Phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể (Phần cuối)

Phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể (Phần cuối)

CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN

Trong xã hội học, chủ nghĩa cá nhân không chỉ học thuyết đạo đức mang cùng tên nhưng là một đặc tính mà một số nhà xã hội học cho là đặc trưng của một số xã hội và đặc biệt là các xã hội công nghiệp hiện đại: trong các xã hội này, cá nhân được xem như một đơn vị quy chiếu cơ bản, vừa đối với chính bản thân cá nhân, vừa đối với xã hội. Chính cá nhân quyết định nghề nghiệp của mình, chọn bạn đời cho mình. Cá nhận đảm nhận một cách “hoàn toàn tự do” những tin tưởng, quan điểm của mình. Sự tự trị của cá nhân là cao hơn trong các xã hội “truyền thống”. Tất nhiên đây là một tình trạng pháp quyền có thể tương ứng một cách lí tưởng với những tình trạng thực tế: mặc dù tôi có quyền phát biểu và hành động theo ý mình (với điều kiện là ý kiến và hành động của tôi không vi phạm các cấm kị chính thức) tôi vẫn bị ràng buộc bởi những cấm đoán không chính thức mà tầng lớp tôi thuộc về áp đặt lên tôi. Tuy nhiên dường như có thể chấp nhận rằng các xã hội công nghiệp là cá nhân chủ nghĩa, theo nghĩa của thuật ngữ này ở đây, hơn các xã hội truyền thống, ít nhất là trong chừng mực có thể đưa vào một sự phân biệt rõ rệt giữa xã hội “hiện đại” và xã hội “truyền thống”.

Chính nhờ Durkheim mà ta có những suy tưởng và công trình quan trọng nhất, và dù sao cũng có ảnh hưởng nhất về chủ nghĩa cá nhân và đặc biệt về sự phát triển của chủ nghĩa này trong các xã hội hiện đại. Nhưng trên điểm này nhiều tác giả khác cũng đáng được nêu tên: Tocqueville, tác giả của De la démocratie en Amérique (Nền dân trị Mĩ) và Simmel, tác giả của Grundfragen và của Philosophie des Geldes, trong số những tác giải khác. Trong tác phẩm La division du travail (Phân công lao động) cũng như trong Le suicide (Tự tử), thay vì ý niệm chủ nghĩa cá nhân, Durkheim thích dùng ý niệm ích kỉ (égoisme) hơn. Cả hai ý niệm, tuy không đồng nghĩa, có tương quan mạnh với nhau trong các phân tích của ông. Từ ích kỉ không nên (hoặc đúng hơn không nên lúc nào cũng) được hiểu theo nghĩa đạo đức, mà bằng từ này Durkheim chỉ tầm quan trọng của sự tự trị dành cho cái tôi (ego) trong sự “lựa chọn” những hành động và tin tưởng của mình. Thể theo các phân tích của Le suicide (Tự tử) sự tự trị này biến đổi tuỳ theo môi trường xã hội và văn hoá trong đó cá nhân sống. Nó cũng có thể biến đổi tuỳ tình hình. Như vậy, một số nền văn hoá áp đặt cho cá nhân những chuẩn mực, quy tắc và giá trị siêu nghiệm. Sự ích kỉ trong các nền văn hoá này sẽ khó nhọc được triển khai hơn là trong các nền văn hoá vốn giao cho tự do ý chí của cá thể, việc xác định những lựa chọn, sở thích và hướng hành động của mình, với điều kiện cá thể tuân thủ những quy tắc, chuẩn và giá trị mà nội dung là cực kì tổng quát. Trong nghĩa này, người theo đạo Tin lành, theo Durkhiem, dễ có tính ích kỉ hơn người theo đạo Công giáo (“[...] người Công giáo nhận niềm tin có sẵn, không cần xem xét [...] người Tin lành là tác giả nhiều hơn của niềm tin của bản thân)”, Le suicide, trang 157). Ở đây sự ích kỉ hiện ra có tương quan với sự “lung lay của những niềm tin truyền thống” (nt, trang 157) mà cuộc Cải cách đã thể hiện hơn là gây nên. Nhưng sự phát triển của tính ích kỉ không chỉ phụ thuộc vào những biến văn hoá. Nói chung, nó là một hàm của “mức độ hợp nhất của các nhóm xã hội mà cá thể là một thành viên” (nt, trang 223). Như vậy người đàn ông độc thân, khác với người chồng, không hội nhập vào một “xã hội gia đình”. Tương tự như vậy, công dân của một quốc gia hiện đại sẽ cảm nhận mình hội nhập trong thời chiến tranh nhiều hơn là trong thời bình. Cho dù sự ích kỉ có biến đổi trong cùng một xã hội tuỳ theo những đặc tính văn hoá và xã hội của các nhóm và cá thể, cho dù nó có thể biến đổi với tình thế (trường hợp chiến tranh) nhưng một trong những giả thiết cơ bản của Durkheim là sự ích kỉ có xu hướng tăng trong các xã hội hiện đại. Trong Le suicide, đạo Công giáo và đạo Tin lành được trình bày như là thuộc về cùng một đường hướng tiến hoá: sự lung lay mà cuộc Cải cách thể hiện, sự phát triển của tư duy độc lập được Durkheim phân tích như là những điều kiện của tư duy khoa học.

