EVN, Petrolimex: Cục đá cản trở tái cấu trúc kinh tế
Đặc quyền, đặc lợi...
PV: - Báo cáo tài chính của Tập đoàn điện lực EVN, Tập đoàn xăng dầu Petrolimex cho thấy, tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư của 2 doanh nghiệp (DN) này nhiều năm qua chỉ dao động từ 1-2%, nghĩa là chỉ bằng 1/5 lợi nhuận nếu mang tiền vốn đầu tư đi gửi ngân hàng.
Theo ông, con số đó phản ánh thế nào về hiệu quả kinh doanh của hai Tập đoàn Nhà nước này?
Ông Đinh Tuấn Minh: - Xét trên tổng thể, ở giai đoạn suy giảm kinh tế như hiện nay, kết quả kinh doanh của các DN không tốt là chuyện không quá đặc biệt, nhất là những DN kinh doanh trên các lĩnh vực bất động sản, Tài chính, chứng khoán, DN công nghiệp, vật liệu xây dựng…
Khu vực DNNN nói chung, EVN và Petrolimex nói riêng có kết quả kinh doanh kém vì ngoài mảng kinh doanh chính là điện và xăng dầu còn kinh doanh ngoài ngành thua lỗ, bản thân DN này đang vận hành bằng bộ máy cồng kềnh, chi phí tốn kém. Nếu so sánh DNNN với DN tư nhân cạnh trạnh cùng ngành ví dụ như DN cao su, cà phê, xây dựng… sẽ thấy DNNN có kết quả kinh doanh kém hơn hẳn.
PV: - Vì là Tập đoàn Nhà nước nên EVN và Petrolimex được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi. Lãi của hai tập đoàn đều đến từ việc tăng giá và hưởng lợi từ quỹ bình ổn (do người dân trả trước cho giá xăng), trong khi lỗ chủ yếu do đầu tư ngoài ngành.
DNNN có vốn đầu tư từ nguồn thuế của dân, một mặt tiêu tiền người dân bằng đầu tư ngoài ngành, một mặt tính lãi do lấy thêm tiền từ túi người dân, nghịch lý này phải được hiểu như thế nào: do doanh nghiệp độc quyền hay do đặc quyền của doanh nghiệp nhà nước?
Ông Đinh Tuấn Minh: - Các DNNN có vốn đầu tư từ nguồn thuế của dân, một mặt tiêu tiền người dân bằng đầu tư ngoài ngành, một mặt tính lãi do lấy thêm tiền từ túi người dân là do đặc quyền, đặc lợi họ được hưởng từ nhà nước.
Các DN được nhà nước bao cấp vốn không có động cơ cải thiện chi phí. Họ tăng các chi phí mang tính chất xa hoa để tăng quyền lực mềm của đội ngũ lãnh đạo. DN cũng không cần lãi, chỉ đạt định mức không bị thua lỗ để vượt rào, lãnh đạo không mất chức trong khi các DN tư nhân khi có điều kiện kinh doanh có thể đạt mức tăng trưởng mấy chục %.
Vấn đề thứ 2 của việc bao cấp là DNNN khi nào cũng tìm cách đẩy chi phí lên cao nên về bản chất, chi phí cao của DNNN hoặc đẩy sang cho ngân sách gánh một phần thông qua các hình thức bù lỗ như ưu đãi tín dụng hoặc ưu đãi chính sách. Phần còn lại sẽ bắt người dân phải gánh chịu thông qua việc tăng giá liên tục ở mức cao.
PV: - Thực tế là mỗi khi cần xin chính sách ưu đãi, EVN và Petrolimex đều viện cớ phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, không đặt mục tiêu kinh doanh. Nhưng mỗi khi cần tăng giá, hai tập đoàn này lại lấy cớ kinh doanh phải có lãi.
Vấn đề minh bạch giá mà dư luận mong đợi từ EVN và Petrolimex có thể đạt được không khi vẫn tồn tại sự nhập nhèm này? Trong trường hợp này, theo ông, Bộ Công thương đã được thực hiện hết trách nhiệm quản lý, giám sát của mình chưa?
Ông Đinh Tuấn Minh:- Hoạt động kinh doanh bản chất rất phức tạp hơn nhiều vì được cấu thành từ hàng nghìn mục khác nhau. Trường hợp của EVN, giá thành điện được cấu thành từ nhiều nguồn như than, dầu, thủy điện, gió, khí… các chi phí về truyền tải, sửa chữa, vận hành bảo dưỡng, các nguồn đầu tư cách đây 20-30 năm cho đến 1-5 năm. Chưa kể các khoản đầu tư ngoài ngành, các chi phí khác vẫn đưa vào giá thành điện như chi phí xây biệt thự, sân tennis mà thanh tra Chính phủ đã chỉ ra. Nếu công khai, minh bạch thì tất cả những điều này cũng chỉ mang tính tương đối.
Các DN tư nhân dù to dù nhỏ khi niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc có ý định niêm yết họ sẽ công khai tài chính rất dễ dàng trong khi các DNNN hô hào nhưng có mấy DN công khai được, kiểm toán 1 năm sau mới công bố kết quả, thanh tra Chính phủ 2 năm sau mới có kết quả.
Bộ Công thương phải có trách nhiệm trong việc xây dựng thị trường xăng dầu, điện cạnh tranh, minh bạch, các bên tham gia phải vận hành theo cơ chế thị trường.
Cục đá cản trở tái cơ cấu kinh tế?
PV:- Gần đây đã có chủ trương, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước liên tiếp 2 năm thua lỗ thì phải từ chức. Trong trường hợp hưởng nhiều ưu đãi mà hiệu quả kinh doanh vẫn không đạt như trên thì phải trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp phải được xem xét như thế nào, thưa ông?
Ông Đinh Tuấn Minh: - Các DNNN đáng ra khi có điều kiện tốt có thể tăng trưởng mấy chục % nhưng chỉ làng nhàng tăng trưởng 5%, giữ phần lợi nhuận cho năm sau để đảm bảo không bị thua lỗ. Một công năng cho DN tư nhân điều hành có thể tăng trưởng trăm tỷ nhưng DNNN điều hành chỉ được vài ba tỷ.
Các DNNN sau 1 thời gian sẽ phát triển chậm hơn nhiều so với DN tư nhân để lãnh đạo DN ở mức an toàn. Tình trạng kéo dài, hậu quả là nền kinh tế trì trệ do tăng trưởng không hết tiềm năng.
Trên thế giới từ Châu Âu đến các nước Châu Á, DNNN chỉ có vai trò trong giai đoạn kiến thiết đất nước, mục tiêu rõ ràng vì biết bao nhiêu cây cầu hỏng phải xây, bao nhiêu đường phải xây … Sau giai đoạn kiến thiết, đều tư nhân hóa các DNNN, nhà nước chỉ đóng vai trò kiểm soát thị trường để các DN không vi phạm các luật cạnh tranh, luật phá sản…
PV: - Hiện Chính phủ đang tích cực tái cơ cấu nền kinh tế. Với sự tồn tại và hoạt động theo cách như trên của doanh nghiệp nhà nước, theo ông, việc tái cơ cấu có thực hiện được không? Nếu đặt vấn đề phải tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trước thì phải làm như thế nào cho hiệu quả, tránh tình trạng chỉ thay tên đổi họ?
Ông Đinh Tuấn Minh: - Tái cơ cấu quan trọng nhất phải thay đổi cơ cấu sở hữu. Khu vực DNNN là cục đá cản trở tất cả hoạt động của quá trình tái cơ cấu đầu tư công, đến hệ thống ngân hàng.
Theo tôi, chỉ có cách thu hẹp khu vực DNNN, yêu cầu phải tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể, giảm đóng góp GDP đang từ mức 25-27% xuống còn 15-17% sau đó, năm 2020 giảm tiếp còn 10%.
Giai đoạn còn nhiều DNNN như hiện nay chỉ một SCIC thì không đủ, nhà nước cần vài công ty theo mô hình SCIC, mỗi một công ty quản lý vốn sẽ phụ trách một lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ công nào đó. Các SCIC này nên được đặt dưới sự quản lý tạm thời của một Ủy ban cải cách DNNN.
Tập trung các DNNN vào các công ty quản lý vốn giúp giảm số đầu mối quản lý vốn nhà nước, tách hoạt động kinh doanh khỏi hoạt động xây dựng chính sách tại các Bộ. Sau một thời gian vận hành, khi số lượng DNNN trong danh mục đầu tư của các công ty quản lý vốn này giảm, nhà nước có thể tiến hành sáp nhập các công ty quản lý vốn lại với nhau thành một công ty quản lý vốn duy nhất.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Đất Việt (27/11/2013): EVN, Petrolimex: Cục đá cản trở tái cấu trúc kinh tế.