Để chiến thắng trong cuộc trường chinh

Để chiến thắng trong cuộc trường chinh

Đến thời điểm hiện tại, không còn ai nghĩ rằng đại dịch Covid-19 sẽ nhanh chóng qua đi, bởi số ca nhiễm mới trên thế giới không hề giảm. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới phải điều chỉnh chính sách ứng phó với dịch bệnh, chấp nhận vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.

 

Trước nguy cơ dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp cần tính toán điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Đại dịch Covid-19 ập đến với mức độ tàn phá ngoài sức tưởng tượng. Đã có gần 25 triệu người trên thế giới bị nhiễm và gần 1 triệu người chết. Số ca nhiễm bệnh vẫn duy trì ở mức trên 200 nghìn ca mỗi ngày. Tâm dịch dịch chuyển vòng quanh thế giới, từ Trung Quốc, sang châu Âu, tới Mỹ, Nam Mỹ, Ấn Độ… Các quốc gia và vùng lãnh thổ tưởng chừng đã khống chế dịch thành công như châu Âu, Nhật Bản, Australia, Hong Kong…, một khi dỡ bỏ các lệnh phong tỏa và quy định giãn cách ngặt nghèo, số ca nhiễm lại tăng trở lại.

Tại Việt Nam, sau gần 100 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, dịch bệnh một lần nữa bùng phát ở Đà Nẵng và hiện lan rộng ra hơn chục tỉnh, thành trên cả nước. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, theo lãnh đạo của ngành y tế, cụm dịch tại Đà Nẵng về cơ bản đã được khống chế, nhưng với đặc tính lây nhiễm rất nhiều ca không có triệu chứng của loại virus này, không thể biết liệu sắp tới ở đâu sẽ xuất hiện ổ dịch để phòng ngừa.

Phát triển kinh tế là giải pháp chống dịch lâu dài

Với bối cảnh đại dịch như vậy, có thể thấy Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới phải chấp nhận vừa phòng chống dịch vừa thích ứng phát triển kinh tế. Không có quốc gia nào, dù giàu có đến mấy, có thể tiếp tục kéo dài việc trợ cấp cho người dân và doanh nghiệp để thực hiện triệt để việc giãn cách xã hội, dẫn đến ngừng hoạt động kinh tế, xã hội.

Hiện nay, người dân trên thế giới đang kỳ vọng vào vắc xin như một giải pháp có tính quyết định để ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, để có thể sản xuất được vắc xin an toàn, với khối lượng lớn, cung cấp được cho hầu hết người dân của các quốc gia trên thế giới sẽ cần phải mất nhiều năm, với chi phí không hề nhỏ.

Điều này có nghĩa là, các quốc gia sẽ phải chấp nhận dịch bệnh tiếp tục kéo dài trong nhiều năm, lây lan ở một mức độ nhất định. Các quốc gia sẽ phải liên tục tìm cách ngăn chặn, khoanh vùng, truy vết và giảm thiểu lây nhiễm khi phát hiện các trường hợp lây nhiễm mới.

Có thể nhận thấy Việt Nam đã xác định công cuộc chống dịch Covid-19 là cuộc trường chinh chứ không còn là một trận chiến chớp nhoáng. Muốn vậy, Chính phủ và người dân cần phải có đủ nguồn lực để chống dịch lâu dài. Và chỉ có thể duy trì được nguồn lực khi kinh tế phát triển.

Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến Chính phủ điều chỉnh đối sách ứng phó với dịch bệnh trong đợt dịch bùng phát mới này với mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Điều chỉnh để thích ứng với dịch bệnh

Để chống dịch lâu dài, điều quan trọng nhất là tạo cho người dân và doanh nghiệp ý thức về dịch bệnh để tự phòng chống và điều chỉnh các kế hoạch kinh doanh sao cho phù hợp. Nhà nước chỉ có thể giảm được các chi phí phòng chống dịch khi mỗi người dân tự trang bị các kiến thức, thay đổi thói quen để giảm thiểu lây nhiễm. Doanh nghiệp đưa ra các biện pháp, điều chỉnh tương tác giữa các nhân viên nhằm hạn chế khả năng người lao động bị nhiễm bệnh. Có lẽ mỗi doanh nghiệp đều ý thức được rằng nếu tổ chức của mình có người bị nhiễm bệnh, hoạt động kinh doanh sẽ bị đình trệ và ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Do nguy cơ dịch bệnh kéo dài, với doanh nghiệp, điều quan trọng nhất là bảo tồn vốn. Muốn vậy, doanh nghiệp cần điều chỉnh chính sách kinh doanh, ưu tiên những hoạt động chắc chắn, thay vì phát triển các hoạt động kinh doanh mới. Với các hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch bệnh, doanh nghiệp cần mạnh dạn giảm quy mô để tiết giảm chi phí, hoặc dịch chuyển sang các hoạt động kinh doanh khác ít chịu tác động từ dịch bệnh hơn.

Trong khi đó, Chính phủ cần tập trung vào ổn định vĩ mô, coi đây là gốc. Nhằm giúp nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng, Chính phủ đã và đang tìm các giải pháp để tăng đầu tư công, phát triển hạ tầng. Đây có thể coi là giải pháp quan trọng bậc nhất hiện nay để hấp thu lao động bị cắt giảm tại các ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ nên theo hướng giảm thuế chung cho toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp, chẳng hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, thay vì theo hướng hỗ trợ cho một số đối tượng doanh nghiệp nhất định. Việc hỗ trợ cho một số đối tượng doanh nghiệp nhất định chỉ có ý nghĩa khi đó là một cú sốc ngắn hạn đối với một nhóm đối tượng cụ thể, chẳng hạn như thiên tai hoặc dịch tả lợn châu Phi đối với ngành chăn nuôi. Chính sách giảm thuế chung sẽ kích thích các doanh nghiệp tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh, thu hút thêm đầu tư nước ngoài, qua đó giúp cho nền kinh tế phát triển và tăng thêm đóng góp trong dài hạn cho ngân sách nhà nước để chống dịch.

Nguồn: Đinh Tuấn Minh, Để chiến thắng trong cuộc trường chinh, Báo Đấu thầu, 2/9/2020