[Tinh thần dân chủ] Chương 14: Thúc đẩy dân chủ một cách hiệu quả (Phần 2)

[Tinh thần dân chủ] Chương 14: Thúc đẩy dân chủ một cách hiệu quả (Phần 2)

Lòng kiên nhẫn còn cần theo một nghĩa khác. Các tổ chức tài trợ và nhân viên của họ (những người thường làm việc theo hợp đồng có thời hạn hoặc cho một nước cụ thể) “thường bị áp lực chi tiền thật nhanh.”1 Điều này thường dẫn tới lãng phí: những cuộc hội thảo có tiếng vang, những chuyến du lịch cho các quan chức cao cấp, những khoản tài trợ lớn cho một vài tổ chức có thể không đủ khả năng tạo được kết quả. Nhưng cần có thời gian thì mới xác định được cách chi hiệu quả, từ nghiên cứu điều kiện của đất nước đến tìm cho được chương trình cần thiết nhất, và quyết định những tác nhân phù hợp nhất để xây dựng và thực thi những điểm cần thực hiện trước trong chương trình. Ví dụ, chương trình giúp đỡ đảng chính trị phải vượt qua mục tiêu ngắn hạn là các cuộc bầu cử và chiến dịch tranh cử, thậm chí vượt qua cách giúp đỡ cho những đảng phái có chung não trạng “anh em” truyền thống và làm nhiều việc hơn nhằm giải quyết những thách thức trong quá trình xây dựng và cải cách đảng.2

Nguyên tắc tiếp theo bao gồm vấn đề quy mô. Chương trình trợ giúp hàng năm 5, 10 hay 20 triệu USD có thể tạo được ảnh hưởng thấy được trong một nước nhỏ, nhưng chỉ là muối bỏ biển trong những nước lớn như Trung Quốc, Nga, Nigeria hay Indonesia. Trong những nước lớn, các tổ chức và tiêu chuẩn dân chủ phải được xây dựng trong hàng chục tỉnh và hàng trăm khu vực, xa thủ đô. Không có tổ chức giúp đỡ chính trị nào hiện nay sẵn sàng giúp đỡ ở quy mô như thế, ngay cả ở Indonesia là nơi có bầu không khí chính trị thuận lợi. Muốn có tiến triển, chỉ nói riêng Trung Quốc, Nga và Nigeria, mức tài trợ cho công việc giúp đỡ dân chủ phải lớn hơn hẳn. Nhưng, những khoản tài trợ quá lớn và dồn dập không thôi chưa đủ, trừ phi có thể duy trì trong thời gian dài. Thường thì đấy có nghĩa là xây dựng các thiết chế, hình thành công nghệ và phát triển cách làm tương đương với trình độ phát triển kinh tế của đất nước. Cách tiếp cận đơn giản hơn – ví dụ, tổ chức bầu cử – sẽ làm được những việc có ý nghĩa hơn nếu nó tạo điều kiện cho đất nước đó tự mình hoạt động và duy trì được thực tiễn dân chủ trong những năm sau đó. Tuy nhiên, xác định quy mô dự án nhằm bảo đảm duy trì dân chủ trong khu vực không có nghĩa là các nhà tài trợ sẽ không cam kết gắn bó lâu dài. Mấy năm nay, các tổ chức viện trợ, đặc biệt là USAID bị ám ảnh bởi mệnh lệnh “hoàn thành” – chứng kiến người nhận viện trợ phát triển càng nhanh đến điểm mà họ không cần giúp đỡ để phát triển nữa thì càng tốt. Đây là mối quan tâm chính đáng, không nên đưa bất kì nước nào vào tình trạng lệ thuộc vô thời hạn. Chắc chắn là một số nước có thu nhập trung bình như Thái Lan và Brazil (chưa nói các nước phát triển hơn như Malaysai, Romania và Mexico) đã đạt đến vị trí khi mà họ không còn cần những khoản viện trợ thông thường của nước ngoài thì mới có phương tiện căn bản để thoát nghèo. Một khi đất nước đã đạt được địa vị nước có thu nhập trung bình, thì nước đó có thể và phải dựa nhiều hơn vào quá trình tạo ra doanh thu và thị trường vốn trong nước. Điều cần thiết nhất lúc đó sẽ là thương mại tự do và đầu tư nước ngoài nhằm tạo ra việc làm và kích thích tăng trưởng kinh tế. Nhưng ngay cả ở những nền kinh tế giàu có, có thể vẫn không có nguồn lực hay truyền thống nhân ái đủ sức giúp đỡ những tổ chức dân sự tạo áp lực đòi thay đổi dân chủ. Các tổ chức có thể rất cần các khoản trợ giúp từ bên ngoài để bảo vệ nhân quyền, giáo dục công dân tinh thần dân chủ, xây dựng các đảng có hiệu quả, điều tra và ngăn chặn tham nhũng. Những người thúc đẩy dân chủ cần sẵn sàng cung cấp chương trình huấn luyện và trao đổi rộng rãi và tài trợ trực tiếp cho những tổ chức ngay cả ở những nước đã phát triển khá hay đã vượt qua giai đoạn chuyển tiếp dân chủ từ lâu, không còn được nhận viện trợ thông thường nữa. Công việc ở Philippines, Bangladesh và Guatemala chứng tỏ rằng hai thập kỉ sau chuyển hóa dân chủ nhu cầu trợ giúp về thiết chế vẫn còn rất lớn.

