trước hết, có một điều ta nên nhìn biết ngay, là trong cái quy mô lớn lao của Minh Trị Thiên hoàng nhất định cải cách duy tân, việc giáo dục chính là việc chú trọng đầu hết. Bởi vậy, bữa hôm Thiên hoàng hạ chiếu duy tân, ngài ngự ra điện Tử Thần 紫宸殿 [Shishinden hoặc Shishiiden], hội các công khanh chư hầu làm lễ tế cáo trời đất và tổ thần, rồi thề nguyền năm điều, ta thấy hai điều quan hệ về giáo dục. Điều thứ tư thề bỏ hết những thói hư tục lệ ngày xưa, và điều thứ năm thề phải cầu học những tri thức mới trong thế giới, mở mang tân học cho quốc dân. Thế là tỏ ra chủ tâm của vua Minh Trị chuyên trọng việc giáo dục lắm.
Việc giáo dục đã đành cần phải mở mang sắp đặt cho đủ các trường các khoa như bên Âu Mỹ, nhưng ý vua Minh Trị ân cần thứ nhất về chỗ giáo dục bình dân, hầu cho trong nước không sót một tên dân nào mà không có học, không biết chữ. Nguyên là việc giáo dục ở nước Nhật thuở xưa tuy có hồi đã tổ chức hẳn hoi, khá lắm, nhất là về đời cận kim, đời Mạc phủ Đức Xuyên, văn hóa giáo dục rực rỡ đáo để, nổi lên nhiều bậc danh nho bác học không phải là vừa, nhưng vậy mà công ơn giáo dục chỉ hạn ở trong đám hoa tộc và sĩ tộc được hưởng nhiều thôi, chớ đám thứ dân thì quanh quẩn có mấy trường học “thầy đồ lối xóm” gọi là “Tự Tử ốc” 寺子屋 [Terakoya] để học tập viết chữ đọc sách và làm toán, chỉ có ba món đó thôi, ngoài ra không học trí thức cao xa gì khác. Nay vua Minh Trị muốn cho hết thảy thứ dân đều có học thức như ai, cho nên ngài rất lưu tâm vun bón từ dưới gốc, nghĩa là mở mang tiểu học thật rộng.
Khi công bố thể lệ việc học ra, trong tờ dụ của Minh Trị Thiên hoàng có câu:
“Từ nay trở đi, chúng thứ nhân dân, không kể hoa tộc sĩ tộc cùng là các hạng cày ruộng, làm nghề, đi buôn, cho đến đàn bà con gái cũng vậy, tất sao trong làng đừng còn một nhà nào không học, trong nhà đừng còn một người nào không học 自今而後。衆庶人民。無論華士族與農工商。至其婦女子。必期邑無不學之月。家無不學之人”.
Xuống tới chặng khác, có câu dụ này càng tỏ ra ý vua Minh Trị hết sức ân cần về việc tiểu học:
“Duy có môn học cao xa, là tùy theo tài năng của mỗi người, chớ như hạng tuổi nhỏ trẻ con, thì không hạn là trai gái, tất phải cho chúng theo học tiểu học hết thảy, nếu không thế thì trách lỗi ở những kẻ phụ huynh 惟高尚之學。各任其人之才能。至幼稚孩童。則不別男女。必當從事於小學。其不然者失在殳兄”.
Nói rồi làm liền. Việc sắp đặt chỉ trong ít tháng, toàn quốc mở ra trường học lối mới đầy rẫy, cộng có 8 trường đại học, 256 trường trung học, 53.760 trường tiểu học. Tính ra mỗi chỗ có chừng 600 dân cư, là có một trường tiểu học. Nghĩ coi buổi đầu duy tân mới có năm sáu năm, mà bỗng chốc sáng lập ra trên năm muôn trường tiểu học như thế, đủ biết Minh Trị Thiên hoàng dốc lòng về việc giáo dục lắm vậy.
Từ đó trở đi, không năm nào chính phủ không lo mở thêm nhiều trường học, và sửa sang lại học chế (学制 [Gakusei], khuôn phép, thể lệ của việc học), lựa lọc những cái hay Tây phương giáo dục mà bồi bổ vào, càng ngày càng hoàn thiện. Rồi tới năm Minh Trị thứ 20, thì có các trường thực nghiệp chuyên khoa như trường dạy đào mỏ, trường dạy công nghệ, trường dạy cơ khí, trường dạy canh nông, thương mãi, cùng là trăm nghề ngàn nghiệp khác, mỗi mỗi đều có trường lập ra nhan nhản, như bên Âu Mỹ. Trước sau mới có vài chục năm, mà việc giáo dục tổ chức đầy đủ như thế, thiệt là mau chóng lạ đời!
