[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương III: Tạo ra thịnh vượng và đói nghèo (Phần 1)
KINH TẾ HỌC VỀ VĨ TUYẾN 38
VÀO MÙA HÈ NĂM 1945, khi Thế chiến thứ hai sắp kết thúc, chế độ thực dân Nhật Bản ở Triều Tiên bắt đầu sụp đổ. Trong vòng một tháng sau khi quân Nhật đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15/8, đất nước Triều Tiên bị chia đôi. Miền nam được Hoa Kỳ tiếp quản. Miền bắc đi theo đường lối của Liên Xô. Nền hòa bình không dễ dàng của thời kỳ chiến tranh lạnh vỡ tan vào tháng 6/1950 khi quân đội Bắc Triều Tiên tấn công miền nam. Cho dù thoạt đầu Bắc Triều Tiên đã tiến hành những đợt xâm nhập lớn và chiếm đóng thủ đô Seoul, nhưng đến mùa thu thì họ rút lui hoàn toàn. Chính lúc đó Hwang Pyŏng-Wŏn và em trai phải ly tán. Hwang Pyŏng-Wŏn xoay sở bỏ trốn và cố để không bị sung vào quân đội Bắc Triều Tiên. Ông ở lại miền nam và hành nghề dược sĩ. Em trai ông, một bác sĩ làm việc ở Seoul chăm sóc cho các binh sĩ bị thương của quân đội Nam Triều Tiên, bị đưa ra miền bắc khi quân đội Bắc Triều Tiên rút lui. Chia ly từ năm 1950, mãi đến năm 2000 họ mới gặp lại nhau lần đầu tiên tại Seoul sau 50 năm, sau khi chính phủ hai miền cuối cùng đồng ý phát động một chương trình đoàn tụ gia đình có giới hạn.
Là một bác sĩ, em trai Hwang Pyŏng-Wŏn cuối cùng làm việc cho không quân, một công việc tốt trong một chế độ độc tài quân sự. Thế nhưng ngay cả những người có đặc quyền ở Bắc Triều Tiên cũng không khấm khá lắm. Khi anh em gặp lại nhau, Hwang Pyŏng-Wŏn hỏi thăm về cuộc sống ở phía nam vĩ tuyến 38. Ông có một chiếc ô-tô, nhưng em ông không có. “Thế em có điện thoại không?” Ông hỏi em trai. Người em đáp: “Không. Con gái em làm việc cho Bộ ngoại vụ có một chiếc điện thoại, nhưng nếu không biết mã thì anh cũng không thể gọi được”. Hwang Pyŏng-Wŏn nhớ lại, tất cả những người từ miền bắc trong cuộc đoàn tụ đều hỏi về tiền, nên ông đưa tiền cho em trai. Nhưng người em nói: “Nếu em mang tiền về, nhà nước sẽ yêu cầu em nộp lại tiền cho họ, thế nên anh cứ giữ tiền đi”. Hwang Pyŏng-Wŏn nhận thấy chiếc áo khoác của em đã mòn xơ cả chỉ, ông đề nghị: “Cởi chiếc áo đó ra và bỏ lại đây, khi quay về em hãy mặc chiếc áo này”. Người em đáp: “Em không làm thế được. Đó là áo mượn của nhà nước để đến đây”. Hwang Pyŏng-Wŏn nhớ lại khi họ tạm biệt nhau, người em trai rất dễ đau ốm và luôn luôn lo lắng như thể có người đang nghe trộm họ. Ông nghèo hơn Hwang Pyŏng-Wŏn tưởng tượng. Người em nói mình sống khá giả, nhưng Hwang Pyŏng-Wŏn nghĩ em ông trông rất yếu và gầy như que củi.
