Thoát bẫy thu nhập trung bình: Đâu là con đường cho Việt Nam?
Năm 2010 Việt Nam bứt ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp và chuyển sang nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Kể từ đó, Việt Nam liên tiếp nhận được cảnh báo từ giới chuyên gia trong và ngoài nước về nguy cơ bị kẹt trong bẫy thu nhập trung bình như nhiều quốc gia đang phát triển khác.
Giáo sư Trần Văn Thọ có lẽ là một trong những chuyên gia kinh tế đưa ra cảnh báo sớm nhất về nguy cơ này của Việt Nam. Đầu năm 2012 ông đã có một nghiên cứu công phu về “Bẫy thu nhập trung bình nhìn từ các nước ASEAN”.
Trong nghiên cứu này ông đã chỉ ra, ngoại trừ Singapore, bốn nước ASEAN là Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines đều có nguy cơ bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu không có những đối sách phù hợp.
Việt Nam là nước đi sau nên có thể học hỏi được rất nhiều điều từ các nước đi trước trong khu vực để tránh mắc phải bẫy thu nhập trung bình.
“Thực” và “mơ”
Một quốc gia phát triển trong giai đoạn đầu chủ yếu là nhờ tích tụ vốn và dịch chuyển lao động khỏi khu vực nông nghiệp có năng suất thấp sang các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ có năng suất cao.
Khi vượt qua ngưỡng thu nhập thấp, tức có tổng thu nhập quốc gia (GNI) trên đầu người trên 995 USD, quốc gia tiếp tục cần tích tụ vốn và giải phóng lao động khỏi lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực công nghiệp đòi hỏi kỹ năng giản đơn sang những lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đòi hỏi kỹ năng phức tạp hơn.
Quá trình này, nếu thành công, sẽ đưa quốc gia đạt mức thu nhập bình quân đầu người vượt qua mức 12.195 USD và trở thành nước có thu nhập cao.
Các quốc gia đang phát triển bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình là các quốc gia không thành công trong việc chuyển dịch từ việc sản xuất các lĩnh vực công nghiệp đòi hỏi kỹ năng giản đơn sang các lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng phức tạp hơn.
Do tiếp tục đảm nhiệm cung ứng các hàng hóa đòi hỏi kỹ năng giản đơn trong chuỗi giá trị toàn cầu nên thu nhập của người lao động không thể đòi hỏi tăng hơn được. Nếu tiếp tục đòi thu nhập cao hơn, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, sẽ rút vốn khỏi quốc gia đó, lý do vì mất đi tính cạnh tranh so với các nước có nhân công rẻ hơn.
Không tích tụ được thêm vốn, không cải thiện thêm được năng suất khiến tăng trưởng của nền kinh tế đó chỉ có thể ở mức thấp. Kỳ vọng vượt qua mức thu nhập trung bình 12.000 USD/người chỉ còn là mơ ước xa vời.
Malaysia, với mức GDP/đầu người đạt 10.514 USD năm 2013, có lẽ là quốc gia tiếp theo sau Singapore đạt được ước mơ này trong các nước ASEAN. Với các quốc gia còn lại sẽ là một chặng đường dài.
R&D, sai ở đâu, đúng chỗ nào?
Nhìn vào các nhân tố tăng trưởng, các nhà kinh tế đều chỉ ra rằng cải thiện nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) là chìa khóa để vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình. Và để cải thiện được TFP thì cần phải tăng đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) và cải thiện nguồn nhân lực.
Thực tiễn của các quốc gia và vùng lãnh thổ đã thành công vượt qua bẫy thu nhập trung bình như Hàn Quốc hay Đài Loan đã minh chứng cho lập luận trên. Theo trích dẫn từ World Bank của giáo sư Trần Văn Thọ, tỉ lệ chi phí cho R&D của Hàn Quốc luôn ở mức khoảng 2,5% GDP trong một thời gian dài, cao hơn mức 0,5-0,6% GDP của Malaysia, và dĩ nhiên cao hơn mức 0,1-0,2% GDP của Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Đầu tư cho nguồn nhân lực của Hàn Quốc cũng tốt hơn hẳn so với các quốc gia khác, thể hiện qua tỉ trọng số sinh viên tốt nghiệp trong các lĩnh vực kỹ sư, sản xuất và xây dựng của Hàn Quốc cao hơn rất nhiều so với các quốc gia kia.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tăng được đầu tư cho R&D và nguồn nhân lực trong nền kinh tế? Trong giai đoạn đầu của quá trình tăng trưởng, chính phủ có thể đóng vai trò tích cực trong việc định hướng dịch chuyển các ngành nghề trong nền kinh tế nhờ kinh nghiệm của các quốc gia đi trước.
Theo ý này, đầu tư của chính phủ cho R&D và nguồn nhân lực trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển sẽ có những ý nghĩa nhất định.
Nhưng điều này có lẽ chỉ đúng trong giai đoạn thập niên 1970-1980 khi toàn cầu hóa còn chưa xuất hiện. Hàn Quốc và Đài Loan, với sự trợ giúp từ Mỹ trong chiến tranh lạnh, có thể nhìn vào các bước phát triển của Nhật Bản để học hỏi.
Với sự xuất hiện kỷ nguyên toàn cầu hóa và chiến tranh lạnh chấm dứt, khái niệm con đường phát triển của một quốc gia không còn đúng nữa. Quan điểm một quốc gia phát triển theo các giai đoạn tuần tự, từ sản xuất nông nghiệp sang chế tác giản đơn, đến chế tác các ngành phức tạp hơn... không còn nữa.
Một quốc gia trong kỷ nguyên toàn cầu hóa đơn giản là một tập hợp các doanh nghiệp kinh doanh phải liên tục tìm chỗ đứng của mình trong các chuỗi sản xuất và thương mại toàn cầu. Áp lực cạnh tranh đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục thay đổi. Cách tư duy hoạch định tuyến tính về dịch chuyển ngành của chính phủ không hợp thời nữa.
Vì thế, những bài học thành công của Hàn Quốc và Đài Loan, hay thậm chí Malaysia, trong việc thúc đẩy đầu tư vào R&D từ nguồn ngân sách nhà nước có thể không còn đúng nữa. Và điều này càng đúng khi nền kinh tế đạt trình độ phát triển cao hơn. Đầu tư cho R&D của nhà nước càng kém hiệu quả vì đơn giản nhà nước sẽ không thể biết được đâu là lĩnh vực mà nền kinh tế cần dịch chuyển.
Vì thế, trong thời đại toàn cầu hóa, để tăng nền kinh tế có thể tăng đầu tư cho R&D và cải thiện nguồn nhân lực thì chúng ta buộc phải trông chờ vào khu vực doanh nghiệp chứ không phải từ nhà nước. Chỉ doanh nghiệp mới có đủ tham vọng và nhiều thông tin để đầu tư cho R&D nhằm cải thiện vị trí của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Muốn doanh nghiệp đầu tư cho R&D và nguồn nhân lực, điều kiện tiên quyết là đảm bảo quyền sở hữu tài sản của tư nhân, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và triệt tiêu đặc quyền đặc lợi. Đầu tư cho R&D là hoạt động đầu tư có tính dài hạn và rủi ro cao.
Quyền sở hữu tư nhân chắc chắn tạo ra động cơ để doanh nhân yên tâm đầu tư cho R&D. Môi trường vĩ mô ổn định giúp cho doanh nhân có thể tính toán và hạn chế rủi ro.
Nhìn về Việt Nam
Bài học lớn nhất mà Việt Nam có thể học hỏi được từ các nước phát triển đi trước là: càng tiến lên nấc thang cao hơn trên con đường phát triển thì càng cần phải dựa vào tư nhân nhiều hơn. Còn các bài học kiểu như nhà nước nên thúc đẩy đầu tư ngành gì, thậm chí đầu tư nhiều hơn cho R&D và nguồn nhân lực, đều có khả năng dẫn đến lãng phí và sai lầm.
Hiện Việt Nam mới bắt đầu vào nấc thang đầu tiên của giai đoạn thu nhập trung bình. Tích tụ vốn và dịch chuyển thành công lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ vẫn là những động lực tăng trưởng quan trọng nhất.
Kinh nghiệm của Việt Nam trong suốt những năm qua cho thấy chính các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, mới là lực lượng giúp cho quá trình này diễn ra nhanh chóng. Và không gì khác, đảm bảo quyền sở hữu tư nhân về tài sản và cải thiện môi trường kinh doanh chính là chìa khóa để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Trong nhiều năm qua, khu vực doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam tồn tại và phát triển được nhờ được nhận rất nhiều đặc quyền đặc lợi từ Nhà nước, đặc biệt từ các chính sách liên quan đến thu hồi đất đai.
Chính sự phát triển dựa trên đặc quyền đặc lợi này khiến các doanh nghiệp lớn trong nước không mặn mà với việc đầu tư cho R&D. Để thúc đẩy các doanh nghiệp lớn đầu tư cho R&D, việc đầu tiên mà Chính phủ cần nghĩ tới là loại bỏ tất cả đặc quyền đặc lợi về đất đai, vốn, cơ hội kinh doanh, thuế... mà các doanh nghiệp này vẫn đang được hưởng.
Chỉ bằng cách buộc phải đối mặt thật sự với cạnh tranh thì chúng ta mới hi vọng tăng được đầu tư cho R&D và nguồn nhân lực cho nền kinh tế từ khu vực doanh nghiệp.
Doanh nhân chỉ đầu tư cho R&D nếu như thấy khó có thể tìm kiếm đặc quyền đặc lợi từ chính phủ. Nếu có thể tìm kiếm lợi nhuận dễ dàng từ đặc quyền đặc lợi thì chẳng doanh nhân nào bỏ tiền bạc và tâm trí vào đầu tư R&D và nguồn nhân lực. |
Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần (27/09/2014), Thoát bẫy thu nhập trung bình: Đâu là con đường cho Việt Nam?