Le suicide bổ sung và làm tinh tế hơn những phân tích trước đó trong tác phẩm La division du travail. Thật vậy, luận đề chủ yếu của La division cho rằng sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân là một hệ quả của tính phức tạp ngày càng tăng của phân công lao động. Trong các xã hội cổ xưa, phân công lao động ít được phát triển, nên các cá nhân ít khác biệt nhau. Sự đoàn kết gắn kết họ thuộc kiểu “máy móc”. Nói cách khác, đó là một sự đoàn kết dựa trên những điểm giống nhau. Trong trường hợp này, hệ thống văn hoá có xu hướng giới hạn sự xuất hiện của sự ích kỉ: cá nhân hội nhập vào nó, qua trung gian của những chuẩn và giá trị được xác định chặt chẽ và chính xác, cá nhân được áp đặt những chuẩn và giá trị này một cách hiển nhiên và ngăn cản cá nhân nghi ngờ chúng. Trong các xã hội hiện đại, phân công lao động đi cùng với sự khác biệt hoá các cá nhân về mặt đào tạo, lịch sử nghề nghiệp, những môi trường xã hội đã trải qua và vô số những mặt khác mà ta có thể hình dung. Sự đoàn kết như vậy thuộc kiểu “hữu cơ”: nó dựa trên những điểm giống nhau và khác biệt bổ sung nhau.

Do đó những phân tích trong La division du travail và trong Le suicide đan chéo nhau nhiều. Cả hai tác phẩm đều xem sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân như là một đặc điểm thiết yếu của bước chuyển từ những xã hội truyền thống sang những xã hội hiện đại. Nhưng Le suicide trình bày một lí thuyết phức tạp hơn, ít ra là một cách tiềm tàng: sự ích kỉ được trình bày như là phụ thuộc vô số nhân tố không tất yếu gắn kết với nhau. Chẳng hạn, giáo hội Anh giáo, tuy thuộc phái Tin lành, là có thứ bậc và có tính ràng buộc hơn giáo hội Luther. Nước Pháp, tuy là một quốc gia “hiện đại” bằng với nước Phổ, lại là một nước công giáo. Các biến kinh tế (phân công lao động) và biến văn hoá không đi liền với nhau một cách hoàn hảo. Ở đây ta tách xa khỏi sự đơn giản của thuyết tiến hoá được trình bày trong La division du travail. Nhưng trong cả hai tác phẩm, Durkheim tỏ ra do dự đối với đánh giá về sự tiến hoá của xã hội lẫn cá nhân, vốn có một mặt tích cực (“tư cách cá nhân”) và một mặt tiêu cực (sự tiến triển của sự “ích kỉ”). Có thể phát hiện sự nhập nhằng này trong cách Durkheim sử dụng khái niệm “ích kỉ”, đôi lúc một cách trung tính và đôi lúc với hàm ý tiêu cực.