Người dân Nam Triều Tiên có mức sống tương tự như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Đối với miền bắc, nơi gọi là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, hay Bắc Triều Tiên, mức sống tương tự như của một nước hạ Sahara ở châu Phi, chỉ bằng khoảng 1/10 mức sống bình quân của Nam Triều Tiên. Tình trạng y tế của Bắc Triều Tiên thậm chí còn tệ hơn; tuổi thọ bình quân của người Bắc Triều Tiên thấp hơn khoảng 10 năm so với những người anh em ở phía nam vĩ tuyến 38. Bản đồ 7 minh họa một cách ngoạn mục khoảng cách kinh tế giữa hai miền Triều Tiên. Bản đồ này trình bày dữ liệu về cường độ ánh sáng vào ban đêm từ hình ảnh vệ tinh. Bắc Triều Tiên gần như hoàn toàn tăm tối do thiếu điện; Nam Triều Tiên thì rực rỡ ánh đèn.
Bản đồ 7: Ảnh chụp từ vệ tinh vào ban đêm ở Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên (p.101)
Sự tương phản rõ rệt này không hề xưa cũ. Trên thực tế, sự khác biệt này không tồn tại trước khi kết thúc Thế chiến thứ hai. Nhưng sau năm 1945, chính phủ khác nhau ở hai miền nam-bắc đã thực hiện những đường lối tổ chức kinh tế hết sức khác nhau. Syngman Rhee, người được đào tạo ở Đại học Harvard và Princeton, đã lãnh đạo Nam Triều Tiên, và các thể chế kinh tế và chính trị ban đầu của đất nước cũng được định hình với sự hỗ trợ đáng kể của Hoa Kỳ. Rhee được bầu làm tổng thống vào năm 1948. Được tôi luyện trong cuộc chiến tranh Triều Tiên và đối phó trước sự đe dọa của chủ nghĩa cộng sản lan sang phía nam vĩ tuyến 38, Nam Triều Tiên không có nền dân chủ. Cả Rhee và người kế nhiệm nổi tiếng không kém của ông - tướng Park Chung-Hee - đều đi vào lịch sử như những vị tổng thống độc tài. Nhưng cả hai đều cai quản một nền kinh tế thị trường, trong đó sở hữu tư nhân được công nhận, và sau năm 1961, Park chủ trương nhà nước hỗ trợ hữu hiệu cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, phân bổ tín dụng và trợ cấp cho những doanh nghiệp thành công.
Tình hình ở phía bắc vĩ tuyến 38 thì khác. Kim Nhật Thành (Kim Il-Sung), nhà lãnh đạo phong trào kháng Nhật của những người theo chủ nghĩa cộng sản trong Thế chiến thứ hai, nổi lên như một nhà độc tài vào năm 1947, và với sự giúp đỡ của Liên Xô, đã áp dụng một hình thức kinh tế kế hoạch hóa tập trung cứng nhắc như một phần của hệ thống “Chủ thể” (Juche). Sở hữu tư nhân không được chấp nhận và các thị trường bị cấm đoán. Tự do bị khống chế không chỉ trên thương trường, mà trong mọi lĩnh vực đời sống của người dân Bắc Triều Tiên - ngoại trừ những người vì lý do nào đó trở thành một phần trong giới quyền thế cầm quyền xung quanh Kim Nhật Thành, và về sau là con trai ông và cũng là người kế vị Kim Chính Nhật (Kim Jong-Il).
Không ngạc nhiên khi thấy vận mệnh kinh tế của hai miền nam và bắc Triều Tiên phân hóa vô cùng sâu sắc. Nền kinh tế mệnh lệnh của Kim Nhật Thành và hệ thống Chủ thể chẳng bao lâu đã tỏ ra là một thảm họa. Mặc dù không có số liệu thống kê chi tiết, vốn được coi là bí mật quốc gia ở Bắc Triều Tiên, tuy nhiên bằng chứng hiện có xác nhận rằng những trận đói xảy ra quá thường xuyên: chẳng những sản xuất công nghiệp không cất cánh được, mà Bắc Triều Tiên thật ra còn trải qua sự sụp đổ năng suất nông nghiệp. Thiếu sở hữu tư nhân có nghĩa là gần như không ai có động cơ đầu tư hay phát huy nỗ lực để gia tăng năng suất hay thậm chí duy trì năng suất. Cơ chế bóp nghẹt và đè nén vô cùng tai hại đối với phát minh đổi mới và áp dụng công nghệ mới. Nhưng Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật và giới thân hữu của họ không có ý định cải tổ hệ thống hay chấp nhận sở hữu tư nhân, các thị trường, các hợp đồng tư nhân, hay thay đổi các thể chế kinh tế và chính trị. Bắc Triều Tiên tiếp tục đình trệ về mặt kinh tế.
Trong khi đó, ở miền nam, các thể chế kinh tế có tác dụng khuyến khích đầu tư và thương mại. Các chính khách Nam Triều Tiên đầu tư vào giáo dục, đạt tỷ lệ biết chữ và tỷ lệ phổ cập giáo dục cao. Các công ty Nam Triều Tiên nhanh chóng tận dụng lợi thế dân số có trình độ tương đối cao, các chính sách khuyến khích đầu tư và công nghiệp hóa, xuất khẩu và chuyển giao công nghệ. Nam Triều Tiên nhanh chóng trở thành một trong những “nền kinh tế thần kỳ” của Đông Á, một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Đến cuối thập niên 1990, chỉ sau khoảng một nửa thế kỷ, sự tăng trưởng của Nam Triều Tiên và đình trệ của Bắc Triều Tiên dẫn đến khoảng cách gấp 10 lần giữa hai nửa của một lãnh thổ từng là một quốc gia thống nhất - thì hãy thử hình dung sự khác biệt mà một vài thế kỷ có thể mang lại có thể lớn đến nhường nào. Thảm họa kinh tế của Bắc Triều Tiên, làm cho hàng triệu người chết đói, đặt cạnh thành công kinh tế của Nam Triều Tiên, thật là ấn tượng: không phải văn hóa mà cũng chẳng phải yếu tố địa lý hay tình trạng thiếu hiểu biết có thể giải thích cho sự phân ly giữa Nam và Bắc Triều Tiên. Chúng ta phải nhìn vào các thể chế để tìm câu trả lời.
CÁC THỂ CHẾ KINH TẾ CHIẾM ĐOẠT VÀ DUNG HỢP
Các nước có thành công kinh tế khác nhau là do các thể chế và các quy tắc khác nhau tác động đến sự vận hành của nền kinh tế và động cơ của dân chúng một cách không giống nhau. Hãy tưởng tượng thanh thiếu niên ở Nam và Bắc Triều Tiên, và những gì họ trông đợi từ cuộc sống. Thanh thiếu niên Bắc Triều Tiên lớn lên trong đói nghèo, không có tinh thần nghiệp chủ, óc sáng tạo, hay nền giáo dục đầy đủ để chuẩn bị cho họ đón nhận những việc làm có kỹ năng. Phần lớn nền giáo dục họ nhận được ở nhà trường là sự tuyên truyền thuần túy nhằm củng cố tính chính thống của chế độ; sách vở còn thiếu, huống hồ là máy tính. Sau khi học xong phổ thông, mọi người đều phải phục vụ 10 năm trong quân đội. Các thanh thiếu niên này biết họ sẽ không được sở hữu tài sản riêng, không được thành lập doanh nghiệp hay trở nên thịnh vượng hơn, mặc dù trên thực tế nhiều người tham gia vào các hoạt động kinh tế tư nhân một cách bất hợp pháp để kiếm sống. Họ cũng biết họ sẽ không được tiếp cận một cách hợp pháp với các thị trường để có thể sử dụng kỹ năng hay thu nhập của mình nhằm mua sắm những hàng hóa họ cần và mơ ước. Họ thậm chí còn không biết chắc về loại nhân quyền nào họ sẽ được hưởng.
