Kinh tế học thể chế mới

Kinh tế học thể chế mới

Người ta vẫn hay nói, mà có thể đúng như vậy, rằng kinh tế học thể chế mới hình thành sau bài viết của tôi “The Nature of the Firm” [Bản chất của hãng kinh doanh] (1937). Trong bài viết đó, tôi trình bày tường tận cách đưa chi phí giao dịch vào trong phân tích kinh tế. Nhưng nên nhớ rằng ngọn nguồn của một dòng sông hùng vĩ là một dòng suối nhỏ và rằng nó tiếp nhận sức mạnh từ nhiều dòng phụ lưu để hợp nên dòng chảy. Đó chính là trường hợp của kinh tế học thể chế mới. Tôi không chỉ nghĩ về công sức đóng góp của các kinh tế gia khác như Oliver Williamson, Harold Demsetz, và Steven Cheung, với tầm vóc đã được ghi nhận của họ, mà còn cả công sức của các đồng nghiệp khoa luật, nhân chủng học, xã hội học, khoa học chính trị, sinh học xã hội và nhiều khoa khác.

Cái tên “kinh tế học thể chế mới” được Oliver Williamson đặt ra. Nó được dùng để phân biệt môn khoa học này với “kinh tế học thể chế cũ”. John R. Commons, Wesley Mitchell, và các cộng sự của họ đều là những học giả xuất chúng. Nhưng họ chống lại việc dùng lý thuyết, và chính vì không có lý thuyết xâu chuỗi các sự kiện hiện tượng, họ có rất ít thứ để truyền lại cho thế hệ sau. Một điều chắc chắn khác là kinh tế học dòng chính đã đi trên con đường riêng của mình mà không có thay đổi đáng kể. Và nó vẫn tiếp tục như vậy. Tôi nên giải thích thêm rằng, khi nhắc tới kinh tế học dòng chính, tôi ám chỉ kinh tế học vi mô. Liệu những phê phán nghiêm khắc của tôi có ứng với kinh tế học vĩ mô hay không xin được để lại cho người khác phán xét.

Kinh tế học dòng chính, thứ ai cũng thấy trên các tạp chí chuyên ngành, trong sách giáo khoa, và kể cả trong những khóa học giảng dạy ở các khoa kinh tế học, ngày càng trở nên trừu tượng, và dù nó có ý định khác đi thì trên thực tế nó liên quan rất ít tới những gì xảy ra trong thế giới thực. Demsetz đưa ra lời giải thích cho hiện tượng này: các nhà kinh tế học sau Adam Smith đã cống hiến sức mình nhằm hình thức hoá học thuyết của ông về bàn tay vô hình, tức sự phối hợp của hệ thống kinh tế thông qua cơ chế giá cả. Và nó là một thành tựu rất ấn tượng. Nhưng, như Demsetz lí giải, đó là công trình phân tích một hệ thống hoàn toàn phi tập trung. Ngoài ra, nó còn nhiều khuyết điểm khác. Adam Smith cũng đã chỉ ra rằng chúng ta nên quan tâm tới dòng lưu chuyển của hàng hoá và dịch vụ thực qua thời gian, cũng như nên quan tâm tới các yếu tố quyết định sự đa dạng và tầm quan trọng của chúng. Bởi thế các nhà kinh tế học nghiên cứu cách thức cung và cầu xác định giá cả nhưng không nghiên cứu các yếu tố xác định hàng hoá và dịch vụ nào được trao đổi trên thị trường, rồi được đặt giá ra sao. Đó là góc nhìn khinh thị với những gì diễn ra trên thực tế, nhưng lại là điều trở thành thói quen của các kinh tế gia, và họ sống trong thế giới riêng của mình không chút phiền muộn. Sự thành công của kinh tế học dòng chính bất chấp những khuyết tật của nó là một khúc khải hoàn xác nhận sức mạnh khó lay chuyển của lập luận có tính lý thuyết, bởi kinh tế học dòng chính sở trường về lý thuyết song ít màng tới các sự kiện thực tế. Vì vậy, xin lấy một ví dụ, trong cuốn Handbook of Industrial Organization [Cẩm nang về tổ chức ngành], Bengt Holmstrom và Jean Tirole (1989, trang 126), khi bàn về “Lý thuyết về hãng kinh doanh”, lưu ý rằng “tỉ lệ nghiên cứu bằng chứng thực nghiệm so với nghiên cứu lý thuyết…của lĩnh vực này hiện rất thấp”.

