[Tinh thần dân chủ] Chương 5: Động cơ thúc đẩy dân chủ: Yếu tố bên ngoài (Phần 2)

[Tinh thần dân chủ] Chương 5: Động cơ thúc đẩy dân chủ: Yếu tố bên ngoài (Phần 2)

TRỢ LỰC CỦA DÂN CHỦ

Công cuộc dân chủ hóa trong thời gian vừa qua khác biệt với những giai đoạn trước không chỉ ở quy mô của ảnh hưởng quốc tế mà còn khác ở chỗ có những kênh gây ảnh hưởng mới: giúp đỡ nhằm củng cố những thiết chế dân chủ, cải cách bộ máy quản trị, trao quyền cho xã hội dân sự, xây dựng văn hóa dân chủ, giám sát các cuộc bầu cử, còn trong các nước độc tài thì giúp đỡ những lực lượng trong chính phủ, trong xã hội dân sự và (trong trường hợp xấu nhất) giúp đỡ những người lưu vong chuẩn bị cho công cuộc chuyển hóa dân chủ. Khi làn sóng thứ ba bắt đầu vào năm 1974, những cố gắng nhằm giúp đỡ phát triển dân chủ chỉ gói gọn trong chương trình xây dựng đảng của Đức và một vài cố gắng khác, như trợ giúp pháp lí, trong các cơ quan cấp viện mà thôi. Nói chung, đây là những cố gắng khiêm tốn, không trực tiếp. Những cố gắng của phương Tây nhằm giúp đỡ những người dân chủ Bồ Đào Nha hồi giữa những năm 1970 diễn ra một cách âm thầm và gián đoạn. Đầu những năm 1980, khi khả năng và tham vọng dân chủ lớn lên, ngày càng trở nên rõ ràng rằng đây là những công cụ chuyên dụng cần thiết để cung cấp những sự trợ giúp về vật chất, kĩ thuật và tinh thần cho các lực lượng dân chủ.

Bước ngoặt diễn ra vào năm 1983 cùng với việc thiết lập tổ chức mang tên National Endowment for Democracy (Qũi quốc gia hỗ trợ dân chủ – NED). Mặc dù NED lấy cảm hứng từ quỹ dành cho các chính đảng của Đức, nhưng hàng năm được chính phủ tài trợ nhằm giúp đỡ các đảng có cùng xu hướng và các tổ chức dân sự ở nước ngoài và đã soi rọi đường đi trong một số lĩnh vực. Đây là tổ chức đầu tiên tài trợ bằng các khoản của quốc hội nhưng phi chính phủ cho những cố gắng có tính hệ thống nhằm thúc đẩy dân chủ ở nước ngoài. Nó cũng hoạt động như một liên hiệp, với NED chuyên ủng hộ các tổ chức thuộc xã hội dân sự, trong khi những tác nhân dân chủ khác được bốn tổ chức nòng cốt sau đây ủng hộ: các thiết chế quốc tế của hai đảng của Mĩ (NDI – Viện Dân chủ Quốc gia và IRI – Viện Cộng hòa quốc gia), Trung tâm hỗ trợ kinh doanh quốc tế (CIPE) và Viện Công đoàn Tự do (bây giờ là Trung tâm Đoàn kết). Bằng cách đưa thành phần truyền thống của nền dân chủ Mỹ – đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ, doanh nghiệp và lao động và các tổ chức phi chính phủ (NGO) lại với nhau – NED đã cung cấp một phạm vi cực kì rộng lớn và uyển chuyển nhằm trợ giúp những phong trào và quá trình chuyển hóa dân chủ trên toàn cầu.

Mặc dù bắt đầu với ngân sách hàng năm quá nhỏ (chưa tới 20 triệu USD – chỉ là một phần của các quỹ của Đức),41 NED đã cung cấp khoản viện trợ quan trọng cho các phong trào dân chủ ở Ba Lan, Nicaragua và Chile. Có thể câu chuyện thành công lớn nhất của họ là ở Ba Lan, tại đây Viện Công đoàn Tự do đã có những giúp đỡ mang tính sống còn cho công đoàn Đoàn kết nhằm giúp đỡ những dự án về giáo dục, xuất bản và nhân quyền. Cuối những năm 1980, NED đã giúp các nước Đông Âu trong việc xây dựng hạ tầng dân sự, góp phần làm xói mòn chủ nghĩa cộng sản. Ở Nicaragua, NED đã giúp tờ nhật báo La Prensa mua thiết bị in, tạo điều kiện cho tờ báo này xuất bản trong giai đoạn khi mà Sandinista tung ra những biện pháp đe dọa ngặt nghèo nhất. NED có vai trò nổi bật trong việc trợ giúp các đảng dân chủ, các nhóm chuyên gia (think tanks), công đoàn, hợp tác xã và các tổ chức khác ở Chile trong việc huấn luyện cử tri, khuyến khích dân chúng tham gia vào chính trị và khởi động chiến dịch lịch sử “Nói Không” đánh bại nỗ lực của tướng Pinochet nhằm kéo dài quyền lực của ông ta trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1988. NED và các chi nhánh của nó còn đóng góp vào quá trình chuyển hóa dân chủ hòa bình ở Philippines, Namibia, Haiti, Zambia và Nam Phi, bằng cách tài trợ cho công việc theo dõi bấu cử và giúp tổ chức những đội theo dõi bầu cử quốc tế.

Nhìn lại, ta thấy, với những nỗ lực ủng hộ thay đổi dân chủ như thế, sự cáo chung của chế độ độc tài là không thể nào tránh được. Nhưng lúc đó thì không phải như thế. Chế độ độc tài đã thua trong những cuộc bầu cử là nhờ sự năng động cực kì cao của xã hội dân sự. Năm 1988 ở Chile, phong trào gọi là Thập tự chinh vì Sự tham gia của Người dân (Crusade for Citizen Participation) đã tìm được biện pháp nhằm vượt qua được nỗi sợ hãi và nhẫn nhục lan tràn do “giới quân nhân đã liên tục tung ra những thông tin sai lạc suốt 15 năm liền nhằm làm mất tính chính danh của các đảng chính trị.”42 Cuối những năm 1980 ở Nam Phi, nhu cầu về cuộc kháng cự của nhân dân nhằm chống lại chế độ cực kì bất công phải được điều chỉnh cho cân bằng với đòi hỏi về xây dựng liên minh đa sắc tộc. Năm 2000 ở Serbia và năm 2004 ở Ukraine, những lực lượng đối lập khác nhau và chia rẽ sâu sắc phải đoàn kết lại nhằm chống lại chế độ vốn nổi tiếng là có khả năng lừa dối trắng trợn và rộng khắp, cũng như sử dụng bạo lực một cách dã man.

Không dễ đánh giá đóng góp mà sự trợ giúp từ bên ngoài – cũng như những đóng góp cụ thể của những tổ chức như NED – làm được cho chiến thắng cuối cùng. Nhưng, theo dõi hành động của những tác nhân cụ thể mà trợ giúp bên ngoài có vai trò cực kì quan trọng – như phong trào Đoàn kết của Ba Lan, phong trào nhận được sự trợ giúp to lớn của phương Tây (năm 1989 chỉ riêng NED đã cung cấp khoản tiền là 2,5 triệu USD) – người ta có thể hiểu được câu chuyện. Sự giúp đỡ kéo dài trong nhiều năm của NED và các tổ chức khác ở phương Tây đã tạo điều kiện cho đài phát thanh độc lập của Serbia, đài B-92, mua được những thiết bị quan trọng sống còn để nuôi dưỡng niềm hi vọng và lực lượng đối lập với Miloševič. “Những bản tin mang tính chuyên nghiệp cao do B-92 và những phương tiện thông tin đại chúng độc lập có liên quan khác đưa ra cho thấy “những cuộc chiến tranh của Miloševič, chính sách kinh tế của ông ta và những vụ bắt bớ và ngược đãi tàn tệ những người biểu tình trẻ tuổi” và bằng cách đó “giúp làm xói mòn dần sự ủng hộ của người dân Serbia đối với ông ta.”43 Một tay chơi không thể thiếu trong cuộc cách mạng ở Serbia là phong trào sinh viên Otpor (Kháng cự), “thành viên của phong trào này đã được các tổ chức phi chính phủ phương Tây như NDI và IRI đưa sang các lân bang để huấn luyện về cách thức tổ chức lực lượng chính trị quần chúng”. Sau cách mạng, một nhà lãnh đạo Otpor đã nói như sau: “Không có sự trợ giúp của Mỹ thì tình hình chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều. Thế nào thì cách mạng cũng xảy ra, nhưng sự giúp đỡ đã giúp chúng tôi tránh được đổ máu.”44 Đến lượt mình, tay chơi chính trong cuộc cách mạng Cam ở Ukraine là nhóm thanh niên Pora (trong tiếng Ukraine có nghĩa là ‘Đến lúc’) lại “được Otpor của Serbia huấn luyện, đồng thời, nhiều NGO và các nhóm xã hội dân sự phương Tây cũng giúp đỡ cho các đối tác Ukraine của họ”. Ngoài ra, phương Tây còn giúp các phương tiện truyền thông đại chúng độc lập của Ukraine truyền bá những thông điệp của phe đối lập ra khắp cả nước.”43

Trong hầu hết các trường hợp, những cuộc bầu cử quốc hội là phương tiện thách thức chế độ độc tài hay phương tiện để tạo lập chế độ dân chủ mới. Do đó, các cuộc bầu cử đã trở thành tiêu điểm cho sự kháng cự của dân chủ – từ trợ giúp kĩ thuật và tài chính đến bộ máy quản lý, đấy là nói đối với những chế độ dân chủ mới xuất hiện; tới ủng hộ về tài chính và huấn luyện cho những nhóm xã hội dân sự đến hướng dẫn và động viên cử tri và giám sát bầu cử cũng như các đội theo dõi bầu cử quốc tế giúp xem xét một cách kĩ lưỡng quá trình bầu cử và ghi nhận cũng như ngăn chặn gian lận.44 Không có hình thức giúp đỡ quốc tế nào tạo được ấn tượng hơn và trực tiếp hơn, cũng như tham gia một cách rộng rãi hơn và hợp pháp hơn.45 Trong những năm 1980 và 1990, Liên hiệp quốc, các tổ chức khu vực, các cơ quan viện trợ chính thức, và các nhóm phi chính phủ như Quỹ quốc tế trợ giúp các hệ thống bầu cử (International Foundation for Election Systems – IFES), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Hoa Kỳ được nhà nước tài trợ là chủ yếu và Viện Quốc tế vì Dân chủ và Trợ giúp Bầu cử (International Institute for Democracy and Electoral Assistance – IDEA), một hiệp hội có trụ sở ở Stockholm của các nước châu Âu và các nước dân chủ đang phát triển. IDEA tạo điều kiện thuận lợi và trợ giúp những người điều hành công tác bầu cử liên lạc với nhau và phổ biến thông tin, kinh nghiệm và công nghệ. Tổ chức này còn soạn thảo Quy tắc hành xử của ban bầu cử, trong đó có nguyên tắc độc lập, trung lập, minh bạch, chính xác, tôn trọng pháp luật và giúp đỡ cử tri. Trong những giai đoạn nhạy cảm của tiến trình chuyển hóa chế độ, từ Nicaragua tới Mozambique, những khuyến cáo độc lập, của những người có chuyên môn về việc viết lại quy tắc bầu cử và tái tổ chức qui trình bầu cử đã giải quyết được các bế tắc và giành được sự tin cậy của công chúng.

Trong nhiều cuộc bầu cử có tính nền tảng, cộng đồng quốc tế đầu tư cực kì nhiều vào việc tạo lập cả bộ máy quản lý công và xã hội dân sự. Trong cuộc bầu cử năm 1994, Nam Phi đã nhận được hơn một ngàn quan sát viên do Liên hiệp quốc gửi tới (cộng với mấy ngàn người theo dõi ở trong nước) và hàng triệu USD trợ giúp trong việc huấn luyện cử tri, cũng như bộ máy tổ chức bầu cử, cả trong khu vực công lẫn khu vực tư nhân. Tương tự như thế, những khoản đầu tư lớn đã được Liên hiệp quốc chi cho sứ mệnh tái thiết ở các nước như Campuchia và Đông Timor.

Trong hai thập niên qua, quan sát bầu cử được quốc tế (hay là Liên hiệp quốc?) tiến hành đã trở thành thông lệ diễn ra ở rất nhiều nước, thu hút được phần lớn các tổ chức khu vực và quốc tế, đủ loại đảng phái, các NGO và các quỹ khác nhau.45 Khi công việc đó có đủ quan sát viên, tiến hành đánh giá một cách cẩn thận toàn bộ tiến trình bầu cử và phối hợp với nhiều người theo dõi đã được đào tạo bài bản ở trong nước thì hoàn toàn có thể – cùng với ý chí của cộng đồng quốc tế – ngăn chặn, cản trở hoặc chí ít có thể tố cáo những vụ gian lận trong bầu cử.46 Công cụ quan trọng nhất là kiểm phiếu song song hay “đếm nhanh”, để những người theo dõi trong nước báo cáo kết quả từ mẫu ngẫu nhiên của các điểm bầu cử (hay thậm chí là tất cả hoặc phần lớn các điểm bỏ phiếu) cho nhóm quan sát phi đảng phái, nhóm này sau đó sẽ đối chiếu và thông báo kiểm đếm của chính mình.47 Được các nhà quan sát quốc tế giúp đỡ, kiểm phiếu song song đã tạo ra sự khác biệt giữa cuộc bầu cử gây tranh cãi và cuộc bầu cử được nhiều người chấp nhận trong một số nước, trong đó có Panama, Nicaragua, Bulgaria, Haiti, Guyana, Paraguay và cộng hòa Dominica.48 Ở những nơi khác, như ở Philippines năm 1986 và các cuộc cách mạng màu ở Serbia, Georgia, và Ukraine, những bản kiểm phiếu độc lập này đã tố cáo việc gian lận của chính quyền độc tài nhằm phỗng tay trên kết quả bầu cử và đã giúp lật đổ được các chế độ đó.49 Cuộc cách mạng lật đổ Miloševič bắt đầu vào buổi chiều sau cuộc bầu cử diễn ra ngày 24 tháng 9 năm 2000, khi kết quả kiểm phiếu song song “cho thấy rõ ràng rằng ứng viên đối lập đã đánh bại người đang tại chức ngay từ vòng đầu”. Hai ngày sau, khoảng ba trăm ngàn người ủng hộ phe đối lập tràn ra đường phố Belgrade để ăn mừng chiến thắng và không ai đủ sức ngăn chặn được cuộc xuống đường ủng hộ dân chủ của quần chúng.50

Ít nhất, các nhà quan sát quốc tế đã giúp thẩm tra kết quả bầu cử nhằm tăng thêm độ tin cậy và tính chính danh của người được tuyên bố là chiến thắng trong cuộc cạnh tranh dân chủ như ở Hàn Quốc năm 1987, Bulgaria năm 1990, Ghana và Cộng hóa Dominica năm 1996. Ở một số nước, sự hiện diện của họ đã ngăn chặn được các chính phủ độc tài hay đương quyền, không cho họ giả mạo hay hủy bỏ kết quả bầu cử, ví dụ, cuộc bầu cử tháng 12 năm 1991 ở Zambia đã quật ngã tổng thống Kenneth Kaunda sau 27 năm cầm quyền và cuộc bầu cử có tính nền tảng năm 1994 ở Nam Phi và Malawi, nơi các đảng cầm quyền trong nhiều năm bị thua trong cuộc cạnh tranh hòa bình. Khi có gian dối, các nhà quan sát quốc tế sẽ giúp ghi nhận và phủ nhận tính hợp pháp của nó. Còn khi có thay đổi trong quy tắc tạo ra dối trá trong bầu cử, các nhà quan sát quốc tế sẽ không hợp tác nhằm nhấn mạnh tính bất hợp pháp của toàn bộ tiến trình, đấy là chiến thuật được NDI áp dụng nhằm thách thức các tu chính hiến pháp phi dân chủ ở Zambia năm 1996. Đôi khi các nhà quan sát quốc tế còn đi xa hơn, bằng cách giúp phe đối lập đàm phán những điều kiện mà các bên cùng chấp nhận được, hay thậm chí là làm trung gian trong tiến trình hòa giải dân tộc và dân chủ hóa, như ở Nicaragua, El Salvador, Albania và Campuchia. Đã nhiều lần, cách làm này tỏ ra là tuyệt đối cần thiết vì trung gian và quan sát các cuộc bầu cử đòi hỏi phải có những người trọng tài không thiên vị, các bên đều có thể tin tưởng.51 Nhà nghiên cứu chính trị học Jennifer McCoy (từng công tác tại Trung tâm Theo dõi Bầu cử mang tên Carter) phát hiện ra rằng từ năm 1988 đến năm 1995 hầu như tất cả các cuộc bầu cử thành công ở Mỹ Latin và vùng Caribbe đều có các nhà quan sát và trung gian quốc tế tham gia, cũng như có sự trợ giúp mạnh mẽ của các nước cấp viện.52