Những thanh thiếu niên ở Nam Triều Tiên hấp thu một nền giáo dục tốt, và đứng trước những động cơ khuyến khích họ phát huy nỗ lực và tinh thông trong những ngành nghề họ chọn. Nam Triều Tiên là một nền kinh tế thị trường, được xây dựng trên sự sở hữu tư nhân. Thanh thiếu niên Nam Triều Tiên biết rằng, nếu thành công trên cương vị một nghiệp chủ hay người lao động, ngày nào đó họ có thể tận hưởng quả ngọt từ sự đầu tư và nỗ lực của họ; họ có thể cải thiện mức sống, sắm ô-tô, mua nhà và chăm sóc sức khỏe.
Ở miền nam, nhà nước hỗ trợ hoạt động kinh tế. Vĩ thế các nghiệp chủ có thể vay tiền từ ngân hàng và các thị trường tài chính, các công ty nước ngoài có thể hợp tác với các doanh nghiệp Nam Triều Tiên, các cá nhân có thể vay thế chấp để mua nhà. Ở miền nam nói chung, bạn được tự do thành lập bất kỳ hoạt động kinh doanh nào bạn thích, ở miền bắc thì không. Ở miền nam, bạn có thể tuyển dụng lao động, bán sản phẩm hay dịch vụ và tiêu tiền trên thị trường theo bất kỳ cách nào bạn muốn, ở miền bắc chỉ có thị trường chợ đen. Các luật lệ khác nhau này là các thể chế trong đó Nam và Bắc Triều Tiên đang sống.
Những thể chế kinh tế dung hợp (inclusive institutions) như ở Nam Triều Tiên hay ở Hoa Kỳ là những thể chế cho phép và khuyến khích sự tham gia của đại đa số dân chúng vào các hoạt động kinh tế, sử dụng tốt nhất tài năng và trình độ của họ, và giúp các cá nhân thực hiện những lựa chọn họ muốn. Để có tính dung hợp, các thể chế kinh tế phải công nhận sở hữu tư nhân, phải có một hệ thống luật pháp không thiên vị, và phải cung cấp các dịch vụ công, mang lại một sân chơi bình đẳng trong đó mọi người có thể trao đổi và ký kết hợp đồng; thể chế đó cũng phải cho phép thành lập các doanh nghiệp mới và cho phép dân chúng được chọn lựa sự nghiệp của họ.
SỰ TƯƠNG PHẢN giữa Nam và Bắc Triều Tiên cũng như giữa Hoa Kỳ và châu Mỹ La-tinh giúp minh họa cho một nguyên tắc tổng quát. Các thể chế kinh tế dung hợp đẩy mạnh hoạt động kinh tế, tăng trưởng năng suất và thịnh vượng kinh tế. Việc bảo đảm các quyền sở hữu tư nhân là quan trọng, vì chỉ những người được bảo đảm các quyền này mới sẵn lòng đầu tư và gia tăng năng suất. Một doanh nhân dự đoán rằng sản lượng của mình sẽ bị đánh cắp, bị tước đoạt, hay bị đánh thuế toàn bộ sẽ không có động cơ để làm việc, còn nói gì đến động cơ đầu tư hay phát minh đổi mới. Nhưng các quyền này phải tồn tại đối với đại đa số dân chúng trong xã hội.
Năm 1680, chính phủ Anh thực hiện một cuộc điều tra dân số ở thuộc địa Barbados vùng Tây Anh-điêng. Cuộc điều tra cho thấy trong tổng dân số khoảng 60 nghìn người, gần 39 nghìn người là nô lệ gốc Phi, là tài sản thuộc sở hữu của khoảng 1/3 dân số còn lại. Trên thực tế, họ chủ yếu là tài sản của 175 chủ đồn điền trồng mía lớn nhất, những người đồng thời sở hữu hầu hết đất đai. Quyền tài sản đối với đất đai và nô lệ của những chủ đồn điền mía này được bảo đảm và chế tài tốt. Nếu một chủ đồn điền muốn bán nô lệ cho một người khác, họ có thể làm điều đó và kỳ vọng tòa án sẽ cưỡng chế thi hành việc bán nô lệ hay bất kỳ một hợp đồng nào khác mà họ ký kết. Tại sao? Trong số 40 quan tòa và thẩm phán hòa giải sơ thẩm của hòn đảo này, có đến 29 người cũng là các chủ đồn điền lớn. Đồng thời, 8 quan chức quân đội cao cấp nhất là các chủ đồn điền lớn. Bất chấp các quyền sở hữu và hợp đồng được xác lập chặt chẽ, được bảo đảm và thực thi đối với giới quyền thế của hòn đảo, Barbados không có các thể chế kinh tế dung hợp, vì có đến 2/3 dân số là nô lệ, không được tiếp cận với nền giáo dục hay các cơ hội kinh tế, và không có khả năng hay động cơ khuyến khích họ sử dụng tài năng hay kỹ năng của họ. Muốn có các thể chế kinh tế dung hợp phải có các quyền sở hữu tài sản đảm bảo và cơ hội kinh tế không chỉ dành cho giới quyền thế mà cho đông đảo quần chúng trong xã hội.
Các quyền sở hữu đảm bảo, luật pháp, các dịch vụ công, tự do hợp đồng và trao đổi, tất cả đều dựa vào nhà nước - thể chế với năng lực cưỡng chế để áp đặt trật tự, ngăn ngừa trộm cắp và lừa đảo, và cưỡng chế thực thi hợp đồng giữa các bên tư nhân. Để vận hành trôi chảy, xã hội cũng cần có các dịch vụ công khác: đường sá và mạng lưới giao thông tốt để có thể lưu thông vận chuyển; cơ sở hạ tầng công để hoạt động kinh tế có thể nở rộ; và một loại hình giám sát điều tiết cơ bản nhất định để ngăn chặn lừa đảo và lạm dụng quyền hạn. Cho dù nhiều dịch vụ này có thể được cung cấp bởi thị trường và tư nhân, mức độ phối hợp cần thiết để làm điều đó trên quy mô lớn thường cản trở mọi người, ngoại trừ chính quyền trung ương. Vì thế, nhà nước tất yếu phải đan xen với các thể chế kinh tế, trên cương vị người thực thi luật pháp và trật tự, sở hữu tư nhân và hợp đồng, và trên cương vị nhà cung cấp dịch vụ công. Các thể chế kinh tế dung hợp cần có nhà nước và phải sử dụng nhà nước.
Các thể chế kinh tế của Bắc Triều Tiên hay châu Mỹ La-tinh - các hệ thống cai trị mita, encomienda hay repartimiento mô tả trên đây - không có những đặc tính này. Sở hữu tư nhân không tồn tại ở Bắc Triều Tiên. Châu Mỹ La-tinh thời thuộc địa có quyền sở hữu tư nhân dành cho người Tây Ban Nha, nhưng sự sở hữu tài sản của người dân bản xứ hết sức bấp bênh. Trong cả hai hình thức tổ chức xã hội này, đại đa số dân chúng không thể ra các quyết định kinh tế mà họ muốn; họ phải chịu sự áp bức đáng kể. Trong cả hai hình thức tổ chức xã hội này, quyền lực của nhà nước không được sử dụng để cung cấp các dịch vụ công then chốt giúp thúc đẩy sự phồn vinh. Ở Bắc Triều Tiên, nhà nước xây dựng một hệ thống giáo dục để đẩy mạnh tuyên truyền, nhưng không thể ngăn được nạn đói. Ở châu Mỹ La-tinh thời thuộc địa, nhà nước tập trung vào việc cưỡng bức người dân bản xứ. Trong cả hai hình thức tổ chức xã hội này đều không có một sân chơi bình đẳng, hay một hệ thống luật pháp không thiên vị. Ở Bắc Triều Tiên, hệ thống luật pháp là một nhánh của đảng cầm quyền, và ở châu Mỹ La-tinh, hệ thống luật pháp là công cụ phân biệt đối xử, chống lại đại đa số dân chúng. Chúng ta gọi các thể chế này là các thể chế kinh tế chiếm đoạt (extractive institutions), với những đặc điểm trái ngược với các thể chế kinh tế dung hợp; chiếm đoạt là vì các thể chế này được thiết kế để chiếm đoạt thu nhập và của cải từ một bộ phận xã hội và làm lợi cho một bộ phận khác.
ĐỘNG CƠ CỦA THỊNH VƯỢNG
Các thể chế kinh tế dung hợp tạo ra các thị trường dung hợp, không chỉ cho phép dân chúng tự do theo đuổi các thiên hướng nghề nghiệp trong cuộc sống theo cách phù hợp nhất với tài năng của họ mà còn mang lại một sân chơi bình đẳng, tạo cho họ cơ hội để làm điều đó. Những người có những ý tưởng tốt có thể thành lập doanh nghiệp; người lao động sẽ chọn những hoạt động có năng suất cao hơn; và những doanh nghiệp kém hiệu quả có thể được thay thế bằng những doanh nghiệp hiệu quả hơn. Hãy đối chiếu cách thức dân chúng chọn nghề trong các thị trường dung hợp so với thuộc địa Peru và Boliva chẳng hạn, ở đó trong hệ thống cai trị mita, nhiều người bị cưỡng bức lao động trong các mỏ bạc hay mỏ đồng, bất kể kỹ năng của họ ra sao và liệu họ có muốn làm việc như thế hay không. Các thị trường dung hợp không chỉ là các thị trường tự do. Barbados vào thế kỷ 17 cũng có thị trường. Nhưng cũng hệt như việc đất nước này không có quyền sở hữu tài sản cho mọi người ngoại trừ giới quyền thế chủ đồn điền, các thị trường ở đây cũng không có tính dung hợp; các thị trường nô lệ thật ra là một phần của các thể chế kinh tế cưỡng đoạt một cách có hệ thống đối với đại đa số dân chúng và tước đoạt khả năng chọn nghề cũng như không cho phép họ sử dụng tài năng của mình.
Các thể chế kinh tế dung hợp cũng lát đường cho hai động cơ của thịnh vượng: công nghệ và giáo dục. Tăng trưởng kinh tế bền vững gần như luôn luôn đi kèm với cải tiến công nghệ giúp dân chúng (lao động), đất đai và vốn (nhà xưởng, máy móc hiện có…) trở nên có năng suất cao hơn. Hãy nghĩ đến ông bà cụ kị của chúng ta chỉ hơn một thế kỷ trước đây không được tiếp cận với máy bay, ô-tô hay hầu hết các loại thuốc và biện pháp chăm sóc y tế mà hiện giờ ta xem là đương nhiên, ấy là còn chưa nói đến hệ thống nước máy trong nhà, máy điều hòa không khí, các cửa hàng mua sắm, radio hay phim ảnh; hay còn chưa kể đến công nghệ thông tin, người máy hay máy móc điều khiển bằng máy tính. Và nhìn lại xa hơn vài thế hệ trước đó, bí quyết công nghệ và mức sống thậm chí còn lạc hậu hơn, đến mức ta khó lòng hình dung làm thế nào đa số dân chúng lại có thể vật lộn với cuộc sống. Những cải thiện này có được là nhờ khoa học và những nghiệp chủ như Thomas Edison, những người áp dụng khoa học để tạo ra các doanh nghiệp hoạt động sinh lợi. Quá trình đổi mới này có thể đạt được nhờ vào các thể chế kinh tế khuyến khích sở hữu tư nhân, thực thi hợp đồng, tạo ra một sân chơi bình đẳng, khuyến khích và cho phép thành lập doanh nghiệp mới để có thể mang công nghệ mới đến với cuộc sống. Do đó, ta không ngạc nhiên khi thấy chính xã hội Hoa Kỳ, chứ không phải Mexico hay Peru, đã sản sinh ra Thomas Edison, và chính Nam Triều Tiên, chứ không phải Bắc Triều Tiên, ngày nay đã sản sinh ra những công ty phát minh đổi mới công nghệ như Samsung hay Hyundai.
Gắn bó mật thiết với công nghệ là giáo dục, kỹ năng, tài năng và bí quyết của lực lượng lao động được hấp thu ở nhà trường, ở nhà và trong công việc. Chúng ta ngày nay có năng suất cao hơn nhiều so với một thế kỷ trước đây, không chỉ vì công nghệ tốt hơn gắn liền với máy móc, mà còn vì người lao động có nhiều bí quyết và kỹ năng hơn. Tất cả công nghệ trên thế giới sẽ không có ích gì nếu không có những người lao động biết cách vận hành những công nghệ ấy. Nhưng ngoài khả năng vận hành máy móc còn có những kỹ năng và tài năng khác. Chính giáo dục và kỹ năng của lực lượng lao động đã tạo ra tri thức khoa học mà từ đó mới có thể tích lũy tiến bộ cũng như giúp điều chỉnh và áp dụng các công nghệ này trong mọi ngành nghề kinh doanh đa dạng. Cho dù chúng ta đã thấy trong Chương 1 rằng nhiều nhà phát minh trong thời đại Cách mạng công nghiệp và sau đó, như Thomas Edison, không phải là những người có học vấn cao, các phát minh này đơn giản hơn nhiều so với công nghệ hiện đại. Ngày nay, thay đổi công nghệ đòi hỏi phải có trình độ học vấn của nhà phát minh và của cả người lao động. Và ở đây, chúng ta thấy tầm quan trọng của những thể chế kinh tế tạo ra một sân chơi bình đẳng. Hoa Kỳ có thể sinh ra hay thu hút được từ nước ngoài những người như Bill Gates, Steve Jobs, Sergey Brin, Larry Page, Jeff Bezos và hàng trăm nhà khoa học đã tạo ra những phát minh cơ bản trong công nghệ thông tin, năng lượng hạt nhân, công nghệ sinh học và các lĩnh vực khác để từ đó các nghiệp chủ này xây dựng hoạt động kinh doanh của họ. Nguồn cung nhân tài được khai thác ở Mỹ vì hầu hết thanh thiếu niên ở đây đều được tiếp cận giáo dục theo ý muốn hay theo khả năng hấp thu của họ. Bây giờ hãy tưởng tượng một xã hội khác, như Congo hay Haiti, nơi mà phần lớn dân chúng không có phương tiện để đi học, hay nơi mà nếu dân chúng có thể xoay sở để đi học, thì chất lượng giảng dạy cũng thật đáng thương, nơi không có giáo viên đến dạy, hay thậm chí nếu họ có đến, cũng không chắc có sách vở.
Trình độ học vấn thấp của các nước nghèo là do các thể chế kinh tế không tạo ra động cơ khuyến khích phụ huynh cho con em ăn học và do các thể chế chính trị không làm cho chính phủ xây dựng, tài trợ, hỗ trợ nhà trường và hỗ trợ mong muốn của phụ huynh và học sinh. Cái giá mà những nước này phải trả cho trình độ học vấn thấp của dân chúng và sự thiếu vắng các thị trường dung hợp thật là đắt đỏ. Họ không thể huy động được nguồn nhân tài mới phôi thai của mình. Họ có nhiều Bill Gates tiềm năng và có lẽ có một hay hai Albert Einsteins hiện đang làm việc như những nhà nông lam lũ không có học vấn, bị buộc phải làm những việc họ không muốn làm hay phải giạt vào quân đội, vì họ không bao giờ có cơ hội hiện thực hóa thiên hướng nghề nghiệp trong đời.
Khả năng của các thể chế kinh tế nhằm khai thác tiềm năng của các thị trường có tính dung hợp, khuyến khích phát minh đổi mới công nghệ, đầu tư vào nhân lực, huy động nhân tài và kỹ năng của đông đảo dân chúng là vô cùng quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Giải thích lý do tại sao nhiều thể chế kinh tế không thể đáp ứng được các mục tiêu đơn giản đó là chủ đề trọng tâm của quyển sách này.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)