[Nhật Bản duy tân 30 năm] - Công Phu Giáo Hóa  (Phần 4)

[Nhật Bản duy tân 30 năm] - Công Phu Giáo Hóa (Phần 4)

MỘT NGÀY KỶ NIỆM VỀ CÔNG PHU HỌC TẬP TÂN HỌC KHÔN XIẾT GIAN NAN

Đã nói Mạc phủ không cấm sự học thuốc của Âu châu, vả lại, trong lúc này thầy lang nào học giỏi chữa tài, thì được Mạc phủ và chư hầu kính trọng tin dùng, cho nên những người có chí nghiên cứu học thuật Âu châu, đều đua nhau nghiên cứu y học hết thảy. Thế là học thuật Âu châu truyền sang Nhật Bản, y khoa được đón rước trước hết, rồi sau mới lần lần tới các khoa học khác.

Các thầy lang Nhật lúc bấy giờ ráng học y khoa Tây phương, cốt bồi bổ vào chỗ bất cập của y khoa Trung Quốc, để chữa bệnh cho đồng bào trước mắt, mà chính là các thầy tìm phương kiếm thuốc chữa bệnh cho quốc gia sau này trở nên cường kiện đó vậy.

Trong hạng tiền bối đã gia tâm học tập y khoa Âu châu rất đông, có ba người xuất sắc dị thường và trong việc họ cầu học, có câu chuyện lạ lùng ngộ nghĩnh đáng nên thuật ra. Ấy là Tiền Dã Lương Trạch 前野良沢 [Maeno Ryoutaku], Bân Điền Huyền Bạch 杉田玄白 [Sugita Genbaku] và Trung Xuyên Thuần Am 中川淳庵 [Nakagawa Junan].

Ba người vớ được sách thuốc Hòa Lan mấy cuốn và một tấm hình vẽ cơ thể trong người, gọi là “Nhân thể nội cảnh đồ 人體内景圖”, biết là vật quý, có ích cho nghề thuốc và sự học của mình, nhưng khốn nỗi không có thầy nào chỉ vẽ, họ bèn rủ nhau gắng gổ công phu, tự nghiên cứu lấy được mới kỳ.

Nguyên là trong ba người, chỉ có Lương Trạch đã từng thụ nghiệp với Thanh Mộc Văn Tàng (một nhà Lan học đầu hết, nói ở đoạn trên) mà biết được năm sáu trăm tiếng Hòa Lan, còn Huyền Bạch và Thuần Am thì chưa biết. Cả ba đều là y sinh, bình nhật vốn không quen biết nhau, may sao bữa đó tại Giang Hộ có mổ thây một tên tù tử hình, ba ông cùng đến coi, mở tấm hình “nhân thể nội cảnh” đã mua của người Hòa Lan ra đối chiếu, thấy đúng từng ly từng chút, cùng nhau thán phục Lan học là tài, rồi đó làm quen nhau, Huyền Bạch và Thuần Am thở than rằng mình mua được sách thuốc và hình vẽ này, nhưng tiếc vì dốt chữ Lan, thành ra không nghiên cứu đặng, thật lấy làm tức. Lương Trạch nói:

“Tôi có chí nghiên cứu Lan học đã lâu, nhưng tiếc nỗi không có bè bạn cùng nhau rèn tập. Trước kia tôi có học chữ Lan chút ít, nay ba chúng ta hiệp sức nhau lại mà nghiên cứu, lý nào không thành công. Vậy thì ngày mai, tôi mời hai anh ở lại nhà tôi, để anh em ta ra sức rèn tập với nhau ít lâu, chắc là phải được. Hai anh nghĩ sao?”

Hai ông kia mừng rỡ lắm, chịu liền.

Người Nhật cho cái ngày ấy là một ngày tân học kỷ niệm; cuộc tấn hóa của nước Nhật, thiệt là phôi thai từ ngày ấy mà ra.

Sau Huyền Bạch viết sách tỏ bày sự Lan học buổi đầu gian nan ra thế nào, nghĩ mà đáng thương đáng phục; trong sách có đoạn thuật chuyện như vầy:

“Qua hôm sau, anh em tụ hội ở nhà Lương Trạch mở cuốn sách dạy sơ cách mổ xẻ ra xem, nghĩ mình đây chẳng khác nào một chiếc thuyền, sửa soạn chèo lái chưa đủ, mà đánh liều vượt biển ra khơi, ngó thấy trời biển mênh mông, bao xiết lo ngại. Song may có Lương Trạch trước kia đã học chữ Lan ít nhiều, hơi biết câu văn và cách đọc, vả lại lớn hơn anh em tới 10 tuổi, nên anh em đều tôn Lương Trạch làm chủ tịch và thờ làm thầy học.

Huyền Bạch hăm hở quyết học, nhưng mà 25 chữ cái cũng chưa biềt hình thù kêu gọi ra sao; bây giờ phải gắng gổ học 25 chữ cái, rồi ít lâu mới học chữ một và năm ba tiếng nói bập bẹ. Dầu là một câu ngắn ngủi trong sách, Huyền Bạch cũng gắng công tìm tòi ngẫm nghĩ cho tới hiểu hết nghĩa lý mới thôi; nhiều khi một câu làm cho Huyền Bạch ngồi cặm cụi tối ngày sáng đêm, quên ăn bỏ ngủ.

Bữa kia, đọc sách tới khoảng nói về bộ phận cái mũi, có tiếng verheffen mà không hiểu là nghĩa gì. Thuở đó làm gì đã có tự điển lớn đâu, chỉ có một cuốn nho nhỏ, của Lương Trạch đã mua tại Trường Kỳ về. Chúng tôi liền mở ra tra, thấy chữ verheffen có nghĩa là cái dấu tích của những nhành cây chặt ra, lại quét sân mà tụ đất cát lại thành đống, cũng gọi là verheffen. Ngoài hai nghĩa này ra không thấy chua nghĩa gì khác nữa, giờ chúng tôi suy nghĩ không biết phải hiểu nghĩa chữ đó thế nào cho phải.

Huyền Bạch bèn tán rộng với anh em rằng: Nhành cây chặt ra, lâu ngày thành đống, mà quét nhà rồi, đất cát tụ lại cũng thành đống, vậy cái mũi nổi cao lên ở trên mặt người ta, thì chữ verheffen đây cắt nghĩa là đồng, anh em liệu có được chăng?

Chúng tôi suy nghĩ phải lẽ, rồi nhất định theo cái nghĩa đó. Lúc bấy giờ chúng tôi tự tìm tòi bàn tán ra nghĩa chữ này rồi, ai nấy hớn hở vui mừng, xem như là khi không mà bắt được cục ngọc Liên Thành vậy…”

Ta coi như thế, thì biết ngày xưa bọn chí sĩ Nhật Bản nghiên cứu tân học thật là gian nan và dụng công khắc khổ biết sao mà nói cho cùng. Ấy vậy mà họ học thét phải thành công kết quả mới ghê! Về sau một nhà duy tân chí sĩ có danh vọng công lao nhất, là Phúc Trạch Dụ Cát 福澤諭吉 [Fukuzawa Yukichi], mỗi khi đem cuốn sách nói trên đây ra đọc, tới đoạn “nghĩ mình chẳng khác một chiếc thuyền sửa soạn chèo lái chưa đủ, mà đánh liều vượt biển ra khơi, ngó thấy trời biển mênh mông, bao xiết lo ngại” thì Phúc Trạch than rằng:

“Ta tưởng nhớ lại tiền nhân khổ tâm như thế, bắt ta phải ghê chỗ dũng cảm, phục tấm nhiệt thành của các cụ ngày xưa”.

Thở than vậy rồi Phúc Trạch nhỏ sa nước mắt khóc vùi.

Than ôi! Người khổ tâm học trước, kẻ cảm động khóc sau, chan chứa cái tinh thần và cái đặc sắc ái quốc của dân tộc Nhật Bản biết mấy!

CÓ NGƯỜI NGỒI TÙ HAY MỔ BỤNG VÌ TÂN HỌC

Câu chuyện vừa thuật ra trên đây là câu chuyện tân học từ cuối thế kỷ XVIII, nghĩa là lúc tân học ở Nhật Bản mới phôi thai.

Từ đó trở đi, số người tiên giác nối gót nhau nghiên cứu Lan học càng ngày càng đông. Những người học trước, chịu khó dịch sách thuốc của Hòa Lan và làm sách dạy văn tự Hòa Lan, để truyền thụ cho những người học sau cũng nhiều.

Nhân vì giao tiếp người Lan, nghiên cứu học Lan, tự nhiên đám chí sĩ Nhật mỗi ngày thêm nghe biết những cái học hay sức mạnh của Tây phương, mà so sánh lo ngại cho cái thế nguy sức yếu của mình, nên chi phong trào tân học mở tung ra lớn rộng; bây giờ không phải chỉ có những người học tập làm thuốc lối mới như thuở nay mà thôi, lại có người xem xét học hỏi tới các khoa vật lý, hóa học, chính trị và binh cơ của Âu châu nữa.

Muốn nghiên cứu tân học, mà cứ học tập y khoa thì Mạc phủ dung, chớ động tới chính trị thời sự thì Mạc phủ vẫn cấm. Là vì bọn chấp chính lúc này còn là hạng hủ nho thủ cựu. Nhưng cấm thì cấm, vẫn có người nghiên cứu, không sợ. Cho biết thứ dân lúc họ muốn học, muốn mạnh, muốn khôn, thì quyền thế nào cũng không cản nổi. Dầu có người nọ chết, thì có kẻ kia nổi lên tiếp liền.

Hồi đó ở Nhật Bản có người bị lao tù hay phải mổ bụng vì ham hố tân học.

Ví dụ hồi năm 1792, có chí sĩ là Lâm Tử Bình (林子平 Hayashi Shihei] đến Trường Kỳ giao du dọ hỏi người Lan, biết được công việc các nước Tây phương có cái lối đi chiếm đất thực dân. Trở về, Lâm Tử Bình suy nghĩ tới việc nước mình không thể quên lãng phòng bị được, tức thời viết ra cuốn sách Hải quốc binh đàm (海国兵談 Kaikoku heidan] và một cuốn khác nói về chính trị, để thức tỉnh người trong nước. Mạc phủ cho là tà thuyết hoặc dân cũng như triều đình nước ta xưa cho là yêu thơ, yêu ngôn đó, nên chi cấm tuyệt hai cuốn sách của Lâm Tử Bình và giam cầm Lâm Tử Bình tới chết.

Bước qua đầu thế kỷ XIX, có hai nhà thanh niên chí sĩ là Cao Dã Trường Anh 高野長英 [Takano Chouei] và Độ Biên Hoa Sơn 渡辺華山 [Watanabe Kazan], viết ra nhiều sách nói về các vấn đề cứu quốc, luyện binh, chính trị, kinh tế và kêu gào nhà nước nên mở cửa ra cho ngoại nhân vô giao thông. Năm 1839, Mạc phủ ghét bọn Lan học dám nói động tới chính trị, bèn bắt Trường Anh và Hoa Sơn trị tội. Trường Anh bị xử chung thân cấm cố; Hoa Sơn ban đầu bị xử trảm, nhưng sau được giảm xuống chung thân cấm cố; ở trong ngục ít lâu, Hoa Sơn tự vẫn chết.

Còn Trường Anh bị giam trong ngục, bữa kia ngục phát cháy, liền thừa cơ trốn ra ngoài được. Sau lần mò trở về Giang Hộ, biến đổi họ tên hình dáng đi, vẫn ra sức dịch sách Tây và viết sách hô hào khai quốc. Đến năm 1850, bị lộ chuyện ra, Mạc phủ sắp nắm đầu được thì Trường Anh tự mổ bụng ra chết rồi!

Tuy có nhiều người vì cổ động tân học mà mang họa sát thân như ba người trên, nhưng vậy mà phong trào tân học và chủ nghĩa khai quốc cứ bồng bột mãi.

Lòng dân đã muốn vậy, dầu Mạc phủ có quyền lực ngăn cản thế nào cũng không lại; có giết bất quá chỉ giết được ít nhiều người thôi, chớ cái tư tưởng ở trong đầu của cả bọn tiên giác khá đông, làm sao mà giết nổi. Rồi qua tới năm 1853, có tàu binh Mỹ tới bắn súng ra oai lôi đình ở Phố Hạ và sang năm sau, 1854, hai nước Nhật Mỹ ký tờ ước thông thương, kế tới ba nước Anh, Nga, Pháp cũng đòi ký ước như thế; bấy giờ Mạc phủ đã tỉnh ngộ, liền đổi chính sách: Trước kia “tỏa quốc nhương di” bao nhiêu, thì bây giờ hiểu biết sự “khai quốc ngoại giao” là cần dùng bấy nhiêu. Mặc dù có đám nhà nho thủ cựu sôi nổi phản đối, Mạc phủ cũng cứ hăng hái khai quốc, có bọn tân học tiên giác giúp sức vào cho. Bọn này tuy có ít, nhưng là một sức rất mạnh.

Tới đây, bọn tân học kế tiếp nhau mở ra trường tư để dạy học mới, và xướng lên “Thái Tây tân học” một cách công nhiên.

Ấy là những chí sĩ duy tân.

Trong đám này có những người như Thắng Lân Thái Lang 勝麟太郎 [Katsu Rintarou hay Katsu Kaishuu; Katsu Yasuyoshi], Tự Phương Hồng Am 緒方洪庵 [Ogata Kouan], Tá Đằng Thái Nhiên 佐藤泰然 [Satou Taizen]… đều là những bực anh tài xuất sắc, có công lao to lớn về việc dân gian giáo dục, tức là gốc nguồn của cuộc duy tân. Nhất là Tự Phương Hồng Am dạy học trò rất đông, nhiều người có công danh to lớn ở thời kỳ trước sau duy tân là học trò của Hồng Am đào tạo ra. Phúc Trạch Dụ Cát là một.

Người này, ta nên biết rõ: Không dự chính trị bao giờ, không có chức quyền gì hết, chỉ là ông thầy dân gian giáo dục thôi, thế mà chính là tay thợ khai quốc duy tân, được triều đình nhân dân đều kính tôn trọng vọng, có công nghiệp lớn với quốc gia, có thanh danh truyền về hậu thế; người này thiệt là một nhà giáo dục ảnh hưởng cho thế đạo nhân tâm, quan hệ tới quốc gia đại kế vậy.

Nguồn: trích từ Chương 5, tác phẩm "Nhật Bản duy tân 30 năm", Nhà xuất bản Thế Giới và Alphabooks phát hành đầu năm 2015. Xuất bản lần đầu năm 1936 tại Sài Gòn.

Nguồn sưu tầm: https://phamnguyentruong.blogspot.com/2015/12/nhat-ban-duy-tan-ba-muoi-nam-cong-phu_7.html

Tác giả liên quan