Tăng trưởng GDP thế nào mới hợp lý?

Tăng trưởng GDP thế nào mới hợp lý?

Bản đồ thể hiện quy mô các nền kinh tế thế giới với các mảnh ghép kích cỡ khác nhau, mỗi mảnh đại diện cho một nước với kích thước tương ứng với quy mô GDP danh nghĩa. Mỗi nền kinh tế lại được chia nhỏ theo tỉ trọng đóng góp vào GDP của ba nhóm ngành chính – dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp (đóng góp lớn màu đậm, nhỏ màu nhạt), theo dữ liệu từ World Factbook. Với GDP trên 17 ngàn tỉ USD, Mỹ chiếm gần ¼ nền kinh tế thế giới.  Nguồn:cuoituan.tuoitre.vn

Mức tăng nào hợp lý?

Việt Nam là một quốc gia phát triển sau so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á. Khi GDP trên đầu người của Việt Nam chạm mốc 2.000 USD vào năm 2014, Hàn Quốc đã chạm mốc đó vào năm 1982, Malaysia vào năm 1988, Thái Lan vào năm 1993 và Trung Quốc vào năm 2006.

Ngoại trừ Malaysia, các quốc gia kể trên đều có tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 15 năm trước mốc trên cao hơn Việt Nam. Cụ thể, trong khi Trung Quốc đạt mức 10,46% và Hàn Quốc đạt mức 7,78%, thì Việt Nam chỉ đạt mức 6,38%.

Câu chuyện sau khi đạt mức GDP bình quân đầu người 2.000 USD mới quan trọng. Hàn Quốc và Trung Quốc tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng cao. Trong khi, Malaysia duy trì mức tăng trưởng trung bình chỉ khoảng 5%.

Còn Thái Lan rơi vào trạng thái tăng trưởng không ổn định, trung bình chỉ khoảng 3 - 4%/năm. Kết quả là đến năm 2015, Hàn Quốc đạt mức GDP trên đầu người khoảng 27.000 USD, Malaysia khoảng 10.000 USD, Trung Quốc khoảng 8.000 USD, còn Thái Lan khoảng 6.000 USD.

Nhìn vào bức tranh tăng trưởng của các quốc gia đi trước cho thấy việc duy trì được mức tăng trưởng trung bình trên 6% liên tục trong một thời gian dài kể từ mốc GDP bình quân đầu người đạt mức 2.000 USD là rất khó khăn.

Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng trung bình hằng năm khoảng 6 - 7% liên tục trong vòng 20 năm tiếp theo và 5% trong 10 năm tiếp theo nữa, chúng ta sẽ trở thành một nước phát triển như Hàn Quốc hiện nay.

Như vậy, mức tăng trưởng mà Việt Nam đạt được trong năm 2016 và 2017 ở mức trên 6% không phải là thấp và đáng lo ngại. Đấy là mốc tăng trưởng mà nếu Việt Nam duy trì được, sẽ trở thành một nước phát triển trong tương lai.

Cần thay đổi cách đề ra mục tiêu

Có thể thấy việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao và liên tục trong một thời gian dài là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn của một quốc gia.

Như kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực, cũng như Việt Nam trước đây cho thấy việc cố gắng đạt mức tăng trưởng quá cao trong một vài năm nào đó thường phải trả giá là sự suy giảm tăng trưởng trong các năm tiếp theo. Nhưng làm thế nào để đạt được mức tăng trưởng hợp lý cho một quốc gia?

Trong năm qua, Quốc hội đặt ra mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 trong khoảng 6,5 - 7%. Từ khoảng mục tiêu tăng trưởng này nên có lẽ Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng của năm ngoái và năm nay ở mức giữa 6,7%.

Và theo lời giải thích của bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, vì năm 2017 là năm thứ hai thực hiện kế hoạch 5 năm, trong khi năm ngoái tăng trưởng thấp 6,21%, nên năm nay mà không đạt thì sẽ khó cho kế hoạch 5 năm.

Có thể thấy cách đặt mục tiêu tăng trưởng hiện nay của Việt Nam vẫn mang nặng dấu ấn của thời kỳ kế hoạch hóa tập trung.

Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng hằng năm là một con số cụ thể, cứ như thể Chính phủ có đủ các công cụ để thực hiện được mục tiêu đó. Trên thực tế, nền kinh tế thị trường của Việt Nam đã có trình độ phát triển cao hơn khá nhiều so với trước đây.

Điều này đồng nghĩa với khả năng can thiệp của Nhà nước vào tăng trưởng sẽ thấp hơn, hay nói cách khác, công cụ để tác động tăng trưởng đã không còn nhiều nữa.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong một quý hoặc một năm cụ thể phụ thuộc chủ yếu vào các quyết định đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Và các quyết định này lại phụ thuộc nhiều các yếu tố bên trong và bên ngoài mà Nhà nước không kiểm soát được.

Để hiểu rõ hơn khả năng hạn chế của Chính phủ trong việc can thiệp vào nền kinh tế để duy trì mục tiêu tăng trưởng, chúng ta hãy xem xét mấy công cụ cơ bản mà Chính phủ sử dụng hiện nay như sau.

Thứ nhất, mở rộng tài khóa, tăng đầu tư công. Thứ hai, sử dụng doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu các đơn vị này đẩy mạnh đầu tư, mở rộng sản xuất. Thứ ba, mở rộng cung tiền. Tuy nhiên, công cụ đầu đang gặp khó khăn do thâm hụt ngân sách, nợ công tăng cao.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước thì hoạt động kém hiệu quả và Chính phủ đang có chủ trương thu hẹp. Còn công cụ thứ ba, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang ở mức thấp, nhưng nếu lạm dụng mở rộng sẽ khiến lạm phát quay trở lại và gây bất ổn vĩ mô, ảnh hưởng đến tăng trưởng trong các năm tiếp theo.

Có lẽ đã đến lúc Chính phủ cần thay đổi cách đặt mục tiêu tăng trưởng. Thay vì đặt ra con số mục tiêu cụ thể, cần thiết lập một khoảng tăng trưởng trên dưới mức tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam 0,5%.

Chẳng hạn nếu mức tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam hiện nay là 6%, nên đặt ra khoảng tăng trưởng cho một năm cụ thể là từ 5,5 - 6,5%. Chính phủ sẽ không cần phải quá bận tâm đến con số tăng trưởng cụ thể trong một năm nếu như mức tăng trưởng vẫn nằm trong kênh tăng trưởng này.

Đây là khoảng không gian an toàn để Chính phủ tập trung giải quyết các vấn đề để cải thiện mức tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam trong tương lai.

Làm sao tăng trưởng cao và liên tục trong dài hạn?

Như vậy, mục tiêu của Chính phủ là xây dựng các chính sách và giải pháp để cải thiện mức tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế chứ không nhất thiết phải đạt được một mức tăng trưởng cụ thể nào đó cho một năm nào đó.

Tức là, Chính phủ không nên biến mức tăng trưởng GDP cụ thể hằng năm trở thành chỉ tiêu bắt buộc để tự bó chân mình mà chỉ nên đưa ra mang tính chất dự báo, định hướng cho các hoạt động khác của Chính phủ về hoạt động ngân sách, cải cách hành chính, nợ công...

Để cải thiện mức tăng trưởng tiềm năng, Chính phủ nên tập trung vào các giải pháp mang tính dài hạn như cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh sao cho thông thoáng hơn, giúp người dân và doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn ra đầu tư sản xuất kinh doanh nhiều hơn.

Chính phủ cũng cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tìm ra các thị trường mới để tăng xuất khẩu vì xuất khẩu là đầu ra quan trọng bậc nhất của tất cả các quốc gia trong giai đoạn cất cánh.

Với việc xác định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của phát triển kinh tế, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Để cải thiện tiềm năng tăng trưởng, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, cả cứng lẫn mềm, là điều tối quan trọng.

Muốn thế, Chính phủ cần có những biện pháp cụ thể để sử dụng nguồn ngân sách cho hiệu quả, tránh đầu tư lãng phí, dàn trải như thời gian qua gây thâm hụt ngân sách, làm tăng nợ công.

Ngoài ra, Chính phủ cần thực sự mạnh mẽ, quyết liệt trong việc tinh gọn bộ máy cũng là cách để tiết kiệm ngân sách, từ đó có nhiều ngân sách để chi dùng cho những việc cần thiết khác.

Và trên hết, Chính phủ cũng không bao giờ được quên mục tiêu ổn định vĩ mô. Đây phải được xem như là cam kết bắt buộc của Chính phủ đối với nền kinh tế. Một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất của ổn định vĩ mô là mức lạm phát.

Việt Nam cần duy trì liên tục mức lạm phát thấp trong khoảng 2 - 4% để giúp cho doanh nghiệp và người dân yên tâm bỏ vốn ra kinh doanh. Đây cũng là cơ sở để Chính phủ cải thiện tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế một cách thực chất và chắc chắn.

Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần (3/6/2017), Tăng trưởng GDP thế nào mới hợp lý.