Việc xem thường những gì xảy ra trong thế giới thực được củng cố bởi cách mà các kinh tế gia suy nghĩ về bộ môn khoa học của họ. Khi tôi còn trẻ, một định nghĩa rất phổ biến thời bấy giờ về kinh tế học được đưa ra bởi Lionel Robbins (1935, trang 15) trong cuốn sách của mình An Essay on the Nature and Significance of the Economics Science [Một bài tiểu luận bàn về bản chất và tầm quan trọng của khoa học kinh tế]: Kinh tế học là ngành khoa học nghiên cứu hành vi con người trong mối quan hệ giữa các mục đích và các phương tiện khan hiếm vốn có nhiều cách sử dụng khác nhau. Đó là ngành khoa học nghiên cứu hành vi con người dưới dạng thức một mối quan hệ. Ngày nay các kinh tế gia thường ám chỉ ngành này như là “môn khoa học về sự lựa chọn của con người” hay họ nói về “cách tiếp cận kiểu kinh tế học”. Đây không phải là xu hướng gần đây. John Maynard Keynes viết rằng “Lý thuyết của Kinh tế học… là một phương pháp hơn là học thuyết, là công cụ của trí não, là kỹ năng suy nghĩ, thứ giúp người sở hữu chúng rút ra các kết luận chính xác” (lời giới thiệu trong cuốn sách của H.D Henderson, 1922, trang v). Joan Robinson (1933, trang 1) viết trong lời dẫn cho cuốn sách The Economics of Imperfect Competition [Kinh tế học về Cạnh tranh Không hoàn hảo] rằng kinh tế học “đối với nhà phân tích kinh tế giống như một hộp dụng cụ”. Điều này dẫn tới việc các nhà kinh tế học nghĩ về mình như người thợ có hộp dụng cụ nhưng không có đối tượng thực hành. Nó gợi cho tôi đến hai dòng trong một bài thơ tân thời mà tôi quên mất tiêu đề và tác giả nhưng hai dòng đó quả thật đáng nhớ.

I see the bridle and the bit all right

But where’s the bloody horse?

[Tạm dịch:

Dây cương hàm thiết sẵn rồi

Hỡi ôi xích thố ở nơi chốn nào?]

Tôi cũng biểu tả suy nghĩ tương tự khi ví von rằng chúng ta nghiên cứu sự lưu thông của máu mà không có cơ thể.

Khi nói như vậy thì xin đừng quy kết tôi rằng tôi ám chỉ những công cụ phân tích này hoàn toàn không có giá trị. Tôi vui mừng khi thấy các đồng nghiệp của tôi bên khoa luật dùng nó để nghiên cứu sự vận hành của hệ thống chính trị. Ý của tôi thật sự khác. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên sử dụng những công cụ phân tích để nghiên cứu hệ thống kinh tế. Tôi nghĩ các nhà kinh tế học thật sự có đối tượng nghiên cứu: đó là nghiên cứu về sự vận hành của hệ thống kinh tế mà ở đó chúng ta kiếm và tiêu tiền. Phúc lợi của xã hội loài người phụ thuộc vào dòng lưu chuyển của hàng hoá và dịch vụ, và đến lượt nó lại phụ thuộc vào năng suất của hệ thống kinh tế. Adam Smith lí giải rằng năng suất của hệ thống kinh tế phụ thuộc vào mức độ chuyên môn hoá (mà ông nhắc tới bằng thuật ngữ phân công lao động), nhưng chuyên môn hoá chỉ khả thi khi có trao đổi – và chi phí trao đổi càng thấp (chi phí giao dịch, nếu bạn thích) thì độ chuyên môn hoá sẽ càng cao và năng suất sẽ càng lớn. Nhưng chi phí trao đổi phụ thuộc vào các thể chế của một quốc gia: hệ thống luật pháp, hệ thống chính trị, hệ thống xã hội, hệ thống giáo dục, nền văn hoá và vân vân. Trên thực tế chính các thể chế này chi phối các hoạt động của nền kinh tế và chính chúng tạo nên tầm quan trọng của kinh tế học thế chế mới đến các nhà kinh tế học.

Sự cần thiết của công việc nghiên cứu thể chế trở nên rõ ràng hơn còn bởi một khía cạnh khác của kinh tế học. Bên cạnh đặc điểm hình thức hoá lý thuyết là cái nhìn tĩnh của chúng ta đối với sự vận hành của hệ thống kinh tế trong suốt nhiều năm qua. Các nhà kinh tế học thường tự hào về việc Charles Darwin có được thuyết tiến hoá là từ việc đọc các tác phẩm của Thomas Malthus và Adam Smith. Nhưng sự phát triển của ngành sinh học kể từ sau Darwin tương phản với sự phát triển của kinh tế học kể từ sau Adam Smith. Sinh học đã thực sự lột xác. Các nhà sinh học hiện đã có hiểu biết sâu sắc về những hệ thống phức tạp chi phối sự vận động của các cơ quan hữu cơ. Tôi tin rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ có khúc khải hoàn tương tự cho kinh tế học. Nhưng mục tiêu đó không hề dễ dàng. Kể cả khi chúng ta bắt đầu với những phân tích tương đối đơn giản trong bài “The Nature of the Firm”, thì công việc khám phá các yếu tố xác định chi phí tương đối của sự phối hợp bằng quản trị định hướng trong một hãng kinh doanh cụ thể hay bởi các giao dịch trên thị trường không phải nhiệm vụ đơn giản. Dẫu vậy, đó chưa phải tất cả câu chuyện. Chúng ta không thể gò bó các phân tích của mình vào một hãng kinh doanh đơn lẻ. Sau đây là điều tôi phát biểu trong một bài giảng, được đăng trong cuốn Lives of the Laurates [Cuộc đời của các nhà kinh tế đoạt giải Nobel] (Coase, 1995, trang 245): “Các chi phí phối hợp trong một hãng kinh doanh và mức chi phí giao dịch mà hãng kinh doanh gặp phải chịu ảnh hưởng bởi năng lực của mình trong việc tìm mua các yếu tố đầu vào từ các hãng kinh doanh khác, và năng lực của các hãng kinh doanh khác này trong việc cung cấp các yếu tố đầu vào này phụ thuộc một phần vào các chi phí phối hợp bên trong các hãng kinh doanh đó và mức chi phí giao dịch mà các hãng kinh doanh đó phải đối mặt đến lượt lại chịu ảnh hưởng tương tự bởi những yếu tố như vậy ở nhiều hãng kinh doanh khác. Điều chúng ta phải đối mặt là một cấu trúc phức tạp những mối quan hệ lẫn nhau.” Thêm vào đó là ảnh hưởng của luật pháp, của hệ thống xã hội, và của văn hoá, cũng như tác động của thay đổi công nghệ, đơn cử là cuộc cách mạng số tạo nên sự cắt giảm rất lớn về chi phí thông tin (một phần quan trọng của chi phí giao dịch); và tựu chung lại cái chúng ta có là một tập các quan hệ liên đới phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian để khám phá bản chất của chúng. Nhưng khi công việc này được hoàn thành, toàn bộ kinh tế học sẽ trở thành cái mà chúng ta gọi bây giờ là “kinh tế học thể chế mới”.

Theo tôi, sự thay đổi này sẽ không đến như một hệ quả của việc tấn công trực diện vào kinh tế học dòng chính. Nó sẽ tới như là hệ quả từ việc các nhà kinh tế học ở các nhánh hay tiểu ngành kinh tế học đón nhận một cách tiếp cận khác. Và quả thực điều này đang diễn ra. Khi mà đa số các nhà kinh tế học đã thay đổi, kinh tế học dòng chính tất sẽ thừa nhận tầm quan trọng của việc xem xét hệ thống kinh tế theo cách này và sẽ tuyên bố rằng họ đã biết tỏng những điều đó.

Nguồn: Ronald Coase, “The New Institutional Economics,” The American Economic Review, 88 (2), tr. 72-78)

 

Dịch giả:
Ngô Quốc Thái
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh

Tác giả liên quan