Tương tự như những hình thức giúp đỡ chính trị khác, các nhà quan sát bầu cử quốc tế đã từng thất bại nhiều lần. Đôi khi đấy là do chưa tham gia đúng mức vào tiến trình, đôi khi là do quá nhiều nhóm phối hợp kém, gây ra hỗn loạn, ví dụ như cuộc bầu cử ở Nicaragua năm 1996.53 Thường là do cộng đồng quốc tế không đủ ý chí chính trị nhằm buộc chế độ cụ thể nào đó phải tuân theo những tiêu chuẩn dân chủ nghiêm ngặt, và áp đặt những biện pháp trừng phạt nếu họ không đáp ứng được những tiêu chuẩn đó. Đôi khi ảnh hưởng tiềm tàng bị sự chia rẽ quốc tế làm mất hiệu lực, ví dụ, cuộc bầu cử tổng thống ở Cameroon và Kenya năm 1992. Trong khi đoàn quan sát của NDI phát hiện ra nhiều sự kiện bất thường trong cuộc bầu của ở Cameroon và Hoa Kỳ đã áp đặt những biện pháp trừng phạt thì Pháp lờ đi các bằng chứng về gian lận và dung túng cho chế độ. Ở Kenya, NDI hoàn toàn không được tham gia quan sát tiến trình bầu cử và những cố gắng của tổ chức này nhằm trợ giúp các tổ chức dân sự phát triển các chương trình theo dõi bầu cử phi đảng phái cũng bị cản trở.54 Điều này đặt trách nhiệm lên vai 160 nhà quan sát từ IRI và Khối Thịnh vượng chung Anh, những người không quá khắt khe và thường sẵn sàng tuyên bố cuộc bỏ phiếu nói chung là tự do và công bằng, trái ngược với với những người theo dõi bầu cử Kenya, đã liệt kê được nhiều hiện tượng bất bình thường. Kết quả là chế độ của Moi tái đắc cử với một ít tính hợp pháp và sự công nhận quốc tế.54 Ở Haiti, phái đoàn của chính phủ Hoa Kỳ tung ra nhận định tán thành cuộc bầu cử (khẳng định chính sách của chính quyền Clinton), trong khi đoàn của IRI “liên kết với đảng chính trị có thái độ phê phán nghiêm khắc” chính sách của chính phủ “phát hiện nhiều hiện tượng đáng phê phán” trong quá trình tổ chức bầu cử.”55

Quyền lợi địa chính trị cũng có thể đè bẹp những nỗ lực quốc tế. Chế độ ở Azerbaijan nhiều dầu mỏ, có thái độ hợp tác và nằm ở vị trí chiến lược đã giả mạo kết quả một cuộc bầu cử nữa vào tháng 11 năm 2005, mặc dù Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã gửi tới nước này 1.600 nhà quan sát quốc tế để trợ giúp 17.000 người theo dõi bầu cử trong nước, những người đã ghi nhận được nhiều vụ vi phạm quyền tự do trong chiến dịch tranh cử và sự trung thực của cuộc bầu cử.56 Tuy nhiên, tổng thống Ilham Aliyev đánh giá đúng rằng, ông ta có thể đàn áp các cuộc biểu tình của phe đối lập trong khi Tòa Bảo Hiến công nhận kết quả giả mạo. “Sau khi Bộ ngoại giao Hoa Kỳ thể hiện sự hài lòng với cách xử lí những lời phàn nàn về cuộc bầu cử của Tòa Bảo Hiến, phe đối lập Azerbaijan đã lên án Hoa Kỳ vì tiêu chuẩn kép và thiếu nghiêm túc trong việc thúc đẩy dân chủ ở Azerbaijan.”57 Tương tự, nước có nhiều dầu mỏ Nigeria – đứng thứ năm trong số các nước cung cấp dầu mỏ cho Hoa Kỳ – các đội quan sát quốc tế của EU và NDI đã báo cáo về những việc làm phi pháp và dối trá hiển nhiên trong cuộc bầu cử quốc hội trong hầu hết 36 bang trong cuộc bầu cử năm này và những lời cảnh báo trước đó của họ về những thiếu sót trong quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử tháng 12 năm 1992, tạo ra những rủi ro quá lớn đối với chính phủ Kenya. Xin mời đọc National Democratic Institute of International Affairs, 1992: A Year in Review (Washington, D.C., 1993), p. 8.2003, nhưng những vụ phát hiện này đã không có ảnh hưởng cụ thể nào đối với quan hệ của nước này với châu Âu và Hoa Kỳ.58

Một trong những chức năng quan trọng nhất của sự hỗ trợ quốc tế trong các cuộc bầu cử là giúp chuẩn bị và tài trợ cho quá trình theo dõi bầu cử nhằm ngăn chặn và phát hiện ra những vụ gian lận, một công việc đòi hỏi sự tham gia của hàng ngàn người theo dõi đã được huấn luyện: 3.500 người ở Zambia năm 1991, 4.000 người ở Nicaragua và Ghana năm 1996; 8.000 người ở Georgia năm 2003, năm 1994 có 20.000 ngàn người tham gia theo dõi cuộc bầu cử tổng thống ở Mexico, sáu năm sau, số người theo dõi lên tới 36.000 (phe đối lập cuối cùng đã thắng), năm 1996 ở Bangladesh có 25.000 người tham gia theo dõi, cuộc bầu cử ở Nigeria năm 2003 có 40.000 người theo dõi, còn cuộc bầu cử tháng 2 năm 1986 ở Philippines có tới 500.000 ngàn người theo dõi. Những khoản trợ giúp về tài chính của NED, của U.S. Agency for International Development (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ – USAID) và các mạnh thường quân quốc tế khác đã giúp cho những NGO bản địa như Liên minh Dân sự Mexico, Nhóm Theo dõi Chuyển đổi Nigeria (TMG), Mạng lưới các nhà quan sát bầu cử quốc nội ở Ghana (NEDEO) và Liên minh Theo dõi Bầu cử Công bằng của Bangladesh (FEMA) nhằm xây dựng tổ chức thiện nguyện, chương trình huấn luyện, mạng lưới thông tin và chiến lược truyền thông cần thiết cho việc theo dõi các cuộc bầu cử quốc hội.59 E. Gylmah–Boadi, một trong những nhà hoạt động trong xã hội dân sự hàng đầu ở Ghana viết:

Các nhóm xã hội dân sự ở Ghana rất nhiệt tình nhưng bị hạn chế về tổ chức và tài chính. Họ phụ thuộc vào các khoản tài trợ của các tổ chức bên ngoài, đôi khi họ còn cần sự ủng hộ về chính trị và tinh thần nữa. Ví dụ, các nhóm theo dõi bầu cử ở trong nước hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào các mạnh thường quân ngoại quốc. NEDEO có cơ sở nhân sự mạnh mẽ, nhưng không có nhiều tiền, cơ sở vật chất nghèo nàn và không có kinh nghiệm trong một số việc phức tạp và lớn như theo dõi bầu cử. Không có sự giúp đỡ hào phóng của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kì và Viện Dân chủ Quốc gia thì NEDEO không thể nào huấn luyện và triển khai được những người theo dõi bầu cử hoặc không thể đối chiếu được các bản báo cáo về bầu cử.60

Nhưng, trợ giúp quốc tế nhắm vào những mục tiêu cao hơn các cuộc bầu cử. Sự trợ giúp chảy vào từ nhiều mạnh thường quân và cơ quan cấp viện phương Tây nhằm cải thiện năng lực của các đảng phái, các nghị viện và hội đồng dân cử địa phương, các hệ thống pháp luật và dự án về quyền con người, bộ máy quản lý hành chính và hệ thống kiểm soát tham nhũng, các tổ chức xã hội dân sự, chương trình giáo dục công dân và phương tiện truyền thông đại chúng. Các chương trình trợ giúp tìm cách khắc phục những hình ảnh của các đảng dân chủ mới xuất hiện như tham nhũng, tư lợi, hời hợt, thiển cận, cá nhân và thiếu nhiệt tình. Họ huấn luyện và cố vấn về những biện pháp phát triển và sử dụng các cơ sở hội viên, mạng lưới tình nguyện viên, tổ chức chiến dịch vận động, các chi nhánh địa phương, tìm nguồn tài trợ, thăm dò dư luận, chính sách, thông điệp trên các phương tiện truyền thông, quan hệ với cử tri và những biện pháp lựa chọn lãnh đạo và ứng cử viên và theo lối dân chủ, thu hút các thành viên. Một số việc được làm trong chiến dịch tranh cử, nhưng phần lớn là xây dựng tổ chức, giúp các đảng quản trị hay lập pháp, tuyển người và vận động, thu hút phụ nữ và thanh niên tham gia.61

Trợ giúp xã hội dân sự còn bao gồm hướng dẫn về phát triển tổ chức, nhưng quan trọng nhất là nó đã ủng hộ về tài chính cho những nhóm độc lập chú tâm vào những sự nghiệp như nhân quyền, bài trừ nạn tham nhũng, cải cách chính trị, giáo dục cử tri, theo dõi bầu cử, bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng, bảo vệ người tiêu dùng và quyền của phụ nữ, của thanh niên, của các nhóm thiểu số và những người tàn tật. Các nhóm lợi ích mang tính truyền thống hơn như công đoàn, phòng thương mại cũng nhận được sự giúp đỡ – đấy là nhằm giúp họ thể hiện quyền lợi của mình và theo đuổi những cải cách xã hội và kinh tế một cách dân chủ. Nó còn giúp đỡ các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng lưới thông tin xây dựng xã hội đa nguyên và có hiểu biết hơn. Nó ngày càng chú ý tới nền tảng tri thức và phân tích về thay đổi dân chủ, bằng cách ủng hộ các cơ quan nghiên cứu chuyên về các vấn đề về dân chủ, quản trị, phát triển và ủng hộ cải cách chính trị như giới hạn thời hạn tại vị của tổng thống, làm cho hệ thống bầu cử trở thành công bằng hơn và siết chặt luật lệ bầu cử. 63 Sự giúp đỡ như thế có thể kết nối với và ủng hộ cho sự chuyển dịch quốc tế về hướng các giá trị dân chủ. Nó giúp tạo ra các nhà lãnh đạo chính phủ trong tương lai, những người thường có vai trò trong xã hội dân sự. Nó còn thúc đẩy một loạt cải cách – hệ thống pháp luật, hệ thống ngân hàng, quốc hội, hệ thống bầu cử, tài chính cho chiến dịch tranh cử và cơ cấu của các tập đoàn – điều này làm cho các nền dân chủ mới nổi trở thành bao quát hơn, minh bạch hơn, hiệu quả hơn, phù hợp luật pháp hơn, công bằng hơn và có hiệu quả hơn về kinh tế.64

Chi tiêu của Hoa Kỳ cho những khoản trợ giúp dân chủ đã gia tăng đột ngột, từ 100 triệu USD hồi cuối những năm 1980 lên hơn 700 triệu trong năm 2000 và hơn 1,5 tỉ trong nhiệm kỳ hai của tổng thống George W. Bush.65 Phần lớn các quỹ này được USAID phân phối, nhưng ngày càng nhiều khoản tài trợ của quốc hội cho xúc tiến dân chủ được chuyển cho NED và các NGO khác như IFES, Freedom House, Quỹ châu Á (Asia Foundation) và Quỹ Á-Âu (Eurasia Foundation). Ngoài ra, năm 2002, chính quyền Bush còn thành lập Sáng kiến Đối tác Trung Đông (Middle East Partnership Initiative – MEPI), với bốn mục tiêu chính là hỗ trợ các tiến trình bầu cử dân chủ, hỗ trợ các đảng chính trị, hỗ trợ các thiết chế pháp luật, và các phương tiện truyền thông đại chúng trong khu vực. Trong bốn năm tiếp theo, tổ chức này đã phân bổ gần 300 triệu USD cho những chương trình vừa nói và những khoản khác cho cải cách kinh tế, phát triển giáo dục và trao quyền cho phụ nữ. Nhiều nước châu Âu – không chỉ gồm Anh và Đức mà cả những nước nhỏ khác như Thụy Điển và Hà Lan – đã dành một khoản lớn trong ngân sách viện trợ quốc tế cho các chương trình dân chủ và quản trị, với hơn 1 tỉ USD hàng năm, lấy từ các khoản đóng góp của nhà nước và tư nhân. Nhưng khó nói (và còn gây tranh cãi) cái gì là trợ giúp dân chủ và một công trình nghiên cứu phát hiện ra rằng Ủy ban châu Âu (European Commission) vẫn “tiếp tục gắn bó với quan điểm trong đó thúc đẩy dân chủ đóng vai trò thứ yếu so với năng lực quản trị được định nghĩa một cách lỏng lẻo và hoạt động nhằm giải quyết những cuộc xung đột truyền thống.”66 Các quỹ tư nhân như Ford, Hewlett, Mott và MacArthur cũng đầu tư vào các dự án nhằm phát triển các thiết chế và thực hành dân chủ, đặc biệt là trong xã hội dân sự. Cho đến nay Open Society Institute (Viện Xã hội Mở) là tổ chức nhiều tham vọng nhất, đấy là “mạng lưới gồm 31 quỹ quốc gia độc lập do một nhà từ tâm người Mỹ, George Soros, tài trợ”. Suốt một thập kỉ rưỡi vừa qua, Soros đã tài trợ mỗi năm nửa tỉ USD từ quỹ của chính ông cho công cuộc xây dựng dân chủ.67 Các tổ chức đa phương cũng mở rộng đáng kể những cố gắng của họ. Năm 2005, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (United Nations Development Program) đã đóng góp mỗi năm khoảng 1,4 tỉ USD cho các chương trình quản trị dân chủ ở hơn 130 nước, bao gồm việc trợ giúp “một trong ba quốc hội trong thế giới đang phát triển.”68 Các kế hoạch hiện nay kêu gọi dành cho các chương trình quản trị dân chủ trong những năm tới một nửa ngân sách hàng năm của UNDP.