Có một điều này ta nên chú ý, phải chú ý một cách đặc biệt là từ đời đó, cái đời Nhật Bản mới bắt đầu duy tân tự cường, họ đã sớm biết rằng thế giới mai sau, vấn đề kinh tế càng ngày càng sinh tử quan hệ, cho nên ngay từ đời đó, họ đã ra sức mở mang về kinh tế giáo dục lắm rồi. Sở dĩ trong một lúc họ lo sắp đặt phổ thông giáo dục, lại cho sắp đặt cả thực nghiệp chuyên khoa giáo dục nữa, ấy là vì nội tình cần dùng đã đành, mà cũng là vì biết trước đại thế thiên hạ nữa vậy.
Chắc có người không tin, muốn hỏi:
Chứng cớ của sự tiên giác ấy ở đâu?
Sao lại không có!
Sâm Hữu Lễ 森有礼 [Mori Arinori] làm Văn bộ đại thần (tức là Thượng thư bộ Học) ở triều Minh Trị duy tân, từ năm Minh Trị thứ 19 đến năm 23, vốn là tay có hoài bão xa kiến thức rộng về việc giáo dục; các trường thực nghiệp chuyên khoa mở ra nhan nhản lúc này, chính một tay ông ta chủ trương tổ chức. Có lần, họ Sâm nói với người ta như vầy:
“Nếu có ai cố hỏi cái chủ nghĩa giáo dục của nước nhà nên ra làm sao, thì tôi xin đáp rằng “kinh tế giáo dục” mà thôi”.
Đó, coi Nhật Bản có dòm trước đại thế thiên hạ hay là không? Hèn chi ngay từ lúc mới duy tân và nhất là từ lúc Âu chiến đến giờ, Nhật Bản cố sức mở mang kinh tế, cạnh tranh kịch liệt với các nước Âu Mỹ: Nào công thương, nào lý tài, nào cơ khí chế tạo, nào sản vật kinh doanh, không có thứ nào mà họ không mở mang ra có quy mô rộng lớn, có thực lực gớm ghê. Đến đỗi mấy năm nay họ đem các đồ chế tạo của họ bày đầy trên thị trường thế giới mà bán được cái giá rẻ mạt, làm cho các nhà chế tạo ở Âu Mỹ phải sợ, phải rèn. Tôi nhắm kinh tế nước Nhật tấn phát như ngày nay không lạ gì, bởi họ đã thấy trước và định trước từ 50 năm trước kia mà.
Một chỗ khác nữa, ta cũng nên chú ý, ấy là tôn chỉ của tiểu học giáo dục ở đời Minh Trị. Ông vua minh quân thánh chúa này xướng lên cái tôn chỉ lấy sự trau dồi đạo đức và chỉ bảo thực dụng cho trẻ con làm gốc. Bởi vậy hồi năm Minh Trị 23 và 24, sau khi Nhật Bản đã sửa sang lại chế độ giáo dục theo kiểu Đức quốc rồi, Minh Trị Thiên hoàng hạ dụ đinh ninh khuyên bảo các thầy giáo tiểu học trong nước một điều quan hệ thứ nhất, như vầy:
“Việc giáo dục nên để ý hơn hết, là sự trau dồi uốn nắn đức tính của trẻ nhỏ. Phàm một chuyện gì quan hệ tới đạo đức cùng là nghĩa vụ quốc dân, thì nên dạy dỗ cho khéo, cho kỹ. Thường thường phải lựa chọn những công chuyện nào có dính líu và có lợi ích tới cuộc sinh hoạt hằng ngày cần dùng mà dạy bảo; rồi phải nhắc nhủ rèn tập hoài, kỳ cho thích hợp với thực dụng mới được”.
Thiếu chút nữa tôi quên nói rằng vua Minh Trị định lệ giáo dục, rất trọng hậu cái địa vị của các thầy giáo tiểu học. Các thầy được đối đãi tử tế, lương bổng lãnh nhiều. Trái hẳn với nhiều nước khác, nhất là những nước bị cai trị, càng là hạng thầy giáo trường nhỏ, dạy trẻ nhỏ chừng nào, thì càng bị bạc đãi và ít lương chừng ấy mới kỳ!
Đời Minh Trị, nhất thiết việc gì cũng canh tân sáng tạo, kể từ việc giáo dục mà đi, cho nên công cuộc mở mang sắp đặt giáo dục ở đời Minh Trị là một công cuộc tổ chức to lớn bộn bề lắm, nói sao cho cùng được, ta chỉ nên biết ít nhiều điều cốt yếu đặc biệt như trên đây là đủ.
Còn việc tư học trong đời này cũng thịnh hành phát đạt rất mực. Tay chủ trương tư học đều là những bậc chí sĩ anh hùng, vì thấy cuộc duy tân quan hệ ở việc giáo dục, cho nên họ đứng ra lập nhiều trường tư, để giúp sức với nhà nước mà giáo hóa nhân dân cho mau hùng cường tấn hóa. Sự nghiệp tư học này là sự nghiệp “dân gian giáo dục”, có công lao có ảnh hưởng với cuộc duy tân của nước Nhật Bản lớn lắm, lát nữa sẽ nói riêng một đoạn dưới đây.
Tư học lập ra ở đời Minh Trị chính là để bổ vào chỗ bất túc của chính phủ và tỏ ra sự cầu học tư lập của dân, cho nên chính phủ đối với tư học, chỉ khuyến khích thì có, chớ không hề kiếm cớ ngăn cản, mà kiểm đốc cũng có, nhưng không bắt buộc phải học theo chương trình nhà nước. Trừ ra chính phủ nào chẳng muốn cho dân mau khá thì mới cản ngăn thắt ngặt tư học mà thôi.
Để cho tư học tự do mở mang, đó cũng là một cái đặc sắc giáo dục của đời Minh Trị. Dưới đây, độc giả sẽ coi tư học có ảnh hưởng lợi ích cho bước tấn hóa của dân tộc Nhật Bản ra thế nào?
SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC CỦA DÂN CÒN LỚN HƠN
Ta nên biết cái lâu đài Nhật Bản duy tân, rất ngắn ngày giờ mà dựng lên được nguy nga đồ sộ, vốn không phải chỉ nhờ một mình sức “chính phủ giáo dục” của đời Minh Trị mà nên đâu; kỳ thiệt, xét tới cội nguồn, thì có nhờ cả sức “dân gian giáo dục” từ trước hồi khai quốc cho đến giữa lúc duy tân, đóng góp công phu đào tạo vào đó nhiều lắm.
Dân gian giáo dục là gì?
Dân gian giáo dục 民間教育 [Minkan kyoiku] là cuộc giáo dục của dân tự lo tự làm lấy, không đợi gì chính phủ phải chỉ bảo lo toan. Ngó thấy sự nào hay, việc nào phải, tự trong óc họ phát ra cái tính khôn trí sáng, chịu khó học hỏi bắt chước, rồi lo truyền thụ cảm hóa những người khác cũng được mở khôn sáng biết như mình, thế là tự dân họ dạy bảo khai hóa lẫn nhau; dân gian giáo dục tóm tắt là vậy đó. Một nước muốn tấn hóa, cần phải có dân gian giáo dục bổ thêm vào chỗ thiếu sót của chính phủ giáo dục, chớ một mình chính phủ giáo dục không khi nào đầy đủ trọn vẹn được.
Có khi dân gian giáo dục có công phu và có quan hệ lớn hơn là chính phủ giáo dục, tức như sự thiệt đã thấy ở nước Nhật mà tôi đang nói đây.
Đông phương mình có hai nước lớn là Trung Hoa và Ấn Độ, từng có văn minh rực rỡ lâu đời, thế mà ngày nay đều lụn bại hư hèn; còn Nhật Bản là nước nhỏ xíu lại trở nên hùng cường vĩ đại, là tại sao vậy? Tại hai cậu Trung, Ấn đều ỷ cái văn minh sẵn có lâu đời của mình, tưởng mình thành rồi, đủ rồi, không biết thu dụng những giáo hóa hay của ngoại quốc mới đem lại, chớ Nhật Bản thì không thế. Người họ từ xưa vốn có chí khí tấn thủ rất mạnh, luôn luôn biết lựa lọc đón rước những cái hay của nước khác, khiến cho hóa nên hồn nước thói nhà của họ, thành ra rốt lại họ lấy cái sức quốc dân đồng hóa, khác hẳn người hai nước Trung, Ấn, mà dựng lên được cái cảnh tốt đẹp vẻ vang như ngày nay. Ta có xét tới gốc nguồn, mới biết rằng không phải hết thảy do nơi chính phủ chỉ vẽ dìu dắt mà ra đâu, chính thiệt nhờ có hạng chí sĩ cao minh khẳng khái đã ra tay sắp đặt gây dựng phần nhiều hơn; ấy đó là công cuộc dân gian giáo dục, hồi xưa đã vậy mà đến hồi khai quốc duy tân cũng vậy. Chủ ý đoạn này chỉ nói về dân gian giáo dục ở đời cận kim, cùng là giữa lúc khai quốc duy tân, cho biết cái chỗ công cao nỗi khổ của ít nhiều bậc tiền hiền chí sĩ nước Nhật đã đón rước Tây học và tô điểm nền lịch sử Nhật Bản tân thời ra thế nào?
BỐN ÔNG TỔ ÂU HỌC CỦA NƯỚC NHẬT
Từ hồi thế kỷ XVI, Phong Thần Tú Cát 豊臣秀吉 [Toyotomi Hideyoshi] làm tướng quân đã nghi bọn truyền giáo Thiên Chúa mà cấm người Âu châu lui tới rồi, đến đời Đức Xuyên Gia Khang 徳川家康 [Tokugawa Ieyasu] dựng Mạc phủ lại còn cấm gắt hơn nữa. Năm 1639 (Tây lịch), Mạc phủ Đức Xuyên ra lệnh “khóa nước” thật nghiêm:
Cấm chỉ ghe tàu của người các nước Tây dương vào đất nước Nhật Bản, trừ ra có người Hòa Lan thì được Mạc phủ rộng phép cho vô buôn bán tại Trường Kỳ mà thôi, chớ không được đi lung tung qua các nơi khác.
Cấm chỉ người trong nước học chữ đọc sách Âu châu, trừ ra có phép riêng của Mạc phủ và trừ ra y học Hòa Lan thì cho học tập.
Sau khi có lệnh nghiêm cấm như vậy rồi, có đến ngót một trăm năm, trong nước cũng chưa có ai biết Âu học là hay mà hòng phạm cấm, cầu học. Trong khoảng đó tuy có người làm chức Hòa Lan thông sự (tức là thông ngôn tiếng Hòa Lan) ở Trường Kỳ, nhưng kỳ thật không hiểu Âu văn là gì; lại có thầy thuốc xưng là biết ngoại khoa Hòa Lan, nhưng chẳng qua chỉ nghe lóng học mót vậy thôi, chứ thiệt chưa bao giờ từng nghiên cứu y học Hòa Lan bao giờ.
Mãi sau lâu lắm, mới có người bắt đầu học tập Lan học, mà công phu học tập của họ buổi đầu khốn khổ biết bao!
Khởi sự là năm 1716, hai viên Hòa Lan thông sự ở Trường Kỳ là Thiện Tam Lang 善三郎 [Zenzaburou] và Cát Hùng Hạnh Tác 吉雄幸作 [Yoshio Kougyuu], tiếng làm thông sự mà đều bất thông chữ Lan, bèn phát phẫn xin được Mạc phủ cho phép học tập. Rồi Thiện Tam Lang thì xin người Lan cho một cuốn tự điển tóm tắt, về cặm cụi học đêm ngày và tính dịch ra để cho người sau, nhưng dịch dở dang thì chết già.
Còn Cát Hùng Hạnh Tác thì học làm thuốc với người Lan, tuy rành nghề thuốc, trở về dạy với 600 học trò, nhưng chính Hạnh Tác cũng chưa biết chữ Lan là gì, bởi khi học thuốc, người Lan lấy tiếng Nhật mà dạy cho.
Tới năm 1739, Mạc phủ cho phép hai vị thuộc quan của mình là Thanh Mộc Văn Tàng 青木文藏 [Aoki Bunzou] và Dã Lữ Nguyên Trượng 野呂元丈 [Noro Genjou] học tập Lan học. Hai người cầu học một cách gian nan vô cùng! Mỗi khi nghe tin có tàu Hòa Lan tới Giang Hộ, thì rủ nhau xuống tàu kiếm người Lan mà hỏi dò từng tiếng rồi lẩm nhẩm học đi học lại hoài.
Học lạ buổi đầu, mà chữ Âu khó hiểu, vả lại lúc bấy giờ mỗi năm mới có tàu Lan ghé vào Giang Hộ một chuyến mà thôi, thành ra hai người học tập luôn ba bốn năm chỉ biết có mấy chữ số Hòa Lan là hết. Vừa tức vừa thẹn, nên qua năm 1744, hai người rủ nhau đến tận Trường Kỳ là chỗ có người Lan buôn bán mà dốc lòng học tập, có cả Cát Hùng Hạnh Tác cũng đi theo học cho có bạn nữa.
Ở học luôn vài năm, mới ghi nhớ được trên 400 tiếng Lan nhật dụng và biết điệu nói cách viết chút đỉnh, rồi phải bỏ về Giang Hộ, không được học thêm. Tuy vậy, mỗi người cũng viết ra một tập sách nhỏ về Lan học, hoặc về tiếng nói, hoặc dịch vị thuốc.
Người Nhật nói: “Có thể bảo Thiện Tam Lang, Hạnh Tác, Văn Tàng, Nguyên Trượng, là bốn ông tổ giảng cầu học thuật Âu châu trước hết ở nước Nhật vậy”.
Nguồn: trích từ Chương 5, tác phẩm "Nhật Bản duy tân 30 năm", Nhà xuất bản Thế Giới và Alphabooks phát hành đầu năm 2015. Xuất bản lần đầu năm 1936 tại Sài Gòn.
Nguồn sưu tầm: https://phamnguyentruong.blogspot.com/2015/12/nhat-ban-duy-tan-ba-muoi-nam-cong-phu.html#more