Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, nên bán Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, nên bán Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam

[Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, 22/6/2020] Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nêu ra 4 lập luận tại sao nên đóng cửa hoặc bán Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam cho tư nhân.

Đó là chia sẻ của Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành trên tài khoản mạng xã hội của ông những ngày gần đây, tạo nên một cuộc tranh luận nảy lửa, nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất này, đặc biệt là giữa những học sinh từng học ngôi trường này.

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam qua điện thoại, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành xác nhận những gì ông đã viết trên mạng xã hội là suy nghĩ, quan điểm của mình một cách rất nghiêm túc.

Cũng theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) không chỉ nên làm như vậy với Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam mà cả những trường chuyên khác.

Được biết, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành từng là học sinh Chuyên Vật Lý 1 Trường Hà Nội – Amsterdam khóa 1992-1995. Tiến sĩ Thành nằm trong Top đầu học sinh học giỏi gần nhất trường về môn Vật Lý.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho hay, quãng thời gian học ở Trường Hà Nội - Amsterdam là đẹp đẽ không khác gì những năm cấp 2 khi học chuyên toán hay các bạn học ở trường khác.

"Tinh thần tự do của chúng tôi được nuôi dưỡng từ đây. Là học sinh đội tuyển, chúng tôi được học thêm với những thầy giỏi nhất nước lúc bấy giờ.

Những người thầy đã già, họ thuộc về tầng lớp tinh hoa thời trước nhưng chỉ đi dạy học. Như vậy, việc tôi vào đội tuyển học sinh giỏi đã khiến tôi may mắn nhận được hai điều: nhìn thấy nhân cách của các thầy và không phải học các môn khác của chương trình phổ thông.

Đó là những hành trang tôi có được từ Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam. Và nhờ thế, giờ đây tôi có được niềm tin rằng nên giải tán trường này hoặc biến nó thành một trường tư thông qua bán đấu giá”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành kể.

Nói về lý do nên đóng cửa hoặc bán Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam cho tư nhân, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đưa ra 4 lập luận.

Thứ nhất, mô hình Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam là mô hình lấy của người nghèo chia cho người giàu.

"Giả định bố mẹ các bạn học sinh nghèo lại học kém sẽ phải đóng thuế để cho bố mẹ các bạn giàu có hơn, được cho là học giỏi hơn và đó cũng đó là một giả định. Như vậy, mô hình này chủ động tái tạo và mở rộng bất công xã hội.

Những gia đình nhà giàu cho con vào học để sau này ngồi lên đầu các bạn nghèo và học kém hơn kia", ông Thành chia sẻ.

Thứ hai, mô hình này sẽ chấp nhận được nếu nó là một trường tư, như trường Olympia, nơi cha mẹ giàu trang trải đầy đủ mọi chi phí để con họ trở thành người mà họ muốn.

Như mô hình Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam hiện nay, chi phí này lấy từ ngân sách nhà nước, tức là lấy từ tiền của các bố mẹ khác. Vậy là không công bằng.

Thứ ba, việc bố mẹ phải “tác động” để con mình có bảng điểm không thể đẹp hơn tức bảng điểm toàn điểm 10 hoặc làm cách nào đó để con mình đeo trên người đủ thứ giải thưởng cho có vẻ có năng khiếu.

Không loại trừ có tiêu cực khi học tại Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam để cha mẹ đạt được mục đích cho con.

Điều này cho thấy việc lo cho con được học ở Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam sẽ giúp họ tiết kiệm được một khoản chi phí đào tạo lớn hơn phần họ đã bỏ ra để nhờ vả. Việc này sẽ biến mất nếu thực hiện điều thứ hai ở trên.

Cuối cùng, mục đích của trường chuyên lớp chọn như Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam đã hết vai trò lịch sử của nó.

Trước đây trong lúc chiến tranh nghèo khổ, trường chuyên được mở ra để chọn được những người trí tuệ để xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Việc hình thành các trường chuyên đào tạo ra không ít gà nòi tham gia các cuộc thi trên thế giới như kỳ thi Toán, Lý quốc tế. Chi phí tuyển lựa và đào tạo tập trung như vậy sẽ rẻ hơn rất nhiều.

Những người này cũng được kỳ vọng sẽ phục vụ đất nước vì đúng là họ có khả năng thật. Tuy nhiên, điều ấy chỉ đúng trong một xã hội thời chiến nghèo khổ và cũng mong muốn có nguồn tài trợ từ nước ngoài vào.

Từ 4 lập luận trên, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho rằng, "niềm tin của tôi về sự vô dụng, lỗi thời và bất công của mô hình Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam được thực hành bằng việc tôi chưa bao giờ có ý định cho các con tôi học ngôi trường này.

Dù tôi biết một ít thuế của tôi, họ hàng tôi, các nhân viên của tôi, cũng như bạn bè tôi, vẫn âm thầm chảy ra mỗi ngày để duy trì mô hình đó cùng những đứa trẻ đang học trong đó - những học sinh tiết kiệm được phần lớn chi phí cho điều kiện học vượt trội của mình.

Với tất cả niềm tự hào là một học sinh Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, tôi kêu gọi xóa bỏ mô hình Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam thông qua việc đưa nó về thành một trường công bình thường hoặc bán đấu giá nó cho tư nhân để biến nó thành một trường tư".

Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, khi B52 dội xuống Hà Nội, nhân dân thủ đô Amsterdam, Hà Lan đã muốn làm một điều gì đó cho Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, ngài Thị trưởng - tiến sĩ Samkaden đã hăng hái vận động nhân dân Amsterdam quyên góp để xây cho Hà Nội một ngôi trường cấp III đàng hoàng, to đẹp sau ngày chiến thắng.(1)

Kết quả của nghĩa cử đó là trường Trung học phổ thông mang tên Hà Nội - Amsterdam ra đời, khai giảng năm học đầu tiên ngày 5/9/1985. Năm 2005, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu đồng ý dành quỹ đất 5 ha ở khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính để xây trường mới, lễ khởi công xây dựng diễn ra ngày 19/5/2008 với tổng mức đầu tư 469 tỷ đồng (khoảng 25 triệu USD).(2)

Theo Báo Tuổi Trẻ, là một trường trung học phổ thông chuyên, nhưng từ nhiều năm nay, trường Hà Nội - Amsterdam mở thêm hệ trung học cơ sở với hình thức tự trang trải kinh phí với lý do "tạo nguồn" cho khối phổ thông chuyên và "khai thác tiềm năng đội ngũ giáo viên" còn dồi dào. Các thí sinh tham gia thi tuyển vào trường Hà Nội - Amsterdam thường phải trải qua kỳ thi cạnh tranh khá gay gắt.(3)

 

Nguồn: Vũ Phương, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, nên bán Trường chuyên Hà Nội – AmsterdamTạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, 22/6/2020