Xin xem qua những khoản tài trợ của NED trong năm 2005 trong ba nước thể hiện tính chất đặc thù của những cố gắng trong việc giúp đỡ xã hội dân sự dân chủ. Ở Argentina – NED ủng hộ các NGO làm việc trong những khu ổ chuột ở Buenos Aires nhằm động viên người dân tham gia vào chính quyền địa phương và cung cấp sự trợ giúp về luật pháp. Những khoản trợ giúp khác tạo điều kiện cho các NGO của Argentine ghi nhận và công bố cách thức các nghị sĩ bỏ phiếu và cách thức thổng thống sử dụng nghị định về tình trạng khẩn cấp do ông ta ban hành; củng cố các tổ chức nhân quyền ở các tỉnh và tạo điều kiện cho họ báo cáo về những vụ ngược đãi trong nội địa, cải thiện những cuộc tranh luận về ngân sách và chính sách tài chính, và tăng cường sự tham gia chính trị của các tổ chức đồng hương. Ở Nigeria, một khoản trợ cấp của NED giúp Dự án Quyền Hiến định (Constitutional Rights Project) nhằm theo dõi việc lập ngân sách và huấn luyện các đại biểu quốc hội giải quyết các nhiệm vụ, trong đó có cách thức lập ngân sách công và làm cho quá trình này trở thành minh bạch. Khoản trợ cấp khác tạo điều kiện cho Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ (League of Democratic Women) huấn luyện phụ nữ ở miền bắc Nigeria về vận động chính trị và kĩ năng trợ giúp pháp lí. Có mấy khoản trợ cấp giúp giáo dục công dân về quyền hợp pháp và trách nhiệm công dân của họ và huấn luyện các quan chức đảng và lãnh tụ thanh niên địa phương, còn những khoản tài trợ khác thì giúp các nhóm của cộng đồng trong những khu vực bị nạn bạo hành, đặc biệt là vùng thung lũng sông Niger có nhiều dầu mỏ nhằm hòa giải những vụ xung đột giữa các sắc tộc, huấn luyện những nhà hoạt động trẻ tuổi về quản lý xung đột, vận động cho việc bảo vệ môi trường và ghi nhận những vụ vi phạm nhân quyền. Sau cuộc Cách mạng Cam, NED đặt cược nhiều vào thay đổi dân chủ ở Ukraine, năm 2005 họ đã cấp hơn ba khoản tài trợ cho các lực lượng dân chủ ở nước này. Một khoản cho tổ chức Pora, tức là tổ chức sinh viên có vai trò hàng đầu trong cuộc Cách mạng, giúp tổ chức này phát triển liên đoàn sinh viên và khuyến khích sinh viên tham gia vào cuộc bầu cử quốc hội. Những khoản khác giúp nghiên cứu và theo dõi về nhân quyền, huấn luyện về nhân quyền và xây dựng chương trình giảng dạy cho các giáo viên trung học, đưa các thủ tục của chính quyền địa phương lên mạng để chống tham nhũng, giáo dục công dân và theo dõi bầu cử trong những khu vực nông thôn, theo dõi sát hoạt động của các đại diện dân cử, đánh giá hoạt động của các phương tiện truyền thông đại chúng Ukraine, đánh giá những cuộc thảo luận về chính sách công, nghiên cứu và phân tích những sáng kiến lập pháp ủng hộ dân chủ. Những khoản tài trợ khác cho Ukraine là để xây dựng khả năng và cam kết với dân chủ của công đoàn và giúp các hiệp hội kinh doanh tham gia vào cải cách kinh tế.69

Từ năm 1999, NED đã đưa thêm vào những khoản tài trợ này các mối liên kết quan trọng bằng cách lôi kéo những người nhận tài trợ và các nhà hoạt động dân chủ khác vào “mạng lưới của những mạng lưới dân chủ”, Phong trào dân chủ thế giới (World Movement for Democracy.)70 Phong trào này – năm 1999 đã tổ chức Hội nghị Quốc tế ở New Delhi, năm 2000 ở Sao Paulo, năm 2004 ở Durban và năm 2006 ở Istanbul – đã sản sinh ra rất nhiều đoàn thể khác nhau, những đoàn thể này lại kết nối những người ủng hộ dân chủ và những người đại diện cho xã hội dân chủ vào mạng lưới khu vực và trao đổi về chức năng, nhiệm vụ. Một mạng lưới đã liên kết được hơn 60 tổ chức nghiên cứu (think tank) trên toàn cầu vào Mạng lưới các Viện Nghiên cứu về Dân chủ (Network of Democracy Research Institutes), nhờ đó họ có thể trao đổi kết quả nghiên cứu và hợp tác trong việc tìm kiếm các cuộc cải cách nhằm làm cho dân chủ trở thành sâu sắc hơn. Các cuộc Hội nghị Quốc tế – có tới 600 đoàn đại biểu tham gia – là những khu vực ươm mầm cho quá trình truyền bá các kĩ thuật và chiến lược dân chủ và là nguồn hi vọng và động viên cho các nhà dân chủ còn nằm trong vòng kiềm tỏa khắt khe.

Nếu có một luồng tư tưởng xuyên suốt những sáng kiến này thì đấy chính là trao cho mọi người sức mạnh. Thực vậy, một khoản trợ cấp kéo dài trong nhiều năm của NED ở Argentina có tên là Poder Cludadano (Sức mạnh Công dân). Nếu muốn dân chủ là công việc sâu sắc hơn, chứ không chỉ là bề nổi – nếu muốn các chính phủ dân cử theo lối dân chủ là những chính phủ lương thiện, có trách nhiệm, công bằng, hiệu quả, tôn trọng hiến pháp và pháp luật – thì công dân cũng phải biết các quyền và trách nhiệm của họ và có khả năng hành động phù hợp với quyền và trách nhiệm của mình. Dân chủ là công việc đầy cam go và không phải là rất thú vị. Nó còn là công việc phi tập trung, bao gồm “hàng ngàn điểm sáng”. Không phải khoản tài trợ nào cũng có kết quả như nhau. Không phải tổ chức Mạnh thường quân nào cũng nghiêm túc và đánh giá đúng cần tài trợ cái gì và cho ai. Nhưng cùng với thời gian, ở nhiều nước, sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế đang giúp xây dựng cấu trúc của xã hội tự do và đa nguyên.

Ở một số nước, những khả năng dân chủ dường như dễ bị nghiền nát, xóa sổ hay trong trường hợp tốt nhất thì cũng rời rạc. Nhưng người ta không bao giời biết được khi nào thì nhà độc tài chết, khi nào thì một thảm họa thiên nhiên, khủng hoảng kinh tế hay sự thay đổi đột ngột về địa chính trị sẽ mở cửa cho thay đổi dân chủ. Vì vậy, một phần của chiến lược của một số tổ chức trợ giúp cho dân chủ, như NED, là “giữ hi vọng” trong những hoàn cảnh như thế. Trong những nước đóng cửa triệt để nhất – như Trung Quốc, khu vực Tây Tạng của nước này, Miến Điện, Việt Nam, Bắc Hàn, Cu Ba và Iran – việc này phải làm theo quy mô lớn hay thông qua những nhóm người lưu vong, tức là những nhóm theo dõi nhân quyền, theo dõi các tù nhân chính trị, phân tích các điều kiện chính trị ở trong nước, tạo các trang web bất đồng chính kiến, phân tích các sự kiện lịch sử, dịch các tác phẩm nói về dân chủ, phát triển các tư tưởng dân chủ, thông qua truyền hình vệ tinh và đài sóng ngắn truyền tin tới những nước đó. Đôi khi các nhóm lưu vong và NGO có thể – thông qua những đường biên giới, mặc dù có nhiều rủi ro lớn – đưa những biện pháp giúp đỡ đầy sáng kiến tới những xã hội đóng kín. Đôi khi xuất hiện những cơ hội đưa những chương trình có lợi và được mọi người ủng hộ vào những nước như thế, ví dụ sự giúp đỡ của Hoa Kỳ cho những cuộc bầu cử địa phương, giúp đỡ quốc hội và cải cách pháp luật ở Trung Quốc. Ở những nước đang quay trở lại với chế độ độc tài, những mảnh vụn của xã hội dân sự có thể vẫn tiếp tục tồn tại và có thể sử dụng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, như khoản tài trợ của NED cho Ủy ban Hành Động Nhân quyền Campuchia (Cambodian Human Rights Action Committee) – liên minh mười tám nhóm nhân quyền chuyên điều tra các vụ bạo lực, trợ giúp pháp lý và chủ trương cải thiện điều kiện.71

Như đã thấy bên trên, có nhiều ví dụ về việc sự trợ giúp của lực lượng dân chủ bên ngoài đã tạo ra hiệu quả quyết định trong việc chọc thủng phòng tuyến và những ví dụ khác, khi hiệu quả mang lại là khá khiêm tốn hoặc mờ nhạt. Tuy nhiên, dù ảnh hưởng có như thế nào thì sự giúp đỡ như thế bao giờ cũng có vai trò ủng hộ đằng sau những tác nhân mang tính cơ cấu và lịch sử lớn hơn, cả bên trong lẫn bên ngoài, xói mòn dần sức sống của chế độ độc tài và thúc đẩy chuyển hóa dân chủ. Sự trợ giúp của dân chủ có thể tăng cường những tác nhân này và “ủng hộ các nhà hoạt động dân chủ, nhưng không thay thế được lòng dũng cảm, năng lực, sự khéo léo và tính chính danh của các nhóm dân chủ [bản xứ]”72. Không có gì ngạc nhiên, như Thomas Carothers nhận xét trong một trong những đánh giá có cân nhắc và thận trọng nhất về những cố gắng của Hoa Kỳ, sự trợ giúp của lực lượng dân chủ quốc tế có hiệu quả tích cực có thể nhìn thấy được rõ nhất khi đã có những điều kiện thuận lợi khiêm tốn, như sự ủng hộ dân chủ của dân chúng trong nước, các nhà cai trị độc tài yếu và bị chia rẽ, đã từng có trải nghiệm với các thiết chế dân chủ “có môi trường khu vực hòa bình để dân chủ lan truyền” và một mức độ phát triển kinh tế và giáo dục nào đó.73 Nếu, ví dụ như ở Hàn Quốc và Đài Loan, điều kiện đã khá thuận lợi thì sự trợ giúp của lực lượng dân chủ không chắc đã tạo thêm được nhiều lợi ích (và nói chung, không được đưa vào những nước phồn vinh). Nếu, ví dụ ở Campuchia và Haiti, các điều kiện là hoàn toàn không thuận lợi thì ngay cả sự giúp đỡ to lớn của lực lượng dân chủ quốc tế cũng có thể không ngăn chặn được sự cố kết của chế độ độc tài hoặc không ngăn được nó rơi vào hỗn loạn.

Nói chung, Carothers đã tỏ ra sáng suốt khi kêu gọi nên kì vọng một cách vừa phải trước kết quả của các chương trình trợ giúp dân chủ và tốc độ của những thay đổi mà các chương trình đó mang lại.

Hiệu quả của các chương trình dân chủ thường là tích cực một cách vừa phải, đôi khi là không đáng kể và có những trường hợp tiêu cực. Trong những nước, nơi mà quá trình dân chủ hóa đang diễn ra, giúp đỡ dân chủ có thể – nếu được hoạch định và tiến hành phù hợp – giúp mở rộng và làm sâu sắc thêm các cuộc cải cách trong cả lĩnh vực chính phủ cũng như phi chính phủ. Ở những nước mà công cuộc chuyển hóa dân chủ được thử nghiệm đã bị gián đoạn hay thụt lùi, các chương trình dân chủ có thể giúp giữ cho hoạt động dân sự và chính trị độc lập tiếp tục và trong dài hạn, giúp xây dựng nhận thức của công dân và tổ chức dân sự ở tầm khu vực. Ở những nước chưa từng có dân chủ, các chương trình dân chủ có thể giúp các nhà hoạt động dân chủ sống sót và mở rộng dần hoạt động của họ và có thể làm gia tăng luồng thông tin chính trị không do nhà nước kiểm soát.74

Một trong những lý do để có kì vọng vừa phải là phần lớn các chương trình trợ giúp dân chủ chỉ được tài trợ khá khiêm tốn. Những người phê phán phàn nàn về “chi phí cắt cổ” của những cuộc bầu cử chuyển tiếp do các mạnh thường quân tài trợ, thường sử dụng những công nghệ mà các nước nghèo không đủ sức duy trì; những mô hình tổ chức đảng và tài trợ tốn kém do phương Tây xuất khẩu, và xu hướng của các mạnh thường quân phương Tây là ủng hộ “nhóm nhỏ NGO dân chủ” có tính “tinh hoa” và tách ra khỏi những nền tảng truyền thống và trợ giúp sâu sắc hơn.75 Mặc dù những lời phê phán như thế không hoàn toàn thiếu cơ sở, nhưng đã bỏ qua sự kiện là những khoản chi lớn nhằm bảo đảm có những cuộc bầu cử công bằng, tự do và minh bạch, trong nhiều trường hợp đã tạo được kết quả ấn tượng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người dân tham gia và công nhận kết quả.76 Còn những người nhận trợ giúp trong xã hội dân sự, phần lớn họ đều xuất thân từ giai cấp trung lưu có học, một số chỉ là những kẻ cơ hội, thậm chí là những kẻ bất lương, tức là những kẻ tạo ra “những NGO lừa đảo” nhằm bòn rút cộng đồng quốc tế. Nhưng tôi đã thấy rất nhiều NGO do cộng đồng quốc tế tài trợ hoạt động kiên cường – thường là chịu rủi ro và hi sinh rất lớn của các cá nhân và được quần chúng ủng hộ – trong việc bảo vệ nhân quyền, tố cáo những vụ tham nhũng của chính quyền, mở rộng sự tham gia của quần chúng, phổ biến các giá trị và kĩ năng dân chủ, làm cho chế độ dân chủ trở thành sâu sắc hơn. Như Gyimah-Boadi viết: “Các NGO và các nhóm theo dõi hoạt động chuyên nghiệp là những tổ chức cực kì cần thiết cho những thay đổi dân chủ bền vững vì đấy thường là những tổ chức “có ý thức công dân” cao hơn và có thái độ phản kháng tương đối cao trước sự thu nạp và đàn áp của chính quyền”. Cùng với những người có tài lại được đào tạo và nguồn lực cũng như tiêu chuẩn quốc tế, các nhóm này mang “năng lực, sự năng động và tính chuyên nghiệp vào những lĩnh vực mà hiệu quả thường bị hạn chế bởi tính nghiệp dư và thái độ thờ ơ.”77

Tiếp theo, một khi quá trình chuyển đổi chính thức đã diễn ra, ảnh hưởng của các chương trình trợ giúp dân chủ sẽ tích lũy một cách từ từ và lớn lên nhằm củng cố chế độ dân chủ. Theo Carothers, “Đất nước phải không quá to (để các khoản trợ giúp không trở thành quá mỏng), sự giúp đỡ phải lớn và đa dạng và hệ thống chính trị phải có đủ những người có tư tưởng cải cách để có thể tận dụng được lợi thế của các khoản trợ giúp.”78 Khi đánh giá này được đưa ra cách đây gần một chục năm trước, những nước đáp ứng được các điều kiện đó chủ yếu đều nằm ở Mỹ Latin, Đông Âu và Romania là ví dụ đáng chú ý vì “ở hầu như mỗi khu vực, nơi thay đổi theo hướng tích cực dường như có thể diễn ra đều có các khoản trợ giúp từ bên ngoài”. Trong những cuộc viếng thăm tới đất nước này, Carothers phát hiện ra rằng tỉ lệ người Romania tham gia hoạt động chính trị và xã hội dân sự được tiếp xúc với phương Tây hay được phương Tây huấn luyện là “cực kì cao”. Ông rút ra kết luận: “Tiến bộ dân chủ ở Romania từ năm 1989 trước hết là công việc của người Romania. Nhưng sự trợ giúp của phương Tây, gộp lại, là đối tác cực kì quan trọng.”79 Lời nhận xét đó thậm chí còn phù hợp hơn với Romania (và Bulgaria) năm 2007, nhưng cũng có thể áp dụng cho các nước như Ghana, Mali và Mông Cổ, tức là những nước đang tạo ra tiến bộ về dân chủ, mặc dù có những vụ xung đột trong lịch sử.

Và trong khi, nói chung, các khoản trợ giúp thường thấy của nước ngoài dường như không tạo ra khác biệt trong việc củng cố dân chủ, chi phí của USAID cho dân chủ và quản trị cho một nước càng cao thì mức độ tiến bộ của dân chủ – ví dụ, đo bằng khảo sát hàng năm của Freedom House – cũng càng cao. Khi được đánh giá bởi một đội các nhà khoa học xã hội trong thời gian gần đây, hiệu quả là “nhất quán và rõ ràng” nhưng khiêm tốn, vì từ năm 1990 tới năm 2003 mức độ trợ giúp cho từng nước trung bình chỉ khoảng 2 triệu USD một năm (tăng lên khoảng 3,7 triệu USD vào năm 2003). Mức độ trợ giúp lớn hơn tạo ra ảnh hưởng cũng lớn hơn. Trợ giúp dân chủ tăng thêm 1 triệu USD lại làm cho tốc độ “thông thường” của cải thiện dân chủ tăng thêm 50% “hay nói cách khác, 10 triệu USD viện trợ thêm – tự nó – sẽ làm gia tăng năm lần thay đổi dân chủ trong năm bất kì nào, mà nước trung bình nào cũng có thể đạt được – với điều kiện là những yếu tố khác không thay đổi.”80 Trong những khu vực khó khăn nhất, hai trong ba (châu Á và châu Phi, chứ không phải Trung Đông) cho thấy trợ giúp dân chủ gia tăng thì hiệu quả cũng gia tăng. Những phát hiện này – chưa từng có trước đây về chiều sâu mang tính thực nghiệm và độ chính xác và phức tạp về thống kê – hoàn toàn chứng minh cho những kết luận khác của tác giả nói rằng mức độ trợ giúp toàn diện của dân chủ phải gia tăng và phải tiếp tục trợ giúp cho các nước, ngay cả sau khi họ đã đạt được điều mà trước đó được coi là dân chủ đã phát triển tới mức độ “chấp nhận được”.

DÂN CHỦ HÓA BẰNG VŨ LỰC

Khi tất cả các biện pháp đã thất bại, cộng đồng quốc tế chỉ còn cách cuối cùng là sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực nhằm áp đặt hay phục hồi dân chủ. Tuy nhiên, thành tích của quá trình dân chủ hóa do cộng đồng quốc tế áp đặt không phải là rất đáng khích lệ – như đã thấy sau thảm họa của cuộc xâm lược và chiếm đóng Iraq bởi quân đội Mỹ và những khó khăn thời hậu chiến ở Afghanistan. Dĩ nhiên là có những thành công thường được nói tới như Đức và Nhật Bản (cũng như Italy) sau Thế chiến II, nhưng những cuộc chiến này đã diễn ra trong thời đại khác, đấy là khi phe Trục đã bị đánh bại hoàn toàn và cuộc chiếm đóng của Mỹ đã được cộng đồng quốc tế công nhận. Ba ví dụ từ Mỹ Latin cung cấp cho ta lời khuyên về khả năng thành công cũng như thất bại của quá trình dân chủ hóa bằng vũ lực.

Tháng 10 năm 1983, lực lượng quân sự Hoa Kỳ tràn vào Grenada – với sự ủng hộ của Tổ chức các nước phía đông Caribbe và sau khi toàn quyền Grenada kêu gọi tổ chức này giúp – khôi phục chế độ dân chủ đại nghị đã bị cánh tả lật đổ cách đó bốn năm. Tháng 12 năm 1989, lực lượng quân sự Hoa Kỳ tràn vào Panama, bắt giam tướng Manuel Noriega vì ông này bị cáo buộc buôn lậu ma túy và tạo điều kiện cho Guillermo Endara – người chiến thắng trong cuộc bầu cử tống thống vào tháng 5 năm đó nhậm chức. Hai chế độ dân chủ này còn tồn tại cho đến ngày nay.

Nhưng, những thành công này cho ta ít bài học có thể áp dụng khi cần sử dụng lực lượng nhân danh dân chủ ở Haiti. Tháng 7 năm 1994, sau gần ba năm gia tăng các biện pháp trừng phạt thông qua Liên hiệp quốc và OAS, chế độ quân sự ở Haiti tiếp tục nắm quyền trong khi tổng thống được bầu Jean- Bertrand Aristide lưu vong đang chờ quay lại nhiệm sở. Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc bỏ phiếu cho phép các nước thành viên “sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết nhằm đẩy tập đoàn cầm quyền quân sự ra khỏi Haiti” và “thúc đẩy sự trở về của vị tổng thống được bầu.”81 Cuộc bỏ phiếu 12-0 của Hội đồng bảo an diễn ra sau đó là sự kiện lịch sử – lần đầu tiên trong lịch sử, Liên hiệp quốc cho phép sử dụng vũ lực nhằm khôi phục chính phủ được bầu một cách dân chủ. Và tổ chức này đã làm điều đó một cách dứt khoát nhân danh Chương 7 Hiến chương Liên hiệp quốc, liên kết khủng hoảng nhân đạo, “chế độ bất hợp pháp trên thực tế” và “sự vi phạm có hệ thống các quyền tự do dân sự” với sự biện hộ của chương này về việc sử dụng vũ lực “nhằm duy trì hay khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế”. Đây là sự ủng hộ dân chủ bằng cơ bắp vô tiền khoáng hậu của cộng đồng quốc tế.

Mặc dù nhiều nước Mỹ Latin lên tiếng phê phán cuộc bỏ phiếu, nhưng nó đã thực hiện được điều mọi người mong đợi. Tháng 9 năm 1994, khi tổng thống Clinton sẵn sàng đưa 21 ngàn quân Mỹ vào Haiti, các tướng lĩnh nước này đã phải xuống thang. Họ đã chấp nhận cơ hội cuối cùng và đồng ý tiếp phái đoàn được gửi tới Port-au-Prince, trong đó, “cựu tổng thống Jimmy Carter, thượng nghị sĩ Sam Nunn và tướng Colin Powell đã đạt được thỏa thuận đưa Aristide trở lại nhiệm sở mà không cần sử dụng vũ lực.”82

Nhưng, mặc dù đe dọa sử dụng vũ lực có thể đưa tổng thống được bầu trở lại nắm quyền, thì nó lại không thể buộc ông ta cai trị một cách dân chủ, cũng không thể xây dựng được nền văn hóa bao dung và phi bạo lực chỉ sau một đêm. Haiti lại rơi vào tình trạng đau khổ như cũ, đấy là khi các lực lượng chính trị chia rẽ và đánh lẫn nhau, những cuộc bầu cử sau đó đã bị thất bại vì gian lận và tẩy chay làm cho chúng mất tính chính danh. Mấy năm sau, ở Iraq, Hoa Kỳ còn học được bài học đau xót hơn về giới hạn của sức mạnh trong việc thiết lập chế đệ dân chủ.

Chú thích:

(41) Levitsky and Way, “International Linkage and Democratization”, p) 22) Những nguyên tắc này được Nelson and Eglington nhấn mạnh, Ecouraging Democracy, hai ông này cũng khẳng định tầm quan trọng của thành phần cải cách trong lòng chế độ (pp) 48–49}) Tuy nhiên, nếu sự lệ thuộc là quá lớn, ví dụ như ở châu Phi và cộng đồng các nhà cấp viện thống nhất với nhau (như trường hợp Kenya và Malawi), thì ngay cả chế độ mà những người cứng rắn giữ thế thượng phong cũng có thể có ít lựa chọn ngoài việc thừa nhận áp lực (hay sẽ bị sụp đổ về tài chính).

(42) Morton H) Halperin and Kristen Lomasney, “Guaranteeing Democracy: A Review of the Record”, Journal of Democracy 9 (Apri1998): 145.

(43) Guy Martin, “Francophone Africa in the Context of Franco-African Relations”, in John W) Harbeson and Donald Rothchild, eds., Africa in World Politics (Boulder, Colo.: Westview Press, 1995), p) 180.

(44) John R) Heilbrunn) “The Social Origins of National Conferences: A Comparison of Benin and Togo”, Journal of Modern African Studies 31, no) 2 (June 1993): 277-99.

(45) Mĩ, ngược lại, sau cuộc bầu cử này đã ngưng khoản viện trợ trị giá 14 triệu USD) Africa Report, March-April 1993, p) 62.

(46) Martin, “Francophone Africa in the Context of Franco-African Relations”, p.180.

(47) Trên thực tế, đến đầu những năm 1990 chi phí tổng cộng của bốn quỹ của Đức để giúp đỡ các đoàn thể dân chủ, công đoàn, phương tiện thông tin đại chúng và các thiết chế chính trị ở nước ngoài bằng hoặc nhiều hơn chi phí của tất cả các thiết chế được công khai tài trợ ở Mĩ, trong đó có Cơ quan Pháp triển Quốc tế Mĩ (U.S) Agency for International Development)) Ví dụ, năm 1988 khoảng một nửa trong số 170 triệu USD nhận được từ chính phủ Đức được dùng để tài trợ cho các hoạt động thúc đẩy dân chủ (85 triệu USD) lớn hơn năm lần ngân sách của NED và gần bằng toàn bộ chi phí dự tính cho các hoạt động thúc đẩy dân chủ của Mĩ trong năm 1989 – 100 triệu USD) Michael Pinto-Duschinsky, “Foreign Political Aid: The German Political Foundations and Their U.S) Counterparts”, International Affairs 67, no) 1 (1991): 33-63.

(48) Monica Jimenez de Barros, “Mobilizing for Democracy in Chile: The Crusade for Citizen Participallon and Beyond”; in Larry Diamond, ed., The Democratic Revolution: Struggles for Freedom and pluralism in the Developing World (New York: Freedom House, 1992).

(49) Michael McFaul, “Transitions from Postcommunism”, Journal of Democracy 16 (July 2005): 12.

(50) Krnjevič–Miškovič, “Serbia’s Prudent Revolution”, p) 103.

(51) Taras Kuzlo, “Ukraine’s Orange Revolution: The Opposition’s Road to Success”, Journal of Democracy 16 (April 2005): 127.

(52) Quan sát bầu cử (Election observing) là thuật ngữ được dùng để chỉ công việc của các vị khách quốc tế theo dõi và đánh giá tiến trình bầu cử, thường là trong giai đoạn kéo dài không quá vài tuần mặc dù có thể gồm một số chuyến thăm trong giai đoạn chuẩn bị và trong chiến dịch tranh cử)) Theo dõi bầu cử (Election monitoring) là công việc của nhiều nhà quan sát bản xứ, được tổ chức và triển khai bởi những tổ chức NGO không đảng phái cũng như các chính đảng khác nhau trong giai đoạn dài) Bao giờ cũng có ít nhất một người theo dõi phi đảng phái (thường là từ tổ chức bảo trợ trong xã hội dân sự ngoại quốc) tại mỗi điểm bỏ phiếu trong ngày bầu cử.

(53) Tháng 6 năm 1990, ba mươi tư nước thuộc tổ chức Hội nghị về an ninh và hợp tác ở châu Âu (CSCE) đã thông qua tuyên bố về việc thể chế hóa lời mời thường trực các nhà quan sát để theo dõi các cuộc bầu cử của họ) Tháng 12 năm 1991, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc thông qua nghị quyết chấp thuận quan sát bầu cử quốc nội và quốc tế) The National Democratic Institute for International Affairs (Viện Dân chủ Quốc gia về Các vấn đề Quốc tế –NDI) và National Citizens Movement for Free Elections (Phong trào Công dân Quốc gia Ủng hộ Bầu cử Tự do – NAMFREl), Making Every Vote Count: Domestic Election Monitoring in Asia (Washington, D.C.: NDI, 1996), p) 21.

(54) Robert A) Pastor, “The Third Dimension of Accountability: The International Community in National Elections”, in Andreas Schedler, Larry Diamond, and Marc F) Plattner, eds., The Self- Restraing State: Power and Accountability in New Democracies (Boulder, Colo.: Lynne Rlenners, 1999), p) 128.

(55) Thomas Carothers, “The Rise of Election Monitoring: The Observers Observed”, Journal of Democracy 8 (July 1997): 17-31; and Neil Nevitte and Sergio Canton, “The Rise of Election Monitoring: The Role of Domestic Observers”, Journal of Democracy 8 (July 1997): 47-61.

(56) Larry Garber and Glenn Cowan, “The Virtues of Parallel Vole Tabulations”, Journal of Democracy 4 (April 1993): 95-107) Đếm nhanh được NAMFREL áp dụng lần đầu tiên trong cuộc bầu cử ở Philippines năm 1986, khi nửa triệu tình nguyện viên của họ có mặt tại 70% trong số 95 ngàn điểm bầu cử ở trong nước và sau đó được thường xuyên sử dụng lại ở nước này) NDI and NAMFREL, Making Every Vote Count, p) 39.

(57) Pastor, “The Third Dimension of Accountability”, p) 127; and Nevitte and Canton, “The Role of Domestic Observers”, 47-61.

(58) McFaul, “Transitions from Postcommunism”, p) 10.

(59) Mark R) Thompson and Philipp Kuntz, “Stolen Elections: The case of Serbian October”, Journal of Democracy 15 (October, 2004): 167.

(60) Jennifer L) McCoy, Larry Garber, and Robert A) Pastor, “Making Peace by Observing and Mediating Elections”, Journal of Democracy 2 (Fall 1991): 102–14) Đọc thêm Joshua Muravchik, Exporting Democracy: Fulfilling America’s Destiny (Washington, D.C.: AEI Press, 1991), pp) 208- 10; Larry Garber and Eric Bjornlund, “Election Monitoring In Africa”, in Festus Eribo, Oyeleye Oyediran, Mulatu Wubneh, and Leo Zonn, eds., Window on Africa: Democratization and Media Exposure (Greenville, N.C.: East Carolina University Center for International Programs, March 1993), pp) 28-SO; Eric Bjornlund, Michael Brattop, and Clark Gibson, “Observing Multiparty Elections in Africa: Lessons from Zambia”, African Affairs 91 (1992): 405-31.

(61) Trích theo Pastor, “The Third Dimension of Accountability”, p) 134.

(62) Carothers, “The Observers Observed”, pp) 19 and 28.

(63) Điều đó chắc chắn một phần là do kinh nghiệm chưa từng có trong quan sát bầu cử của tổ chức

(64) Barkan, “Kenya: Lesssons from Flawed Election”

(65) Carothers, “The Observers Observed”, pp) 25-26.

(66) Press release of the OSCE) International Election Observation Mission in Azerbaijan, November 7, 2005, http: www.osce.org/item/16887 .htmt

(67) Leila Alieva, “Azerbaijan’s Frustrating Elections”, Joumal of Democracy 17 (April 2006), 157.

(68) Xin đọc, ví dụ, báo cáo sơ bộ thứ hai của Đoàn Theo dõi Bầu cử ở Abuja, Nigeria, ngày 22 tháng

4 năm 2003, http://ec.europa.eu/comm/external_relatlons/human_rights_election_aiS_ obsetv/nigeria/2stat.htm, và tuyên bố của Phái đoàn Quan sát Bầu cử của NDI được gửi tới cuộc bầu cử tổng thống và thủ hiến ở Nigeria ngày 19 tháng 4, Abuja, ngày 21 tháng 4 năm 2003, http://www.ndi.org/worldwide/cewa/nigeria/statement_042103.asp.

(69) Xin đọc, ví dụ, the NDI 1996 Annual Report (Washington, D.C.: National Democratic Institute for International Affairs), and Nevitte and Canton, “The Role of Domestic Observers”.

(70) E) Gyimah-Boadi, “Ghana’s Encouraging Elections: The Challenges Ahead”, Journal of Democracy 8, no) 2 (April 1997): 88-89

(71) Thomas Carothers, Confronting the Weakest Link: Aiding Political Parties in New Democracies

(Washington, D.C.: Carnegie Endowment for International Peace, 2006).

(72) Xem, ví dụ, các thành viên của Network of Democracy Research Institutes, http:www.wmd) org/ndri/ndri.html.

(73) Larry Diamond, Developing Democracy: Toward Consolidation (Baltimore: Johns Hopkins University Press), chapter 6.Năm tài khóa 2006, bao gồm 1,48 tỉ dành cho các chương trình dân chủ và quản trị của USAID, 80 triệu dành cho NED, khoảng 120 triệu cho Sáng kiến Đối tác Trung Đông (Middle East Partnership Initiative – MEPI) và 48 triệu cho Quỹ Dân chủ và Nhân quyền của Bộ ngoại giao (State Department’s Human Rights and Democracy Fund)) McFaul, “The American Strategy for Democracy Promotion”.

(74) Richard Youngs, ed., Survey of European Democracy Promotion Policies, 2000-2006 (Madrid: FRIDE, 2006), p) 79.

(75) Thomas Melia, “The Democracy Bureaucracy: The Infrastructure of American Democracy Promotion”, bài viết cho dự án của Princeton về an ninh quốc gia, tháng 9 năm 2005, http://www.wws.princeton.edu ppns/papers/democracy_bureaucracy.pdf.

(76) Pippa Norris, Private communication, 19 tháng 6 năm 2006.

(77) National Endowment for Democracy, 2005 Annual Report, pp) 26-28, 75-78.

(78) http://www.wmd.org/.

(79) http://www.ned.org/grants/05programs/grant-asia05.html.

(80) Thomas Carothers, Aiding Democracy Abroad: The Learning Curve (Washington, D.C.: Carnegie Endowment for International Peace, 1999), p) 307.

(81) Ibid., p) 305.

(82) Ibid., p) 308.

Nguồn: Tinh thần dân chủ: Cuộc đấu tranh nhằm xây dựng xã hội tự do trên toàn thế giới

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường