[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương X: Truyền bá sự thịnh vượng (Phần 1)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương X: Truyền bá sự thịnh vượng (Phần 1)

TRỘM CẮP CŨNG CÓ DANH DỰ

NƯỚC ANH VÀO THẾ KỶ 18, hay nói chính xác hơn là Vương quốc Anh sau khi Anh, xứ Wales và Scotland hợp nhất vào năm 1707, đã có một giải pháp đơn giản để đối phó với những kẻ tội phạm: biến đi cho đỡ nhức mắt, biến đi cho đỡ nhức óc, hoặc ít ra là biến đi cho đỡ rắc rối. Họ đưa tội phạm đến các vùng thuộc địa lưu đày của Đế quốc Anh. Trước khi xảy ra cuộc chiến giành độc lập ở Mỹ, tội phạm và những người bị kết án chủ yếu bị đày đến đây. Sau năm 1783, Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ độc lập không chấp nhận tội phạm người Anh nữa. Chính quyền Anh phải tìm một nơi khác cho họ. Thoạt đầu, người ta nghĩ đến Tây Phi. Tuy nhiên, khí hậu khắc nghiệt cùng với dịch bệnh đặc hữu như sốt rét và bệnh vàng da mà người châu Âu không có khả năng miễn dịch đã gây tử vong khủng khiếp đến mức chính quyền quyết định ngay cả tội phạm cũng không thể bị đày đến “nghĩa trang của người da trắng” này. Phương án kế tiếp là châu Úc. Vùng ven biển phía đông của lục địa này đã được nhà hàng hải vĩ đại, thuyền trưởng James Cook, khám phá. Vào ngày 29/4/1770, Cook cập bến ở một vịnh nhỏ xinh đẹp mà ông gọi là vịnh Botany, nhằm tôn vinh các chủng loài sinh vật phong phú mà các nhà tự nhiên học đi cùng ông đã tìm thấy ở đây. Vịnh Botany dường như là một địa điểm lý tưởng cho chính phủ Anh. Nơi đây có khí hậu ôn hòa và rõ ràng là “khuất mắt” như người ta có thể hình dung.

Tháng 1/1788, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Arthur Phillip, một hạm đội gồm 11 con tàu chở những người bị kết án đến vịnh Botany. Ngày 26/1, mà ngày nay đã trở thành ngày Quốc khánh Úc, họ dựng trại tại Sydney Cove, trung tâm của thành phố Sydney hiện đại. Họ gọi nơi đây là thuộc địa New South Wales. Trên một trong những con tàu này, tàu Alexander, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Duncan Sinclair, có một cặp vợ chồng tội phạm, Henry và Susannah Cable. Susannah bị kết tội ăn cắp và thoạt đầu bị kết án tử hình. Bản án sau đó được giảm xuống còn 14 năm tù và bị đày đến thuộc địa Mỹ. Kế hoạch lưu đày không thực hiện được với nền độc lập của Hoa Kỳ. Trong khi đó, ở nhà tù Norwich Castle, Susannah gặp gỡ và đem lòng yêu Henry, cũng là một tù nhân. Năm 1787, cô được chọn đưa đến thuộc địa tội phạm mới ở Úc trên chuyến tàu đầu tiên đến đây. Nhưng Henry không có mặt trong nhóm này. Đến lúc đó, Susannah và Henry đã có một con trai, cũng được đặt tên là Henry. Quyết định này có nghĩa là gia đình họ sẽ bị chia ly. Susannah được chuyển tới một thuyền chứa tù nhân neo đậu trên sông Thames, nhưng tin tức về câu chuyện chia ly này đã tới tai nhà từ thiện Lady Cadogan. Lady Cadogan đã tổ chức thành công một chiến dịch đoàn tụ gia đình cho nhà Cable. Bây giờ cả gia đình cùng được đưa đến Úc. Lady Cadogan cũng quyên góp được 20 bảng Anh để mua hàng hóa vật dụng cho họ mà họ sẽ được nhận khi đến Úc. Được vận chuyển trên thuyền Alexander, nhưng khi đến Vịnh Botany, bưu kiện hàng hóa đã biến mất, hoặc chí ít đó là những gì thuyền trưởng Sinclair tuyên bố.

Nhà Cable có thể làm gì? Theo luật pháp của Vương quốc Anh thì họ gần như không thể làm gì được. Mặc dù vào năm 1787, nước Anh đã có các thể chế chính trị và kinh tế mang tính dung hợp, nhưng tính dung hợp này không áp dụng cho những người bị kết án, những người không có quyền gì trên thực tế. Họ không được sở hữu tài sản. Họ chắc chắn không thể khởi kiện bất cứ ai ra tòa. Trên thực tế, họ thậm chí còn không được làm chứng trước tòa. Sinclair biết điều này và có thể đã đánh cắp bưu kiện. Mặc dù không bao giờ thừa nhận điều đó, nhưng ông huênh hoang rằng nhà Cable không thể kiện ông được. Ông có lý theo luật pháp Anh. Nếu là ở Anh thì toàn bộ câu chuyện hẳn đã kết thúc ở đó, nhưng ở Úc thì không. Một trát lệnh đã được ban hành cho ủy viên công tố David Collins như sau:

Trước khi rời nước Anh, Henry Cable và vợ, những người định cư mới của vùng này, có một bưu kiện vận chuyển trên tàu Alexander của thuyền trưởng Duncan Sinclair, gồm quần áo và một số vật dụng khác phù hợp với tình hình hiện tại của họ, do các nhà hảo tâm quyên góp và mua sắm cho Henry Cable, vợ và con sử dụng. Họ đã làm đơn trình bày mục đích là muốn nhận lại bưu kiện nói trên từ chủ tàu Alexander hiện đang đậu tại cảng này, và ngoại trừ một phần nhỏ của bưu kiện nói trên bao gồm một vài quyển sách, phần còn lại, vốn có giá trị đáng kể, vẫn còn trên tàu Alexander; chủ tàu tỏ ý không quan tâm lo liệu việc chuyển giao đến các chủ sở hữu như trên.

Vì không biết chữ, cả Henry và Susannah đều không thể ký vào trát lệnh mà chỉ đánh dấu thập ở bên dưới. Cụm từ “những người định cư mới của vùng này” sau đó đã bị gạch bỏ, nhưng có ý nghĩa quan trọng. Có người dự đoán rằng nếu Henry Cable và vợ ông được mô tả là những người bị kết án, thì chắc vụ kiện sẽ không có hy vọng được giải quyết. Thay vào đó, người ta nảy ra ý tưởng gọi họ là những người định cư mới. Vụ kiện có thể hơi khó cho thẩm phán Collins, và rất có thể chính ông là người đã nghĩ ra cách gọi này. Tuy nhiên, trát lệnh đã phát huy tác dụng. Collins không bỏ qua vụ kiện, ông triệu tập tòa án với toàn bộ thành phần bồi thẩm đoàn là các binh lính. Sinclair được triệu tập tại tòa. Mặc dù Collins không nhiệt tình lắm với vụ kiện và bồi thẩm đoàn gồm những người được cử đến Úc để canh gác những người bị kết án như gia đình nhà Cable, thế nhưng nhà Cable vẫn thắng. Sinclair cãi rằng nhà Cable là tội phạm. Nhưng phán quyết vẫn giữ nguyên, và ông phải trả 15 bảng.

Để ra phán quyết, Thẩm phán Collins đã không áp dụng luật pháp Anh. Đây là vụ kiện dân sự đầu tiên tại Úc. Vụ kiện hình sự đầu tiên xảy ra cũng không kém phần kỳ quái đối với những người sống ở Anh. Một tội phạm đã bị quy tội ăn cắp bánh mì của một tội phạm khác, trị giá 2 xu. Vào thời bấy giờ, những vụ việc như thế này sẽ không được đưa ra tòa, vì những người bị kết án không được phép sở hữu bất cứ thứ gì. Nhưng nước Úc không phải là nước Anh; và đơn giản luật pháp Úc không phải là luật pháp Anh. Và chẳng bao lâu sau, Úc trở nên khác với Anh cả về luật hình sự và luật dân sự cũng như về nhiều thể chế kinh tế và chính trị khác.

Thuộc địa lưu đày New South Wales thoạt đầu bao gồm những kẻ bị kết án và những người gác tù, chủ yếu là binh sĩ. Mãi đến những năm 1820 vẫn chưa có nhiều “người định cư tự do” tại Úc; và việc đưa tội phạm đến đây mặc dù đã chấm dứt từ năm 1840 ở New South Wales, nhưng vẫn tiếp diễn cho đến năm 1868 ở Tây Úc. Các tội phạm phải làm “những công việc bắt buộc”, một cách gọi khác của lao động cưỡng bức, và những người canh gác họ dự định kiếm tiền từ công việc này. Thoạt đầu, các tội phạm không được trả công lao động mà chỉ được cung cấp thực phẩm. Lính gác sẽ chiếm giữ những gì họ sản xuất ra. Nhưng cũng hệt như hệ thống mà Công ty Virginia thử nghiệm ở Jamestown, hệ thống này vận hành không trôi chảy lắm, vì không có động cơ khuyến khích các tội phạm làm việc tốt và chăm chỉ. Họ bị đánh bằng roi hoặc bị trục xuất đến đảo Norfolk ở Thái Bình Dương cách hơn 1.000 dặm (1.609 km) về phía đông của Úc, với diện tích chỉ có 13 dặm vuông (33,7 km2). Nhưng vì việc trục xuất hay đánh đập đều không mang lại kết quả, phương án khác là tạo ra các động cơ khuyến khích. Đây không phải là một ý tưởng tự nhiên đối với các binh sĩ và những người gác tù. Tội phạm vẫn là tội phạm, và người ta quen cho rằng họ không có quyền bán sức lao động hay sở hữu tài sản. Nhưng không có ai khác để làm việc ở Úc. Lẽ dĩ nhiên, ở Úc cũng có khoảng một triệu thổ dân vào thời điểm hình thành thuộc địa New South Wales, nhưng họ sống rải rác trên một lục địa rộng lớn, và vì vậy không đủ để xây dựng một nền kinh tế dựa vào việc bóc lột sức lao động của họ. Không có phương án theo kiểu châu Mỹ La-tinh ở Úc. Vì thế, những người cai tù bước vào một lộ trình mà cuối cùng sẽ dẫn đến những thể chế thậm chí còn có tính dung hợp hơn so với ở Anh. Các tội phạm được giao một số nhiệm vụ để làm, và nếu họ có dư thời gian, họ có thể làm việc cho chính mình và được phép bán những gì họ sản xuất ra.

Binh lính cũng được hưởng lợi từ quyền tự do kinh tế mới của các tội phạm. Sản xuất gia tăng, những người gác tù thiết lập các thế lực độc quyền để bán hàng hóa cho các tội phạm. Bán chạy nhất trong số các mặt hàng này là rượu rum. Hệt như các thuộc địa khác của Anh, New South Wales lúc bấy giờ được điều hành bởi một thống đốc do chính phủ Anh bổ nhiệm. Năm 1806, nước Anh bổ nhiệm William Bligh, mà 17 năm trước đây, năm 1789, vốn là thuyền trưởng tàu H.M.S Bounty trong cuộc bạo loạn nổi tiếng “Bạo loạn trên tàu Bounty”. Bligh là người có kỷ luật nghiêm khắc, một đặc điểm mà có lẽ cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc bạo loạn thời đó. Tính cách của ông không thay đổi, và ông ngay lập tức thách thức độc quyền rượu rum. Điều này dẫn đến một cuộc nổi dậy, lần này được thực hiện bởi các thế lực độc quyền dưới sự lãnh đạo của một cựu chiến binh, John Macarthur. Sự kiện này được gọi là “Bạo loạn rượu rum”; và một lần nữa, Bligh bị lật đổ bởi những người nổi dậy nhưng lần này là trên đất liền chứ không phải trên tàu Bounty. Macarthur bắt giam Bligh. Sau đó, chính quyền Anh đưa quân đến giải quyết vụ bạo loạn. Macarthur bị bắt và bị đưa về Anh, nhưng sớm được phóng thích. Ông quay lại Úc và đóng một vai trò quan trọng trong cả nền chính trị và kinh tế của thuộc địa này.

Gốc rễ của Bạo loạn rượu rum nằm ở các lý do kinh tế. Chiến lược tạo ra động cơ khuyến khích tội phạm lao động đã làm cho rất nhiều người trở nên giàu có, chẳng hạn như Macarthur, một người lính đến Úc trong chuyến tàu thứ hai cập bến vào năm 1790. Năm 1796, ông giải ngũ để tập trung vào công việc kinh doanh. Lúc bấy giờ, ông đã gây dựng được đàn cừu đầu tiên và nhận ra rằng nghề nuôi cừu lấy len xuất khẩu rất có lời. Từ Sydney đi sâu vào nội địa là rặng núi Blue, và khi vượt qua rặng núi này vào năm 1813, người ta tìm thấy một đồng cỏ mênh mông ở bên kia sườn núi. Đó là thiên đàng của cừu. Macarthur nhanh chóng trở thành người giàu có nhất nước Úc. Ông và những người kinh doanh cừu như ông trở thành những người chiếm dụng đất bất hợp pháp, vì họ chăn thả cừu trên những vùng đất không thuộc sở hữu của họ. Đó là đất thuộc sở hữu của chính phủ Anh. Nhưng thoạt đầu, đây chỉ là một chi tiết nhỏ nhặt. Những người chiếm dụng đất trở thành giới quyền thế của Úc, hay gọi chính xác hơn, là giới địa chủ “nhảy dù” quyền thế (squattocracy).