Mặc dù xem đó là nền tảng của đạo đức tập thể của các xã hội hiện đại, Durkheim đã luôn thể hiện nỗi lo ngại trước sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân trong các xã hội công nghiệp, và đề xuất những phỏng đoán về mối lo ngại này. Giả thiết chính của ông là khi vượt qua một ngưỡng nhất định thì sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân không tương thích với sự phát triển hài hoà của cá nhân và xã hội. Luận đề nổi tiếng này được thử thách bằng những sự kiện thực tế trong Le suicide. Để chứng minh nó, Durkheim bắt đầu bằng cách thiết lập những chỉ số “ích kỉ” (sự ích kỉ được giả định cao ở thành phố hơn là ở nông thôn, sự tự chủ của đàn ông độc thân cao hơn sự tự chủ của người chồng, sự tự chủ của nam giới cao hơn của phụ nữ, người Tin lành “ích kỉ” hơn người Công giáo, v.v.). Tiếp đến, ông xác lập là tất cả các chỉ báo “ích kỉ” này đều nối kết về mặt thống kê với các tỉ suất tự tử. Thật ra, Durkheim chưa bao giờ thành công thoát khỏi vòng luẩn quẩn của kết luận của cuốn La division du travail mà ta gặp lại trong Le suicide: phân công lao động giúp các cá nhân thoát khỏi những tin tưởng tập thể cũng như phơi bày họ cho sự ích kỉ, đồng thời khi sự đoàn kết trở thành “hữu cơ” thì phân công lao động khiến cá nhân cần thiết và bổ sung cho nhau nhiều hơn. Thế mà, theo Durkheim sự đoàn kết không thể chỉ dựa trên lợi ích mà phải được đặt nền tảng trên một đạo đức tập thể. Nhưng Durkheim cũng chứng minh là một nền đạo đức như thế là ít khả thi do chính sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân. Dù vậy, ông vẫn mong mỏi nó và không ngừng than phiền.

Ta gặp những suy tưởng tương tự nơi các tác giả khác. Tocqueville cũng bị sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân ở Mỹ gây ấn tượng: “một ý thức có cân nhắc khiến cho mỗi công dân tự cô lập khỏi đám đông những người đồng loại, tự tách biệt khỏi gia đình và bạn bè, cho nên sau khi tự mình tạo ra một xã hội nhỏ để sử dụng, cá nhân này sẵn sàng bỏ rơi cái xã hội lớn”. Simmel trong Philosophie des Geldes, phân tích ảnh hưởng của sự phát triển của lưu thông tiền tệ trên những quan hệ liên cá thể: là biểu tượng trung tính và trừu tượng, đồng tiền có xu hướng khoác một màu sắc cũng trừu tượng và trung tính lên những quan hệ liên cá nhân, và như vậy góp phần vào sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân. Những diễn giải tương tự cũng được Parsons trình bày: đặc trưng của các xã hội hiện đại là sự nhân bội những tương tác với những bên tham gia (như nhân viên ngân hàng và khách hàng) có những cảm xúc trung tính, có tầm quan trọng giới hạn và theo một hình thức hạn hẹp. Nhiều tác giả khác, như R. Coser, nhấn mạnh rằng hiệu ứng của việc tăng cường phân công lao động khiến cho các vai trò xã hội ngày càng phức tạp. Do những vai trò mà một cá nhân đảm nhận bao giờ cũng nhập nhằng và có nhiều nên kết quả là một hiệu ứng cá thể hoá, vì cá nhân chỉ có thể đảm nhận đúng đắn các vai trò này bằng cách liên tục tự mình phân xử.

Do đó có một sự đồng ý rộng rãi giữa các nhà xã hội học để thừa nhận là có một quan hệ nhân quả giữa tính phức tạp của các xã hội và chủ nghĩa cá nhân. Duy chỉ có sự đánh giá hiện tượng là thay đổi từ tác giả này sang tác giả khác (tiêu cực đối với Durkheim, Simmel hay Tönnies, đánh giá có xu hướng tích cực hơn đối với các tác giả Mĩ; Tocqueville có đánh giá trung tính, người phân biệt và đối lập rõ nét hơn Durkheim ích kỉchủ nghĩa cá nhân). Những tiếng nói thật sự không hoà nhịp là của Marcuse, của một số nhà tân marxist và những tác giả ủng hộ “phái hữu mới”, những người bảo vệ luận đề ngược lại theo đó các xã hội công nghiệp có xu hướng đồng phục hoá hơn là phân biệt hoá và tự chủ hoá các cá nhân.

Nhưng ta có thể tự hỏi là sự đồng thuận của các nhà xã hội học cổ điển, từ Durkheim tới Parsons là có cơ sở không, hay đúng hơn đó là sự đồng ý về một sự phân biệt mà bản thân nó là mong manh và trong mọi trường hợp cần xem xét một cách tinh tế, tức sự phân biệt đối lập xã hội truyền thống và xã hội hiện đại. Kể từ Rousseau, hay đúng hơn kể từ những người ủng hộ tư tưởng ông, nhưng nhất là kể từ Tönnies, người ta có thói quen xử lí sự phân biệt này như một điều hiển nhiên và xem các xã hội “hiện đại” tượng trưng, về mọi mặt, cho một kiểu hình ảnh đảo ngược của các xã hội truyền thống. Nhưng nếu không có gì để nghi ngờ là các xã hội hiện đại là phức tạp hơn các xã hội truyền thống thì cũng không thể kết luận rằng có thể đơn giản đối lập chúng với nhau về mọi mặt. Ngày nay chúng ta biết rõ là một xã hội “hiện đại” không tất yếu loại trừ sự xuất hiện hay tồn tại dai dẳng của những hiện tượng đoàn kết kiểu “máy móc” theo nghĩa của Durkheim: đoàn kết giai cấp, đoàn kết phe cánh, đoàn kết tộc người, đoàn kết nghiệp đoàn, đoàn kết “nhóm tư tưởng”. Ta cũng biết là các xã hội “hiện đại” không miễn nhiễm với những tin tưởng và huyền thoại tập thể. Ngược lại, các xã hội “truyền thống” không tất yếu nằm dưới một cái vung đảm bảo sự hội nhập không có xung đột của cá nhân vào xã hội. Pareto đã nhắc nhở đúng lúc là thời Cổ đại từng có những người hoài nghi và vô thần và về mặt này Lucien1 cũng không thua gì Voltaire. Đương nhiên là những cuộc ly giáo và sáng tạo văn hoá không phải là đặc sản của các xã hội hiện đại. Bản thân chủ nghĩa cá nhân, theo nghĩa học thuyết và triết học của thuật ngữ này, không tất yếu là một “kiến trúc thượng tầng”, để nói như các nhà marxist, dành riêng cho các xã hội được đặc trưng bởi sự phân công lao động mãnh liệt và một hệ thống kinh tế phức tạp. Một hệ tư tưởng “cá nhân chủ nghĩa” về công trạng cũng có thể phát triển trong một bối cảnh chính trị mà một giai cấp có cảm tưởng bị hệ thống chính trị cản trở một cách bất công và không chính đáng, ngay cả trong trường hợp của một xã hội “truyền thống”. Vả lại cần lặp lại rằng ý niệm chủ nghĩa cá nhân có những định nghĩa khác nhau tuỳ theo các tác giả. Tocqueville nhấn mạnh sự phát triển của không gian riêng tư. Durkheim nhấn mạnh việc mở rộng sự tự trị của cá nhân trong các lĩnh vực quy phạm và đạo đức. Simmel, và tiếp sau ông là Parsons, nhấn mạnh việc phát triển những quan hệ “phổ cập” và “trung tính về mặt cảm tính”. Marx - trên điểm này cũng như trên nhiều điểm khác lấy cảm hứng từ Darwin - nhấn mạnh sự cô lập của cá nhân, hậu quả của sự cạnh tranh của họ trên thị trường.

Thật ra, Le suicide, trong chừng mực mà tác phẩm này có ở dạng phác thảo, một lí thuyết đặt sự “ích kỉ” thành một biến phụ thuộc vào những nhân tố phức tạp và không gắn kết một cách hoàn toàn với nhau mở ra một hướng thoả đáng hơn lí thuyết tiến hoá được phát triển trong La division du travail. Thế mà chính lí thuyết này lại nhận được sự ưu tiên chú ý của nhiều nhà xã hội học hậu Durkheim.

Phương pháp luận cá thể

Trong nghĩa phương pháp luận và nhận thức luận, chủ nghĩa cá nhân có một ý nghĩa hoàn toàn khác với ý nghĩa được trình bày ở trên. Hãy xét việc giải thích một hiện tượng xã hội P. Ví dụ: tính cơ động xã hội trong nước A lớn hơn tính cơ động xã hội trong nước B. Để giải thích P, ta có thể tiến hành theo nhiều cách. Chẳng hạn, ta có thể giả định rằng tính cơ động tăng với sự phát triển kinh tế và thử kiểm tra rằng nước A ở một mức phát triển kinh tế cao hơn nước B. Trong trường hợp này, ta đã “giải thích” P bằng cách đặt nó trong mối quan hệ với một hiện tượng xã hội P’ khác. Cũng giống như vậy, ta có thể giải thích biến thiên P của tội phạm trong thời gian hay trong không gian bằng cách đặt nó trong mối quan hệ với những hiện tượng xã hội P’, P’’, ... khác, ví dụ, sự đô thị hoá, sự nghiêm khắc của toà án, v.v.. Từ đó ta tìm cách xác lập sự tồn tại của những tương quan giữa P và P’, P và P’’, v.v.. Như vậy, ta có thể sẽ quan sát được là tỉ suất trọng tội đặc trưng của một số nước và tội phạm theo trung bình càng cao khi sự đô thị hoá càng phát triển. Mặt khác, ta cũng có thể sẽ quan sát được là tỉ suất trọng tội theo trung bình càng cao khi toà án càng ít nghiêm khắc hơn. Nếu quả đúng là như thế thì ta đã xác lập một quan hệ nhân quả (thuộc loại xác suất) giữa, một mặt, P (đô thị hoá), P’’ (sự nghiêm khắc của toà án) và, mặt khác, P (tỉ suất tội phạm); trong trường hợp này ta có được “giải thích” của hiện tượng, chính xác hơn là của biến P, bằng cách xem xét quan hệ của biến này với các biến khác, P’ và P’’. Các biến “độc lập” này cũng được quan sát ở cấp độ gộp (xem mục Nhân quả); một “giải thích” như thế cũng có thể được gọi là “giải thích” gộp hay phi cá thể trong chừng mực là không tính đến hành vi của các cá thể mà logic sản sinh ra những tương quan quan trắc được ở cấp độ thống kê. Cũng giống như vậy, phân tích gọi là phân tích “so sánh” thường thuộc kiểu phi cá thể hay gộp. Đó là trường hợp khi phân tích này tự giới hạn ở việc sắp xếp các hệ thống xã hội thành loại, tuỳ theo sự xuất hiện hay không của một tập những đặc điểm được xác định ở một cấp độ gộp (xem mục Phân loại).

Một cách tương phản, một giải thích mang tính cá thể (theo nghĩa phương pháp luận) khi ta cho P rõ ràng là hệ quả của hành vi của những cá thể thành viên của hệ thống xã hội trong đó P được quan sát. Như vậy, đi ngược với những nguyên tắc của ông, Durkheim viện đến một cách kiến giải cá thể khi ông thử giải thích vì sao những thời kì bùng nổ kinh tế thường đi kèm với một gia tăng của các tỉ suất tự tử: khi không khí làm ăn là lạc quan, cá thể có thể được khuyến khích nâng cao mức kì vọng của mình và như vậy có rủi ro sẽ bị thất vọng. Tocqueville cũng viện đến một phân tích xã hội học vi mô cùng kiểu để giải thích là các cuộc cách mạng có vẻ nổ ra trong những tình thế thuận lợi khi điều kiện và cơ hội của mọi người có xu hướng được cải thiện. Trong cả hai trường hợp này, chắc chắn là phân tích quy về việc đặt thành mối quan hệ giữa một hiện tượng gộp P (gia tăng của tỉ suất tự tử, khởi động các cuộc cách mạng) và những hiện tượng gộp P’, P’’, v.v. khác (tăng trưởng kinh tế, gia tăng của tính cơ động xã hội). Nhưng quan hệ được suy ra từ một biểu trưng rõ ràng hành vi của các cá nhân. Các ví dụ này và cả nghìn ví dụ khác mà ta có thể trưng ra cho thấy là những lí thuyết cá thể chủ nghĩa không xa lạ với xã hội học và có thể phát hiện các lí thuyết này ngay cả ở những nhà xã hội học, như Durkheim, ghê tởm phương pháp luận cá thể. Một cách tổng quát, ta gặp phương pháp luận cá thể khi sự tồn tại hay vóc dáng của một hiện tượng P, hay khi quan hệ giữa một hiện tượng P và một hiện tượng P’ được phân tích rõ ràng như là một hệ quả của logic của hành vi của các cá thể có liên quan đến (các) hiện tượng này.

Một số nhà khoa học luận về các khoa học xã hội, đứng đầu là Friedrich von Hayek và Karl Popper, nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên lí phương pháp luận cá thể trong các khoa học xã hội. Đối với các tác giả này, giải thích một hiện tượng xã hội bao giờ cũng phải xem nó là hệ quả của những hành động cá nhân (xem mục Hành động). Một tương quan giữa một hiện tượng P và một hiện tượng P’, bất luận có cường độ như thế nào, không thể được xem như một “giải thích” cho P. Còn phải làm rõ logic của logic của những hành động cá nhân nằm sau sự tương quan. Một tương quan cực kì đơn giản như tương quan giữa giá nông sản phẩm và các điều kiện khí tượng chỉ có ý nghĩa khi xem đó hệ quả của những hành vi vi mô tuân thủ một logic nhất định.

Nguyên lí của phương pháp luận cá thể nhận được sự đồng thuận cao trong kinh tế học (xem mục Kinh tế học và xã hội học). Trong xã hội học, tình hình mập mờ hơn. Một mặt, nhiều nghiên cứu xã hội học tự bằng lòng với một định nghĩa “nhân quả” về sự giải thích kiểu P’ → P. Mặt khác, một số nhà xã hội học xuất phát từ tiên đề theo đó do cá nhân là sản phẩm của các cơ cấu xã hội nên có thể được phân tích xem nhẹ. Tiên đề này, đôi lúc được gọi là duy xã hội luận hay phương pháp luận tổng thể, dẫn đến những khó khăn nan giải. Quả thật là hành động cá nhân chịu những ràng buộc xã hội và hiếm khi có thể muốn làm gì thì làm. Nhưng điều này không kéo theo là các ràng buộc xã hội quyết định hành động cá nhân. Các ràng buộc này giới hạn trường của những khả thể nhưng không giới hạn trường của hiện thực. Chính xác hơn, khái niệm ràng buộc chỉ có ý nghĩa đối với những ý niệm có tương quan là hành độngý định: một cá nhân không có ý định mua sắm không chịu bất kì ràng buộc ngân sách nào cả. Một cách tổng quát hơn, ý niệm cấu trúc xã hội chỉ có ý nghĩa khi quy chiếu về những ý định và dự án của các tác nhân. Nếu sự phân tầng thường được xem là một chiều kích thiết yếu của cấu trúc xã hội, đó là vì nó mô tả sự phân phối những ràng buộc chi phối các dự án của các tác nhân.

Do đó phương pháp luận cá thể phải được xem là một nguyên lí cơ bản, không chỉ của riêng kinh tế học, mà của tất cả các khoa học xã hội: sử học, xã hội học cũng như khoa học chính trị hay dân số học. Không khó để chỉ ra (xem mục Hành động) rằng hầu hết các nhà xã hội học cổ điển, dù cho đó là Weber, Marx hay Tocqueville, đều đã thừa nhận tầm quan trọng của nó. Nhưng phải nói thêm rằng giữ vững lập trường này không phải là điều dễ dàng. Đặt sang một bên trường hợp của những biến thể khác nhau của phương pháp luận tổng thể vốn bác bỏ nguyên lí này vì những lí do siêu hình hay ý thức hệ. Điều thường hay xảy ra là nhà nghiên cứu không có khả năng, vì không đủ thông tin, tìm lại logic của những hành vi vi mô chi phối một hiện tượng gộp P. Chẳng hạn, các đường mức sinh cho thấy những đứt gãy mà các nhà dân số học không phải bao giờ cũng giải thích được, do không đủ thông tin xã hội học vi mô. Trong trường hợp này phải - tạm thời - ghi nhận thực trạng. Cũng có thể làm hiện lên những tương quan giữa P và những hiện tượng gộp P’, P”, v.v. khác. Trong trường hợp sau cùng này, giả sử nhà dân số học quan trắc thật sự một tương quan giữa P và P’ thì nhà nghiên cứu này ở vào một tình thế tương tự với một bác sĩ đã xác lập là một phương thuốc có một hiệu ứng nhất định nào đó nhưng lại không thể giải thích hiệu ứng ấy. Nhưng không thể đẩy sự tương tự này đi quá xa. Vì tương quan được bác sĩ quan sát có nhiều khả năng là ổn định. Trái lại, một tương quan giữa P và P’ được nhà xã hội học, nhà dân số học hay nhà kinh tế học quan sát có thể là không ổn định do gắn liền với những điều kiện đặc trưng của một hệ thống được quan sát. Trong một thời gian dài, các nhà kinh tế tin rằng thất nghiệp và lạm phát nhất thiết biến thiên ngược chiều nhau. Trong thực tế, “quy luật” này chỉ có hiệu lực khi có một số điều kiện cấu trúc nhất định. Trường hợp này cũng vậy: hiệu lực của tương quan phụ thuộc vào các điều kiện cấu trúc: một số hệ thống xã hội khuyến khích các cá nhân sinh nhiều con, ngay cả khi điều kiện sống được cải thiện. Nhưng để giải thích rằng cùng một nguyên nhân tạo ra ở nơi này và nới khác những hiệu ứng khác nhau thì nhà dân số học phải giải thích vì sao những cấu trúc khác nhau khiến các cá nhân hành xử một cách khác nhau.

Nhằm làm rõ một cách xác đáng là một phương pháp luận thuộc kiểu cá thể luận bằng bất cứ cách nào đi nữa cũng không kéo theo việc không biết đến những ràng buộc của hành động và những cấu trúc hay định chế chi phối các ràng buộc này, đôi lúc người ta nói đến phương pháp luận cá thể cấu trúc (Wippler) hay phương pháp luận cá thể thể chế (Bourricaud). Hơn nữa, cần ghi nhận là nếu nguyên lí của phương pháp luận cá thể có vẻ có tầm áp dụng tổng quát trong các khoa học xã hội thì điều này không hoàn toàn kéo theo rằng bản thân mô hình của homo economicus duy lí, tính toán và thực dụng là có tính phổ quát. Thật vậy, các nhà kinh tế thường dựa trên nguyên lí của phương pháp luận cá thể trên tiên đề của cá nhân duy lí như được tóm tắt bằng thuật ngữ homo economicus. Nhưng cả hai yếu tố này không tất yếu gắn liền nhau. Trái lại các ý niệm phương pháp luận cá thể cấu trúcphương pháp luận cá thể thể chế chỉ rõ là để giải thích hành động của một cá nhân, nói chung cần phải xác định những dữ liệu cấu trúc và thể chế giới hạn trường hoạt động trong đó cá nhân vận động, cũng như những hiệu ứng của việc xã hội hoá mà cá nhân chịu ảnh hưởng và những nguồn lực cá nhân có được. Mặc dù mô hình homo economicus thường là hữu ích, không chỉ trong kinh tế học mà cả trong xã hội học, không thể xem nó có tính phổ quát (xem Duy lí (tính)).

Nên đặt nguyên lí của phương pháp luận cá thể với song song vói sự phân biệt nổi tiếng của Weber giữa erklären (giải thích) với verstehen (thông hiểu). Một sơ đồ kiểu P’ → P là có tính giải thích theo nghĩa của Weber. Một cách tương phản ta có một sơ đồ thông hiểu khi P được suy ra từ một phân tích hành vi của các cá nhân hành động trong những điều kiện P’. Thật ra ta có thể tự hỏi liệu có thể là có ích chăng khi duy trì sự phân biệt dưới dạng trên vì hiệu lực của một quan hệ nhân quả kiểu P’ → P bao giờ cũng không chắc chắn và có kiến giải đáng ngờ nếu không được phân tích như một hiệu ứng nổi lên từ việc gộp những hành vi cá nhân. Chắc chắn là trong các khoa học xã hội nên xem các ý niệm giải thích và thông hiểu là đồng nghĩa, với điều kiện nói chính xác là một qui trình giải thích (hay thông hiểu) có thể gồm có, ở bước trung gian, việc tìm kiếm và làm rõ những quan hệ kiểu P’ → P.

Quan hệ giữa phương pháp luận cá thể và chủ nghĩa cá nhân giống với quan hệ giữa chòm sao hình con chó và con chó đang sủa, nghĩa là không có quan hệ nào cả. Điều kì lạ là đôi lúc các phương pháp cá thể luận được xem là chỉ có giá trị khi phân tích các xã hội “cá nhân chủ nghĩa”, tư bản chủ nghĩa hay bị những hiện tượng “thị trường” thống trị. Có thể áp dụng chúng, như Weber đã chỉ rõ (xem mục Hành động) vào việc phân tích mọi xã hội.

(Hết)

Chú thích:

(1)  Lucien de Samosate, sinh khoảng năm 120 trước CN và mất sau năm 180 trước CN là nhà văn trào phúng, đôi lúc được xem là một trong những cha đẻ của tinh thần phê phán (ND).

Nguồn: Dictionnaire critique de la sociologie, Raymond Boudon và François Bourricaud, Paris, PUF, 1982.

Nguồn dịch: Phân tích kinh tế 123: Phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước