Kinh tế thị trường và sự nhận diện
Chúng ta phát triển KTTT định hướng XHCN đã 30 năm, nhưng đến nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Vậy quan điểm của ông?
Khi xây dựng Báo cáo Phát triển nền KTTT Việt Nam 2014 là chúng tôi mong muốn đưa ra một đánh giá độc lập với Chính phủ về mức độ phát triển từ tổng thể nền kinh tế cho đến những lĩnh vực và thị trường chủ chốt như hệ thống luật pháp, quản trị nhà nước, hệ thống tài chính-tiền tệ... Chúng tôi hy vọng đưa ra một bức tranh tương đối toàn diện về sự hiện diện của cơ chế thị trường tại Việt Nam. Đây là cơ sở để xây dựng các chính sách hoàn thiện cơ chế thị trường tại Việt Nam trong những năm tới. Báo cáo cũng có thể sẽ là nguồn tham khảo bổ ích để Chính phủ Việt Nam tham gia đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế cũng như thuyết phục các quốc gia còn lại công nhận quy chế thị trường cho Việt Nam.
Báo cáo đánh giá mức độ phát triển của nền KTTT dựa trên những chỉ tiêu nào, thưa ông?
Để đánh giá mức độ phát triển tổng thể cũng như các lĩnh vực cấu thành nền KTTT Việt Nam, chúng tôi sử dụng hệ thống các tiêu chí được xây dựng trên cơ sở tham khảo nền tảng lý thuyết và các phương pháp đánh giá của các tổ chức nước ngoài như Quỹ di sản thế giới (Heritage Foundation), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)... Căn cứ vào các văn bản pháp luật, các chính sách, và số liệu thống kê liên quan trong từng thời kỳ mà chúng tôi đưa ra các nhận định về mức độ tự do và phát triển của thị trường theo từng tiêu chí thuộc từng lĩnh vực cấu thành nền KTTT.
Với kết quả 30 năm phát triển KTTT ở Việt Nam, theo ông, mức tăng trưởng kinh tế thấp diễn ra trong nhiều năm gần đây là do tác động tiêu cực của việc Việt Nam mở cửa nền kinh tế quá nhanh hay do các cải cách theo hướng nền KTTT vẫn còn chưa đầy đủ?
Nỗ lực cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường từ năm 1986 tới nay đã giúp Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành một nước có thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, những thành tựu kinh tế và xã hội mà Việt Nam đạt được trong giai đoạn vừa qua có dấu hiệu không thực sự bền vững. Điều đáng nói là mức tăng trưởng thấp này lại diễn ra ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007. Một phần do chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất định từ cuộc đại suy giảm kinh tế toàn cầu năm 2008–2009. Nhưng theo chúng tôi phần nhiều là do các cải cách theo hướng thị trường của chúng ta bị chững lại. Quy mô của khu vực kinh tế Nhà nước còn quá lớn, sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường còn quá nhiều, trong khi đó khu vực kinh tế tư nhân chưa được khuyến khích, chưa tạo điều kiện để tận dụng được các cơ hội kinh doanh khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập.
|
Mức độ phát triển nền KTTT có xu hướng tụt lùi |
Vậy quan điểm của ông về sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế Việt Nam như thế nào, và cần lui dần ra sao?
Mục đích của Báo cáo này là chỉ ra những can thiệp nào của Nhà nước Việt Nam vào thị trường là tương đồng đối với các nền kinh tế khác và sự khác biệt chỉ là mức độ can thiệp. Sự nhận diện này rất quan trọng. Nếu đó là những can thiệp tương đồng với các quốc gia khác thì câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể giảm nhanh hơn các can thiệp đó so với các quốc gia khác hay không. Nếu đó là những can thiệp đặc thù kiểu Việt Nam thì câu hỏi đặt ra là chúng có thực sự cần thiết và đáng giá để giúp Việt Nam giữ được các định hướng XHCN hay không.
Phân tích của chúng tôi cho thấy, sau những bước đi dò dẫm cuối thập niên 1980, nền kinh tế Việt Nam đã có những quyết định không thể đảo ngược là chuyển đổi sang hướng nền KTTT. Về tổng thể, các chỉ số về tự do kinh tế của Việt Nam cho thấy nền KTTT của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể trong giai đoạn 2000–2006, nhưng sau đó bị chững lại. Từ năm 2012 tới nay, mức độ phát triển nền KTTT thậm chí có xu hướng tụt lùi. Về mặt xếp hạng, Việt Nam nằm trong vùng thấp so với khu vực và trên thế giới.
Vậy mức độ can thiệp của Nhà nước vào thị trường?
Cho đến nay Nhà nước Việt Nam đã giảm nhiều các loại hình can thiệp quá mức cần thiết vào nền kinh tế. Sự hiện diện của khu vực DNNN trong nhiều ngành đã giảm đáng kể. Các can thiệp trực tiếp vào giá cả chỉ còn duy trì ở một số lĩnh vực hàng hoá công ích. Việc kiểm soát ngành nghề kinh doanh cũng đã thay đổi từ triết lý DN chỉ được kinh doanh trong những ngành nghề mà Nhà nước cho phép, sang triết lý DN được kinh doanh mọi ngành nghề mà không thuộc danh mục mà nhà nước cấm hoặc kinh doanh có điều kiện. Bản thân danh mục ngành nghề kinh doanh bị cấm và kinh doanh có điều kiện cũng đã được thu hẹp khá nhiều so với trước đây.
Chu kỳ suy giảm tăng trưởng kéo dài của Việt Nam từ năm 2008 đến nay cho thấy cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ hệ thống quản trị Nhà nước, tháo gỡ những rào cản không đáng có mà hệ thống quản trị Nhà nước đang tạo ra cho nền kinh tế, đồng thời nâng cao vai trò và hiệu quả can thiệp của Nhà nước trong hoạt động kinh tế.
Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Báo cáo Phát triển nền KTTT Việt Nam 2014 nhằm đánh giá mức độ phát triển và tự do của nền KTTT Việt Nam hiện nay. Đây là báo cáo được thực hiện bởi một nhóm các chuyên gia kinh tế độc lập đến từ bốn cơ quan nghiên cứu và tư vấn kinh tế có uy tín tại Hà Nội, gồm: Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Viện Kinh tế Việt Nam (VIE), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), và Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách thuộc trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (VEPR). Nguồn tài chính cho Báo cáo được tài trợ bởi Viện Friedrich Naumman Vietnam. Tính đến cuối 2014, đã có 56 quốc gia công nhận quy chế thị trường tại Việt Nam. Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, đa số các nước thuộc liên minh châu Âu, Canada, Mexico... vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền KTTT. |
Nguồn Thời báo ngân hàng: Kinh tế thị trường và sự nhận diện (24/04/2015)