Đặc biệt là ở những nước nghèo, các tổ chức xã hội dân sự cần cả những khoản tài trợ để mở rộng cũng như duy trì. Một số người phê bình nói rằng, các NGO có xu hướng phụ thuộc quá nhiều vào các khoản viện trợ của phương Tây và quá tách rời khỏi chính xã hội của họ.3 Nhưng, sự kiện là NGO không thể quyên góp được những khoản tài trợ quan trọng nhất ở các nước nghèo không phản ánh giá trị của nó đối với quá trình phát triển dân chủ hay tính chính danh hoặc sự ủng hộ trong xã hội. Nếu không từ cộng đồng quốc tế thì tổ chức đó sẽ lấy đâu ra tiền để trả lương cho đội ngũ nhân viên, thuê văn phòng, mua máy tính và điện thoại di động, thuê sinh viên làm công việc nghiên cứu và thăm dò ý kiến và thuê người tổ chức cộng đồng? Không thể lấy được tiền từ nhà nước mà nó đang theo dõi sát sao và đang buộc phải có trách nhiệm giải trình hoặc từ cộng đồng doanh nghiệp đã bị trói buộc hoặc có thái độ thận trọng về chính trị, mà không trở thành kém hiệu quả chẳng khác gì cơ quan giải trình và cải cách theo chiều dọc. Một trong những niềm tin mạnh mẽ nhất mà tôi có được trong 25 năm nghiên cứu các tổ chức của xã hội dân sự trong các nước đang phát triển là họ cần những khoản tài trợ có tính tổ chức từ những nhà tài trợ ở bên ngoài. Sự xáo trộn thường xuyên các khoản tài trợ cho những dự án riêng biệt là rất không tốt. Do đó, một khi một NGO nào đó được coi là xứng đáng nhận các khoản tài trợ quốc tế và chứng tỏ được thành tích trong việc xây dựng các thiết chế và tiêu chuẩn dân chủ, thì nó xứng đáng được nhận sự ủng hộ, lý tưởng nhất là từ các nhà tài trợ quốc tế, đa phương. Điều này sẽ tạo điều kiện cho tổ chức lập kế hoạch dài hạn và xây dựng chương trình cải cách từ dưới lên mà không lệ thuộc thêm vào bất kì nước nào hay nhà tài trợ nào hay bị coi là như thế trong mắt dân chúng địa phương.4

Nếu cả tổ chức dân sự trong nước phải khuếch trương sự giúp đỡ thì các nhà tài trợ quốc tế cũng phải mở rộng sự hợp tác và mạng lưới liên kết của họ. Mặc dù các nhà tài trợ đã và đang cải thiện công việc phối hợp, cả sứ mệnh trong một nước riêng lẻ lẫn các cố gắng quốc tế, thì lại vẫn còn sự chồng chéo, làm giảm đòn bẩy tiềm tàng, có thể dùng để chống lại các chính phủ cứng đầu hay đã lung lay. Cũng có xu hướng dẫn tới sự cạnh tranh giữa các nhà tài trợ trong việc tìm đối tác và danh tiếng. Phối hợp hiệu quả thường xảy ra khi có sự kết hợp đặc biệt giữa đại diện của các nhà tài trợ và thời gian họ làm việc với nhau. Sự phát triển của mạng lưới phi chính phủ – trong đó có, như đã nói trong chương 5, các tổ chức trợ giúp dân chủ tương tự như NED và mạng lưới xuất phát từ Phong trào dân chủ thế giới (World Movement for Democracy) đưa ra lời hứa về sự phối hợp hiệu quả hơn.

Nhưng mạng lưới này vẫn chưa đủ để đối đầu với cuộc phản công đang tích tụ nhằm chống lại những cố gắng thúc đẩy dân chủ. Các nhà nước độc tài như Trung Quốc, Nga, Ai Cập, Iran và Uzebekistan đang áp dụng một loạt các hạn chế về luật pháp và những biện pháp ngoài luật pháp nhằm ngăn chặn, vô hiệu hóa, hình sự hóa và phá vỡ sự giúp đỡ dân chủ. Họ đang ngày càng học tập và vay mượn được nhiều hơn những cố gắng của nhau.5 Trong những trường hợp đó, phải áp dụng những biện pháp mới nhằm giúp đỡ các lực lượng dân chủ đang bị bao vây. Ở những nơi mà Hoa Kỳ và các chế độ dân chủ đầy sức mạnh khác có đòn bẩy, họ có thể đặt điều kiện cho những khoản viện trợ, thương mại, đầu tư và những mối quan hệ khác buộc nhà nước phải chấp nhận sự giúp đỡ quốc tế cho các tổ chức của xã hội dân sự và phương tiện truyền thông độc lập. Các nhà ngoại giao phương Tây phải có thái độ kiên quyết, mang tính nguyên tắc và họ càng sát cánh bên nhau thì đòn bẩy của họ càng mạnh hơn. Các khoản viện trợ còn có thể chuyển qua các lân bang, ví dụ, những cố gắng xuyên biên giới của các NGO ở Ba Lan, Slovakia, Cộng hòa Czech và Lithuania nhằm giúp đỡ những người dân chủ Belarus và vùng Trung Á. Mỗi khi có điều kiện, các nhà dân chủ trong khu vực phải tập trung lại để trao đổi kĩ thuật và củng cố mạng lưới, ủng hộ những người còn nằm trong những hoàn cảnh tế nhị. Có thể sử dụng hiệu quả hơn công nghệ thông tin cả mới lẫn cũ – Internet và truyền hình vệ tinh, đài phát thanh quốc tế và các tổ chức bí mật, tương tự như các tổ chức đã từng giúp đỡ những người bất đồng chính kiến trong khối Liên Xô cũ.6

Cuối cùng, những cố gắng giúp đỡ về chính trị sẽ tạo được nhiều ảnh hưởng hơn khi liên kết với những cố gắng giúp đỡ về kinh tế. Những chương trình phát triển tuyền thống – dạy học, điều trị HIV/AIDS, phòng và chữa bệnh cho bà mẹ và trẻ em, giúp đỡ trong sản xuất nông nghiệp – phải bao gồm những biện pháp nhằm tạo ra sự tham gia chính trị và ý thức công dân. USAID và các nhà tài trợ khác đang tìm cách làm những việc như thế. Chiến lược giúp đỡ quốc gia phải cân nhắc không chỉ những trở ngại về mặt chính trị đối với dân chủ mà còn phải tính đến những trở ngại về mặt xã hội như nghèo đói, bất bình đẳng về kinh tế, và hệ thống tôn ti trật tự quá khắc nghiệt, coi công dân chỉ như là người làm công hay khách hàng của các ông chủ. Như đã thấy trong chương 4, mức độ phát triển và giáo dục cao tạo ra mảnh đất màu mỡ để dân chủ có thể ăn sâu bén rễ. Điều này đòi hỏi phải có một chương trình nghị sự toàn diện về chính sách và những khoản đầu tư, nhắm tới việc trao quyền cho người nghèo và giảm bớt tình trạng đói nghèo cùng cực.

Chú thích:

1. Piron, “Time to Learn, Time to Act in Africa”, p. 295.

2. Thomas Carothers, Confronting the Weakest Link: Aiding Political Parties in New Democracies (Washington, D.C.: Carnegie Endowment for Intternational Peace, 2006), p. 215.

3. Xem, ví dụ, Marina Ottaway and Theresa Chung, “Debating Democracy Assistance: Toward a New Paradigm, Journal of Democracy 10 (October 1999): 99-113.

4. Laure-Hèlène Piron viết về chế độ pháp quyền và các tổ chức nhân quyền của của Nigeria như sau: Một trong những hình thức giúp đỡ hiệu quả nhất là của Ford Foundation, thông qua những khoản tài trợ trực tiếp cho các thiết chế chứ không phải trợ giúp dự án. Đây là chiến lược có rủi ro cao vì có quá nhiều vụ biển thủ hay đơn giản là kế toán không tốt, nhưng ở những nơi mà nó hoạt động được thì nó thường tạo ra kết quả ấn tượng”. “Time to Learn, Time to Act in Africa”, p. 293. Piron đã đúng khi nhấn mạnh vấn đề này và nguy cơ tham nhũng trong xã hội dân sự. Các NGO cũng phải tuân thủ một số nguyên tắc về trách nhiệm giải trình và bị các nhà tài trợ giám sát, hệt như các nước nhận viện trợ vậy.
5. National Endowment for Democracy, “The Backlash against Democracy Assistance”, báo cáo trình Richard G. Lugar, chủ tịch, Ủy ban quan hệ Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ,June 8, 2006, http://wv.w.ned.org/publications/report/backlash06.pdf, pp. 15-29.

6. Ibid., pp. 34-37.

Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường