Luật đầu tư sửa đổi: Rồi sẽ thực thi thế nào?
Trước khi Luật đầu tư sửa đổi được ban hành, cả nước có 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định phân tán tại 391 văn bản pháp luật (gồm 56 luật, 8 pháp lệnh, 115 nghị đinh, 176 thông tư, 26 quyết định của các bộ trưởng và 2 văn bản của bộ). Có thể nói doanh nghiệp đã rơi vào “thiên la địa võng” thủ tục hành chính do chính các bộ ngành và địa phương tạo ra.
“Thiên la địa võng” thủ tục
Các điều kiện kinh doanh cũng được thể hiện đa dạng dưới nhiều hình thức bao gồm giấy phép (171 loại giấy phép), giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (62 loại giấy chứng nhận), chứng chỉ hành nghề (53 loại chứng chỉ), xác nhận vốn pháp định (11 ngành nghề) và có tới 345 ngành nghề yêu cầu phải được sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thậm chí mỗi địa phương cũng có những điều kiện, thủ tục riêng.
Chính sự chồng chéo trong việc ban hành các quy định sẽ dễ làm phát sinh tiêu cực trong quá trình xin cấp giấy phép, giấy chứng nhận... Theo nghiên cứu về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB)1, để một doanh nghiệp tại Việt Nam có thể bắt đầu hoạt động cần 34 ngày xin cấp giấy phép, trong khi đó khoảng thời gian này tại Singapore là 2,5 ngày, ở Malaysia là 5,5 ngày...
Cũng theo nghiên cứu trên, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2015 đã giảm sáu bậc so với năm trước, từ thứ hạng 72 xuống 78.
21 ngành nghề chưa rõ điều kiện kinh doanh
Sự chồng chéo của các quy định là một dạng rào cản gia nhập thị trường, làm tăng chi phí, thời gian và gây bất bình đẳng trong việc tiếp cận cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những thay đổi trong Luật đầu tư được thông qua trong năm 2014 đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực.
Với việc giảm thiểu các quy định về giấy phép kinh doanh, bãi bỏ việc xác định vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề..., các doanh nghiệp có thể tự do kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm. Từ ngày 1-7-2015 sẽ chỉ còn sáu ngành nghề kinh doanh bị cấm và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Không thể phủ nhận những thay đổi tích cực kể trên của Luật đầu tư sửa đổi. Tuy nhiên khả năng luật đi vào đời sống đúng thời hạn vẫn là một câu hỏi.
Thứ nhất, trong khi luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-7 thì phải đến giữa tháng 3 Chính phủ mới ban hành văn bản yêu cầu các bộ ngành liên quan tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Cho đến nay thời điểm thi hành luật đã cận kề, vẫn còn 21 ngành nghề chưa rõ điều kiện kinh doanh khiến những doanh nghiệp kinh doanh trong nhóm ngành nghề này không biết phải xoay xở ra sao.
Thứ hai, hiện nay chúng ta đang có tới hơn 6.000 điều kiện kinh doanh, chưa kể các quy định về hồ sơ, thủ tục..., cùng với đó là nhiều quy định đã trở nên lỗi thời. Vì vậy, việc rà soát, sàng lọc các điều kiện kinh doanh phù hợp trong khoảng thời gian ngắn như vậy sẽ khó tránh khỏi những sai sót.
Có thể thấy nội dung của Luật đầu tư sửa đổi đã trở nên rõ ràng và cụ thể hơn. Vấn đề đặt ra hiện nay là thực thi thế nào để giữa luật trên giấy và luật trên thực tế sẽ không còn khoảng cách quá cách biệt. Rõ ràng, điều quan trọng nhất là các bộ, ngành cần gấp rút hoàn thành việc rà soát, bổ sung những quy định về điều kiện kinh doanh để trình lên Chính phủ và Quốc hội.
Để đẩy nhanh tiến độ, Chính phủ cần đặt ra thời hạn cho các bộ ngành trong việc rà soát, bổ sung những quy định về điều kiện kinh doanh để đảm bảo khi luật có hiệu lực thì sẽ có đầy đủ văn bản hướng dẫn dưới luật phù hợp với tinh thần của luật mới.
Điều đáng nói là chính các doanh nghiệp cũng chưa mặn mà với những thay đổi liên quan trực tiếp tới quyền lợi của mình. Dù Bộ Kế hoạch và đầu tư đã công bố dự thảo về các điều kiện đầu tư kinh doanh trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia từ giữa tháng 1 để lấy ý kiến doanh nghiệp, các hiệp hội kinh doanh, các tổ chức và cá nhân, mới chỉ có 18/400.000 doanh nghiệp có ý kiến phản hồi, còn các hiệp hội hoàn toàn im ắng. Về phía các bộ ngành, hiện mới có ba bộ có ý kiến phản hồi nhưng đều nhất trí giữ nguyên những điều kiện như hiện nay. |
Chú thích:
(1) Doing Business 2015
Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần (11/05/2015), Luật đầu tư sửa đổi: Rồi sẽ thực thi thế nào?