Ngay cả với giới địa chủ quyền thế, New South Wales cũng không giống như các chế độ chuyên chế của Đông Âu hay các thuộc địa Nam Mỹ. Không có nông nô như ở Áo-Hung và Nga, và không có đông đảo người dân bản địa để bóc lột như ở Mexico và Peru. Thay vì thế, New South Wales giống như Jamestown bang Virginia, thể hiện trên nhiều phương diện: giới quyền thế cuối cùng nhận thấy có lợi khi xây dựng các thể chế kinh tế dung hợp hơn so với các thể chế ở Áo-Hung, Nga, Mexico và Peru. Những người bị kết án là lực lượng lao động duy nhất, và cách duy nhất để khuyến khích họ là trả tiền công cho những việc họ làm.

Các tội phạm nhanh chóng được phép trở thành các nghiệp chủ và thuê những tội phạm khác. Đáng chú ý hơn, họ thậm chí còn được cấp đất sau khi hoàn thành bản án của mình, và họ được phục hồi tất cả các quyền. Trong số đó đã có những người trở nên giàu có, ngay cả Henry Cable mù chữ. Đến năm 1798, ông sở hữu một khách sạn gọi là Ramping Horse, và cũng có một cửa hàng. Ông mua một con tàu và kinh doanh đồ da. Đến năm 1809, ông sở hữu ít nhất chín trang trại với diện tích khoảng 470 mẫu Anh cùng một số cửa hàng và nhà đất ở Sydney.

Xung đột tiếp theo ở New South Wales là giữa giới quyền thế và phần còn lại của xã hội, gồm những người bị kết án, cựu tù nhân và gia đình họ. Giới quyền thế dưới sự lãnh đạo của những người gác tù và cựu chiến binh như Macarthur còn bao gồm cả những người định cư tự do đã tới đây vì sự bùng phát của hoạt động kinh doanh len. Hầu hết đất đai vẫn nằm trong tay giới quyền thế, và các cựu tù nhân cũng như con cháu họ muốn chấm dứt việc đưa tù nhân đến thuộc địa, muốn có cơ hội được xét xử bởi một bồi thẩm đoàn gồm những người có cùng hoàn cảnh như họ, và muốn được tự do tiếp cận đất đai. Giới quyền thế không chấp nhận những yêu sách này. Mối quan tâm chính của họ là thiết lập quyền hợp pháp cho những vùng đất mà họ đang chiếm dụng. Tình hình cũng tương tự như những sự kiện đã xảy ra ở Bắc Mỹ hơn hai thế kỷ trước đây. Như chúng ta đã thấy trong chương 1, chiến thắng của những người lao động hợp đồng đối với Công ty Virginia được tiếp bước bởi các cuộc đấu tranh ở Maryland và Carolina. Tại New South Wales, vai trò của Lãnh chúa Baltimore và ngài Anthony Ashley Cooper đã được Macarthur và những người chiếm dụng đất đảm trách. Một lần nữa, chính phủ Anh cũng đứng về phía giới quyền thế, mặc dù chính phủ cũng sợ rằng một ngày kia, Macarthur và những người chiếm dụng đất có thể mong muốn tuyên bố độc lập.

Chính phủ Anh cử John Bigge đến Úc vào năm 1819 để lãnh đạo một ủy ban điều tra về các diễn biến phát triển ở đây. Bigge bị sốc bởi các quyền mà những người bị kết án được hưởng và ngạc nhiên bởi bản chất dung hợp của các thể chế kinh tế ở thuộc địa lưu đày này. Ông kiến nghị một cuộc cải tổ triệt để: các tội phạm không được sở hữu đất, không ai được phép trả lương cho họ nữa, lệnh ân xá bị hạn chế, cựu tù nhân không được cấp đất, và các biện pháp trừng phạt được tiến hành hà khắc hơn. Bigge xem các địa chủ quyền thế là giới quý tộc tự nhiên của Úc và hình dung một xã hội chuyên chế dưới sự thống trị của họ. Thế nhưng điều này đã không xảy ra.

Trong khi Bigge cố gắng quay ngược bánh xe lịch sử, các cựu tù nhân và con cái họ ngày càng đòi hỏi nhiều quyền lợi hơn. Quan trọng nhất, họ nhận ra rằng, một lần nữa, cũng giống như ở Hoa Kỳ, để củng cố các quyền kinh tế và chính trị đầy đủ của mình, họ cần có những thể chế chính trị dung hợp để họ có tiếng nói trong quá trình ra quyết định. Họ đòi hỏi phải có các cuộc bầu cử để họ có thể tham gia một cách bình đẳng. Họ cũng đòi hỏi cả các thể chế đại diện và hội đồng trong đó họ có thể nắm giữ vị trí.

Cựu tù nhân và con cái họ được lãnh đạo bởi nhà văn kiêm nhà thám hiểm và nhà báo sôi nổi William Wentworth. Wentworth là một trong những người dẫn đầu đoàn thám hiểm đầu tiên băng qua rặng núi Blue, mở ra cánh đồng cỏ bạt ngàn cho những người chiếm dụng đất; hiện nay một thị trấn ở vùng núi này vẫn mang tên ông. Ông đồng cảm với những người bị kết án, có lẽ vì cha ông đã từng bị cáo buộc là cướp đường và phải chấp nhận bị đưa đến Úc để tránh bị xét xử và kết án. Lúc bấy giờ, Wentworth là người nhiệt liệt đề xướng các thể chế chính trị dung hợp, một hội đồng dân cử, bồi thẩm đoàn xét xử cho cựu tù nhân và gia đình họ, và chấm dứt việc đưa tù nhân đến New South Wales. Ông sáng lập một tòa báo, tờ Australian, từ đó tấn công vào các thể chế chính trị hiện hành. Macarthur không thích Wentworth và chắc chắn không thích những điều Wentworth yêu cầu. Ông lập ra một danh sách những người ủng hộ Wentworth và mô tả họ như sau:

bị kết án treo cổ kể từ khi đến đây

nhiều lần bị phạt đánh ở đằng sau xe kéo

một người Do Thái Luân Đôn

một chủ quán rượu người Do Thái vừa bị tước giấy phép kinh doanh

một người bán đấu giá bị lưu đày vì mua bán nô lệ

thường bị phạt đánh ở đây

con trai của hai người bị kết án

một kẻ lừa đảo, ngập trong nợ nần

một kẻ phiêu lưu người Mỹ

một luật sư với tính cách vô giá trị

một người lạ vừa thất bại trong một cửa hàng ca nhạc

kết hôn với con gái của hai người bị kết án

kết hôn với một người bị kết án, vốn là một cô gái chơi trống lục lạc trước đây.

Tuy nhiên, sự phản đối quyết liệt của Macarthur và những người chiếm dụng đất không thể ngăn được làn sóng đang dâng cao ở Úc. Nhu cầu về các thể chế đại diện hết sức mãnh liệt và không thể bị dập tắt. Cho đến năm 1823, thống đốc ở đây đã tự cai trị New South Wales ít nhiều theo cách riêng của mình. Năm đó, chính phủ Anh thành lập một hội đồng nhằm hạn chế quyền lực của ông. Thoạt đầu, những người được bổ nhiệm vào hội đồng đều xuất thân từ những người chiếm dụng đất và những người không bị kết án thuộc giới quyền thế, trong đó có Macarthur, nhưng điều này không thể kéo dài. Năm 1831, thống đốc Richard Bourke phải nhượng bộ trước áp lực và lần đầu tiên cho phép cựu tù nhân tham gia bồi thẩm đoàn. Các cựu tù nhân và trên thực tế, nhiều người mới định cư tự do, cũng muốn chấm dứt việc đưa tù nhân từ Anh sang Úc, vì điều này gây ra cạnh tranh trên thị trường lao động và làm giảm tiền lương. Giới địa chủ quyền thế muốn duy trì mức lương thấp nhưng họ đã thất bại. Năm 1840, việc đưa tội phạm đến New South Wales được chấm dứt, và đến năm 1842, Hội đồng lập pháp được thành lập với 2/3 thành viên được bầu (phần còn lại được chỉ định). Những người từng bị kết án trước đây có thể tranh cử và đi bầu nếu họ có đủ tài sản, và nhiều người đã đạt được điều này.

Đến thập niên 1850, Úc đã áp dụng hệ thống bầu cử phổ thông dành cho nam giới da trắng trưởng thành. Nhu cầu của công dân, cựu tù nhân và gia đình họ giờ đây vượt xa những gì mà William Wentworth từng hình dung lúc đầu. Thật ra, lần này ông đứng về phe bảo thủ, nhất quyết không đồng ý Hội đồng lập pháp được bầu. Nhưng cũng giống như Macarthur trước đây, Wentworth không thể ngăn chặn làn sóng hướng tới các thể chế chính trị dung hợp. Năm 1856, bang Victoria, vốn được tách ra từ New South Wales vào năm 1851, và bang Tasmania đã trở thành những nơi đầu tiên trên thế giới thực hiện việc bỏ phiếu kín trong hoạt động bầu cử, chấm dứt việc cưỡng bức và mua bán lá phiếu. Ngày nay, người ta vẫn gọi phương pháp tiêu chuẩn để đạt được tính bí mật cá nhân trong việc bầu cử là phương pháp bỏ phiếu kín theo kiểu Úc.

Tình hình ban đầu tại Sydney bang New South Wales rất giống với tình hình ở Jamestown bang Virginia 181 năm trước đó, mặc dù những người định cư ở Jamestown chủ yếu là người lao động theo hợp đồng chứ không phải là những người bị kết án. Trong cả hai trường hợp, tình thế ban đầu không cho phép xây dựng các thể chế thuộc địa mang tính chiếm đoạt. Không thuộc địa nào có đông đảo người bản xứ để bóc lột, hay có sẵn các kim loại quý như vàng bạc, hay dễ dàng tiếp cận đất đai và cây trồng để xây dựng các đồn điền nô lệ mang lại lợi nhuận kinh tế. Hoạt động mua bán nô lệ vẫn sôi động trong thập niên 1780, và New South Wales biết đâu cũng đầy nô lệ nếu như điều đó mang lại lợi nhuận. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Cả công ty Virginia cũng như các binh lính và những người định cư tự do điều hành New South Wales đều phải nhượng bộ trước các áp lực, dần dần tạo ra các thể chế kinh tế dung hợp phát triển song song với các thể chế chính trị dung hợp. Điều này xảy ra ở New South Wales thậm chí còn dễ dàng và ít tranh đấu hơn so với ở Virginia, và những nỗ lực sau đó nhằm đảo ngược xu hướng này đều thất bại.

CŨNG GIỐNG NHƯ HOA KỲ, Úc đã trải qua một lộ trình tiến tới các thể chế dung hợp khác với nước Anh. Hoa Kỳ hay Úc đều không cần đến những cuộc cách mạng từng làm rung chuyển nước Anh dưới thời nội chiến cũng như trong cuộc Cách mạng Vinh quang sau đó, vì hai nước này ra đời trong những hoàn cảnh rất khác; dù vậy, lẽ dĩ nhiên điều này không có nghĩa là các thể chế dung hợp đã hình thành mà không hề có bất kỳ một xung đột nào, và trong quá trình đó, Hoa Kỳ đã phải lật đổ chủ nghĩa thực dân Anh. Nước Anh vốn có một lịch sử cai trị chuyên chế lâu đời và cần phải có một cuộc cách mạng để lật đổ nó. Hoa Kỳ và Úc không có lịch sử cai trị đó. Mặc dù Lãnh chúa Baltimore ở Maryland và John Macarthur ở New South Wales có thể đã khao khát một vai trò như vậy, nhưng họ không thể xây dựng một thế lực đủ mạnh trong xã hội để kế hoạch của họ đơm hoa kết trái. Các thể chế dung hợp hình thành ở Hoa Kỳ và Úc có nghĩa là cuộc Cách mạng công nghiệp Anh có thể nhanh chóng lan đến những vùng đất này và dân chúng bắt đầu làm giàu. Con đường mà các quốc gia này đi qua đã được tiếp bước bởi các thuộc địa như Canada và New Zealand.

Vẫn còn những lộ trình khác để đến với các thể chế dung hợp. Phần lớn các quốc gia Tây Âu đã đi theo một lộ trình thứ ba dẫn đến các thể chế dung hợp dưới sự thúc đẩy của cuộc Cách mạng Pháp, lật đổ chế độ chuyên chế ở Pháp và sau đó dẫn đến hàng loạt các cuộc xung đột giữa các quốc gia và làm cho công cuộc cải cách thể chế lan ra khắp Tây Âu. Kết quả kinh tế của công cuộc cải cách này là sự vươn lên của các thể chế kinh tế dung hợp, Cách mạng công nghiệp và tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các nước Tây Âu.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh